Gần cuối năm, tại miền bắc California, có một cuộc hội luận của nhóm trí thức và doanh nhân đang sinh hoạt theo một hình thức tôn giáo mới gọi là “Ngành Học về Khoa Học Tôn Giáo” được tổ chức tại Chico. “Khoa Giáo Học” là cách tạm dịch hơi khiên cưỡng của một nhóm từ mới – Scientology – chưa có trong từ điển ngôn ngữ thế giới trước năm 1952. Nhưng đây là một khuynh hướng muốn kết hợp giữa khoa học và đời sống tâm linh tôn giáo để tạo thành một ngành nghiên cứu và thực hành với mục đích sau cùng là đạt tới sự giác ngộ tâm linh và tự do chân chính. Nhân vật sáng tạo ra Khoa Giáo Học là tiểu thuyết gia khoa học giả tưởng L. Ron Hubbard (1911-1986).
Một nhà thờ Scientology tại Portland, Hoa Kỳ
Với 60 năm lịch sử, tổ chức Khoa Giáo Học đã có hằng nghìn cơ sở và cả triệu người theo trên khắp thế giới.
Bước vào phòng hội, cảm tưởng đầu tiên của tôi là sự thoải mái về tuổi tác và trang phục. Thành viên tham dự đủ mọi lứa tuổi và cách ăn mặc từ “trẻ trung” đến mệnh phụ, chẳng ai quan tâm. Nhưng nét gây ấn tượng mạnh nhất là giờ giấc chính xác, phong thái trang nhã của tham dự viên và cách tổ chức chu đáo, trang trọng của Ban tố chức.
Mở đầu, người hướng dẫn chương trình thông báo về khung thời gian cho buổi hội luận là 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Một giờ nghỉ ăn trưa. Nội dung thảo luận là: “Sự Dâng Hiến và Lòng Mộ Đạo trong Đời Sống Tâm Linh” (Sacrifice and Devotion in the Spiritual Life).
Tiến sĩ thần học Kent Miller thay mặt ban tổ chức mở đầu cuộc hội luận. Trước hết, ông giới thiệu vài nét về tổ chức “Khoa Học Tôn Giáo”:
“Scientology được xem là một hình thái ‘tôn giáo ứng dụng’ mới nhất trong lịch sử tâm linh, tư tưởng hiện đại”. Miller dừng lại nhìn quanh phòng hội như thăm dò ý kiến và tiếp lời: “Từ ngày ra đời trong 60 năm qua, Khoa Giáo Học đã thường xuyên bị gắn nhiều nhãn hiệu như: Tôn giáo vô thần, Máy làm tiền, Tập đoàn tiểu thuyết khoa học giả tưởng… và những tên gọi tương tự như thế. Nhưng chúng tôi chẳng lấy đó làm điều vì bản chất của người thường khác với thần thánh là trong mọi cái đúng vẫn có cái sai và ngược lại. Trong lúc chúng tôi chỉ muốn đem con người về lại với nó. Không van xin cầu nguyện với thần thánh hay nương tựa vào thế lực vô hình nào cả. Vô thần ư? Không! Hữu thần ư? Không! Chúng tôi sống cùng, sống với, sống cho… tất cả, nhưng trước hết phải sống chân thật với ta và hiểu mình là ai trong mối tương quan với tự ngã, với người thân, với gia đình, xã hội, thế giới và vũ trụ trước khi đến với một Đối tượng Siêu Việt (Supreme Being)… mà bạn muốn gọi là gì theo cách riêng của bạn cũng được. Hôm nay là lần họp mặt hàng tháng cuối năm gần lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Hàng năm, người Mỹ tiêu khoảng chừng 500 tỷ đô la cho quà cáp lễ Giáng Sinh, trung bình mỗi gia đình là 700 đô la. Nhân đó, chúng tôi chọn đề tài cho cuộc hội luận này là ‘Sự dâng hiến và lòng mộ đạo trong đời sống tâm linh’ như một cái nhìn trao đổi và chia sẻ về những tác dụng tích cực và tiêu cực của những giá trị vật chất trên giá trị tâm linh và tinh thần mà chúng ta đang hướng tới. Hôm nay chúng ta đang ngồi với nhau trong không khí thân thiện và cởi mở của một ‘Làng Địa Cầu’ (Global Village) không phân biệt đức tin tâm linh tôn giáo hay nhóm phái, chủng tộc khác nhau. Xin cảm tạ và chào đón tất cả các bạn.”
