Thiên hạ có trăm nghề, vạn nghiệp để sống, nhưng chưa có một nghề nào lại đạt được sự “đoàn kết nhất trí” cao vời và tuyệt đối như nghề dạy học. Xưa cũng như nay, Đông cũng như Tây, chủ nghĩa cũng như không chủ nghĩa… chỉ có nghề giáo là đạt được 3 tiêu chuẩn thống nhất, rằng là: Nghèo nhất, ít tham nhũng nhất và ít bị ghét nhất. Về mục “nghèo nhất” thì nghề giáo là vô địch nhân gian. Này nhé, cụ Khổng ngày xưa là “Vạn thế sư biểu” (làm thầy dàng trời thiên hạ), có cả vạn môn sinh nhưng suốt đời vất vả nghèo rớt mồng tơi. Ngày nay, đi mấy vòng quanh quả địa cầu cũng chưa thấy ông thầy giáo hay cô giáo có đủ tiền lương mua biệt thự hay tàu bay riêng cả. Cái mục tham nhũng thì chọn nghề phải theo nghiệp; không hẳn là bởi các ông bà giáo vô tư, biết làm thầy nhưng không biết làm tiền, nhưng nếu có muốn tham nhũng chăng nữa thì bảng đen, bụi phấn, bục giảng, học trò lấy gì mà tham nhũng!
Tôi sinh ra ở một làng quê chuyên nghề làm ruộng. Nghe danh các thầy giáo có cái chức “giáo” hay “trợ” đứng trước tên như Giáo Cương, Giáo Phong, Trợ Nghĩa, Trợ Toàn… là đã như thấy người ở “cõi trên” rồi. Cho nên, cái mơ ước cao nhất của một đưa bé quê ở làng như tôi là sau nầy được làm ông giáo. Không ngờ, ước mơ “trợ, giáo” thành sự thật!
Được làm ông giáo đứng trên bục giảng các trường trung học Việt Nam cũng đã vui rồi. Sự tình cờ của lịch sử được qua Mỹ, đứng trên bục giảng các trường đại học Mỹ càng vui hơn.
Dòng thời gian đi học kéo dài từ lớp vỡ lòng ở Làng Liễu Cốc Hạ với thầy Giáo Cương năm 1954 và ngày trình luận án Ph.D ở Nam Cali xứ Mỹ trước Hội đồng với Giáo sư Roy 46 Sumpter bảo trợ năm 1999, tính nhẩm cũng kéo dài 45 năm! Ngày xưa làm ông Nghè, ông Cống mới chỉ mười năm đèn sách (Thập niên đăng hỏa) quý phu nhân như bà Tú Xương đã than: “Lặn lội thân cò.. .” nghe quá tội rồi.
Thế nhưng dấu ấn đậm nét nhất của thời đi học vẫn là là những tháng ngày trên chiếc nôi quê mẹ.
Nếu có chăng một dòng Văn hóa Huế mang dáng vẻ chiếc nón bài thơ trong tổng thể Văn hóa Việt Nam – hình dung như một bộ trang phục toàn vẹn áo dài, nón dép, hoa lá điểm trang truyền thống – thì biểu tượng đậm nét nhất là gì? Núi sông thì đâu cũng có, cho dẫu là núi Ngự sông Hương. Đền đài lăng tẩm với hình rồng phượng, hoa văn, chữ nghĩa kiểu Tàu thì chưa hẳn là thuần tính dân tộc. Tôi vẫn thường nghĩ vẩn vơ như thế từ khi mới từ làng quê lên Huế học trường Hàm Nghi năm 1959. Ấn tượng “xứ Dinh” của miền đất “hoàng triều cương thổ” đối với một đứa bé quê như tôi là quá khứ của lịch sử.
