Chiều mưa Đà Lạt uống rượu Hà Sỹ Phu Đêm Ca Li nghe thơ Bùi Minh Quốc

Ghé thăm Đà Lạt chỉ có bốn bữa mà đã có ba chiều mưa. Người ta vẫn nghĩ về một Đà Lạt mù sương, một thành phố cao nguyên với những đồi thông qua nhiều thế hệ. Hình ảnh những cây thông con cháu chen chúc với cây thông ông bà thường gây ra một sự liên tưởng và so sánh trong tôi về ý niệm thời gian; về bước đi không chậm, không nhanh, không có gì cản lại nổi của tiến trình thành, trụ, hoại, không. Tôi thường nghĩ về Đà Lạt khi đi trên những con đường của Lake Tahoe gần nơi tôi đang ở; và khi mới trở lại Đà Lạt lần nầy tôi lại nghĩ về Lake Tahoe. Người có hai quê hương – mẹ ruột và mẹ nuôi – như những người Việt xa quê thường vẫn bị đặt vào trong trạng thái “tâm lý phân thân”: Ra đi xa xứ ngậm ngùi; miếng ngọt nhớ mẹ, miếng bùi nhớ cha. Ăn một miếng bánh Hamburger trên góc phố New York, cũng nhớ đến ổ mì xíu trong đêm khuya ở con đường hẽm Sài Gòn. Có lẽ tại vì Mỹ giàu hơn nên mồm mép cũng có “gang thép” hơn để đưa Lake Tahoe vào trong danh sách “100 nơi cần phải đến trước khi chết”! Trong lúc Đà Lạt xứng đáng là “một trong 7 nơi (thất tình) cần phải biết trước khi bắt đầu hay chấm dứt một cuộc tình”.  Tôi đoan quyết như thế vì những chiều mưa Đà Lạt làm cho người ta dễ thấy cô đơn với chính mình hơn bao giờ hết. Mưa chiều Đà Lạt tầm tã, sướt mướt, dữ dội như muốn trói người ta vứt xuống đáy hồ. Nhưng khi cơn mưa qua rồi thì những con đường, hàng thông và dốc núi đều có vẻ như mềm mại, tươi mát và mời gọi những bước chân đi mà không biết đi về đâu. Hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu chăng?

Những ngày “du lịch tùy duyên” của tôi ngắn lại với những chiều mưa Đà Lạt như chiều nay; có lẽ ngắn lại với thời gian mà dài ra về những thú vị bất ngờ. Tiêu Dao Bảo Cự và tôi dừng xe Honda  trước cửa chợ Đà Lạt, chờ Bạch Yến và Lê đang mua sắm không biết khi nào mới ra. Mưa chiều nhẹ dần nhưng vẫn chưa cởi ra được chiếc áo mưa kiểu con bươm bướm rộng thùng thình. Bất ngờ, Bảo Cự đề nghị:

– Tụi mình ghé nhà anh Hà Sỹ Phu chơi hỉ!

Ý kiến của Bảo Cự làm lóe lên trong tôi một điều mong mỏi đầy thích thú. Ừ, phải rồi, đây là đất cắm dùi của nhóm “tứ nhân bang” Đà Lạt đối lập với chính quyền Việt Nam đã tụ hội từ hơn 10 năm trước: Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự. Cho đến tuổi về hưu như hôm nay, tôi có 28 năm sống ở Miền Nam trước 1975, bảy năm ở Huế sau 1975 và 30 năm ở Mỹ. Trong cả ba chặng đường đời, ở thời nào tôi cũng nghe vọng âm bầu không khí lý tưởng của con người: Tự Do, Dân Chủ. Tùy theo cá tính và hoàn cảnh không ai giống ai của mỗi người mà nếm trải hương vị “mặn, nhạt, chua, cay lẫn ngọt, bùi” của chiếc bánh muôn năm đầy vẻ gọi mời mà khó nuốt. Chiếc bánh “Tự Do, Dân Chủ” mang đủ màu sắc thương hiệu từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Chiến tranh và quyền lực chính trị thường là những đối thủ đáng gờm nhất của Tự do Dân chủ. Phong kiến, thực dân, quân phiệt, độc tài đều nhân danh Tự do, Dân chủ để bót nghẹt tự do và tù đày dân chủ.

Rát mặt, muối mặt, chai mặt hay tươi mặt, mát mặt… đối diện với Tự do Dân chủ là một kinh nghiệm quá rõ ràng, hằn sâu trong ký ức và máu thịt của những người Việt đã từng sống qua ba cảnh đời đen trắng phân minh như thế hệ Chiến Tranh Việt Nam chúng tôi. Là một người cầm bút (và gõ bàn chữ) không chuyên nghiệp, tôi có những sách in và bài tiếng Việt đã được đưa lên môi trường truyền thông đại chúng cả “bên ni” và “bên tê”, nên cũng có dịp hiểu rõ bằng chính mồ hôi và nước mắt của mình thế nào là sức sống và tinh thần phản kháng của người cầm bút đối mặt với cường quyền và công luận. Trong một chế độ “toàn trị” (chữ của nhóm Đà Lạt thường dùng) lương tri của người cầm bút luôn luôn bị thử thách như nhân vật quyết đấu trước hùm beo, sư tử và ác thú. Có khi đối thủ hung hãn nhất lại chính là hai kẻ kẻ cùng mang chung thân phận nô lệ với nhau. Nó gian nguy, đảm lược và liều lĩnh đến mức độ nào trong hoàn cảnh của Spartacus trên đấu trường La Mã: Giết hay bị giết; cúi đầu để tồn tại hay vươn lên để bị hành hình trên giá ác. Sự chọn lựa nào cũng có nỗi đau riêng của nó; nhưng sự dấn thân bao giờ cũng khó khăn và mất mát nhiều hơn là nỗi đau chịu đựng của niềm tủi nhục âm thầm.

Mùa Hè năm 2006, cũng buổi chiều Hà Nội trời mưa giữa mùa Hè như mưa Đà Lạt hôm nay, tôi được Văn Thanh đưa đến thăm nhà thơ Lê Đạt. Vào chợ Đồng Xuân mua mấy cân trái vú sữa làm quà và nghĩ đến Lê Đạt của những ngày Nhân Văn Giai Phẩm tôi cảm thấy mình khiêm tốn và nhỏ bé quá. Những nhà thơ, nhà văn phản kháng trong hoàn cảnh ngày ấy không phải chỉ có cảm nhận mơ hồ mà đã đọc rõ tên mình gắn trên giá hành hình khi sáng tạo. Khi nắm bàn tay mềm và ấm của nhà thơ Lê Đạt, tôi muốn trân trọng nói lời cám ơn của thế hệ đàn em đối với những nghệ sĩ đàn anh đã dám sống cho liêm sĩ của người cầm bút. Năm sau, còn nhớ lời hẹn rủ nhau đi ăn tô phở Bát Đàn; nhưng ngày tôi về lại và ghé Hà Nội, Lê Đạt không còn nữa. Lời nhắn lại hôm chia tay với anh vẫn “có mặt trên từng cây số”, rằng: Hãy “chơi với người tử tế”. Người tử tế là ai trong dòng sống một trăm người tục, một chục người thanh nầy?!

Chiều nay, trước khi ghé nhà thăm anh Hà Sỹ Phu tôi nhờ Bảo Cự đưa tới tiệm rượu Vang Đà Lạt. Khi chọn mòn quà nhỏ tặng Hà Sỹ Phu, tôi cũng có cùng cảm nhận như buổi chiều Hà Nội năm năm về trước ghé nhà thăm anh Lê Đạt.

Một người dáng gọn gàng với mái tóc bạc bềnh bồng và nụ cười nồng đượm thân tình không dấu diếm dang tay đón khách là hình ảnh đầu tiên khi tôi bước vào căn nhà quá khiêm tốn mà ấm cúng trên góc phố nhỏ Đà Lạt của anh Hà Sỹ Phu.

Hình như chúng tôi không cần chén rượu vang để hâm nóng tình thân hữu vì đã gặp nhau thường xuyên trên các trang mạng. Hỏi han chưa hết lời thì bất ngờ có bác sĩ Phạm Hồng Sơn mới từ Hà Nội vào thăm. Anh vừa mãn tù và thời hạn bị quản chế vì can tội đặt trái tim và cái đầu… đúng chỗ. Được biết Phạm Hồng Sơn qua báo chí, không ngờ anh còn trẻ đến thế, mới “tứ thập nhi bất hoặc”. Sơn gọi tôi “chú”, xưng “cháu” tự nhiên như những người bạn cũ.

Chúng tôi quây quần quanh chiếc bàn tròn trong gian nhà nhỏ của anh Hà Sỹ Phu.

Từ trái sang phải: Phạm Hồng Sơn, Hà Sỹ Phu, Trần Kiêm Đoàn, Tiêu Dao Bảo Cự.

Trong lúc chị Hà Sỹ Phu lo pha trà thì anh Hà Sỹ Phu đã rót rượu ra bốn ly nhỏ. Anh đưa tay mời khách và giải thích rằng, đây là một loại rượu trắng do anh tự pha chế. Nhìn rượu trắng trong vắt, tôi liên tưởng tới rượu Làng Chuồn ở Huế, rượu Cuốc Lũ ở Bắc, rượu gạo đồng bằng Nam Bộ, rượu Sakê của Nhật và rượu Vodka của Nga mà tôi từng có dịp nếm qua. Cầm ly rượu nhỏ trên tay, tôi hỏi rượu nầy tên là rượu gì. Anh Hà Sỹ Phu cho biết, ngày trước anh tự tay làm ra rượu từ A đến Z, nhưng bây giờ chỉ giới hạn trong vòng pha chế. Tôi nhấp một chút, quả tình là rượu quá ngon. Ngon là một sự định vị rất chủ quan. Có khi ngon vì… lạ. Có khi ngon vì tiếng đồn. Có khi ngon vì thâm cung bí sử của một cảm xúc ân tình nào đó. Tôi cảm nhận được độ mạnh của rượu – xin tạm gọi là “rượu Hà Sỹ Phu” để phân biệt với rượu Thiên Tường, rượu Đồng Tháp… – cũng nồng nồng tới “80 proof” nước đầu của loại rượu nếp nấu theo cách thủ công dân gian ở xứ mình.

Biết anh xuất thân là một tiến sĩ sinh học với tài làm rượu độc đáo đến như thế, tôi hỏi là tại sao anh không đưa vào kinh tế sản xuất đại trà, Hà Sỹ Phu chỉ cười mà không nói gì, Tiêu Dao Bảo Cự góp ý:

– Nếu có rượu Hà Sỹ Phu trên thị trường thì đã không có “Ngón tay chỉ đường…” của Hà Sỹ Phu trên đấu trường chống nòi toàn trị.

Sau khi mỗi người nâng cốc thứ hai cho “ấm lòng chiến sĩ”, Hà Sỹ Phu và anh em vào chuyện:

Thật ra, người ta pha rượu bằng những vật liệu thiên nhiên và nhân tạo có sẵn cũng như Karl Marx sử dụng những tư tưởng luận lý và các phép biện chứng Đông Tây – kể cả dòng chính thống và ngụy biện – để chế ra chủ nghĩa Mác Xít.  Nhân loại đi theo một con đường phát triển về thiên nhiên, xã hội, tư tưởng và tâm lý tự nhiên. Các phương thức làm ra của cải vật chất và cách quản lý, phân phối tùy theo từng thời kỳ và tình trạng xã hội mà theo. Làm gì có đất hứa cho những công thức và khẩu hiệu đóng khung đầy ảo tưởng gọi là “chủ nghĩa Tư Bản” hay “chủ nghĩa Xã Hội” để tạo ra những thế đối nghịch thiếu tính nhân bản cổ xúy con người ươm mầm và nuôi lớn tình trạng nghi kỵ, hận thù, phủ nhận và giết nhau. Tội ác của nhân loại khởi nguồn từ sự ngụy tín “nhất trí” mà những tay trùm quyền lực đã nắn ra. Theo lẽ tự nhiên, có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu ý khác nhau. Không tôn trọng sự khác biệt mà cứ bá vơ cột buộc những chân trời tự do vào một bó rồi dán lên đó nhãn hiệu “đồng tâm nhất chí tất cả như một” là vô minh. Trong Mười Hai Nhân Duyên – cơ sở lý luận căn bản của đạo Phật về mầm mống và sự phát triển xã hội – thì vô minh là nguồn gốc khởi đầu cho mọi đau khổ và tội lỗi dây chuyền. Như thế, dẫu có một loại rượu do Hà Sỹ Phu chế ra; dẫu có một loại xã hội do Marx chế ra; dẫu có một hệ thống xã hội do đức tin mà vị giáo chủ nào đó chế ra… thì cũng chỉ để “nhấm nháp”, quan sát, suy niệm hay tham khảo. Ai muốn uống thì cứ uống, ai muốn theo thì cứ theo. Bắt mọi người cùng theo là vô minh, là khởi đầu cho mọi đau khổ và tội ác. Nhóm Đà Lạt quan niệm vũ khí căn cốt để giải phóng con người là vận dụng tinh thần, đường lối và cơ chế chính trị, xã hội là phân quyền, phân nhiệm “theo ngón tay chỉ đường” của những con người trung thực biết sống và dám chết cho khát vọng dân chủ và tự do đích thực.

Cuộc chiến đấu của nhóm Đà Lạt ngỡ như đơn giản mà “chết người trên cạn” như chơi. Đơn giản như thằng bé trong truyện “Chiếc áo Đại triều” của Anderson. Tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên và trong sáng, thấy vua trần truồng thì nó nói: “Lêu lêu, vua ở trần ở truồng như con bê đực!” Mặc kệ những người tai to mặt lớn chung quanh đua nhau dối mình, dối người, hết lời ca ngợi chiếc áo đại triều lộng lẫy mà thực chất chẳng có gì cả, ngoài một sự lừa dối… vĩ đại. Ai cũng nhân danh “sự thật” dối trá; trong khi chỉ có một sự thật là nhà vua đang không có một mảnh vải che thân vì bị lũ gian “vĩ đại” hơn đánh ngã bằng đòn tâm lý. Một xã hội quay cuồng chung quanh nhà vua đang mê man trong cơn say quyền uy và danh vọng thì phải cần đến “xích tử chi tâm – lòng trẻ thơ trong sáng” và não trạng không bị khống chế, ràng buộc.  Phải tháo gỡ sự dối trá. Chỉ biết nói thật mà không quan ngại gì gươm giáo chung quanh.

  Chiều mưa Đà Lạt tạnh đã lâu mà tâm tình thì khó dứt. Mong tái ngộ với “những người tử tế”! Đường đi khó… Nhóm Đà Lạt và đặc biệt Hà Sỹ Phu nhắn gởi với thế hệ đàn em như Lê Đạt năm nào: “Núi cao chẳng phải vì núi cao không với tới mà bởi tâm lý tự thấy mình thấp hèn nên núi trở thành cao…”

Hôm sau, chúng tôi từ giã Đà Lạt, đi xe buýt Thành Bưởi từ Đà Lạt về Sài Gòn mất gần hết một ngày. Và mấy bữa sau, khi từ Sài Gòn tới San Francisco, ngồi trong bụng máy bay vận tải Boeing mất 16 giờ, có lúc tôi lan man cười cợt với chính mình khi nhớ “hầm tối lại là nơi sáng nhất”!

Chiều Cali, gặp Bùi Minh Quốc tại Thung lũng Hoa vàng San Jose. Với ba lô du lịch “bách xách” (back pack) trên vai, một gã ở độ trung niên tóc muối nhiều hơn tiêu, mặt mày hồng hào với nét nhìn phong trần và miệng cười lãng tử bước vào nhà bạn Nguyễn Thị Giới cùng với hai người khách lạ. Tôi cũng vừa mới từ Sacramento về đây đón bạn Vĩnh Trung đã 42 năm rồi chưa gặp. Một cuộc hội ngộ không hẹn trước – tuỳ duyên ? – và đây là lần đầu tôi được gặp Dương Hương Ly (bút hiệu của Bùi Minh Quốc), tác giả của bài thơ Đất Quê Ta Mênh Mông mà tôi thường nghĩ là bài thơ có hồn,  có phách nhất được trích dạy trong sách giáo khoa văn học Việt Nam sau 1975. Tôi vẫn thường đặt con người văn chương trên con người chính trị vì chính trị là nhất thời mà văn chương đích thực là miên viễn.

Gặp nhà thơ Bùi Minh Quốc trên đất Mỹ nhưng tôi vẫn có cảm tưởng như đang gặp anh đâu đó ở quê nhà, bởi vì hầu hết anh chị em có chút duyên nợ cầm bút mà tôi vừa gặp tháng trước ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn… đều có những suy nghĩ và trăn trở rất giống nhau. Có lẽ không phải vì vô cớ mà Mao Trạch Đông miệt thị giới “trí thức tiểu tư sản” thậm tệ đến như thế. Tinh thần “gà cồ ăn quẩn cối xay” xuất phát từ tâm lý muốn yên thân và sợ hãi đã chiếm ngự cả một thế hệ đang về vườn hưu trí. Tâm lý “gà công nghiệp đông lạnh” đó đã mất hết hồn xưa, tạo ra một lối nhìn mà không thấy; một lối viết cho đầy chữ đầy trang mà chẳng nói được điều tha thiết muốn nói đang trào dâng tự đáy lòng mình.

Bùi Minh Quốc – Trần Kiêm Đoàn (6-2012)

 Bùi Minh Quốc, nhà thơ vẫn tự hào “mỗi dòng thơ là một giọt máu trổ bông” vì anh làm thơ là để làm người chứ không phải để làm dáng, làm quan hay làm bồi bút.

Trong đêm hội ngộ, những người bạn được nghe chính một tác giả đã thành danh trong chiến tranh Việt Nam đọc thơ mình. Mọi người nhắc lại bài thơ Đất Quê Ta Mênh Mông với những câu thơ quặn mình khi cảm hứng người nghệ sĩ, hoàn cảnh chung quanh và ngôn từ diễn đạt hòa quyện lấy nhau. Trong cường điệu ngút mắt vẫn có những cảm xúc đời thường rất thật:

Đất quê ta mênh mông

Quân thù không xăm hết được

Lòng mẹ rộng vô cùng

Đủ giấu cả sư đoàn dưới đất

 

Nơi hầm tối là nơi sáng nhất

Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam…

              (BMQ. Đất quê ta mênh mông, 1966)

           

Rồi 44 năm sau. Cũng là Đất Quê Ta Mênh Mông nhưng anh đã ra khỏi hầm tối một thời. Đứng trên đỉnh cổ thành nhìn ra Bắc không còn hang Pắc Bó; nhìn vô Nam không có Thành Đồng, Bùi Minh Quốc kêu lên:

Đất quê ta mênh mông

Biển quê ta mênh mông

Lòng mẹ đắng khôn cùng

           

Đất quê ta mênh mông

Biển quê ta mênh mông

Uất hận chất khôn cùng…

              (BMQ. Đất quê ta mênh mông, 2011)

Thời sáu mươi Mẹ là tương lai. Nhưng hôm nay Mẹ là quá khứ. Thuở ấy, từ một hiện tại, mẹ trừng mắt nhìn về tương lai: chao ơi là rỡ ràng, sáng ngời niềm tin và hy vọng. Hôm nay, từ một hiện thực, mắt mẹ đã mờ hấp háy nhìn về quá khứ chỉ thấy ngậm ngùi và mây trắng bay… !

Muốn gặp lại Bùi Minh Quốc trước khi chia tay về lại quê nhà, tôi hẹn anh tại Sacramento. Nhưng có lẽ “duyên” chưa thuận nên việc dẫu nhỏ trong lòng bàn tay cũng vuột qua kẻ tay lúc nào không hay. Ngày anh lên Sacramento chơi với bằng hữu ở thành phố nầy thì tôi đang trên đường tới Bắc Kinh theo chuyến đi đã định từ năm trước. Trên chuyến bay đêm từ San Francisco qua Bắc Kinh, cố ngủ gà ngủ vịt một chút trên ghế máy bay mà không tài nào chợp mắt được, tôi lấy laptop ra ghi những dòng nầy với tâm trạng mông lung liên tưởng mình với đàn chim viễn xứ. Đó là tâm trạng từ xa nhìn về quê hương. Tung cánh bay mãi, hình ảnh tổ ấm trên quê hương nhạt dần. Nhưng ước mơ bầy chim thế hệ đàn em sẽ hạnh phúc hơn thế hệ đàn anh thì mỗi ngày một đậm.

Bên khung cửa sổ, trời chiều phương Đông phản chiếu qua những cụm mây. Giọng Trung Hoa nói tiếng Anh lơ lớ báo tin máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường Bắc Kinh. Bắc Kinh bây giờ là buổi chiều, những người Tàu xa lạ chuẩn bị ra về. Nắng cũng sắp tắt nhắc bữa cơm chiều với anh chị em và bạn bè tôi trên quê hương Việt Nam. Bên kia Cali, những người thân của tôi đang say ngủ. Thế giới người Việt ngày nay như một bầy chim có mặt khắp mọi miền trên thế giới. Những điều phải trái, nếu không nói được nơi nầy thì cũng nói được nơi kia. Tiếng nói lương tâm là tiếng nói vô tướng vì nó có sẵn trong tôi, trong anh và trong tất cả mỗi người. Nhưng không phải ai cũng dám nói và lúc nào cũng nói được để cho mình luôn luôn thấy được chính mình. Gặp nhóm Đà Lạt và những người yên lặng nhưng chẳng yên tâm, tôi nhớ câu nói của nhà văn Đỗ Hữu Chí khi nói đến những người đã từng lên tiếng công khai phản kháng áp bức bất công xã hội một thời và bây giờ thì im lặng: “Có một thời các anh dám nói những điều cần phải nói. Và tôi khâm phục. Thời hiện tại, các anh không nói được những điều đáng nói. Tôi thông cảm…”

Vâng, có thể khuynh hướng “yên thân” là một thái độ chọn lựa thức thời. Nhưng nó chỉ thích hợp với điệu sống của kẻ “cầm hơi” chứ không phải là của người cầm bút. Ngày xưa, kẻ sĩ là sĩ phu. Ngày nay, người cầm bút – anh là ai? – tự xác định mình không phải qua bằng khen, qua giấy chứng nhận hội viên văn bút mà bằng tác phẩm, bằng chính những điều mình đã viết ra cho mình và người đọc.

                                                     Cali – Bắc Kinh, ngày lễ Độc lập Mỹ 2012

                                                                        Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan