Xoài về!
Tiếng vọng ghê gớm có sức mạnh làm người ta run lên vì lo sợ. Không ai hiểu “xoài” là tên của vị hung thần, ác thần nào đó hay là mùa xoài chín. Nhưng “xoài về” đối với người dân quê một thời đồng nghĩa với cơn dịch họa đang từ đâu giáng xuống trong cơn nóng bức của mùa Hạ.
Hiện tượng của “xoài về” năm nay là chuột. Chuột sinh sôi nẩy nở thành đàn, thành lũ kéo đi rúc rỉa khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Người ta sợ uy danh của chuột đến độ phải kiêng cử để khỏi phạm húy bằng cách gọi chuột là “ông Thiên”!
Khi “ông Thiên” đã kéo nhau ăn sạch mùa màng cây trái thì đua nhau chết và đua nhau sinh. Chuột sinh ra nhiều đến độ nhiều người cho rằng, ba ngày mà chưa tắm gội kịp thì sờ lên trên đầu cũng có tổ chuột. Người và chuột đều thi nhau chết. Xác chuột chết càng rãi đầy làng xóm thì số người chết cũng gia tăng theo khắp xóm dưới làng trên. Chuột chết không biết vì đâu. Còn người thì hiện tượng rẩy chết rất giống nhau. Đang mạnh khỏe, bỗng cảm thấy ớn lạnh, khát nước, rồi sốt nóng quằn quại, ruột gan nóng sôi và đau rát như có ai xẻ ra từng mảnh. Cơn lạnh ập đến làm người co rúm, máu trào ra rồi chết. Sự lây lan càng về sau càng nhanh. Nỗi sợ hãi kinh hoàng càng ngày càng dồn dập.
Từ miệng cụ già đến em bé, người ta nghe chuyền tai nhau những tiếng lạ lùng, nhưng có một tác động chết chóc ghê gớm: “Dịch tễ. Dịch hạch!”
Làng mạc, thôn xóm như đang sống giữa sự đe doạ và tàn phá của một cơn đại loạn. Ban ngày mà nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Người trong nhà dùng vôi, lá trầu, các loại lá cây có mùi hăng hắc, giã nhuyễn bôi lên mặt, lên người… để cho ma quỷ gớm ghiếc khỏi nhòm ngó.
Nhóm Vườn Thuốc Thái Ấp của Trí Hải trở thành một chỗ dựa tốt nhất cho quần chúng trong cơn khủng hoảng “xoài về” nầy. Tuy thuốc của vườn Dược thảo Thái ấp không trực tiếp đương đầu nổi với nạn dịch chuột đang lan tràn, nhưng đã góp phần năng nỗ vào việc cứu chữa bệnh nhân. Dinh ông Hoàng nhanh chóng trở thành một bệnh viện cấp cứu và Thái ấp trở thành nơi “trốn dịch” được mọi người đồn đãi nhau như là khá an toàn.
Từng đoàn người lũ lượt dắt díu, bồng bế nhau tới Dinh Ông Hoàng trốn nạn. Khi cả dinh thự và cánh đồi không còn chỗ chen chân, người ta cắm dùi ngay trên những cánh đồng trồng thuốc.
Trí Hải nhớ lại có lần bệnh dịch hạch lan tràn ở Paris khi ông và hoàng tử Cảnh đang có mặt. Nguyên tắc y khoa chữa trị thời đó là giữ vệ sinh, diệt chuột và uống thuốc Tây phòng ngừa và chống bệnh. Nhóm Trí Hải vừa chữa bệnh, vừa đi nhiều nơi giảng giải phép vệ sinh và diệt chuột. Nhưng việc giữ vệ sinh “chống vi trùng” dịch hạch là điều quá xa xôi và mới lạ mà quần chúng chưa hiểu nổi để chấp nhận và thực hành. Diệt chuột là điều mà rất ít người dám làm vì tâm lý vẫn còn nơm nớp lo sợ… ông Thiên!
Xác chuột không có người hốt, xác người không có đất chôn càng làm cho tình cảnh trở nên trầm trọng hơn. Ngay Đại Nội cũng phải khóa chặt cửa thành, không ai được phép ra vào vì sợ dịch “xoài về” vào thăm cung cấm!
Vắng bóng Phạm Xảo, mỗi chiều về khi nhóm Trí Hải quây quần quanh chiếu cơm đạm bạc, không khí trầm lại và buồn hơn. Cái lý vô thường không còn nằm trong lý luận mà đã xông vào cửa chính kéo Phạm Xảo ra đi. Đêm đêm, Trí Hải trăn trở nhiều hơn và lâu hơn. Sống như một hiện sinh thiên nhiên thì dễ, nhưng tìm một ý nghĩa đích thực cho cuộc sống thật khó. Sau cái chết phảng phất màu huyền thoại của Phạm Xảo, Trí Hải vẫn thường tự hỏi, một đời của Phạm Xảo có ý nghĩa gì và một đời của chính Trí Hải mang ý nghĩa gì? Trí Hải đã từng cười chế nhạo thầm nhóm ông hoàng bà chúa Phủ Đệ thường họp nhau tiệc tùng ca xướng và tự đặt cho nhóm cái tên vừa buồn cười, vừa buồn bã là “Hội ăn chơi chờ chết”! Nhưng nếu không phải là như thế thì đâu là hướng đi cho hết cuối đời? Cuộc đời trở thành quá ngắn khi có nhiều việc đáng làm mà chưa đủ thời gian làm hết. Nhưng đời sẽ dài lê thê khi mỗi ngày mặt trời lên cùng với câu hỏi: “Biết làm gì cho hết phần đời còn lại?!”
Sau những ngày dài làm việc mệt nhoài trong hoạt động Vườn Thuốc, nhóm Trí Hải vẫn thường dành những sớm, những chiều và những đêm ngắm trăng uống trà đàm đạo. Câu chuyện thường vẫn hướng về ý nghĩa của đời sống. Thầy Tiều luôn bị gán ép làm diễn giả kết luận sau cùng. Ý thầy bao giờ cũng giống nhau. Theo thầy thì vạn vật đều nằm trong quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”. Nhưng đừng chờ cho một thứ tự như vậy tuần tự diễn ra mà phải thấy được rằng, trong sinh đã có diệt nên trong thành đã có trụ, trong trụ đã có hoại và trong hoại đã có diệt. Bởi vậy, người hay vật mới sinh ra là đang già từng khoảnh khắc, đang rã dần, đang cũ bệnh trong từng chớp mắt đi qua và đang nhích dần đến cái chết. Ý nghĩa của đời sống không nằm ở tương lai mà ở ngay trong lúc đang diễn ra. Phần đông quên hiện tại và dành quá nhiều thời gian cho việc đã qua và việc chưa tới. Đừng bận tâm tra hỏi ý nghĩa việc làm của anh là gì vì đó vẫn là điều xa xôi mà phải hỏi là anh có biết anh đang làm gì không?
Một người khỏe mạnh và xinh đẹp có ai tự thức tỉnh mình để trả lời là: “Tôi đang chết…” không? Thế nhưng đấy là câu trả lời trên cửa miệng của thầy Tiều. Có lẽ nhờ vậy nên dường như trong thầy Tiều không có một chỗ nào để chứa những tác động của ngày qua và ham muốn của ngày mai. Thầy hồn nhiên và vui đùa như một đức trẻ thơ thú vị với đồ chơi trước mắt.
Trước sự đòi hỏi cấp bách của hoàn cảnh, nhóm Vườn Thuốc không còn dừng lại ở giới hạn hốt thuốc và cấp thuốc nữa mà mọi người trong nhóm phải chuyển tải từng bao lá thuốc vào lò nấu để sắc lấy nước cho hàng nghìn người bệnh đang nằm la liệt khắp các ngõ ngách trong Thái Ấp. Sức người thì giới hạn mà sự đòi hỏi cấp cứu thì mỗi lúc càng tăng. Cảm giác cũng đành, buông tay bắt đầu xâm lấn từng người trong nhóm. Tâm An, Thiện Giả, Ba Gấm giữ vững tinh thần nhưng thể chất trên đà sa sút thấy rõ. Chỉ còn thầy Tiều và Trí Hải vẫn chạy ngược, chạy xuôi có vẻ như chưa đến hồi nao núng. Thầy Tiều vẫn còn ngồi thiền định từng đêm sau mỗi ngày làm việc cật lực.
Cho đến một buổi sáng thầy Tiều vắng mặt trong giờ uống trà, ăn cháo điểm tâm. Bốn người còn lại dáo dác tìm quanh và thấy thầy Tiều đã lặng lẽ bỏ đi đâu từ trong đêm. Vì công việc bắt buộc, chỉ có một mình Trí Hải là được ủy nhiệm tạm nghỉ tay đi tìm thầy Tiều.
Trí Hải tìm quanh gần nửa ngày mà vẫn không thấy dấu vết của thầy Tiều nơi đâu. Cơn gió Nồm từ phía sông thổi về mát rượi và mầu nắng vàng đã phai trong buổi xế chiều gần cuối Thu như vô hình kéo chân Trí Hải men theo lối cũ vào khu rừng đốt than trong buổi đầu gặp gỡ thầy Tiều.
Chiều tím về trên núi xanh. Không có dãi khói nào bay lên chứng tỏ có người ở đó. Trí Hải vẫn bước đi với tâm trạng kiên nhẫn kiếm tìm.
Khi đến gần phiến đá có hầm than ngày cũ, Trí Hải đã thấy bóng thầy Tiều ngồi xếp bàn lặng lẽ ở đó. Nhìn dáng thầy ngồi đĩnh đạc như một bức tượng đá, Trí Hải không biết là thầy đang đạt đến một trạng thái nào vì đã có nhiều lần, người ta tìm thấy thầy ngồi yên lặng như thế ngày nầy qua ngày khác mà không có dấu hiệu của hơi thở. Sau đó, thầy gỉải thích là trong trạng thái định tâm sâu lắng nhất, nếu hành giả đã đạt đến một mức nhập định cao sâu nào đó thì có thể đi vào trạng thái bế hơi thở, làm ngưng lại nhịp đập của tim mà vẫn không cắt đứt dòng sống.
Quan niệm về dòng sống và sự sống của thầy Tiều mang một nội dung khác hẳn với khái niệm đời thường. Dòng sống, theo thầy Tiều, là một tiến trình tiếp nối miên viễn trong dòng “Suối Nguồn Vũ Trụ”. Nguồn Sống ấy là suối nguồn không có sinh ra, không có hủy diệt, không có thời gian, không có không gian, không bờ, không bến, không có bên nầy hay bên kia. Tất cả là một chuỗi biến động không hình, không ảnh xảy ra liên tục trong từng nhấp nháy của một đơn vị thời gian nhỏ nhất mà con người hay tri thức của con người có thể nghĩ tới được. Chữ nhà Phật gọi đơn vị thời gian đó là “sát na”. Mỗi sát na nhanh đến mức chỉ có khái niệm, đặt tên được mà không thể đo lường được. Vì một chớp mắt từ khi mí mắt mở ra và nhắm lại là đã trải qua muôn vạn ức sát na. Nhanh đến thế nhưng chẳng bao giờ ngưng lại. Có thể trước và sau một sát na, con người và muôn vật đã thay đổi từ sống sang chết, từ còn sang mất, từ có tới không… nên không có sự vật nào trên đời nầy là thường tại, là hằng thường cả. Tất cả đều vô thường.
Sự sống thực sự là một cuộc “tổng phản công” của con người và muôn vật chống lại cái chết. Đấy là sự cố gắng thường trực, quy tụ hết thảy những khả năng vật lý, sinh lý, tâm lý, luận lý, tín lý… để chống lại sự thay đổi vì thay đổi là tiền đề, là cách nói khác của hủy diệt. Trong Suối Nguồn Vũ Trụ đó, hễ có hiện tượng sinh thì phải có hiện tượng diệt và có diệt là có sinh. Sự sống như nguồn sáng và bóng tối. Nguồn sáng không thấy ở đâu cả nhưng đâu cũng có. Nó ở khắp nơi. Hễ đến mặt trời thì thành tia nắng, đến mặt trăng thì thành ánh trăng, qua các vì sao thì thành ánh sao, giữa cơn giông bão thì thành sấm sét, vào bếp thì thành lữa bếp, vào giống côn trùng bắt sáng thì thành con đom đóm. Nó ẩn tàng đâu đó, nhưng lại tức khắc hiện ra – xẹt lữa – khi hai khoáng vật chạm nhau. Nó vào thân xác vạn vật thì thành dương tính, tạo hơi ấm để bình hành với hơi lạnh. Nguồn sáng quay mòng mòng. Nguồn sáng không có nguồn mà tự nó là sáng. Không ai loại trừ, thay đổi hay chôn giữ cất dấu nó được mà tự nó là nó. Đi cũng là đến mà tắt cũng là đỏ, mất cũng là còn. Tất cả vô số lượng hình thái chỉ là sự chuyển hóa, biến tướng tùy theo đối tượng sinh hay diệt mà nó bị hút vào, bị đẩy ra liên tu bất tận. Chữ nhà Phật gọi Nó là “Luân Hồi”.
Sự sống thường xuyên chống lại cái diệt đã đành, nhưng cũng chống luôn cái sinh vì không diệt thì không sinh. Con người hôm nay là kẻ tử vong qua muôn trùng đại kiếp. Vì thế, nó mệt mõi, nó run sợ và kinh hoàng trong cuộc viễn du từ vô thủy đến vô chung đó. Sự sống, tự nó đang chiến đấu tả tơi đi tìm một sự an nghỉ, một sự sống đời đời trên Thiên Đường hay nơi cõi Niết Bàn đầy hứa hẹn.
Với thầy Tiều thì “tôn trọng sự sống” là tôn trọng cuộc chiến đấu của mỗi con người và của mỗi sinh thể trong muôn vật. Thời nhỏ, khi thầy Tiều còn là một chú tiểu ở chùa, có một lần chú hỏi thầy của mình rằng:
“Thầy ơi! Thầy dạy con phải tôn trọng sự sống. Hôm qua con gánh nước bên bờ suối bỗng gặp một bác thợ săn đang bẫy được một con trăn. Con hỏi bác ấy tại sao Bác không ăn chay như Thầy mà phải giết trăn làm thịt tội nghiệp vậy. Bác thợ săn cười và bảo con về hỏi thầy rằng, Thầy phải làm sao khi con trăn đang nuốt một con chồn, con chồn đang nuốt một con quạ, con quạ đang nuốt con chim sâu, con chim sâu đang nuốt con sâu. Cũng theo lời Bác ấy thì các con vật đang còn sống và dãy dụa cố thoát ra khỏi nanh vuốt nhau, trong lúc sinh vật mạnh hơn cứ bám riết để nuốt sự sống của sinh vật yếu hơn. Tất cả, bác thợ săn và năm con vật trăn, chồn, quạ, chim, sâu đều vì sự sống của mình mà giết chúng sanh khác. Thầy ơi, thầy dạy cho con đi. Con phải làm sao để đừng sát sanh mà vẫn bảo vệ được sự sống quanh đây thầy nhỉ?”