Trong hơn hai giờ thảo luận sau các bài thuyết trình, trọng tâm nổi bật nhất là nhu cầu canh tân tôn giáo trước trào lưu thay đổi quá nhanh chóng trong mọi lĩnh vực trên toàn thế giới. Những mảng bóng tối của huyền thoại tôn giáo kéo dài hàng nghìn năm đã được vén lên. Những hình thức lễ nghi, thờ phụng, hành đạo của một số tôn giáo nhân danh “truyền thống tâm linh” không còn thích hợp với hoàn cảnh và tâm lý thời đại. Nhưng hai thái độ và hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến hiện đang gây sóng gió trong nội bộ nhiều tôn giáo. Đấy là hiện tượng muốn canh tân, chấn hưng tôn giáo vì sợ tôn giáo mình trở thành lạc hậu và đối nghịch lại là hiện tượng muốn bảo thủ, tồn cổ tôn giáo vì sợ tôn giáo mình sẽ bị tha hóa. Thực tế chứng minh con đường Trung Đạo ở giữa hai phía cực đoan là phương hướng có hiệu quả nhất để tránh phân hóa và xâu xé nội bộ.
Đề tài không được nhấn mạnh trong thư mời khóa hội luận, nhưng lại được mang ra thảo luận, có nhiều thành viên quan tâm và đưa lên thành một đề mục sôi động sau bữa ăn trưa là mặt tiêu cực và mặt tích cực của việc cho và nhận trong sinh hoạt các tôn giáo.
Các bài thuyết trình đều nhấn mạnh vào một điểm chung là: Hầu hết các tôn giáo hiện nay đã quên hình ảnh của vị giáo chủ nguyên thủy xuất hiện giữa đời nầy trong cảnh cơ hàn (như Chúa Jesus) hay từ bỏ phú quý (như Phật Thích Ca) và đắc đạo, truyền đạo trong cảnh đơn sơ, rỗng lặng… Những người tôn giáo – kể cả tu sĩ và thường nhân – những đời sau đã ra sức xây dựng một kiểu triều đình tôn giáo chạy theo sở hữu vật chất nên xa lìa cội nguồn chánh đạo.
Ông điều hợp viên Kent Adams “gỡ rối” bằng cách kéo đề tài trở về với trọng tâm cuộc thảo luận. Ông nói:
“Nào, chúng ta đang trao đổi những ý kiến rất thú vị. Nhưng đề tài chính chưa được nói đến đầy đủ. Xin nhắc lại, chúng ta đang nói đến hai mặt tích cực và tiêu cực về khái niệm cho và nhận trong tôn giáo. Ngay bây giờ xin quý vị bàn đến thế nào là ‘cho’ đúng nghĩa trong tôn giáo. Theo tôi hiểu thì ‘cho’ mang một ý nghĩa rất đơn giản và dễ hiểu là dâng hiến, đưa, tặng, biếu, chuyển nhượng hay ký thác một hay nhiều đơn vị có giá trị hoặc lớn hoặc nhỏ dưới hình thức vật chất hay tinh thần từ một người, một nhóm hay một thế lực đang cầu xin tới một người, một nhóm hay một thế lực khác đang ban phước. Tôn giáo xưa nay dóng vai ban phước là một thế lực thu hút ‘của cho’ nhiều nhất vì trên nguyên tắc, giáo sĩ, đạo sĩ và tu sĩ không sản xuất ra của cải vật chất. Nhưng đã có những thời các nhà tu đầu nậu tôn giáo nắm quyền sinh sát và tiêu pha, xài phí tiền bạc, kho lẫm của người dâng cúng phí phạm và xa xỉ như những ông Hoàng, bà Chúa. Tệ nạn nầy xẩy ra từ thời Trung Cổ ở châu Âu cho đến ngày nay. Xin quý vị vui lòng tập trung vào đề tài nầy.”
Những thảo luận viên đã nhắc đến lịch sử nhân danh tôn giáo mà thi hành việc dâng cúng thần linh, giáo chủ, tù trưởng, đạo trưởng… bằng mạng sống và xương máu của con người. Trong bóng tối của lịch sử tôn giáo, những hình thức chôn sống, thiêu sống, thả xuống nước sâu, chặt đầu, mổ bụng, đóng đinh, phơi khô… đầy máu lệ và bi thảm đỂ dâng cúng thần linh đã diễn ra khắp thế giới.
Bác sĩ Chuck Murray, giám đốc bệnh viện Notre Dame lên tiếng:
“Dâng cúng thường được xem là một cách ‘hành đạo’ tích cực trong các tôn giáo. Bởi không có thần linh thì không có tôn giáo. Nhưng khái niệm thần linh phải gắn liền với ý niệm cầu xin, dựa dẫm, ban ơn, cầu phước và năng động nhất vẫn là những hình thức dâng hiến từ phía tự cho là ‘quan chiêm, tiếp cận’ được hay sáng tạo ra thần linh. Đó là con người mang niềm tin đầy ma lực của tôn giáo. Xã hội con người càng văn minh tiến bộ, những hình thức dâng cúng càng ngày càng bớt thô bạo hơn. Thay vì dùng mạng sống hay máu thịt của con người bị hy sinh tế thần thì người ta chọn lựa những hình thức có nhân tính hơn như giết sinh vật thay cho giết người hoặc khá hơn nữa là đem vật dụng thế mạng cho sinh vật. Bản thân tôi là người nghiên cứu về “lịch sử và các hình thức dâng hiến trong tôn giáo”. Tôi rất cảm kích và ca ngợi tính nhân bản của xã hội phương Đông đã bỏ thói giết người tế thần để thay vào đó, dùng súc vật như trâu, bò, gà, lợn… làm phẩm vật dâng cúng thần linh khi cần phải thể hiện một hình thức hy sinh và dâng hiến như thế. Hay nhẹ nhàng và theo tôi đó thật là tuyệt hảo khi họ dùng ‘Joss paper’ (vàng mã) để làm biểu tượng cho phẩm vật dâng cúng. Hiện nay, những người theo đạo Phật ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan vẫn còn dùng phổ biến ‘Joss paper’ nầy trong sinh hoạt thờ cúng mang tính cách tôn giáo của họ. Họ dùng giấy và tre hay gỗ mà chế ra những món đồ vật sắp lên bàn thờ cúng tế rồi đốt đi để dâng cúng cho thần thánh và con người đã chết. Ấn tượng tích cực nhất là giảm bớt tính hiếu sát giết hại súc vật và nâng cao tính thiện của con người có đời sống tâm linh trong sáng.”
Đột ngột, Murray quay về phía tôi mỉm cười và nói giọng mời gọi:
“Xin chào ông bạn mới. Tôi nói về thế giới phương Đông của bạn như thế có gì sai chăng? Được biết bạn là người theo đạo Phật, xin bạn vui lòng cho chúng tôi biết tôn giáo của bạn dạy về những vấn đề nầy như thế nào?”
Ở thế khách mời, không thể thoái thác, tôi dè dặt góp lời:
“Xin chào các bạn. Vâng, tôi là người Việt Nam theo đạo Phật. Trong mộc cuộc hội luận với ‘Trại Vô Thần’[1] trước đây, tôi đã có dịp trình bày một vài sự hiểu biết đơn giản và giới hạn của tôi về đạo Phật cho các bạn ‘vô thần’. Hôm nay, tôi rất vui được trao đổi với các bạn ‘Scientology’. Ba nét chính về bản tâm và căn tính của con người theo suy niệm của ông Hubbard đã làm tôi liên tưởng ngay tới thuyết Duyên Nghiệp của Phật giáo và tự hỏi, có chăng suối nguồn Vệ Đà của Ấn Độ và giáo pháp của đức Phật đã được vận dụng vào những khuynh hướng cách tân tâm linh trong thời đại mới như Khoa Giáo Học:
– Con người là một sinh thể bất tử. (Tương tự như thân mất nhưng chủng tử vẫn luân lưu và thường trụ trong A Lại Da Thức?)
– Sự trải nghiệm của con người vượt quá giới hạn của một cuộc đời đang sống. (Giống như nghiệp lực huân tập từ đời nầy sang đời khác?).
– Năng lực của con người vượt ra ngoài và lên trên cái khung nhỏ bé của sự hiện hữu trước mắt (Cũng như Duyên khởi là khi những điều kiện khách quan, chủ quan, quá khứ, hiện tại tương tác mà tạo nên; nhưng khi hết duyên thì mọi hiện tượng và hình tướng đều tan rã?)”
Ông Murray có vẻ như không để lỡ cơ hội chia sẻ, nói ngay:
“ Vâng, quả nhiên là như thế. Vì vậy, đời sống tâm linh đích thực của con người là sự giao hòa và tiếp cận trước hết với chính mình, rồi với người bên cạnh, với gia đình, với xã hội, đất nước, với vũ trụ vật chất lẫn tinh thần và đấng Siêu Việt (Supreme Being). Như thế, phải chăng Scientology chúng tôi và đạo Phật của bạn là đồng hành, đồng hướng?”
Không do dự, tôi đáp lời:
“Khác Dr. Murray ạ. Scientology của các bạn muốn thành người, một mẫu người giác ngộ, tự do, tự quyết và tiến gần tới đấng Siêu Việt. Còn chúng tôi thì muốn thành Phật vì mỗi chúng tôi đều có sẵn một gốc Phật trong chính mình. Tất nhiên, muốn thành Phật thì phải giác ngộ trước đã. Các bạn “giác ngộ” để được đến gần hay trở thành đấng Siêu Việt. Còn chúng tôi giác ngộ là được thành Phật; đồng nghĩa với rỗng lặng hoàn toàn. Vỉ rỗng lặng hoàn toàn nên không còn sinh, còn diệt và do đó mà cũng chẳng còn luân hồi sinh tử…”
Tôi im lặng một lát, nhưng đã có tiếng hối thúc:
“Nói tiếp! Đế tài rất hay, xin vui lòng nói tiếp.”
Nhưng ông Murray đã khôn khéo kéo cuộc hội luận trở về với đề tài chính. Tôi phải theo hướng trọng tâm:
“Trước mắt, chúng ta đang thảo luận quan điểm về mối tương quan giữa vật chất và tinh thần trong sinh hoạt tôn giáo; về ý nghĩa cho và nhận đóng vai trò như thế nào trong đời sống tinh thần. Nhưng xin Dr. Murray vui lòng nói rõ hơn là ông muốn biết quan điểm về vấn đề cho và nhận hay là những hình thức dâng cúng trong sinh hoạt tôn giáo?”
Murray cười và trả lời thoải mái:
“Ông bạn ơi, cả hai!”
Tôi cũng trả lời nửa đùa, nửa thật:
“Nầy, bạn ta. Tôi sẽ làm theo yêu cầu của bạn với điều kiện là phải có người dịch ra tiếng Việt ngay trong khi thu băng. Trước hết, xin nói tóm tắt về khái niệm ‘dâng hiến’ trong đạo Phật. Cho – nguyên thủy trong đạo Phật mang một ý nghĩa dâng cúng cao quý, đó là sự cúng dường những phẩm vật căn bản cho cuộc sống hằng ngày của đời tu sĩ như thức ăn, thuốc men, áo quần, mền chiếu… Người tu sĩ còn gọi là khất sĩ; nghĩa là một người thực hành hạnh xin của bố thí của đại chúng nhằm mục đích vừa giúp cho bản thân người tu có đủ điều kiện vật chất tối thiểu sinh sống để hành đạo, đồng thời giúp người đem của ra cho có cơ hội thực hành hạnh từ bi, buông xả. Việc dâng cúng tiền bạc, của cải vật chất về sau nầy đã bị lạm dụng và đi sai lạc tinh thần Phật giáo. Đấy là do một số thí chủ giàu sang như vua chúa, quan lại, quý tộc trưởng giả muốn biến Phật giáo thành một phương tiện quảng cáo, kinh doanh, chữa bệnh tinh thần hay chuộc lỗi… bằng cách cống hiến nhiều tài vật để xây dựng chùa to tượng lớn. Sự phát triển của đạo Phật theo chiều hướng thực dụng đã tạo ra hai mặt tốt xấu đối nghịch nhau: Vật chất dồi dào làm cho nếp sống chùa viện thành sang trọng, phong phú và quy tụ nhiều người theo hơn. Nhưng đồng thời cũng nảy sinh ra mặt xấu là đạo Phật có khả năng bị thế tục hóa và thương mại hóa gây bất tịnh cho đời sống tu hành…”
Murray đưa tay, rồi nói chen vào:
“Thế thì việc dâng cúng ‘Joss paper’ – Vàng mã được thực hành lúc nào?”
Tôi giải thích:
“Đạo Phật không chủ trương hiến tặng, bố thí hay cúng dường vàng mã. Đây chỉ là cách thực hành tế lễ của quần chúng. Trung Quốc thường được xem là chiếc nôi của hình thức dâng cúng vàng mã cho thần linh hay người thân đã chết. Lịch sử của đạo Phật thường gắn liền với lịch sử và xã hội của vùng đất thực hành Phật giáo nên luôn có sự song hành giữa đạo pháp và một dân tộc đạc thù nào đó. Đạo Phật ở Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật, Thái Lan… đều có hình thức sinh hoạt mang nặng bản sắc dân tộc của nước đó. Nhưng từ thời thượng cổ, xã hội nào cũng có một hình thức thờ phụng thần linh hay vong linh người thân gọi nôm na là ‘tôn giáo dân gian’ trước khi Phật giáo du nhập vào nơi đó. Đốt vàng mã hay giấy tiền vàng bạc là một hình thức văn hóa gắn liền với tôn giáo dân gian của người dân các xứ Á Đông. Xưa nay, đạo Phật không loại trừ văn hóa truyền thống của người bản xứ hay thô bạo áp đặt cải đạo. Đạo Phật đến đâu, làm giàu cho môi trường văn hóa truyền thống và nếp tâm linh nơi đó.”
Vàng mã bán tại chợ Á Đông – Hoa Kỳ
Có một người trẻ, không xưng tên, hỏi:
“Theo ông thì hình thức đốt vàng mã hiện nay như ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam là đất nước của ông có cần phải loại trừ không? Tại sao?”
Nói với người trẻ phương Tây chưa từng biết mặt mũi vàng mã như thế nào hơi khó. Tâm thức của họ chỉ đơn giản nghĩ về những hình thức dâng hiến giàu tính chất tâm linh văn hóa, tôi nói với những người bạn mới gặp như nói với chính mình:
“Theo ý kiến cá nhân tôi thì vừa ‘nên’, vừa ‘không nên’. Nếu lạm dụng việc đốt vàng mã như một sự phô trương giàu có xa hoa, vừa phí phạm, vừa nặng tính chất mê tín dị đoan thì nên loại bỏ vì đó là một lề thói hủ lậu (hủ tục). Nếu trong những dịp lễ tế, cúng giỗ mà dùng một ít tờ vàng mã, phí tổn nhẹ nhàng như một bó hoa, có viết những điều tưởng niệm, biết ơn, dâng hiến lên thần linh hay tổ tiên đã khuất, rồi đốt đi sau cuộc lễ thì nên duy trì vì đó là một phong cách đẹp đẽ hay ho (mỹ tục) nói lên tâm thành kính, lòng biết ơn, ý tưởng niệm sâu sắc của những người đang sống hướng về thế giới tâm linh.”
Người trẻ tuổi đưa tay vỗ trán nhè nhẹ, tiếp lời:
“Ông làm tôi nhớ những người Tây Tạng hay đứng đầu nguồn sông Mê Kông. Họ dùng những tờ giấy rất mỏng, viết lời cầu nguyện thiết tha và tốt đẹp, rồi thả trôi theo dòng sông với sự tin tưởng rằng, thần sông, thần núi hay người ta sẽ nhận được phúc lành khi nhặt được tờ giấy. Và đây là câu hỏi cuối cùng của tôi, ông vui lòng cho biết ý kiến càng ngắn gọn càng tốt vì chúng ta còn nhiều điều khác để nói. Tôi muốn hỏi ông là theo thuyết nhà Phật, người chết sẽ đi đầu thai thành kiếp khác, theo sáu nẻo luân hồi. Thế tại sao vẫn cứ cúng vái cầu nguyện cho nhiều đời tổ tiên, ông bà… thì còn ai nghe, ai hưởng.”
Tôi chân thành nói với người bạn rằng:
“Điều bạn hỏi rất hay nhưng khó có thể góp ý chia sẻ trong một vài câu ngắn. Xin nói thế này, nếu chưa đạt giác ngộ để chấm dứt luân hồi sinh tử như đức Phật, thì con người hay một sinh thể vẫn còn trôi lăn từ kiếp nầy đến kiếp khác mãi mãi như thế. Chết kiếp nầy; rồi sinh ra và sống lại kiếp khác xẩy ra liên tục như cây thay lá, như người đổi áo. Như vậy, biết đâu tôi và bạn là cha mẹ, anh em, vợ chồng hay có thể là kẻ thù của nhau từ nhiều kiếp truớc. Và biết đâu hôm nay, khi bạn về nhà được trúng số độc đắc vì bạn có đứa con hiếu thảo của bạn trong vài mươi kiếp trước đang làm tổng thống và ân xá, cứu khổ nhiều người với tâm thành cầu nguyện cho tổ tiên của mình (trong đó có bạn bây giờ) được tốt lành. Không có khi nào muộn màng hay quá sớm để cầu mong những điều tốt đẹp cho người khác, kể cả người thân, cả bạn lẫn thù. Tôi tin rằng, năng lượng lành và sóng thiên nhiên vô hình đang nối kết băng qua thời gian và không gian trùng trùng miên viễn để có một nháy mắt hôm nay, kéo chúng ta – vốn là những người có duyên nợ từ vô số kiếp trước – gặp nhau trong phòng hội nầy.”
Sự im lặng theo dõi của các hội luận viên chứng tỏ họ rất quan tâm đến những quan điểm về vật chất, hiến tặng, hành đạo đến từ phương Đông. Nhưng sự nhạy cảm cần thiết không cho phép tôi nói dài hơn và chia sẻ sâu hơn những quan điểm chung và riêng giữa đạo Phật và Scientology. Hy vọng, song song với những đợt tu học có tính chất nội bộ trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước, sẽ có những cuộc hội luận với sự tham gia của nhiều khuynh hướng tâm linh, tôn giáo khác nhau như cuộc Hội Luận với Khoa Giáo Học hôm nay.
Văn hóa, tôn giáo, triết lý phương Đông chỉ được thế giới phương Tây chú ý và quan tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc song song với sự trỗi dậy của những “con rồng kinh tế” như Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa. Riêng Đạo Phật thì đã đi vào thế giới phương Tây không qua con đường kinh tế mà qua con đường học thuật, nghệ thuật và tâm linh. Ngày nay, hầu như khắp các nước có trình độ văn minh hàng đầu ở châu Âu và châu Mỹ đã có những Tăng Đoàn và Đạo Tràng Phật giáo hành đạo. Xã hội phương Tây đã mệt mõi với nền triết học “lý sự” và không gian tâm linh mang tính mặc khải đơn điệu, một chiều. Cái nhìn tươi mới của tinh thần thanh thoát đầy tự do và khai phóng qua cách nhìn vũ trụ và nhân sinh của đạo Phật đã êm đềm đi vào sinh hoạt trí thức, xã hội phương Tây không tạo ra những va chạm về lý thuyết (khế lý) hay cấu trúc (khế cơ) với những tôn giáo bản địa đầy phương tiện và quyền lực đã trấn thủ lâu đời ở phương trời nầy.
Những khuynh hướng tinh thần tự khởi, tự phát thông thoáng, không chịu bị chi phối bởi một thế lực vô hình lạnh lẽo đã thành tượng, thành đài nào cả ở phương Tây đang đi tìm một không gian mới. Vô hình chung, những “kênh tâm linh” (spiritual channels) tự do nầy gặp tinh thần phá chấp của đạo Phật. Cuộc hội luận với Khoa Giáo Học là hình ảnh nhẹ nhàng của một sự gặp gỡ tình cờ – nhưng tình cờ nào cũng thấp thoáng bóng dáng của một chút duyên và ít nhiều tác nghiệp – giữa Đông và Tây.
Sacramento, tháng 12 – 2013
Trần Kiêm Đoàn