thiền đàm với gốc cây


Sáng sớm cuối tuần làm vườn, tôi bỗng khám phá ra một điều thú vị là “Tôi đã đi đâu?”. Ngày thường, suốt giờ làm việc, chỉ nghe đầu dây bên kia “Tôi… tôi”; đằng này cũng “Tôi và tôi”. Cái Tôi hiện lù lù giống một gã lì lợm. Chỉ thỉnh thoảng mới có “chúng tôi, chúng ta” và họa hoằn lắm mới nhân danh bàng dân thiên hạ. Cái Ta bên kia càng lớn thì cái Tôi bên nầy càng to. Cái Tôi lấp lánh bon chen như những chiếc nhẫn kim cương trong dạ tiệc. Người càng sang, chiếc nhẫn càng lớn. Những chiếc nhẫn trơ mắt nhìn nhau. Chúng vô hồn và vô ngã, nhưng vì người chủ và người đời bơm cho nó cái hồn thiên cổ của chính mình, mặc vào cho nó những giá trị ghê gớm mà chính nó không có mà cũng không cần có. Bởi thế cái Tôi biến thành Kim cương hay Kim cương biến thành cái Tôi. Hai gã mù dựa vào nhau để biến thành kẻ sáng!
Cái Tôi cũng già ngang tuổi ông Trời và mang một bản chất “rình rang bất trị”, nên mọi hệ thống tôn giáo trên trái đất này đều nỗ lực trong tuyệt vọng để cố đưa ra những phương thuốc thần nhằm chuyên trị cái Tôi. Thế mà cái Tôi vẫn mãi mãi sinh sôi nẩy nở thành những binh đòan du kích bất tử, chiến đấu không mõi mệt để tha hóa con người trong thầm lặng.
Nhổ cỏ một mình giữa sự thinh lặng trong một góc vườn sáng Chủ Nhật, cái Tôi của tôi chững lại, nhỏ đi, nhạt nhòa và biến đâu mất khi tôi đem “nội lực” – mà tôi cho là thâm hậu – của cái Ta của mình để chinh phục một thế lực “ngoan cường” của phía cây cỏ bên kia.
Tôi say sưa nhổ, cắt, xén, đào… những cây lá khác mà tôi cho là cỏ dại dưới đất, là chồi thừa trên cây, là sự xâm lấn của thực thể thiên nhiên nầy vào một mảnh thiên nhiên khác mà mà tôi đặt tên cho nó là khu vườn, bồn hoa, bãi cỏ…
Vừa làm vườn tôi vừa lầm bầm nói với “lũ” cây cỏ trơ mắt ếch ra đó: “Cỏ rác chi mà ngu dễ sợ. Vườn người ta sạch sẽ đẹp đẽ như như vậy mà cũng cứ ngang nhiên mọc ngang mọc dọc tùm lum!” Nhổ! Cắt! Xén… Lớp cỏ dại (đã già vàng úa rồi mà vẫn không chịu thành cỏ khôn) rũ rượi trong sương đêm nằm gọn trong tay tôi không một chút kháng cự. Những chồi cây non đã bị “xử trảm” vẫn cứ nhơn nhơn ra đó như mỉm cười tinh quái trong ánh sáng mặt trời buổi sớm. Cái giận của tôi ném vào cây cỏ loãng xa rồi mất hút. Cây cỏ vẫn im lìm. Tôi đang nói với ai đây? Không một tiếng vọng từ phía bên kia. Không ai trả lại cái Tôi đầy sân hận của mình đã ném đi làm tôi có cảm tưởng như mình không có điểm tựa, không có tấm gương soi lại chính mình để biết mình là ai, mặt mũi ra sao trong giây phút đó.
Càng bực mình, tôi càng tấn công cây cỏ hăng say hơn. Xác “địch” đã chất thành đống mà vẫn chưa có “tên” nào đáp lại cái Tôi của tôi đã phóng ra. Bực mình, tôi lầm bầm mắng tiếp. Không có tiếng trả lời, nỗi bực bội của tôi càng chồng chất! Ánh nắng đã lên cao. Mặt trời uy dũng thế kia mà cũng chỉ dội những tia nắng vàng yếu đuối. Tôi là ai? Một người đã ngự trị cả khu vườn và cây cảnh sáng hôm nay. Một người chiến thắng thiên nhiên hay chỉ là một kẻ bại trận vì bị thiên nhiên hắt hủi. Tiếng chim thức giấc đang ca khúc khải hoàn cho tôi hay đang nói lời rầu rĩ cho một thằng Tôi vừa nằm xuống?!
Một khoảng yên lặng mênh mông quyện lấy khu vườn. Tôi thèm một một sự trả lại. Tôi thèm được nhìn cái Tôi của tôi đang mất hút trở về. Tôi tha thiết cần một sự lên tiếng, cho dẫu đó chỉ là lời chanh chua từ phía khác. Vẫn lặng im. Tôi bỗng sợ. Sợ sự hiện sinh chỉ có một chiều. Sợ sự hiện hữu đóng băng như gỗ đá. Sợ cái Tôi của mình lạc lõng và tan biến trong hư vô. Sợ tôi không biết tôi là ai để nhân danh thân xác nầy trong những giờ sắp tới. Tôi muốn gào lên để xác nhận sự hiên diện của mình. Tôi sợ cô đơn…
Nhưng may quá, sản phẩm “chống cô đơn” của con người trong thế kỷ nầy đã kịp thời cứu viện: Tiếng chuông điện thoại cầm tay trong túi chiếc áo khoác của tôi vắt trên cành cây đã lên tiếng. Tôi lại nghe tiếng “tôi” đằng kia và tiếng tôi đằng này đáp lại. Mọi chuyện trở lại “bình thường” và tôi vẫn là tôi.
Bình thường! Vì tôi nghĩ rằng tôi đang có bạn, có ít nhất là một con người đang tâm sự với tôi, nếu không hiện diện cười nói bên nầy thì cũng đang thở ở đầu dây bên kia.
Càng ngày, phương tiện liên lạc giao thông càng phong phú thì con người càng sợ cô đơn. Đặc biệt xã hội Tây Phương thì tâm lý “sợ cô đơn” và “chống cô đơn” càng thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mỗi cá nhân đều có ít nhất là ba, bốn cách chống cô đơn trong số nhiều phương cách khác nhau.
Cô Jenny người hàng xóm của tôi sáng nay ra vườn sau để hút thuốc cũng lên tiếng phàn nàn là cảm thấy “cô đơn” (lonely), mặc dầu cô ta có phôn nhà, phôn tay, phôn văn phòng, phôn công cộng và cô ta có mạng lưới website, email và TV mở suốt ngày đêm. Cô ta còn có xe hơi đời mới, xe hai bánh Honda, thuyền du lịch để sẵn ở nhà. Thế mà sao Jenny vẫn không thấy thỏa mãn vì sự cô đơn vẫn đeo đẳng lấy cô. Liên lạc bằng phôn thì hời hợt như pháo nổ. Nổ rồi lại im. Điện thoại gác lên giá rồi thì khoảng không lại đến. Email, website khi rút lui khỏi màn ảnh rồi thì chỉ còn một khoảng trống nhợt nhạt hay đen ngòm, vô nghĩa trên mặt kiếng. Jenny cứ chờ đợi người ở đầu giây bên kia hay kẻ nào đó ngoài mình sẽ làm cô cảm thấy bớt cô độc, nhưng thực tế là chỉ làm cho cô cảm thấy khoảng trống vắng trong lòng mình lớn dần, có khi cái bóng lạnh lẽo ấy chụp lấy cả đời cô.
Cô đơn là một trạng thái tâm lý khi cái Tôi hiện ra sừng sững nhưng không biết để nó vào nơi đâu. Không có người chăm sóc săn đón nó; không một nơi nào an trú cho nó. Cái Tôi mất chỗ dựa, lạc loài, nên con người cảm thấy cô đơn.
Khi làm vườn, tôi kiếm một nhánh cây để móc áo khoác và tìm một chỗ tựa cho cái Tôi của mình.
Và cũng từ đó, tôi hay nhìn tôi trên gốc cây. Cái Tôi ở đó ít bị quần thảo giữa phong ba của cuộc sống. Cái Tôi đơn sơ, trong suốt và tĩnh lặng như cái Tôi Uyên Nguyên chỉ có trong khái niệm thuần lý. Càng vật lộn với thực tế “phù trần” cái Tôi càng được định nghĩa, hình thành và tạc tượng thành những “cái Tôi không phải là tôi”.
Ý nghĩ về sự vắng bóng cái Tôi làm tôi liên tưởng đến cái vòng tròn vô kỷ vô tha của bức tranh “Chăn trâu học Phật” cuối cùng giữa mười bức tranh đánh vào cái ngã mạn, ngã chấp, ngã kiến, ngã vọng… trong Thập Mục Ngưu Đồ. Khi con trâu và kẻ chăn trâu biến khoảng cách chủ thể và đối tượng thành một vòng tròn rỗng không là ngày cái Tôi bại trận.
Nói một cách công bằng thì cái Tôi là kẻ tuẫn đạo cho kiếp làm người. Mỗi Con Người có thể bị tù ngục giam cầm tại một nơi nào đó mà thôi, nhưng Thằng Tôi (hay Con Tôi) có thể cùng lúc bị phân thân đày ải suốt mấy tầng địa ngục. Nhẹ sơ sơ thì cũng là nỗi bực mình về cú hẹn trễ giờ, người thân đi học đi làm về muộn, gặp đứa bạn không chịu cười tròn môi. Nặng ký hơn một chút có thể là sự xung đột gia đình, láng giềng xã hội. Và nghiêm trọng nữa là sự bất mãn, tiếc thương, hối hận, đau buồn suốt đời không nguôi ngoai như sự ly biệt vĩnh viễn người thân, thù hận không hóa giải, mất mát không đền bù… Cái Tôi sẽ bị đày ải chung thân không có ngày phóng thích. Con người vật lý vẫn sống, vẫn ăn, vẫn ngủ ở trần gian nhưng cái Tôi đã bị đóng đinh ở vô giáng địa ngục A Tỳ! Cái Tôi thoạt nhìn thì bay bỗng như con diều lộng gió nhưng thật tình là đang bị buộc vào sợi dây của gã chơi diều. Cắt đứt sợi dây, diều rơi xuống. Thật ra bay hay rơi chỉ là một ý niệm chủ quan. Nhưng khi con diều không bị ràng buộc bởi sợi dây từ phía chủ thể đóng đinh từ phía dưới đất, chính là khi nó được hoàn toàn giải phóng và an nghỉ.
Đạo Phật được xem là đạo giải thoát vì không bị ràng buộc bởi thần quyền hay thế quyền. Ai cũng có quyền tự do tự mình thắp đuốc lên mà đi để vươn tới chỗ có “cái Tôi của mình như cái Tôi của ông Phật”. Mà cái tôi của ông Phật là một quá trình cởi bỏ để tiến tới hư không tự tại và tuyệt đối.
Nắng đã lên rồi mà tôi vẫn còn nhìn mình nơi gốc cây. Một sự trống vắng hạnh phúc nhưng tôi không dám nghĩ hay sờ đến nó vì sợ nó tan đi như giọt sương trời!
Tôi muốn nói lên lời cảm tạ nguồn hạnh phúc nhìn mình nơi gốc cây, nhưng trở thành “vô ngôn” vì chẳng có lời nào trọn vẹn. Ngay cả khi nghĩ đến lời cảm tạ sau mỗi lần đọc kinh Phật hoàn mãn:
Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
… Ngã đẳng dữ chúng sanh!
Tại sao bốn phương trời lồng lộng của công đức đang tỏa chiết giữa Đại Ngã mà vẫn còn mất công hướng về cái Tiểu Ngã – dù là “Ngã đẳng” thì cũng vẫn còn trói buộc vào cái Tôi. Tôi nhìn mình nơi gốc cây và tự hỏi: “Tại sao?” Rồi tự trả lời: “Tôi ơi, ở hay về?!”

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan