Sau 18 năm trị vì, vua Gia Long qua đời.
Tin “hoàng thượng băng hà” loan đi như cơn gió xoáy trong đám lá khô. Thành phố nhỏ nhắn được nhà Nguyễn chọn làm kinh đô nầy bỗng mang một vẻ gì nghiêm trọng khác thường khi tin nhà vua qua đời được loan ra. Mặc dầu phần đông các quan lớn đương triều khắp nơi đã có mặt, nhưng đội kỵ mã hoàng cung mang hỏa lệnh khấp báo tin vua mất cũng tỏa ra mọi miền. Chết là hết hay còn; về hay đi? Câu hỏi cũ muôn đời bỗng đến từ một trạng thái thường ngày vừa mới đột ngột chuyển sang cảnh mới: Sống và chết.
Những người ngồi trong chiếc thuyền rồng vang rền nhã nhạc và rực rỡ đèn đóm trên sông Hương, nhìn mũ áo cân đai của nhau và cùng nhiễm lên nhau một niềm tin không có thực rằng, chiếc thuyền là một lâu đài chứa mọi uy quyền của thiên tử và quần thần thì không thể mất hay chìm được. Cũng như bản thân nhà vua không thể chết được vì ngài ngự trên những quyền uy của mọi quyền uy. Thần chết cũng như thần hoàng, thần sông, thần núi… nếu được sắc phong của triều đình chắc sẽ vui mừng ném lưỡi hái âm dương, vội vã vào điện Thái Hoà lạy tạ. Thế nhưng cái chết và cái sống vẫn là một cặp bạn lẫn thù lạnh lùng đi bên nhau, bám sát nhau để xác nhận sự hiện hữu của phía nầy và chối bỏ phía bên kia. Mãi mãi, chết sống vẫn là một cặp song sinh không bao giờ vắng nhau. Dẫu sống đến 800 tuổi thọ như ông Bành Tổ ngày xưa thì sự chết vẫn có ngày đến viếng. Sau khi chết, có ai lên được xứ Trời hay không thì câu trả lời vẫn còn nửa tin, nửa ngờ. Nhưng ai cũng phải về đất. Đó là điều rõ ràng như chân lý. Đất là Mẹ, là chốn an nghỉ sau cùng. Đất đối xử mọi người đều bình đẳng. Đất không mở cho vua mà cũng chẳng khép lại trước mặt dân nghèo.
Chết là khép lại khung cửa thường bỏ trống trên một đời người: Cửa vô thường. Thế nhưng vô thường cũng lại là rất thường vì ai cũng phải đi qua cửa đó.
Vua Gia Long vừa đi qua ngõ vô thường và tân vương Minh Mạng đang đến. Thời gian có khác nhưng chung ngõ đời thường không ai tách được.
Ai buồn, ai vui, ai được, ai mất trong cuộc đi về nầy thì tự mình, mình biết. Con thú rừng hoang ra đi trong im lặng, nhưng con người nằm xuống giữa ồn ào. Càng ăn no càng to đám. Đám đế vương, quý tộc và hào phú lại còn là một cơ hội diễn tuồng cảm xúc. Cảm xúc cho người sống ngắm nhìn chứ không phải cho người mới ra đi. Tất cả bề mặt bên ngoài, kể cả nước non, con người và cây cỏ đều bắt buộc phải “biết” buồn. Khóc cười cho nhau là tình cảm chân thành; khóc cười cho người là tiểu xảo của nghệ thuật sống. Nỗi buồn chân thật, quặn mình phát khởi tự đáy lòng và cái buồn trang trí cho phải phép chẳng bao giờ giống nhau trong bản chất. Nhưng trong cách biểu hiện thì quả là một nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính và nghệ thuật điêu ngoa. Nhiều khi cái điêu có vẻ ngay hơn cái thật và cái tà lại thật hơn cái chánh.
Nghệ thuật sống chân chính và xảo thuật sống điêu ngoa là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội nhất thời. Nhưng khuynh hướng tâm lý thường là sản phẩm của điều kiện lịch sử và địa lý lâu dài.
Vốn là Ô châu lạc địa, nhưng lại là vùng đất hoa gấm của xứ Chiêm Thành huyền bí, Huế được chọn làm kinh đô của một nước Việt Nam thống nhất rộng lớn nhất kể từ thời các vua Hùng dựng nước. Huế vừa có niềm tự tin vững chải bên trong, nhưng vừa có sự e ấp của người dân dã lên làm hoàng hậu. Huế có một khuynh hướng tâm lý riêng, do hoàn cảnh lịch sử và địa lý hết sức bão nổi và chuyển biến không ngừng. Cô gái sông Hương có vẻ như bốn mùa hiền thục, mang nước trong xanh lặng lờ trôi ra biển. Nhưng vẫn có những cơn mưa nguồn thác lũ cuốn phăng tất cả trong cơn thịnh nộ bất ngờ. Chàng trai núi Ngự có vẻ như cái bình phong vững chãi, nghiêng vai gánh đá Trường Sơn. Nhưng trái núi không chịu được thân phận bình phong lặng lẽ một góc trời, nên thường bươn bả ra đi, kéo theo nàng sông Hương xa xứ. Huế có một cái gì gần như mâu thuẫn bởi sự réo gọi giữa ở và đi, giữa thương và ghét, giữa bờ ao và đại dương, giữa tha hương và về lại. Tâm lý lưu dân và hoàn cảnh lịch sử tạo nên một phần bản sắc của “tâm lý Huế” và văn hóa Huế. Bên cạnh nguồn tâm lý lưu dân nầy, Huế còn là chứng nhân của bao hoàn cảnh bể dâu. Một cảnh sống đầy biến động và vô thường như Huế sẽ tạo ra những cặp khái niệm tâm lý vừa tương phản, vừa nhị trùng trong cùng một thời khắc: Được và thua, có và không, giàu và nghèo… chông chênh và tương đối. Bao nhiêu gia đình giàu sang, thế lực, chỉ cần qua một cơn binh biến, có khi chẳng có một tơ hào nào còn sót lại. Bởi vậy, vua băng hà không phải chỉ đơn giản là sự ra đi của một khuôn mặt thống lĩnh, mà là dấu ấn đậm nét về sự thua cuộc của quyền uy trước số phận mỏng manh của những cặp khái niệm nhị trùng đó.
Trong dịp quốc tang và lễ quốc táng của nhà vua, hoàng thân Trí Hải lại trở thành điểm nhìn nóng bỏng của quần thần, hoàng tộc và dân chúng.
Cũng chỉ là sự lặng lẽ và dáng đăm chiêu thường ngày của Trí Hải trong khung cảnh chồng chất lễ nghi, nhưng mỗi người lại nhìn một cách khác. Giới triều thần quan chức thì nghĩ rằng đấy là một sự im lặng đầy tính toán vì họ vốn quen suy diễn mọi sự đơn giản bằng cái nhìn đầy ẩn ý mưu toan. Giới hoàng tộc thì lại cho rằng Trí Hải không dốc hết tâm tư và tấm lòng mình lên vua để khóc than, vật vã, biểu tỏ sự đau buồn cùng cực cho mọi người đều thấy. Quần chúng bình thường thì có kẻ cho Trí Hải là “dại” vì không nắm bắt cơ hội bằng vàng, đời một lần, để biểu tỏ và đánh bóng lòng “trung quân ái quốc” thì khó mà nhảy cao lên hàng chót vót của danh vọng. Giới sĩ phu thì lại cho rằng Trí Hải là chính nhân quân tử vì không dựa thế người làm thế mình. Kẻ vay mượn như thế là hàng bất tài, thiếu bản lĩnh kẻ sĩ. Trí Hải giữa đời như một trang sách mở rộng, ai cũng đọc được và suy diễn theo ý mình, nhưng trang sách tự nó là một đóa hoa không nở hay tàn vì cái nhìn chủ quan của kẻ khác. Trăng không mọc hay lặn vì lời hẹn ước của đôi tình nhân. Trí Hải đến và đi trong điệu sống riêng của mình.
Đêm hôm trước ngày cử hành nghi thức đại tang, mọi người không ngủ. Ước muốn có một lần trong đời được tham dự hay cận kề với một sự kiện trọng đại đầy lễ nghi vương giả mà không bị cấm đoán đã thôi thúc quần chúng chong mắt đợi chờ. Sự bận rộn nôn nao đã có tự trong lòng nên mọi người tự đánh thức mình dậy. Sáng mai, kim quan của nhà vua sẽ được rước ra khỏi hoàng thành, cung nghinh xuống đội long thuyền, di chuyển lên hướng thượng nguồn sông Hương để nhập lăng. Kim lăng của vua đã được khởi công xây dựng từ năm 1814 ở núi Thiên Thọ cũng vừa hoàn tất.
Quá nửa khuya, Trí Hải lặng lẽ về lại tư dinh. Sự mỏi mệt trong mấy ngày qua khiến ông cần chợp mắt để lấy lại sức cho ngày đại lễ hôm sau. Tháng chạp trời lạnh và ẩm ướt. Trăng hạ tuần khi mờ khi tỏ làm hiện bóng một ông già bên ngọn đèn dầu lay lắt nơi góc nhà vườn với những chậu kiểng mùa đông trơ trụi. Khu gia trang im lặng như bìa rừng hoang phế. Trí Hải rón rén bước lại gần. Ông lão như quên cảnh, quên người, chìm lắng trong một thế giới xa xăm từ ký ức. Thỉnh thoảng ông ta đưa cái bình cũ kỹ đã sứt vòi, to bằng hai nắm tay lên miệng, ngửa mặt tu một hơi dài và nói chuyện lầm bầm như nói với chính mình bằng thứ âm thanh rì rầm không ai hiểu. Trí Hải ngạc nhiên lạ lùng khi nhận ra ông già là lão gia nhân âm thầm thường ngày bên cạnh mình. Vẫn với cung cách trầm tĩnh hằng ngày, Trí Hải nhẹ nhàng hỏi ông già:
– Kìa, lão nhân vẫn còn thức sao?
Thực tế khác xa với với sự tưởng tượng của Trí Hải, rằng là, ông già sẽ tỏ ra e dè hay sợ sệt khi uống rượu lén lút một mình trong đêm khuya bị chủ bắt gặp. Đằng này, đã không ngước lên nhìn người đối diện, ông già còn ngồi điềm nhiên, trả lời bằng cái giọng đã lạc đi không biết vì dầm sương lạnh hay vì men rượu:
– A ha, ha! Người đi trước… trước ta rồi. Ngày ta đi, ai đưa ta đi?!
Trí Hải tròn mắt ngạc nhiên. Ông lão như đang lạc vào một thế giới khác. Vẫn cái giọng lạc hồn đó, ông lão lập lại câu hỏi như một lời than van buồn thê thiết:
– Ngày ta đi… ai đưa ta đi?
Vẻ ngớ ngẩn của ông lão không có dáng ngất ngưỡng say sưa mà vương mang cái buồn ngơ ngác. Trí Hải hỏi lại:
– Ai đưa ai đi đâu?
Ông lão cố nói tỉnh táo nhưng lời lẽ càng mù mịt hơn:
– Sống gởi, thác về. Đi đâu, về đâu, ai biết đâu!
Ông lão lại đưa cái bình sứt vòi lên miệng, ngửa mặt hồi lâu, nhưng hình như trong bình không còn một giọt rượu hay một giọt nước nào cả.
Với một tâm hồn thoáng đạt, Trí Hải vẫn nhẹ nhàng:
– Lão say rồi. Về nghỉ đi, đừng uống nữa. Ở nhà thiếu gì bình sao lão phải dùng cái bình sứt vòi tội nghiệp vậy!
Ông lão cười bằng giọng mũi khô khan:
– Bình đế vương, sao tội nghiệp!
– Đế vương nào lại uống cái bình sứt vòi này?
– Hoàng đế Gia Long. Chúa Nguyễn Ánh thuở ấy đó mà.
– Nghĩa là sao?
– Ô hô! Ta nhớ lại rồi… Ngày bị kẻ thù truy đuổi nguy cấp qua Rạch Gầm, Xoài Mít, quân tướng chạy lạc nhau còn dăm ba người đeo trên mảnh ván, hớp được một hớp nước từ cái vòi sứt miệng nầy là giữ được nguồn sống khắp châu thân. Nếu không có sự sống, làm gì có đế vương.
Trí Hải phải xuống giọng nhắc nhở ông lão:
– Lão có biết là gọi vua bằng tên tục và rượu trà trong lúc đại tang vua là bị coi như mắc tội khi quân, phạm thượng, dù làm Ba Gấmợng thư cũng có thể bị mất đầu như chơi không?
Ông già tuồng như không quan tâm đến lời răn đe, khật khừ đứng dậy. Trí Hải đi từ ngạc nhiên đến buồn cười khi thấy ông già thở mạnh, hoa tay như rút kiếm, rồi chống nạnh, đứng sững, nhìn vào đêm với quầng mắt sâu. Xa vắng.
Trí Hải vẫn nhẹ nhàng:
– Say quá rồi! Thôi về nghỉ!
Ông già nói nghiêm nghị:
– Phải! Phạm Xảo thời oanh liệt giờ chỉ còn là lão già xế bóng. Khi Xảo nầy ngang dọc dẫm nát những vùng phù sa từ Xiêm La ra Phú Quốc, hoàng thân đại nhân bấy giờ là cậu bé còn nhỏ tuổi và ở bên Tây với hoàng tử Cảnh nên làm sao biết được.
Trí Hải lắc đầu:
– Tôi không hiểu gì cả! Một ông lão hầu cận bên cạnh mình bao nhiêu năm, bỗng dưng hôm nay tự xưng mình là Phạm Xảo, một tướng quân chỉ còn nghe xướng tên trong các bài vị tế lễ chiến sĩ trận vong. Mà dù lão có là tướng quân xưa hiện hồn về đi nữa thì cũng phải chờ đêm qua rồi hãy tính. Thôi, để tôi dìu lão về phòng. Nào, tựa đầu trên vai tôi, đi!
Trí Hải dợm quàng tay qua vai ông lão, dìu bước đi, nhưng ông lão ngăn lại. Giọng dịu xuống và tha thiết quá làm cho Trí Hải lặng người:
– Hoàng thân! Xin người thứ lỗi vì tôi đã vội vàng thổ lộ chuyện riêng không đúng chỗ và đúng lúc. Tâm thần tôi xúc động và thần trí tôi căng thẳng quá trong lúc nầy. Tôi có niềm tự hào với lòng trung nghĩa của mình, nhưng cũng có nỗi đau vì đời mình đang đến chỗ tận cùng, chẳng còn chi để mất… Tôi phải nói vội vàng vì sợ chúng ta sẽ không còn cơ hội gặp nhau nữa. Một lời hứa đã làm tròn, một cuộc đời khác phải đến…
Trí Hải nhận ra có một điều gì đó đầy uẩn khúc và nghiêm trọng hơn là sự bốc đồng của ông già trong cơn say.
Giọng ông già bỗng trầm xuống:
– Lẽ nào ngài cũng chẳng cần để ý nếu tôi là kẻ giết người chạy tội, đóng vai một tên rình mò chỉ điểm của triều đình bên cạnh ngài sao?
Trí Hải vẫn thản nhiên:
– Tôi lại càng cảm thấy mù mịt hơn. Lão cứ nói tiếp và nói cho rõ hơn đi…
Ông lão nói lầm bầm. Dáng cao lớn vươn vai đã xóa mất vẻ lù khù, lặng lẽ của một lão già nô bộc:
– Đã gần hai mươi năm đã qua mà tôi cứ ngỡ như mới chiều hôm trước.
Lão già lặng lẽ nhắm mắt để hồi tưởng. Tiếng đêm khuya và gió mài vào những hàng tre rin rít như tiếng cười mai mĩa của thời gian. Đêm tháng chạp u minh và trầm lắng làm dội tiếng thở dài không rõ nguyên cớ của ông già. Có vẻ như hơi bị hụt hẫng trước phản ứng thiếu sôi nổi của người đối diện, ông lão vén mái tóc trắng phau nhìn bầu trời khuya đã sẩm xuống, e dè đề nghị:
– Mưa sắp xuống, ngoài nầy lạnh, chúng ta có thể vào trong được không. Dù phải đi hay ở, tôi vẫn muốn được thưa với hoàng thân điều tôi cần phải nói. Mời tôn ông vào phía hậu đường cho ấm. Than vẫn còn đượm trong lò sưởi.
Hai người cùng ngồi xuống trước bếp lửa chưa tàn. Gỗ trắc bá diệp đốt lên thoang thoảng mùi bạc hà và núi rừng hoang dã. Sự cô liêu của đêm và từng đầu than mong manh thi nhau lụi tàn làm cho lòng người lắng xuống và cảm giác gần gũi nhau hơn. Không có một dấu hiệu nào từ phía người đối diện chứng tỏ sự nôn nóng hay quan tâm đến giây phút mà ông lão cho là thiêng liêng và nghiêm trọng nhất đời. Theo ông, đó là giây phút vừa bi thương, vừa hùng tráng của đời ông.
Trí Hải nhắp trà im lặng lắng nghe. Giọng ông lão thao thiết buồn khi nói về kỷ niệm; rắn rỏi và sôi nổi khi nói đến những ngày binh lửa; nhưng lại khí khái lẫn chua xót khi kể lại biến cố sau cùng.
Ông Lão giở lại từng trang cuốn sách của đời mình:
“Tôi xuất thân là một cậu bé có đủ cả cha lẫn mẹ nhưng phải sống như trẻ mồ côi…” Ông lão bắt đầu kể chuyện đời mình. Trí Hải lắng nghe. Bên bếp lửa, ông già như đang lạc hồn về quá khứ, kể lại:
– Đứa bé là sản phẩm của mối tình lén lút nhưng đầy tình tự mê hồn giữa một vị quan võ họ Phạm triều Lê và một cô đào hát đã có gia đình. Giọt máu thành người từ nỗi đam mê say đắm chứ không phải từ nhu cầu truyền giống. Đứa bé lớn lên trong thời loạn lạc Trịnh – Nguyễn phân tranh. Mang bản chất quyết đoán của cha và nhạy cảm của mẹ trong dòng máu, thằng bé họ Phạm học võ để kiếm cơm huynh đệ và học văn để đọc văn viết mướn, khi thì chép kinh, sao sách kiếm cơm chùa, hay có lúc ra giữa đời bán chữ nuôi thân. Khả năng tinh thông võ nghệ không môn phái và kiến thức sách vở chữ nghĩa ta bà, tứ xứ đã làm cho chàng thanh niên vô danh xứ Đàng Ngoài sớm có đất dụng võ xứ Đàng Trong. Từ khi về dưới trướng của Nguyễn Vương, cậu trai trẻ đã phát tiết hết khả năng cả văn lẫn võ để sớm trở thành một tướng quân được tín cẩn phò vị vua khai sinh triều Nguyễn tương lai.
Khi nhân vật Nguyễn Ánh lên ngôi thành vua Gia Long, tất cả tướng sĩ cùng theo vua về kinh đô Huế. Phạm Xảo về theo.
Đất nước đã bình trị. Những cuộc vui lớn nhỏ với sự tham gia tay đôi, từng nhóm hay từng vùng, từ quan quân đến hàng dân dã, đang trở thành một phần của đời sống bình thường. Rộn ràng nhất là những cuộc đấu cờ tướng tay đôi. Cờ tướng, đá gà, thi thơ, đấu vật, hát tuồng, ca hò… trở thành một phần sinh hoạt văn hóa trong giai đọan định hình của một triều đại.
Trong một quán nhỏ ngoại thành, Phạm Xảo đang đấu cờ tay đôi với một quan võ thân binh khác. Đã hai ván, một thắng, một hòa. Ván thứ ba, giữa cuộc cờ chưa phân thắng bại, viên quan võ thân binh vít cần thuốc lào và búng tay ra hiệu cho bọn sai nha châm lửa. Vài ba tên chạy lăng xăng, tay cầm mồi lửa và quỳ xuống lo điếu đóm. Quan võ thân binh rít một hơi dài thuốc lào, rồi ngửa mặt nhả khói cười thống khoái. Ông ta vươn tay trên bàn cờ bằng đá Thanh bóng lộn, dùng Mã diệt Pháo đối phương với tiếng đập quân cờ chan chát. Miệng cười ngất ngưởng khi biết Phạm Xảo rơi vào thế nguy. Giọng hể hả, viên quan võ cười ré lên:
– Quang Trung đại đế… à quên… “tiểu đế” ơi! Khôn hồn thì nằm yên dưới ba thước đất để ta cho xe ngựa tới rước. Này này, hãy xem ngựa chiến của ta đá cú song phi đẹp hơn cả khi thành Qui Nhơn bị đốt. Ha… ha!
Ông ta vừa nói như phường tuồng diễn trò, vừa đem xe đuổi pháo… với vẻ thô bạo hiện lên trên vẻ mặt, trên ngón tay nắm quân cờ nặng nề như cầm dao rựa.
Phạm Xảo nắm chặt một quân cờ như cầm đốc kiếm trong tay, nhìn thẳng vào mắt người đối diện, hất hàm hỏi:
– Ông có biết Quang Trung Nguyễn Huệ là ai không mà dám ăn nói quàng xiên đến như thế, hử?
Viên quan võ nhìn Phạm Xảo từ đầu tới chân như một vật quái dị. Ông ta khịt mũi lên tiếng với giọng khinh thị:
– Nguyễn Huệ và dòng Nguyễn Tây Sơn là phường bại trận nên có chui xuống đất cũng không tha. Hoàng thượng và triều đình tại vị đang tính sổ lại bọn tội đồ đã theo giặc Tây Sơn. Quan bác ăn lộc của ai mà dám hỏi một câu ngang phè như vậy kìa. Hàng tiểu tướng như ta đây mà còn phò hoàng thượng để đào mả Nguyễn Huệ, thế mà hàng trọng thần như quan bác lại đi hỏi ngớ ngẩn như một tên lính gác cổng ngu dốt không bằng…
Phạm Xảo trừng mắt:
– Ông vừa nói gì? Ai đi đào mả Nguyễn Huệ?
Viên quan võ cười ngất:
– Chính ta chứ còn ai vào đó nữa! Không những đào mả mà ta và thân binh của ta còn dâng biểu lên Hoàng Thượng xin nhồi xương cốt tên vua ngụy đó vào thuốc súng, bỏ vào súng thần công bắn tan xác. Ấy, ấy! Mà tiến quân đi chứ, sao lại cứ giữ quân cờ khư khư vậy quan bác?
Phạm Xảo run tay. Hỏi tiếp:
– Thế ai là người đem xương sọ của Nguyễn Huệ giam vào ngục tối và làm chậu đi tiểu hàng ngày?
Gã quan võ vỗ đùi, khoái chí:
– Quan bác rõ thật là chưa nắm hết cái lý phong thủy. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, triệt giòng triệt giống kẻ thù phải triệt hết nguồn mạch âm dương. Thử hỏi ngoài ta và phe ta ra thì còn ai cao minh hơn để làm vui lòng hoàng thượng khi ngài ngự trên ngôi chí tôn để thanh toán nợ nước thù nhà đã chớ!
Cơn giận lại có thêm niềm khinh bạc đã làm cho Phạm Xảo quên mất không khí cuộc cờ trước mắt. Ông nhớ lại suốt 24 năm dài chiến đấu gian khổ bên cạnh chúa Nguyễn. Hào quang Nguyễn Huệ thống lĩnh ba quân, đánh tan tành hai mươi vạn quân Thanh. Quân Tây Sơn với chiến thuật tiến quân thần tốc đã làm quan quân Nguyễn Ánh bao phen khốn đốn. Nhưng cũng chính hào quang đó đã làm cho cuộc chiến thắng sau cùng vẻ vang hơn và vẽ nên một chân dung Nguyễn Ánh kiên trì, đảm lược hơn. Dòng máu uy vũ của cha đã thôi thúc ý chí trung kiên của Phạm Xảo phò Nguyễn Ánh đến thắng lợi sau cùng. Dòng máu nghệ sĩ của mẹ đã nuôi dưỡng tình cảm Phạm Xảo yêu thương hồn dân tộc, trân trọng sự hào hùng lẫm liệt của Quang Trung. Trong hai thiêng liêng ấy, không có chỗ đứng cho nguồn tình cảm nhỏ nhen, sự quyết đoán tầm thường và lòng hận thù hèn mọn. Trong thoáng chốc những cơn giận từ đâu ùn ùn kéo lại. Cơn giận bốc thành lửa cháy. Lửa thể chất ngoài đời thì còn may ra chữa được, nhưng ngọn lửa tâm hồn đã cháy thì chỉ còn thiêu hủy. Đôi mắt Phạm Xảo như hai cục than hồng chiếu thẳng vào viên quan võ. Không kiềm hãm nổi ngọn sóng cảm xúc bừng bừng dâng lên từ trong sự xung động dấy lên từ những ngõ ngách bí ẩn của vô thức, Phạm Xảo đứng dậy, chỉ mặt viên võ quan, quát:
– Ta không ngờ để làm vui lòng chủ, các ngươi lại có thể xúc phạm đến vị anh hùng dân tộc bằng những trò đê hạ đến thế.
Viên quan võ lập tức đứng dậy, nghiến răng la lối:
– Quân mặt người dạ thú mới cam tâm hành động bất trung. Trung thần bất sự nhị quân, tôi trung không thờ hai chúa. Ăn lộc chúa Nguyễn là phải thờ Nguyễn Vương. Nguyễn Huệ dẫu có hảo hán anh hùng tới đâu cũng chỉ là kẻ thù không đội trời chung của hoàng thượng đương triều, đấng minh chủ tối cao của ta.
Phạm Xảo vươn mình, chỉ tay vào mặt viên võ quan nói gằn từng tiếng:
– Theo thiện bỏ ác, ấy là trung. Theo thiện bên nầy mà vẫn không bỏ thiện bên kia, ấy là trí. Dám quên mình để bảo vệ lẽ công bằng, điều chính nghĩa, mới là dũng. Nếu không có anh hùng Nguyễn Huệ đánh tan 20 vạn quân Thanh thì đất nước ta đã bị Tàu đô hộ, còn đâu một mảnh giang sơn riêng biệt cho đến ngày hôm nay. Lúc đó, lấy gì để cho ngươi khua môi, múa mép nói chuyện ơn vua, lộc nước đương triều mà quên kẻ trồng cây, hả?!
Viên quan võ bặm môi, vỗ kiếm chỉ vào mình:
– Là võ tướng cầm quân canh giữ Hoàng thành, ta không cần biết những chuyện xa vời như thế. Ta chỉ biết trên đầu có vua. Vua có xử chết ta cũng phải tuân hành không cần biết lý do. Đạo trung hiếu xưa nay là thế…
Không để cho kẻ đối diện nói hết câu, Phạm Xảo đã gạt phăng:
– Trung mà không phân biệt phải trái là ngu trung. Này! Ngươi, tên đốn mạt. Chính lũ ngu thần vô lại chúng bây đã bày đặt những trò ma chước quỷ. Lũ bây đã tiếp những bàn tay bẩn biến chính nghĩa thành tà đạo, biến công minh thành thù hận thấp hèn, biến nhân tâm thành thú tính, biến uy vũ cứu nước giúp đời thành hành động trả thù nhỏ nhen của phường giặc cỏ…
Bất thần bị hạ nhục công khai, viên quan võ sửng người một lát và lao vào trận địa phản công:
– A…a…a! Thì ra, ngươi là tên giặc Tây Sơn cài đặt giữa triều đình. Bây đâu, bắt hắn trói lại, đem ra chém đầu, cắt thủ cấp mang vào cung dâng lên hoàng thượng!
Đám vệ sĩ lập tức thi hành lệnh chủ tướng. Nhanh hơn một bước, Phạm Xảo chụp ngay bàn cờ bằng đá trước mặt hai người và giáng một đòn chí mạng lên đầu viên quan võ. Bàn cờ đá vỡ theo đầu người. Một mình giữa tuyến lửa, rút cây gươm từng vào sinh ra tử tưởng đã ngủ yên bao năm, Phạm Xảo tung mình vào cuộc chiến đấu sống còn. Những đường kiếm lão luyện một thời sống lại. Nếu không có vợ chồng người chủ quán thì tất cả chỉ còn là đoạn cuối cảnh đấu trường, một đấu trường của những võ sĩ quyết đấu thời trung cổ: Giết hay bị giết!
Trận hỗn chiến xẩy ra nhanh đến độ hai vợ chồng người chủ quán chưa kịp hoàn hồn. Thình lình, như vừa mới thu lại được hồn phách đã bay xa, người chồng vùng chạy. Anh ta vừa chạy vừa la: “Giết người! Giết người! Bớ xóm phường. Bớ các quan! Giết người. Cứu với! Cứu cho với!” Và theo phản ứng dây chuyền, người vợ vụt chạy theo chồng, miệng la gào tiếp cứu. Tiếng gào trong đêm hãi hùng đến độ làm cho Phạm Xảo vốn dạn dày với gươm giáo cũng bị lay động. Nhưng tia lóe sáng bỗng vụt đến. Đây không phải là chiến trường, nơi chỉ có sức mạnh làm chủ tể và kẻ thắng trận vừa là chân lý, vừa là quan tòa, vừa là bị cáo. Nơi đây là kinh đô của một vương triều vừa thắng trận. Chính nghĩa thường ở phía thắng trận vì phía thắng trận còn có lưỡi gươm và mạng sống. Phạm Xảo thắng nhưng chỉ thắng bầy chồn trong rừng thú dữ. Những cái án tùng xẻo, voi dày, ngựa xéo, chém đầu ba họ… từ trong thâm sâu ký ức loé lên, dội vào bản năng sinh tồn, tạo thành một động lực khủng khiếp “giết hay bị giết” đẩy Phạm Xảo chạy như bay vào đêm tối.
Tiếng kêu cứu dồn dập của hai vợ chồng chủ quán sắp vọng đến khu dân cư đông đúc cuối đường. Phạm Xảo đuổi kịp và vung gươm chém chết cả hai vợ chồng. Đó là người đàn ông vô can và người đàn bà vô tội, nhưng cái tội của họ là chỉ vì trót sống giữa cõi đời ô trọc nầy. Chứng nhân vụ xung đột đẫm máu chỉ có màn đêm và mưa bụi… hay đã lọt qua tai vách mạch rừng. Không ai hay. Những dòng sống đã bị lưỡi gươm chém tiệt hay còn cựa quậy đâu đây. Không ai biết.
Ông lão ngừng kể và nín thở nhìn Trí Hải, kẻ vẫn yên lặng ngồi nghe điềm nhiên như một cái bóng mơ hồ hắt ra từ núi đá. Sự tĩnh lặng kéo dài làm ông lão ngộp thở. Từ trong suy nghĩ của ông, nếu nhân gian biết được rằng Phạm Xảo còn sống, chắc là phản ứng tức thời của người đời sẽ nghiêng trời, lệch đất… Ông lão giải thích thêm:
– Sau biến cố đó, tôi bương bả đi tìm Thầy – thầy võ, thầy văn, thầy đạo, thầy đời – để hỏi kế về một con đường sống còn trước mắt. Đường nào sẽ tránh được sự hủy diệt bản thân và tru di tam tộc cho một kẻ bầy tôi nhà Nguyễn Gia Long nhưng vẫn trân trọng nhà Tây Sơn và ngưỡng mộ hào quang lẫm liệt của Nguyễn Huệ. Tôi không đồng tình nuôi lòng thù hận phe chiến bại dù sau cuộc binh đao tôi bị mất hết gia đình, vợ con và khả năng giới tính của người đàn ông. Những vết tích chiến tranh nên đun vào khói lửa của quá khứ để thiêu hủy hận thù. Tôi đã lội ngược dòng chảy ào ào đổ xuống, không chịu nương theo dòng để góp phần cuốn phăng mọi vết tích của dòng họ và triều đại nhà Nguyễn Tây Sơn. Không chịu nhắm mắt về hùa theo xu thế mới là tự đánh mất mình trong mắt người chủ cũ và bầy tôi mới. Về thú tội với triều đình để cầu mong một sự ân xá chăng? Lên rừng, vào Nam, ra Bắc dấy loạn chống lại triều đình hay sống mai danh ẩn tích chăng? Chẳng có sự lựa chọn nào vẹn toàn. Sự chọn lựa nào cũng đầy hầm bẫy chết người.
Khi đến ngôi chùa cổ một thời nương náu, tôi kể hết chuyện vừa xẩy ra cho vị sư, tuổi đời và tuổi đạo đã xanh cao như rêu đá, người đã nuôi dạy tôi suốt thời nhỏ dại. Sau khi nghe câu chuyện, sư lặng lẽ nhìn tôi thương cảm nhưng chẳng nói một tiếng nào. Tôi ngồi suốt ba đêm ngày bên Thầy không ăn một miếng, không uống một giọt. Sự cô đơn tuyệt đối làm cho đầu óc tôi sáng ra. Trạng thái tĩnh lặng tuyệt vời có vẻ như không cần tiêu hao một chút sức lực bản thân. Cả châu thân tôi không đông cứng mà ngừng lại. Tôi không ăn mà cũng không đói. Có ai lấy một chút sức của tôi đâu mà cần đồ ăn tiếp trợ. Quá khứ vẫy vùng của một chiến tướng đã khép lại. Hiện tại hay tương lai chỉ còn là những khái niệm rỗng không đối với một người không còn chỗ dựa, mất chỗ ngồi, hỏng chân đứng. Sự nghiệp và hành lý của tôi lúc nầy có lẽ chỉ là một tên gọi bâng quơ, một đám mây trong những đám mây níu nhau vào không gian tan loãng.
Đêm trước khi tôi dự định rời ngôi chùa cổ để tiếp tục bước tiếp những bước đời không định hướng, tôi đến đảnh lễ và xin Thầy một ân huệ, một lời khuyên để sống trong bước đường cùng. Thầy vẫn ngồi trầm ngâm không đáp lời cầu khẩn của tôi. Tôi quỳ không biết bao lâu trước mặt Thầy trong chánh điện của ngôi chùa cổ. Rồi Thầy từ từ đứng dậy lặng lẽ nhìn vào mắt tôi đăm đăm. Tôi bỗng cảm thấy lạnh run và không chịu nổi cái ớn lạnh từ đỉnh đầu xuống tận gót chân, tôi từ từ ngã xuống dưới chân Thầy. Thầy tôi mang ngôi tượng Phật bằng gỗ lâu đời, chẻ ra làm đôi. Một nửa đốt vào lò sưởi ấm cho thân thể tôi đang lạnh giá, nửa còn lại trao cho tôi. Để mặc tôi ngồi trân và ngỡ ngàng như phỗng đá với nửa ngôi tượng Phật bên mình, Thầy lặng lẽ bước vào phòng riêng và cài cửa lại.
Tôi ngồi lại thêm ở hiên chùa ba hôm nữa. Đêm hương trầm quen thuộc đánh thức tất cả những mảnh tình cảm và sự xung động đã ngủ yên dường như mất dấu trong tôi. Nhìn ngôi tượng bằng gỗ huyền tối cổ mà Thầy tôi rất trân quý chỉ còn một nửa. Nửa miệng chưa mất nét mỉm cười và một mắt còn lại như muốn nhấp nháy nói cười bằng ánh sáng. Nửa nét nhìn đời đầy an lạc và yêu thương của bức tượng vỡ khiến tôi cảm thấy nhức nhối và tiếc thương một sự đổ vỡ tan nát chỉ vì ta. Đêm tiếp theo, tôi cảm thấy một chút an tịnh giữa khi lòng mình là một bãi chiến mênh mông…
Đời tôi cũng bị bửa đôi như bức tượng. Tuy chỉ còn một nửa, thế nhưng nét cười và ánh mắt mênh mông thương đời vẫn không phôi pha. Đêm cuối cùng bỗng dưng tôi cảm thấy an lạc tuyệt vời khi tôi ôm lấy bức tượng vỡ mà nước mắt ào ra. Tôi run run hôn lên bàn chân trần của bức tượng. Tôi đã yêu bức tượng vỡ hơn cả khi bức tượng còn nguyên. Phút đó tôi khám phá ra rằng, khi một tình cảm đã an định trong tận chiều sâu của tâm thức thì sự yêu thương nằm đằng sau hình tướng. Một thế giới nhỏ vỡ òa trong tôi. Tôi đã yêu thương đến quặn lòng những khuôn mặt thương tích đầy máu me của những người bạn chiến đấu quanh mình trong suốt những năm dài từ Xiêm La về Thuận Hóa. Tôi yêu thương mẹ già với dáng còm cõi và khuôn mặt nhăn nheo qua bao năm tần tảo nuôi con. Tôi yêu quý người vợ quê mùa sau bao gian nan đợi chồng mà nhan sắc đã sớm tàn phai.
Phải chăng đây là một thông điệp tâm linh mà Thầy tôi dặn dò trao gởi: “Này con! Chú tướng quân học trò nhỏ bé. Hãy vất bỏ lớp vỏ bên ngoài. Hãy bổ đôi lòng cung nghinh tưởng như kim cương nguyên khối, nhưng sự thật thì chẳng có khối nào nguyên vẹn mãi mãi giữa cuộc đời nầy. Hãy nắm bắt cho được tình cảm chính trực quang minh ẩn tàng sau hình tướng. Vất bỏ những giá trị vật chất quy ước khi cần. Sống là một cố gắng tận cùng nhìn cho rõ cái bản lai diện mục của người, của ta rồi cất bước!”
Tôi mon men đến phòng Thầy từ biệt. Cửa mở toang nhưng cái chìa khóa trong lòng tôi đã rơi mất. Chân tôi bước nhưng lòng tôi không mở được. Nhìn trong gương tủ kính, tôi ngoái cổ lại vì chợt nhìn thấy một ông già tóc bạc… hiện ra sau tôi hay trong tôi? Không, chẳng có ai. Chính là ta. Sau mấy đêm suy tư, tóc mình bạc trắng. Không lẽ ta là Ngũ Tử Tư?!
Đốt nửa bức tượng còn lại để được hít thở mùi hương quyến luyến và chỉ có đốt đi nửa con mắt ấy, nửa cái miệng cười nhân ái ấy, tôi mới giữ được mãi một bức tượng tuyệt vời, liền lặn trong tâm ảnh của mình. Khi những đốm than cuối cùng của nửa bức tượng biến thành tro trắng, tôi bốc một nhúm tro mịn màng thoa lên lòng bàn tay, ấp lên má. Một phiến mặt trời nhỏ loé sáng trong tôi. Thật huyền diệu, bức tượng cũ hiện ra rỡ ràng và liền lặn trong tâm thức của tôi. Đập vỡ một hình tướng tạm bợ bên ngoài để đưa nó vào bên trong. Để có tình tự lâu dài, đừng dựng tượng tình yêu thành hôn nhân với ước mong suốt đời chiêm bái nó. Để có cái đẹp không tàn phai, có khi ta phải chối bỏ hay hủy diệt nó.
Bức tượng Phật gỗ huyền tối cổ đó không còn nữa, nhưng hào quang của nó theo tôi suốt một đời.
Chờ đến lúc đêm về, khi trăng lên không còn vướng đầu ngọn dừa cao ngất đầu làng, tôi mới khăn gói ra đi một cách rất lữ hành lãng mạn. Tại sao giữa lúc đang đối diện với hai đầu sống chết, tôi vẫn còn khe hở của tâm hồn để sống một chút xa xỉ của mẩu đời lang bạt? Có lẽ chút kiêu bạt từ máu cha và chút nghệ sĩ từ lòng mẹ đã tạo ra tôi và thôi thúc tôi làm như thế. Nhưng đi đâu bây giờ? Tôi có tự do tuyệt đối trong phút nầy vì tôi chẳng còn ai. Con người thì sợ hãi tránh xa vì mặc cảm phạm tội. Một con chó, một con mèo cũng không còn để níu kéo. Cái tự do của một con diều đứt dây lại là một sự nô lệ mới giữa cuộc đời nầy. Có đủ đuôi, đủ cánh; có gió lộng, có trời xanh nhưng sợi dây đã đứt. Mất đi sợi dây níu kéo, cũng có nghĩa là mất đi cảm giác thuộc về. Khi tôi sợ hãi hay làm mặt lạ với thế giới nầy chính là khi tôi bị hiện thực của thế giới nầy từ khước.
Tôi đã trải qua những ngày sống bấp bênh bằng cuộc đời vay mượn nên đã bị cuộc đời thật chối bỏ. Cái ước mơ tầm thường và nhỏ bé nhất là có được một mái ấm gia đình nho nhỏ sao bây giờ lại trở thành quá vĩ đại và xa xôi ngoài tầm tay với đến thế. Tôi lại tha thiết đi tìm những điều nhỏ bé nhưng thật thiết thân mà trước đây mình không màng tới. Tôi đi về lại căn nhà cũ. Khung cảnh đã đổi khác vì lăng kính trong mắt nhìn riêng tôi không còn nằm yên ở chỗ cũ. Tôi càng yêu con người, yêu cuộc sống thì càng bị cuộc sống ghẻ lạnh. Không, tôi sẽ bám vào đó như một lẽ sống cho dù phải sống cạnh sự ruồng rẫy xa lạ, phải sống bên cái chết cận kề. Thay vì trốn chạy, tôi đã đối diện với thực tế quạnh hiu quanh mình.
Nhờ cái lệnh bài tùy thân xuất nhập phi thời, tôi mới vào được Đại Nội sau khi bỗng dưng tôi trở thành một ông già tóc bạc xa lạ với mọi người. Một Nguyễn Ánh chủ tướng ngày trước bây giờ là ông vua quyền thế sống sau hàng hàng, lớp lớp những bức trường thành cao ngất của quan quân, nghi lễ, cung đình. Vua Gia Long vẫn coi tôi là gia thần cận tướng nên ra vào nơi nghiêm cấm không qua những lễ nghi rườm rà đến lã người, chóng mặt, thế mà cũng phải mất bao nhiêu ngày chờ chực mới được nhà vua cho vào yết kiến ở cung an dưỡng. Mới thấy Phạm Xảo, nhà vua đã xua tay miễn lễ tung hô quỳ lạy mà đập tay xuống bàn trà, cả cười:
– Trẫm biết trước ngươi sẽ vác bộ mặt thảm não và cái đầu bạc nầy về đây!
Tôi cảm thấy kinh hoàng như đông cứng người lại. Tôi quỳ xuống trước mặt vua định tâu bày mọi việc nhưng nhà vua đã khoác tay:
– Khỏi! Ta đã biết hết mọi việc. Lấy được thiên hạ và tóm thâu giang sơn về một mối đâu phải là chuyện may rủi. Nếu ta chỉ có hai mắt và hai tai để nhìn và nghe ngóng, phó mặc cho số phận rủi may đưa đẩy thì làm sao ta có được ngày hôm nay.
– …?!
Không đợi cho tôi tâu trình thêm một chữ, Vua ra ngay phán quyết:
– Tên võ quan bị ngươi giết cũng đáng tội chết lắm. Ta không cần hắn hay bất cứ ai xen vào để biện minh hay lên án việc làm của ta cả. Lịch sử có lúc cũng chỉ là con chuột mù đi tìm bầy ruồi qua tiếng vo ve của chúng mà thôi. Đáng lẽ khi ngươi hỏi hắn: “ Có biết Nguyễn Huệ là ai không?”, hắn phải trả lời cho rạch ròi rằng: “Nguyễn Huệ có thể là anh hùng thiên hạ, nhưng nhà Tây Sơn cũng là kẻ đã tàn sát dòng họ Nguyễn nhà ta cho tiệt dòng tiệt giống, từ trẻ đến già. Chỉ có Nguyễn Ánh ta may còn sống sót sau bao nhiêu lần thoát được mẻ lưới tử thần của Tây Sơn giăng ra trong đường tơ kẽ tóc. Không ân mà chỉ có oán giữa ta và Tây Sơn. Oán thù trùng trùng như núi. Sự đối đầu quyết tử giữa ta và Nguyễn Huệ đằng đẵng suốt 20 năm. Ta biết ta là ai. Ta chẳng phải cần đóng vai Quan Vân Trường cỡi ngựa xích thố theo phò Lưu Bị để không chém người duới ngựa. Hai kẻ tử thù có cách tru diệt nhau truyền đời, dìm nhau đến tận đáy huyệt, hủy diệt nhau không nhân nhượng mà người ngoài khó lòng hiểu được…”
Sau câu nói này, nhà vua đuổi tả hữu lui ra và quắc mắc nhìn Phạm Xảo, nói như đọc án lệnh:
– Còn nhà ngươi, hậu vệ tướng quân Phạm Xảo cũng bị xử chém đầu vì can tội nuôi lòng tôn sùng kẻ tử thù của ta, có cơ tạo phản chống lại triều đình…
Nhưng bỗng nhà vua hạ giọng, bảo Phạm Xảo tiến lại gần, nói thì thào vào tai: “ Ta cho ngươi mắc nợ một cái đầu vì ta biết ngươi là kẻ trung thành hiếm có. Nếu nuôi lòng phản ta, ngươi đã có bao nhiêu cơ hội bỏ ta về với Tây Sơn hay hại ta trong từng miếng ăn giấc ngủ suốt hai mươi năm vào sinh ra tử bên ta. Ngươi đã một lòng theo ta cho đến ngày đại thắng. Xưa kia là chủ tướng, bây giờ là vua tôi. Nếu có cơ hội lấy công chuộc tội để giúp cho đất nước bình trị, khiến vương triều của ta mỗi ngày một vững chắc, ngươi có chịu giúp ta không?”
Phạm Xảo thấy rõ con đường sống đã hiện ra, nên sẵn sàng bám lấy. Nhà vua ban lệnh: “Như nhà ngươi đã rõ. Ta mới thống nhất được đất nước, nhưng chưa thu phục hết lòng người. Phe hoàng tử Cảnh trong triều, phe Lê Văn Duyệt trong Nam, phe Nguyễn Văn Thành ngoài Bắc… vẫn còn là những mối lo trước mắt và lâu dài cho ta. Ngươi hãy giúp ta nghe ngóng và theo dõi để kịp thời ngăn chận các mầm loạn. Nơi có thể nghe được nhiều tin tức nhất là dinh của hoàng thân Trí Hải. Ta không mảy may nghi ngờ tấm lòng của Trí Hải. Trước sau Trí Hải chỉ là người nghệ sĩ, không tham vọng quyền thế, không âm mưu phản trắc. Bởi thế, Trí Hải không có kẻ thù và dinh cơ của Trí Hải là nơi thăm viếng, đàm đạo của nhiều nhân vật cả nước về kinh. Ta muốn ngươi đóng vai người hầu cận Trí Hải. Một người hầu cận trung thành tận tụy và đúng nghĩa. Câm điếc càng tốt, ngu dốt càng hay. Nhưng không được phút nào quên ta, cũng như không quên món nợ cái đầu nhà ngươi treo lơ lửng sau lưng. Trí Hải chưa hề biết mặt ngươi nhưng có thể có nhiều người khác biết. Tuy rằng sau vụ đánh cờ giết người tại quán, dáng vẻ ngươi đã đổi khác nhưng để cho an toàn thì ít nhất cũng phải ở ẩn trong dinh Trí Hải ba năm không được ló mặt ra ngoài. Nếu sau nầy, ngươi chết trước ta, ta sẽ lấy nghi lễ đại thần đối đãi. Nếu ta chết trước ngươi, ngươi hãy xoa tay uống rượu ngày chôn cất Nguyễn Ánh nầy để mừng là chúng ta đã giữ trọn lời hứa với nhau. Ta biết ngươi sắp nói gì. Khỏi! Chúng ta đã nói với nhau quá nhiều trong bao nhiêu năm dài chiến trận. Ngươi lên đường. Bảo trọng!”
Trước khi tôi có thể nói thêm một lời tạ từ, nhà vua đã phất tay áo đi vào trong.
Từ đó, tôi lo sửa tóc, cạo râu, thay đổi y trang, tập dần kiểu đi lần mò, còng lưng cúi mặt như ông già xế bóng. Tập ít nói, biết im lặng hay biết câm càng tốt. Tôi về thái ấp nầy là giang sơn của một ông hoàng sống đời ẩn dật ngay giữa kinh thành. Có lẽ thấy tôi cũng lạnh lùng và câm lặng giống chủ, nên người tai mắt trong thái ấp đẩy tôi vào làm lão bộc cho hoàng thân để hai cái bóng cô quạnh tìm nhau.
Ba năm đầu là ba năm thử thách. Từ một cận tướng của triều đình, chỉ vì không muốn đánh mất chính mình mà phải gây ra cảnh thảm sát, phải trốn vào bóng tối. Tôi phải trả một giá quá đắt khi chọn lựa trung thành với chính mình, không xu phụ quyền thế, nói theo tiếng nói của lương tâm mình. Tôi muốn quên mình là ai để sống trọn vẹn cho vai trò người lão bộc. Nhưng càng ở thế bị đè nén và chối bỏ, cái bản ngã càng phản kháng dữ dội. Cái ngã như một con cáo tinh ma bị nhốt trong hang. Bít kín đường nầy, nó vùng vẫy trổ ra nhiều lỗ hổng khác để chui qua. Cũng may là cả hoàng thân và tôi đều sống im lặng, không đòi hỏi, không thắc mắc từ ngày nầy qua ngày khác, nên mỗi cái “ta” riêng tư vẫn nằm im trong chốn thâm sâu của mình, không tương quan, không bộc lộ, không va chạm.
Hoàng thân, cho dẫu ra đi hay ở lại, tôi vẫn mang ơn ngài vạn bội. Càng sống gần Hoàng thân về sau nầy, tôi càng lấy cái tâm làm đầu. Tôi để lòng tự nhủ lòng rằng, ví thử Hoàng thân có làm điều gì vi phạm nằm trong lời ủy thác theo dõi của vua, tôi sẽ lấy mạng sống của mình mà ngăn đón. Quyết sống xứng đáng với niềm tín cẩn của mọi người nhưng không bao giờ hại ai. Cũng may, Hoàng thân là người có cái tâm trong sáng như sao Khuê nên tôi chẳng bao giờ phải ở trong một tình thế khó xử nào cả.
Trí Hải lắng nghe chuyện kể về đời mình của Phạm Xảo không động tĩnh, bây giờ mới lên tiếng:
– Lão tướng Phạm Xảo, nếu đúng lễ nghi thì tôi phải gọi ông lão như thế. Nhưng khi đã lấy cái tâm, cái tình để sống với nhau rồi thì đâu cần chấp nhặt những chuyện hình thức như thế phải không? Nghe chuyện đời của Phạm huynh tôi xúc động và khâm phục cái tiết tháo làm tướng và nhân cách làm người của huynh nhưng chẳng ngạc nhiên vì tôi đã quá quen với đời sống cung đình. Cung đình là đấu trường vĩ đại cuối cùng trước khi con người hóa kiếp nên chuyện gì cũng có thể xảy ra, từ chuyện nhân sinh tầm phào đến những biến cố nghiêm trọng nhất. Đọc sử Tàu, tiếp cận với giới quý tộc bao quanh đời sống điện Versaille bên Tây thời phò hoàng tử Cảnh, gần gũi với cung đình xứ mình… ở đâu cũng đầy dẫy những điều khác lạ với đời thường mà người ta gọi là “thâm cung bí sử”. Cám ơn Phạm huynh đã chia sẻ và tấm lòng tín nghĩa của huynh thật đáng trân trọng. Tôi kính huynh như người anh cả và thương huynh như người ruột thịt, nhưng biết giúp huynh hay khuyên huynh điều gì bây giờ?
Nét vui mừng thể hiện lên khuôn mặt quắc thước nhưng đã phôi pha với thời gian của người lão tướng. Ông ra vườn sau mang thêm củi đun vào lò sưởi. Ông lão tiếp tục chuyện trò:
– Được hoàng thân đối đãi và an ủi như thế là tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi đã già, chẳng còn tham vọng gì cả mà chỉ muốn yên thân. Nếu tôi vẫn muốn xin được sống tiếp tục một cuộc đời thầm lặng bên cạnh hoàng thân sau khi tôi đã tự thú mình là ai thì tôn ý của hoàng thân ra sao?
Trí Hải nhìn thẳng người đối diện rồi nhìn bâng quơ vào bếp lửa đang cháy bập bùng, trả lời:
– Huynh và tôi cũng như bếp lửa nầy. Lửa nóng bao nhiêu rồi cũng sẽ tắt như con người sống già sẽ chết. Tất cả chỉ là tạm bợ nên xưa nay tôi chẳng coi gì quan trọng ngoài cái giao tình chân thật với nhau. Có huynh là có thêm một cây củi trong bếp lửa đời mình. Bếp lửa đời sẽ sáng hơn và ấm hơn, thích lắm chứ.
***
Đêm như một tấm màn mỏng của bóng tối. Gặp người tri kỷ, đêm dài qua nhẹ như sương. Tiếng gà gáy sáng từ trong xóm lại cất lên. Một đời vua Nguyễn đi qua nhưng tiếng gà vẫn thế. Tiếng gà cũng nhắc nhở hương trà buổi sớm mai. Phạm Xảo vốn đã quen với quán tính lâu ngày, sau tiếng gà vừa dứt, ông đứng dậy nhóm lửa pha trà.
Trí Hải ngạc nhiên đầy thú vị với bộ khay trà cổ nhưng chưa bao giờ được bày ra. Một cái ấm cổ có hình một con ngựa, một bên có con khỉ đứng nhìn tổ ong. Trí Hải nhìn say sưa cái ấm cổ và buột miệng:
– Mã thượng phong hầu?! (Con ngựa ở trên con ong và con khỉ).
Phạm Xảo đắc ý, trả lời:
– Khen cho con mắt tinh đời! Đúng vậy, hoàng thân ạ. Đây là một ấm trà tử sa Nghi Hưng tối cổ. “Mã thượng phong hầu” là một câu chỉ để gọi tên ba con vật trên ấm trà, nhưng đấy là một lời chúc ngắn gọn mà cao sang, đầy khí thế của con nhà tướng ngày xưa.
– Tử sa? Tôi chỉ biết Nghi Hưng là một huyện thuộc tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải. Ở đó có một thứ đất sét rất mịn, chứa nhiều thạch anh và nhiều chất thiên nhiên đặc biệt khác nên được dùng làm ấm trà không tráng men nổi tiếng vào bậc nhất trong nghệ thuật chế tạo ấm trà của Trung Hoa. Nhưng tử sa là gì?
– Tử sa là cát tím. Ấm trà làm tại Nghi Hưng có ba màu chính là màu vàng sậm (màu gan gà), màu đỏ sậm (màu da chu) và màu nâu thẫm ngã đen (tử sa). Ấm trà chúng ta đang dùng đây thuộc lọai song ẩm, dùng cho hai người uống. Lục Vũ trong sách Trà Kinh và cổ nhân viết về trà đã ca tụng ấm tử sa Nghi Hưng có nhiều ưu điểm như: Giữ được hương và vị trà gốc, bình trà dùng lâu chỉ chế nước không cũng ra mùi trà, không bị nứt vì thời tiết quá nóng hay quá lạnh, chế nước nóng bao nhiêu khi cầm ấm trà cũng không bị phỏng tay, bình dùng càng lâu càng lên nước bóng lộn rất đẹp. Và, đặc biệt hơn tất cả là cao trà tụ hội ngày một dày quanh thành ấm bên trong.
Trí Hải vui thích một cách tươi mát:
– Hay lắm, huynh ạ. Nhưng lâu nay huynh dấu trà cụ và ấm trà này ở đâu?
Phạm Xảo cười thích thú:
– Bí mật, bí mật! Sự nghiệp một đời làm tướng chỉ còn cái bình rượu sứt vòi đã đọan tuyệt và cái ấm trà nhếch nhác nầy thôi. Lịch sử bình rượu sứt vòi thì hoàng thân đã biết. Còn cái ấm trà Nghi Hưng nầy là “chiến lợi phẩm” duy nhất còn lại sau trận Rạch Gầm. Trên đường tháo quân đang bị truy đuổi rất gấp, chủ tướng Nguyễn Ánh và cận tướng Phạm Xảo phải lánh vào chòi canh trong một đêm trăng. Thèm một hơi thuốc, khao khát một hương vị trà nhưng chẳng kiếm đâu ra. Chính lúc đó, cái ấm trà tử sa Nghi Hưng nầy đã cho một bình trà nóng thoang thoảng hương vị trà thơm mà không cần tới một cọng trà.
– Tuyệt quá! Gian khổ có khi là một bài thơ không lời.
– Hay nói ngược lại, bài thơ không lời hay nhất thường đến từ những phút giây gian khổ nhất. Chính sự gian khổ thành anh hùng ca đã giúp nhân vật lịch sử kiên trì Nguyễn Ánh thắng được nhân vật lịch sử anh hùng Nguyễn Huệ.
– Như thế có nghĩa là chỉ có nhân vật Nguyễn Ánh mới chịu đựng nhiều gian khổ trong cuộc tương tranh thôi sao?
– Quang Trung và Gia Long đều thấm đòn gian khổ. Nhưng trong gian khổ, nhiều tướng tài của Quang Trung trở thành nghịch tướng trong khi tướng giỏi của Gia Long vẫn một dạ trung thành.
– Như tướng quân Phạm Xảo?
– Tôi chỉ là một kẻ trung thành với chính mình.
– Thế nghĩa là sao?
– Tôi không sống và hành xử theo nếp sống bầy, đàn. Tôi chiến đấu cho ngọn triều Nguyễn Ánh vì chỉ đơn giản là “ăn cây nào rào cây ấy”. Nhưng cái chí của tôi chỉ thuộc về lẽ phải trong tâm niệm làm một người ngay thẳng như lời thầy tôi dạy lúc lên đường. Tôi cảm phục sự can trường của nhân vật Nguyễn Ánh, nhưng cũng tôn sùng sự dũng liệt của nhân vật Nguyễn Huệ. Vì trung thành với chính mình nên cuối đời tôi vẫn là tôi. Hai bàn tay trắng nhưng đầy ắp một vũ trụ của niềm vui. Niềm vui của lòng son sắt không bao giờ phản bội chính mình. Và, tôi nghĩ rằng, đấy cũng chính là đạo lý của con nhà tướng trong thiên hạ xưa nay.
– A, hay quá! Không ngờ bao năm qua tôi sống bên dãy Trường Sơn trùng điệp mà cứ ngỡ mình sống bên hòn non bộ. Vậy thì hôm nay huynh mang ấm trà “đế vương” này ra dùng là có ý gì?
Phạm Xảo nhắm mắt, nắm hai bàn tay mình vào nhau, ép lên ngực, nói một cách trang trọng:
– Để mừng cho một lời hứa đã giữ trọn. Và cũng để nghênh đón một nhân vật đối ẩm thứ nhì sau ngày nhân vật đối ẩm thứ nhất không còn nữa.
– Không dám khách sáo nhưng thật là vạn hạnh. Thế hôm nay huynh sẽ chiêu đãi với loại trà gì vậy?
– Vẫn là trà Thạch Hãn.
– Trà Thạch Hãn? Tôi chưa nghe bao giờ.
– Thạch Hãn là mồ hôi của đá. Tuy không dùng đến, nhưng ấm trà tử sa Nghi Hưng nầy vẫn được ninh trong một lọai trà thơm mỗi tháng hai lần để lớp cao trà trong ấm mỗi ngày một thuần vị và dày hơn. Khi gặp ngày đại hỷ, đại cát như hôm nay thì đem ra dùng. Tinh hoa của trà đã thấm vào trong vách ấm và lớp cao trà trong ấm ví như những giọt mồ hôi của đá sẽ cung cấp một vị trà độc đáo gọi là Thạch Hãn Trà.
Tuy đã quen với mọi hình thức ăn uống cao lương mỹ vị, cực kỳ xa hoa trong nếp sống cung đình, Trí Hải vẫn chưa bao giờ biết được cái hương vị của “Thạch Hãn Trà” như thế nào. Trí Hải thu hết sức chú ý và mở rộng cảm nhận khi ấm trà đầu tiên đặt trước mặt hai người.
Mùi thơm nhè nhẹ như từ một cõi mơ hồ thoảng đến làm Trí Hải cảm thấy những luồng suy nghĩ trong đầu mình dừng lại. Lòng dâng lên niềm vui và cảm giác bình an thoáng hiện. Im lặng. Theo dấu ra hiệu của Phạm Xảo, cả hai người cùng nâng chén trà. Trí Hải đột ngột dừng lại vì Phạm Xảo chỉ đưa chén trà lên môi nhưng miệng vẫn ngậm kín. Phạm Xảo chỉ chạm thành tách trà vào môi và từ từ đặt chén trà về lại vào khay. Trí Hải làm theo. Cảm nhận luồng hơi ấm từ chén trà trong tay truyền vào môi. Phạm Xảo nói gọn lỏn:
– Ấm.
– Ấm miệng?
– Cửa khẩu đóng kín. Đang ngủ. Thức nó dậy bằng hơi ấm.
Chén trà vẫn còn bốc khói lại được đưa lên miệng. Phạm Xảo nâng lên gần mũi, hít một hơi dài. Trí Hải làm theo. Hương trà thơm lâng lâng chạy vào đôi cánh mũi. Trí Hải cảm nhận như trí óc mình được đánh thức. Đôi mắt long lanh dõi tìm đốm sương trong bóng tối. Phạm Xảo lại nói gọn lỏn:
– Thức.
– Thức gì?
– Cửa khứu giác đóng kín. Đang ngủ. Thức nó dậy bằng hương trà.
Chén trà lại được đưa xuống. Nửa chừng lại cầm lên. Phạm Xảo lên tiếng lần thứ ba, cũng cộc lốc và dứt khoát như lệnh ra quân :
– Uống.
– Uống như bình thường?
– Xin mời.
Nhấp chung trà vào miệng, Trí Hải có thể theo dõi được dòng trà thơm nóng đầu tiên chạy vào thân thể mình. Mùi trà hoang dại phảng phất một loài hoa mơ hồ không tên tuổi. Tuần trà thứ hai, Trí Hải bắt đầu nhận ra vị trà. Vị chát nồng nàn đầu lưỡi nhẹ dần và biến thành vị ngọt êm ả trong cổ họng. Tuần trà thứ ba, Trí Hải cảm thấy cả người nhẹ lâng lâng. Hơi trà như chất men chạy vào mạch sống. Cả hai lim dim nhìn vào sự lắng đọng trong chính mình…
Đến tuần trà thứ ba, mới nhấp nửa chén, Phạm Xảo bỗng nhẹ nhàng đưa hai tay bọc lấy chén trà, đầu hơi cúi xuống trong dáng vẻ cung nghinh, rồi từ từ khoát tay:
– Mãn trà.
Trí Hải đắm mình trong một cơn say trà ngây ngây thần trí. Nghệ thuật là con diều tri thức và tâm thức. Nó nâng cái tầm thường thành bình thường, bình thường thành lạ thường và lạ thường thành phi thường. Phạm Xảo xếp trà cụ vào ngăn nắp cũ và nói thêm:
– Uống trà là một cảm hứng nghệ thuật. Say trà là một cảm giác đạt đạo. Có mấy ai trong đời đạt đạo được một lần.
Tiếng gà gáy lại. Có chút đùa vui vừa nhóm lên trong tòa nhà hiu quạnh của hoàng thân chủ quản Thái ấp. Phạm Xảo vui vì đã giữ tròn lời hứa và được sống thật, sống ra ngoài lớp vỏ của một loài ốc mượn hồn. Trí Hải vui vì tin rằng mình sẽ thấy được mình với những con người rất thật đang có mặt ở chung quanh.
Trí Hải đắm mình trong một cơn say trà ngây ngây thần trí. Nghệ thuật là con diều tri thức và tâm thức. Nó nâng cái tầm thường thành bình thường, bình thường thành lạ thường và lạ thường thành phi thường. Phạm Xảo xếp trà cụ vào ngăn nắp cũ và nói thêm:
– Uống trà là một cảm hứng nghệ thuật. Say trà là một cảm giác đạt đạo. Có mấy ai trong đời đạt đạo được một lần.
Tiếng gà gáy lại. Có chút đùa vui vừa nhóm lên trong tòa nhà hiu quạnh của hoàng thân chủ quản Thái ấp. Phạm Xảo vui vì đã giữ tròn lời hứa và được sống thật, sống ra ngoài lớp vỏ của một loài ốc mượn hồn. Trí Hải vui vì tin rằng mình sẽ thấy được mình với những con người rất thật đang có mặt ở chung quanh.