Đạo giữa đời thường
Phật giáo thực dụng, ứng dụng, thực hành hay nhập cuộc?
Vào những năm 1960, đọc những tác phẩm có huynh hướng ứng dụng tôn giáo, đem đạo vào đời như Đường hay Pháo Đài của linh mục Nguyễn Ngọc Lan hay Đạo Phật Hiện Đại Hoá của Thiền Sư Nhất Hạnh… người ta thấy giới trí thức cấp tiến tôn giáo có sự chuyển biến thuần tu từ thánh đường, tu viện sang thái độ nhập cuộc ứng dụng lý thuyết vào hiện thực sinh động.
Nếu nói về tính khả thi và khả dụng của một nguồn tín lý tôn giáo ứng dụng giữa đời thường thì đó rõ ràng là tính thực dụng tôn giáo. Đạo không phải là pháo đài tư tưởng mà là con đường để thực hành hay ứng dụng; đem những nguyên lý kinh điển để sống đạo giữa đời.
Mở đầu chương 1: Vấn đề hiện đại hoá, Thầy Nhất Hạnh viết:
“Hiện đại hoá đạo Phật không có nghĩa là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó. Mất đi những đặc tính siêu việt này thì đạo Phật không còn là đạo Phật. Cho nên sự có mặt của những hình thức và những danh từ đạo Phật trong cuộc đời không được coi như là sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời. Chỉ khi nào người ta thấy bản chất của đạo Phật thấm nhuần trong mọi sinh hoạt của cuộc đời người ta mới có thể nói đến sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời như một thực tại có sinh khí.”
Sau bài viết giới thiệu Đại học Phật giáo Thực dụng (www.trankiemdoan.net) được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội toàn cầu, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi; đặc biệt là nhóm chữ mà nhiều người bày tỏ ý kiến bị dị ứng mạnh nhất là hình dung từ “Phật giáo Thực dụng”! Ý kiến xoay quanh rằng, tại sao không gọi là Phật giáo Ứng dụng, Phật giáo Thực hành, Phật giáo Nhập thế… ?
Sự góp ý cụ thể nhất đến từ Gs. Trần Việt Long:
Danh xưng của trường có lẽ nên dùng chữ Thực Hành (Practical) thay vì chữ Thực Dụng (Pragmatic) vì chữ “thực dụng”thường có nghĩa hướng về vật chất và thủ lợi.
Và sự góp ý gián tiếp nhưng cũng không kém phần “nóng bỏng” đến từ BS/LĐT GĐPT Huyền Quang:
“Phật giáo thường bị gọi là ‘tôn giáo vô thần’, nay thêm hình ảnh ‘thực dụng’ nữa thì thiếu mất vẻ đẹp vốn có và muôn đời của một tôn giáo biểu tượng cho Từ bi và Trí tuệ”.
Những dòng viết sau đây là để chung tay góp ý với quý đạo hữu và thân hữu về một cách gọi tên hợp tình, hợp lý cho một tổ chức giáo dục Phật giáo mới ra đời trong thời đại công nghệ có quá nhiều thông tin và thử thách này.
Tánh “vô thần” trong đạo Phật:
Có lẽ đây là một câu hỏi xuất phát từ những ý tưởng đã quá cũ mòn vừa bình dân, vừa kinh điển và đã được nói đi nói lại qua nhiều thế hệ.
Câu hỏi không nằm trong yếu tính của đạo Phật mà ở khái niệm danh từ: Thế nào là “thần” và thế nào là thực dụng?
Ở phương Tây, khái niệm vô thần (atheism) được định nghĩa là “không tin hay thiếu đức tin về sự hiện hữu của Thượng Đế và các thánh thần (disbelief for lack of belief in the existence of God or gods – Oxford Languages.) Theo lý thuyết phương Tây, Thượng Đế là một thể tuyệt đối không sinh, không diệt, không bắt đầu, không kết thúc. Ngài là đấng sáng tạo và là chủ tể của càn khôn vũ trụ. Trong lúc đó, thuyết Tánh Không và Duyên Khởi của đạo Phật phủ nhận rốt ráo mọi thể tướng, mọi thể trạng tuyệt đối tự tồn, tự tại – tự nó mà có! Vũ trụ là vạn pháp với trùng trùng duyên khởi, sinh diệt trong từng sát na, hợp duyên mà thành, tận duyên mà tan. Mặc dầu Phật giáo “siêu thần” với nhãn lý “tam thiên đại thiên thế giới, hàng hà sa số chư Phật…” nhưng Phật giáo không có chỗ đứng cho bất cứ một hình thức thần thánh, sống đời bất tử nào cả. Sự bác bỏ hiện hữu phi lý tự tồn nầy hoàn toàn không mâu thuẫn hay phủ nhận Tín lý đạo Phật có nguyên truyền thống kính ngưỡng và thừa hưởng mọi ân đức của chư Phật và thánh chúng truyền thừa từ thế hệ nầy đến thế hệ khác.
Bởi không cùng tín lý, tín điều và tuyệt đối hoá một hệ thống thần thánh kết hợp với các khái niệm thần linh, tôn giáo dùng lâu thành quen như các tôn giáo tin vào một Đấng Toàn Năng đời đời vô sinh vô diệt: Ấn Đô Giáo, Bà La Môn Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo… nên danh xưng “hữu thần” hay “vô thần” của các tôn giáo nhất thần, đa thần hay phiếm thần… đều không thể ứng dụng vào đạo Phật. Do vậy, dựa vào một hệ thống đức tin về thần thánh rất phức tạp và đầy đầy ảo tưởng để cho rằng Phật giáo là một tôn giáo “vô thần” bởi không “hữu thần kiểu ta” thì thật là quá chủ quan, khập khiễng và phiến diện. Như Việt Nam chỉ nhớ ngày chết (giỗ, kỵ); trong khi Mỹ chỉ nhớ ngày sinh. Nếu có một cuộc thư hùng văn hoá, người Việt mắng: “Mỹ vô luân!” (không biết luân thường đạo lý, không nhớ ngày chết của cha ông!). Và, Mỹ mắng Việt Nam: “Việt bất nhân!” (không có nhân văn vì không nhớ ngày sinh ra đời!). Thật ra, chẳng có bên nào sai cả; chỉ có khái niệm văn hóa khác nhau mà thôi.
Nếu “thần” được hiểu như biểu tượng của năng lượng tinh thần và tâm linh thì Phật giáo là một tôn giáo Hữu Thần Chân Nghĩa.
Tánh thực dụng trong đạo Phật:
Đạo Phật phát nguyên từ Ấn Độ nhưng lại bị mất bóng tại quê hương nguồn gốc.
Ngày nay, có dịp viếng thăm những thánh tích Phật Giáo tại Ấn Độ, khách hành hương mới xúc động nhận ra một cách thấm thía nguyên nhân ra đời và vắng bóng đạo Phật tại xứ nầy. Đã hơn hai nghìn năm sau nhưng vùng đất Bihar rộng mênh mông nơi đức Phật sinh ra, trưởng thành, xuất gia, đắc đạo và chuyển pháp luân vẫn còn là một vùng thảo nguyên hoang mạc. Nơi đây, các giai cấp xã hội với biên giới phân chia đẳng cấp, nay vẫn còn là hố thẳm, non cao khó vượt; thế mà mấy nghìn năm trước, đức Phật đã chủ trương xóa bỏ giai cấp bởi “máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn” là mẫu số chung của kiếp sống con người. Hindu, Bà La Môn, Hồi Giáo… không dung cho một tôn giáo khác có điều kiện chung sống cùng phát triển vì niềm tin tôn giáo cổ xúy phân tranh và thù nghịch nhân danh Phạm Thiên, Allah, Thượng Đế, Vua Trời… Trong lúc đó, thuyết Tánh Không của Phật giáo phủ nhận ảo tưởng và nương theo thực tại.
Tính thực dụng của đạo Phật bắt ngưồn từ sự tôn trọng những gì hiện thực có thể chính mình quan sát, tiếp cận, phân tích và suy diễn.
Từ 1884, Phật giáo tại Việt Nam bị thoái trào bởi sự xâm lăng của người Pháp và áp lực cải đạo núp bóng súng đồng đại bác. Phật giáo càng ngày càng bị đồng hóa với “đạo thờ cúng Ông Bà”, vô hình trung, Phật giáo phát huy tính Thực Dụng một cách tích cực để hòa mình vào nếp sống tâm linh của đại chúng. Làng nào cũng có Đình, Chùa, Miếu, Vũ. Làng nào cũng có một ngôi chùa. Chùa căn bản là nơi thờ Phật. Tuy rất ít chùa có một tu sĩ xuất gia làm sư trú trì, những người dân làng tin và quy y theo Phật giáo thường nối kết với nhau lại thành một đoàn thể nhỏ gần như tự phát gọi là Khuôn Hội. Người đứng đầu gọi là Khuôn Trưởng. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài, tất cả các hình thức “tượng pháp” hầu như vắng bóng nhưng có thể nói Phật giáo đóng vai trò chỗ dựa tâm linh thâm sâu cho hầu hết người dân: Chuyện vui với lễ hội tế tự, chuyện buồn với tang tế ma chay cho tới hình thức tâm lý trị liệu bình dân (general psychotherapy) đều dựa vào lễ nghi, kinh sách của Phật giáo. Hầu như làng nào cũng có những vị thầy cúng hay những nhóm hộ niệm sau lũy tre xanh tụng kinh chú, cầu an, cầu siêu, cầu phước cho làng nước. Có thể nói tính thực dụng của Phật giáo đã ăn sâu và tô đậm những nét tinh thần của dân tộc tính Việt Nam.
Ngày nay, những dấu hiệu thoái trào của tượng pháp trong khung cảnh tổng thể của thời mạt pháp đang dần dần hiện ra như: “đa văn kiên cố”, nghĩa là chỉ chú trọng vào việc nghiên cứu, thảo luận kinh giáo, say mê giảng kinh thuyết pháp mà chẳng chú trọng vào việc tu hành. Và giai đoạn cuối của thời mạt pháp là “tháp tự kiên cố”. Đây là lúc người ta dính chùm vào việc xây dựng chùa to tượng lớn, việc thảo luận kinh sách dính mắc vào chữ nghĩa hàn lâm, lý sự khúc mắc, càng ngày càng rời xa thực tế. Và, dấu hiệu mạt pháp vào thời kỳ cuối cùng (dự ước 500 năm chót) là hiện tượng “đấu tranh kiên cố”. Cụ thể là tứ chúng chỉ hăng say lý thuyết, chuộng hình thức mà quên tu, tăng già phân hóa…
Dù muốn hay không muốn, chọn lựa hay bị hoàn cảnh khách quan vận hành áp đặt, chúng ta đang ở thời kỳ tượng pháp trong tiến trình mạt pháp mà từ xưa đức Phật và chư tổ đã từng nhắc nhở. Tuy nhiên, tai trời ách nước dẫu có tới như một tác động khách quan thì nỗ lực chủ quan của từng nhóm phái và mỗi con người vẫn đóng vai trò quan trọng về mức độ hư hao và khả năng vượt qua hay giảm thiểu cơn sóng gió.
Người Phật tử Việt Nam đang đứng trước sự thách thức của thời kỳ tượng pháp với hiện tượng “đa văn kiên cố” tràn ngập từ tủ sách gia đình, máy điện toán cá nhân với sức chứa bằng cả thư viện sách. Lý thuyết về ứng dụng, áp dụng, nhập cuộc, dấn thân… đã bị “bảo hoà” và hầu như không còn hay quá giới hạn tác dụng, nên chúng ta cần thực tế và thực dụng. Một Đạo Phật Thực Dụng là một “công án” đáng suy gẫm về kế sách khả thi để mong làm chậm lại và tác động nhẹ nhàng hơn cho quá trình tu học.
Thử khởi công đầu tư suy nghĩ và nếu có thể thì thực hiện bằng chương trình và hành động cụ thể về một CAO ĐẲNG PHẬT GIÁO THỰC DỤNG trong thời điểm “đa văn kiên cố” nầy; nên chăng?
Natomas, Trà Thu Cúc 6-10-2022