ĐẠO PHẬT VIỆT NAM THẾ THỜI PHẢI THẾ?

Đạo Phật Việt Nam đang ở đâu và về đâu trước cuộc thế hôm nay?

Nói đến cuộc thế tức là đề cập đến hiện thực giữa đời thường thì chỉ có 4 thế: Nhập thế, tại thế, xuất thế và… tạ thế!

Là những người đã nhập thế từ khi mẹ sinh ra đời và đang tại thế, nghĩa là đang còn sống để chờ ngày xuất thế hay tạ thế, mỗi người đều có một cách sống và suy nghĩ riêng theo căn cơ và hoàn cảnh của mình mà đạo Phật thường gọi một cách bao dung là “vô lượng pháp môn”.

Nếu đem mỗi trăm năm ra làm mốc thời đại thì đạo Phật Việt Nam đang ở giờ thứ cột mốc 25. Cột mốc nào cũng có những cơ hội lẫn thách thức và hệ lụy riêng của nó nhưng cột mốc thời hiện đại, thế hệ G5, G6, GENZ… có vẻ như nóng bỏng nhất vì tất cả cuộc thế đều quay theo tốc độ chữ số, online, trí tuệ nhân tạo, nên tâm thức con người đảo điên chưa thời nào thấy được trong quá khứ mà lời Bát Nhã đã khuyên là phải “tránh xa mộng tưởng điên đảo…” mới thấy được Niết Bàn hạnh phúc.

Hai giáo hội mấy con đường?

Trong thế hệ Chiến tranh Việt Nam với tuổi trung bình 70 – 80 tính đến thời điểm hiện tại, có hai “biến cố đạo Phật” lớn nhất được chứng kiến và đồng thời cũng đã tạo tác hai “thế lực đạo Phật” còn đang tồn tại và tiếp diễn cho đến ngày hôm nay là:

1-      Ngày 31-12-1963: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) được thành lập do chư Tăng Ni và Cư sĩ, Phật tử chủ trương. Đây là một thành quả đầy hy sinh và khát vọng của cả một thế hệ Phật tử sau đêm dài thế kỷ của chiến tranh, đô hộ và áp bức. Đã 60 năm qua, người Phật tử thuần thành vẫn giữ lòng bất thối chuyển. Dẫu ở dưới bóng danh nghĩa của bộ phái nào do nhu cầu tạm thời hay hoàn cảnh bắt buộc thì niềm tự hào “Phật giáo Việt Nam Thống nhất  Bắc Trung Nam từ đây…” vẫn là nhất hạnh của sự Thống Nhất từ trái tim trung tín hướng về Tam Bảo.

2-      Ngày 7-11-1981: Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập do chính quyền CHXHCN Việt Nam và một số Tăng Ni, Cư sĩ và Phật tử đồng khuynh hướng chủ trương. Đây là một giáo hội tôn giáo do Đảng CSVN lãnh đạo, thành viên của Mặt trận Tổ Quốc và ban Tôn Giáo Nhà Nước quản lý với khẩu hiệu minh định đường lối cơ bản theo phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Xã Hội Chủ nghĩa.

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (hình trên)

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (hình dưới) 

Photo:  Reporter Without Boundary. 

 Với cơ chế mới, đạo Phật Việt Nam cũng như tất cả các tôn giáo khác, chỉ được xem như là một đoàn thể quần chúng trong hệ thống Nhà Nước XHCN Việt Nam. Nếu theo dòng lịch sử, kể từ tháng 3 năm 1919, ngày Quốc tế Cộng sản ra đời đến nay đã hơn 100 năm, với sự phủ nhận vai trò tôn giáo trong cương lĩnh chính trị và xã hội thì ngay hiện trạng các tôn giáo còn hiện diện trong xã hội Việt Nam ngày nay cũng đã là một điều đáng suy gẫm. Bởi vậy, các tôn giáo dẫu bị đặt ngang tầm một đoàn thể quần chúng thì không còn ai ngạc nhiên. Tuy nhiên, đem các tiêu chuẩn tôn giáo trong nước như Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào xã hội phương Tây, nhất là Mỹ, thì sẽ trở thành một hiện tượng nghịch lý, gây dị ứng và sự quay lưng của hàng Phật tử xuất gia và tại gia điều hiển nhiên không tránh khỏi bởi trong các nước tự do phương Tây thì nguyên tắc “Tôn giáo và Nhà nước; giáo quyền và thế quyền tách rời” (Separation of church and state) được tôn trọng như một truyền thống tinh thần. Trong lúc đó, hầu hết các nước CS/XHCN và Tả khuynh như Việt Nam thì làm ngược lại bởi vì trong căn bản lý thuyết chính trị của họ tôn giáo bị coi như một vấn nạn xã hội, xóa bỏ thì không thể mà chấp nhận thì phản thuyết, nghịch đồ. Bởi vậy, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 tuy là một chướng duyên cho cả đôi bên nhưng vẫn còn hơn là đọa nghiệp. Những chân tăng đương thời biết rõ điều đó nhưng thuyết tác nghiệp và lý duyên khởi đã thuần nhiên bước tiếp trên đường Trung Đạo để đạo Phật Việt Nam vẫn tồn tại và tiếp bước… thế thời phải thế như hôm nay!

Người Việt theo đạo Phật ra đi mang theo tôn giáo của mình vào vùng đất mới để kính ngưỡng và hành đạo một cách trân trọng và thuần thành theo tiêu chuẩn và quy ước đã được đặt định nên chưa bao giờ và chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận một hình thái ngôn ngữ gán ép và phương tiện áp đặt hai yếu tính ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC lại bị cột buộc vào CHỦ NGHĨA XÃ HỘI một cách khiên cưỡng như thế cả. Thực tế hiển nhiên trong hơn 40 năm qua, kể từ ngày Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra đời tại Việt Nam, chư vị Tôn đức Tăng Ni và Cư sĩ, Phật tử từ Việt Nam sang Mỹ, vào các nước phương Tây với mục đích Hoằng Pháp, hội nghị, học tập, thăm viếng hay định cư lâu dài… chưa từng thấy có nhân vật nào đem Chủ nghĩa Xã Hội theo mô thức Việt Nam gắn kết với Đạo Pháp và Dân Tộc để nhập cảng vào đất nước khác mà được chấp nhận và thành công cả. Bởi vậy, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hoàn toàn xa lạ và vắng bóng trên mọi miền hải ngoại là một quá trình hiển nhiên.

Tự do tín ngưỡng

Không lâu sau chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ, Joe Biden, tại Việt Nam với sự quan hệ song phương được ký kết ở mức cao nhất, nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Theo thăm dò của nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước thì hầu như mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều vui mừng đón nhận tin nầy khi cả dân tộc và lịch sử đang đối mặt và chịu sức ép truyền đời đầy đe dọa của Trung Hoa.

Con bài pháo hoa muôn thuở của Hoa Kỳ trong mối quan hệ song phương với các nước thứ ba và các quốc gia đang có cơ chế chính trị CS/XHCN là vấn đề Nhân Quyền. Đã 48 năm qua, trong khái niệm nhân quyền thì tự do tôn giáo vẫn được xếp và hàng ưu tiên. Thế nhưng, những biến tướng về tự do và nhân quyền càng ngày càng xuất hiện dưới nhiều dạng thức tinh tế hơn theo tầm thời đại. Mỗi quốc gia và mỗi hệ thống chính trị đều kiêu hãnh đòi hỏi cách định nghĩa và lý giải về khái niệm Nhân Quyền theo cách riêng của mình.

Một đơn cử điển hình là Phật giáo Việt Nam trong nước.

Với cách nhìn của người ngoài cuộc hay đứng bên lề thì đạo Phật Việt Nam trong nước đang hưởng được quyền tự do tín ngưỡng: Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ vào tháng 9/2021, GHPGVN hiện nay có bốn học viện đào tạo Phật giáo, 18.544 tự viện, và 54.169 tăng ni.  Nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam. Các chùa viện đều đuợc trùng tu và xây dựng khang trang. Người đi chùa không bị giới hạn và việc cúng tế, tu học dưới nhiều hình thức miễn sao đừng động đến chuyện chính trị, chủ nghĩa, lãnh đạo đều không bị ngăn cấm trong cấp độ của người dân bình thường đến chùa tu học hay hành lễ theo nhu cầu tâm linh. Nếu so với thời 1975, khi hình ảnh tôn giáo theo chủ nghĩa Marx bị coi là “tiếng thở dài của chúng sinh bị áp ức, là thuốc phiện của nhân dân…” thì việc đến chùa, đi nhà thờ không bị ngăn cấm, bắt bớ cũng đã là đỡ “nghẹt thở” lắm rồi!

Tuy nhiên, mặt ngầm sau góc khuất thì đạo Phật Việt Nam đang bị biến thành thành một công cụ “mềm” để phục vụ tinh thần và tâm lý của Đảng và Nhà Nước CSVN mà theo cách gọi bóng bẩy, hoạt kê của quần chúng là “Phật giáo quốc doanh”!

Về mặt tín điều, tín lý:  Dựa trên căn bản tam tạng kinh điển vốn là trái tim của hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia thì bên cạnh Đạo Pháp, Dân Tộc truyền thống lâu đời, trong khung cảnh Việt Nam XHCN, Phật giáo Việt Nam phải cưu mang và gắn liền với Chủ nghĩa Xã Hội là một sự áp đặt vô nghĩa, thô thiển, ngoại đạo… không mang một ý nghĩa tích cực nào về cả hai mặt giáo lý nhà Phật cũng như hướng tu hành cho Phật tử.

Về mặt quản lý và tổ chức: Phật giáo Việt Nam không có quyền độc lập, quyền tự do và quyền hành xử theo giới luật mà đức Phật đã di chỉ từ hơn 2500 trước như là mạng mạch tồn vong của đạo Phật. Phật giáo Việt Nam đang ở dưới 3 tầng chế ngự: (1) Sự lãnh đạo của Đảng CSVN, (2) sự Quản lý của Mặt Trận Tổ Quốc và (3) sự chỉ đạo của Ban Tôn Giáo Nhà Nước.

Về mặt tu học, truyền thừa và thi hành giới luật: Tất cả các phương thức điều hành, bố trí nhân sự và sự cất nhắc giáo quyền, giáo phẩm của Tăng Ni đều do hiệu lệnh nhà nước thông qua nhiều tầng nhân sự để quyết định và ban hành phẩm trật tôn giáo mang tính hình thức nội hàm tổ chức Giáo Hội (PGVN) nhưng thực chất là do Nhà Nước, Mặt Trận và Ban Tôn Giáo cầm cân nảy mực quyết định.

Về hình thức, không thể phủ nhận “tự do tín ngưỡng” có thể nhìn thấy, chụp hình, online ở khắp Việt Nam. Tuy nhiên, về bản thân và thực chất Phật giáo Việt Nam hiện nay chỉ được “Tướng” mà mất “Tánh” hay nói một cách đơn giản và cụ thể hơn là guồng máy tổ chức giáo hội và thành phần nhân sự quản trị giáo hội Phật giáo từ trung ương xuống địa phương và đến từng đơn vị tự viện đều do “cấp trên” quyết định ban hành. Cái “tánh thật” truyền thống thanh tịnh là trái tim của Phật giáo đã bị hình tướng quản lý bất tịnh chi phối và phủ nhận. Ngày nay, theo dõi các đại hội Phật giáo lớn nhỏ trong nước người ta không còn tìm được không gian, màu sắc và ngôn ngữ thiền môn mà chỉ thấy sự tương đồng với hình thái đoàn thể kinh tế, chính trị.

Truyền thống và lý tưởng tu hành Phật giáo với ba tạng kinh điển, tám vạn bốn ngàn pháp môn, bốn cung diệu lý, tám nẻo đường ngay… cũng chỉ mong kiếp này hay trăm ngàn kiếp nữa xa dần tướng hảo mà tới được tánh chân. Giáo sử 25 thế kỷ đã chứng minh rằng, thời nào mà Phật giáo có giới xuất gia say sưa với danh xưng, mê mẩn với địa vị, quay cuồng với chức tước, bám chặt với chùa to tượng lớn, buông thả công hạnh trong trùng vây đầy ưu đãi vật chất của vua quan, thế quyền là thời kỳ mạt vận của Đạo Pháp.

 

“Giặc Thầy Chùa”

Nhóm từ ngữ này xuất phát từ cách gọi thô bạo trong thời Pháp thuộc để đàn áp, buộc tội, bắt bớ và giam cầm những tăng sĩ yêu nước đứng lên chống Pháp. Năm 2005, cũng có một người tên Đặng Văn Nhâm viết tới 3 tập sách in tại Mỹ với nhan đề “Giặc Thầy Chùa” để bôi bác một số nhà tu Phật giáo mà đương sự cho là… gian tăng phạm giới (?!). Xin xem bài phản biện: http://www.lebichson.org/Phatgiao/003GiacThayChua.htm

Và gần đây nhất, nhóm chữ nầy lại thấy xuất hiện trên hệ thống truyền thông Calitoday và các trang mạng xã hội với sự liên hệ về trường hợp một tu sĩ Phật giáo tự xưng là chủ tịch Giáo hội PGVN châu Mỹ chào mừng cuộc gặp gỡ kiều bào tại San Francisco của thủ tướng CHXHCNVN Phạm Minh Chính.

Tuy từ trước đến nay, ở Hoa Kỳ và các nước ngoài vẫn có sự du nhập về mặt nhân sự và phương tiện pháp khí từ Việt Nam trực tiếp đưa sang hay thông qua môi trường du học Ấn Độ và các quốc gia Phật giáo nhưng chưa bao giờ có sự du nhập về nhân sự, danh xưng hay phương tiện mang danh nghĩa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong hệ thống Mặt Trận Tổ Quốc của chính quyền CHXHCNVN cả. Thế nhưng lần nầy là lần đầu tiên, trong cuộc gặp mặt của ông thủ tướng Phạm Minh Chính tại San Francisco ngày 17-9-2023, có một nhân vật “đại diện Phật Giáo” mà có lẽ cả cộng đồng Phật giáo tại Mỹ cũng như ở hải ngoại chưa ai hề hay biết.  Qua phóng sự thông tin và truyền hình của đài BBC, Bolsa TV, Cali Today… và thông tin tư nhân, người theo dõi tin tức thấy có một người trong trang phục áo cà sa vàng tu sĩ Phật giáo, chừng 60 tuổi, được mời phát biểu. MC và người nói tự giới thiệu là:  “Hòa thượng Thích Đức Tuấn, chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Châu Mỹ”. Thầy Thích Đức Tuấn đứng lên phát biểu kêu gọi “hòa giải hòa hợp dân tộc”. Ngoài ra, bởi chọn lựa hay bởi yêu cầu không rõ, ông không đưa ra một câu chữ nào liên quan hay mang tinh thần đạo pháp thuần túy tới Phật giáo ở Hoa Kỳ và hải ngoại cả.

Tiếp theo những ngày sau đó, đã có phản ứng “bão truyền thông” bình luận khá sôi nổi – châm chọc cũng như nghiêm khắc – về hiện tượng Thích Đức Tuấn. Điểm nhấn theo dư luận của người Việt hải ngoại là: Ông Đức Tuấn đã ở Mỹ lâu ngày tại chùa Pháp Vương (Phapvuong Temple) ở tại Milpitas cách San Jose chừng 10km; nay hốt nhiên tự tung, tự tác vỗ ngực tự xưng là đại diện “Phật tử Việt Nam tại châu Mỹ” bất chấp dư luận như thế thì về cả hai mặt đạo và đời đều là trò hý luận mà bất cứ một tu sĩ Phật giáo bình thường nào cũng đều tránh xa như một “pháp nghiệp” vọng động, vô minh. Kế sách “hòa giải hòa hợp” mang tính phường tuồng nầy đã đành không tạo được một dấu ấn tích cực nào mà còn tác tệ vào chính danh dự cũng như uy tín của cả hai phía cung và cầu dính líu vào hiện tượng thoái trào và đàm tiếu nầy.

Tại Mỹ cũng như các nước phương Tây với quyền tự do lập hội và tín ngưỡng được tôn trọng quá mức cần thiết; đôi khi đến độ cực đoan qua hiện tượng ai cũng có quyền tự xưng mình thành những bậc danh nhân, lãnh tụ; thậm chí thánh hiền, giáo chủ… tùy hứng và tùy thích. Muốn xin giấy phép lập ra một tổ chức, hội đoàn thì chỉ cần có 3 người: Chủ tịch (president), thủ quỹ (treasurer) và thư ký (secretary) cùng ký vào một tờ đơn nhỏ là xong. Như trường hợp “chủ tịch PGVN châu Mỹ” Thích Đức Tuấn tự xưng thì bất cứ ai cũng có thể làm được – muốn cho hợp pháp để thu tiền lên báo thì làm tờ đơn nhỏ mà cao hứng tự xưng theo kiểu “selfie đột xuất” ngã mạn, ngã sở thì cũng chẳng hề gì. Bởi vậy, việc xưng danh báo hiệu đao to búa lớn nhưng thực chất trống rỗng của những cá nhân trên đất Mỹ chẳng làm ai quan tâm.  Nếu đặt vấn đề ông Thích Đức Tuấn tự xưng đại diện Phật tử Việt Nam tại châu Mỹ có hệ quả nào chăng thì câu trả lời đã có sẵn trong câu hỏi. Có chăng một tác dụng nào đó thì chỉ là một sự phản tác dụng làm cho hình ảnh lễ nghi quan cách của một ông thủ tướng Nhà Nước CHXHCNVN thành một màn trình diễn nghèo nàn trước ống kính truyền thông quốc tế cùng cái nhìn châm biếm và ghẻ lạnh của đại chúng Việt Nam trong cũng như ngoài nước mà thôi.

Tứ Chúng đồng hành

 Đã hơn 40 năm qua, hai hệ thống đạo Phật Việt Nam GHPGVNTN và GHPGVN vẫn tồn tại song song. Trong lúc GHPGVNTN chỉ còn là biểu tượng trong nước và hiện hữu hầu như toàn diện trong các sinh hoạt của đạo Phật Việt Nam ngoài nước thì ngược lại, GHPGVN không có lý do và môi trường hữu hiệu để phát triển một cách tự nhiên, lành mạnh ngoài nước.

Bởi vậy, trong suốt hơn 40 năm qua, GHPGVNTN trong nước tuy chỉ còn là tên gọi và sự tồn tại một cánh mỏng nhân sự nhưng chưa bao giờ thoát khỏi sự theo dõi và kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền.

GHPGVNTN tại hải ngoại thì trái lại, xã hội phương Tây với quyền tự do tín ngưỡng và lập hội truyền thống đã trở thành vùng đất phong phú cho sự phát triển các đơn vị chùa viện, tăng đoàn và đoàn thể Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Nhưng cơ hội luôn luôn song hành với thách thức. Cơ hội tự do tôn giáo, đồng thời cũng là sự thách thức của tinh thần đoàn kết, hòa hợp và lãnh đạo. GHPGVNTN đã và đang đối diện với sự thách thức đó trong suốt 40 năm qua nhưng vẫn chưa thấy phương thức hóa giải ứng hợp với tâm đạo, tình đời xuất hiện.

Tuy cùng đứng dưới mái nhà chung “Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” nhưng khuynh hướng phát triển vô hình chung là các đơn vị độc lập. Và trong nhiều trường hợp, các đơn vị độc lập theo mô thức chùa viện, tăng đoàn, đoàn thể lại hành xử theo tinh thần của một “giáo hội nhỏ” với 4 nhân tố rõ nét là: (1) Có nhân sự lãnh đạo độc lập; (2) Có quần chúng và vùng địa lý riêng; (3) Có nguồn tài chánh gây quỹ sinh lợi, chi tiêu và quản lý nội bộ; (4) Có hình thức sinh hoạt, lễ nghi và thậm chí cả kinh sách không theo một quy ước nào cả…

GHPGVNTN đang thiếu, hay nói một cách chính xác cận cảnh hơn, là không có một sự lãnh đạo hợp lý, toàn diện. Công cuộc hành đạo và hoằng pháp vì thế mà cũng bị phân hóa theo vùng địa lý và tâm lý.

Tuy bản chất đạo Phật là uyển chuyển và tùy nghi phương tiện nhưng tình trạng “gặp thời thế, thế thời phải thế” với sự vắng bóng lãnh đạo của hàng giáo phẩm có tài đức và công hạnh thì đạo Phật Việt Nam và tương lai của GHPGVNTN sẽ đi về đâu?

Sẽ không có một tấm lòng, tâm đạo hay tri kiến cá nhân nào có thể trả lời cho một câu hỏi bao hàm một Phật sự lớn như thế cả. Trí tuệ Nhân Tạo AI (Artificial Intelligence) có khả năng làm mưa làm gió đối với nhân loại tương lai bởi vì một điểm trả lời đơn thuần là tụ điểm của hàng tỷ tỷ yếu tố kiến thức nhỏ khác cung góp lại. Phật sự hôm nay và ngày mai đang cần đến sự cung góp tương tự như thế. Tinh thần Phật giáo đã trải qua mấy nghìn năm và mỗi thời kỳ đều có những cơ hội và thách thức riêng. Những thời kỳ thịnh pháp trong lịch sử đạo pháp thường không do vai trò riêng lẻ của Tăng đoàn, Giáo hội, Bộ phái mà do sự chung sức của Tứ Chúng đồng hành.

                                             Natomas, Cali; Trung Thu 2023

                                               Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan