CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY – Duyên Tu

 

Càng lớn tuổi, càng được nhiều tiếng tăm và danh vọng, con người càng dễ làm quen nhưng khó làm bạn.  Thời son trẻ, khi hai người làm bạn, cả hai đều mở rộng hai tay, hai mắt và tấm lòng của mình để đến với bên kia dễ dãi, vô tư, không tính toán.  Nhưng càng về già, trong mỗi nụ cười và trong từng cái bắt tay hình như có ẩn chứa vài mảnh hoài nghi và dăm ba câu hỏi.  Hoài nghi và câu hỏi làm cho tình người và tình thân đeo nhiều lăng kính.  Rồi từ đó, nhìn nhau qua những cặp kính màu nên càng khó trãi rộng giao tình thân thương và chân thật để đón lấy nhau.  Người ta tự quấn mình trong nhiều lớp vỏ lẩn quẩn từ ta đến tôi, tới mình, sang tớ… rồi cảm thấy cô đơn.  Trí Hải nhận ra sự trống vắng khi Phạm Xảo không còn nữa.  Phạm Xảo là chiếc bóng của Trí Hải.  Chiếc bóng là người bạn không nói nhưng luôn luôn có mặt bên mình.  Khi sống một mình không có chiếc bóng Phạm Xảo, Trí Hải cảm thấy như nguồn sáng lơ lửng vẫn treo đâu đó nhưng không chiếu xuống đời mình, nên bóng mình bỗng khuất. 

            Tình cảm nhớ thương là ý hướng đi tìm một sự thiết thân bị mất.  Trí Hải nhớ Phạm Xảo trong nỗi thèm muốn đi tìm một dáng xưa, một nguồn tình cảm quen thuộc.  Khi nhớ một người đã mất thường gặp nỗi hụt hẫng của kẻ đi tìm mà chẳng biết tìm ai.  Nỗi nhớ mịt mù, rồi bỏ cuộc, chẳng còn tha thiết đi tìm để chỉ còn đối diện với trống vắng, hư không.

            Tuổi trẻ lấy thương làm nhớ.  Tuổi già lấy nhớ làm thương. Từ ngày Phạm Xảo mất, đêm đêm, sau khi mọi người đi ngủ, Trí Hải vẫn còn thức một mình.  Giữa đêm khuya thanh vắng, mang chén cơm để dành trong bữa ăn chiều, đặt trên bệ đá dựng ở bồn hoa trước sân,  Trí Hải thắp một cây nhang và ngồi tưởng nhớ Phạm Xảo.  Ông ngồi nhìn đốm sáng cháy đỏ theo gió trên đầu cây nhang cho đến khi nhang cháy hết.

Đêm rằm tháng Bảy, trăng sáng mênh mông.  Trí Hải định quay bước trở vào thì bỗng nghe tiếng chân rón rén của ai bước lào xào trên lá.  Ba Gấm.  Tiếng nói rất nhẹ mà cũng làm chao đọng ánh trăng:

– Mới đó mà Phạm huynh đã ra đi vừa đúng 49 ngày.

Không quay lui, Trí Hải nhắc thêm:

– Và cũng vừa hết thân trung ấm.

Tiếng Ba Gấm ngập ngừng:

– Làm sao mà biết được hết hay còn, hở huynh?

Trí Hải hỏi Ba Gấm:

– Thế Ba Muội có bao giờ nghe ai nói về thân trung ấm là gì không?

– Dạ có, huynh ạ.  Hồi còn ở trong cung, muội có đọc một số sách vở nhà Phật bàn về sự sống chết.  Muội chỉ nhớ mang máng rằng, người ta gọi “Thân trung ấm” là sự sống còn tồn tại và chuyển tiếp sau khi chết.  Nhưng muội không ngờ mà cũng chẳng tin.

– Tin thì có mà không tin thì không có thôi.

– Muội nửa tin nửa ngờ là không biết có còn hay không một trạng thái sống sau khi chết.  Trong khi sách vở nói rằng, linh thức (linh hồn và tâm thức) của con người còn kéo dài đời sống đến 49 ngày, rồi tùy theo nghiệp lực mà đầu thai.  Thời đó, mỗi khi bị sai vào dọn dẹp phòng trống của một cung nữ già vừa mới chết, muội cứ mường tượng cái “thân trung ấm” là con ma mới còn lẩn quẩn đâu đó chờ tái sinh mà sợ hết hồn.  Ơ, mà tại sao lại 49 ngày hở huynh?

Trí Hải giải thích một cách ngập ngừng:

– Vì chẳng phải là hành giả phát nguyện tu theo đạo Phật, nên tôi chỉ có chút hiểu biết giới hạn qua sách vở về ý nghĩa của con số “linh tính”.  Số lớn nhất của dân Trung Hoa là số 9, trong khi đó số lớn nhất của dân Ấn Độ là số 7.  Theo quan niệm triết học Ấn Độ, số 7 là con số biểu trưng cho sự hoàn hảo của vũ trụ. Nó được xác lập trên 7 nguyên lý tổng hợp của thời gian 3 thời (quá khứ, hiện tại, vị lai)  và không gian 4 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc).  Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm, toàn thể vũ trụ nhân sinh từ vật nhỏ như vi trần đến vật to lớn như núi Tu Di, tất cả không ngoài con số 7.  Phật cũng có 7 ngôi vị (thất Phật).  Người tu theo Phật cũng có 7 hạng (thất chúng).  Bởi vậy con số lớn nhất, tròn trịa nhất và gần gũi nhất của truyền thống Ấn Độ là 7 lần của 7 tức là 49.  Muội đọc sách Phật mà có nhớ hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa sinh ra bước 7 bước,  mỗi bước nở một hoa sen.  Hoàng hậu Ma Gia sinh thái tử Tất Đạt Đa được 7 ngày thì mất.  Hành giả Tất Đạt Đa nhập định 49 ngày dưới cội Bồ Đề hốt nhiên đại ngộ thành Phật và thuyết pháp trong 49 năm không? Có chăng con số 49 này cũng có gốc rễ từ số 7?

– Ô, phải rồi đó huynh ạ.  Muội được đọc một ít sách cổ của Phật giáo Ấn Độ và cứ bị con số 7 ám ảnh hoài trong trí. Tại sao lại là 7 mà không 6 hay 8?  Rồi phải chăng 12 nhân duyên khi sinh sôi nẩy nở tối đa đến 7 lần, nhân lên 7 lần 12 sẽ đạt tới mức 84 là cao nhất.  Và 84 thiên biến vạn hóa thành ra 84 nghìn hoàn cảnh và mỗi cảnh đều có một cách riêng, nên có đến 8 vạn 4 nghìn pháp môn để tùy cảnh và tùy duyên mà đối trị.

Trăng khuya càng sáng vằng vặc.  Lại có tiếng chân ai bước tới.  Một người vừa đến, nổi lên tràng cười thoải mái. Thì ra, tiếng thầy Tiều:

– Đúng hôm nay là thất tuần của tướng quân Phạm Xảo.

Vớ được thầy Tiều, Ba Gấm reo lên:

– Thật là buồn ngủ mà gặp chiếu manh!  Thầy ơi, xin Thầy giải thích cho ra con số 49 đầy ám ảnh nầy.

Thầy Tiều đằng hắng giọng như để cân nhắc về một con số chính xác nào đó rồi lên tiếng:

– Với nhà Phật, tất cả những con số chỉ có ý nghĩa tượng trưng.  Vì con số tròn đầy nhất của đạo Phật mà quý hữu thường nghe là “vô lượng vô biên”, “hằng hà sa số” không có giới hạn.  Rồi những dòng số vô tận đó cũng chỉ là không.

Ba Gấm lại thắc mắc:

– Không có số đếm thì làm sao để tính toán, thưa thầy? Vẫn còn số đếm tam quy, ngũ giới, tứ diệu đế, bát chánh đạo, mười hai nhân duyên kia mà.

– Tất cả chỉ là phương tiện tạm thời. Con thuyền cũng phải có ván đóng kín ba mặt  trong một giới hạn nào đó mới nổi được trên mặt nước để chèo qua sông chứ.

– Vậy thì thưa thầy, thời gian 49 ngày có phải là phương tiện cần thiết để cho một linh hồn mới lìa khỏi xác chuẩn bị đầu thai không?

– Quý hữu đã biết là thân trung ấm hay còn gọi là thân trung hữu. Trong tín lý nhà Phật, thời gian tồn tại của thân trung ấm cũng có nhiều lý thuyết khác nhau. Có bốn nhà luận sư được nhắc đến nhiều nhất là:  Luận sư Tỳ Bà Sư cho rằng nó chỉ có trong khoảnh khắc sau khi chết, liền sau đó đầu thai. Luận sư Thế Hữu cho rằng nó tồn tại lâu nhất được bảy ngày. Luận sư Thiết Mặc Đạt Đa cho rằng nó có thể tồn tại trong bảy lần bảy là bốn mươi chín ngày. Riêng luận sư Pháp Cứu thì cho rằng thời gian tồn tại của thân trung ấm sau khi chết không nhất định.  Tùy theo nhân duyên mà thọ sanh. Do nghiệp lực rất mạnh thúc đẩy, nếu trung ấm đáng thọ sanh vào loài người thì khi hội đủ duyên liền sanh vào loài người; trung ấm đáng thọ sanh vào loài súc vật thì khi hội đủ duyên, liền sanh vào loài súc vật.  Như Hoàng thân quý hữu vừa nhắc lại đó, “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, có hay không là do mình tin hay không mà thôi.

Ba Gấm hỏi một cách hồn nhiên:

– Thế Phạm huynh bây giờ ở đâu? Chết là hết hay còn?

Thầy Tiều với giọng bông đùa:

– Biết làm gì cho vội.  Cứ chờ cho đến khi chết hẵng hay tín hữu à.

Nương theo lối nói đầy hài tính của thầy Tiều, Ba Gấm hỏi tiếp:

– Đúng quá!  Nếu thế thì thầy cũng phải chờ cho đến khi biết đích xác “hương linh” có hay không mới đọc kinh cầu nguyện vãng sanh nước Cực lạc chứ.

Thầy Tiều hỏi lại Ba Gấm:

– Thí chủ Ba Gấm khuyên thật chí lý về cái còn và hết.  Thí chủ nổi tiếng là người giàu có trong thiên hạ.  Vậy gia sản của thí chủ bây giờ ở đâu hết?

Bị hỏi một cách đột ngột Ba Gấm lúng túng:

– À, dạ. Ở khắp nơi thầy ạ.

– Nếu ngay bây giờ không may Ba Gấm lăn đùng ra chết thì tiền của đó có còn không?

– Dạ vẫn còn chứ.

– Còn ở đâu?

– Đâu đó giữa cuộc đời nầy.

– Không, tôi muốn nói tiền của mà Ba Gấm mang theo kìa.

– Chẳng còn gì cả ngoài hai bàn tay trắng thầy ơi.

– Không đúng, còn!  Xưa nay sách vở đời thường dạy sai cả khi cứ đua nhau “dọa” rằng, chết là hết, là chỉ còn hai bàn tay trắng, chẳng mang theo được gì.  Cái gì của riêng mình đều được mang theo hay phải mang theo.

Ba Gấm reo lên thú vị:

– Thiện tai! Thiện tai! Chết rồi mà vẫn còn mang sự giàu sang theo được.  Nào, thầy phát tâm từ bi dạy cho con cách mang tiền của theo khi đã hết thở rồi đi.  Thích quá thầy hỉ.

Thầy Tiều cười hỉ hả theo sự kích động trẻ thơ của Ba Gấm. Thầy nói:

– Người ta có thể giúp đỡ hay chỉ dạy cách làm ăn cho kẻ có chí, có tài trở nên giàu có khi còn sống.  Nhưng không ai dạy được cách mang theo tài sản sau khi chết được cả.

– Coi kìa! Thầy vừa nói “còn” tài sản mang theo được sau khi chết mà.

– Phải, phải.  Cái nghiệp trong tâm, trong trí, trong đời đã tạo ra khi còn sống đều phải mang theo sau khi chết.  Nghiệp lành như trí tuệ, tình thương được bồi dưỡng hay nghiệp dữ như hận thù, ngu dốt của mình trong lúc còn sống, khi chết phải mang theo.  Không ai có quyền hưởng phước lành hay chia nghiệp dữ của người khác sau khi người đó qua đời. Như tướng quân Phạm Xảo không còn nữa, nhưng những tài sản mà Phạm hữu giúp nuôi Trần Minh nên người vẫn còn mãi mãi trong dòng sống của Trần Minh hiện tại hay những Trần Minh nầy, Trần Minh nọ, Trần Minh kia… trong dòng sinh diệt và biến tướng không ngưng nghỉ về sau nầy.  Cũng vậy, tài sản mà thí chủ Ba Gấm tiêu dùng vào việc đúng hay việc sai vẫn còn mãi trong dòng sống của những người tiếp nhận nó bằng lúc nầy hay lúc khác; cách nầy hay cách nọ.  Tất cả sự sống quá khứ, hiện tại, vị lai là một vũ trụ nhỏ, tạm tách ra, rồi lại trở về vũ trụ Đại Nguồn hay Suối Nguồn Vũ Trụ, nên gia tài của mỗi chúng ta chẳng bao giờ mất đi một mảy.

– Suối Nguồn Vũ Trụ là gì mà Hoàng thân đại huynh, cũng như Thầy thường nhắc đến vậy?  Trong kinh sách nhà Phật, có chỗ nào nói đến cái “suối nguồn” đó không Thầy?

– Có chứ.  Nhưng lại được gọi dưới một tên khác.

– Tên gì vậy, thưa Thầy?

– A Lại Dạ Thức.

– Tên nghe là lạ như chữ Phạn phải không Thầy?

–  Đúng. A-lại-da thức trong Duy Thức Tông của Phật giáo Đại thừa chính là Suối Nguồn Vũ Trụ. A lại da, tiếng Phạn là Alaya, có nghĩa là “tàng”, tức là chứa.  Nên còn gọi là Tạng thức hay Tàng thức.  A-lại-da thức được xem là thức căn bản của mọi hiện tượng. Thức này chứa đựng mọi sự tích lũy kinh nghiệm đời sống của mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần.  Mọi khả năng, mầm mống, bản chất, thật tính của đời sống tâm linh trở về và xuất phát từ cái kho chứa năng lượng vô tận nầy.  Nó là dòng suối sau cùng chứa đựng các hạt mầm của tâm thức. Những hạt mầm nầy, theo sách vở nhà Phật, thì gọi là chủng tử, tức là hạt mầm của Nghiệp.  Khi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng.  A lại da thức trong duy thức học Phật giáo xem như là “sự thật cuối cùng”, nên có khi được gọi là Chân như.

– Thầy ơi! Thầy nói nghe thì hay nhưng mơ hồ quá.  Làm sao ta biết được mình đã tạo phước; mình mắc nợ hay ban ơn cho ai đó trong chuỗi dài sinh diệt hở Thầy?

Vẫn với dáng điệu vui vui mà đầy suy tưởng, thầy Tiều cười cười giải thích:

– Mới gặp một người ta thích ngay hay ghét ngay.  Có khi gặp một người từ đâu tận chân trời góc biển lù lù hiện đến rồi kết tình, kết nghĩa sống gần gũi và san sẻ một đời.  Có những sự giúp đỡ bất ngờ mà ta gọi là “may”; hay sự phá phách làm hại mà ta gọi là “rủi”… Tất cả những sự tác động qua lại đó, thường ngỡ như xa xôi và cách trở, nhưng chỉ là chuyện “trong nhà”, là sự tương tác trong một dòng chung của Suối Nguồn Vũ Trụ.  Cảm giác ta thương ghét khi gặp một người chỉ là tác động đến sau, là kết quả của “gia tài” đã ban phát hay lấy đi; cho hay mắc nợ giữa ta và người đó.

– Như vậy thì con thấy mình còn quá nghèo Thầy ạ.

– Sự giàu nghèo tự chúng nó tính toán với nhau, tự nhiên và công bằng như nước chảy về chỗ thấp; như nồng độ mặn nhạt, nóng lạnh phải hòa nhau.  Cái “thấy” của thí chủ Ba Gấm là một ấn tượng chủ quan.  Như kẻ nghèo thì sung sướng với cảm giác giàu có khi kiếm được dăm ba đồng.  Nhưng người giàu thì thất vọng với cảm giác nghèo nàn khi có được bạc vạn mà không lên tới bạc triệu.

– Nếu đã có một sự tự điều hòa và san sẻ công bằng như thế thì cần làm việc tốt là đủ, cần gì phải đi tu nữa, phải không Thầy.

– Đi tu là phương tiện. Chiếc thuyền chưa phải là sự đảm bảo cho việc qua sông, qua biển mà cần phải có phương hướng đúng, tay chèo hay.

– Một người đi tu so với một người thường sống giữa thế gian, thì ai hơn ai kém nhau về mặt nào, thưa Thầy?

– Mặt nào là mặt nào?

Ba Gấm xác định:

– Như về mặt đạo cao đức trọng; mặt tiếp xúc với đời sống tâm linh; mặt giá trị làm người; mặt tu hành đắc đạo…, chẳng hạn, thì ai hơn ai kém?

– Không ai hơn mà cũng chẳng ai kém.

– Lạ quá.  Sao lại như thế được?

– Vì khi đánh giá hơn và kém là phải dựa vào một tiêu chuẩn hay thước đo nào đó có giá trị đúng tuyệt đối. Nhưng chẳng có một giá trị nào tuyệt đối cả.  Người đi tu và kẻ ở đời thường chỉ khác nhau về nề nếp sinh hoạt, nghĩa là khác nhau về phương tiện, hình tướng.  Dùng phương tiện, hình tướng để gột rửa vô minh, đi tìm ánh sáng.  Tu là sửa đổi, là chuyển hóa từ thấp đến cao, từ xấu sang tốt, từ tối tăm sang sáng suốt.  Bất luận người xuất gia hay kẻ tại gia hễ một khắc dừng lại và thỏa mãn với cái mình đang có là đang chìm đắm; ngược lại khi chuyển mình cải hóa là tu.

– Như thế thì với thiện tâm cầu đạo, xuất gia đi tu chẳng có lợi gì hơn là ở nhà sống cuộc đời thường để tự mình tu sao Thầy?

– Người đi tu có giới luật và hình tướng thường xuyên nhắc nhở nên biết mình đang tu và phải tu.  Còn người đời thường hoàn toàn tự do nên thường quên là mình cần phải chiến đấu với lòng ham muốn của mình từng khắc một để vươn lên; lại có khi hẹn rày, hẹn mai “sẽ tu” và thường hóa ra quá muộn.  Giữa cõi vô thường nầy, ai biết được đôi khi chỉ trong một nhấp nháy mở mắt ra là còn sống mà nhắm mắt lại là đã chết.

– Ngoài hình tướng và phương tiện hành trì, tu sĩ và phàm nhân không có gì khác nhau về sự thánh thiện trong nếp sống thể chất và tinh thần hay sao?

– Nói về sự thánh thiện là nói về chân tánh.  Đạo Phật xác nhận chân tánh sẵn có trong mỗi chúng sanh.  Chân tánh của mọi loài chúng sanh đều bình đẳng.  Chân tánh bị che lấp bởi ngũ trược là 5 lớp màn đen  tối vấy lên làm dơ bẩn cặn đục kiếp sống.  Đó là, kiếp trược (khổ nạn), kiến trược (nhìn sai), phiền não trược (tâm trí bị phiền loạn vây bọc), chúng sanh trược (sự trái đạo bất chấp của chúng sanh), mệnh trược (tuổi thọ bị rút ngắn dần).  Trên nguyên tắc, người xuất gia là kẻ đã dứt khoát bỏ lại đằng sau cuộc đời phàm nhân đầy phiền não để đi vào con đường của thánh nhân, nên sự thánh thiện tăng dần, cho đến khi thành bậc chí thánh; nghĩa là giác ngộ.  Thế nhưng giữa thực tế, vẫn có rất nhiều kẻ xuất gia không đi vào con đường thánh nhân thênh thang mây trắng mà bước lùi vào con đường tục lụy, phiền não.  Do vậy mà “chất thánh” đáng lẽ cần phải có cho đời tu hành lại trở nên ngày càng thêm phôi pha.  Hào quang thánh thiện mờ dần cho đến khi tàn lụi.

Ba Gấm mở to đôi mắt như dò hỏi sâu hơn:

– Thưa thầy, thầy đang nói đến một tình huống quá tổng quát nên chưa được rõ nét.  Đã quyết chí xuất gia tu hành thì chỉ có một con đường đi tới chứ làm sao mà có trường hợp bước lùi được?

Thầy Tiều lắc đầu:

– Bước tiến dễ thấy nhưng bước lùi khó thấy lắm.  Tham, sân, si nói thì dễ; hầu như ai nói cũng được nhưng tìm cho ra khuôn mặt thật của nó thật không dễ dàng.  Nó ẩn tàng và biến tướng dưới muôn nghìn hình thái.  Đạo Phật xưa nay, bên cạnh những danh tăng và cao tăng đạo cao đức trọng, thì cũng đã có biết bao nhiêu kẻ xuất gia phải đứng lại hay bước lùi vì bị dính chặt vào một vị thầy tổ quá chấp chặt vào nếp cũ.  Có người học đạo mà không tu đạo nên suốt đời nói đạo chứ không hành đạo.  Có vị “tu chùa” vì để hềt tâm lực và thời gian vào việc vận động cho có tiền để dựng chùa to tượng lớn, thật hoành tráng bên ngoài mà quên đi sự khổ luyện cho lý tưởng tu chứng của chính bản thân mình.  Tu là một hành trình khổ hạnh.  Dễ dãi là bước lùi.  Có bao nhiêu hiện tượng bước lùi làm sao kể hết…

– Như thế, có phải chăng thầy không khuyến khích việc đi chùa để tu học?

– Trái lại mới đúng.

– Nếu vậy, có phải việc đi chùa, cầu nguyện để cầu xin giải thoát là cách tu tốt nhất không?

– Cầu xin ai?  Muốn khấm khá thì phải siêng năng làm ăn.  Mình mắc nợ thì mình phải trả.  Chỉ biết nhắm mắt trông cậy vào người thương hại và tìm người tốt bụng đứng ra để rước nợ cho mình tha hồ tiêu xài thỏa thích là mơ mộng viễn vông.  Đi chùa, cầu nguyện là phương tiện thấy và nghe.  Đọc kinh để thấm hiểu lời nhắc nhở của các bậc hiền thánh cho mình chứ thật ra chẳng có ai đang đợi mình ở tượng, ở đài, ở chùa, ở tháp, ở tận đâu đâu chờ khi mình gọi, mình kêu để đến dắt mình đi về cõi hạnh phúc, giải thoát cả.

– Thế thì tại sao muốn cho thân tâm an lạc lại phải đi chùa Thầy nhỉ?

– Đôi mắt nhìn, cảm giác riêng và tác động của âm thanh, hương vị là cửa ngõ đi vào tâm.  Đặt chợ trước cửa ngõ thì tâm dao động ồn ào, náo nhiệt.  Đặt vầng trăng thanh trước ngõ thì tâm vắng lặng, thảnh thơi.  Đặt cảnh chùa, mùi trầm hương và tiếng kinh như lời thơ trước ngõ thì tâm an lạc.

– Có người đến chùa thường xuyên mà tâm vẫn loạn động là tại sao?

– Chỉ vì người đó thân thì ở chùa mà tâm thì ở chợ.  Chân bước vào chùa mà tâm hướng thiện không mang theo thì dẫu có ở cả đời trong chùa tâm vẫn là tâm loạn.

            Ba Gấm lặng lẽ nhìn thầy Tiều.  Vị tu sĩ nầy thật kỳ lạ.  Ông nói chuyện đạo mà chẳng bao giờ thuyết phục người nghe đi vào thế giới thần bí hay mầu nhiệm của tôn giáo.  Ông nói chuyện đi tu cũng thản nhiên và rạch ròi như chuyện đốn củi, làm ăn.  Chính vì đã được đọc quá nhiều sách vở tôn giáo, nên Ba Gấm có cảm tưởng như thầy Tiều vừa là một tu sĩ đơn giản chẳng có gì đáng học hỏi; vừa là một ngọn núi Linh Sơn, có một suối nguồn tâm linh phong phú, ẩn dấu phía bên kia sườn núi mà ánh nắng mặt trời không bao giờ chiếu tới.

            Ba Gấm càng hỏi tới:

            – Thưa thầy, nếu tự mình tìm đường giải thoát cho mình thì những người theo đạo Phật niệm danh hiệu Phật, cầu xin chư bồ tát và long thần hộ pháp cứu khổ, cứu nạn thì có ích gì đâu?

            – Kêu cứu để được vớt lên khi sắp bị chết đuối, chứ không phải kêu cứu để nhờ người tập bơi.  Muốn biết bơi cho khỏi bị chết đuối thì tự mình phải tập bơi trước đã.  Tôn Ngộ Không theo phò Tam Tạng để cứu nguy chứ không phải để thỉnh kinh thay cho vị Đường Tăng đó. 

            – Nói vậy thì Thầy có tin hay không tin lời cầu nguyện?

            Không do dự, thầy Tiều đáp ngay:

            – Tin lắm chứ.

            – Như vậy là Thầy cũng phải dựa vào một nhân vật khác rồi.

            – Nói đúng hơn là dựa vào sức mạnh chứ không dựa vào nhân vật.

            – Đức Quán Thế Âm là một nhân vật hay một sức mạnh?

            – Cả hai, thí chủ Ba Gấm ạ.

            – Thầy trả lời khó hiểu quá, thưa Thầy.

            – Có một sức mạnh vô hình của trời đất, vũ trụ. Ta có thể gọi đó là “Năng Lực Vũ Trụ” hay gọi gì tùy thích.  Năng lực đó ẩn chứa trong Suối Nguồn Vũ Trụ.  Con người sinh ra là đã có khuynh hướng nối kết với Suối Nguồn Vũ Trụ đó rồi.  Cầu nguyện là gởi năng lực nhỏ bé và yếu ớt của cá nhân mình vào năng lực suối nguồn vũ trụ to lớn vô biên đó.  Khi nguy biến, dốc tâm nguyện cầu là mở rộng cửa để lấy lại năng lực đó.  Sự thành tâm cầu nguyện cũng ví như hình thức “giải mã” để năng lực vũ trụ bắt gặp cửa ngõ của cá nhân mà hút vào và biến tướng dưới vô số hình thức.  Quán Thế Âm là Nghe Tiếng Trần Gian.  Đó là trạm chuyển tiếp năng lực vũ trụ vào nhu cầu của hoàn cảnh con người trần gian một cách kịp thời và chính xác nhất.  Đức Quán Thế Âm là một vị đại Bồ Tát, nhưng đồng thời cũng là một Năng Lực Siêu Nhiên Tuyệt Đối nên không bao giờ suy suyển, vắng mặt hay thiếu hụt bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu có nhu cầu trong vũ trụ, càn khôn nầy.  Có thể cùng lúc biến thành vô số nhân vật khác nhau tùy theo nhu cầu của hoàn cảnh: Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm.  Đạo Chúa có đức Mẹ.  Dân gian Việt Nam có ông Trời, ông Bụt và mọi dân tộc, mọi tôn giáo xưa nay và bất cứ nơi đâu, đều có một đấng cứu khổ tương tự như ngài Quán Thế Âm.  Người tiến hóa có một hình ảnh thánh linh để cầu. Người cổ sơ cầu đá, cầu cây, cầu mưa, cầu gió… đều là một hình thức giống nhau để tiếp cận với năng lực thường hằng trong Suối Nguồn Vũ Trụ đó.

            – Thật là thú vị khi nghe Thầy giải thích một hình thức tâm linh, tôn giáo bằng lời lẽ “như thật” mà chỉ có những đầu óc quen lối lý luận Tây dương mới thường nói đến.  Nếu vậy, thì điều Thầy nghĩ có trái với nội dung kinh sách của nhà Phật mà Thầy đang theo không ạ?

            – Nếu ai cho trái thì đó là vì họ nghĩ trái.  Đức Phật đã nói rằng vạn pháp đều là Phật Pháp.  Cách suy nghĩ dẫu có trái với kinh điển cũng là Phật Pháp nhìn theo một lăng kính khác.  Cái đúng chẳng qua là một cách nhìn khác của cái sai mà thôi.

            Ba Gấm vừa cười vui, vừa ôm đầu nói lớn:

            – Ôi! Thầy ơi.  Nếu lỡ con vào chùa mà nhìn sai tượng Phật với một vị hộ pháp thần thông nào đó thì chắc là sẽ bị các thầy trụ trì cho ăn đòn liền…

            Khoác tay như để trấn an Ba Gấm, thầy Tiều nói bằng giọng phóng khoáng, thân mật:

            – Thí chủ Ba Gấm chớ lo.  Chính đức Phật đã liệu trước điều nầy nên ngài dặn dò:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.

            Ba Gấm vui theo niềm vui của cả nhóm và dịch ngay ra bằng thơ:

– Ai đem sắc tuớng nhìn ta,

            Lấy âm thanh bảo Phật Đà là đây.

            Theo tà đạo chính người nầy,

            Làm sao thấy được bóng thầy Như Lai.

                        Có tiếng cười vui tán thưởng và tiếng vỗ tay bôm bốp.  Dưới ánh trăng khuya vằng vặc, cả nhóm Vườn Thuốc ngồi quanh thầy Tiều và Trí Hải, theo dõi câu chuyện giữa thầy Tiều và Ba Gấm trong im lặng.  Cùng trong nỗi nhớ Phạm Xảo, những người cùng nhóm Trí Hải có tấm lòng với đời, với đạo, với bạn, với mình còn bắt gặp niềm vui chung về một lối suy nghĩ không rời nếp cũ xa xưa; nhưng cũng đầy suy tư và khai phá vào những chân trời sáng tạo riêng mình.

                        Thiện Giả xích gần lại thầy Tiều, lên tiếng:

                        – Thưa Thầy, có phải vì không xem trọng việc xuất gia tu hành, trì trai, giữ giới nên mới có hiện tượng “đồ tể quăng dao thành Phật” không ạ?

                        Thầy Tiều không trả lời mà hỏi lại Thiện Giả:

            – Quý hữu có tin như vậy không?

            – Dạ không, tin làm sao được mà tin.  Thành Phật là một đại sự, đâu có dễ dàng như thế được.

            – Sao là dễ, sao là khó?

            – Đức Phật Thích Ca đã tu vô lượng kiếp mới đạt được kiếp sau cùng làm thân thái tử.  Sau đó xuất gia, đại ngộ thành Phật.

            – Thì người đồ tể kia cũng đã tu vô lượng kiếp và kiếp sau cùng phải qua nghiệp đồ tể.  Thái tử Tất Đạt Đa là thái tử đông cung bỏ ngôi đi tu và đi đến giác ngộ thành Phật; người đồ tể quăng dao để tu theo cách của mình và cũng giác ngộ thành Phật thì có gì khác nhau đâu.  Làm vua hay làm đồ tể cũng chỉ là cái nghiệp nhân sinh mà thôi.  Bỏ ngôi hay bỏ dao đồ tể để giải nghiệp và hành đạo, tuy hình thức khác nhau nhưng ý hướng thâm sâu cũng chỉ là một.

            Thiện Giả nhìn Ba Gấm mỉm cười, nói giễu:

            – Tỷ tỷ Ba Gấm với tóc mây, má hồng, xiêm áo đẹp đẽ thế kia mà cũng có thể là đang tu sao?

            Thầy Tiều nghiêm nét mặt, gật đầu:

            – Bất kỳ ai đang làm việc tốt là đang tu.

            Trăng sáng mênh mông.  Trong xóm đêm lại nổi lên tiếng mõ cầm canh đổi phiên.  Nhóm vườn thuốc vẫn chưa ai muốn chia tay về ngủ.  Thiện Giả nói với thầy Tiều:

– Đã qua ngày thứ 49, Phạm huynh hết làm thân “trung ấm” quanh quẩn với chúng ta rồi.  Phạm huynh vừa bước vào một kiếp khác. Thưa thầy, với cuộc đời của tướng quân Phạm Xảo, kẻ thường làm việc tốt cho đời như thế, thì sẽ được về đâu trong 6 nẽo luân hồi?

Thầy Tiều lắc đầu, trả lời:

– Nghiệp lực đưa Phạm hương linh về đâu thì về đó, làm sao biết được.

– Nghiệp lực là gì?

– Là tổng kết mọi việc làm của một người từ vô số kiếp.  Gồm cả việc thiện, việc  ác, tốt, xấu, hay, dở, sáng, tối, cao, thấp, công, tư… không một mảy may khuất lấp.  Tất cả mọi việc làm lớn nhỏ, tự chúng tác động qua lại chi li và chính xác như phép tính toán cộng, trừ, nhân, chia để đưa ra kết quả sau cùng không sai một ly, không đi một mảy.  Đạo Phật gọi đó là nghiệp lực, đạo Chúa xem đó là sự phán xét cuối cùng của Thượng Đế và dân gian cho đó là lưới Trời, không ai thoát khỏi.

– Như thế thì con người cũng chỉ là một tên nô lệ buông tay, bất lực để cho nghiệp dẫn đi đâu thì đi hay sao, thưa Thầy?

– Nghiệp do mình tạo chứ có ai khiêng nghiệp đến để trên vai mình bắt gánh đâu. 

– Nếu thế thì con người có thể chuyển nghiệp được hay không?

– Nghiệp do thân, miệng, ý phát sinh ra.  Muốn chuyển nghiệp thì phải biết làm chủ hành động, lời nói và ý nghĩ.

– Bằng cách nào vậy, thưa Thầy?

– Hành động lương thiện và ngay thẳng;  nói lời chân thành và nhân ái;  nghĩ điều chính đáng và hướng thượng ấy là đang tự mình giải nghiệp, chuyển nghiệp ác sang nghiệp lành.

– Cuộc chuyển nghiệp đó bao giờ mới xong?

– Không bao giờ ngừng nghỉ.  Cứ tiếp tục duyên nghiệp trùng trùng cho đến khi dứt nghiệp.

– Làm sao dứt nghiệp?

– Đừng tạo nghiệp.

– Nhưng sống là tạo nghiệp mà.

– Cũng có nhiều lối sống.  Sống buông thả cho lòng ham muốn làm chủ thì nghiệp chướng chồng chất.  Sống đời trong sạch trong chánh niệm thì nghiệp chướng sẽ lui dần.  Sống trong giác ngộ thì nghiệp chướng sẽ được dứt sạch.

– Vậy, sống đời tu hành như Thầy thì nghiệp có còn tạo ra cho Thầy nữa không?

Ngửa cả hai bàn tay với nụ cười mở rộng, thầy Tiều hỏi lại như nói đùa:

– Này Thiện Giả, quý hữu có thấy tôi làm đúng như lớp áo cà sa tôi đang mặc, suy nghĩ trơn tru như chiếc đầu tròn và nói năng thích hợp như kẻ tu hành không?

– Dạ thưa thầy, hoàn toàn thích hợp.

Tỏ vẻ tán đồng, thầy Tiều trả lời:

– Nếu như thế thì nghiệp chướng trên tôi đang nhẹ dần.

– Và khi nào thì hết nghiệp?

– Làm sao tôi biết được những nghiệp chướng do chính mình gây ra trong bao nhiêu đời kiếp trước.

– Thì tu hành là hết nghiệp.  Khi chết sẽ lên ngay chốn Niết Bàn.

– Không đơn giản thế đâu quý hữu ơi!  Như ngài Mục Kiền Liên là đại đệ tử của đức Phật có thần thông bậc nhất, thế mà vẫn bị bọn cướp hung hãn tầm thường đâm chém giết chết. 

Thiện Giả kêu lên:

– Ôi!  Đau quá! Tại sao lại có thể như thế được?  Tu hành một đời đạo cao, đức trọng thế kia mà vẫn bị đọa sao thầy?

– Nói “bị đọa” cũng đúng mà không đúng.  Ngài Mục Kiền Liên phải trả cho cái nghiệp báo vì sợ vợ mà bỏ đói cha mẹ giữa rừng sâu từ trong một kiếp trước xa xưa. 

– Nhưng ngài là bậc tu hành đắc đạo lại không chuyển nghiệp hết sao?

– Không mà có; có mà không.  Nghiệp là món nợ chung thân, không thừa trừ ai cả.  Tu hành nghiêm cẩn hay sống đời đức hạnh có thể giải hết nghiệp trong đời nầy.  Nhưng có những nghiệp quá nặng còn đeo đẳng chưa dứt sạch thì người mang nghiệp phải trả cho hết sạch, ít nhất cũng trả lần cuối trước khi hoàn toàn đoạn nghiệp.

Thiện Giả thắc mắc:

– Thế sao ngài Mục Kiền Liên trong chuyện kể nhà Phật có thể nhìn thấy được hóa thân bà mẹ độc ác của mình đang ở địa ngục A Tỳ sau khi bà ấy chết mà lại không thấy được lũ cướp vây quanh?

– Đứng ở đỉnh núi cao thì nhìn thấy hết cảnh đồng bằng phía dưới nên cũng thấy được căn nhà riêng nhỏ bé của mình đang ở đâu.  Chúng ta không biết, không thấy Phạm huynh ở đâu vì chỉ có đôi mắt trần.  Muốn thấy thiên thâu phải có huệ nhãn.  Huệ nhãn là con mắt thật, mắt trần của tuệ giác.  Khi bị ác nghiệp bao vây thì tầm nhìn cũng bị bao vây bởi mây mờ của cảnh trần khi tạo nghiệp.  Sự bao vây của nghiệp báo có khi thoáng qua rồi đoạn diệt như trường hợp ngài Mục Kiền Liên; có khi kéo dài một đời như kẻ mù lòa, câm điếc từ khi lọt lòng mẹ; có khi kéo dài đời đời kiếp kiếp như hàng ngạ quỷ súc sanh… cho đến khi trả hết nghiệp.

– Làm sao để có huệ nhãn?

– Tu!

– Thì thầy cũng đang tu đó mà.

Nói như để chế nhạo chính mình, thầy Tiều trả lời Thiện Giả:

– Có lẽ cũng cần phải tu vài ba tiểu kiếp mới mong có huệ nhãn.

– Thế Thầy tu đã được bao lâu rồi ạ?

– Chừng năm chục năm.

– Một tiểu kiếp dài bao nhiêu năm?

– Mười sáu triệu năm.

– Đại kiếp thì dài bao lâu.

– Có khi là 20 có khi là 1000 tiểu kiếp.

Bày tỏ một sự thất vọng não nề về cái khung thời gian mà thầy Tiều vừa nói, Thiện Giả chỉ còn biết kêu lên:

– Chao ơi!

– Sao vậy?

– Chỉ cần nghe cũng đủ ngộp thở mất rồi!

– Vì kiếp người cho dẫu 100 năm thì vẫn chưa bằng nửa hạt cát trong sa mạc thời gian bao la vô cùng tận phải không?

– Dạ, quả đúng như thế Thầy ạ.

– Tại sao quý hữu lại không tự thắp sáng lên một niềm tin rằng, trong kiếp nầy quý hữu chỉ cần tu thêm một khắc nữa thôi là đủ vài tiểu kiếp mà quý hữu đã tu trong muôn vàn kiếp trước?

– Ồ, dạ. Hay lắm, hay lắm.  Tại sao ta lại không có quyền nghĩ về ta một cách tích cực như thế đã chứ.  Ôi, mẹ ơi!  Hạnh phúc quá.  Nếu con đã từng tu 32 triệu năm, đã trải qua vài tiểu kiếp làm việc tốt.  Với từng ấy thời gian, con đủ tự hào vươn lên như bất cứ ai.  Con cũng đang có chân tâm, có Phật tánh trong con như các sư ông, sư bác, sư huynh, sư đệ trên chùa, như mọi người sống đời lương thiện đang làm việc tốt quanh đây.  Con cũng sẽ có huệ nhãn, có thần thông để biết tôn huynh Phạm Xảo, biết mọi người và biết con đang ở đâu.

Thầy Tiều, Trí Hải, Ba Gấm, Tâm An đều cười chan hòa với niềm vui vô tư gần như trẻ thơ của Thiện Giả.  Lòng tri ân ơn cứu tử của Thiện Giả đối với Phạm Xảo thật sâu bền.  Không hẹn mà gặp, trí tưởng của mọi người trong nhóm đều hướng về Phạm Xảo.

Từ ngày về lại với nhóm vườn thuốc, Tâm An trở nên dễ dãi, nhu hòa và ít nói.  Mắt nhìn phân biệt sắc sảo và lời nói đầy thuyết phục càng có lợi cho việc làm ăn buôn bán chừng nào thì lại càng bất lợi cho việc tu dưỡng định tâm chừng đó.  Khi dáng vẻ đời sống trụ lên đôi mắt; ý nghĩa giao tình gắn chặt vào lời nói thì chân dung cuộc sống chỉ còn là lớp sơn màu tô trét bên ngoài.  Ngày trước, Tâm An đã nhìn Trí Hải và thầy Tiều như nhìn những cây cổ mộc trong khu vườn thiền kiểng.  Dáng trang đài kỳ tú mà vô hồn.  Tâm An hôm nay lắng xuống bề sâu.  Cảm nhận sâu xa nhiều hơn là nhìn nói vội vàng.

Tâm An hỏi trống không, chẳng biết câu hỏi hướng về thầy Tiều hay là về ai trong nhóm:

– Hiền huynh Phạm Xảo không phải là thầy tu, cũng chẳng phải là cư sĩ Phật tử, tại sao lại đi tìm cái chết ngay trên những dòng kinh Bát Nhã vậy kìa?

Im lặng hồi lâu không ai lên tiếng.  Thầy Tiều tự nói lên ý nghĩ của mình:

– Vì khi còn sống, Phạm hữu đã sống đời Bát Nhã.

Ba Gấm hỏi thầy Tiều:

– Bát Nhã Ba La Mật Đa là trái tim của lý thuyết nhà Phật.  Chỉ có các bậc cao tăng thượng trí mới thực hành Bát Nhã thôi, phải không ạ?  Nếu vậy thì tướng quân Phạm Xảo chứ đâu có phải là một vị đại thiền sư mà dám sống đời Bát Nhã, thưa Thầy?

            Lắc lư đầu như vừa phủ nhận và vừa xua tay đùa vui,  nhưng bằng vẻ mặt trầm tư sâu lắng, thầy Tiều nói về cái lý Bát Nhã trong suy tư của Thầy:

– Bát Nhã là mắt sáng nhìn đời đúng như sự thật đang diễn ra chứ có gì ghê gớm lắm đâu mà không dám sống.

– Mắt sáng đó có phải là con mắt của trí tuệ ở bên trong không Thầy.  Người thường làm sao có được?

– Con mắt trí tuệ khởi từ cái nhìn bình thường của nhục nhãn; tiến lên cái nhìn thiên nhãn và đạt tới tuệ nhãn của hàng Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác là một vòng chuyển hóa nội tại mà mọi chúng sanh đều có khả năng vươn tới được.  Bát Nhã là sự chối bỏ toàn triệt những biên giới phân biệt của thân, tâm, ý, thức.  Đó là những biên giới, rào chắn, ý niệm chủ quan được dựng lên do ảo tưởng sai lạc của con người.

– Ảo tưởng sai lạc đó do đâu mà có?

– Tâm, tưởng sai lạc do lớp lớp bụi trần trong nhiều kiếp đóng thành núi, thành đồi cố chấp có khi được gọi đầy vẻ tự hào si mê là… kinh nghiệm.  Chính thói quen tích tụ nầy đã dẫn dắt con người mang mộng tưởng điên đảo đi đào bới để tìm cho bằng được cái búa của “ông Thiên Lôi” sau cơn sét đánh làm cây đổ, người chết.  Ai cũng lý sự được rằng, nếu không có một “ông Thiên Lôi” với sức mạnh ghê hồn vác búa từ Thiên Đình xuống đánh thì làm sao có ánh sáng chói lòa từ trên trời cao xẹt xuống đất; rồi có tiếng nổ long trời;  rồi có cây đổ, người chết… cháy đen thui?  Ai dám nói “không” khi có nó.  Ai dám nói “có” khi nó là không.  Và nếu cứ đi mãi, rồi đi mãi tìm ngọn nguồn và nguyên nhân của cơn sấm sét thì ai dám bảo là có, ai dám bảo là không?  Muốn nói gì thì nói nhưng chắc chắn cái ông Thiên Lôi mạnh vô song đó là… “đồ giả thật”!  Nó có thật đó mà lại không có thật.  Cái giả, cái không cuối cùng của sự thật ông Thiên Lôi đó không thể thấy, không thể tính, không thể bàn mà chỉ có thể hiểu ra và cảm nhận qua ý niệm “tri kiến” trong vô hình vắng lặng.  Chỉ có cái nhìn của tuệ giác mới thấy được đó là lý Bát Nhã.  Chẳng có một ông Thiên Lôi thật sự nào cả mà chỉ có tánh điên đảo hợp lại thành sấm sét và mộng tưởng điên đảo hợp lại thành ông Thiên Lôi.

– A! Thầy ạ.  Thuở nhỏ, Ba Gấm con từng biết một ông thầy pháp có được cái búa thiên lôi để trừ ma diệt quỷ đó mà.

– Thế ngày đó Ba Gấm có tin đó là búa thiên lôi thật không?

– Dạ, tin lắm thầy ơi!  Cả làng, cả xã đều tin như vậy vì ông thầy pháp có cái búa Thiên Lôi bỏ trong túi xách thật mà.

– Nếu đó chỉ là cái búa thợ rèn giả thì làm sao biết được?

– Ơ! Mà… ơ! Thật tình là không biết vì có ai ngoài ông thầy pháp đó có “búa Thiên Lôi” đâu.

– Thì Bát Nhã cũng chỉ là lời xác định một cách quả quyết rằng, không có cái búa Thiên Lôi thật; mà cũng chẳng có gì thật cả.  Nên đừng sợ sấm chớp, đừng sợ tiếng nổ, đừng sợ Thiên Lôi vì thật ra mọi hình tướng đều là sự va chạm hay kết hợp của âm dương, ngũ hành mà sinh ra, rồi tan biến và về lại với Suối Nguồn Vũ Trụ mà thôi. Ngay cả tam thiên, đại thiên thế giới cũng chỉ là một trường sinh diệt liên tục.  Cái gọi là Ta Bà thế giới hôm nay biết đâu sẽ tan thành đám bụi mờ bay tỏa trong không gian vô cùng và thời gian vô tận.

Ba Gấm hồi tưởng lại những cuốn sách bàn về yếu lý nhà Phật quá cao siêu đến độ mơ hồ và tối tăm khó hiểu mà mình đã đọc, liền hỏi thầy Tiều:

– Thưa Thầy, như thế có loại kinh sách nào bàn về kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật đơn giản và dễ hiểu với tất cả mọi người, ngay với cả người mù chữ không?

Thầy Tiều giải thích:

– Bát Nhã là sự thật của thể lý, là cội nguồn của ý thức, là tính không của vạn pháp.  Đó là một ý niệm hoàn toàn tự tại, an nhiên và rỗng lặng, không đào bới hồi ức từ quá khứ, không chạy đuổi theo ước mơ về tương lai.  Quán tự tại nơi ta và trong chính ta ngay trong lúc nầy.  Bát Nhã đơn giản như hơi thở và gần gũi thật thà như máu của ta. Tâm vắng lặng, trí thản nhiên trước tất cả những mảnh đời đang trôi theo dòng sống là đang sống đời Bát Nhã.  “Từng trang nghĩa lý phân minh.  Kim Cang kinh thật là kinh không lời”!  Vì kinh thật không lời nên khi đem “xích tử chi tâm”, nghĩa là cái tâm nguyên sơ, hồn nhiên, trong suốt của đứa bé sơ sinh và một đầu óc không vướng bận nhị nguyên đối đãi (như khen chê, tốt xấu, có không… ) thì dòng Bát Nhã có sẵn trong mỗi người tự nhiên hiển lộ. 

Ba Gấm cúi đầu lẩm bẩm:

– Kim Cang kinh thật là kinh không lời.  Kim Cang vô tự thị chân kinh! 

Tâm An không nhịn được, liền hỏi:

– Thầy ơi!  Nếu Bát Nhã mà gần gũi và đơn giản như thế thì tôi đâu có bỏ chùa ra đi trôi nổi đến hai lần như thế.

            Đặt một bàn tay nhè nhẹ lên vai áo của Tâm An, thầy Tiều nói như an ủi:

            – Tâm An vẫn còn tiếc nuối những năm tháng sống xa chùa à?

            Giọng ấm lại đầy vẻ cảm động và chân tình, Tâm An nói nhỏ:

            – Dạ, tiếc lắm Thầy ạ.

            – Lại vướng mắc hình tướng nữa rồi.  Sao quý hữu không xem thế gian nầy là một ngôi chùa rộng lớn.

            – Tam Bảo nơi đâu?

            – Phật là Tâm thương người, thương đời. Pháp là Trí tỉnh táo, sáng suốt. Tăng là việc tốt đang nghĩ, đang làm.

            – Tìm ở đâu?

            – Tất cả đều có sẵn trong ta.  Không cần tìm.  Chỉ cần thấy.

            – Tôi chưa nghe ai nói đơn giản như vậy bao giờ.

– Bởi vì người ta đua nhau nói những điều cao siêu về Bát Nhã nên chẳng ai hiểu Bát Nhã như chính thị Bát Nhã mà cứ hiểu Bát Nhã theo những điều cao tột nằm tận đâu đâu bên ngoài Bát Nhã.  Dần dần, vọng tưởng Bát Nhã trở thành cung tên của ngôn ngữ khải đạo và tư tưởng ngự trị.  Hễ người xạ thủ vô minh bắn ảo ảnh Bát Nhã vào đâu là ý nghĩa thâm sâu của Bát Nhã ấy sẽ mất sự hồn nhiên trong sáng và biến thành vọng tưởng. Bát nhã, tánh không, chân như… không có gì xa hơn là sự thật.  Nó là nó chứ không phải ai khác, cái gì khác, hay thể tính khác.  Quán tưởng, suy niệm về sự thật để tiến tới một đối tượng không phải là chính nó mà cao hơn hay thấp hơn nó; đẹp đẽ hay xấu xa khác nó là phi Bát Nhã.

Người hiểu Phạm Xảo nhất là Trí Hải, chỉ im lặng theo dõi , bây giờ mới lên tiếng:

– Quả thật là Phạm huynh đã có “duyên tu”.

Trước sự im lặng đợi chờ, Trí Hải không nói gì thêm.  Thầy Tiều giục:

– Chẳng hay Phạm quý hữu có duyên tu như thế nào, hoàng thân?

– Để có thể trả lời Thầy, có lẽ tôi phải mượn ý kinh nhà Phật. Hình như là Kinh Đại Pháp Cú thì phải, đại ý có nói đến Duyên Tu rằng: Dẫu cho tụng kinh ngàn lời mà không thực hành, tu dưỡng thì ích gì? Chẳng bằng nghe một lần, rồi tự mình siêng năng lặng lẽ chuyên tu cho chính mình sẽ được ích lợi hơn. Tụng kinh ngàn lời, không hiểu thì ích gì? Chẳng bằng hiểu một lời kinh, rồi áp dụng, tất sẽ đắc độ. Tụng kinh ngàn lời, mà lòng bất kính, thì ích gì? Chi bằng thực hành, vui vẻ, phụng tu đầy tin tưởng. Tụng kinh ngàn lời, mà cái tôi không bớt, chi bằng theo tu một lời, mà bỏ kiêu mạn, buông lung. Tụng kinh ngàn lời, cầu danh thêm chấp, chi bằng nghe một lần, rời bỏ chấp trước.  Nếu tu vì hình tướng, vì danh vị, vì tiếng tăm, vì lợi lộc, vì đối đãi phân biệt phe ta, phái người thì đấy là “nghiệp tu”, càng tu càng mang nghiệp chướng càng nặng nề.

– Phải.  Phạm Xảo quý hữu đã sống thật với chính mình trước khi sống thật với người khác trong mọi tình huống, trước mọi hoàn cảnh.  Tu không hình tướng là duyên tu và cũng là một cách sống đời Bát Nhã.  Dẫu cho đấy chỉ là một trong tám vạn tư lối về bến Giác thì khi đi trọn đường cũng sẽ đến được bờ bên kia thôi.

Cả nhóm nhìn ánh trăng nhạt dần để đón một bình minh đang về.  Một sớm mai bình thường, nhưng sẽ trở thành đến muộn với những người thức trắng đêm và đến sớm với người nông dân đang ngủ say sau màn sương mỏng dưới chân đồi Thái ấp.

 

 

 

Tu Bụi

Truyện dài

Bài viết liên quan