Trường Hàm Nghi tôi học ngày đó vẫn còn nguyên là một quần thể kiến trúc của trường Quốc Tử Giám dành cho con quan, cháu chúa theo học. Buổi trưa, đám học trò làng chúng tôi, như thằng Cảnh, thằng Lân, thằng Phụ… vẫn thường rủ nhau mang mo cơm bới lên lầu Ngọ Môn bên cạnh trường ăn trưa và ngủ cho mát. Bác giữ đền coi chúng tôi như con cháu và thân thiện nói: “Chỗ tụi bay ngồi ngày xưa quan to mới dám đặt chân tới đó!”. Ôi, nắm cơm độn khoai sắn, gói trong mo cau với muối cà mắm ruốc mà bày ra trên Ngọ Môn năm cửa, chín lầu một thời vang bóng thì thật là… lịch sử! Cái cây “Văn hóa Huế” hiện ra mường tượng trong tôi có gốc là Quốc Tử Giám, thân là Hàm Nghi, Quốc Học; cành là Đồng Khánh… nhưng phải đợi đến khi Viện Đại học Huế ra đời vào năm 1957 mới đơm hoa, kết trái. Ở Huế mà được vào học trường đại học Huế là cả một sự danh giá. Năm 1966, tôi bước chân vào cái ngõ “danh giá” ấy sau cái kỳ thi tú tài 2… chết người của chương trình giáo dục nửa Thuộc địa, nửa Cộng hòa miền Nam.
Tôi bước vào đại học Huế với một sự bơ vơ tận cùng: Đậu tú tài ban B (Toán) lại vào học Văn khoa!
Số là sau khi thi đậu, được xếp hàng thứ 9, vào chương trình Dự bị đại học Y khoa Huế, toan làm bác sĩ, nhưng mới hoàn tất thủ tục nhập học thì gặp ngay hoàn cảnh anh đầu tử trận, mẹ quê già với khu vườn đủ sống đạm bạc ngày hai bữa, làm sao tôi có thể đủ điều kiện vật chất hỗ trợ để vật lộn toàn thời gian với chương trình y khoa suốt sáu năm trường?
Tôi phải thực tế hơn để sống còn với chương trình đại học 4 năm. Biết mình là dân ban toán, nhưng tôi kiếm đủ điểm đậu trong các kỳ thi Tú tài 1 và 2 lại nhờ vào các môn thi Quốc văn và Anh văn đạt điểm tối đa vớt vát nên ghi danh vào học Dự bị Văn khoa là thao trường của các con nhà văn chương ban C và Hán tự.
Niên khóa 1966-1967, chứng chỉ Văn minh Việt Nam được thành lập như một tiếng gọi thân thương mà hào hùng của lòng tự hào dân tộc. Giáo sư là những học giả và văn nghệ sĩ đã thành danh như các thầy Lê Văn Hảo, Bửu Kế, Phan Văn Dật, Vĩnh Phối… Từ một học sinh học với trình độ đủ sạch nước cản ban B của hai năm cuối trung học ở trường Quốc Học, sự đam mê văn học nghệ thuật của tôi bỗng được hâm nóng trong môi trường Văn khoa. Trong kỳ thi tuyển vào ban Việt-Hán của trường đại học Sư phạm Huế năm học 1967-1968, gã ban B (toán) tôi đỗ đầu, trên cả những giai nhân tài tử ban C (văn chương) toàn cả văn thơ chữ nghĩa đầy bồ!
Vào học chương trình đại học Sư phạm đào tạo giáo sư trung học đệ nhị cấp 3 năm, các sinh viên dự tuyển bắt buộc phải tốt nghiệp chương trình dự bị một năm.
Lớp đại học Sư phạm ban Việt-Hán của chúng tôi bắt đầu từ niên khóa 1967-1968 có 12 sinh viên.
Những ngày đại học Sư phạm Huế
Thời đó nghe cái danh xưng “Việt Hán” tôi rầu thúi ruột (!). Tại sao không gọi là ban Văn chương, ban Văn học Việt Nam, ban Quốc văn… cho nó trẻ trung, tươi mát, mượt mà với thế giới thi ca đầy viễn mộng mà gọi là Việt – Hán như một lớp đào tạo ra các cụ đồ Nho áo dài khăn đóng chỉnh chu ngồi rung 49 đùi uống nước trà nói trạng thế. Cái danh xưng lẩm cẩm đầy bảo thủ ngày xưa đó bây giờ cũng chẳng khá hơn khi được thay thế bằng cụm từ “Ngữ văn”. Trong “Văn” đã có “Ngữ” và có “Ngữ” mới có “Văn” thì hà cớ chi mà lại xài chữ trùng dụng, tối tăm và kênh kiệu vô ích đến thế. Trong khi các lớp ngôn ngữ và văn học của thế giới được xác định ngay một cách phân minh rạch ròi cả tên Nước, tên Chữ như: Trung Quốc (Trung Văn), Anh (English), Pháp (Français)… mà Tiếng Việt thì lại “Ngữ văn”, mà Ngữ văn của nước nào mới được chứ; hoặc muốn dịch ra ngoại ngữ thì dịch như thế nào. Chả lẽ Vietnamese mà lại dịch ra là “Ngữ văn” ư?! Ngược lại, Ngữ văn, nếu dịch ra tiếng Anh thì phải dịch thành “Language and Literature” hóa ra lại càng vô lý và vô nghĩa nữa. Sử dụng nhóm chữ “Văn Việt” hay “tiếng Việt” (Vietnamese) thay cho Ngữ Văn là thuần Việt, trong sáng và hợp lý nhất.
Tôi lại lang thang suýt lạc đường rồi. Tôi đang muốn nói đến lớp đào tạo “Thầy Cô” của chúng tôi. Lớp văn chương nghệ thuật nầy có “Ngũ hổ” là năm giai nhân, vì cô nào cũng đẹp, cũng xinh, cũng ngoan hiền… rất Huế như “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi” theo kiểu nói của Trịnh Công Sơn, nên xin liệt kê xếp theo vần ABC cho nó công bằng bác ái: Chi, Diệp, Giới, Tròn, Tú.
Chi học một thời gian ngắn thì ca bài “Từ giã thơ ngây em đi lấy… dzôn”. Diệp là em út. Cô này dễ thương vì hay hót như chim sơn ca. Nghe nói Diệp đang ở miền Nam và hơi hơi mai danh ẩn tích. Giới có vẻ là chị cả (mà mãi cho đến bây giờ, 52 năm sau, vẫn chưa biết các cô mấy tuổi) thuộc loại hùng biện nên sau 1975 làm MC nhà nghề. Mấy đứa nhát gan như Hoàng Thạch Tú, Lộng Chương gọi Giới bằng chị có lẽ vì tâm phục, khẩu phục bà chị này sao đó. Giới hiện đang ở San Jose, Hoa Kỳ. Tròn là giai nhân ít nói nhất, không hề làm mất lòng ai, lúc nào cũng đúng giờ đúng giấc rất “ra gì với núi sông”. Hiện Tròn đang ở Sài gòn và nghe nói rất có duyên lành với cửa Phật. Tú, người có tên hay nhất – Võ Thị Cẩm Tú – là một người ăn nói nhỏ nhẽ, hay chia sẻ chuyện bốn phương với bạn bè. Cuối đời, Tú ăn chay trường và đã nhẹ nhàng ra đi mấy năm về trước tại nhà riêng ở gần Đập Đá.
Về phía nam giới thì lớp Việt Hán 67-70 có cả thảy là 7 cụ: cụ Ban, cụ Chương, cụ Hồi, cụ Hoài, cụ Tú, cụ Tường và tôi, cụ Đoàn.
Cụ Ban, Ngô Văn Ban, người xuất thân từ núi Thành (thành Diên Khánh, Khánh Hòa). Cụ theo môn phái nghiên cứu Văn hóa văn học dân gian cho nên lúc nào cụ cũng vui vẻ “an bần lạc đạo” với bằng hữu. Sau ngày gác “kiếm giấy” về hưu, cụ xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hóa văn học dân gian được… bá tánh cùng giới khảo cứu ngưỡng mộ và thưởng thức rất chi là quý trọng.
(Năm 2012, vợ chồng Kiêm Đoàn từ nước ngoài về “du Nha Trang” gặp NVB sau 42 năm xa cách, lúc đó NVB vừa tròn 70).
Theo thứ tự ABC, Chương là nhân vật thứ nhì bị nhắc tới. Cụ Chương trẻ nhất đám với cái tên “gươm đàn nửa gánh” là Lê Đình Lộng Chương. Cụ Chương hay cả thẹn. Gặp nàng Túy Ngọc là mặt đỏ bừng “ấp úng không ra được nửa lời”! Cụ học giỏi nhất lớp, mới hết năm thứ nhì thì đã đỗ cử nhơn tại đại học Văn khoa. Chương làm thơ rất ý vị: Đường-Mật-Tự-Do đủ thể loại, hiện sống tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hồi, tên sử sách là Đỗ Trọng Hồi. Tên tình sử bị gọi là Nùng Xửng vì chàng da bánh mật làm dân “ngẵng” trong lớp tưởng tượng như người Nùng và thương sương khói cô bé con nhà mè xửng Song Hỷ. Hồi là người tử tế nhất lớp, giúp bạn tận tình và nhẹ nhàng chẳng mất lòng ai. Người tốt thường đi sớm “… bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” nên Hồi đã vĩnh viễn xa bạn bè vào năm 2015. Tôi có làm một bài Điếu văn tiễn biệt bạn Hồi:
ĐIẾU VĂN
Thương tiếc bạn Đỗ Trọng Hồi:
Người bạn đồng môn Đại học Sư phạm Huế, khóa Phan Châu Trinh (1966-1970); đồng hương Huế và đồng cảm trong tinh thần giải thoát của đạo Phật.
Đã từ Sài Gòn về quê hương Long Thọ Huế lúc 12 giờ trưa và trở lại cõi rỗng lặng hoàn không lúc 19 giờ ngày 2 tháng 7 năm 1915.
Hồi ơi!
Mùa Đông trên quê hương buồn lắm phải không
Chuyến xe trưa về Huế nao lòng
Quê xưa kịp nói lời ly biệt
Cõi đi về không lại hoàn không
Nhớ Bạn xưa:
Thuở quê mình khói lửa
Tuổi trẻ chợt già thân phận nước non
Sớm tụ, chiều tan, kẻ mất người còn
Cảnh dâu biển mõi mòn chân ngựa đá
Thương bạn Đỗ Trọng Hồi
Một thời bão nổi:
Tuổi trẻ yêu quê hương đạn bom bốn hướng
Sách vở, trầm tư, lên lớp, xuống đường
Những ngày biến động đi qua Huế
Để lại đằng sau những tiếc thương
Nhớ ngày qua
Tuổi 20 mộng đời khai phá
Thư viện, giảng đường mơ áng kinh luân
Chọn con đường Sư Phạm Văn Chương
Bốn năm đèn sách
Đến lúc ra trường
Ngày Tốt Nghiệp
Khóa Phan Châu Trinh, tên người khai sáng
Giới, Diệp, Ban, Hồi, Tròn, Cẩm Tú
Tường, Đoàn, Thạch Tú, Lộng Chương, Hoài
Bảy nam bốn nữ
Việt Hán toàn ban rộn tiếng cười
Ôi! Một thời…
Mới đó đã xa xưa
Thời những giáo sinh thành những giáo sư:
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”
Lời xưa còn đó
Mắt sáng ngời lòng thoáng bóng thiên thư:
Bục giảng, học trò, tương lai, danh dự
Chia tay nhau hớn hở lên đường
Ngày vào đời
Những vùng trời quê hương
Với đàn em yêu thương
Nghiệp bụi phấn ngỡ không còn thay đổi
Mới nửa đời lịch sử đã sang trang
Bởi “sách vở ích gì cho buổi ấy”
(Cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa từng xót xa trông thấy)
Nên thầy, cô rời bục giảng, xa trường
Hỡi ôi!
Nghề nghiệp đa mang
Thân cò cơm áo
Thầy trò nhìn nhau lơ láo
Trường xưa, bạn cũ về đâu
Đứa xốc nổi vượt biên qua xứ khác
Đứa chậm chân còn ở lại bên cầu
Đứa khó, đứa giàu; đứa quan, đứa tớ
Cuối đời rũ áo tìm nhau…
Nhớ bạn xưa:
Lần cuối cùng hội ngộ
Năm tên Hồi, Tín, Nhẫn, hai Đoàn
Bên quán phở Sài Gòn
Cà phê buồn nhắc chuyện nước non
Tỉ tê bè bạn
Đứa đi tu thành tiên thành thánh
Chờ ngày đắc đạo công thành
Đứa giữ cháu giúp vợ hiền vặt vãnh
Ăn chơi chờ chết… hoàn danh!
Đứa bệnh tật đếm từng ngày cuộc sống
Quỹ thời gian còn chút cặn mong manh
Như phim bộ mười chương mười tập
Đã vui buồn xem hết chín rồi a…
Thương thay…
Một cuộc Ta bà
Vô thường
Thổi hắt đèn hoa trận cười
Bạn hiền
Hết cuộc rong chơi
Công danh chi lắm
Cũng đời phù du
Tiễn nhau
Về với thiên thu
Thì thôi
Bóng xế trăng lu
Cũng đành
Bạn ơi! Tương biệt:
Dẫu tương phùng là khởi điểm của chia ly
Và báo thân — đất nước gió lửa – thôi đeo đẳng
Thì thong dong ra đi
Hương linh vân du rỗng lặng
Và nhẹ nhàng
Không lại hoàn không
Sacramento, California 3-7-2015
Trần Kiêm Đoàn
. (NVB ghi chú ảnh: Ảnh do NVB chụp Trần Hoài và Lê Nỡ tại cửa biển Thuận An, Huế năm 1970. Lê Nỡ, sinh viên khóa Cấp tốc PCT, ban Pháp văn, người “không cao” khi đứnh cạnh “người cao” Trần Hoài. Bạn Nỡ đã mất tại SG cách đây gần 20 năm và hiện nay được thờ tại một ngôi chùa ở ngoại thành thành phố Nha Trang).
Chừ đến lượt điểm danh cụ Trần Hoài. Đây là nhân vật “tam nhất” của lớp: Cao nhất, tên ngắn nhất và “Hán rộng Nôm cao” giỏi nhất lớp. Cụ Tam Nhất nầy đỗ thủ khoa toàn khóa Phan Châu Trinh năm 1970. Tánh tình bình bình không nóng, không lạnh nhưng sâu sắc và đáng tin cậy. Cụ Hoài Nhân hiện là nhân vật duy nhất của lớp cố thủ Thành phố Huế.
Tú Xờm là phương danh của cụ ông Hoàng Thạch Tú. Xuất thân từ vùng Nem Lụi Sãi nên nói giọng Quảng Trị đẽo dẹo và tếu tếu tuyệt vời (good sense of humor)! Cụ là học trò… ngoài Quảng vô thi nên một thời đào hoa phong nhã ngầm với các giai nhân xứ Huế (phải chọc cho bà Tú ghen chơi!). Hiện cụ Tú đang sống tại Đà Nẵng nhưng thường vói tay nghìn trùng bình luận trên các trang mạng xã hội xàng quanh thế giới duyên dáng, dễ thương và thu hút vô cùng.
Và chót nhưng không chét (last but not less) là cụ Trần Đăng Tường. Tường mảnh mai số một trong lớp nhưng giọng nói vang vang, nghịch nghịch mà vui nhất lớp. Tôi và Tường thân nhau vì đồng bệnh tương lân trong sự nghiệp phá rối trị an của lớp. Đó là nhại thầy và chọc bạn. Cam đoan cả trường đại học Huế xưa nay, chưa ai dám đội được cái mũ nỉ đen linh mục của cha Nguyễn Văn Thích, giáo sư Hán học cả. Nhưng tôi và Tường đã từng chờ Cha quay lưng là mượn tạm cái mũ của Cha chụp lên đầu và đi quanh lớp. Thậm chí giả giọng hát của Cha trong điệu ca Huế dân gian và lời giảng bài Trung Dung “Thành giả thiên chi đạo dã”. Chưa hết! Tôi cũng hợp tác chặt chẽ với Tường trong các vụ đổi tên quý cô nương trong lớp. Chúng tôi là đồng thủ phạm đổi tên bạn Tròn, bạn Giới, bạn Tú…
Ngày gần cuối năm 1970, chúng tôi chia tay đi nhận nhiệm sở nằm rải rác trên một địa bàn từ Quảng Trị đến Bình Định, Tuy Hòa, Khánh Hòa. Đứa nào cũng bùi ngùi khi xa Huế nhưng hình như không có ai bùi ngùi khi xa nhau. Bốn Cô bảy Thầy thành mười một bạn trai hay bạn gái toàn ròn, nghĩa là suốt ba, bốn năm học ngày hai buổi với nhau mà lửa tình chưa hề nhá giữa cặp cô cậu nào. Lớp Sư phạm Việt-Hán chúng tôi là thế đó. Ngày hai buổi gặp nhau hồn nhiên như Eva và Adam thời chưa ăn trái cấm.
Hôm nay, một ngày mùa Đông cuối năm mưa dầm lạnh lẽo ở California, nhắc lại lớp mình ngày xưa mà cảm thấy mũi lòng khi tưởng nhớ các giáo sư thời sư phạm hầu như đã ra đi vĩnh viễn chẳng còn ai ở quê nhà. Nhớ bạn Cẩm Tú và Trọng Hồi không còn nữa. Nhớ thầy Nguyễn Quới, thầy Nguyễn Đức Kiên, Cha Nguyễn Văn Thích, cha Nguyễn Tiến Huynh, Thầy Nghè Lê Văn Hoàng, Thầy Nguyễn Văn Tường… giờ đã thành “những người muôn năm cũ”.
Tại Mỹ hôm nay, có ba giáo sư đại học Sư phạm lớp chúng tôi là các bậc cao niên còn tại thế: Thầy Đoàn Khoách, thầy Nguyễn Đăng Ngọc và thầy Trần Quý Phiệt.
Năm 2020, kỷ niệm 50 năm ngày tốt nghiệp khóa Phan Châu Trinh năm 1970 đại học Sư phạm Huế. Năm nay, các bạn trong nhóm tổ chức quyết định làm ngày kỷ niệm tại Huế trong dịp ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đầu tháng 4 Dương lịch. Năm mươi năm, nửa thế kỷ, còn tồn tại trên dòng đời để được gặp nhau quả là một hạnh phúc hiếm hoi và chắt lọc của độ tuổi U-80 và U-90. Một dòng thời gian trôi xuôi và một chặng đời để sống. Ngoái lại đằng sau là kỷ niệm; trông vời phía trước là tĩnh lặng hư không hay cũng chỉ là những ước mơ trong ý niệm.
Dẫu muốn níu kéo hay xua đi thì thời gian và dòng đời vẫn đang đến và đang qua. Biết lấy vô thường làm thường là nhìn được ánh sáng cuối đường hầm của hạnh phúc. Trên “chuyến tàu hoàng hôn” đó, mỗi cuộc hội ngộ là một mảnh đời vui sống nắm bắt được trong tay. Hà tiện với thời gian nhưng phải hào sảng với cuộc đời để mai tê mỉm cười tự tại khỏi xăng văng tiếc nuối mình đã ra đi mà không bao giờ trở lại.
Sacramento, Cali những ngày cuối năm 2019
Trần Kiêm Đoàn