Xem tập truyện Hạt U Minh, người đọc hình dung nhân gian đâu đó mang tràng hạt u minh – u u, minh minh; mù mù mịt mịt, sáng lòa sáng tỏa – như một chuỗi duyên duyên nghiệp nghiệp tương tác trùng trùng trong dòng đời nghiệt ngã và cô đơn nhưng cũng lắm nẻo đi về thanh thỏa và giải thoát tùy bước đi và hướng tới mà người thiện tâm, quý chữ thường gọi là… tu.
Tác giả là Trần Kiêm Trinh Tiên, một khuê nữ xứ Huế thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam. Biểu tượng khuê nữ trong văn chương nhà Huế hơi khác với khái niệm đời thường. Đó là chỉ dấu hình ảnh “dễ thương dễ sợ” trong văn phong đượm chất thơ, trong suy tư không vướng mùi tục lụy và khổ đau hay hạnh phúc đều chỉ là phương tiện của hoàn cảnh cùng số phận trước mắt trong nẻo về miên viễn.
Tập truyện Hạt U Minh của Trần Kiêm Trinh Tiên, gồm tám truyện ngắn với các nhan đề đầy chất thơ và gợi cảm, như: Hạt U Minh, Nguyệt Cầm, Chim Vạc Con ở Badghis, Dáng Xưa, Đoản Khúc Melaleuca, Chiều Rơi Trên Cây Ginkgo, Bản Giao Hưởng Câm và Trong Khu Vườn Chim Hót, là một tác phẩm văn học vừa nhẹ nhàng như một khúc thiền ca, vừa âm ỉ đầy ám ảnh theo như cảm nhận của nhà văn Trần Thùy Mai: “Nhẹ nhàng mà day dứt khôn cùng.”
Ngay từ nhan đề Hạt U Minh được chọn cho cả tập sách, tác phẩm đã gợi lên hình ảnh một “hạt giống tâm linh” được gieo vào vùng thâm sâu của tâm thức và vô thức – nơi u minh, tối sáng, sinh diệt, khởi điểm và kết thúc – của chuỗi duyên sinh từ không trước đến không sau. Mỗi truyện ngắn như một mảnh gương tâm linh soi rọi kiếp người trong bóng râm của thời gian và lịch sử; vừa rất riêng tư, vừa mang tính biểu tượng đại chúng. Hạt u minh trong tương quan giải thoát và hệ lụy nhân sinh vượt trên tầm tôn giáo và giới hạn tư tưởng. Như tin mừng trong kinh Thánh “ngày mai để cho ngày mai lo” (Matthew 6) hay chánh niệm (mindfulness) của hành giả an nhiên tự tại trong dòng u minh tồn tục lưu truyền tự trong thể tánh không sinh, không diệt của nó.
Tác phẩm Hạt U Minh là một cánh diều căng gió với không gian riêng của nó; một không gian điên đảo mà bình lặng đầy ắp biến cố giữa thuở chiến tranh, ngày hòa bình, buổi giao thời, bước thoát ly, thái độ khước từ, nhập cuộc, khổ hạnh, đóng đinh và hệ lụy lâu dài hay tức thời của nó ở bất cứ vùng trời nào khi mà con người vừa là một sản phẩm mà cũng vừa là động cơ tái tạo của hoàn cảnh.
Thế giới trong tác phẩm Hạt U Minh là những mảnh đời hiện thực và chuỗi biến hiện – thánh thiện, bác ái, từ bi, nhỏ nhen, độc ác, âm mưu vừa phản kháng vừa hội nhập – mang đậm tính người vừa gian manh bất ổn như tên chúa đảng hải tặc; vừa thiện lành như vị thiền sư có mặt nhan nhản từ Huế tới muôn phương. Tác giả đã hồi tưởng hay xây dựng nhân vật của tác phẩm với tầm nhìn từ những góc khuất tâm lý, trải nghiệm và hoàn cảnh xuất thân thấm đẫm nếp văn hóa nhạc và hoa nhiều hơn là hận thù và vũ khí.
Triết lý Phật giáo bàng bạc như những dấu ấn vô hình thâm xuyên các truyện không theo lối thuyết giảng, mà thẩm thấu qua từng chi tiết đời thường: là tiếng chuông u minh chùa Thiên Mụ vọng về lẫn trong tiếng rền xa của đại bác từ Trường Sơn; ánh mắt của người thiếu phụ nhìn quanh cảnh đời sinh diệt như thể nhìn vào tâm mình (Nguyệt Cầm), là cánh chim cô đơn bị bỏ rơi vì nhân tính buông tay cho thú tính dẫn đường (Chim Vạc Con ở Badghis), hay là khúc mặc niệm không lời vang lên giữa khu vườn tâm thức im ắng (Bản Giao Hưởng Câm).
Cái Sắc và cái Không giữa dòng sống trống không mà thăm thẳm qua tâm “Niệm Tâm Kinh Bát Nhã mà lòng tôi như cơn gió thổi qua thảo nguyên, trống không, thăm thẳm” và vô sắc giới nhân sinh “Cho đến một hôm, tờ ly thư đến với tôi như chén đắng. Cuối cùng tôi đã uống chén ấy với nỗi buồn của Chúa Giêsu ở vườn cây dầu.”
Những nhân vật trong truyện, phần lớn đều là những “người đi qua cõi tạm” lặng lẽ gánh những hệ lụy và day dứt nhân sinh – nhưng không tuyệt vọng, mà trong họ luôn có một phần tỉnh thức, một tâm lý chịu đựng “hòa nhi bất đồng” âm thầm đầy suy tưởng trước quyết định dấn thân hay cũng đành buông tay – giữa dòng đời và thân phận, chịu đựng và ước mơ.
Dù bối cảnh của tác phẩm trải rộng từ Huế đến toàn cảnh quê hương Việt Nam và thế giới, chất Huế vẫn hiện diện không chỉ trong giọng văn dịu dàng, tinh tế mà còn trong những lối mô tả phong cảnh, phong thái sống và chiều sâu nội tâm nhân vật. Người đọc bắt gặp một không gian trầm lặng như chiều tà trên sông Hương – nơi ký ức và hiện tại giao nhau, nơi vẻ đẹp trở thành điều thiêng liêng để gìn giữ, không phải bằng tay mà bằng tâm.
Nét độc đáo của tập truyện là sự hòa quyện nhuần nhị giữa hư và thực, giữa hiện sinh và siêu hình. Người đọc cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới nửa mơ, nửa tỉnh; nơi mỗi câu chuyện là một pháp thoại lặng lẽ [DT1] – kiến tánh – không nói cho ai và cũng chẳng ai nói cho mình. . Mỗi nhân vật là một “hạt giống tâm linh” đang trên hành trình tự giải thoát khỏi những ràng buộc của vô minh, như chiếc lá cuối cùng còn rung nhẹ trong gió, trước khi lìa cành trong sự chấp nhận thanh thản.
Không vọng động, không kịch tính, nhưng mỗi truyện trong Hạt U Minh đều để lại một dư vang – một “đoản khúc day dứt” như tiếng chuông ngân dài trong tĩnh lặng, khiến người đọc không thể không suy ngẫm về chính mình, về cuộc đời, và về những điều tưởng như nhỏ bé nhất nhưng lại mang ý nghĩa lớn nhất trong hành trình tỉnh thức. Hạt U Minh không chỉ là tập truyện mà còn là một nghi lễ đọc, một không gian thiền hành bằng ngôn ngữ, một khu vườn để ta dừng lại, lắng nghe tiếng chim hót trong lòng mình của một văn hóa Huế đã từng đau thương mà vẫn gìn giữ được vẻ đẹp nội tâm.
Cầm tác phẩm Hạt U Minh của Trần Kiêm Trinh Tiên chưa tới 150 trang trên tay tôi có niềm vui của lão 80 là muốn đọc văn hay mà đọc ít bởi mắt mờ tay mỏi; rồi bỗng mỉm cười một mình nhớ lại hiện tượng dài ngắn trong văn chương:
Tác giả viết một tác phẩm dài nhất là Marcel Proust – À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) hơn 4.000 trang với 1.2 triệu từ cùng nổi tiếng như tác giả viết tác phẩm cực ngắn mà nổi tiếng là Ernest Hemingway – Câu chuyện 6 từ: “For sale: baby shoes, never worn.” (Bán: giày trẻ em, chưa từng dùng.) Tác phẩm thuộc thể loại Flash Fiction (truyện cực ngắn) mang ý nghĩa đã gợi một bi kịch sâu xa chỉ qua dăm ba từ là điển hình cho ví dụ về nghệ thuật “hàm súc” trong văn chương.
Mới đó mà đã 50 năm đi qua. Huế có cái thước đo thời gian “mới đó” rất bình dân mà triết lý chi lạ! Một hạt u minh đã mịt mù ký ức huống chi là tràng hạt u minh; nhưng cái mất được tái hiện qua cái còn thầm lặng. Chúc mừng Trần Kiêm Trinh Tiên với một tác phẩm đẹp khi con người phải đối diện với những hoàn cảnh gió bụi nghiệt ngã để nương thuyền từ hóa giải khổ đau và hạnh phúc với chính mình.
Đặc biệt, tác phẩm phản ánh nét tài hoa tự nhiên với văn phong mang dáng vẻ nghệ sĩ rất “Trần Kiêm Liễu Hạ” của liễu xanh Hương Cần, sông Bồ uốn khúc đẹp như tiếng hát Hà Thanh, giọng văn tài hoa mà u ẩn của Kiêm Minh, triết văn đầy biểu tượng của Kiêm Đạt, tiếng thơ lãng tử của Kiêm Thêm…
Khép lại những dòng viết về Hạt U Minh mà cứ ngỡ như đang viết mảnh tâm tình với Huế. “Ôn Đoàn” tặng các nhân vật trong tác phẩm của Trinh Tiên mấy câu thơ đã thành “quá khứ hiện tiền”:
Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ,
Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông.
Trong nỗi nhớ một cũng là tất cả;
Khi thương yêu tất cả sẽ vô cùng.
Sacramento, mùa July 4th 2025
Trần Kiêm Đoàn