NGÔ KHA, MIẾNG ĐẨU THĂNG CHẲNG DÁM THAM TRỜI


Năm 1969, lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Ngô Kha, mặc dầu đã được nghe khá nhiều về người thầy giáo thi sĩ nầy ở Huế. Đó là thời gian các giáo sinh chúng tôi ở trường Đại Học Sư Phạm Huế phải đi dạy học “biểu diễn” vào năm cuối của chương trình sư phạm. Các giáo sư dìu dắt do trường sư phạm mời phần lớn là những thầy giáo đã thành danh. Các vị hướng dẫn, giao lớp mình cho giáo sinh dạy và đóng vai giám khảo.

Được đào tạo trong ban Việt Hán, tôi có hai buổi “thi dạy” tại hai trường Đồng Khánh và Quốc Học. Tại Đồng Khánh, do cô Thanh Tâm hướng dẫn với bài Tống Biệt của Tản Đà và ở Quốc Học thầy Ngô Kha hướng dẫn với bài Khóc Bạn của Nguyễn Khuyến. Trong hai buổi dạy đó, mỗi lớp có một học sinh làm cho giáo sinh như tôi “khớp cơ” vì sự thông minh và khả năng suy luận sắc bén của họ. Ở Đồng Khánh là học sinh Trần Kiêm Trinh Tiên, ái nữ của bác sĩ Trần Kiêm Khoan và ở Quốc học là Nguyễn Văn Viết Châu, con trai của giáo sư Nguyễn Văn Hai.

            Trong buổi “thi dạy” trong lớp của giáo sư Ngô Kha ở trường Quốc Học, tôi được chỉ định dạy bài thơ Khóc Bạn của Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê: “Bác Dương thôi đã thôi rồi, nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…” có hai câu:

            “Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

            Miếng đẩu thăng chẳng dám tham trời…”  

            Học sinh Nguyễn Văn Viết Châu giong tay và lên tiếng.  Theo Châu thì “than trời” chứ không phải “tham trời” vì tham trời chẳng có nghĩa chi cả. Trước khi lên lớp, tôi đã tìm tòi cẩn thận nhiều bản in sai biệt của bài thơ. Quả là có bản in ghi “than trời” thật. Tôi trả lời với sự tự tin của một người đã nắm vững nội dung và ngôn từ của bài thơ, rằng: “Than trời là thái độ của kẻ tiểu nhân; tham trời là phong cách của người quân tử”. Trong lời trao đổi và phân tích giữa giáo sinh và học sinh, không ai chịu ai, giáo sư Ngô Kha lên tiếng. Đại khái anh luận giải rằng, hình ảnh than trời, trách đất vì không đạt được danh lợi như ý muốn là một thái độ bon chen, kèn cựa, tham lam của phường “sĩ phiệt” thấp hèn và nhỏ bé. Trong lúc bậc trí giả có phong cách như như tự tại của kẻ biết mệnh trời đã y chuẩn trong một giới hạn nào đó của đạo Trung Dung theo tinh thần Nho giáo: “Tòng nhân dục nhi bội thiên lý”. Do đó, sống theo tinh thần kẻ sĩ là biết mình, biết người mà không khát vọng tham trời. Ngô Kha còn đưa ra hình ảnh Giới Tử Thôi để minh họa:

Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Hiền sĩ Giới Tử Thôi theo phò. Một hôm, trên đường lánh nạn bị hết lương thực, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng chịu cảnh nằm gai nếm mật. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất trọng hậu cho những người có công nhưng lại quên Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không sinh lòng oán hận vì nghĩ mình chỉ làm nghĩa vụ phò vua giúp nước chứ chẳng màng kể đến công lao và thản nhiên đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhận ra điều sai sót, cho người đi tìm Giới Tử Thôi thưởng công nhưng Tử Thôi không chịu về kinh, cứ tiếp tục ở ẩn trong rừng. Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng với chủ ý thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng người hiền sĩ ấy vẫn không màng. Rốt cuộc cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Nhà vua thương xót vô cùng, cho lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải cấm lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm một hồn thiêng đã hoà vào sông núi.

Thầy Ngô Kha kết luận rằng, nhân sinh từ xưa ai cũng phải chết, nhưng kẻ “miếng đẩu thăng chẳng dám tham trời” cũng nhận bổng lộc theo công lao và phẩm trật của mình nhưng tuyệt nhiên tâm không gợn lên chút so đo, kèn cựa nào.

Tôi để ý Ngô Kha có một lối diễn đạt khá thu hút. Giọng anh trầm, ấm với chữ dùng sắc sảo và lý luận đầy quyết đoán; tuy vẫn pha một chút lãng tử, sông hồ.

Sau giờ dạy, có phần nhận xét giữa giáo sinh và giáo sư hướng dẫn. Thay vì làm việc ở văn phòng nhà trường, anh mời tôi về nhà.

Căn gác của anh ở trên đường Bạch Đằng, quay ra hướng sông Đào. Buổi chiều, hơi nước từ sông theo gió Nồm thổi vào mát dượi. Tôi có cảm tưởng là giọng nói của anh không ứng hợp với dáng người mảnh khảnh của anh, bởi cách anh dùng từ rất “đắt”, rất “vam vỡ” khi nói chuyện. Những nhận xét của anh, thường được xây dựng bằng một sự xác tín và cường điệu cao độ. Điều đó làm người nghe khó “phản biện” lời anh nhưng vẫn có nỗi ấm ức không giải tỏa còn nằm đâu đó. Buổi đầu gặp gỡ giữa giáo sinh và giáo sư, anh không cho tôi gọi bằng Thầy mà muốn được gọi bằng anh. Anh gọi tôi bằng tên và xưng “mình”, khi nào tới mốc câu chuyện trở thành cao hứng thì anh xưng “toa”, “moa”. Mấy lần sau gặp nhau ở quán cà-phê Tôn trước cửa Hiển Nhơn, bên hè Tôn Nhân Phủ, tôi thấy ở nơi Ngô Kha chan chứa một tấm lòng yêu nước; nhưng lại yêu nước “lãng mạn kiểu Huế”. Nghĩa là nuôi chí lớn muốn “biến thanh khâm sang cẩm tú, xây bạch ốc lại lâu đài” rất quyết liệt trong ngôn ngữ; nhưng lại đầy viễn tưởng trong hành động. Ngô Kha làm tôi liên tưởng tới Che Guevara trong câu nói: “Cách mạng lãng mạn đẹp nhưng không bền. Thường đưa tới những kết thúc chưa chín tới đầy bi tráng.

Có một chút tâm sự của anh trong một lần gặp gỡ – cách 45 năm rồi – mà mãi đến bây giờ vẫn còn làm tôi ấm ức:

– Toa biết không, ngày ấy (?) moa chỉ ước mơ một lần được hôn gót chân của Trịnh Vĩnh Thúy rồi chết cũng được. Ô, hô! Nhưng thực tế cuộc đời thì… “mẹc”! Tới khi tụi mình sống đời vợ chồng với nhau thì hương nồng chưa thấy, đã thấy chia tay!

Tôi không hỏi anh “vì răng rứa?” như thường lệ, vì sợ trả lời “tại rứa chớ vì răng!” mà chỉ im lặng chờ anh nói tiếp. Nhưng chẳng có một sự giải thích rạch ròi nào tiếp theo mà mãi cho đến bây giờ, bạn bè ở Huế của anh cũng vẫn còn ngỡ ngàng vì mối tình “sương khói” ấy!

Khi chuyện tình “hôn gót chân rồi chết” rơi vào im lặng, anh đem thơ ra đọc. Đọc tập thơ Hoa Cô Độc đầu tay của Ngô Kha, tôi cảm nhận được cái chất lãng mạn, đấu tranh, dự phóng tương tác hài hòa với nhau. Tiếng gọi lên đường trong thơ anh đầy thách đố và đam mê. Nỗi đam mê biến tướng của tình yêu, tình đời và tình non nước. Thơ Ngô Kha khi do chính anh đọc lên với đôi mắt xa xăm, ươn ướt và chợt sáng lên ảnh lửa của anh hòa điệu với giọng đọc thơ – khi đọc, khi ngâm – ấm áp, trầm buồn và đầy gởi gắm của anh làm cho thơ anh mang một điệu sống xốc nổi với nét đẹp bí ẩn.

Nói đến Ngô Kha là nói đến hồn thơ chảy vào cuộc sống trăn trở và tình yêu. Ngụ Ngôn Của Người Đãng Trí của anh có vị lãng mạn kiêu sa, có những suy niệm siêu thực len vào giữa những mảnh đời thường đày ải:

“người say rượu quỳ bên gốc cây già,

uống ánh mặt trời và dòng phù sinh vô tận…”

Mới đó…! Huế ơi, mới đó mà đã năm mươi năm. Ngô Kha về Huế và xa Huế lạ lùng như đã đi về một miền hoang tưởng. Cái “Nghiệp” của anh đã đưa anh hiện diện ở Huế như một “duyên tiền định” để đón nhận sự tác nghiệp đeo mang từ tiền kiếp. Chỉ có sự hóa giải theo tinh thần quán chiếu “duyên nghiệp trùng trùng” của nhà Phật mới mong một lần hay từng bước, giúp hóa giải những oan khiên. Thi sĩ Ngô Kha là một loài hoa cô độc vì “miếng đẩu thăng chẳng dám tham trời” giữa một thế giới “bán trời không mời thiên lôi”. Anh cô độc nhưng không cô đơn vì hoa xưa bây giờ vẫn nở; và, những người muốn hái loài hoa ấy vẫn còn lẩn quẩn đâu đây.

Thôn Liễu Hạ, mùa giáp Tết Quý Tỵ – 2013

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan