Quốc Hội là một bộ phận quan trọng của đất nước vì (ít ra cũng trên nguyên tắc) làm ra luật pháp. Trong khi Chính phủ thi hành luật pháp và Tòa án diễn giải và phán quyết về mức độ phạm pháp. Đó là hình thức tương đối của hệ thống Tam Quyền Phân Lập mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Tại Việt Nam ngày nay, toàn đất nước đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN nên Quốc Hội cũng là một bộ phận của Đảng. (Trong số 496 đại biểu Quốc Hội khóa XIV bầu năm 2016 thì đã có 100 vị là Ủy viên Trung ương Đảng CSVN và chỉ có 21 người là ở ngoài Đảng.) Bởi vậy, có thể nói rằng, Quốc Hội Việt Nam hiện nay là một diễn đàn trực tiếp của Đảng CSVN đối thoại với người dân.
Quyền hạn của Quốc Hội VN được quy định như sau:
1. Lập hiến, Lập pháp
2. Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
3. Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Hiện nay, người dân trong cũng như ngoài nước rất quan tâm đến quyền hạn thứ 2 (Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước) của Quốc Hội. Tất nhiên, bên cạnh những “nghị gật” vẫn có nhiều đại biểu có bản lĩnh, mạnh mẽ nói lên quan điểm riêng của mình, dẫu có khi ngược chiều với “dòng thác cách mạng”, đối lập với tiếng nói theo lề phải của nghị trường. Tiếng nói nghị trường và phản ứng của dân chúng mấy hôm nay được hâm nóng xuất phát từ lòng yêu nước trước thái độ nghênh ngang bất chấp của Trung Quốc từ vùng biển đảo đến các thắng cảnh du lịch của Việt Nam.
Sự quan tâm của người dân không úp mở mà nhắm thẳng vào vận mệnh nguy vong của đất nước và khát vọng của muôn người: Đó là bóng đen xâm lược của Trung Quốc và những mưu toan trong bóng tối của giặc và ta. Đồng thời, biểu hiện vô tình, hời hợt qua lời phát biểu của một số đại biểu Quốc Hội trước nguy cơ Trung Quốc xâm lăng.
Đề tài nóng bỏng từ Quốc Hội dè dặt loan ra và phản ứng của quần chúng ồ ạt dội vào là vấn đề liên quan tới sự biểu quyết của các Đại biểu Quốc Hội vể các Đặc khu Nhượng địa có khả năng sẽ hiến cho Trung Quốc quyền sử dụng 99 năm. Hay đó là bước đầu nhắm tới mục đích công khai hóa và hợp thức hóa quyền sở hữu và sử dụng đất đai của Trung Quốc trên đất nước Việt Nam. Thực tế là từ lâu nay, ngoài những khu vực đặc biệt hai chiều (ký kết giữa quan chức Việt Nam và Trung Quốc) dưới danh nghĩa kinh tế và thương mãi như Bô-xít Tây Nguyên, Formosa, vùng khai thác công nghiệp và thương nghiệp ở Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… thì lần này, trên diễn đàn quốc dân là Quốc Hội, phía lãnh đạo Việt Nam đang chính thức đề xướng ra một hình thức “phò Trung” bằng cách quy định những khu Đặc nhượng 99 năm cho Trung Quốc.
Lịch sử cho thuê mướn đất đai 99 năm có từ thời vua Edward III đầu thế kỷ 14. Càng về sau, thời gian 99 năm đã trở thành một khái niệm mơ hồ về cái khung thời gian vì trải qua 4,5 thế hệ trên đất mới thì kẻ thuê mướn đã tự nhiên trở thành người bản xứ. Trong lịch sử cho thuê đất, chỉ có Hồng Kông là chưa bị hoàn toàn “Anh hóa” sau 99 năm bị cho thuê. Lý do là người Anh tôn trọng luật lệ, Hồng Kông trở thành trung tâm thương mãi hàng đầu thế giới và 95% cư dân là người Tàu bản xứ, tự do sống theo văn hóa và truyền thống Trung Hoa.
Hầu hết các trường hợp nhượng địa cho thuê 99 năm là do thế yếu hèn của nhà cầm quyền bản xứ vì bị bại trận, mắc nợ, áp lực quân sự hay chính trị hoặc nghèo đói lạc hậu.
Tham vọng “Phương Án Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Initiative – BRI -VĐĐ) được Tập Cận Bình cho là “Sáng Kiến của Thế Kỷ 21” hay là Con Đường Tơ Lụa Mới (New Silk Road) nối vành đai từ Á, sang Âu, Trung Đông, Phi, Nam Mỹ. Cộng đồng quốc tế gọi BRI nầy là cái Bẫy Nợ (Debt Trap) đòn phép và nham hiểm nhất của Tàu trong thế kỷ này. Phương án BRI dự chi 8 ngàn tỷ (8 trillions) đô la Mỹ với 68 nước trong danh sách vay mượn là một cái bẫy sập khổng lồ trên thân phận những nước nghèo với nạn tham nhũng tràn lan như Việt Nam. Trong đó, Đặc khu Nhượng địa 99 năm là giải pháp cuối cùng khi cá đã mắc mồi mà Trung Quốc đang hau háu đợi chờ và nhắm đến. Khác với cách điều hành theo các nguyên tắc tài chánh phân minh và quy ước khi cho vay tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), đồng tiền cho vay của Trung Quốc căn cứ vào những tài sản huyết mạch lâu dài là nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược của nước đó.
Con đường Tơ Lụa Mới “Vành Đai và Con Đường” của Tập Cận Bình
Hiện nay, đã có 8 quốc gia (Pakistan, Djibouti, the Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan) trong 23 nước vay tiền Trung Quốc mắc mồi đang vùng vẫy như thú bị thương. Sri Lanka đang tuyệt vọng với số nợ lút đầu của Trung Quốc cho vay nên bắt buộc phải ký hợp đồng cho thuê hải cảng Hambantota trong 99 năm để được giảm nợ. Hải cảng huyết mạch và chiến lược Gwadar của Pakistan đang đi theo số phận của Hambantota khi Trung Quốc tuyên bố là đã đầu tư vốn cho vay 55 tỷ đô la Mỹ vào các dự án của nước này.
Mỉa mai và thê thảm nhất là người bạn láng giềng hiền hòa của Việt Nam ta — nước Lào — đã bị sập Bẫy Nợ sớm nhất trong vùng Đông Nam Châu Á. Trong khi hơn phân nửa người Lào còn chân trần đi bộ thì các quan chức lãnh đạo Trung Quốc đã chiêu dụ cho vay làm dự án Đường rầy Xe lửa Cao tốc chạy từ Trung Quốc xuyên Nam Lào (dư luận Quốc Tế cho rằng, con đường rấy cao tốc nầy chảng có chút lợi ích gì cho Lào nhưng đóng vai trò trọng yếu cho Trung Quốc di dân và chuyển quân khắp các miền Đông Nam Á nhanh hơn). Dự án nầy tốn 6.7 tỷ đô la Mỹ, bằng 30% tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Lào. Nợ Quốc gia của Lào sẽ vượt 70% khả năng chi trả của 5.5 triệu người Lào vào cuối năm nay.
Nhìn người lại nghĩ đến ta.
Việt Nam có mặt trong 28 nước nằm trong Bẫy Nợ BRI của Trung Quốc. Tuy chưa nằm trong danh sách 8 nước đầu tiên mang thương tích vì bị sập bẫy, nhưng cứ nghe Bành Huy Cứ trong BRI Think Tank nói mà kinh: “Đất mua mới khó, người mua quá dễ. Tiền trăm tiền nghìn thì có thể từ chối nhưng tiền triệu, tiền tỷ thì đá cũng phải gật đầu. Người bán đất. Nên mua được người là mua được đất”. Nạn tham nhũng đang hoành hành, ai sẽ bị mua mắc, ai bị mua rẻ… để Hán gian lợi dụng mà đưa Việt Nam vào bẫy sập đây?
Việt Nam đang mở ra 3 cửa ngõ đầu tiên có khả năng đưa đất nước vào Bẫy Nợ BRI của Trung Quốc là 3 địa bàn đang được Quốc Hội thảo luận có khả năng bị đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu “thuận” vì người Tàu nói như Bành Huy Cứ “Mua đất khó, mua người dễ“. Nhìn vào bản đồ Đông Nam Châu Á thì 3 vùng đất đang bàn cãi ở vào vị thế trọng yếu sinh tử của Việt Nam: Với tầm vũ khí chiến lược và chiến thuật hiện nay thì 3 điạ thế đề nghị nầy đều tạo thế thuận lợi quyết định cho các quân lực xâm lược:
(1) Vân Đồn, cách Hải Nam 200 hải lý là yết hầu của đất nước.
(2) Bắc Vân Phong, gần quần đảo Trường Sa, là cái rốn.
(3) Phú Quốc là bàn chân tạo thế đứng, thế bàn đạp cho cả nước.
Khi cả 3 vùng đất có tầm chiến lược trọng yếu nầy rơi vào tay quân giặc xâm lăng thì cũng đồng nghĩa với mất nước. Xác định được “điểm tử” của giang sơn Tổ Quốc mà vẫn tìm cách đưa vào tay giặc thì có khác gì Mỵ Châu xưa kia trao Nỏ Thần cho Trọng Thủy.
Vậy nên, thưa Quốc Hội Việt Nam, vài thông tin ngắn gọn vừa trình bày một cách khách quan và cập nhật ở trên để cùng nhau thấy được rằng, đất nước Việt Nam chúng ta đang rơi vào Bẫy Nợ của Trung Quốc. Chỉ có sự đoàn kết của toàn dân và lãnh đạo Việt Nam mới mong thoát — hay ít nhật lá né tránh được — cú sập cuối cùng của cái Bẫy Nợ đang làm 8 nước đang điêu linh. Việt Nam chúng ta là láng giềng Trung Quốc nên chúng ta không dại dột để gây thù chuốc oán với họ đã đành; nhưng cũng không thể khờ khạo rước họ vào mà thiếu tỉnh giác. Hãy đọc lại những trang sử nghìn năm của tinh thần bất khuất Việt Nam đã phản ứng chống lại như thế nào trước mưu đồ thôn tính và đồng hóa của Trung Quốc.
Rước bạn vào nhà bằng nụ cười nhưng rước người tình nghi kẻ gian thì phải bằng chiếc gậy thủ sẵn. Chấp thuận Nhượng địa 99 năm là vô hình chung rước thế lực xâm lăng cướp nước vào nhà với hai bàn tay không.
Đây chính là thời điểm các vị đại biểu Quốc Hội nói riêng và Quốc Hội Việt Nam nói chung tự xác định vị trí, thế đứng và danh dự bằng tinh thần yêu nước, thương dân đích thực của mình trước đồng bào và thế giới.
Trân trọng,
Trần Kiêm Đoàn