Thầy trụ trì không nói gì cả mà chắp tay đi vào trong. Lát sau, thầy trở ra với cây roi mây dài trên tay. Thầy đưa cây roi cho chú tiểu và bảo:
“Cầm cây roi nầy và ráng hết sức tự đánh mình một trăm roi.”
Chú tiểu chắp tay xá và nhận cây roi từ tay thầy. Nhưng thay vì tự đánh mình, chú quỳ xuống trước mặt thầy, thưa:
“Thưa thầy, con không tự đánh mình được vì con chưa biết mình đã phạm lỗi gì mà bị phạt như thế.”
Gật đầu, thầy dạy chú tiểu:
“Thầy vừa giúp con tự trả lời câu hỏi của con rồi đó: Tôn trọng sự sống là không bức hại ai, không làm đau đớn ai và ngay cả chính mình, một cách vô lý.”
Chú tiểu vẫn còn thắc mắc:
“Thầy ơi! Thầy chưa dạy cho con cách nào để cứu những con vật đang giết nhau trong câu chuyện cá lớn nuốt cá bé mà con vừa kể cho thầy nghe.”
Thầy trầm ngâm suy nghĩ một lát, rồi trả lời:
“Ngày xưa khi ra khỏi bốn cửa thành bên ngoài cung cấm, thái tử Tất Đạt Đa đã thấy cảnh như thế.”
“Rồi thái tử làm sao để cứu cảnh mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ vào lúc đó, thưa thầy?” Chú tiểu bức rức hỏi.
Thầy chậm rãi trả lời:
“Lòng lành của thái tử chấn động sâu xa trước cảnh đời đau khổ chung quanh. Sau đó về thành ngài lặng yên suy nghĩ trong bao nhiêu ngày tháng…”
“Sao ngài không nhảy vào cứu nguy như con muốn làm?”
“Con đã muốn làm gì?”
“ Con muốn giật con sâu ra khỏi miệng con chim sâu. Giật con chim sâu ra khỏi miệng con quạ. Giật con quạ ra khỏi miệng con chồn…”
“Giỏi lắm! Lòng thương loài vật của con thật là đáng khen, đáng quý. Nhưng mỗi ngày, hàng triệu triệu cảnh muôn loài ăn nhau, nuốt nhau như thế xảy ra, còn làm sao cứu hết nổi.”
“Như vậy, người tài giỏi như thái tử Tất Đạt Đa hễ thấy việc ác nhỏ thì không đáng cứu, phải không thầy?”
Thầy nhìn chú tiểu gật gù và nói tiếp:
“Không có việc ác nào là quá nhỏ mà cũng chẳng có việc thiện nào là quá lớn hết con ạ. Một cục than con quên dập tắt sau khi thổi cơm cũng có thể đốt cháy cả làng nầy. Một vạn hộc lúa vua ban chắc gì đã quý hơn một bát cơm của người nghèo khổ. Xưa thái tử Tất Đạt Đa cũng có lòng nhân như con, như mọi người. Ngài đã từng bỏ nhiều thì giờ, công sức để cứu một con chim bị thương ra khỏi tay người anh em họ độc ác của mình…”
Chú tiểu cảm động, hỏi thêm:
“Tại sao thái tử không lên làm vua, rồi đem quân lính dẹp hết người ác, việc ác mà phải bỏ nhà đi tu thầy nhỉ?”
“Làm vua tốt thì chỉ giúp được dân nước mình, trong thời mình còn sống mà thôi. Đi tu thành Phật thì giúp được mọi loài, mọi người trong nhiều đời nhiều kiếp.”
“Thầy, như con đang tu học với thầy thì giúp được ai đây?”
Cầm tay chú tiểu, thầy nói:
“Giúp ai cũng được, miễn là con thương sự sống và không làm hại người hay vật để kiếm lợi cho mình.”
Thầy Tiều một đôi lần kể lại thời thơ ấu đi tu. Giọng thầy vẫn chùng xuống khi nhắc lại lời thầy mình “giúp ai cũng được, miễn là con thương sự sống và không làm hại người hay vật để kiếm lợi cho mình”, rồi kết luận:
– Quý hữu à. Lời dặn dò của thầy tôi mộc mạc và chân quê quá. Ai cũng biết, phải không. Vậy mà đã gần hết cuộc đời tôi vẫn còn nương theo để tu trì và hành thiện, nhưng mong gì đạt đến một lý tưởng cao cả như thế.
***
Trí Hải cùng ngồi xuống định tâm bên cạnh thầy Tiều không biết đã bao lâu, nhưng bỗng giật mình vì tiếng cười khanh khách và giọng nói hồn nhiên của thầy Tiều:
– Cả hai đều bị lạc trong rừng. Không biết ai đang tìm ai đây?
Trí Hải cười theo và hỏi ngay vào đề:
– Thầy đã tìm ra cách?
Thầy Tiều hỏi lại nhanh:
– Cách làm gì?
– Giết chuột, bảo vệ sự sống cho mọi người.
Trầm ngâm một lát, thầy Tiều nhắc lại:
– Cách làm của người xứ Tây mà quý hữu đã thấy hồi trước ở Ba Lê là hợp lý nhất. Phải ngăn cho được cái gốc rồi mới mong cứu được cái ngọn.
– Theo thầy thì chuột và bệnh, cái nào là gốc chính. Bệnh sinh ra chuột hay chuột sinh ra bệnh?
– Đôi bên tương tác, tương sinh. Chuột mang mầm bệnh truyền đi. Bệnh làm ô nhiễm môi trường sống tạo hoàn cảnh cho chuột sinh sôi nẩy nở; nhưng chuột là chính quý hữu ạ.
Trí Hải có cái nhìn thẳng ngay vào vấn đề:
– Nếu đúng như thế thì tại sao chúng ta không bứng cái gốc là sẽ yên chuyện?
Thầy Tiều nhìn Trí Hải cười chúm chím, rồi trả lời:
– Cái gốc đâu phải nằm trong hang ổ của bầy chuột mà nó ở cao tột đâu đâu tận trên trời, dưới biển.
– Ô! Tôi nhớ ra rồi. Người dân sợ cái “oai” của các “ông chuột” nên xưng là “ông thiên” đó mà!
– Còn xa hơn thế nữa kia. Nó ở tận trong triều đình kia hoàng thân ạ.
Trí Hải ngạc nhiên:
– Bệnh dịch có gốc từ trong triều đình nghĩa là sao, thưa thầy?
– Sáu bộ đương triều gồm bộ lại, bộ hộ, bộ lễ, bộ binh, bộ hình và bộ công cai quản mọi việc trong cả nước và có quyền lực cao nhất nước. Nhưng quý hữu thử nhìn kỹ lại thì chẳng có bộ nào đặt ra để lo cuộc sống cho dân cả. Hoàng thượng và các quan chỉ lo trị dân mà chẳng có bộ nào để giúp dân thuốc men và bệnh tật. Khi cần đến thì lúng túng đóng cửa thành ngăn dịch bệnh khỏi vào. Đó là gốc của dịch họa, bệnh tật đó quý hữu à.
Trí Hải cúi đầu nhìn những thôn trang kéo dài dưới vùng đồng bằng xa tắp, tưởng tượng đến hàng đống xác người vô danh chưa có người chôn. Thầy Tiều giữ im lặng và đắm mình trong cơn suy tưởng.
Trí Hải phá tan bầu không khí im lặng của rừng chiều, hỏi:
– Sự sống của con người và sự sống của con chuột đang ở trong thế tương quan nghịch chiều. Người chết càng nhiều chừng nào thì chuột càng sinh ra nhiều gấp bội chừng ấy. Cần phải giết chuột để cứu người. Thầy có cho rằng giết chuột để cứu người là phạm vào giới sát sanh không?
Thầy Tiều chưa trả lời vội mà nhìn rất xa về phía rừng sâu. Lát sau, thầy trả lời:
– Quý hữu! Tôn trọng sự sống, trước hết, là tôn trọng ý nghĩa của sự sống. Sự sống của con bướm vàng trên đóa hoa cũng có một ý nghĩa riêng như sự sống của người vũ nữ trên sân khấu. Ý nghĩa của sự sống lúc nầy là cái Đẹp…
– Thế sự sống của con chuột trong hang ổ có giống như sự sống của con người trong căn nhà của họ hay không?
– Giống, vì cả hai đều ham sống sợ chết. Con người kinh hoảng đi trốn hùm beo thì có khác gì con chuột run rẩy chạy trốn con mèo.
– Như thế là theo thầy, không được giết chuột để cứu người sao?
– Khi hai sự sống là mối đe dọa tiêu diệt lẫn nhau hay sự sống bên nầy sẽ hủy hoại sự sống bên kia thì sự sống không còn là sự sống. Sự sống biến thành vũ khí, thành phương tiện bức hại nhau mất rồi. Khi một con người cầm dao trên tay, cố tình giết người khác để chiếm đoạt của cải, thì con người đó đã biến thành kẻ sát nhân, là tên cướp. Bởi vậy, vua quan nhà Trần thuở xưa, hầu hết đều tinh thông đạo lý. Họ đều hành thiện và tôn trọng sự sống muôn loài, không nỡ ra tay giết một con voi què, bỏ bê một bầy ngựa ốm. Nhưng họ đã đằng đằng ra trận đánh tan tác quân Nguyên.
***
Một thầy Tiều qua bao ngày lăn lộn giữa cơn dịch họa để cứu giúp người bị nạn đã nhuốm vẻ phong trần trong chiếc áo tu vàng cũ gần với màu đất. Nhiều đường may sứt chỉ và trên vai áo đã lốm đốm những vết rách xác xơ. Thầy Tiều có vòng hào quang của một viên thuyền trưởng can trường trên chiếc thuyền bị nạn mà không ai nghi ngờ sẽ chết theo tàu để nhận lấy trách nhiệm hướng đạo và lãnh đạo của mình.
Đôi mắt trần gian thấy Thầy gần với cảnh đời hơn cảnh Phật. Nhưng với đôi mắt đầy thương yêu nhìn chúng sanh thì lại thấy Thầy gần với cảnh Phật hơn cảnh đời. Mạng sống của những con người giữa dòng đời bên cạnh thầy cần phải được cứu. Thầy không có một cảnh Niết Bàn hay Cực Lạc riêng cho mình. Cảnh trời vi diệu ấy là lý tưởng cao cả cho một đời xuất gia tìm đạo của thầy, nhưng thầy tìm thấy ngay giữa cuộc đời nầy. Không mong cầu, không hứa hẹn, không cứu chuộc, không nằm tận đâu đâu trên chín tầng trời cao viễn mà nó ở đây. Nó nở trên những nụ cười nhăn nheo của mẹ già, giữa tiếng cười giòn ngây thơ của em bé. Nó ở trong xóm vắng hoang sơ, ngoài chợ đời xao động. Nó ở ngay trong lòng người.
Đoàn người rãi lá trừ chuột hái từ vùng núi đốt than của thấy Tiều tỏa ra khắp kinh thành, thôn xóm. Là ánh sáng xóa dần bóng tối, chuột sinh theo đám nên chết theo bè. Chuột vắng đi, con người trỗi dậy…
Cơn bệnh giảm dần; cơn đói lại tăng theo…
Giữa cơn đại nạn chao đảo và nghiêng ngữa đang hoành hành toàn xã hội, chỉ những người quên mình mới dám xông pha để sống cho người khác. Có hai sự quên mình lớn nhất: Quên mình hiện tại để sống cho mình mai sau mà người đời thường gọi là “lý tưởng” hay là quên mình cho một Tình Yêu. Yêu mình, yêu một người, yêu cuộc đời hay yêu cả nhân thế đều nằm trong một chuổi nhân duyên của tình yêu. Người không yêu mình trước, tự tìm cách hủy hoại chính mình thì sẽ chẳng yêu ai được cả. Ba Gấm trở thành một biểu tượng tình yêu cho toàn nhóm Vườn Thuốc Thái Ấp. Trong cơn hoạn nạn, Ba Gấm đến với mình và với người bằng nụ cười an lạc. Người đàn bà xinh đẹp bình dân mà quý tộc ấy yêu được hết thảy cả bệnh nhân hôi hám nhất; cười được nụ cười an ủi, thoa dịu khổ đau trong tiếng khóc; mở rộng hết cửa gia tài đồ sộ của riêng mình để cứu giúp mọi người mà không có một người nào riêng biệt để nhớ hay cần phải trả nghĩa, mang ơn.
Chuột đã ăn hết mùa màng lương thực. Chết bệnh không quằn quại bằng chết đói. Ba Gấm như một chiến tướng xông pha tìm mua và huy động những đoàn ghe thuyền chở lương thực từ Nhật, từ Trung Hoa, Tân Gia Ba, Thái Lan về cứu đói. Trong thinh lặng, không có tiếng tung hô, ca ngợi vang rền, nhưng có hết cả những hạt bụi trần gian dừng lại ở mỗi chớp mắt, có nét cười nhân ái của Ba Gấm trên những người đau khổ.
Khi trận chiến cứu khổ vẫn còn tiếp diễn vào hồi gay cấn nhất, Ba Gấm đã gục xuống. Một sinh vật thánh thiện hay sự thánh thiện trong mỗi sinh vật là chất lượng, là nghĩa sống tiềm tàng, tích tụ tập hợp trong chính nó. Mọi sinh vật đều phải chết. Nhưng Dòng Sống cuối cùng của một cá thể nhỏ bé sẽ tách rời thân xác tạm bợ để về nơi đâu trong Suối Nguồn Vũ Trụ đang luân chuyển triền miên mới là ý nghĩa đích thực sau cùng. Không một sức mạnh nào có đủ quyền lực mang đi hay đặt để Dòng Sống nhỏ bé của một người, một sinh thể đang trút bỏ xác thân về với Dòng Đại Nguồn hay Suối Nguồn Vũ Trụ, ngoài chính nó. Ba Gấm đang mang ý nghĩa đời mình ra đi.
Sau cơn sốt kéo dài trong mê man, Ba Gấm tỉnh lại. Trí Hải, thầy Tiều, Tâm An và Thiện Giả đều có mặt. Một nụ cười tươi tắn xuất hiện bất ngờ trên khuôn mặt bỗng sáng rỡ ràng như tỏa hào quang của Ba Gấm. Chìa tay ra tìm nắm bàn tay Trí Hải, Ba Gấm nói thật dịu dàng:
– Cám ơn Hoàng thân đại nhân… Anh… cám ơn anh đã cho em được làm người. Cám ơn anh đã cho em nụ cười, cho em tiếng khóc, cho em niềm vui, cho em nỗi buồn, cho em những tuyệt vọng, cho em những ước mơ… Nhưng trên tất cả là anh đã cho em tình yêu. Em đã nhiều lần ngã xuống và vịn tình yêu anh mà đứng dậy. Anh đã cho em đam mê và cũng giúp em thức tỉnh từ đam mê. Anh đã giúp em biến một nỗi lòng thành một cõi lòng và một cõi lòng thành vạn tấm lòng… để thương và để sống. Cám ơn anh. Em đi…
Ba Gấm quay mặt nhìn về phía mọi người, môi mấp máy không thành tiếng trong ánh mắt thành khẩn đầy tri ân, đa tạ. Đôi mắt ấy bỗng đậu trên khuôn mặt thầy Tiều. Lời thì thào thành tiếng:
– Huynh đệ, xin tạ ân. Thầy! Con chưa quy y…
Thầy Tiều hiểu ý tiến lại gần nắm chặt cả hai tay Ba Gấm:
– Được… được rồi! Tín nữ Ba Gấm đã hóa thân sống hạnh Bồ Tát giữa cuộc đời nầy… đâu cần quy y.
Nghe tiếng thầy Tiều, nét cười lại hiện lên khuôn mặt như đang hướng về cõi trời xa của Ba Gấm. Tiếng thì thào đứt quãng:
– Thầy cho con… một… pháp danh.
– Pháp danh con là… Ba Gấm.
– Dạ! Ba… Gấm…
Có một giọt nước mắt lặng lẽ làm ấm nụ cười an lạc về với hư không.
Ba Gấm ra đi như một cánh chim mỏng bay vút lên mây. Xuân, hạ, thu, đông… rồi đến xuân. Nhưng xuân trước và xuân nầy không cùng mầu hoa và mầu tóc.
Vào một sớm mai ửng hồng từng giọt sương trên cây cỏ, những người chết cuối cùng vì nạn dịch ở cuối phố, làng trên chỉ còn là hiện tượng lẻ tẻ hay bị nhiễm bệnh dịch lâu ngày, giờ đuối sức bệnh mới phát ra. Trong ngôi nhà cũ dùng tạm làm chùa vắng vẻ hơn sau cơn dịch họa, chỉ còn lại mình thầy Tiều trong cái vắng lặng mênh mông của đêm tối. Cơn sốt se se đầu hôm thình lình ập đến lúc nửa đêm. Cả thân mình thầy Tiều như muốn bốc lửa vì nóng. Thanh lặng một mình trong đêm, đã từng định tâm nội soi trong bao nhiêu năm thiền định, thầy Tiều nhắm mắt lại và biết rõ cái đuôi dịch chuột còn sót lại đã tìm đến thân xác của thầy làm nơi trú ẩn. Thầy Tiều không một mảy may ân hận vì đã để hết tâm lực lo chạy chữa cho người khác mà hằng đêm quên bế mạch để ngăn chận bệnh dịch cho mình…
Gần sáng, Trí Hải, Tâm An, Thiện Giả và những người thường lui tới ngôi nhà cũ được dùng làm tịnh xá đều có mặt bên cạnh thầy Tiều. Trên tấm phản gỗ lâu đời, mòn nhẵn, thầy Tiều chỉ còn mặc bộ áo quần cụt màu nâu vá trước, vá sau nhiều đoạn. Chiếc áo vàng được xếp gọn gàng đặt kê lên đầu như để làm gối. Đó là chiếc áo cà sa duy nhất còn lại của thầy Tiều sau những ngày vật lộn với nắng gió, đất bụi, bệnh tật cấp cứu giúp đám quần chúng vô danh từ khắp nơi tản cư, tỵ nạn dịch chuột, ùn ùn kéo về Thái Ấp. Gia tài vật chất trần gian duy nhất còn lại bên cạnh Thầy là chiếc bình bát bằng gỗ trống không và xâu chuỗi còn nguyên vẹn 108 hột bồ đề.
Thầy Tiều nằm ngay ngắn, hơi thở nhẹ nhàng nhưng đứt quãng. Mắt Thầy lim dim, bình thản như đang ở trạng thái tham thiền. Giữa sự im ắng với nắng vàng và lá xanh xào xạc ngoài kia, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Rồi cánh cửa gỗ xưa cũ, nặng nề của căn nhà xịch mở. Nắng phản chiếu hắt vào nhà rực lên nguồn sáng vàng tươi mới. Một nhà sư áo vàng nhẹ nhàng bước vào nhà làm mọi người quay lại nhìn:
– Sư Trúc Lâm!
Có tiếng ai kêu lên như vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ.
Nhà sư chấp tay vái chào mọi người và bước đến bên cạnh thầy Tiều. Mắt thầy Tiều mở lớn. Qua một thoáng bất ngờ nhất, thầy Tiều từ từ ngồi dậy. Thầy ôm chiếc áo cà sa trước ngực và cố đứng dậy. Hai nhà sư cùng đảnh lễ cung kính chào nhau. Mọi người cùng chấp tay đứng dậy vây quanh. Đôi mắt quầng thâm vì phải chiến đấu với cơn bệng đang hoành hành của thầy Tiều đảo quanh như đang cố gắng tìm ai. Đôi mắt ấy sáng lên và đậu lại trên khuôn mặt Trí Hải. Níu tay áo sư Trúc Lâm làm điểm tựa, thầy Tiều bước lại gần Trí Hải. Có vẻ như Thầy cố vận dụng hết sức lực còn lại của mình để làm một điều gì trọng đại cuối cùng. Thầy run run lần tay lên chiếc áo xếp duy nhất mà Thầy đã kê đầu lên trong mấy ngày qua. Thầy mở rộng chiếc áo cà sa, khuôn mặt hốc hác vì cơn đau nhưng đượm vẻ thành kính, lâm râm nói gì không ai hiểu. Thầy cung kính hai tay cầm chiếc áo lướt qua đầu, vắt lên vai, khoác lên mình Trí Hải. Có tiếng ai vang vang:
– Chiếc áo rách hết rồi!
Im lặng…
Không biết mùi bùn đất quê hương, mùi hoa đồng cỏ dại hay mùi trầm hương lan tỏa thơm lừng mùi thơm chơn chất, từ bi.
Tiếng sư Trúc Lâm trầm, nhẹ như vọng lên từ đầu non:
– Không. Chiếc áo tu hành không bao giờ rách. Đức Thế Tôn đã khoác chiếc áo đó lên mình trong suốt 49 năm hành đạo. Chư Tổ và chư Tôn Đức cũng đã khoác chiếc áo đó qua hơn hai nghìn năm vân du hóa độ. Chiếc áo nhà tu chỉ bị bị xé rách khi những vết cắt phát khởi tự bóng tối của vô minh.
Trí Hải vẫn chưa dám đụng tay vào chiếc áo còn nằm nguyên trên mình do thầy Tiều vừa khoác lên và tìm cách dìu thầy Tiều về chỗ nằm. Mắt thương nhìn thế sự của Thầy Tiều vẫn phóng hết sức sống vào đời. Đôi mắt Thầy chợt mở to hơn. Thầy nhìn lên chiếc áo cà sa trên mình Trí Hải. Mắt Thầy ánh lên nỗi mừng vui rạng rỡ. Nét nhìn tỏa sáng đó chiếu lên khuôn mặt cả Tâm An và Thiện Giả; lướt đến với mọi người và từ từ khép lại. Miệng thầy Tiều mấp máy điều gì không rõ, sư Trúc Lâm phải ghé sát tai vào nghe. Đôi môi thầy Tiều hé ra, rồi đóng chặt. Mãi mãi. Lời sư Trúc Lâm lập lại sau cùng:
– Thích Trí Hải. Tu giữa bụi trần.
***
Giàn hỏa thiêu bùng lên ngọn lửa.
Những người dân còn sống sót sau cơn dịch họa thấy đó là Lửa Từ Bi.
Thân xác thầy Tiều khuất dần sau màn khói, rỗng lặng với duyên tan.
Chắp tay vái nhẹ lần cuối, sư Trúc Lâm lần đầu và cũng là lần cuối xuống núi, hướng về giàn hỏa lâm râm bái biệt thầy Tiều: “Tôi chỉ là người khéo tu, nhưng thầy mới chính là bậc chân tu. Thầy tu giữa cuộc đời gió bụi. Tu giữa bụi trần. Thầy cùng với sinh linh hít thở bụi trần, thấy được bụi trần và quét bớt những lớp bụi trần gian bám trên thân, đọng trong tâm để tìm an lạc và tìm cứu độ ngay giữa cuộc đời nầy”.
Có tiếng ngựa xe rộn rã. Có tiếng loa truyền của ngự lâm quân báo tin triều đình mang lệnh sắc phong đến cho “đại sư tân viên tịch”. Nhưng giàn lửa đã tắt.
Quan thượng thư Lê Trung Ẩn, quan tổng đốc Trần Minh dõi mắt tìm kiếm. Nhưng sư Trúc Lâm và Trí Hải không còn bóng dáng. Cả hai người là một rặng núi xa xăm.