Giở lại lịch sử Phật giáo, một câu chuyện cổ sơ, mòn nhẵn, nhưng bao giờ cũng mới. Mới không phải vì sự hùng biện của ngôn từ, mà vì sự im lặng. Sự lặng im đầy chánh pháp.
Theo Cảnh Ðức Truyền Đăng Lục thì vị tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa là Ðạt Ma Tổ Sư. Cuộc đối thọai giữa Tổ Ðạt Ma và vua Lương Vũ Ðế (502-549) được truyền tụng hơn 15 thế kỷ qua đã trở thành một biểu tượng về tinh thần phá chấp khi nói đến Thiền trong đạo Phật. Truyền Ðăng Lục ghi cuộc đối đáp này như sau:
Lương Vũ Ðế hỏi Tổ Ðạt Ma: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay đã cho xây chùa, dựng tượng, in kinh, độ tăng rất nhiều. Vậy trẫm có công đức gì chăng?”
Tổ Ðạt Ma đáp: “Chẳng có công đức gì cả.”
“Tại sao làm Phật sự nhiều như thế lại không có công đức?”
“Bởi vì đó chỉ là những tiểu quả mà thôi. Ðấy chỉ là cái nhân giả lập như bóng theo hình, có mà chẳng thật.”
“Vậy phải làm thế nào mới được xem là công đức?”
“Phải tự mình rèn cho trí trong sạch, tâm thanh tịnh, tánh rỗng lặng, thân an vui, như thế mới là Công Ðức. Công đức ở nơi tự tánh, chứ chẳng phải do vật chất bên ngoài mang đến.”
Vua hỏi tiếp: “Chân lý tối cao của bậc thánh là gì?”
“Khi tỉnh ra, thông suốt rồi thì không có gì gọi là thánh cả.”
“Người trước mặt trẫm là ai?”
“Chẳng biết!”
Vua Lương Vũ Ðế không lãnh hội được, cuộc đối thoại chấm dứt. Tổ Ðạt Ma biết căn cơ không hợp, lặng lẽ lên núi Tung Sơn, chùa Thiếu Lâm, trọn ngày ngồi thiền đối diện với bức tường trong suốt chín năm.
Khi không còn đối thoại thì rút vào im lặng là đạo lý của tư duy. Nói để mà nói, tranh tụng hơn thua con gà hay cái trứng có trước, là sự rỗng mòn của nếp nghĩ và cũng là ngõ cụt về những ý thức mới.
Bao nhiêu sách vở hơn nghìn năm sau vẫn chưa nói hết được phần tinh túy nhất của sự im-lặng-muôn-trùng-tiếng-nói nầy.
Trong thế giới Thiền, phải chăng ngôn ngữ chỉ là quy ước nghèo nàn, thô lậu; có khi ồn ào mà vô nghĩa, bất lực trong sự chuyển tải những suối nguồn tư tưởng thâm diệu của con người?!
Khi nói đến thiền ngôn và thiền ngữ trong nghệ thuật Thiền, thiền sư Khánh Hữu, trụ thế ba trăm năm sau Sơ Tổ Ðạt Ma, đã làm bài kệ “Chân ngôn ký”, có đọan đại ý nói rằng: Ðáng xấu hổ thay những người tự nhận mình là Phật tử lại dùng miệng lưỡi dung tục để nói chuyện Thiền môn phi Phật pháp. Ðáng thương thay những người chưa nhảy qua miệng giếng tri thức đã lạm bàn chuyện mây trời. Và tội nghiệp thay những kẻ ngậm lời quỷ sứ phun mặt chân nhân.
Cái hiện trạng đáng xót xa “Ngậm lời quỷ sứ phun mặt chân nhân” hình như không chỉ xẩy ra nghìn năm trước mà vẫn lập lại hoài cả nghìn năm sau và thời nào cũng có…
Người viết bài nầy vốn là kẻ vô can thế mà bỗng cảm thấy dị ứng trước một hiện tượng nóng bỏng, xin tạm gọi là “Hiện tượng luận bàn về thầy/sư ông/thiền sưThích Nhất Hạnh”! “Vô can” vì tôi chẳng có một liên hệ cá nhân nào với thầy Nhất Hạnh, ngoài việc đọc một số sách của Thầy đã xuất bản trong vòng năm chục năm qua như muôn nghìn người khác. Xa hơn thế nữa, tôi đã viết bài tham luận “Sự thống nhất cần thiết của tính thuần Việt và Hán Việt trong ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam” để nói lên thái độ không tán đồng về việc thầy Nhất Hạnh chủ xướng đổi từ Phật thành “Bụt”. Theo chỗ hiểu của tôi thì Bụt là một hiền thánh, một vị “Tiên Ðất” thuần túy Việt Nam. Cô Tấm ngày xưa gặp cơn họan nạn kêu Bụt, Bụt hiện lên giúp đỡ. Trẻ con Việt Nam hát đồng dao về Bụt: “Bụt khéo như Tiên, Bụt hiền như Phật, Bụt thật như cơm...”. Bụt mang căn tánh từ bi của Phật nhưng không phải là Phật.
Về mặt đạo pháp, tôi vẫn còn xa lạ với khuynh hướng hành Thiền đậm tính “trú xứ” của Làng Mai. Và về sau nầy, tôi cũng không còn thú đọc những tác phẩm giảng pháp theo mô thức “văn nói” do các thiện giả ghi lại đã làm nhạt bớt tính sáng tạo văn chương, vốn rất uyển chuyển và tài hoa của thầy Nhất Hạnh. Nói tóm lại là khi tự soát xét lại chính mình, tôi không có lý do để đứng về phía đả kích gay gắt hay phía ca ngợi nhiệt thành thầy Nhất Hạnh. Ðược học tập từ nền văn hóa Việt Nam và được cơ hội tiếp thu thêm văn hóa xứ người trong một khoảng thời gian dài gần ngang nhau ở quê nhà và quê người (trên dưới 25 năm mỗi phía), tôi tôn trọng sự công bằng và thẳng thắn trong đối thọai. Nói lên lời ủng hộ hay bày tỏ thái độ phê phán về một nhân vật nào đó là sinh hoạt bình thường và lành mạnh của đời sống tâm lý và tri thức cần được duy trì và phát huy trong một xã hội nhân văn. Tuy nhiên, xã hội nhân văn đòi hỏi cung cách văn hóa tối thiểu trong tiếng khen cũng như lời chê. Khen ai lựa lời thích hợp đã khó; chê ai chọn cách trình bày mang tính thuyết phục lại càng khó hơn. Cái triết xử thế khôn khéo của dân gian Việt Nam: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe…” không đòi hỏi địa vị và bằng cấp, mà chỉ cần một tâm hồn trong sáng.
Un đúc từ lịch sử dựng nước và giữ nước gian nan; chịu đựng những thăng trầm suốt dòng lịch sử nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm Tây đô hộ và bao năm chinh chiến… đã để lại cho người Việt một lối sống mềm dẻo, lối xử thế khôn khéo. Dân tộc nào cũng có mặt “giương” để chiến đấu và mặt “thủ” để sinh tồn. Ðấy là lối ứng xử tinh tế, biết tiến, biết thoái và biết lách mình né tránh kẻ mạnh đúng lúc để có lợi, để yên thân, để tránh sự đương đầu trực diện với một đối thủ mạnh hơn. Nếp sinh hoạt tinh thần đó là tiền đề tạo ra nguồn tâm lý tiểu xảo. Về mặt tích cực, tâm lý tiểu xảo là vũ khí để sống còn của dân tôc Việt Nam trong thế thường xuyên phải đương đầu với những thế lực cường bạo xâm lăng. Tuy vậy, di lụy của nguồn tâm lý tiểu xảo đã sản sinh ra những nhà “trí thức khôn vặt” – những ông Trạng Cười Việt Nam – vốn là những du tử thông minh, lanh lợi nhưng thường chỉ có những hành trạng rắn mắt, quyền biến mẹo vặt trong cuộc sống như Trạng Quỳnh, Trạng Bùng, Trạng Lợn… Và cũng chính cái di lụy tâm lý tiểu xảo nầy đã tạo ra nếp nghĩ nhược tiểu và tâm lý cạnh tranh tiêu cực. Trong cuộc cạnh tranh, thay vì nâng mình cao hơn đối thủ để tự chứng minh phẩm chất ưu việt của mình so với đối thủ thì người mang tâm lý tiểu xảo lại đứng yên từ vị trị yếu kém của mình để vùi dập đối thủ, cố đè bẹp đối thủ xuống bằng những phương tiện hạ sách như nói xấu, châm biếm, vu vạ, đặt điều thiếu công bằng hợp lý và không hợp với tầm vóc của đôi bên.
Cái giá phải trả của tâm lý tiểu xảo trong lĩnh vực nhân văn là người Việt tuy thông minh và sáng tạo, tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, nhưng chưa un đúc được một triết gia, một nhà tư tưởng hay một triết lý dân tộc độc lập có tầm cỡ trong lịch sử tư tưởng thế giới. Nếp nghĩ nhỏ chỉ tạo ra được những sản phẩm nhỏ. Thói quen tiểu xảo là chuyên đè bẹp người bằng phương tiện nhỏ nhen và vô minh. Không có thiện xảo mà chỉ có thuần tiểu xảo thì chính tác nhân tiểu xảo đó là kẻ trước tiên tự dìm mình xuống trước mặt đối thủ của mình và vô hình chung hạ thấp nhân cách của mình.
Trong rất nhiều trường hợp Thầy Nhất Hạnh đã bị nhìn từ một góc độ tâm lý tiểu xảo như thế.
Một người chỉ cần mang cái “nghiệp” của người cầm bút thôi cũng đủ bị đặt trên dàn phóng của sự khen chê rồi. Huống hồ người đó còn là một nhà sư có tăng đoàn và đường lối riêng, một luận sư mang khuynh hướng cải cách, một khuôn mặt nổi bật trong cộng đồng tôn giáo thế giới như thầy Nhất Hạnh thì biển đời khen chê làm sao tránh khỏi.
Những bình luận, nhận định, phân tích, chỉ trích, tán dương… xuất hiện quanh chuyến đi Việt Nam của thầy Nhất Hạnh là một phản ứng tất yếu, một hình thái sinh hoạt tinh thần lành mạnh và cần thiết.
Lời khen chê xưa nay vốn là chuyện đời thường. Nhưng khi sự lộng ngôn và hý luận lại khoác áo “trung ngôn và chính luận” lập đi lập lại một cách dai nhách vì thiếu chất tươi của tri thức như bò sữa gặm cỏ cháy thì quả là chuyện “lạ thường” trong một xã hội bình thường! Diễn đàn thông tin và nghị luận và quần chúng đang bị coi thường quá đáng. Với trình độ dân trí của người Việt hải ngoại sau mấy thập niên tiếp cận với văn hóa Âu Mỹ, những khuynh hướng “ngu dân” coi thường quần chúng tự nó đã chôn vùi vai trò và tác dụng của chính nó. Hẳn nhiên, quần chúng thầm lặng của thế kỷ 21 đã quá đủ già dặn về cả hai mặt thông tin và tri thức để cười rất “thiền” với những kẻ đáng thương như lời sư Khánh Hữu!
Trong một bối cảnh văn hóa lành mạnh, hiện tượng luận bàn về thầy Nhất Hạnh đáng lẽ phải trổ hoa, đâm chồi nẩy lộc về nhiều mặt như tôn giáo, triết học, giáo dục… thì thực tế lại đang phát triển theo chiều ngược lại.
Sự “thoái trào” của ý thức và tâm thức đáng tiếc nầy xẩy ra vì sự dung tục quá đáng, đôi khi đến chỗ cực đoan của phương pháp luận bàn. Nói về tu mà dùng lời tục; nói về thiền mà thiếu mất một phong thái và một ngữ cảnh về thiền; nói về Phật giáo mà bám riết vào tinh thần chấp trước cực đoan phi Phật giáo… là đem sự ồn ào vọng động để truy tìm cái chân tánh rỗng lặng của nhà Phật. Phải chăng đây là sự nghịch lý mà một số người đang vô tình hay cố ý theo đuổi?!
Như đã trình bày ở trên, tôi không phải là “fan”, là đệ tử của thầy Nhất Hạnh nên rất có thể sẽ không làm bằng lòng những phía cực đoan. Do vậy, những dòng viết về thầy Nhất Hạnh sau đây là những hiểu biết rất khiêm tốn và đồng thời cũng chỉ là những cảm nghĩ riêng của cá nhân mình để mong chia sẻ với những người Việt có tâm hồn, khối người Việt tha hương tỉnh táo nhìn thế sự qua cái nhìn khách quan và thầm lặng.
*
Huế là một thành phố nhỏ nhắn miền Trung, một kinh đô cũ của nước Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn. Huế còn được mệnh danh là một “thủ đô Phật giáo” trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại.
Mấy trăm cơ sở chùa chiền tu viện của Huế không mang dáng vẻ phô trương mà ẩn mình trong mầu thiên nhiên của núi sông cây cỏ. Các tu sĩ Phật giáo ở Huế cũng hòa vào đời sống đạm bạc của quần chúng mà đặc biệt là quần chúng bình dân theo đạo Phật. Các tu sĩ nhỏ tuổi thường được gọi một cách thân mật là “Chú”. Các tu sĩ trẻ xưng là “Thầy” và quý Thầy cao niên xưng là “Ôn” (Ôn = Ông, khác với “ôn đới”, “ôn hoà”). Những danh xưng đầy vẻ “đạo cao” như Thiền sư, Sư ông, Ðại đức, Thượng tọa, Hòa thượng… không hiện diện trong tương quan sinh hoạt thực tế hàng ngày của đời sống Phật giáo Huế. Và những chức vụ “đức trọng” như Thượng thủ, Pháp chủ, Tăng thống, Pháp sư, Tôn sư, Tổ sư… lại càng xa lạ với tinh thần Phật giáo hơn. Một nét khiêm cung và tình cảm điển hình trong văn hóa Phật giáo Huế là các thiện nam, tín nữ thường chỉ biết đến các bậc tu hành đạo cao đức trọng qua danh tiếng của ngôi chùa và tiếng “Ôn” rất điềm đạm và từ ái như: Ôn Từ Ðàm, Ôn Từ Hiếu, Ôn Linh Mụ, Ôn Tây Thiên, Ôn Châu Lâm, Ôn Trà Am…
Thầy Thích Nhất Hạnh là một tu sĩ Phật giáo xuất thân từ Huế.
Với một bối cảnh tôn giáo như thế, trong bài viết nầy, người viết xin được dùng danh xưng “Thầy” rất gần gũi thay vì phải dùng những danh từ tôn xưng xa lạ với truyền thống Phật giáo, như đã trình bày ở trên khi nói về thầy Thích Nhất Hạnh và quý tu sĩ Phật giáo khác.
Thầy Thích Nhất Hạnh là một trong những tu sĩ Phật giáo Việt Nam được cộng đồng tôn giáo thế giới biết đến nhiều như: Thầy Thích Thiên Ân, thầy Thích Minh Châu, Thầy Thích Tuệ Sỹ, Ni sư Thích Nữ Trí Hải…
Năm 1966, thầy Nhất Hạnh rời Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa!
Năm 2004, thầy Nhất Hạnh về Việt Nam: Biển lửa giữa hoa sen?!
Bốn mươi năm: Một chặng đường lửa dậy!
Kinh Pháp hoa nói về lửa: “Ba cõi không an, chẳng khác nhà lửa”. Lửa tham sân si; lửa nghi hoặc chấp trước; lửa kiêu mạn; lửa ái dục… cứ ngấm ngầm ngày đêm thiêu đốt tâm thức của chúng sanh.
Lửa tam muội, lửa ta bà, lửa từ bi, lửa hận thù, lửa vô minh, lửa khai sáng và lửa duyên nghiệp… vẫn trùng trùng dấy lên trong từng nhấp nháy của cuộc sống. Có những ngọn lửa dập tắt được, nhưng vẫn có những ngọn lửa vô hình không dập tắt được. Người ta vẫn phải sống với lửa hàng ngày. Con người tồn tại vì con người biết sống với lửa. Không để bị lửa đốt cháy mà biến lửa thành một hơi ấm, một phương tiện thiện xảo cho đời sống thể chất lẫn tinh thần.
Hoa sen là một biểu tượng của tinh thần Phật Giáo. Ðó là ý niệm “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ðó là hình ảnh bàn tay mở ra hứng lấy những khổ đau, hận thù, sinh diệt triền miên. Nếu chỉ có mùa đông lạnh lẽo mà không có lửa hạ, sẽ không có hoa sen. Nếu không có khổ đau của chúng sinh thì đức Phật và đạo Phật không có lý do ra đời và tồn tại để giải bớt khổ đau. Vì thế, hình tượng hoa sen trong biển lửa là hình ảnh dấn thân của người Phật tử giữa cuộc đời đầy tương tranh và đau khổ. Biển lửa giữa hoa sen là biểu tượng của sự trang bị tinh thần và trí tuệ Phật tánh, bồ tát hạnh, sẵn sàng dấn thân vào đau khổ để diệt mầm đau khổ và tiếp cận với tương tranh để hóa giải tương tranh.
Thầy Nhất Hạnh trở về Việt Nam sau 40 năm lưu vong trong một hoàn cảnh như hiện nay là đi trong biển lửa giữa hoa sen.
Vào những năm đầu thập niên 1960, bên cạnh đời sống tu sĩ, thầy Nhất Hạnh còn là một nhà văn, nhà thơ có khuynh hướng cải cách và gần gũi với tuổi trẻ qua hình thức mang triết lý tư tuởng Phật giáo và nếp sống thiền vị vào những tác phẩm sáng tạo văn chương. Những tác phẩm văn học của thầy Nhất Hạnh như Tình người (bút hiệu Tâm Quán), Nẻo về của ý, Nói với tuổi hai mươi, Bông hồng cài áo, Ðạo Phật hiện đại hóa... đã gây một tiếng vang và có tác động tích cực vào đại chúng Việt Nam trong nội bộ Phật giáo cũng như ngoài xã hội, đặc biệt là giới trí thức và tuổi trẻ miền Nam đương thời.
Cuộc chiến tranh Việt Nam càng ngày càng bạo liệt trong nước, thì tiếng nói phản chiến kêu gọi hoà bình của cộng đồng quốc tế càng tăng cường độ ở các nước châu Mỹ và châu Âu. Ngay cả Ðức Giáo Hoàng Paul VI, khi đề cập đến cuộc chiến Việt Nam, cũng đã lên tiếng trong Hội trường Liên hiệp quốc ở New York:”Hãy ngưng chiến tranh. Ðừng đánh nhau nữa, đừng bao giờ để chiến tranh tái diễn!” (Stop the war. No more war, never again war).
Sáng lập trường Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội năm 1965 là một khuynh hướng dấn thân rất mới của tuổi trẻ theo kiểu Kiboutz của Do Thái. Ðó là trường huấn luyện thanh niên thiện nguyện với chiều hướng phục vụ làng xã Việt Nam bằng sức bật, kiến thức, tài năng và tấm lòng của tuổi trẻ, chung tay xây dựng đất nước khi chiến tranh chấm dứt. Bên cạnh đó là những tác phẩm văn chương mang tiếng nói tha thiết kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh, một cách vô hình chung, bị coi như một sự cổ xúy và đồng lõa với phong trào phản chiến đang nổ ra trên toàn thế giới và tại các thành thị miền Nam.
Tháng 5 năm 1966, thầy Nhất Hạnh được đại học Cornell ở Mỹ mời diễn thuyết hòa bình. Với tuổi 39, đây là bước khởi đầu cho những loạt diễn thuyết và gặp gỡ các nhân vật thời danh như Robert McNamara, Eugene McCarthy, Martin Luther King và được hội kiến với đức Giáo Hoàng Paul VI vào ngày 16 tháng 7 năm 1966. Vì những cuộc vận động hoà bình nầy, Chính phủ miền Nam không cho thầy Nhất Hạnh về lại nữa. Ở ngoại quốc, lập trường chính trị trong công cuộc vận động hòa bình của thầy Nhất Hạnh phối hợp với những nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Âu Châu cũng như Mỹ Châu, được báo chí ngoại quốc nhận định như sau:”Thích Nhất Hạnh và những thành viên Phật giáo vận động trong phong trào hòa bình không về phe Cộng sản ở miền Bắc, cũng không về phe chống Cộng ở miền Nam. Họ cũng không mưu cầu một quyền lực chính trị nào cho chính họ.” (Thich Nhat Hanh and his fellow Buddhist activists sided neither with the communists north nor the anti-Communist south. Nor did they harbour desire for political themselves. Stephen Batchelor. TCN. GD 2001). Trong số những lời diễn thuyết, những bài viết kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh thì tác phẩm Hoa sen trong biển lửa (Lotus in the Sea of Fire) là tiếng kêu mạnh mẽ và thống thiết nhất. Tác phẩm nầy ra đời vào mùa Xuân năm 1966, được một nhà Thần học Thiên Chúa giáo nổi tiếng của Mỹ là Linh mục Thomas Merton viết lời tựa và Alfred Hassler viết lời bạt. Tác phẩm nầy được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng bản dịch Việt ngữ lại bị cấm lưu hành tại Việt Nam thời bấy giờ.
Đối với chính quyền Việt Nam, trước và sau 1975, thầy Nhất Hạnh vẫn là người đứng bên lề. Nghĩa là chẳng có một bên nào coi thầy Nhất Hạnh là “người của ta” cả. Mỗi phía đều có lý do nội tại của nó, nhưng nhìn một cách khách quan và công bằng thì cho tới ngày 24-1-2005, ngày phái đoàn Phật giáo Làng Mai về Việt Nam, thì thầy Nhất Hạnh, sau gần 40 năm xa xứ, vẫn giữ được một thái độ độc lập tương đối với các thế lực tôn giáo cũng như chính trị trong và ngoài nước.
Nói lên điều nầy, chủ tâm người viết chỉ mong nói đến “thầy Nhất Hạnh như thầy Nhất Hạnh”. Nghĩa là tránh quan điểm phong thánh hay “tả quỷ” dễ dãi để tâng bốc quá đà hay miệt thị đầy định kiến đối với một nhân vật nào đó xuất phát từ sự chủ quan đầy cảm tính vì sự ngưỡng mộ hay tâm lý chống báng nặng cảm tính nhất thời.
Trong mắt nhìn của những người tìm hiểu khách quan, bản thân và sự nghiệp của thầy Nhất Hạnh được ghi nhận như sau:
Ðứng về mặt tôn giáo, thầy Nhất Hạnh là một nhà tu; một nhà nghiên cứu Phật học có chiều sâu với một phương pháp luận kết hợp hài hòa giữa tính lô-gích phương Tây và tính trực cảm phương Ðông.
Ðứng về mặt văn học nghệ thuật, thầy Nhất Hạnh là một nhà văn, một nhà thơ. Ðặc biệt thầy Nhất Hạnh là một tác giả Việt Nam đầu tiên ở nước ngoài đã viết cả trăm tác phẩm văn chương và khảo luận về tôn giáo, xã hội, triết học bằng tiếng Việt mà trong đó đã có đến vài chục tác phẩm viết trực tiếp hay được dịch ra bằng tiếng Anh. Trong số sách bằng tiếng Anh về lĩnh vực tôn giáo được xuất bản lưu hành khắp thế giới, có khoảng 10 cuốn sách tiếng Anh của thầy Nhất Hạnh thuộc vào hàng sách bán chạy (best seller). Có những cuốn đã phát hành khắp thế giới với hàng triệu ấn bản.
Ðể thẩm định giá trị hành động hay tác dụng ý thức của một nhân vật, một con người thì điều cần yếu trước tiên phải có là sự công bằng và cách nhìn tỉnh táo. Sự tâng bốc hay bài xích cá nhân mang tính cực đoan, định kiến và bảo thủ sẽ trở thành mồi lửa rơm bùng lên đốt cháy một cách nhanh nhất giá trị và sự đáng tin cậy của nhận định chính nó. Trong chiều hướng đó, thử theo dõi và ghi nhận những nét nổi bật trong chuyến đi về thăm Việt Nam của thầy Nhất Hạnh như thế nào.
Ngày 11 tháng 01 năm 2005, thầy Nhất Hạnh cùng với tăng thân Làng Mai rời Pháp về Việt Nam trong một chuyến thăm viếng và truyền pháp kéo dài 3 tháng (12-01-2005 đến 11-4-2005). Ðây không đơn giản là một cuộc hành hương hay một chuyến viếng thăm tập thể tuỳ nghi hay tùy thích của cả hai phía Việt Nam và Làng Mai mà là kết quả của một sự cân nhắc lợi hại cho cả hai phía. Một bên là thế lực lãnh đạo đương quyền và một bên là chức sắc tôn giáo. Bởi vậy, ngay bước đầu tiên khi trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế nêu lên mối quan ngại rằng, nhà cầm quyền Việt Nam có thể lợi dụng chuyện viếng thăm nầy để tuyên truyền cho quyền tự do tôn giáo của họ, thầy Nhất Hạnh đã trả lời rằng: “Có thể (bị lợi dụng) như thế lắm. Nhưng cách suy nghĩ của tôi không bị ảnh hưởng bởi các chuyện đó.” Trả lời về sự nghi ngờ thiện chí của phía Việt Nam, thầy Nhất Hạnh cũng đã nói với báo Time: “Tôi biết chúng tôi sẽ bị quan sát bởi nhiều người – đặc biệt bởi công an. Nhưng chúng tôi không bận tâm bởi chúng tôi tin công an cũng có Phật tánh. Nếu bạn phát ra niềm vui, yêu thương, cảm thông, hòa bình và an lạc, họ cũng có thể cảm thụ và hưởng được lợi ích từ đó.” (Time 24-01-05. “A Long Journey Home” của Kay Johnson)
Nội dung và tinh thần cơ bản của các buổi giảng pháp, các khóa tu học của thầy Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai trong suốt 3 tháng du hành khắp cả ba miền Bắc Trung Nam không có gì khác lạ với tinh thần thiền Làng Mai và sinh hoạt tu học do Thầy hướng dẫn tại Pháp và các nước ngoài.
Ðến đây, tưởng cũng nên dừng lại một chút để điểm qua khái niệm Thiền học truyền thống Việt Nam và Thiền Làng Mai của thầy Nhất Hạnh có gì khác biệt…
Thiền Việt Nam và Thiền Làng Mai
Vài nét về Thiền Việt:
Thiền hay thiền na (Phạn ngữ: Dhyãna; Nhật ngữ: Zen; Anh ngữ: Meditation) là một tên gọi tương đối gần gũi với đạo Phật để chỉ một hình thức tu dưỡng tinh thần bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng hình thức phổ quát nhất vẫn là sự trở về suy tư và soi rọi chính mình trong tĩnh lặng.
Lịch sử Thiền gắn liền với lịch sử tri thức của con người. Ðây là một hình thức tĩnh tâm an dưỡng được nhiều tôn giáo sử dụng để đạt trạng thái tỉnh giác nội tại. Nếu tôn giáo là câu trả lời tạm thời cho những câu hỏi, những thắc mắc chưa có lời giải đáp dứt khoát của con người thì Thiền chính là một phương tiện trực tiếp để con người tự mình đi tìm một cách trả lời tương đối hợp với căn cơ của chính mình. Bởi vậy, nếu có bao nhiêu lối nhìn, lối suy tư về cuộc sống thì có bấy nhiêu khái niệm hay cách định nghĩa “Thiền là gì?”
Qua nhiều chặng đường hình thành và phát triển đời sống tâm linh của con người, hình thức tĩnh tâm – Meditation – đến với các tôn giáo khác như đạo Chúa, đạo Hồi, đạo Ấn, đạo Do Thái… như một thí nghiệm đến rồi đi, không ở lâu. Riêng với đạo Phật thì hình thức tĩnh tâm đó đã gắn liền và dung hợp với bản chất “tâm không, tự độ” điển hình của đạo Phật. Do đó, thiền tu, thiền hành, thiền định… đã biến thành một hình thức tu trì xương sống của Phật giáo.
Trong đạo Phật, người tập Thiền nhờ định tâm, định trí mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức. Tâm và thức của người hành thiền phải trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục và các pháp bất thiện sẽ bị rũ bỏ dần dần nhờ sự lắng đọng chuyên tâm suy tưởng của hành giả. Cuối cùng, người hành thiền sẽ đến được trạng thái tỉnh giác và an lạc.
Thiền phương Ðông hình thành và phát triển trong khoảng thế kỷ thứ 6, 7 khi Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ mang pháp Thiền của đạo Phật sang Trung Hoa. Nhà Phật học danh tiếng người Ðức, H. W. Schumann đã nhận xét: “Thiền tông có một người cha Ấn Ðộ nhưng đã chẳng trở nên trọn vẹn nếu không có người mẹ Trung Quốc…”
Thiền Trung Hoa là một sự hoà quyện giữa Thiền tông và Lão giáo nên từ Sơ Tổ Ðạt Ma đến Lục tổ Huệ Năng (638-713), Thiền Trung Hoa phát triển sâu rộng trong giới vua quan, quý tộc, học giả, trí thức mà ít thâm nhập vào quần chúng bình dân.
Thiền Việt Nam rất khác với tinh thần Thiền học Trung Hoa và Nhật Bản vì Phật giáo Việt Nam là một nền Phật giáo nhập thế, không tách rời hẳn với khung cảnh chính trị, văn hoá và xã hội đồng thời. Tuy vẫn duy trì được phần tinh yếu của nguyên lý “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật, nhưng nhiều thiền sư trong lịch sử như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Tuệ Trung Thượng Sĩ… vẫn góp phần xây dựng đất nước một cách tích cực trong vai trò lãnh đạo tinh thần và tham vấn trong công cuộc trị nước an dân.
Trong bối cảnh truyền thừa của Phật giáo Á châu, chưa đất nước nào mà khái niệm Phật giáo Tiểu thừa và Ðại thừa lại có sự gắn kết và hỗ tương hài hoà trong công cuộc hoằng pháp độ sanh trong suốt cả chiều dài lịch sử như Phật giáo Việt Nam.
Ðại thừa nhập thế, nhưng vẫn thường xuyên đi và về để tiếp cận với dòng suối trong mát đầu nguồn của tinh thần Tiểu thừa, nguyên thủy. Có thể nói bước tiến xã hội hóa và Việt Nam hóa Thiền học là một quá trình phát triển độc lập, độc đáo đáng tự hào đời sống tâm linh của tinh thần Phật giáo Việt Nam.
Ðạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch và Thiền học Việt Nam khởi đầu bằng Khương Tăng Hội vào đầu thế kỷ thứ III. Theo dòng sử Việt, Phật giáo đã có mặt suốt 20 thế kỷ trong dòng sinh mệnh Việt Nam tính từ thời Tiền và Hậu Lý Nam Ðế (542- 603) mở đầu nền tự chủ cho nước nhà; đến nhà Ðinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009), đạo Phật được triều đình coi là tôn giáo của cả nước; sang nhà Lý (1010-1225) và tiếp theo nhà Trần (1225-1400), đạo Phật lại càng được phát triển mạnh trong đời sống xã hội. Bên cạnh những giai đoạn cực thịnh, đạo Phật cũng trải qua những giai đoạn khó khăn và suy yếu, những thời kỳ Pháp nạn. Pháp nạn do tác động của hoàn cảnh chính trị, lịch sử, xã hội bên ngoài và pháp nạn do sự phân hóa bên trong.
Vài nét về Làng Mai và “Thiền Làng Mai”
Ngay khi có tin thầy Nhất Hạnh và phái đoàn tăng thân Làng Mai về thăm viếng và mở những buổi pháp thuyết và pháp đàm tu học tại Việt Nam, giới Phật tử tại quê nhà cũng như khắp năm châu phản ứng lạc quan cũng nhiều mà bi quan cũng lắm. Giới lạc quan thì cho rằng, thầy Nhất Hạnh sẽ là một thiện duyên để góp phần khơi dòng nguồn suối sức mạnh hóa giải vốn tiềm tàng từ bên trong nội bộ Phật giáo. Từ đó, Phật tử xuất gia cũng như tại gia có thể tùy duyên phân thân hình thức nhưng tinh thần thì vẫn hòa hợp. Giới bi quan thì cho rằng, sự về thăm quê hương của thầy Nhất Hạnh chỉ có lợi cho thế quyền chứ chẳng mang lại lợi ích gì cho Phật giáo. Sự hoài nghi không vọng động là một biểu hiện ý thức lành mạnh tạo sự quân bình cho dòng tri thức của xã hội có điều kiện tiến hóa. Ngược lại, chỉ có sự cực đoan và cuồng tín – tiêu biểu là sự khen hoặc chê quá đà và vội vã, thậm chí đôi khi thô thiển trong ngôn từ và thô bạo trong luân điểm – mới tàn phá và chận đứng dòng tiến hóa cần thiết của tri thức mà thôi.
Trong khi sinh hoạt của thầy Nhất Hạnh bị “cấm vận” trong nước từ trước 1975 thì thầy đã kiên trì tìm một hướng đi riêng từ bên ngoài đất nước.
Một hướng đi mà nhân loại đang cần và trong hoàn cảnh nào cũng được tôn vinh, đó là con đường của tình thương và tinh thần đấu tranh cho lẽ phải để hóa giải hận thù bằng phương pháp không bạo động. Mahatman Gandhi, Martin Luther King, Ðạt Lai Lạt Ma, Desmond Tutu… là những nhà tranh đấu đòi tự do và quyền làm người cho khối người bị áp bức bằng phương tiện bất bạo động mà nhân loại, không phân biệt mầu da hay chủng tộc, hằng ngưỡng mộ. Thầy Nhất Hạnh đã theo con đường của những nhà đấu tranh bất bạo động đi trước bằng môt tinh thần uyển chuyển và sáng tạo rất Ðông phương, đặt căn bản trên tinh thần cốt tủy từ bi, trí tuệ của Phật giáo. Làng Mai được thành lập trong tinh thần tu dưỡng và khai sáng đó.
Làng Mai là một trung tâm thiền tập tọa lạc tại miền Tây Nam nước Pháp được hình thành vào đầu năm 1982.
Những năm đầu, nhiều cây hồng ăn trái (persimon) đã được trồng lên cho nên trung tâm thiền tập này được gọi là Làng Hồng. Nhưng sau đó, 1250 cây mai thuộc loại pruniers d’Agen, rất ngọt và đậm đà, đã được trồng bằng tiền túi của thiếu nhi gốc Việt Nam về tu học, cho nên Làng Hồng đã đổi tên thành Làng Mai – tiếng Pháp là Village des pruniers, tiếng Anh là Plum Tree Village, gọi tắt là Plum Village. Tên chữ của Làng là Ðạo Tràng Mai Thôn.
Mấy năm đầu thì Làng Mai chỉ có hai xóm: Xóm Thượng và Xóm Hạ. Nhưng vì nhu cầu càng ngày càng lớn của thiền sinh, Làng Mai mở thêm các xóm như: Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Trung, Xóm Ðoài và Xóm Mới. Xóm Thượng đã trở thành chùa Pháp Vân, tên chữ là Thệ Nhật Sơn Pháp Vân Tự. Xóm Hạ đã trở thành chùa Cam Lộ, tên chữ là Mai Hoa Thôn Cam Lộ Tự. Xóm Mới đã trở thành chùa Từ Nghiêm, tên chữ là Thiên Ý Thôn Từ Nghiêm Tự. Xóm Mới có thêm Xóm Mới Ðầu Thôn và Xóm Mới Lưng Ðồi để đủ cung ứng nơi cư trú cho thiền sinh tới thực tập càng lúc càng đông. Ngoài ra, Xóm Mới cũng mới có thêm một ngọn đồi và một con suối gọi là Ðồi Dương Xuân và Suối Dương Xuân, một niềm vui lớn cho các vị thường trú. Chùa Pháp Vân là thiền viện của các vị xuất gia nam, chùa Từ Nghiêm là thiền viện của các vị xuất gia nữ. Trong số các thầy và các sư cô, có nhiều vị gốc Anh, gốc Pháp, gốc Hòa Lan, gốc Mỹ, gốc Ái Nhĩ Lan, Úc… Làng Mai cũng là trú sở của Viện Cao đẳng Phật học, nơi đào tạo các vị giáo thọ xuất gia và tại gia. Tại Đạo Tràng Mai Thôn, ngoài chúng xuất gia, cũng có chúng tại gia thường trú, tu học rất tinh chuyên.
Mỗi năm Ðạo Tràng Mai Thôn tổ chức những khóa tu mùa Hè, mùa Thu, mùa Ðông, v.v… Số thiền sinh về tham dự hàng năm có thể lên tới nhiều ngàn người. Ða số là người ngoại quốc, tới từ khoảng ba mươi quốc gia. Ðạo Tràng Mai Thôn đã trở nên một thiền viện quốc tế. Tại Làng Mai, thầy Nhất Hạnh đích thân giảng dạy và hướng dẫn các khóa tu học cùng với sự phụ tá của gần hai chục vị giáo thọ thường trú, phần lớn là giới xuất gia (Theo Làng Mai Website).
Với sự ra đời của Làng Mai, thầy Nhất Hạnh đã tiếp nối phát huy tinh thần đại chúng hóa của Phật giáo Việt Nam, đưa tinh hoa của Thiền tông và Tịnh độ đến gần với mọi người không phân biệt chủng tộc hay hoàn cảnh xuất thân.
Ðối với xã hội Âu Mỹ, đời sống đua chen vật chất và vòng quay quá nhanh của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm cho tinh thần cũng như thể chất con người thường xuyên lắc lư theo đà quán tính của cuộc sống hàng ngày. Sự ra đời của máy vi tính, điện thọai cầm tay và phương tiện truyền thông tinh vi, nhanh như ánh sáng khiến cho con người mất chỗ trú ẩn. Con người bị đào bới tận gốc rễ từ trong nếp suy tư, giữa ý thức và vô thức. Cả vũ trụ vật lý nầy đều bị đào xới và ô nhiễm. Núi, rừng, sông, biển… cùng lắm thì cũng chỉ là chỗ trú thân và trú chân chứ không thể nào là chỗ an trú của tinh thần. Thiền bỗng trở thành một giải pháp. Ða số, người Âu Mỹ ngồi Thiền không phải để tìm sự giải thoát thành Phật mà để thành Người, một con ngườn an lạc, đỡ bị bức xúc hay căng thẳng. Thế thôi.
Bên cạnh Thiền Ấn Ðộ, Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Tạng, Ðài Loan, Ðại Hàn… thì Thiền học Việt Nam theo mô thức Làng Mai (cũng gọi là Thiền Làng Mai) cũng được hàng ngàn, hàng vạn người Âu Mỹ quan tâm tìm hiểu và theo học. Trong hiện trạng sinh hoạt văn hóa và tâm linh tại các nước Âu Mỹ, phải khách quan để thấy rằng, thầy Nhất Hạnh là một trong những hiện tượng hiếm hoi về sự thành công của một nhà sư Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Ttrong gần 40 năm qua, thầy Nhất Hạnh đã liên tục mở những khóa tu học cho cả Việt Nam và người nước ngoài.
Ðặc biệt tại Mỹ, những buổi nói chuyện về các đề tài Thiền học và cách ứng xử với cuộc sống hàng ngày trước mắt bằng tinh thần Thiền học do thầy Nhất Hạnh thuyết giảng và hướng dẫn tại nhiều nơi trên đất Mỹ thường thu hút đông đảo người nghe. Những hội trường rộng mênh mông không còn chỗ trống. Nét đặc trưng của các khóa tu học hay thuyết giảng về Thiền của thầy Nhất Hạnh là tính chất đơn giản và thực dụng, rất hợp với căn cơ của người Mỹ và người Việt trong xã hội công nghiệp Âu Mỹ. Thính chúng không cần phải có một căn bản giáo lý hay một quá trình tu học vẫn theo dõi và hiểu được.
Từ một cơ sở lý thuyết cao siêu, trừu tượng và đặt trọng tâm vào tự lực tự chứng của Thiền học, thầy Nhất Hạnh đã đưa ra những phép tu, phương pháp thực hành và lề lối suy niệm rất đơn giản vào đại chúng.
Sau đây thử ghi lại một trong năm bài tập thiền tập có hướng dẫn rất dễ làm theo phương pháp của thầy Nhất Hạnh. Ai cũng có thể tập thử để thấy tính chất thực tiễn của thiền. Bốn bài đầu có tác dụng nuôi dưỡng. Bài thứ năm có tác dụng trị liệu, tất cả được trích trong sách Sen búp từng cánh hé.
Bài tập thứ nhất:
Thở vào, tâm tĩnh lặng. Thở ra, miệng mỉm cười. Tĩnh lặng. Mỉm cười.
Thở vào, an trú trong hiện tại. Thở ra, giây phút đẹp tuyệt vời. Hiện tại. Tuyệt vời.
Nhiều người bắt đầu thực tập thiền bằng bài tập này. Có nhiều người dù đã thực tập bài tập này trong nhiều năm vẫn còn tiếp tục thực tập, bởi vì nó tiếp tục đem tới nhiều lợi lạc cho hành giả.
Thở vào, ta chú tâm tới hơi thở: Hơi thở vào tới đâu ta cảm thấy tĩnh lặng tới đó, giống như khi ta uống nước mát; nước đi tới đâu thì ruột gan ta mát tới đó. Trong thiền tập, hễ tâm tĩnh lặng thì thân cũng tĩnh lặng, bởi vì hơi thở có ý thức đem thân và tâm về một mối. Khi thở ra ta mỉm cười, để thư giãn tất cả các bắp thịt trên mặt (có khoảng 300 bắp thịt trên mặt ta). Thần kinh ta cũng được thư giãn khi ta mỉm cười. Nụ cười vừa là kết quả của sự tĩnh lặng do hơi thở vào đem lại, mà cũng vừa là nguyên nhân giúp ta trở nên thư thái và cảm thấy sự an lạc phát hiện rõ ràng thêm. Hơi thở thứ hai đem ta về giây phút hiện tại, cắt đứt mọi ràng buộc với quá khứ và mọi lo lắng về tương lai, để ta có thể an trú trong giây phút hiện tại. Sự sống chỉ mặt trong giây phút hiện tại, vì vậy ta phải trở về giây phút ấy để tiếp xúc với sự sống. Hơi thở này giúp ta trở về sự sống chân thật. Biết mình đang sống và biết mình có thể tiếp xúc với tất cả mọi mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta, đó là một phép lạ. Chỉ cần mở mắt hoặc lắng nghe là ta tiếp nhận được những mầu nhiệm của sự sống. Vì vậy cho nên giây phút hiện tại có thể là giây phút đẹp nhất và tuyệt vời nhất, nếu ta thực tập sống tỉnh thức bằng hơi thở. Ta có thể thực tập hơi thở thứ nhất nhiều lần trước khi đi sang hơi thở thứ hai. Bài này có thể thực tập bất cứ ở đâu: trong thiền đường, trên xe lửa, trong nhà bếp, ngoài bờ sông, trong công viên, trong các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi và ngay cả lúc đang làm việc (Theo Website Làng Mai)…
Phật giáo Việt Nam hôm nay
Lịch sử đạo Phật đã chứng minh rằng, pháp nạn do tác động của hoàn cảnh và thế lực khách quan, cho dù bạo liệt đến đâu, cũng dễ tìm ra phương thức giải trừ. Nhưng pháp nạn do tác động nội tại “sư tử trùng thực sư tử nhục” sẽ tạo nên một sự khủng hoảng thật xót xa:
Môi hở thì lạnh tới răng.
Trùng trong sư tử tự ăn thịt mình.
Sự bất đồng nội bộ thường là nguyên nhân của sự phân hóa có khi vô phương hóa giải nếu không có một nguồn suối sức mạnh dấy lên và tỏa chiết từ bên trong.
Hiện trạng Phật giáo Việt Nam trong những năm qua – ít nhất nữa thì cũng về mặt hình thức và tổ chức – đang đứng giữa (theo khuynh hướng bi quan) hay đang đứng bên bờ (khuynh hướng lạc quan) của pháp nạn. Pháp nạn Phật giáo Việt Nam hiện nay là tứ chúng chưa có điều kiện đồng tu và tăng già chưa có điều kiện hòa hợp. Hai khuynh hướng chư tăng thân chính quyền và chống chính quyền đang đóng cửa nhìn nhau, chưa tìm ra một mảnh đất chung, khách quan hợp lý để hóa giải những khác biệt cơ bản của nguyên nhân phân hóa. Tứ chúng, như một “phản ứng có điều kiện” tất nhiên, là theo khuynh hướng thầy tổ của mình. Vô hình chung, quần chúng Phật tử tự động phân hóa theo “phía bên nầy hay phía bên kia.” Sự phân hóa khi âm thầm, khi hiển lộ đã kéo dài hơn 20 năm.
Phật giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước đang lâm vào cảnh phân hóa. Sự thay đổi về chính trị và thế quyền luôn luôn có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự sinh họat tôn giáo và giáo quyền. Phật giáo trong nước chia làm hai khối: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thành lập từ năm 1964 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập từ năm 1982, hay còn gọi là Giáo hội Phật giáo Nhà nước, Phật giáo thuộc Mặt trận Tổ quốc (Cũng có người gọi là “Phật giáo quốc goanh” nhưng cách gọi nầy là không đúng, đơn giản vì tôn giáo không phải là một thành tố kinh tế mà là một thực thể nhân văn trong một đất nước.)
Về mặt cấu trúc, hệ thống thế quyền nhà nước Việt Nam đương đại có 3 cơ chế là: Ðảng Cộng sản, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc. Hệ thống giáo quyền Phật giáo có 3 cơ sở: Phật, Pháp, Tăng gọi là Tam Bảo. Nhà nước Việt Nam đòi hỏi tất cả các đoàn thể quần chúng và tôn giáo trong nước đều phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Nghĩa là các tổ chức tăng đoàn Phật giáo cũng giống như tất cả các đoàn thể quần chúng khác, phải nằm trong Mặt trận Tổ quốc. Quý thầy và sư cô trong hệ thống Giáo hội Phật giáo đòi hỏi Giáo hội và Tăng đoàn phải được tổ chức và sinh hoạt độc lập, đứng ra ngoài Mặt trận Tổ quốc. Ðấy chính là nguyên nhân trực tiếp của sự phân chia Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành hai khối khi các Thầy và Sư cô chọn lựa một trong hai thái độ làm phương tiện tu trì. Hoặc là nhất thiết phải đòi hỏi cho được thế độc lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ngoài cơ chế chính quyền, hoặc là chấp nhận một cơ chế chung áp dụng cho mọi tôn giáo và đoàn thể trong nước. Quý Thầy và Sư cô chọn thái độ độc lập với nhà cầm quyền Việt Nam đứng vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, quý Thầy và Sư cô chọn thái độ thứ hai mặc nhiên đứng vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên thực tế thì hầu hết quý Tăng ni và Phật tử chọn một thái độ tu hành thầm lặng. Một sự thầm lặng tích cực trong tinh thần “tùy duyên bất biến” của Phật giáo, xả bỏ những hệ lụy nhân sinh và chính trị để an tịnh tiến bước trên đường Ðạo. Như trong thư của thầy Thích Viên Ðịnh (GHPGVNTN) gửi thầy Thích Nhất Hạnh đề ngày 19-01-05 cũng đã xác định khuynh hướng nầy: “Như chư tăng ở Già Lam – Gò Vấp, hơn 70, 80 vị, cùng ở chung, cùng ăn chung, cùng tụng kinh, bố tát chung, cùng hoà hợp, nhưng trong đó có vị theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, có vị theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Mặt-trận, có sao đâu. Chùa Giác Hoa ở Bình Thạnh cũng vậy, trên 40 tăng chúng cùng tu học, có vị này vị khác chứ có theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hết đâu, nhưng vẫn hoà hợp bố tát, có chia rẽ gì đâu.”
Trong lĩnh vực tôn giáo và tâm linh, sự phân hóa không đồng nghĩa với vết cắt hình tướng vật lý. Khi một vết cắt đã có, nếu nó không hiện diện bên ngoài thì nó sẽ lắng vào bề sâu. Người theo đạo Phật nói chung, sau những biến cố của đất nước và đạo pháp, nhất là trong thời buổi mà các phương tiện truyền thông đại chúng quá nhanh chóng và tinh xảo nầy, không ai còn dễ dãi “giao khoán” đức tin Tam Bảo của mình vào tay bất cứ một thế lực nào. Ngoại trừ những nhóm mưu cầu đặc quyền đặc lợi (interest groups) từ tôn giáo, Phật tử Việt Nam đều cung kính đảnh lễ chư Tăng, Ni đạo cao, đức trọng. Ðạo đức Phật giáo đích thực không chấp tướng, chấp tánh; không căn cứ vào thành quả thế tục đầy giả tướng và phi Phật giáo như chùa to, chức lớn, thế lực, danh vị tôn xưng, đông người bảo hộ để đánh giá sai lầm về một đối tượng nào cả, nhất là đối tượng thuộc hàng cao tăng thạc đức trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo.
Sự tương tranh và phân hóa trong cuộc đời thường đã quá sức chịu đựng của người Phật tử nên họ tìm đến Ðạo như một chỗ dựa tinh thần. Họ là những dòng sông mệt mỏi vì đã trải qua nhiều sóng gió, giờ muốn tìm về với biển khơi an lạc thái hoà. Cuộc đời mỗi người quá ngắn và sự kiên nhẫn của mỗi người đều có giới hạn để họ có đủ nhiệt tình đối diện với một “Pháp Nạn tự thân” ngay trên con đường học Ðạo.
Phật tử trong nước cũng như ngoài nước đã trực hay gián tiếp biểu tỏ 3 thái độ: (1) Theo Giáo hội Phật giáo Thống nhất, (2) theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoặc (3) bên nào cũng theo hay không theo bên nào cả mà tự lập nhóm chuyên tu hay cá nhân tu hành độc lập tại gia.. Nếu không có một người dân nào muốn làm dân một non sông hận thù và chia cắt thì cũng chẳng có một người Phật tử nào lại muốn quý Tăng Ni trong hàng giáo phẩm quay lưng lại với nhau.
Cư sĩ Nguyên Trung trong bài viết: “Tâm lý tiểu xảo và tinh thần hóa giải của Phật giáo Việt Nam“, đăng ở tạp chí Thiện Hữu 19, viết:
“Trong suốt 20 năm qua, Phật giáo Việt Nam như một đại gia đình với hai tuyến nhân vật khác nhau. Những thành viên trong gia đình tránh mặt nhau hay vạn bất đắc dĩ phải gặp gỡ nhau một cách gượng ép. Ðạo Phật vẫn phát triển và sinh hoạt theo dòng sinh mệnh của dân tộc và con người. Song, người ta vẫn tự hỏi rằng, từ trong căn cơ và bản chất, đạo Phật là đạo Hóa Giải. Tinh hoa của tinh thần hóa giải đó đã vượt thắng những chặng đường pháp nạn gian lao nhất trong suốt 2500 năm qua. Tại sao 20 năm qua sự phân cách vẫn cứ còn giữ nguyên ranh giới? Chờ đợi một hoàn cảnh thuận lợi, một chế độ chính trị thích hợp, một quyền lực từ bên ngòai để “hoá giải” cho Phật giáo Việt Nam hay Phật giáo Việt Nam có đủ năng lực nội tại để hóa giải BIỂN LỬA GIỮA HOA SEN trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào?”
Câu hỏi tự nó không đợi một câu trả lời mà cần một sự trầm tư suy nghĩ…
MỘT GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỢP NHẤT vẫn là khát vọng chính đáng của tất cả hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia.
Thầy Nhất Hạnh và chuyến viếng thăm Việt Nam
Giữa dòng suy tư và trong một hoàn cảnh phân hóa vừa trình bày ở trên, thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn 190 Tăng thân Làng Mai (quy tụ từ 30 quốc gia khác nhau) từ Pháp về Việt Nam trong một chuyến viếng thăm 3 tháng vừa mang tính chất hành hương, vừa mang tính chất thuyết giảng và tu học, vừa mang tính chất thăm viếng.
Người ta sẽ rất ngạc nhiên nếu không có phản ứng nào từ phía quần chúng trong cũng như ngoài nước về chuyến viếng thăm nầy. Và, người ta sẽ ngạc nhiên nhiều hơn nếu chỉ có một phản ứng xuôi chiều, nghĩa là chỉ có ủng hộ hay chống đối. Người ở trong cũng như người ở ngoài đạo Phật hằng quan tâm đến sinh họat văn hóa và xã hội đều muốn biết và muốn nghe diễn tiến và tác dụng của chuyến đi nầy một cách khách quan và trung thực. Tôn giáo, tự bản chất, là một hiện thể ra đời để làm giảm bớt sự thống khổ về tinh thần của nhân loại. Thế giới nầy lại là một hợp thể từ đơn giản đến phức tạp; từ thấp đến cao. Vì vậy, con đường của tôn giáo là con đường trung đạo. Sự cực đoan trong tôn giáo sẽ đi ngược lại tinh thần tôn giáo. Thay vì tôn giáo ra đời để hóa giải những tranh chấp, hận thù và đau khổ, thì chính sự cực đoan sẽ làm cho tôn giáo vong thân, cùng gieo rắc hận thù và đau khổ.
Sự cực đoan trong môi trường truyền thông qua hình thức ca tụng quá đà hay lời lẽ đả kích thô bạo trong thông tin và bình luận về tôn giáo chẳng những không mang lại một ý nghĩa lợi ích nào cho ai mà chỉ tự trở thành chướng ngại đối với đa số quần chúng thầm lặng theo dõi. Ðiều nầy cũng đây đó xẩy ra một cách đáng tiếc trong chuyến về thăm Việt Nam của thầy Nhất Hạnh.
Mỗi cá nhân hay nhóm phái đều có một góc nhìn riêng. Nói như thiền sư Viên Minh: “Cũng chỉ là một dòng nước mà con cá thì thấy đó là lẽ sống, ngạ quỷ thấy đó là máu mủ tanh hôi, người thấy đó là dòng nước mát, bậc thiên nhân thấy đó là huyết mạch của đất trời… và đến cái nhìn tánh không của Phật giáo thì thấy đó chỉ là Không!” Trước một đối tượng, mỗi phía nhìn một cách không những hoàn toàn khác nhau mà có khi còn đối chọi lẫn nhau từ hiện tượng đến bản chất.
Cũng chỉ là vấn đề thầy Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai về Việt Nam, nhưng có vô số cách nhìn và tầm nhìn riêng biệt. Ðiển hình nhất là các khuynh hướng:
Người quan tâm đến lễ nghi, quan cách thì nhắc đến hình ảnh Phật tử cờ quạt đưa đón sắp hàng dài cả cây số và đợi chờ từ khi trời chưa sáng để đón thầy Nhất Hạnh.
Người thích chuyện Võ hiệp kiểu quần hùng Thiếu Lâm tự thì chú tâm đến chuyện thầy Nhất Hạnh gõ cửa đứng chờ mà các thầy Tuệ Sỹ, Huyền Quang, Quảng Ðộ không mở.
Người ưa chuyện “Ðồ tể quăng dao thành Phật” thì kể chuyện những đại lễ quy y tập thể của Phật tử thuộc nhiều thành phần xã hội với thầy Nhất Hạnh.
Người chuộng việc tham thiền thì nhắc nhở thiền Làng Mai: “Thở vào tâm rỗng lặng, thở ra miệng mỉm cười…” trong các khoá tu học của thầy Nhất Hạnh.
Người mến đạo Phật thì cho thầy Nhất Hạnh đã làm được việc lớn là hòa hợp được hai khối tu sĩ thuộc cả hai Giáo hội Phật giáo Thống nhất và Việt Nam ở các chùa Từ Ðàm, Từ Hiếu, Linh Mụ, Linh Quang… vốn dĩ đã không hoà hợp suốt 20 năm nay, lần đầu cùng ngồi lại bố tát (sinh hoạt tu học thường kỳ của giới tu sĩ) với nhau và ra thông cáo chung sẽ hòa hợp bố tát lâu dài.
Người đeo nặng căn cơ dục tính thì cứ đem thầy Nhất Hạnh với sư cô Chân Không làm đối tượng vu vạ, gán ghép theo tầm nhìn và cảm quan phù hợp với nhãn quan tính dục riêng mình.
Người có khuynh hướng chính trị cực hữu thì suy đoán rằng, thầy Nhất Hạnh về nước là theo khuynh hướng thân cộng, làm lợi cho phía nhà cầm quyền Việt Nam.
Và người thích đội nón quai… da, quyết đoán giản đơn thì đồng hóa luôn thầy Nhất Hạnh là cộng sản cho nó… khớp với lập trường quan điểm đã dấy lên và xẹp xuống từ 1963!
Ðối với khối người thầm lặng, tỉnh táo theo dõi tình hình, người ta không ngạc nhiên về sự khen chê, đả kích nhưng lại ngạc nhiên và thất vọng về sự đơn giản đến độ nghèo nàn, thấp kém của chiến thuật và nội dung đả kích. Khai thác dữ kiện làm căn bản cho sự chống báng một nhà sư với tầm vóc như thầy Nhất Hạnh mà người ta chỉ có thể đưa ra những “chứng lý” ở trình độ ngồi lê đôi mách, thiên hạ đồn rằng trong các con hẻm Việt Nam… thì quả là đáng ngạc nhiên. Ðối với những người sính chữ nghĩa, luận đàm thì bị thất vọng vì không ngờ thực lực phản công của phe chống thầy Nhất Hạnh ở hải ngoại lại “mỏng” và “vị thành niên” (adolescence: chữ của Kant) đến như vậy!
Thất vọng và hy vọng
Sau ba tháng thăm viếng, lắng nghe, thuyết giảng không ngừng nghỉ… phái đoàn thầy Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đã đưa ra một thông điệp nhất quán và xác tín, rằng là: Chỉ có Tấm lòng, Tình thương và Trí tuệ mới đủ sức hóa giải những hiểu lầm, nghi kỵ, phân hóa, đổ vỡ… do con người gây ra và con người hứng chịu. Cuối chuyến đi, thầy Nhất Hạnh đã đưa ra những đề nghị: Sáu điểm về sự cởi mở của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Bảy điểm về chính sách của nhà nước Việt Nam đới với Phật giáo. Giới quan sát khách quan cho rằng đấy là những đề nghị thiết thực và khả thi.
Trước khi về Việt Nam, từ năm 1998, thầy Nhất Hạnh và Đạo Tràng Mai Thôn chính thức được mời thuyết giảng tại Trung Quốc. Năm 2000, Trung Quốc Phật giáo Hiệp hội đã gửi một phái đoàn đại diện tất cả 48 tỉnh hội Phật giáo Trung Hoa lục địa do ông Dương Ðồng Tường, thứ trưởng và vụ trưởng Quốc gia Tôn giáo Vụ, hướng dẫn qua thăm Ðạo Tràng Làng Mai. Sau đó là những cuộc thăm viếng và thuyết giảng chình thức của phái đoàn thầy Nhất Hạnh tại Ðại Hàn. Mãi đến năm 2004, sau gần một năm thương thuyết gay go giữa chính quyền Việt Nam với đại diện Ðạo Tràng Làng Mai, thầy Nhất Hạnh và phái đoàn tăng thân Làng Mai mới được chấp thuận về thăm Việt Nam. Ðây không phải là một cuộc “thăm chui” để làm lợi cho một thế lực nào đó như nhiều “tin chui” đã loan báo. Ðây là kết quả một cuộc vận động khởi xướng từ Âu, Mỹ. Tại Pháp có Thượng Nghị sĩ Jean-Francois Poncet, Bernard Dussaut và Philippe Marini lên tiếng. Tại Thụy Sĩ, Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Flavio Cotti cũng đã viết thư trực tiếp cho chính phủ Việt Nam ngày 11-9-1998. Tại Mỹ Thượng Nghị sĩ John Mc Cain cũng đã viết cho Thủ tướng Việt Nam ngày 24-3-1998. Ông Frederick Mayors, giám đốc UNESCO cũng đã viết thư gửi đến chính quyền Việt Nam ngày 9-4-1999. Phương tiện và cường độ ngôn ngữ của mỗi nhân vật ngoại giao một khác, nhưng tựu trung đều có chung tiếng nói là họ đã biết rõ thầy Nhất Hạnh là ai và khuynh hướng tu học theo khuynh hướng Làng Mai như thế nào, để từ đó vận động kêu gọi phía chính quyền Viêït Nam chấp nhận cho thầy Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai về Việt Nam.
Nêu lên những dữ kiện kiểm chứng được trên đây, tôi không nhắm mục đích phê phán hay biện minh cho ai cả. Ðây không phải là hành trạng mang tính “thâm cung bí sử” của một nhà tu thường thấy trong các tuồng tích. Ðây là một thực tế rõ ràng mà mọi người đều có thể nhìn thấy, theo dõi và kiểm chứng được, nếu cần. Chuyến đi về nước của thầy Nhất Hạnh là cả một câu chuyện dài với nhiều tình tiết. Có nhiều tình tiết là câu hỏi mà phải cần thời gian mới thấy được đáp án. Những đáp án trong đạo Phật vượt ra ngoài tầm nhìn hạn hẹp của các khẩu hiệu chính trị nhất thời và sự suy diễn tùy tiện một chiều.
Sau 30 năm cuộc chiến Mỹ / Việt chấm dứt, hơn một nửa tổng dân số 84 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước ra đời từ sau năm 1975. Thế hệ tiền chiến Mỹ / Việt chỉ còn là vang bóng. Thế hệ chiến tranh Mỹ / Việt đang lụi tàn dần theo ngày tháng và thế hệ trẻ, thế hệ đàn em, thế hệ hậu chiến Mỹ / Việt đang từng bước thay cho thế hệ đàn anh lên cầm vận mệnh của đất nước. “Tre tàn măng mọc” là quy luật nhân sinh tất yếu và khách quan. Thế giới đang bước vào thế kỷ 21 với tốc độ siêu đẳng để đưa quần thể loài người gần lại với nhau như một “làng địa cầu” mà có thể xóm Ðông là Việt Nam và xóm Tây là Mỹ quốc.
Cùng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nói chung, trong lĩnh vực truyền thông, tin học, tốc độ nháy mắt và khối lượng khổng lồ của mạng lưới thông tin liên lạc đã tác động tận gốc rễ của đời sống tri thức. Những huyền thoại một thời đang nhường bước cho hiện thực và dữ kiện. Tri thức con người không còn dễ bị thuyết phục bằng niềm tin thuần túy không cần kiểm chứng như thời quá khứ.
Trong lĩnh vực tôn giáo và thần học, nhân loại đang bước qua bóng tối của sự khải huyền (mythologization) để bước vào ngưỡng cửa “giải huyền” (demythologization) của thế kỷ 21 nhằm đánh tan những huyền thoại, phá bỏ bức màn u tối của tình trạng vô minh để khai sáng. Người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần phải được hưởng những tiện ích thời đại cơ bản, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh riêng. Sự giao lưu quốc tế về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, nghệ thuật, tôn giáo… không còn là “xa xỉ phẩm” mà đang trở thành những nhu cầu thiết thân của đời sống. Sự chọn lựa tin hay không tin vào một hệ thống tín lý hay triết lý tôn giáo là quyền cá nhân. Tuy nhiên, dẫu tin hay không tin; theo hay không theo một tôn giáo hay một hệ thống triết lý nào đó thì việc trang bị một kiến thức phổ thông về tôn giáo, triết lý nói chung vẫn là quyền lợi chính đáng cần phải được tôn trọng.
Theo thống kê mới nhất của cơ quan Truyền thông Phật giáo Á Châu (Asian Buddhist Information. December, 2004. Volume VI- 2A) thì 95 phần trăm tuổi trẻ thế hệ từ 15 đến 30 tuổi tại Trung Hoa, Việt Nam, Ðại Hàn hoàn toàn không quan tâm hay thiếu sự hiểu biết căn bản về Phật giáo. Thống kê này còn cho biết là tỷ số giới trẻ “mù tịt tôn giáo” thấp hơn đối với các hệ thống tôn giáo có tổ chức sinh hoạt chặt chẽ như Thiên Chúa giáo, Tin Lành… Trước một thực trạng như thế, sự hiện diện của thầy Nhất Hạnh và Tăng Thân Làng Mai là một sự dấn thân tiếp cận tích cực để góp phần tạo điều kiện và phương tiện thuận lợi cho sự giới thiệu một hình thái sinh hoạt Phật giáo đặc biệt của Ðạo Tràng Làng Mai.
Nếu có chăng sự hoài nghi và thất vọng khởi lên từ phía nầy hay phía khác thì đấy cũng là những phản ứng tâm lý thông thường và dễ hiểu trong một hoàn cảnh tế nhị như hiện nay. Thế nhưng niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho Phật giáo tại quê nhà cũng đồng thời dâng cao sau chuyến viếng thăm của thầy Nhất Hạnh
Cầu nguyện cho Dân tộc và Ðạo pháp có đủ thiện duyên để hóa giải những xung đột và phi lý đang trùng trùng biến hiện trong biển lửa giữa hoa sen.
Sacramento, Cali. Mùa Phật Ðản 2005
Trần Kiêm Đoàn