PHẬT XUỐNG ĐƯỜNG – MỘT CÔNG ÁN BÁT NHÃ

Những dư chấn do lịch sử để lại trên mỗi đất nước đều có nguyên nhân và hậu quả không giống nhau. Lịch sử Việt Nam bị bóng đè trầm trọng nhất là từ Tàu đô hộ, Tây xâm lăng và những trào lưu ngoại nhập.

Đạo Phật Việt Nam cũng khởi phát từ trào lưu văn hóa tôn giáo ngoại nhập nhưng hành trình hai mươi thế kỷ đã tinh lọc được những gì hợp với những đặc tính dân tộc Việt thì còn và những gì mang bản chất ngoại lai không dung hóa được với dòng sinh mệnh của dân Việt thì sẽ bị âm thầm hay tự biến tướng đào thải. Quá trình đào thải đó có khi diễn ra tức khắc, có khi kéo dài theo thời gian tùy vào thực trạng kinh tế, xã hội, văn hóa hội tụ mà hình thành nếp sống tâm linh, tôn giáo.

Nguyên nhân xa, nguyên nhân gần cũng như tác động trực tiếp và tác động gián tiếp đã khởi động cuộc tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo năm 1963 và 1966 đã được môi trường truyền thông đại chúng tường thuật, ghi nhận và bình luận quá nhiều trong hơn 60 năm qua. Tuy nhiên, hình thức tranh đấu cuối cùng là sự kiện đem bàn thờ Phật ra đường .

Trong suốt hơn 60 năm qua, thường có 3 khuynh hướng nhìn về cuộc Đấu Tranh Phật Giáo:

1. Khuynh hướng của người trong cuộc và nhập cuộc: Cuộc Đấu Tranh Đòi Bình Đẳng Tôn Giáo của Phật Giáo Việt Nam khởi xướng năm 1963 là cuộc đấu tranh để giải trừ Pháp Nạn.

2. Khuynh hướng từ phía chống đối thì cho rằng, đây là một cuộc dấy loạn chính trị có bàn tay của các tổ chức ủng hộ Cộng Sản Việt Nam giật dây đằng sau.

3. Khuynh hướng trung dung từ phía quần chúng không tôn giáo, cũng như người “có đạo” chuộng công lý thì cho rằng, Phật tử đã hành động để phản ứng trong một hoàn cảnh cần phải có sự phản ứng nhưng cần phải tôn trọng sự công bằng và ổn định xã hội trong một đất nước thời chiến.

Xin nhường lại cho sự phán xét công bằng của lịch sử trăm năm sau, một khung thời gian lắng đọng và chín muồi cho phương pháp sử học tiêu chuẩn. Mọi sự phê phán trên bề mặt nổi, nửa khối băng chìm hay phát xuất từ cảm tính nhất thời thì chỉ nên được đánh giá như ý kiến chủ quan cá nhân (personal opinion) chứ chẳng phải là dữ kiện lịch sử (historical facts).

Một trong những hình ảnh nổi bật nhưng vẫn còn nhiều góc khuất trong Phong Trào Phật Giáo kéo dài từ 1963 đến 1966 là sự kiện “Bàn Thờ Phật Xuống Đường”.

Hình minh hoạ – Nguồn: Online

Thuở đôi mươi hòa mình trong “sự cố”, nay tuổi già tám chục tôi chiêm nghiệm “cố sự”; không vui, chẳng buồn nhưng vẫn có một niềm an nhiên tự tại như Byron thời Phục Hưng đã nhắn lại:

Văn tâm phúc nhắc chuyện đời như thật
Thời gian lặng cười – không phán xét vu vơ

(The truest verse recalls a life once real,
Time smiles in silence – no need to judge or feel.)

Bàn Thờ Phật Xuống Đường

Cận cảnh xã hội và thời thế: Đầu tháng 5 năm 1966, ông Nguyễn Cao Kỳ, thủ tướng VNCH đương thời tuyên bố sẽ hoãn bầu cử Quốc hội và Lực lượng Quân đội sẽ tiếp tục cầm quyền. Các cuộc biểu tình phản đối dưới nhiều hình thức đã rộ lên khắp miền Trung. Ngày 14 tháng 5 năm 1966, nhà cầm quyền đưa 40 chiến xa và thiết vận xa ra Đà Nẵng. Ngày 15 tháng 5, năm Tiểu đoàn Nhảy dù chiếm Đài phát thanh Đà Nẵng gây nên cảnh 147 người chết và khoảng 700 người bị thương. Trung tướng Tôn Thất Đính, một nhân vật thân Phật giáo chạy ra Huế. Sự xung đột giữa hai phe đàn áp và ủng hộ Phật giáo leo thang. Phía chính quyền quân đội mở cuộc trấn áp phong trào Phật giáo do Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc An ninh Quân đội kiêm tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, chỉ huy quân Nhảy dù, Thủy quân Lục Chiến và Cảnh sát Dã chiến ra Huế dẹp phong trào Phật giáo xuống đường.

Ngày 6 tháng 6 năm 1966, liên Gia đình Phật tử của bảy Làng thuộc xã Hương cần chúng tôi được Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên Huế thông qua đơn vị Ban Hướng Dẫn quận Hương Trà do anh Nguyễn Văn Lũy phụ trách họp bàn để thi hành chỉ thị khẩn cấp rằng: Đưa bàn thờ Phật ra cây số 9 trên Quốc Lộ 1, ra tới Phú Ốc là con đường duy nhất của Việt Nam chạy dài từ Nam ra Bắc. Tuổi trẻ nhiệt tình với tấm lòng sẵn sàng hy sinh cho Đạo Pháp giữa những giờ phút Pháp nạn, chúng tôi nhanh chóng tập hợp đoàn sinh và thực hiện ngay việc đưa “bàn thờ Phật xuống đường”! Những bàn thờ gọn nhẹ nhưng trang nghiêm của các đơn vị Khuôn Hội và GĐPT được dựng hai bên mé đường của Quốc Lộ 1.

Mỗi lần có xe ô tô lớn, chay nhanh vụt qua là những bàn thờ hai mé đường rung rinh; có khi lư hương đổ tung toé. Một vài đơn vị GĐPT có “sáng kiến” là chặt tre và chuối quăng ra giữa đường để làm giảm tốc độ của xe chạy trên đường… Một vài thanh niên nóng tính ném đá vào xe. Đây đó, đã nghe phản hồi nhiều vụ xung đột nhẹ giữa các tài xế và những người có trách nhiệm theo dõi, bảo vệ bàn thờ đã được đặt vào các vị trí trên đường.

Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đạp xe đạp chở nhau chạy từ Phú Ốc vào Huế để theo dõi tình hình “bàn thờ Phật xuống đường”.

Hai bên đường Quốc Lộ 1, mới chừng nửa ngày mà bàn thờ được đặt theo đơn vị Khuôn Hội và GĐPT với sự có mặt chăm sóc cũng như theo dõi của các Bác và Anh Chị Em với dáng vẻ căng thẳng và khích động xuất hiện rõ ràng trên khuôn mặt vì tất cả đều làm theo lệnh “Ôn Trí Quang” và Ban Hướng Dẫn để thực hiện một việc chưa từng có bởi chưa ai lý giải được hiện tượng đem bàn thờ Phật ra đường với tác dụng tranh đấu trong quá trình hành động bảo vệ Đạo Pháp nhằm mục đích gì. Khi vào tới Phú Thạnh là ngã ba đường từ Bắc vô Nam ngang Thành Phố Huế và lên Trường Sơn qua tuyến đường trước chùa Thiên Mụ, chúng tôi dừng lại tới thăm hỏi các Bác và Anh Chị Em trẻ thuộc khuôn hội Phú Thạnh. Được gặp bác khuôn trưởng Khuôn hội Phú Thạnh Lê Duy Dung (Sau nầy mới biết Pháp danh Bác là Nguyên Diệu, sinh năm 1924, dạy mẫu giáo và kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường tư thục Thiện Niệm, mở trong khuôn viên chùa Phú Thạnh.) Bác Dung cho biết rằng, khoảng 8, 9 giờ sáng ngày hôm nay, có hai chiếc xe Jeep quân đội chở mấy binh lính đeo lon sĩ quan chạy từ Hướng Quảng Trị vào, ghé lại chùa khuôn hội Phú Thạnh và hỏi đường đi lên chùa Từ Đàm.

Sau khi được chỉ đường, các sĩ quan ấy hấp tấp yêu cầu khuôn hội nói với các gia đình hai bên đường gấp gấp đem bàn thờ Phật ra đường. Khi bác Dung hỏi mục đích đem bàn thờ ra đường để làm gì thì các sĩ quan đó nói to, lập đi, lập lại là “Lệnh Thầy Trí Quang. Làm gấp theo lệnh Thầy Trí Quang đem bàn thờ Phật ra đường tức khắc, nhanh lên!” Và họ lái xe chạy thẳng lên chùa Từ Đàm. Chừng một giờ sau thì có xe với loa phóng thanh chạy quanh nhiều ngả đường Thành phố Huế phát lệnh “Thầy Trí Quang yêu cầu Phật tử đem bàn thờ Phật ra đường…” (!)

Chỉ một hai ngày sau đó, tình hình bắt đầu biến động với sự xuất hiện của binh lính từ Nam ra với xe quân sự, xe tăng hùng dũng di chuyển đến khắp các ngả đường với tư thế trực diện chiến đấu. Trên đường Quốc Lộ 1 từ Cây số 9 là nơi chúng tôi đã dựng và bảo vệ bàn thờ Phật vào đến Huế và ra phía Cây số 17 xe cộ thường dân bắt đầu vắng bóng, trên đường chỉ có xe quân sự. Tin tức từ Huế chuyển ra cho biết rằng: “lính ‘Trâu điên’ đang đập phá bàn thờ, đàn áp quần chúng!”.

Nghe tin đồn miệng rằng, một vài nơi đã có xung đột đổ máu và thương vong. Đoạn đường chúng tôi giữ chốt dài khoảng vài ba cây số từ Quán Rớ ra Văn Xá, Phú Ốc trên Quốc Lộ 1 tương đối còn hơi yên ắng. Nhưng không lâu sau đó có xe chạy phát loa thông tin yêu cầu đồng bào tự động tự giác mang bàn thờ về nhà, về làng ngay lập tức. Nếu chậm trễ thì tất cả các bàn thờ sẽ bị phá hủy tại chỗ hay mang đi nơi khác. Ai bất tuân mệnh lệnh sẽ bị bắt giam và xử phạt…

Sau đó không lâu, những người lính quân phục rằn ri trang bị súng đạn tác chiến, nhảy từ xe đậu giữa đường tiến đến các bàn thờ yêu cầu dẹp và mang về nhà, hết thảy đều nói giọng miền Nam. Có vài nơi cãi cọ xung đột nhưng phần đông bà con và anh chị em không chống cự nên trong các đơn vị của chúng tôi chưa có vụ xung đột nghiêm trọng nào xảy ra.

Sự hiện diện của bàn thờ Phật như tấm lá chắn vô hình nhưng có sức hút diệu kỳ làm tan loãng sự hung hãn của những người lính đi dẹp bàn thờ và đồng thời cũng khiến những người bảo vệ bàn thờ như chúng tôi không dấy lên tâm lý phản kháng hằn học đáp trả hay lún sâu vào tình trạng đối kháng quyết liệt đến mức bạo động.

Nhiều năm sau đó, hoài niệm “bàn thờ xuống đường” vẫn là một ám ảnh tâm lý khi nghĩ về một hiện tượng lạ lùng và đáng suy gẫm của những ngày tháng cũ. Nhiều lần tôi vẫn băn khoăn tự hỏi nguyên nhân khởi phát và tác dụng tâm lý, xã hội, chính trị của chiến dịch đem bàn thờ xuống đường nguyên ủy như thế nào. Hình như chưa ai dám hỏi thẳng vấn đề với Hòa Thượng Thích Trí Quang để tìm hiểu ngọn nguồn của sự việc.

Gần nửa thế kỷ sau: Trong Trí Quang Tự Truyện xuất bản năm 2011, Thầy Trí Quang khẳng định rằng, Thầy không ra lệnh đem bàn thờ Phật ra đường vào năm 1966 như các nguồn tin mang tính đồn đoán và suy diễn đã phát tác và lưu hành sai sự thật trong gần 50 năm qua.

Bàn thờ Phật: Lá chắn cứu nạn

Bàn thờ Phật xuống đường để ngăn chặn một cuộc đối đầu không khoan nhượng, vô hiệu hóa hận thù tàn sát đẫm máu và che chắn người anh em nhân danh bất cứ nghĩa vụ nào sắp lao vào trận tuyến giết nhau. Đem biểu tượng tinh thần tâm linh cao quý, thiêng liêng nhất để hóa giải hận thù hình tướng do vô minh sai khiến là vũ khí thiện xảo nhất của Từ Bi và Trí Tuệ.

Gần 40 năm sau: Nhân được mời tham dự Đại hội Cư Sĩ Hải Ngoại, tôi thật xúc động nhận ra Ảnh Hiện Từ Bi của một chứng tích lịch sử ngỡ như hoang đường là việc đem bàn thờ Phật ra đường năm 1966 nhằm để hóa giải tương tranh và thù hận. Trong hai đêm nằm ngủ chung trong căn phòng nhỏ của chùa Từ Đàm Hải Ngoại ở Dallas, tiểu bang Texas cùng với cựu Trung tướng Tôn Thất Đính và cựu Bộ trưởng Xã hội, GS Trần Quang Thuận tôi mới hiểu được rằng mục đích đem bàn thờ Phật ra đường là để ngăn (đúng hơn là hóa giải) hai thế lực lượng quân đội được trang bị vũ khí đầy mình từ Nam ra để dẹp phong trào Đấu tranh Phật giáo để dẹp tan phía đối đầu là quân nhân Phật tử và đại chúng Phật tử đang sẵn sàng làm “thánh tử đạo” muôn trùng hay trong chớp mắt. Thảm trạng lực lượng binh chủng thiện chiến của chính quyền từ phía Nam đối đầu với lực lượng quân nhân cùng đại chúng Phật Tử miền Trung đang từ hai phía tiến tới một cuộc “xáp lá cà” đang trong tình trạng vô kế khả thi, khó bề tránh khỏi thật là một biến cố kinh hoàng.

Trước đó ở Đà Nẵng, ngày 15-5-1966, chỉ trong một đợt xung đột tầm nhỏ, khi tiểu đoàn Nhảy dù từ Nam ra, chiếm Đài phát thanh Đà Nẵng mà cũng đã gây nên cảnh gần 150 người chết và khoảng 700 người bị thương. Nếu cuộc xung đột xảy ra trên một diện rộng từ Quảng Trị trở vào, theo ước định thì giải pháp cứu vãn chớp nhoáng “bàn thờ Phật xuống đường” trước tình hình tuyệt vọng, đã tránh được một cuộc tàn sát lẫn nhau mà nếu thật sự xảy ra thì ít nhất cũng có 4, 5 nghìn người thiệt mạng.

Theo binh thư Tôn Tử, trong 36 kế sách chiến tranh thì những kế sách liên quan đến yếu tố tâm lý tạo ra sự hóa giải bàng bạc khắp nơi và kế sách cuối cùng là “dĩ đào vi thượng” mà theo tinh thần Phật giáo thì đó là một sự buông xả. Từ bi là căn bản nhưng thiếu sự nhạy bén khôn ngoan và chủ quan để buông xả đúng lúc, kịp thời thì có thể Thoát nhưng tận cùng tâm lực chắc gì được Giải: Bàn thờ Phật ra đường đã giải thoát nạn binh đao.

Phật xuống đường – Một công án Bát Nhã


Tâm ảnh minh họa – Tranh: Họa sĩ Đặng Mậu Tựu

Công án Bát Nhã là những câu chuyện, lời thoại, hay tình huống thoạt thấy, thoạt nghe tưởng chừng như nghịch lý nhằm khơi mở trí tuệ rốt ráo, để cho trí tuệ thấy rõ “Tánh Không” của vạn pháp, vượt ngoài lý luận nhị nguyên, không qua suy luận mà bằng trải nghiệm tâm linh trực tiếp. Đem bàn thờ Phật xuống đường nhằm hóa giải một tình huống ngàn cân treo sợi tóc “giết hay bị giết” thì chỉ có trí tuệ Bát Nhã mới khai mở được.

Sáu mươi năm nhìn lại, tưởng chừng như mới hôm qua. Đơn vị thời gian ngắn nhất trong Phật lý là Sát na và dài nhất là A tăng Kỳ kiếp nhưng ý nghĩa lớn lao nhất của thời gian là nháy mắt hiện tại và nghĩa sống cao nhất là an tịnh vô cầu trong chánh niệm hiện tiền. Ứng xử theo chánh niệm hiện tiền là an nhiên đi vào Bát Nhã.

Đem bàn thờ Phật xuống đường là một giải pháp đầy Chánh Niệm để cứu đời. Đem tịnh thắng động, ứng dụng tuyệt kỹ “vô vô minh diệc, vô vô minh tận” – không hề có vô minh mà cũng không có hết vô minh trong Bát Nhã Tâm Kinh. Nếu đem soi rọi vào phong trào Phật giáo tranh đấu tại Huế năm 1966, đặc biệt qua biểu tượng bàn thờ Phật xuống đường, thì có thể hiểu theo tinh thần ứng dụng Trung đạo và trí tuệ Bát Nhã vào hành động xã hội như sau:

1. Trí tuệ Bát Nhã:

Thấy rõ chân tướng các pháp, không cố chấp. “Vô vô minh diệc, vô vô minh minh tận” không phải là phủ nhận khổ đau, bất công hay áp bức đang hiện diện, mà là phá tan chấp thủ vào các khái niệm như vô minh, sinh tử, đấu tranh – như thể chúng là những thực thể cố định. Từ đó, người tu hành Bát Nhã hành động không vì hận thù, không vì thủ đắc hay tranh giành, mà vì tuệ giác về sự thật và lòng từ bi vô úy.

2. Bàn thờ xuống đường – biểu hiện của “Bát Nhã hành”.

Sự kiện Phật tử Huế đưa bàn thờ Phật xuống đường năm 1966 không chỉ là một biểu tượng xã hội, nhân sinh mà còn là hành động từ bi bất bạo động, dùng tâm linh để chặn lại bạo lực của một thế mạnh quân sự đang đe dọa đàn áp và một thế lực đối kháng sẵn sàng “tử đạo”. Sự tỉnh thức giữa mê đồ là thay vì lấy hận thù để đối trị bất công và áp bức, người Phật tử lấy chánh tín và lòng từ bi làm vũ khí.

Dưới ánh sáng của Bát Nhã, bàn thờ Phật không còn ở trên cao xa tách biệt, mà ở giữa phố phường, nơi con người đang khổ đau vì hận thù, đấu tranh và ở ngay chính trong lòng người – đó là ứng thân của Phật tánh, là biểu hiện của “Không” giữa trần thế.

3. Từ Bát Nhã đến Hành Động – Không buông bỏ mà cũng không chấp thủ.

Trong ánh sáng của “vô vô minh diệc, vô vô minh tận”, người tu học và hành giả Phật giáo không vướng mắc vào đấu tranh như một mục đích để chiến thắng mà hành động với tâm không, với hạnh nguyện hóa độ và giữ gìn sự sống của muôn người.

Việc dùng hình ảnh thiêng liêng để bảo vệ sinh mạng, đặt bàn thờ Phật thay cho rào chắn, là một hành động Bát Nhã thâm sâu, vượt lên nhị nguyên của “chính trị – tôn giáo”, “bạo lực – bất bạo động”, “thắng – bại”.

Tóm lại:

Tinh thần Bát Nhã không dạy chúng ta thụ động trước vô minh hay áp bức, mà mở ra con đường hành động tỉnh thức – nơi mọi đấu tranh đều phát xuất từ lòng từ bi và trí tuệ thấy rõ tánh Không của mọi pháp.

Bàn thờ Phật xuống đường năm 1966 là hành động Bát Nhã trong hiện thực, là cách người Phật tử thể hiện tinh thần không sợ hãi, không hận thù, không cố chấp, mà vẫn hành động dấn thân để bảo vệ đạo pháp và sự sống.

Kính chúc một mùa Phật Đản thường hằng an vui trong chánh niệm.

Sacramento, Cali; mùa Phật Đản 9-5-2025

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan