Lễ Phật Đản năm nay đã và đang được tổ chức một cách long trọng và kéo dài trong nhiều dịp cuối tuần tại các nước phương Tây, nhất là tại Hoa Kỳ. Hoa đèn của lễ hội và tâm thái nô nức của lòng người sau những năm bị cột buộc và giới hạn vì Đại dịch Covid -19 đã hòa quyện và lan tỏa khắp nơi. Ngày Đản sinh của đức Phật Thích ca Mâu ni là một dấu ấn tâm linh hương vị giải thoát của đời sống tinh thần không riêng cho giới Phật tử mà cho khắp mọi người, mọi nhà không cần tới những điều kiện thế tục
Trong khung cảnh miền Bắc California, thành phố thủ phủ tiểu bang Sacramento cũng là một trong những nơi mà tinh thần Phật giáo được khai mở và phát huy đậm nét với sự hiện hữu của hơn 20 ngôi chùa Phật giáo người Việt và trên 10 ngôi chùa Phật giáo Nhật, Thái, Miên, Lào và Trung Hoa được xây dựng để sinh hoạt hàng tuần, tính từ sau năm 1975. Trong số đó, chùa Kim Quang được xây dựng sớm nhất là vào năm 1978. Với lịch sử sinh hoạt 45 năm của chùa và Gia Đình Phật Tử Kim Quang có hai vị Trú Trì là Hoà thượng Thích Thiện Trì đã quá vãng và Thượng tọa Thích Thiện Duyên vừa thoái vị Trú Trì tuần trước. Nay chùa Kim Quang đã có tân Trú Trì là Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, nguyên phó Trú Trì lên thay thế. Nhà chùa dưới sự chủ trì của thầy Thích Thiện Duyên đã tiến những bước vững chãi về mặt kiến trúc và xây dựng trong suốt mấy chục năm qua để có được một cơ sở đẹp đẽ như ngày nay. Nhưng trong thế cuộc nhân gian phước họa khó lường nầy, chùa Kim Quang vừa trãi qua một cơn sóng gió hi hữu làm mọi người ngỡ ngàng và xót xa. Đó là sự bất tịnh về quá trình nghiêm trì giới luật của vị tỳ kheo Trú Trì đã gắn bó lâu năm và dày công chung sức xây dựng cơ sở vật chất cho chùa.
Cứ mỗi lần có hiện tượng phá giới hay phạm giới xảy ra trong khung cảnh chùa viện người ta lại đua nhau nói về giới luật. Điều nầy tương tự như nước Mỹ có hiến pháp và luật lệ trùng trùng như núi. Mỗi khi có cảnh bạo động bắn giết người hàng loạt thì người ta lại nói đến luật lệ dùng súng nhưng không nghe ai nói tới cái gốc của vấn đề về phương tiện giết người là quyền sở hữu súng. Nghĩa là con người chỉ đơn giản nghĩ đến kết quả mà ít ai quan tâm đến phương tiện trực tiếp.
Cũng tương tự như thế, người Phật tử khắp bốn chúng ngày nào cũng niệm: “Giới hương, định hương, dữ huệ hương…”; nghĩa là lấy tinh thần giới luật làm đầu nhưng phương tiện phá giới trực tiếp và mãnh liệt nhất là “Tiền, tình và tiếng” thì đã không giới hạn mà càng ngày càng lạm dụng trầm trọng hơn. Những hình thức bất tịnh thông thường nhất là hình ảnh khách thập phương mới bước vô hiên chùa là đã thấy bàn thu tiền với hai ba vị sẵn sàng cầm bút thu tiền cúng dường, viết biên lai. Mọi dịch vụ và tiếp cận khác thì ít khi vắng bóng phong bì cúng dường cho tu sĩ. Hình ảnh các phụ nữ ăn mặc hở hang uốn lượn ngay trong sân chùa, chánh điện, nhà tăng… càng ngày càng lộ liễu và rầm rộ. Các hình thức bái kiến, xưng tụng danh vị, lời lẽ càng ngày càng sáo mòn cường điệu và đầy phù phiếm. Việc ma chay, đám tiệc kiếm tiền ngay trong nhà bếp và khuôn viên chùa phát triển đầy phàm tính. Trong một khung cảnh mà sự thanh tịnh của phạm hạnh cần thiết chốn thiền môn càng ngày càng trở nên bất tịnh và suy đồi đến như thế thì con người bằng xương bằng thịt không bị chi phối trở thành bất tịnh, phạm giới, phá giới… mới là điều nghịch lý đáng ngạc nhiên. Tăng chưa thành Phật, chưa hóa Bồ Tát, Thanh Văn… thì vẫn còn một nửa phàm tăng; nghĩa là khả năng đọa lạc như người trần tục cũng vẫn còn một nửa nên đòi hỏi phải chiến đấu với nguy cơ phạm giới, phá giới về cả hai mặt tâm lý và thể lý không ngừng.
Chư tôn đức, tăng ni cũng như hàng cư sĩ, Phật tử đại đa số là người Việt trong cũng như ngoài nước; nhất là tại địa phương và vùng phụ cận đã hết sức quan tâm về những “sự cố” đã đột ngột xảy ra tại chùa Kim Quang làm chao đảo hướng nhìn và nếp nghĩ thường nhật của mọi người. Bởi tốc độ siêu nhanh và thường trực 24/7 của vô số phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống các trang mạng xã hội ngày nay nên sự chuyển tải và phát tán những thông tin vượt lên sự tưởng tượng của mọi người. Thông thường, như cơ quan nghiên cứu MIT báo cáo gần đây thì các tin giả (fake news), những điều không thật (falsehoods) được truyền đi xa và nhanh gấp từ 10 đến 20 lần tin thật, điều thật. Bởi vậy, hình thức thông tin có bằng chứng và dữ kiện kiểm chứng được đóng một vai trò then chốt về mức độ khả tín trong mạng lưới thông tin thời hiện đại.
Diễn tiến tin buồn
Về những thông tin liên quan đến chùa Kim Quang và nhân sự liên hệ thông qua video đã truyền đi và phát tán quá nhanh gần như khắp nơi trong nước và các cộng đồng người Việt khắp thế giới về hình ảnh bất tịnh xảy ra tại Chùa. Tâm lý thông thường của đại chúng là nhất tâm cung kính công hạnh của quý tăng ni đang tu hành thanh tịnh tại chùa nên dẫu được mục kích chứng lý rõ ràng, đại chúng vẫn chờ đợi cho đến khi có văn bản hay tiếng nói chính thức có thẩm quyền mới dám khẳng định có hay không.
Sau khi tiếp nhận được THƯ TƯỜNG TRÌNH là bản văn chính thức đề ngày 20-5-2023 của Ban Điều Hành chùa Kim Quang do thư ký Tâm Thường Định ấn ký. Trong đó xác định 4 điều:
1- Tại điện Phật chùa Kim Quang với sự hiện diện của bốn vị tăng là: Hoà thượng Thích Tịnh Từ, Hòa thượng Thích Minh Đạt, Hòa thượng Thích Đồng Trí, Hoà thượng Thích Từ Lực và chư tôn đức Tăng trong Cộng đồng Phật giáo Bắc California (không nêu danh tánh), “Thượng tọa Thích Thiện Duyên “đã sám hối trước Tam Bảo. Thầy bày tỏ: ‘Trong lúc nhất thời thất niệm tạo thân nghiệp gây bất ổn cho đệ tử bốn chúng chùa Kim Quang cùng đại chúng và cầu xin sám hối.”
2- “Đại tăng tại Cộng Đồng Phật Giáo Bắc California hoan hỷ chấp nhận sự sám hối của Thầy”.
3- “Thầy xin phép rời khỏi chùa Kim Quang để tịnh dưỡng cho thân tâm an tịnh.”
4- “Nhân đây, Thượng tọa Thích Thiện Duyên đã trình cho Đại Tăng rằng, trong lúc nầy Thầy trao lại quyền điều hành Chùa Kim Quang đến Thượng tọa Thích Thiện Nhơn cùng Ban Điều Hành để chu toàn Phật sự của ngôi Tam Bảo Kim Quang.” (Những hàng chữ nghiêng là trích nguyên bản, nguyên văn trong Thư Tường Trình).
Tiếp theo Thư Tường Trình, ngày hôm sau – 21-5-2023 – Ban Điều Hành chùa Kim Quang với hai nhân vật chính thức là chị Ngô Thị Thu và anh Bạch Xuân Khỏe điều động một phiên họp gồm những thành viên sinh hoạt thường xuyên với chùa Kim Quang tham dự (chừng 30 người). Trong buổi họp nầy, Ban Điều Hợp chương trình (cũng là Ban Điều Hành) yêu cầu nghiêm chỉnh thực hiện nội dung gồm có 3 điểm chính:
- Thông báo và thực hiện theo đúng tinh thần Thư Tường Trình bằng cách Tuyên bố suy cử Thượng toạ Thích Thiện Nhơn lên làm Trụ Trì chùa Kim Quang thay thế thầy Thích Thiện Duyên.
- Yêu cầu cử tọa hiện diện trong cuộc họp không được đề cập, thảo luận gì về “Chuyện đã qua” mà chỉ bàn chuyện Phật sự trước mắt và sẽ tới mà thôi. Ai vi phạm nguyên tắc đề ra thì Ban Điều Hợp cuộc họp có thẩm quyền cắt ngang lời phát biểu.
- Bàn bạc và phân công về việc tổ chức lễ Phật Đản cho tuần sau.
Phản ứng quần chúng
Sau khi Thư Tường Trình của chùa Kim Quang được công bố, vấn đề không còn là công việc nội bộ của của một đơn vị chùa viện địa phương hay tư nhân mà trở thành một sự kiện quần chúng nên mọi người đều có quyền nhận định, góp ý theo quan điểm của cá nhân hay nhóm phái của mình. Trừ một số thư rơi và lời phát biểu cực đoan thiếu tinh thần hỷ xả và xây dụng, hầu hết ý kiến quần chúng quan tâm đều muốn biến “sự cố thành cố sự”; nghĩa là mong muốn chùa Kim Quang khép lại chuyện cũ để bảo lưu tín tâm, năng lượng và thời gian cho một trang sinh hoạt mới trong tiến trình sinh hoạt và tu học bình thường trở lại ngay sau khi những biện pháp ổn định cấp thời hoàn tất.
Sự việc xảy ra và cách giải quyết (thụ lý) nội vụ của chư Tăng đồng trú xứ cùng ban Điều Hành chùa Kim Quang trong nhất thời đã làm dấy lên những ý kiến của quần chúng tại địa phương cũng như của tứ chúng Phật Tử trong nước và hải ngoại. Người viết những dòng nầy chỉ xin được làm công việc của một người “quét lá sân chùa – thuật nhi bất tác” nhằm tóm lược ý kiến từ nhiều nguồn mà không đưa ra quan điểm ủng hộ hay phê phán cá nhân.
Phần trình bày ý kiến quần chúng sau đây là tổng hợp nhiều ý kiến của nhiều nguồn thông tin đồng chiều và trái chiều nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc nhất quán vẫn là lấy ý kiến đa số phát biểu có trách nhiệm và mang tinh thần góp ý xây dựng làm ý chính, không nhất thiết phải cùng quan điểm với bất cứ đơn vị hay cá nhân nào cả.
