1. Đường bộ
Làng có đường liên thôn chạy dài từ cầu Khại (giáp thôn Giáp Tây, phe Chùa) đến cầu Thủy Phương giáp thôn Cổ Lão. Từ con đường này, dân làng có thể đến các thôn khác trong xã Hương Toàn, cũng như đến các xã, các nơi khác trong tỉnh bằng xe máy rất thuận lợi. Từ làng đi lên phía Bắc là thôn Cổ Lão, Dương Sơn (cùng xã), rồi lên Xuân Đài, Thanh Lương, Văn Xá, ra quốc lộ 1 để tới Phú Ốc, An Lỗ, Quảng Trị… Ngoài ra người làng có thể lên thành phố Huế bằng ba đường:
– Theo tỉnh lộ ra quốc lộ 1 ở cây số 9 (trường Đặng Huy Trứ) để vào Huế (khoảng 10,5km) bằng xe gắn máy hoặc ô tô.
– Hoặc cũng bằng đường này đi ngang qua thôn Triều Sơn Trung (tỉnh lộ 8B), qua cầu Cửa Hậu để vào thành phố Huế hoặc cửa An Hòa (khoảng 7,5km).
– Hoặc về Vân Cù – Nam Thanh, dọc sông Bồ (tỉnh lộ 4) để lên Bao Vinh, theo đường Huỳnh Thúc Kháng (Hàng Bè) để lên chợ Đông Ba (khoảng 12km).
Ngoài đường liên thôn là hệ thống chằng chịt các đường liên xóm, đường xóm. Các đường liên xóm gồm có:
– Đường từ bến Đình qua ngã tư Ao Súng vòng về cầu Banh Dưới. Đây là đường quan trọng sau đường liên thôn, nó nối liền các xóm Kên, Giữa, Cụt và xóm Đình.
– Đường từ cầu Vượn đến ngã ba cồn Quán nối phía sau xóm Kên, xóm Giữa, xóm Cụt, còn gọi là đường Hậu Làng.
– Đường xóm Đình: Từ bến Đình đến ngã tư nhà ông Trang.
– Đường xóm Kên: từ cầu Banh Dưới ra cầu Vượn.
– Đường xóm Giữa: Từ chùa làng đến hết xóm Giữa (bàu Lộ).
– Đường xóm Cụt: Từ đầu xóm (nhà ông Lương) đến đường hậu liên xóm, giáp nhà thờ họ Cao Văn.
– Đường xóm Côi (xóm 1 – xóm Trên) gồm hai đường: Một đường từ ngã ba bến Đình trên chạy vòng quanh đến Ao Súng; một đường từ trường Tiểu học Hương Toàn 2 chạy vào đến xóm nhà ông Ló.
Đầu năm 2012, một con đường mới nâng cấp, mở rộng từ Bến Đình qua cầu Lừ lên gặp quốc lộ 1 ở thôn Giáp Thượng đã giúp việc đi lại từ làng ra thị trấn Tứ Hạ và ngược lại thêm thuận lợi. Ngoài ra, do tình hình phát triển nhà cửa nhiều, yêu cầu đi lại của dân làng tăng cao, nên ngoài đường xóm, liên xóm, còn có thêm rất nhiều đường ngang, ngõ tắt. Số đường này nhiều nhưng không có tên, hoặc gọi theo thói quen hơn là có quy ước đặt định, không thể kể hết được.
Trước năm 1975, tất cả các đường làng, xóm đều được đắp bằng đất hoặc đất cấp phối. Mùa mưa trâu đi dẫm nát, sục bùn nên việc đi lại của người dân thật vất vả. Ngày nay, đường liên xã, liên thôn, đường xóm hầu hết đều được đúc bê tông nên việc đi lại suốt bốn mùa đều thuận lợi. Xe ô tô, xe chở vật liệu, chở nông sản, hàng hóa… đi lại dễ dàng suốt bốn mùa và vào được tận từng nhà.
2. Đường thủy
2.1 Đường sông
Sông Bồ, Bàu Tháp và các hói làng là hệ thống đường thủy vừa thiên nhiên vừa nhân tạo của làng Liễu Cốc Hạ. Ngày trước, khi chưa có đập thủy điện Bình Điền, nguồn lạch dòng sông Bồ thông từ vùng thượng nguồn A Sao, A Lưới xuống An Lỗ, Phú Ốc tới bến đò Đông Ba trên sông Hương. Vào khoảng năm 1959 -1962 đã có thuyền máy chạy ngày 2 chuyến từ bến đò Phú Ốc qua tới bến đò chợ Đông Ba và ngược lại.
Từ thời xa xưa, người dân đã dùng đò gỗ, thuyền nan, ghe tre… để làm phương tiện giao thông từ biển Nam Hải lên tới Trường Sơn. Thời cận đại, rất nhiều thuyền buôn, đò dọc di chuyển trên sông từ cửa Thuận An lên tới Sơn Công, Lại Bằng… Đặc điểm do ở vùng bị xói lở nên bến sông làng Liễu Cốc Hạ khá sâu, thuận tiện cho việc cập bến của thuyền buôn. Khách thương hồ dừng lại để mua bán, trao đổi hàng hóa thủy sản, nông lâm sản trong vùng khá rộn ràng. Thời Pháp thuộc, tàu chiến và tàu cao tốc loại nhỏ, tàu có động cơ của quân Pháp đã dùng sông Bồ như một con đường thủy chiến lược để kiểm soát và đổ quân. Vì vị thế quanh co và lòng sông có chỗ sâu, chỗ cạn không đều nên phương tiện đường thủy sông Bồ chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương hơn là được đưa vào hệ thống giao thông chính quy trong cả khu vực.
2.2 Đường hói
Theo Từ điển Việt Nam thì âm “hói” (chữ Nôm: 洄) ngoài nghĩa là chỗ trọc, sói tóc (晦) và còn có nghĩa là: “Nhánh sông nhỏ hẹp được hình thành tự nhiên hoặc đào để dẫn nước và giao thông bằng ghe thuyền nhỏ”. Hói làng Liễu Cốc Hạ được tạo nên vừa do thiên nhiên, vừa do dân đào.
Làng có ba con hói thông với nguồn nước sông Bồ là:
– Con hói chính của làng gọi là hói Kênh. Hói Kênh dẫn nước sông Bồ qua cầu Banh Trên đến cầu Banh Dưới rồi chạy dọc theo xóm Kênh ra cánh đồng làng tưới tiêu cho hoa màu. Ghe thuyền theo hói Kênh lên đến Bàu Tháp rồi từ đó có thể lưu thông vào sâu địa phận xã Hương Xuân…
– Con hói thứ hai gọi là hói Phụ. Hói Phụ dẫn nước sông Bồ, đi qua cống Thủy Phương chạy cặp ranh giới thôn Cổ Lão vào phía Bắc cánh đồng làng. Hói Phụ cũng đủ lớn cho ghe thuyền hạng trung chở hàng hoá, phân giống lưu thông ra vào.
– Hói thứ ba là hói Chuông, giáp ranh thôn Giáp Tây dẫn nước sông Bồ đi qua cầu Khại vào phía Nam cánh đồng làng.
Từ thuở được khai thông cho đến bây giờ, cả ba con hói đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn thủy nhập điền và chuyên chở nông sản, nhân công, phân giống từ đồng về làng và ngược lại.
Trong một buổi tế làng sau ngày đình chiến 1954, các bậc trưởng thượng trong làng như các cụ Bát Im, Cửu Ê, Xạ Đạm, Từ Bòn… có nói về lịch sử hình thành con hói Chính của làng chạy dọc xóm Kên lên Bàu Tháp. Tương truyền hơn nghìn năm về trước, cùng với thời đại xây Thành Lồi ở các xã Thủy Xuân, Thủy Biều và Phường Đúc, phía tây các địa phương ấy cận núi đất toàn đá sỏi, tiến dần về phía đông ở vùng Bàu Tháp và Bàu Lộ mới có đất sét làm gạch ngói được. Người Champa thời bấy giờ đào đất ở đó nung gạch xây bờ thành ở vị trí Tháp Đôi làng Liễu Cốc bây giờ. Sau nhiều năm đào lấy đất để xây tháp và xây dựng nhiều công trình khác trong vùng, vùng đất bị lấy lõm sâu thành một cái hồ gọi là Bàu Tháp. Bàu Tháp và Bàu Lộ là dấu tích của cách đào lấy đất đó. Mùa mưa lụt các bàu đầy ắp nước chảy thoát ra sông. Bao năm tháng đi qua, đường nước chảy ngày càng lõm sâu tạo thành mương, thành hói.
Khi cha ông chúng ta đến vùng đất này khai phá lập nghiệp thì con hói đã có hàng trăm năm trước. Việc đào sâu con hói để dẫn thủy nhập điền là công việc đầu tiên của những người đi khai phá đất hoang hoá làm lúa nước, vì vậy các con hói được khơi thông, chăm sóc ngay thời ấy. Sau đó, do phù sa bồi lắng và lau lách hai bên bờ tốt tươi cản dòng nước chảy nên dân làng tổ chức vét hói hằng năm. Nhờ vậy mà con hói làng vẫn là mạch nước tưới tiêu, dẫn thủy nhập điền cho cánh đồng làng từ xưa đến nay.
Ngoài ra hói còn là nguồn cung cấp cá, hến, ốc… Tuy không nhiều nhưng cũng góp phần làm cho cuộc sống và phong cảnh thiên nhiên của dân làng trước đây thêm thi vị.
Về mặt địa lý, nguyên thủy miệng con hói Kênh trổ ra sông ở vị trí gần sông nhất là chỗ eo đất ngay cầu Banh Dưới và sát cổng làng hiện nay. Khi nhà thờ họ Trần được khởi công xây dựng tại địa điểm còn tồn tại đến ngày nay thì các cụ tiên phong họ Trần quan tâm đến vị trí phong thủy theo cách “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”.
Các cụ đã xin phép làng bồi hoàn điền thổ để lấp miệng hói cũ, đào thêm đoạn hói mới vòng ra hướng trước tiền đình nhà thờ họ Trần. Vì vậy miệng hói mới được mở tại cầu Banh Trên, thông với sông Bồ như hình thể ngày nay.
3. Phương tiện giao thông đường bộ
Trước đây, khi những phương tiện giao thông tiên tiến chưa xuất hiện, người làng di chuyển từ nơi này sang nơi khác chủ yếu bằng đôi chân. Phụ nữ và đàn ông đều dùng sức mình gánh, khiêng, mang vác hàng hoá. Có lẽ chính vậy mà từ xưa người làng đã thành thạo kỹ thuật đan thúng, mủng, ki, trạt, đòn gánh… phục vụ việc gánh gồng, mang vác hàng hoá của bà con trong vùng.
Những phương tiện thô sơ đầu tiên xuất hiện trong làng hỗ trợ cho việc chuyên chở hàng hoá là xe đẩy bánh gỗ. Cũng loại xe này người ta cải tiến để sử dụng sức kéo của động vật như bò, trâu… Các loại xe này thường không phong phú về hình dạng, trải qua hàng trăm năm lịch sử hầu như không có những cải tiến kỹ thuật đáng kể. Mãi đến năm 1970 ở làng mới xuất hiện chiếc xe kéo, hai bánh bơm hơi bằng cao su, có nhíp sắt gọi là xe “vận tải”. Xe có thể chở được vài tạ, có hai càng phía trước dành cho một người kéo và phía sau có người đẩy.
Quay lại thời Pháp xâm lược. Ban đầu họ tập trung xây dựng các công trình giao thông vận tải lớn ở Việt Nam như: Bến cảng, đường sắt, đường bộ, sân bay… để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa. Trong đó chủ yếu là khai thác mỏ, lập đồn điền trồng cây công nghiệp, vơ vét tài nguyên, của cải, lúa gạo ở đồng bằng Nam và Bắc Bộ vận chuyển ra các cảng biển lớn chở về Pháp. Đường sắt, đường bộ xuyên Việt lúc này cũng được xây dựng gấp rút…
Khi đường sá đã được nâng cấp và mở mang thêm thì các phương tiện giao thông tiên tiến cũng được người Pháp đưa qua khai thác như xe mô tô, ô tô, đầu máy hơi nước, tàu biển, máy bay… Tuy nhiên, với những phương tiện giao thông hiện đại ấy đối với người dân vùng nông thôn như Liễu Cốc Hạ vẫn còn xa lạ. Mãi đến những năm 1950, dân làng vẫn còn gánh gồng sản vật địa phương qua Huế bán bằng đôi chân trần. Xe đạp, xe gắn máy, ô tô do Nhật, Pháp sản xuất lúc này xuất hiện nhiều ở Huế nhưng với người làng là phương tiện di chuyển thật “ngộ”. Năm 1957, ông Trần Kiêm Đoàn, ông Nguyễn Văn Phò mỗi người được gia đình sắm cho một chiếc xe đạp để qua Huế học, đó là hai chiếc xe đạp đầu tiên xuất hiện trong làng. Năm 1960, người sắm chiếc xe gắn máy hiệu SACHS đầu tiên trong làng là ông Trần Kiêm Thông và chiếc thứ hai của ông Cao Văn Lỗ.
Về phương tiện giao thông công cộng bằng đường bộ trong khu vực, thời bấy giờ phía Bắc vùng ngoại ô Huế chỉ có bến xe An Hoà. Và mãi đến năm 1965, trên tuyến đường liên xã Hương Cần – Huế mới có loại xe đò chở khách mang thương hiệu Renault, Doger… hai chuyến lên về trong ngày.
4. Phương tiện giao thông đường thủy
Từ xưa, người Việt đã nhận ra việc dùng giao thông đường thuỷ rất thuận tiện. Chuyên chở được nhiều, chế tạo thuyền bè lớn hoặc nhỏ hay đơn giản đều được. Vì vậy phương tiện giao thông đường thủy của người Việt rất đa dạng. Trong đó ghe (thuyền) là loại phương tiện thông dụng nhất và là loại đầu tiên do người Việt cổ chế tạo ra. Ghe không chỉ giúp con người di chuyển dễ dàng trên sông hói mà còn là công cụ kiếm sống linh hoạt. Ghe cũng là ngôi nhà của những người dân chài quen sống trên sông nước.
Từ xưa người làng Liễu Cốc Hạ đã dùng ghe chuyên chở gỗ, mây tre, gạch ngói, cát sạn… từ thượng nguồn sông Bồ về xây dựng nhà cửa. Và khi lụt về dân làng dùng ghe để vớt củi, ra đồng đánh bắt cá, đi lại thăm viếng nhau… Vật liệu đan một chiếc ghe chừng mười cây tre, là loại cây trồng phổ biến ở vùng nông thôn nên phần đông trong làng nhà nào cũng có để đi lại khi cần.
Ngoài ra còn một loại phương tiện khác nữa là đò, có nơi còn gọi là nốt. Hình dáng con đò gần giống chiếc ghe nhưng to hơn và được làm bằng gỗ tốt. Người sắm đò không phổ biến lắm, bởi đắt tiền và kén việc. Đò để kinh doanh đò ngang, đò dọc, chuyên chở hàng hoá và khai thác cát sạn trên sông, có loại được trang bị máy đẩy, đi lại rất thuận tiện…
Còn có một hình thức di chuyển dọc trên sông nữa là kết bè, kết mảng. Trong đó bè là phương tiện đơn giản, được ghép bằng nhiều cây bương, tre, lồ ô… đặt song song, buộc lại với nhau bằng mây, lạt, có thanh giằng bắt ngang qua. Những năm gặp kinh tế khó khăn, người làng đã lên vùng thượng nguồn sông Bồ kiếm sống. Họ lùng kiếm sản vật rừng, chặt củi, thu hoạch khai hoang trồng trọt… xong kết bè chuyên chở sản phẩm về làng.
Về phương tiện đường thuỷ công cộng, vào những năm 1959 – 1960 trở về trước, người dân sống ven bờ sông Bồ từ Phú Ốc – Liễu Cốc Hạ – Hương Cần.. rất quen thuộc chuyến đò máy ngày hai lượt lên về chợ Đông Ba. Phương tiện này chỉ ngừng hoạt động khi trên đường bộ có những tuyến xe đò thuận tiện cho việc đi lại của người dân hơn…
Tóm lại, sau hơn hai thập niên đầu của thế kỉ 21, các địa phương trong thị xã Hương Trà nói chung, làng Liễu Cốc Hạ nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc về đường sá và phương tiện giao thông. Sự phát triển này đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và sự giao lưu với bà con ở các tỉnh thành khác. Ngày xưa người làng muốn lên Huế hay đi xa hơn nữa, chỉ có đi bộ hoặc bằng xe đạp. Ngày nay họ sử dụng xe gắn máy hoặc xe hơi. Sự tiến bộ đó đã tiết kiệm được thời gian và công sức so với ngày trước rất nhiều. Với khung cảnh địa lý thuận lợi về đường bộ cũng như đường thủy, làng có nhiều ưu điểm trong mạng lưới giao thông, liên lạc toàn vùng.
***