CHƯƠNG HAI MƯƠI – Chuyển hóa

Lần đầu tiên trong đời, Trí Hải có một cảm giác xa lạ, hoang sơ gần như trần trụi với chính mình và khung cảnh chung quanh. Không danh, không vị, không nhà, không cửa, không hầu, không thiếp, không tớ, không chủ, không đón, không đưa.  Sự cô đơn hiu quạnh làm cho Trí Hải cảm thấy tự do. Cái tự do hồn nhiên của cánh chim bơ phờ giữa gió bão một mình.

Vừa bước đến lối mòn rẽ vào thiền cốc của sư Trúc Lâm, Trí Hải khuỵu xuống vì mệt mỏi và đói khát.  Đã mấy ngày đêm bước đi ròng rã, đói thì ăn trái cây rừng của chim muông ăn thừa rơi vãi dọc ven bìa rừng.  Khát thì cố tìm nước suối hay những bọc nước đọng trong từng hốc đá để uống. Buồn ngủ thì nằm hay ngồi chợp mắt trên những phiến đá.  Trí Hải như một người vừa mới sinh ra từ mặt đất nầy.  Đứa con của vua sinh ra trong châu báu; đứa con của nhà giàu sinh ra trong nhung gấm; đứa con của trần gian sinh ra từ đất và cuối cùng thì tất cả những đứa con yêu, con ghét, con hư, con ngoan, con trời hay con đất cũng sẽ buông tay trở về với đất.  Đã từng làm con trong châu báu và nhung gấm, Trí Hải xin nguyện được làm đứa con của đất lành mà thôi.

Chùa Từ Vân vẫn lặng lẽ đón người khách cũ.  Sau một hồi chợp mắt trên thềm đá làm bậc cấp dẫn lối vào chùa, Trí Hải cố đứng dậy, nhè nhẹ từng bước một, bước vào bên trong.  Chùa vắng vẻ như bỏ hoang.  Lá khô xếp lớp bay lao xao từ ngoài vào trong và quanh quẩn đâu đó. Đi quanh ngôi nhà trai, bếp tro lạnh ngắt. Bước dần lên thiền cốc, cửa trúc không gài gió lộng bốn bề.  Trí Hải chẳng thấy một bóng người.  Dư hương của mùi trầm hương thoang thoảng đâu đây như một nỗi gợi nhớ mơ hồ.  Sư Trúc Lâm, chú tiểu tăng, người thị giả, lão hầu cận Phạm Xảo bỗng về đâu khuất bóng.  Lá rừng vẫn muôn năm xào xạc và mây trắng trên cao thì cứ trôi hoài về cõi miên du không hứa hẹn một chân trời.

Nhìn quanh, đâu cũng là rừng núi bạt ngàn. Chẳng có nẽo về và nẽo đi nào rõ rệt. Đây là đây. Rừng thiêng như một sự chứng ngộ tự tại.  Trí Hải nhắm mắt và ngồi bệt xuống trên mảnh đất mình đang đứng mà không biết nơi đâu… 

 Khi cảm giác mệt mỏi  tạm lắng xuống, sự réo gọi của cơn đói lại nổi lên.  Những chân trời cao viễn, những triết lý lẫy lừng, những lý thuyết sâu xa, những ý chí lấp sông xẻ núi… đều phải chùn chân, cúi đầu trước thực tế bức bách của cơn đói.  Trí Hải cố nhớ một điệu hò, một câu thơ; cố gợi lên một ý tưởng “hình nhi thượng” khinh bạc miếng ăn, nhưng tất cả những cố gắng đều buông tay. Hình ảnh, mùi thơm, vị béo ngọt của những món ăn không thành hình rõ rệt chiếm ngự hết tất cả những khoảng trống lớn nhỏ trong đầu óc Trí Hải.  Thân xác, cảm tính, ý thức và vô thức bao nhiêu năm nằm yên ở thế dự trữ trong sâu lắng của con người Trí Hải bây giờ tuôn ra để cứu nguy cho thân chủ.  Gia tài dự trữ bị cơn đói ngốn mất rất nhanh, để lại cho Trí Hải cái hố sâu thèm muốn.  Thèm ăn, thèm uống, thèm yêu thương mơn trớn, thèm dục tình, nhưng tất cả sự kêu đòi đều nằm ở dạng bản năng.  Bỗng dưng Trí Hải cảm thấy thèm Ba Gấm một cách mãnh liệt.  Sự khao khát bừng bừng của giới tính động tình trỗi dậy vượt ra ngoài vòng  trói buộc của ý thức.  Khi một thân xác rã rời vì đói và một đầu óc mụ đi vì thiếu ăn không còn sức mạnh để gạn lọc và kiểm soát bản năng.  Đốm tinh lực cuối cùng nhóm lên, nhen lên, cháy đỏ như lữa rừng chợt dậy, rực rỡ sáng lòa rồi tắt ngúm.

Bóng tối và ánh sáng đến rồi đi, đi rồi đến.  Gió thổi sạch những đụn lá khô đâu mất. Trí Hải mở mắt nhìn quanh và thấy mình đang ngồi trước một bồn hoa nhỏ.  Hoa quanh bồn đều ở dạng mầm non.  Chỉ có một cây hoa giữa bồn đang nở.  Những bông hoa vàng óng ánh màu hoàng kim.  Dưới gốc hoa vàng, có dựng một phiến đá nhỏ, ghi mấy dòng chữ son đỏ, nét chữ tài hoa phiêu lãng tuyệt đẹp:

Hoa khai ngọ thực

Nhựt nhựt nhất thời

Tám chữ như một lời vừa nhắn nhủ, vừa mang ý nghĩa truyền lệnh rằng, hoa có nở mới được ăn bữa trưa và mỗi ngày chỉ được ăn một lần như thế.  Nhìn hoa đang nở, nhìn sau những tàn mây trắng bay qua, mặt trời đã đứng trên đỉnh ngọ.  Tập trung nhìn rõ hơn dưới gốc hoa, Trí Hải nhận ra là trên một phiến lá bảng lớn như lá vả, có đặt ba oản xôi, ba trái chuối và một nhúm muối mè.  Dòng sống bỗng vươn lên, chạy rần rần khắp châu thân và huyết quản.  Cả ba nghìn thế giới, chỉ còn là tụ điểm của miếng ăn.  Trí Hải lim dim mắt nhìn, nhưng vẫn không rời mấy oản xôi và trái chuối.  Nhu cầu xác thân khi đối diện với cái chết, chết đói, cận kề rất gần với bản năng của thú tính động vật.  Một vầng mây xám đi qua, cảnh rừng tối sầm lại, Trí Hải rúng động toàn thân khi cảm giác sợ hãi mất mác chụp đến bất ngờ.  Trí Hải đứng dậy một cách quyết liệt, bước vào bồn hoa, vươn tay nắm hết mấy oản xôi và trái chuối, cắn từng ngụm lớn, nhai nuốt một cách say sưa và man dại.

Miếng ăn tuy đạm bạc, nhưng đã giúp Trí Hải phục hồi thể chất một cách nhanh chóng.  Mặt trời đứng ngọ hôm sau, Trí Hải bước lần đến chỗ cũ.  Gió đêm đã thổi lá rừng khô rụng ngập lối đi hôm qua, bây giờ sạch bóng. Trong vùng nắng yếu ớt vì bị sàn lọc sau tàn lá, Trí Hải đến sát cây hoa màu hoàng kim.  Những đóa hoa vàng lớn bằng nắm tay rủ xuống và teo lại trong đài hoa nhăn nhíu như bàn tay vụng về ôm bờ ngực thanh tân. “Hoa khai” mới có “ngọ thực”.  Hoa không nở nên oản xôi và trái chuối cũng vắng bóng dưới chân hoa.  Trí Hải nhìn chăm chú vào cây hoa, vừa cố để trấn áp cơn đói đang cồn cào và cũng vừa cố tìm ra nguyên nhân làm hoa héo.  Những ngày canh tác với thầy Tiều, Trí Hải đã học được câu châm ngôn áp dụng vào nghệ thuật nuôi dưỡng cây cối là “nước, phân, cần, giống”. Nước là sự nuôi dưỡng hàng đầu trong đời sống cây cỏ.  Mắt Trí Hải sáng lên khi tìm thấy hai cái gàu múc nước làm bằng vỏ cây để sẵn trong bồn hoa.  Có tiếng reo vui trong lòng, “Có ngọ thực rồi.  Ta chỉ cần mang gàu xuống suối múc nước lên tưới là cây hoa vàng sẽ tươi tốt lại ngay”.

Xách hai cái gàu múc nước trên tay, tiếng suối róc rách đâu đó hiện lên rõ dần với Trí Hải.  Đi nhanh xuống sườn núi phía Đông, sau bức tường lá xanh dày đặc nổi lên một khung cảnh đẹp như bức tranh thiên nhiên của Tàu.

Phía Tây dưới chân ngọn núi xanh cao ngất nổi lên một mảng trên thân núi mầu nhũ bạc.  Giòng suối trong vắt từ trên cao đổ xuống bị cái vách núi mầu nhũ bạc chận lại.  Dòng nước phân tán mỏng chảy xuống tràn trên vách. Bóng cây, vách núi, ghềnh đá, độ nghiêng của ánh sáng từ bầu trời trên cao phản chiếu qua lại nhiều lần theo thế núi đã tạo ra một phong cảnh kỳ tú như ảo ảnh, như mơ màng, như hiện thực.  Từ xa, Trí Hải đã thấy bóng mình phản chiếu trên tấm gương của thác núi.  Cảnh đẹp quá làm Trí Hải quên cả cơn đói thắt ruột, tay nắm chặt hai cán gàu múc nước và chạy nhanh xuống dòng suối chảy. Tiếng róc rách từ đỉnh núi đổ xuống, tiếng rì rào của nước dội qua bức tường nhũ bạc, tiếng nước đổ ra dòng trôi về xuôi… Những âm thanh uốn lượn và trầm lắng hòa quyện lấy nhau nghe như lời ru, tiếng gọi êm đềm của bà mẹ thiên nhiên.

Trí Hải thong thả cất từng bước dài đến gần bên bờ suối, dang tay ấn gàu xuống nước, nhưng chiếc gàu dội ngược trở lại trên mặt nước.  Lạ lùng một chút với cảm giác như có bàn tay ai mạnh hơn đẩy lùi chiếc gàu trở lại, Trí Hải ấn xuống mạnh hơn thì lực đẩy trở lại càng mạnh hơn gấp bội.  Sự lập đi, lập lại kéo dài mà Trí Hải vẫn không cách nào chạm tay vào mặt nước suối. Cuối cùng, thu hết sức mạnh bình sinh, Trí Hải dùng cả sức nặng thân mình để cố nhận chìm chiếc gàu vào nước, nhưng sức phản hồi trở lại mạnh đến nỗi xô ngã người cầm gàu nằm sóng sượt bên bờ suối.  Trí Hải ngỡ ngàng ngước mắt nhìn lên và sững người khi bắt gặp một con vượn dã nhân, to lớn gấp ba người thường đang nhe răng trong tư thế sẵn sàng ứng chiến.

Trí Hải nghiêm giọng nói lớn:

– Này! Con vượn dã nhân.  Ta và mầy không thù, không oán, cớ sao lại cản đường ta múc nước. Phải tránh đường lập tức cho ta đi.

Tiếng gào từ phía con vượn lập lại nguyên văn lời Trí Hải không sai một chữ, không sót một âm.  Âm thanh dội lại từ phía con vượn lớn gấp mấy lần tiếng Trí Hải, nghe dữ tợn và vang động cả núi rừng.  Con vượn vẫn đứng yên thách thức. Trí Hải tiến tới gần bờ suối một bước, nó tiến tới cản đường một bước.  Trí Hải dùng những ngón võ thuật được tập luyện kỹ ngày xưa để tiến tới, xô đẩy con vượn đang cản đường ngay trước mặt.  Nhưng con vượn phản ứng đẩy lùi đối tượng bằng cách tấn công trở lại với sức mạnh ghê hồn làm Trí Hải ngã sóng soãi trên bờ suối.  Bản năng sinh tồn vực Trí Hải trở dậy.  Dùng một cành cây khô làm vũ khí, Trí Hải ứng dụng hết sở học võ nghệ một thời vang bóng của mình trong bộ môn song đấu như trượng, chùy, đao, kiếm để tấn công và chế ngự sự cản đường vô lý của vượn dã nhân.  Nhưng bất cứ một động tĩnh nào phóng ra từ phía Trí Hải, liền gặp ngay sự phản hồi tức khắc và mạnh gấp nhiều lần từ phía vượn người.  Khi Trí Hải quyết tấn công dứt điểm bằng những đòn chí mạng đánh vào đối tượng thì cũng nhận sự đánh trả mạnh như trời giáng từ phía đối tượng phản đòn trở lại.  Cuộc chiến đấu để sinh tồn không khoan nhượng tiếp diễn cho đến khi Trí Hải ngã xuống bất tĩnh với thương tích đầy người.

Tiếng quạ kêu và những dòng nắng mai xuyên qua kẻ lá chảy tràn lên mặt làm Trí Hải tỉnh lại.  Toàn thân gần như co rúm vì đau nhức.  Trên vách đá bên bờ suối, con dã nhân cũng cựa quay, cúi đầu ngồi ủ rủ.  Trí Hải nghe tiếng nói lao xao từ thời tiền sử.  Miệng khô đắng mà vẫn không mong được với tay xuống dòng suối mát bên cạnh vốc một ngụm nước.  Con dã nhân vẫn ngồi canh gác dòng suối tự bao giờ.

Trí Hải cố mở mắt nhìn một đám mây trời – cũ đã nghìn năm mà cũng mới như hôm nay – đang bay qua kẻ lá.  Mây trắng lọt vào mắt.

Trí Hải lắng nghe tiếng quạ xa dần và tiếng chim rừng ríu rít xung quanh. Tiếng chim cổ sơ chẳng nói gì mà lại nói lên tất cả bằng thứ âm thanh hồn nhiên gần như thinh lặng.  Âm ba thinh lặng vẳng vào tai.

Trí Hải nhận biết mình đang sống qua từng hơi thở.  Hơi thở từ muôn xưa đến và đi thong dong không điểm tựa.  Khí trời thanh thoát len vào mũi.

Trí Hải nhấp lưỡi khô không một giọt nước, không còn biết vị đắng cay.  Cay đắng hay ngọt ngào từ vạn thuở không phải là vị thật sự mà chỉ là sự so sánh tương đối như men rượu cay đắng với người nầy mà ngọt ngào đối với kẻ khác. Vị không men mơn man trên đầu lưỡi.

Khi một chuổi động tác nhìn, nghe, thở, nếm, cảm giác –  sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp – không còn dựa vào một đối tượng nào có thật, Trí Hải cảm thấy người mình nhẹ hẫng, lâng lâng.  Có một sự chia lìa với tục lụy để nâng tâm thần bay cao như bốc khói.  Một vầng hơi dịu ấm tròn đầy bao bọc khắp châu thân.  Thể xác như giao hòa với rừng núi. Và khi thân thể gần như tự tại, không có nhu cầu nào cần tiếp viện và thẩm thấu từ bên ngoài, cơn đói cũng lắng xuống dần và biến đi đâu mất. Cảm xúc trở lại bình an.  Cơn đau do trận thư hùng với con dã nhân tự nó hóa giải như tay mặt đánh vào tay trái của chính mình.  Đấy là một lối “hạ thủ công phu” nội tại; một lối tự vật mình vật mẫy để tạo ra thế thăng bằng của một tiểu vũ trụ trong thân xác của chính mình đang trải qua một thời điểm chông chênh, khủng hoảng.

Trí Hải cảm thấy bình an trở lại để mỉm cười với chính mình và tự hỏi, phải chăng cơn đói là nguyên nhân của cả một chuỗi các sự việc mình mới trải qua? Nghĩ đến con dã nhân, Trí Hải có cảm giác như nó gần gũi và rất hiểu mình.  Nó cũng tới lui, lên xuống, gầm thét hay lặng lẽ buồn thiu ăn cánh với cả hành động và ý nghĩ trong chính mình.  Trí Hải dõi mắt tìm và thoáng thấy con dã nhân ấy ngồi ủ rủ bên bờ suối.  Từng mảng nước trôi nghiêng loáng ánh mặt trời.  Lòng Trí Hải bỗng rộng thênh thang như nắng vàng với núi.  Chợt nhìn lại, con dã nhân ngồi buồn bã biến đi đâu mất rồi. Trí Hải vẫn giữ thân tâm mình nhẹ như thinh không, đi chầm chậm men theo bờ suối, rồi lội xuống suối, cầm cả hai chiếc gàu ấn xuống, dìm sâu trong nước nhưng chẳng có ai hay vật gì ngăn cản.  Dòng suối trong ngần, mát lạnh vẫn phăng phăng dẫn nước về xuôi, nhưng bóng dáng của con dã nhân đã trốn đâu mất dạng.  Lơ đãng, Trí Hải thả cho cả hai chiếc gàu trôi theo dòng nước… Cây hoa vàng trổ hoa mầu kim quang ấy cần phải có đời sống riêng của nó, không thể cứ mãi mãi phụ thuộc vào hai chiếc gàu mang nước cho ăn.

Có tiếng chân dẫm trên lá khô.  Một người mặc áo mầu chàm lam, tay xách một giỏ tre đậy nắp kín từ phía núi xanh đi tới. Ông ta nhìn Trí Hải, lặng lẽ chấp một tay trước ngực cúi đầu chào, miệng mỉm cười hiền hậu.  Trí Hải nghiêng mình chào lại.  Một khuôn mặt trông quen quen.  Nhưng trong cảnh rừng ư tịch chỉ có hai người. Người không quen cũng là quen vì chung một kiếp người.  Khung cảnh núi rừng im vắng quá, chẳng ai nói một lời, nhưng tiếng đồi xa vọng âm nói thay cho họ lời chào hỏi chúc tụng của hai người nhận biết mình đã để lại những mảnh đời tục lụy dưới chân núi xa khuất bên kia.  Mãi đến khi người đàn ông, lấy một ít cơm nắm và muối mè từ trong giỏ tre, để ra trước mặt khách lạ với một cử chỉ mời mọc cung kính, không nói một lời, rồi dợm bước rời khỏi dòng suối, Trí Hải mới e dè lên tiếng:

– Thưa… thưa ngài.

Người đàn ông hiểu ý, góp lời:

– Dạ, tôi là Thiện giả.

Trí Hải nhướng mắt như muốn hỏi: “Thiện giả?”.  Người đàn ông lại đỡ lời:

– Hiểu “thiện” là cơm như người đưa cơm hay thiện là lành như người làm việc thiện cũng được ạ.

– Thưa Thiện giả, đây là đâu?  Nơi đây có thuộc về chùa Từ Vân không?

Thiện Giả – hiểu như thiện giả cũng được – trả lời:

– Đây là Suối Bản Lai, thuộc về núi Kim Phụng.  Tương truyền, xưa kia đây có mỏ bạc nên những đêm tối trời có vầng sáng tỏa ra từ đỉnh núi Kim Phụng.  Bởi vậy, dân gian có câu hò, “chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc; cá ngư ông bóng ngáp ngoài khơi…” Núi mỏ bạc ngày xưa nay chỉ còn lại một triền núi bạc rất nhỏ, suối Ngọc Tuyền chảy qua tạo thành một tấm gương “nội chiếu” vì nằm kín và sâu trong rừng cây lá.  Nguồn sáng, thế núi, cấu tạo cây đá nơi đây rất lạ lùng, kỳ vĩ. Sự tương tác qua lại tinh vi đến độ như có thể phản chiếu, phản ánh và phản diện được cả chiều sâu trong lòng của con người.  Điều nầy cũng dễ hiểu vì mọi hành vi và tâm lý của con người qua cách thấy, cách nghe, cách cảm nhận và phản ứng bằng giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều biểu hiện trên khuôn mặt và dáng dấp bên ngoài.  Khi có một tấm gương thiên nhiên như triền suối bạc phản chiếu thì tất cả đều lộ ra trên bề mặt.  Dòng suối bạc là một tấm gương soi lớn, do vậy nên không những chỉ soi bóng mà còn soi tâm người đến viếng.

            Trí Hải vẫn chưa hết ngạc nhiên và thắc mắc:

– Thế thì con dã nhân đó từ đâu tới?

Thiện giả, mỉm cười và nhìn thẳng vào người đối diện:

– Thưa quý hữu.  Đấy chính là cái bóng của con người thật, là bản lai diện mục của quý hữu.

Trí Hải thản nhiên cười cười, nói giọng bông đùa:

– Ô là ta?! Ta mà cũng bảnh trai vậy sao?

Thiện giả giọng nghiêm trang:

– Con dã nhân ấy không phải là sự phản chiếu dáng vẻ bên ngoài mà là sự phóng chiếu cái tâm sở thiện hay cái tâm sở ác bên trong.

– Thiện giả ạ, nếu quả như thế thì e rằng không đúng.

– Tại sao?

– Từ một con vượn người hung hãn và thô bạo hôm trước, hôm sau cũng chính con vượn người ấy đã hoàn toàn lột xác thành một sinh vật trầm lặng, phai dần, rồi mất hút.  Nếu ví thử đó là cái tâm ngã sở của tôi đúng như lời Thiện giả nói thì làm sao có sự thay đổi nhanh đến như thế?

– Con người cũng có thể “mê” muôn kiếp mà “ngộ” nhất thời lắm chứ.  Giáo lý nhà Phật cũng nói như thế.  Đau khổ hay hạnh phúc; niết bàn hay địa ngục chẳng phải là hai như bóng với hình mà là một.  Thế nhưng “Nói Một thì sai, mà nói Hai thì trật…”

– Tại sao lại mâu thuẫn đến như thế?

– Vì như sóng và nước chẳng hạn.  Nếu nói sóng và nước là một thì cũng sai, bởi vì nước tĩnh lặng mà sóng dậy ầm ầm.  Nhưng nếu nói sóng và nước là hai thì cũng trật vì sóng cũng là nước, luôn luôn giao hòa làm một?

– Thế thì làm sao để phân biệt?

– Khi nói đến Tướng thì sóng và nước là hai; nhưng nếu nói đến Thể thì sóng và nước là một.  Cũng thế, chỉ cần chấp một chút thôi là tâm con người sẽ thành não loạn.  Khi không chấp thì tâm an lạc, thái hòa.  Ngay trên bờ suối nầy, khi con dã nhân soi bóng tâm người ấy xuất hiện là địa ngục; nhưng khi nó biến mất là thiên đường. Chỉ một sát na tâm thôi thì lòng người đã đổi khác.  Địa ngục hay thiên đường chỉ là một giữa trần gian nầy chứ có đi đâu xa.

Sau câu nói của Thiện giả, Trí Hải trầm ngâm nhìn dòng suối chảy.  Có cái gì đã đổi khác trong lòng người đàn ông tuổi ngoài năm mươi ấy.

Cơn đói của thể xác lồng lộn như dã thú xuất phát từ dục vọng thể chất.  Nó kêu đòi phải thỏa mãn cái ăn, cái uống vật chất trước mắt.  Cơn đói của cảm xúc bừng bừng đi kèm như bóng theo hình với đòi hỏi nhục thể.  Cần đáp ứng sự ham muốn cháy bỏng nằm lưng chừng giữa tinh thần và thể xác.  Cần yêu đương, vuốt ve, mơn trớn, làm tình. Sự đòi hỏi và lòng ham muốn thường không có giới hạn, nên sự đáp ứng sẽ không bao giờ tới được mức độ làm thỏa mãn khát vọng của phía đòi hỏi.  Muốn níu chậm lại sự đòi hỏi đang cuồng lên, dâng lên thì cần có sức mạnh công phá ghê hồn của cả tinh thần và thể xác. Thắng được sự đòi hỏi, ham muốn đó là thắng được mình.  Thắng được mình là có thể tái sinh thành tiên, thành thánh ngay giữa cuộc đời nầy.

Trí Hải đã ngã gục trước sức mạnh của con vượn người.  Hay đúng hơn là ngã gục trước dục vọng cấp thời của chính mình.  Khi dục vọng lửa rơm bị đánh ngã tiêu tan thì cái “dụng” sẽ được thay thế bằng cái “thể”, nghĩa là sự hiện diện của cái vỏ bên ngoài của hình tướng sẽ phai đi và cái lõi bên trong của bản chất sẽ hiển hiện giống như trường hợp cây gươm là cái dụng mà sắt thép mới là cái thể.  Đó là khi con người thật của Trí Hải với bề dày tích lũy hàng hàng lớp lớp thiện, ác, trí, ngu… của từng khoảng khắc thời gian nhấp nháy trong bao nhiêu năm trỗi dậy.

Mỗi vi ti hình ảnh và từng cảm xúc tuế nhuyễn đã một lần đi qua tâm thì sẽ không bao giờ mất.  Đấy là những hạt giống đợi chờ cơn mưa nguồn kết tụ bằng những sự việc li ti hay những biến cố lớn lao của đời sống – sinh sôi nẩy nở, loại trừ, tác dụng lên nhau, trùng trùng duyên nghiệp – mà nẩy mầm vươn dậy.  Những hạt giống lành chiếm ngự gần hết cái kho bản hạnh nằm sâu trong tâm hồn Trí Hải ào ạt vươn lên trổ cành xanh lá chỉ sau một cơn mưa.  Cơn mưa tâm thức không gặp mái chắn vì gã canh giữ ý thức đã buông tay, bất tỉnh, hết khả năng đề kháng nên kho hạt giống tích lũy – huân tập chủng tử – ào ào rơi xuống lòng Trí Hải.  Con vượn người “nội chiếu” phải thoái trào, ủ rủ, nhạt dần và biến mất.

Khi một mình, một bóng lên núi tìm đến chùa Từ Vân nầy, lòng Trí Hải đeo nặng mối ưu tư. Ưu tư lớn nhất là một cuộc đời mang nhiều ước vọng và đam mê nhưng không định hướng.  Thiếu hướng đi vì thiếu một con đường cái – một đại lộ, một quan đạo – để bước lên đó mà đi, mà làm điểm tựa cho tâm, cho trí, cho hành động.  Sự chới với trong biển sương mù của cuộc sống sẽ làm đời tiều tụy, sẽ dẫn đến cảnh buông xuôi “ra đi gặp vịt cũng lùa; gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu” hay sao?

Tuy đắm đuối trong cuộc tình với Ba Gấm, nhưng cái tâm bản hạnh của Trí Hải luôn luôn trăn trở; cái ý thức giải thoát thường xuyên cựa quậy.  Trong mọi điều ham muốn của người đàn ông thì sự ham muốn về sắc dục thường khó vượt qua nhất.  Ái dục có sự cuốn hút khó cưỡng chế hơn cả vì nó là cảm xúc trực tiếp lay động tới đỉnh điểm khoái lạc tình dục mà ngày thường bị nhốt trong ba chiếc lồng “tam ngục”:  Lồng kính của bản năng giới tính, lồng sắt của đạo lý thuộc về quy ước xã hội và trong lồng son trang trí của nhân cách.  Tiếng gọi của ước vọng về một hướng đời cao viễn hơn, bên cạnh nỗi cô đơn khi Ba Gấm đã đi xa và Phạm Xảo không còn kề cận như xưa, đã thôi thúc Trí Hải đi tìm sư Trúc Lâm.  Nhà sư ấy là chiếc bóng.  Nhưng lại là chiếc bóng êm đềm và mát dượi như một cứu cánh giải thoát nỗi dày vò lạc hướng và nỗi bức xúc vô hình mà mãnh liệt của ba chiếc lồng tai quái ấy.

Sư Trúc Lâm vắng bóng, nhưng sự vật lộn với cơn đói ban đầu dẫn đến cuộc chiến đấu và chiến bại với con dã nhân đã vực Trí Hải dậy.  Thiện Giả cũng vừa chỉ cho Trí Hải rõ rằng đây là cuộc chiến đấu với chính mình. Dẫu cho phải đi cùng trời cuối đất để tìm cho ra một lẽ sống, đạt đến một ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Trí Hải vẫn không chùn bước. Nhưng tìm ai và tìm đâu bây giờ.  Hai lần trước thỉnh ý sư Trúc Lâm, Trí Hải đã được nhà sư khai mở cho hai cánh cửa.  Cánh cửa “con gà” để hiểu chính mình và cánh cửa “nhìn mà không thấy” để thấy chính mình.  Nhà thông thái trong Trí Hải đã lên tiếng hỏi “ta là ai” và vị trí giả trong Trí Hải đã trả lời “ta là ta”.  Biết Ta là Ta nhưng rõ ràng là hai cái Ta đang còn ở hai bên bờ sông “Giang Hà” có khúc nước trong;  có khúc nước đục; có khúc nước đen ngòm.  Chảy siết. Con đường từ cái Ta Truy Hỏi đến cái Ta Tự Tại vẫn thăm thẳm mù khơi, vẫn miên trường muôn dặm trước mắt.  Trí Hải vác cái Ta Truy Hỏi như đội núi Thái Sơn trên lưng mà đi trong cô đơn và chỉ cần một phen ngã lòng là sẽ đi hoài trong tuyệt vọng.

Mùa Xuân và lộc non.  Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông về và đi trên cây cỏ như sinh, lão, bệnh, tử đối với con người. Những ngày cuối đông và đầu xuân trên vùng núi non Kim Phụng, Trí Hải sống một mình.  Ngày đi quanh những ngọn núi lớn nhỏ hay ngồi tĩnh lặng định tâm bên suối Bản Lai, đêm về khu nhà trai vắng vẻ của chùa Từ Vân, Trí Hải khám phá một thế giới mới của người sống một mình.  Giữa xã hội đời thường, người ta quen kiểu sống cho ai và sống với ai.  Một mình giữa rừng núi buổi đầu, Trí Hải quen dần với ý niệm “sống cho mình và sống với thiên nhiên”.  Muốn sống an lạc với thiên nhiên thì phải biết đưa thiên nhiên vào mình, chứ không thể làm ngược lại là đưa mình vào thiên nhiên.  Những ngày đầu, Trí Hải phản ứng chống lại thiên nhiên như phải cắn răng hay co cụm thân mình hoặc đốt than suốt ngày để chống với cái lạnh của núi rừng.  Nhưng càng chống với thiên nhiên thì thiên nhiên càng phản ứng lại một cách lạnh lùng không nhân nhượng.  Trí Hải dần dà tập nghe thiên nhiên và sống với thiên nhiên như nghe và sống với tiếng “con gà” gáy sáng thuở nào.

Từng đêm khuya và mỗi sáng sớm, Trí Hải lắng hết tâm trí nghe tiếng núi, tiếng gió ngàn, tiếng lá rung, suối chảy, dã thú, côn trùng… của rừng thẳm vang lên từng hồi, từng chặp hay thâu đêm đâu đó.  Trí Hải nén hơi thở mình, trộn hơi mình với khí lạnh bên ngoài, hít sâu vào châu thân, mở rộng ngõ cho luồng khí lạnh len lõi, chạy đều khắp kinh mạch trong người.  Cảm giác tê buốt lúc đầu giảm dần, rồi bảo hòa và ấm lại cho đến khi nguồn nội nhiệt giao hòa với tiết trời lạnh buốt bên ngoài để tạo thành một luồng sinh khí mới.

Từ hơi thở đến những sinh hoạt khác hàng ngày như ăn, uống, thức, ngủ, nghĩ, nhìn… Trí Hải tự luyện tập cho mình theo cùng với điệu sống của thiên nhiên.  Thiên nhiên là một người cha nghiêm khắc, nhưng là một người mẹ nhân từ.  Với người cha, bắt thiên nhiên uốn lượn theo đường nét riêng của cá nhân mình là điều nghịch lý, không thể nào chìu con được.  Với mẹ, gieo tấm thân lem lấm bụi đời vào vòng tay mẹ, bao giờ cũng được mẹ dang tay ra đón với tất cả tha thứ và yêu thương.  Chỉ có thiên nhiên mới rủ được những lớp bụi phong trần.  Con người thì có vẻ như càng cố lau sạch bụi đời càng tấp thêm những lớp phù sa lấp loáng nước phèn.

Càng gần gũi và giao hòa với thiên nhiên, núi rừng, cây cỏ, Trí Hải càng cảm thấy cái vũ trụ nhỏ mang tên là Hoàng Thân Trí Hải chỉ là một ý niệm bèo bọt như một tiếng lá rơi chưa chạm đất giữa rừng thẳm trong đêm khuya.  Tầm mắt nhìn từ đỉnh núi không bị che chắn bởi rào dậu hay biên cương. Mắt người nhìn sâu vào vũ trụ chỉ là đốm lửa tàn loé lên trong giây lát và thể nhập vào cõi mêng mông. Tai nghe một vọng âm phát ra từ đối vật rồi tắt lịm vào cõi im lìm nguyên sơ tuyệt đối.  Rồi hương vị, mùi vị, cảm vị trở thành vô vị, trống không giữa đá núi rêu phong và cây rừng bạt ngàn, trùng điệp.  Có cái gì là tồn tại, là thật giữa núi rừng Kim Phụng nầy.  Rõ ràng là không có gì cả.  Ngay cả cái tên gọi cũng chỉ là những thói quen, những quy ước bâng quơ.  Kẻ có chữ gọi nó là Kim Phụng; người làm ruộng dưới đồng bằng phía Đông gọi nó là núi Tây Phương; giới tìm trầm thì gọi nó là núi Trầm; dân sống gần chân núi thì gọi là núi Xanh. Tất cả đều đúng, tất cả đều sai hay chẳng có ai sai, ai đúng cả?  Nghĩ đến đó, Trí Hải bật cười sảng khoái một mình.

Những ngày đầu ngồi im lặng, định tâm trên đỉnh núi nầy, Trí Hải hầu như mượn cảnh cô liêu tịch mịch để suy nghĩ riêng mình. Muôn ý nghĩ dấy lên trong từng khoảnh khắc.  Những ý nghĩ cứ tiếp nối, sinh sôi nẩy nở, rồi biến tướng thành đàn, thành lũ không ngừng xâm nhập đầu óc Trí Hải. Cái lò bát quái nằm trong đầu cứ sôi lên sùng sục làm cho tâm trí như muốn nổ tung từ trong thế ngồi mà thoạt nhìn từ bên ngoài ngỡ như an tịnh.  Nhưng bên trong, hình bóng Ba Gấm, nỗi nhớ Ba Gấm, sự cuốn hút và thèm khát Ba Gấm… cứ từng hồi không ngớt nổi lên xoắn lấy mọi suy tư và cảm xúc của Trí Hải.  Sau mỗi màu hồng, màu thắm, màu xanh của khát vọng là màu đen, màu lạnh, màu xám của vô vọng cứ ùn ùn tràn tới.

Rồi có một buổi mai, Thiện Giả lại gánh giỏ tre đi ngang qua vùng suối Bản Lai, ái ngại nhìn Trí Hải và lên tiếng:

– Quý hữu à, mới cách có mấy hôm mà sao trông sắc diện của quý hữu lại phờ phạc và tiều tụy đến như thế. Thân không an, tâm không lạc chăng?

Trí Hải trả lời thành thật:

– Cảm ơn Thiện Giả đã quan tâm. Quả nhiên sự quan sát của hiền hữu thật tinh tường.  Lòng tôi không được an ổn.  Tôi vẫn còn đang đợi được gặp sư Trúc Lâm để thỉnh ý nhưng chưa biết lúc nào sư mới trở về thiền cốc đây.

Thiện Giả vừa soạn ra một số thức ăn để biếu tặng Trí Hải, vừa nhỏ nhẹ nói:

– Hừm! Lạ thật.  Sư Trúc Lâm đã có mặt với quý hữu từ phút đầu tiên quý hữu trở lại chùa Từ Vân nầy mà.

Trí Hải tròn mắt ngạc nhiên:

– Không, tôi chưa hề gặp được sư Trúc Lâm từ hôm lên đây đến giờ.

Thiện Giả giải thích:

– Nếu không có quý hữu thì làm gì có sư Trúc Lâm xuất hiện trong ý nghĩ của quý hữu. Và nếu không có sư Trúc Lâm thì ngọn núi Kim Phụng nầy cũng chỉ là một trong bao nhiêu vùng núi non hoang vu khác của dãy Trường Sơn thôi.  Cũng có thể có những dòng suối, những ngọn đồi; có nước chảy trăng soi… nhưng làm gì có suối Bản Lai, có đồi Vọng Nguyệt, có chùa Từ Vân.

Trí Hải như vừa chợt nhận ra một điều gì đó thật mới lạ mà cũng rất thân quen, gật gù:

– Cám ơn Thiện Giả, tôi hiểu.  “Có” là một ý niệm khởi từ nguồn gốc của “Không” và ngược lại.  Nếu không tôi thì không có sư Trúc Lâm trong tôi; không sư Trúc Lâm thì làm sao có tôi trong sư Trúc Lâm.  Hai cái không mênh mông họp lại thành có.  Một cái có giả tạm sẽ thành không chưa biết lúc nào. Ồ! Sư Trúc Lâm đang đứng bên tôi, đang ở trong tôi.

– Mà cũng ở ngoài quý hữu nữa.

– Đúng vậy. Khắp nơi và cũng chẳng có chỗ nào cả.

Trước khi cúi chào tạm biệt, Thiện Giả còn ngoái lại nói:

– Vâng, vâng, chẳng có chỗ nào.

Trí Hải nói với theo:

– Nhưng chỗ nào mà chẳng có.

Và nghe tiếng mình, tiếng Thiện Giả vọng qua đồi:

“Chẳng có chỗ nào… Nhưng chỗ nào mà chẳng có… Chẳng có… chẳng có.”

 

 

Tu Bụi

Truyện dài

Bài viết liên quan