Qua nội dung các thư luân lưu gửi qua email và thông tin nhau trên các trang mạng truyền thông xã hội, theo tầm nhìn khách quan thông thường, không cực đoan hay thiên vị một phía thì tổng hợp nội dung có thể tóm lược như sau:
– Trường hợp phạm giới của thầy nguyên Trú trì chùa Kim Quang thuộc về trọng giới hàng đầu trong 250 giới luật của tăng sĩ Phật giáo, vốn rất nghiêm khắc với tội hành dâm. Ngay với Phật tử đời thường thì tà dâm đứng hàng thứ 3 trong 5 giới cấm căn bản; chỉ sau sát sanh và trộm cướp. Trong Tỳ Kheo Giới Bổn là giới luật căn bản của người Phật tử xuất gia thì Chương 1 nói về pháp Ba La Di rằng: “Tỳ kheo nào, hành động dâm dục, phạm bất tịnh hạnh thì Tỳ kheo ấy là kẻ Ba La Di (波羅夷, S. Pārājikā). Ba La Di ví như người bị chặt đầu, không thể sống trở lại được, không thể tiếp tục thành tỳ kheo mà phải rời khỏi Tăng đoàn. Đây là thuộc về tội Bất Cộng Trụ (pathama pārājika) mà một khi người xuất gia đã vi phạm rồi thì chẳng còn làm tỳ kheo được nữa.”
– Bốn vị Hòa thượng đã lập Hội đồng Tác Pháp Yết Ma (Karma) để giải quyết sự vụ trong nội bộ Tăng Đoàn cùng trú xứ trường hợp phạm trọng giới nhưng lại tác pháp ở mức độ Tăng Tàn (Sanghāvasesa), chỉ “cấm phòng, sửa lỗi” là một thể thức Yết Ma tác pháp trọng giới chưa hề có tiền lệ trong lịch sử hành trì giới luật của các Đại Tăng.
– Trong nhiều thập niên qua, đã có biết bao nhiêu trường hợp tăng ni vi phạm giới luật ở nhiều trường hợp và mức độ và hoàn cảnh khác nhau. Cụ thể như mua bán, đổi chác cơ sở chùa viện tùy tiện, chiếm hữu tài sản không công minh và tình trạng nhân sự tự phong, hoán chuyển cũng như nhiều tệ trạng trong nhiều ngôi chùa ở địa phương nhưng các cộng đồng Phật tử chưa hề được biết có sự tác pháp của các Đại Tăng để nghiêm trì giới luật như trường hợp được ghi rõ trong Thư Tường Trình.
– Phật giáo hải ngoại đang trong tình trạng thiếu tổ chức thành một hệ thống chiều dọc hay chiều ngang. Mỗi đơn vị chùa viện tự hành xử như một “giáo hội” độc lập với cơ sở vật chất, nhân sự điều hành, quần chúng tham gia, ngân khoản toàn diện và vùng đất hoạt động riêng. Thậm chí, kinh sách và thể thức tu trì, lễ nghi cũng “chế tác” theo cách riêng của từng đơn vị chùa. Trong một hoàn cảnh phân hóa như vậy, mầm bệnh còn nguyên thì công hạnh từ bi nghiêm trì giới luật hình thức theo khuynh hướng từng vùng ảnh hưởng của các nhóm Đại Tăng sẽ có ảnh hưởng tác pháp thiện xảo hay ngược lại?
Thứ đến là ý kiến về cách hành xử ứng phó với tình trạng “đại bất tịnh” của Ban Điều Hành chùa Kim Quang tóm tắt như sau:
– Ban Điều Hành chùa Kim Quang chỉ mới tạm khép cổng chùa để lo việc nội bộ và tổ chức cho kịp lễ đón mừng Phật Đản nhưng chưa làm được điều cần phải làm đối với quần chúng Phật tử và tuổi trẻ trong GĐPT thuộc nội bộ trong chùa nói riêng và đại chúng nói chung. Nói cụ thể hơn là sau “sự cố” xảy ra tại chùa làm xôn xao dư luận, tạo ra tâm lý hoang mang và mất niềm tin, Ban Điều Hành chưa có một phương cách cụ thể nào để giải quyết vấn đề nghiêm cẩn.
Trong khi đó, nhu cầu thực tế lại không đơn giản như thế. Đặc biệt đối với tuổi trẻ và phụ huynh của các em trong Gia Đình Phật Tử Kim Quang là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp đang cần những hình thức hướng dẫn, tham vấn tâm lý (Psychotherapy) thích nghi với tuổi tác và hoàn cảnh để hóa giải những cơn “sốc tâm lý” mà những nguyên lý giáo dục GĐPT trong bao năm qua như chánh niệm (mindfulness), thiền định (meditation)… được Thầy và các Anh Chị huynh trưởng trao truyền bị thực tế làm phản tác dụng.
Đại chúng Phật tử chùa Kim Quang và quần chúng bên ngoài trong nhiều trường hợp cần được nắm bắt thực tế rõ ràng và biết được cách hành xử cũng như phương hướng giải quyết vấn đề trước hiện trạng chuyển biến của Hội Phật giáo đang điều hành chùa Kim Quang.
Niêm tâm hóa giải
Đạo Phật đến với đời người bởi nhân duyên cứu khổ mua vui. Ba năm… thế giới chìm sâu trong biển Covid-19. Có những hiện tượng có vẻ nghịch lý về y khoa và xã hội như cả địa cầu có tới 770 triệu người nhiễm Covid 19 nhưng có 7 triệu người chết. Ai trong số 1% ngườì chết vì đại dịch và ai trong số 99% người thoát chết. Có những cặp vợ chồng cùng tuổi, cùng tình trạng thể lực sống chung và cùng bị nhiễm Covid một lần nhưng chỉ một người phối ngẫu ra đi.
Nếu theo quan điểm cực đoan phía hữu cho rằng có một đấng Toàn Năng cứu khổ càn khôn vũ trụ thì thật đáng nghi ngờ bởi Ngài đi đâu mà hàng triệu đứa con của ngài chết bởi loài vi khuẩn ma trơi lấy mạng mà ngài không cứu? Ngược lại, nếu nói kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu” của kiện tướng triết học mà khật khùng như Nietzsche: “Gott ist tot!” (Thượng Đế chết rồi) nên mới có tới 7 triệu người bị lãng quên và bỏ mạng như thế cũng chẳng lý giải được điều gì.
Chỉ có nguồn tư tưởng Phật giáo mới lý giải được vấn nạn này thôi. Đó là lý duyên nghiệp trùng trùng biến hiện từ vô thủy đến vô chung. Và nói như Nguyễn Du: “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…” thì hai người có chung một hiện trạng giống nhau trong giây phút nầy nhưng nghiệp báo từ bao kiếp trước sẽ tác động làm cho kết quả khác nhau trên cùng một thân phận làm người.
Bởi vậy, dưới nhãn quan đạo Phật thì những Gandhi, Kennedy, Caesar… bị ám sát hay những danh nhân, vĩ nhân ngỡ như tình cờ vươn vai đi vào thế giới nầy nhưng theo nhãn tạng nhà Phật thì tất cả mọi hiện tượng thuận thời hay nghịch lý đều là một cuộc phù vân tương tác đón nhận và phủ nhận lên nhau để sinh tồn và biến ảo… có điều kiện là duyên lành ứng hiện và nghiệp báo không ngừng.
Ngay như trường hợp có những tăng ni đi tu từ tuổi hoa niên, sau hơn hai phần đời nương bóng cửa thiền lại một sớm một chiều khởi thân bất tịnh phải đối mặt trong thảm trạng bất minh thất niệm. Chia sẻ để liên tưởng tới đại đệ tử bậc nhất thần thông của đức Phật là Mục Kiền Liên lại bị lũ cướp tầm thường giết thảm bởi món nợ nghiệp chướng bao đời trước chưa trả cần phải thanh thỏa trong kiếp đương thời mới đến được Niết Bàn. Yêu nữ Ma Đăng Già không đánh gục được A Nan nhờ hồng ân đức Phật… Ngoài ra, bao nhiêu trường hợp biển dâu không thể lấy tiêu chuẩn đời thường để cân đo đong đếm mà phải nương tầm nhìn vào lý duyên nghiệp của nhà Phật mới tìm hiểu và phân giải hợp lý được.
Cho nên, mọi tiêu chuẩn phê phán đều là giả lập. Mọi hình thức minh định và cân đo đều vô minh vì nó chỉ bằng vào tướng trạng vốn thay đổi và hợp tan qua từng nháy mắt. Gọi đám mây trôi thành biểu tượng nghìn đời là thất niệm. Xin cám ơn đạo Phật đã giúp không làm ai ngạc nhiên và bị bơ vơ giữa cõi đời đầy sống chết, trong đục, được thua… nầy. Hán Vũ Đế xây ba vạn ngôi chùa và cung dưỡng mười vạn tăng chúng không để lại dấu vết gì cho muôn vạn đời sau; nhưng Đạt Ma Tổ Sư chín năm ngồi đối mặt nhìn tường lặng lẽ lại trở thành chí thánh.
Đạo Phật thường được ví như một biển khơi thái hòa an lạc; tự bản chất như như bất động. Cho nên mọi biến động nhất thời chỉ là hiện tượng gió bão, giông tố đến rồi đi. Những giai đoạn thịnh suy của một ngôi chùa, những cơn bỉ cực thái lai của một tăng sĩ hay người thường cũng chỉ là tác duyên của nghiệp; đến rồi đi không còn dấu vết mà thôi.
Bởi vậy, quan sát hay thoáng nhìn vào một biến cố nhất thời nào đó xảy ra cho đạo Phật, cho những đơn vị chùa viện hay tai họa bất ngờ xảy ra cho một cá nhân nào đó rồi tổng quát hóa về đạo Phật, về một ngôi chùa hay một cá nhân là vội vàng và thất niệm.
Sau 2567 năm, chúng ta đang ở vào một thời kỳ mà mọi sự đều bị chi phối, tác động hay thay đổi bởi cuộc cách mạng truyền thông đại chúng và khoa học kĩ thuật. Đạo Phật cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là một đại dương có quá nhiều sóng gió. Sóng gió từ cách mạng truyền thông, sóng gió từ sự biến đổi kinh tế thị trường và sóng gió đến từ sự phân hóa nội bộ… là những cơn ba đào làm chao đảo niềm tin và có khi nhận chìm biết bao nhiêu chiếc thuyền nan vốn đơn thuần toàn tâm sống đạo.
Biểu tượng của phạm giới và bất tịnh thường được hình dung hóa qua hình tướng Ma Ba Tuần. Thiên Ma Ba Tuần làm chủ cõi Trời Lục Dục – Tha Hóa Tự Tại. Chúng được coi là thành phần chuyên cản phá thiện Pháp, làm cho thiện Pháp không thể tăng trưởng, dẫn dắt chúng sinh đi theo những ác pháp. Ma Ba Tuần thất bại trong nhiều cơn sóng gió thẩm nhập tự thân nhằm xô ngã đức Phật trước giờ thành đạo đã cảnh báo rằng:
Khi còn thịnh pháp
Thân tâm an trụ
Tha lực vững vàng
Tự lực minh quang
Thiên ma thúc thủ
Tạm thời đầu hàng
Nhưng với thời gian
Đến thời mạt pháp
Ba Tuần thâm nhập
Biến Phật thành ma
Tượng lớn chùa to
Tiền tài danh vọng
Dục tình khuấy động
Thiền môn dậy sóng
Chánh pháp suy tàn
Ngày ma chiến thắng”
Hôm nay ngày Rằm tháng Tư, Phật lịch 2567 (544 + 2023 = 2567) ngày sinh của Đức Phật. Bàn chuyện thiền môn bất tịnh và nhắc lại lời thách đố của Ma Ba Tuần từ khi Phật còn tại thế như một quán niệm Đản Sanh để người hiểu và thương đạo Phật cùng nhau hòa hiệp không buông tay cho Ma Ba Tuần có một cơ hội mảy may nào chiến thắng.
Natomas, California ngày Phật Đản 2567 (2023)
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn