Thế giới ngày nay bỗng nhỏ dần khi cuộc cách mạng truyền thông và giao thông vận tải giúp mang những thông điệp cá nhân và xã hội đến với nhau trong nháy mắt thay vì phải đợi cả ngày, có khi hàng tháng, hằng năm như ngày xưa. Thế nhưng thực tế đầy mỉa mai cho “thành quả cách mạng kỹ thuật” chỉ có tăng mà không giảm. Sự hiểu nhầm cũng theo bước tiến của thời đại mà xảy ra nhanh hơn giữa hai đối tượng đáng lẽ tương thông, tương hợp lại thành tương tranh, tương chiến. Phương tiện chuyên chở vật chất và chuyển tải tinh thần hóa giải càng nhanh, càng mạnh thì sự hủy hoại nguồn suối áo hòa cũng diễn ra theo từng chớp mắt tương ứng.
Elon Musk đưa ra kế sách Space X nhằm rút ngắn sự chuyển tải quanh thế giới trong một tương lai rất gần sẽ nhanh hơn cả vài mươi lần so với tàu bay, tàu lặn… hiện nay làm cho giới khoa học phấn khởi, giới triết học nghệ thuật suy tư và giới đạo lý tinh thần dò hỏi. Có chăng tốc độ kỹ thuật Trí Tuệ Nhân Tạo như AI (Artificial Intelligence), cơ học Siêu Lượng Tử… sẽ tạo ra những bậc thánh nhân thời đại mới, sẽ làm mất dấu hình ảnh những Phật, Chúa, Aristote, Platon, Khổng Tử… trong tâm thức loài người thuộc thế hệ mới hay không thì vẫn còn là một viễn cảnh mờ mờ nhân ảnh.
Thời gian và thiên nhiên cũng như tình yêu, mỗi nội dung đều được định nghĩa theo lý lẽ riêng của nó. Những khái niệm đã cũ càng nghìn năm tưởng đã thành phế tích mà người ta tưởng là đã hiểu đến rạch ròi, chi li nhưng chỉ cần trải qua một cơn biến thiên chớp mắt của tâm lý và hoàn cảnh thì người ta lại ngỡ ngàng chẳng hiểu gì như đang đối diện với lần đầu sáng thế.
Thời tuổi nhỏ sống ở làng quê, tâm lý trẻ thơ được tưới tẩm trong ca dao và chuyện kể. Tấm Cám ở đâu đó đầu làng và ông Bụt, nàng Tiên có cánh bay quanh những lũy tre lá ngà, ẩn hiện trong tàng cây đa và miếu cổ đầu thôn, cuối xóm.
Ngày lớn lên chút nữa thì cổ tích và thần thoại nhạt dần và trở nên mơ hồ, lãnh cảm trong bom đạn chiến tranh. Người lớn bắt đầu tìm hầm trú ẩn tinh thần. Trời, Phật hiện lên thành hào lũy vô hình mà thiêng liêng che chở. Tôi bắt đầu biết đến Phật, đến Chúa trong lứa tuổi đồng niên đi học và vào chùa theo Thầy, theo mẹ; vào nhà thờ trước khi vào lớp theo Cha, theo Xơ.
Trong cơn nắng đầu mùa trên sông Bồ, chúng tôi hát trong mùa Phật Đản: “Vườn Lâm Tỳ Ni, đóa Vô Ưu đời Tịnh Vương. Người người sung sướng Thích Ca ngài vừa ra đời…” Trong cơn mưa phùn cuối năm ven sông Bồ, anh em tôi đi về cùng hát: “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê Lem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng…” Thế đó, vườn Lâm Tỳ Ni, hang Bê Lem đã thành giấc mộng của cô bé Lọ Lem chờ Hoàng tử của tuổi thơ chúng tôi. Từ trong tâm thức thời tuổi dại và trong suy tưởng tuổi trưởng thành, biểu tượng thánh thiện nơi Phật đản sinh và Chúa giáng sinh đã tạo những tao nôi đầu tiên ru chúng tôi vào giấc mơ tinh thần, tâm linh, tôn giáo.
Vườn Lâm Tỳ Ni, hang Bê Lem đã nằm vào “ký ức huyền thoại” của chúng tôi tự bao giờ. Đã biết hơn 2000 năm đi qua, dẫu sắt thép núi sông cũng chẳng có gì còn tồn tại nhưng tâm ảnh những nơi có thánh nhân sinh ra vẫn mãi là ngày mới trong lòng. Vẫn biết niềm ước mơ một ngày nào đó trong đời được đặt chân đến vườn Lâm Tỳ Ni, hang Bê Lem xa vời như hoang tưởng, nhưng chúng tôi vẫn không buông ngọn đuốc mang điều ước sẽ có ngày thắp sáng thành hiện thực.
Mùa Phật Đản 2018 (PL 2562) chúng tôi có dịp viếng các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và mùa Xuân năm 2023 lại được viếng các thánh tích Thiên Chúa giáo tại Jerusalem. Có một điều thú vị là Phật và Chúa đều ra đời nơi xứ người, cách biên giới của đất nước mình từ 10 đến 20 km. Và cả hai vị giáo chủ đều phải đối diện với dòng lịch sử không mấy nhiệt tình, ưu ái để đón nhận con đường giải thoát hay cứu thế ngay trên quê hương yêu dấu của mình.
Phật ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) trên đất Nepal, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn ở phía Đông và cách Ấn Độ khoảng 25 km. Từ miền Bihar của Ấn Độ, chúng tôi đi bộ qua biên giới của Ấn Độ – Nepal. Tuy “vượt qua biên giới” hai nước nhưng tôi không có cảm giác là đi từ nước nầy, sang nước khác bởi thiên nhiên, con người và điều kiện xã hội cũng khá tương tự như nhau. Từ những con đường đầy gió bụi dọc đường biên giới giữa hai nước, chúng tôi được hướng dẫn bước vào những lối đi với cây cối được cắt xén khá gọn gàng và tươm tất dẫn tới vườn Lâm Tỳ Ni.
Sau khi đến thăm những nơi được giới thiệu là địa điểm công chúa Du Da Đà La sinh thái tử Tất Đạt Đa dưới cây vô ưu. Tôi đến nơi hồ tắm, vườn hoa, trụ đá vua A Dục, những nơi được mô tả là dấu tích đích thực nơi mà đức Phật tương lai xuống trần. Tôi lẳng lặng nghe thuyết trình và theo dõi nhưng không hiểu sao lòng không dấy lên một nỗi bồi hồi xúc động nào mà từ khi còn nhỏ, mỗi lần nghe hay học lịch sử đức Phật đều dấy lên, nhiều khi với ngấn nước mắt. Phải chăng tâm lý tôn sùng cộng với nguồn tưởng tượng phong phú về một nơi thiêng liêng thần thánh đã tạo ra những suối nguồn cảm xúc không giới hạn bến bờ. Đến khi tiếp cận với thực tại… núi vẫn là núi, sông vẫn là sông thì cảnh cửa mộng tưởng vô bờ bị khép lại.
Chúa ra đời tại hang Bê Lem (Bethlehem) trên đất nước Palestine cách nước Do Thái khoảng 10 km. Chúng tôi từ Ai Cập, băng qua Jordan, qua vùng Tây ngạn sông Jordan là vùng lửa của các cuộc giao tranh đẫm máu của quân Palestine và Do Thái trước khi vào Jerusalem nằm bên bờ Địa Trung Hải. Sáng hôm sau, chúng tôi băng qua biên giới Israel và Palestine để viếng hang Bê Lem, nơi Đức Mẹ Maria đã sinh ra Chúa Jesus trong máng lừa hơn 2000 năm trước.
Nhà thờ Giáng Sinh được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 dưới thời Hoàng đế Constantine, chúng tôi vào bên trong. Hang đá ngày xưa bây giờ đã thành một cung điện nhỏ.
Bên dưới bàn thờ chính là Hang Giáng Sinh, nơi có một ngôi sao bạc 14 cánh được khắc dòng chữ Latin: “Hicde Virgine Maria Jesus Christus Natus Est” (Nơi đây, từ Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra).
Trên bệ thờ và xung quanh rực rỡ và lóng lánh trang hoàng. Cả rừng người tứ xứ khó tìm một chỗ chen chân thoải mái để chụp hình lưu niệm.Tôi không tìm ra dấu tích nào sự ớn lạnh thiêng liêng của “nơi Chúa sinh ra khó khăn thấp hèn” mà tâm hồn tôi hằng ấp ủ trong hơn 70 năm qua. Tôi cúi đầu chắp tay chiêm ngưỡng trong giây lát và theo đoàn hành hương lặng lẽ ra về.
Buổi chiều lộng gió, nhắp ly rượu đỏ ngày mai chia tay Jerusalem bên bờ Địa Trung Hải, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của một thi sĩ nào đó đã quên tên:
Khi chẳng an trú được trong lòng mình
Thì đi đâu cũng chỉ là ly khách…
(When you cannot find peace within your soul,
Wherever you go, you’re but a passing guest)
Một đời ấp ủ, cuối cùng tôi vẫn tìm được về nơi thiêng liêng mà trong lòng tôi mơ ước. Nhưng ước vọng là vũ trụ, mơ ước là trời biển mà thực tại thường bị quên bởi quá khứ và tương lai nên không còn là thực tại. Nếu không uống ly trà Ấn trước bình minh trên sông Hằng, không nhắm ly rượu Bordeaux bên bờ Địa Trung Hải chiều nào có lẽ tôi cũng chỉ còn nhớ vườn Lâm Tỳ Ni, hang đá Bê Lem như ảnh tượng thần thánh mà với tuổi già lẩm cẩm vái rồi quên trên những chặng đường đời muôn vạn nẻo!
Chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, mong mọi người đều được an trú trong chính mình là nơi ấm nhất giữa những ngày lạnh nhất.
California mùa Noel 2024
Trần Kiêm Đoàn