Độc lập lý tưởng
Cách nay vừa tròn một năm, tại Hà Nội, vào ngày 3 tháng 3 năm 2014 nhà văn Nguyên Ngọc cùng 60 văn hữu trong và ngoài nước (so với Hội Nhà Văn Việt Nam có hơn 1.000 hội viên) chính thức tuyên bố thành lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (VĐĐL)[1] với những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
– Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước;
– Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ;
– Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.
Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.
Bốn tháng sau, ngày 4 tháng 7 năm 2014. Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (NBĐL) tuyên bố thành lập tại Sài Gòn với mục đích “nhằm thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí”. Hội NBĐL khởi đầu có 42 thành viên, với ban lãnh đạo gồm 5 người là các cây viết Phạm Chí Dũng, Anton Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Tường Thụy, Bùi Minh Quốc và Ngô Nhật Đăng. Chủ tịch Hội là nhà báo Phạm Chí Dũng đã tuyên bố trước công luận rằng: “Việc thành lập hội là hoàn toàn phù hợp với xu thế hoạt động dân sự trong nước với tôn chỉ ‘vì một Việt Nam tiến bộ xã hội, dân chủ và đa nguyên, văn minh và giàu mạnh.” Ông còn nói với đài BBC: “Chúng tôi thành lập với mục tiêu phản ánh trung thực sự thật trong nước, giúp nhà nước điều chỉnh các chính sách và phản biện chính sách chứ không phải cái gọi là thế lực phản động“.
Tự do tư tưởng và độc lập chữ nghĩa là một ước mơ chưa thành của giới văn bút Việt Nam.
Khả năng xây dựng một hình thái văn chương nghệ thuật và thông tin báo chí độc lập Việt Nam có thành tựu được hay không? Câu trả lời “được” hay “không” tưởng như đơn giản nhưng lại phức tạp vô cùng vì nó còn tùy thuộc vào chủ thể trả lời là ai, đứng từ góc cạnh nào và khái niệm thế nào là “độc lập”.
Với khái niệm thông thường thì bộ ba – độc lập – tự do – dân chủ – không những chỉ luôn luôn cặp kè với nhau như bóng với hình mà phải gắn kết vào nhau như một thể thống nhất, như một “tam đại nhân duyên” bởi có cái nầy mới có cái kia và không có cái kia thì cũng chẳng có cái này: Muốn có Độc lập thì phải có Tự do; muốn có Tự do thì phải có Dân chủ và ngược lại…
Một tác giả nào đó đã từng phát biểu: “Con người không có ai ngu dốt cả nhưng chỉ vì thiếu thông tin nên chưa biết mà thôi.” Chưa biết nên không biết vì thiếu thông tin. Ngày xưa, thằng Mõ làng làm nhiệm vụ thông tin cho cả làng, cả xã biết. Ngày nay, nhà báo thay cho thằng Mõ để chuyển tải đến đại chúng những điều chưa biết qua những nguồn thông tin mới mẻ và cập nhật. Nhưng nói như người xưa: “Biết mà không nói là bất nhân; nói mà không hết là bất nghĩa!” Hay như Napoléon đã kết tội sự im lặng đồng lõa rằng: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt“. Những câu nói cổ điển mang tính nhân bản, tốt xấu nầy chỉ có ý nghĩa quy ước và thực hiện được trong một thế giới toàn thiện của ước mơ. Trong thế giới đầy vọng động ngày nay thì những câu nói như trên đang trở thành… thần chú!
Nhà văn, nhà báo của Việt Nam và thế giới ngày nay không thể đứng trên đồi Golan hay vườn Kỳ Đà giảng đạo mà phải vác giáo Thánh Tâm hay đeo gươm trí tuệ Bát Nhã để băng đồng, lội suối mà thông tin và thưa thỉnh với nhân gian.
Trong cuộc cách mạng truyền thông đại chúng ngày nay, nhà báo đang trở thành một lực lượng dấn thân đối mặt với bao hiểm nguy, kể cả hy sinh thân mạng trên chiến trường thông tin, truyền đạt.
Theo thống kê từ Tổ chức Phóng viên Không biên giới, năm 2014, có 66 nhà báo bị giết, 119 nhà báo bị bắt cóc, 853 nhà báo bị tù tội, giam cầm vì đủ mọi lý do tại khắp nơi trên thế giới. Con số nhà báo dấn thân và bị tổn thương càng tăng khi thế giới nầy càng có nhiều biến động và chao đảo. Bởi vậy, hình ảnh người cầm bút ngồi trong tháp ngà sáng tạo chỉ còn là quá khứ.
Độc lập dấn thân
Với khuynh hướng toàn cầu hoá và kinh tế thị trường ngày nay, nhà văn, nhà báo có vô vàn những phương tiện để sáng tác, gởi gắm và truyền đạt. Nhưng phương tiện thiện xảo nhất để cho những giá trị thông điệp tinh thần có hồn, có phách là Tự Do Ngôn Luận. Khi tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, tự do báo chí bị giới hạn thì chim sơn ca cũng chẳng có gì hơn loại chim sẻ nhà núp bóng, mổ thóc, kêu hoài những tiếng lập đi lập lại đến từ bản năng, phản ứng vật lý dưới hiên nhà cũ kỹ, rêu phong.
Nhà văn độc lập là kẻ cô đơn, một mình, một ngựa, can đảm đối mặt với lương tri của chính mình để nói lên sự thật. Từ đó, nhà văn vạch mặt gian tà, phản kháng những thế lực bất công, đương đầu với áp bức bằng tất cả sức mạnh của chữ nghĩa nghệ thuật để khai phóng những con đường tươi mới. Ngược lại, nhà văn viết cho có viết; viết theo đơn đặt hàng, viết để ca tụng thế lực xấu ác vì nhu cầu cơm áo, vì mưu kiếm lợi lộc và rơm rác ân sủng… là đi vào đường mòn chữ nghĩa bồi bút, tự mình cột trói và biến mình thành tên nô lệ, kẻ van xin của cường quyền và bạo lực.
Nhà báo độc lập là chiến sĩ không có binh đoàn. Họ chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là sự say mê cung hiến chức năng nghề nghiệp; tận tụy với lý tưởng săn lùng và khai phá sự thật để mang đến cho quần chúng nguồn thông tin trung thực càng nhanh chóng và mới mẽ chừng nào, càng có giá trị truyền thông cao chừng ấy.
Trong môi trường truyền thông hiện nay, các trường chuyên nghiệp và đại học báo chí thế giới phân định ra hơn 20 chuyên ngành thông tin căn bản. Nhưng chủ yếu nhất của vai trò báo chí vẫn chỉ có hai vai trò cốt cán là: Phóng viên (reporter) và nhà báo (journalist). Hầu như đa số phóng viên vừa là nhà báo; nhưng nhà báo thường không hẳn là phóng viên. Ngành báo chí Hoa Kỳ thường dùng biểu tượng phân biệt như là: Nhà báo là người cảnh sát (police) mà phóng viên là người điều tra (detective) trong một vụ án mạng. Vai trò nhà báo thường bao quát nhiều mặt nhưng nhiệm vụ của phóng viên giới hạn trong từng sự vụ, sự việc cụ thể và giới hạn.
Thế giới có khoảng 1.500.000 nhà báo và phóng viên. Theo hội Phóng viên Không biên giới (Reporters without Borders) thì trong đó có trên một triệu người có được hoàn cảnh hành nghề độc lập, không chịu cảnh bị khống chế viết dưới áp lực của của sự khống chế từ phía lãnh đạo, chủ nhân, phe nhóm, tổ chức. Mỹ có khoảng 100.000 nhà báo và phóng viên, trong đó có hơn 80.000 người hành nghề độc lập. Việt Nam có khoảng 18.000 nhà báo và phóng viên (theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2010 là 17.685 thành viên) thì dường nhưng ít có ai được quyền hay có điều kiện hành nghề độc lập vì không có báo chí nào của tư nhân mà tất cả đều ở trong hệ thống truyền thông quốc doanh của Nhà nước.
Với 42 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập chưa đầy một năm nên thành tích của sự nhập cuộc với tinh thần và tôn chỉ Độc Lập vẫn còn trong vòng đương đầu và thử nghiệm trước những thách đố xã hội, kinh tế và chính trị. Thách đố đầu tiên là người đọc cả nước không thấy một tác giả nào của 61 thành viên Ba Vận động Văn đoàn Độc lập và 42 hội viên Hội Nhà báo Độc lập – vốn phần lớn là những cây bút tài năng, đã ít nhiều thành danh trong lịch sử báo chí và văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại – có bài viết trên tất cả các tờ báo Xuân năm Ất Mùi 2015. Trong bối cảnh truyền thống Việt Nam, viết báo Xuân vừa là một vinh dự “mặt mày” của nhà văn nhà báo; đồng thời cũng là thành quả kinh tế “cày sâu cuốc bẩm” của nhà văn, nhà báo tên tuổi trong những dịp Xuân về, Tết đến. Lẽ nào muốn độc lập cầm bút thì phải (chịu hay bị) “chết hai lần” trên hành trình văn học nghệ thuật (?!)
Một quá khứ “bế quan tỏa cảng” thời cận đại đã lụi tàn trước sự phê phán nghiêm khắc của lịch sử; một hiện thực “tiếng nói Việt Nam” thời hiện đại đang bị sàng lọc trên cả chi li. Bài học “khiêm tốn, thật thà và dũng cảm” sống động nhất của thế kỷ nầy không phải viết bằng khẩu hiệu kiểu áo thụng vái nhau suông mà được xây dựng nên bằng chính con người sinh động cụ thể. Đó là trường hợp dân tộc láng giềng Nam Triều Tiên. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (Korean War 1950 -1953), cả nước Đại Hàn lâm vào cảnh suy vong, nghèo đói. Giới lãnh đạo và nhân dân Nam Hàn chẳng mang mặc cảm xấu hổ gì để cúi mình thật thấp, học hỏi toàn diện hệ thống sách giáo khoa, hình thức tổ chức xã hội và truyền thông của Nhật Bản. Kết quả là chỉ trong vòng năm mươi năm, một nửa đất nước khiêm tốn của bán đảo Triều Tiên đã vươn dậy thành cường quốc kinh tế vang danh thế giới. Ngược lại, Bắc Hàn đóng cửa làm “anh hùng nhất mẹ nhì con” nên từ lãnh đạo đến hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, đang trở thành trò cười của toàn thế giới.
Dẫu rằng lịch sử không có những trường hợp rập khuôn, lập lại; hoàn cảnh những đất nước khác nhau không có trường hợp sao y làm phó bản cho nhau, nhưng khuynh hướng mở rộng, tham khảo và học hỏi những trường hợp điển hình, tích cực để cho đất nước tiến lên là con đường tất yếu của giới lãnh đạo có trách nhiệm và bản lãnh chính trị. Đất nước nói chung và ngành báo chí Việt Nam nói riêng chưa thoát khỏi sự ám ảnh đã quá lỗi thời, lạc hậu như hệ thống loa truyền thanh công cộng đầu đường. Mối nghi kỵ “phá hoại, phản động” qua hình thức sơ khai như rỉ tai, truyền đơn, thư rơi, tin đồn, nói xấu… kiểu học trò, tiểu nông, tiểu thương và đường phố; hay ở mức độ quy mô hơn của báo chí, đường dây, phong trào… đã nhen nhúm và có mặt từ thời vua quan, thực dân, quân phiệt, độc tài, chủ nghĩa tự tôn, tự tác đã ngự trị hàng trăm năm trên đất nước Việt Nam nhiều khốn khó. Ai là người có trách nhiệm hay góp phần để “mở”: Mở mang, mở mắt, mở trói, mở miệng, mở lời, mở lòng, mở hơi, mở ý.
Ngày nay, thực tế toàn cầu đã chứng minh ngược lại rằng, nguồn thông tin càng bị cắt xén, bưng bít, ngược đãi như thế nào thì phản ứng chống lại âm thầm hay bão nổi càng sâu kín, gay gắt chừng đó. Các nước có nền tự do báo chí, cởi mở ngôn luận thông thoáng thì mối bức xúc tâm lý và ý thức tương tác giữa lãnh đạo và quần chúng càng nhẹ nhàng, hợp tác, xây dựng góp phần mạnh mẽ làm cho đất nước phồn vinh và dân tộc ngày càng giàu mạnh.
Sự phản kháng trong môi trường truyền thông đại chúng ngày nay đang có một chỗ dựa phổ thông với hiệu quả ưu việt chưa từng có trước đây. Đó là các mạng lưới thông tin xã hội tổng hợp (social media aggregator) rộng khắp thế giới với tốc độ nhanh tức thời như Twitter, Facebook, Instagram, YouTube, Google Plus, Linkedln, Tumblr, RSS feeds… giúp mang những thông điệp cập nhật và nóng bỏng đến khắp mọi người, mọi nơi không phân biệt. Tình trạng báo giấy đang lâm nguy trước sự cạnh tranh của báo mạng. Toàn thế giới, báo giấy đã sút giảm về mọi mặt từ 30 đến 70 phần trăm. Trong vòng 10 năm trở lại, ít nhất đã có con số ước định từ 30 đến 90 phần trăm báo giấy phải giải thể từ “cứng” (in trên giấy) qua “mềm” (internet) hay duy trì hoạt động song hành nếu không muốn đóng cửa. Hai trong số những tờ báo lớn nhất châu Âu là Le Monde và Guardian đã phải chuyển mình thiết lập them chương trình “Đội quân nhà báo quần chúng” (Army of Citizen Journalists). Nghĩa là quần chúng không phân biệt hễ săn được, nghe được hay bắt được tin nào mới lạ thì gởi đến ngay cho các tòa báo nầy và sẽ được nhận thù lao tương xứng. Cần phải có độ nhanh thông tin gần như tức khắc, mới mong cạnh tranh với Twitter, Facebook và các mạng lưới xã hội ngày càng nhanh chóng và tinh xảo. Theo tốc độ thông tin hiện nay, một bản tin thời sự nóng bỏng nếu được truyền đi chậm sau chừng nửa giờ là kể như… lạc hậu! Với tốc độ nầy thì các hệ thống rào cản và kiểm duyệt cũng sẽ rất khó lòng theo kịp “bắt trúng đài.” Đội ngũ nhà báo độc lập của nước ta đã chuẩn bị được tư thế ứng phó khẩn cấp này chưa. Đó vẫn còn là một câu hỏi, một vấn đề đầy thử thách.
Trở lại với thực trạng nhà văn, nhà báo độc lập (hay chỉ có độc lập trong ước mơ) Việt Nam, giới văn bút tôn trọng tinh thần độc lập quan ngại rằng: Khi tiếng nói độc lập của người cầm bút gây tiếng vang trong quần chúng sẽ có tác động đầy thách thức và có khả năng khởi động đối kháng với thế lực đương cầm quyền. Trong khi đó, nhà báo độc lập tại các quốc tự do có sức mạnh tiền phong, hướng dẫn những phong trào quần chúng góp ý, phản đối hay đối thoại với thế lực cầm quyền trước những vấn đề trọng đại và nóng bỏng của quốc gia. Tên tuổi những nhà báo làm chấn động dư luận toàn cầu thời cận đại và hiện đại như John Peter Zenger, Hunter S Thompson, Benjamin Franklin, Joseph Pulitzer, Tom Wolfe… được xem là những “danh tướng của báo chí” hay những “chiến sĩ can trường” trong lãnh vực truyền thanh, truyền hình như Dan Rather, Ted Koppel, Barbara Walters, Katie Couric, Jim Lehrer… đã đưa vai trò nhà báo độc lập lên hàng những chiến sĩ can trường đấu tranh cho Tự do Báo chí.
Năm 2013, trong cuộc khảo sát Tự do Báo chí của 197 quốc gia, con số thống kê cuối cùng là thế giới nầy có được: 66 nước (33.5 phần trăm) có tự do báo chí thật sự, 72 nước (36.5 phần trăm) có báo chí tự do từng phần (partly free) và 59 nước (30 phần trăm) hoàn toàn không có tự do. Việt Nam chúng ta đang ở đâu trên dãy số thống kê này thì ai cũng biết. Nhưng làm thế nào để phát huy và ứng dụng tinh thần “độc lập” tương đối và khả thi trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta đây – thưa giới cầm quyền và giới văn bút độc lập – trong mối tương tác quá nhiêu khê mà thế giới truyền thông đang đối mặt.
Độc lập hiện thực
Cuộc cách mạng truyền thông đại chúng đã mang “đôi hài bảy dặm” đến cho nhà báo trên toàn thế giới không phân biệt chủng tộc, hoàn cảnh, địa lý. Nhưng khái niệm “độc lập” trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam cần phải được hiểu và suy diễn như thế nào để nó trở thành phương sách khả thi chứ không phải là danh từ bùa chú?!
Ngay những mạng lưới xã hội có số lượng người đang sử dụng đứng hàng đầu thế giới như Facebook với 1 tỷ 390 triệu người; Google, Youtube trên 1 tỷ người thì vẫn không thể “độc lập” trong mối quan hệ đa chiều giữa khuynh hướng cá nhân, luân lý xã hội, quy ước đoàn thể và quyền lợi quốc gia. Như chỉ trong sáu tháng cuối năm 2014, chính phủ Hoa Kỳ – đứng đầu danh sách những quốc gia quan tâm đến an sinh xã hội và an ổn tinh thần cho dân chúng giữa cơn lốc của nạn khủng bố đang lan tràn – đã yêu cầu Facebook cung cấp những thông tin liên quan đến 35.051 trường hợp khách mạng cần duyệt xét và FB phải đáp ứng 79 phần trăm yêu cầu của chính phủ. Ấn Độ đứng hàng đầu danh sách quan tâm đến đạo lý và ổn định xã hội đã yêu cầu FB phải rút xuống khỏi mạng 5.832 trường hợp.
Trong mối tương tác tay ba – sự độc lập của người cầm bút, tự do ngôn luận và áp lực của các thế lực cầm quyền – người đại diện pháp lý của Facebook, Chris Sonderby, đã phát biểu: “Trước những thử thách và tác động vùi dập tự do báo chí, người cầm bút nên giữ vững lòng tin mà tiến tới; chùn bước là đi lùi. Giới truyền thông phải xem xét thận trọng yêu cầu của giới cầm quyền trong từng quốc gia và sẽ phản bác trước những đòi hỏi không chính đáng của họ. Điều rất cần thiết là phải yêu cầu các chính phủ trên thế giới rằng: Song song với việc chấn chỉnh và thắt chặt sự kiểm duyệt báo chí truyền thông theo những nhu cầu và luật lệ riêng của họ thì đồng thời, cũng phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận trên tinh thần hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đừng nên biến giới truyền thông của đất nước mình thành những con ma viết mướn nghèo nàn, lạc hậu vì bị bưng bít thông tin và cấm đoán quyền phát biểu.”
Giới văn bút Việt Nam luôn luôn bị đứng giữa hai gọng kềm của sự cực đoan: Cực tả và cực hữu biến tướng thành chiêu bài giả hiệu và áp bức vô hình. Nếu không giữ vững lương tri chức nghiệp và sức mạnh của tinh thần độc lập thì nhà văn, nhà báo sẽ rất dễ biến thành những “con ma viết mướn nghèo nàn” hay thằng hề trong “nghệ thuật nâng bi” như hình ảnh đầy tính biểu tượng của C. Sonderby. Giới có trách nhiệm thuộc thế hệ đàn anh suy nghĩ như thế nào khi Cao Huy Huân, một sinh viên Việt Nam sinh sau năm 1975 và từ Việt Nam sang du học Mỹ năm 2010, đã phát biểu trên đài VOA về đường lối chỉ đạo truyền thông Việt Nam là“chính sách bưng bít thông tin từ bên ngoài và tuyên truyền mỵ dân từ bên trong” khi nhìn về tự do báo chí của Việt Nam?!
Khi mạng mạch truyền thông bị “bưng bít thông tin từ bên ngoài và tuyên truyền mỵ dân từ bên trong” thì khái niệm độc lập – tự do của người cầm bút đồng nghĩa với cô lập và bị đe dọa.
Nói đến giới cầm bút và con đường sáng tạo văn nghệ, hoạt động truyền thông thì có lẽ nhận định của Nelson Frost từ những ngày đầu “Chiến Tranh Lạnh” – thời những năm 1940 – cho đến nay vẫn không có gì thay đổi, rằng là: “Châu Á đi lòng vòng để tìm chỗ dựa, Liên Xô đi “xéo góc” (zigzag) để tìm đồng minh và Âu Mỹ đi thẳng đuột (straightforward) để tranh nhau ai biết trước.” Nhà văn nhà báo châu Á biết mà không dám “độc lập” nói thẳng để sinh tồn. Ngay nhà báo cũng phải chạy vòng quanh dựa vào lời phán trí trá mỵ dân của đấng lãnh tụ này, trích dẫn bùa chú u minh của ngài triết gia nọ, tiên đoán ba hoa chích chòe của nhà… (đủ thứ) kia để tránh những phản đòn thù hận vô minh của giới quyền thế bị nhà báo, nhà văn vạch trần, phê phán trên diễn đàn công luận. Có lẽ nhà văn, nhà báo Việt Nam đứng đầu sổ châu Á về khả năng chạy lòng vòng trong quá trình vừa viết, vừa lách bởi hội chứng sợ hãi đã trở thành thâm căn cố đế. Sau lưng một nhà báo độc lập phương Tây còn có luật pháp, tòa soạn, nghiệp đoàn, quần chúng và sự khen chê công bằng làm chỗ dựa. Nhưng sau lưng một nhà báo độc lập tại các nước độc tài và quân phiệt thì chỉ có âm mưu đen tối, sự trả thù thâm độc, cảnh nheo nhóc nghèo đói, người đời sợ liên lụy lánh xa và làm cu li không ai dám mướn… chực chờ sau những trận thư hùng chữ nghĩa.
Hậu quả tất nhiên không tránh khỏi là đường lối văn học nghệ thuật áp đặt và phương hướng thông tin chỉ đạo chặt chẽ đã biến những con chim hồng, chim phụng có khả năng bay khắp những vùng trời cao rộng… thành những con gà què ăn quẩn cối xay. Hay có chăng những cơ hội tiến xa hơn một bước thì giới cầm bút Việt Nam phải đóng cùng lúc vai trò nhà văn tưởng tượng, nhà báo săn tin, nhà sử học dẫn sự kiện, nhà chính luận suy diễn, nhà kiểm duyệt cắt xén… trong cùng một chức năng viết lách để sống còn! Người cầm bút trở thành một loại “Xuyên Tâm Liên” – thuốc lang ta trừ bá bệnh – chữ nghĩa, thiếu hẳn tác dụng sắc bén của chuyên môn và sự nhất quán của tinh thần tổng hợp. Ngòi bút nhấc lên thì sợ phạm húy, điểm xuống thì sợ sai quan điểm lập trường là ngòi bút mạt vận – cùng đường (hay mạc vận – vận mỏng, vận xui cho nó dễ thở hơn một chút nhỉ). Thà mạt vận để “cùng tắc biến” mà vùng lên phản kháng hơn là chỉ mạc vận thì sẽ èo uột; rất dễ trở thành phương tiện tiêu khiển lúc tửu hậu trà dư của giai cấp đương quyền.
Vài chục nghìn nhà báo và hơn nghìn nhà văn chính thức thuộc biên chế Nhà Nước của Việt Nam đã chung sức đóng góp tới đâu trong quá trình xây dựng nền móng văn chương và bộ mặt truyền thông đại chúng cho đất nước và con người Việt Nam trong 40 năm qua? Sự so sánh về môi trường truyền thông đại chúng không thể giới hạn trong “xóm ngoài có chồng, xóm trong có vợ” được mà phải phóng tầm nhìn ra xa hơn con người và đất nước lân bang và thế giới.
Không thể phủ nhận được rằng, trong tập thể vàng thau lẫn lộn nầy sự hiện hữu của vàng cũng nhiều mà thau cũng lắm. Biết bao những cây bút tài năng nhưng thiếu đất dụng võ vì cái mô thức lãnh đạo và cai quản nghịch lý của ngành báo chí truyền thông Việt Nam trong chiếc lồng chính trị. Riêng trong lĩnh vực truyền thông và văn nghệ thì sự nghịch lý nầy hiện hình quá thô cứng. Có thể đơn dẫn vài hiện tượng như:
– Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ số quần chúng sử dụng máy vi tính, điện thoại và mạng lưới xã hội đông đảo của thế giới. Nhưng thực trạng là một người vừa mở vi tính internet trước mắt, Iphone 6 trong túi, vừa phải nghe chiếc loa công cộng đầu đường từ thời Tuyên truyền Giải phóng quân thế hệ 1930!
– Cả nước có tới 800 tờ báo đủ loại đủ kiểu mà chẳng hề có một tờ báo nào của tư nhân. Tất cả tổng biên tập đều do tổ chức Đảng tuyển chọn và bổ nhiệm.
– Những cây bút “lề trái” không chịu tuân phục đường lối, chủ trương của cấp trên thì chỉ còn nước quăng bút giã từ thế giới văn bút. Nghĩa là không còn có bất cứ một đơn vị truyền thông báo chí nào dám đăng bài, thuê mướn.
“Nói lên sự thật nghịch lý, dẫu cho đó là sự thật nghịch chiều với hướng đi của khối quyền lực thiếu tôn trọng quyền tự do tư tưởng, thường không có nghĩa là đả kích, bêu riếu mà đấy là một ý hướng xây dựng đầy can đảm…” Những dòng tâm bút của Henry Miller vẫn còn nhắc nhở.
Khuynh hướng dậm chân tại chỗ hay thụt lùi trong tự do ngôn luận xuất phát từ nguyên động lực “chuyên” mà không “môn”. Chuyên hóa như chuyên chính vô sản đẻ ra chuyên ngành, chuyên văn, chuyên đề, chuyên san…; hay là nói một cách khác đi rằng, đấy là một sự trói buộc vào két sắt của phía nắm giữ quyền lực mà không có cái cửa khẩu thích ứng để ra vào.
Một năm qua, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vẫn còn đứng trong và đứng giữa tầm nhắm của nhà cầm quyền và đại chúng. Theo dõi hai diễn đàn chính thức là Văn Việt (Website: http://vanviet.info) của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập và Việt Nam Thời Báo (Viet Nam Times. Websites: www.ijavn.org and www.facebook.com/hoinhabaodoclap) của Hội Nhà báo Độc lập, người ta thấy được sự nỗ lực của những thành viên trong hai hội đoàn văn bút quần chúng nói trên qua những bài viết cổ xúy tinh thần vươn lên đấu tranh cho tự do và dân chủ. Mặc dầu lực lượng thành viên còn quá mỏng, nhưng quan trọng là sự chuyển động vươn tới tạo được thế quần chúng và sự ủng hộ đầy khích lệ trong cũng như ngoài nước.
Xin kính chào các nhà văn nhà báo độc lập và chưa độc lập!
Đã 40 năm kể từ ngày cuộc chiến Việt Nam chấm dứt năm 1975. Khi cuộc chiến, cuộc cờ, cuộc thế… chấm dứt thì thế nào cũng có bên thắng, bên thua. Dòng lịch sử tiếp theo là tiến trình xây dựng đất nước mà giới văn bút là sức mạnh tinh thần của thế hệ mới. Bốn mươi năm nhìn lại, mỗi người sẽ tự hỏi: “Trong tư thế của mình, mình đã làm được gì chưa hay còn đợi đến bao giờ?”
Ché Guevara – tay lãng mạn cách mạng hàng đầu của thế kỷ – đã có lần hỏi như thế trong cuộc hành trình nghìn dặm bằng xe máy mô tô băng Châu Mỹ La Tinh. Khi Ché đến Guatamala, Camilo Cienfuegos đã tặng thơ:
Giấc mơ hôm nay là thực tế ngày mai
Hãy bứt phá gông xiềng thẳng đường đi tới
Chỉ ánh sáng mới xóa tan bóng tối
Thắp tim lên đâu phải đợi bình minh.[2]
Phải chăng Ché đã lãng mạn nhắc nhở thắp “ngọn đèn tim” của mình mà đừng mõi mòn chờ đợi bình minh ban phát lóe lên trong đêm tối quá dài cho một đời người ngắn ngủi. Đó là ngọn đèn tim độc lập vì yêu đất nước và con người.
Sacramento, tháng Tư 2015
Trần Kiêm Đoàn