CHƯƠNG MƯỜI HAI – Quán Trọ Thân Tâm

Toà nhà hư cũ đang xuống dốc vẫn đứng sừng sững như một biểu tượng của uy quyền và phú quý.  Dinh ông Hoàng một thời vang bóng đã in hình vào tâm ảnh của những người ngưỡng mộ.  Họ bị choáng ngợp bởi hình tướng và tin đồn, dẫu có khi tin đồn chỉ là phó sản của mơ mộng và tưởng tượng viễn vông.  Chuyện xưa có loài đá nguyên sinh hút được bóng người. Những người dọi bóng bên hồ trên vỉa đá, bóng qua khỏi nước, nước không còn giữ bóng, nhưng thềm đá vẫn lưu ảnh người cho hết một đời của đá.  Do vậy nên cái vẻ đời thường dẫu có thịnh hay tàn cũng không ai để ý.  Người ta đã quen với cái bóng in hình trên vỉa đá.  Do vậy, tòa nhà chỉ còn là một mớ vật thể kiến trúc từ thời xa lắc sắp lụi tàn, nhưng cái dư ảnh của nó trong mắt nhìn và từ suy nghĩ của người bên ngoài không chịu đổ theo.  Người ta vẫn gọi là “Dinh Ông Hoàng” với tất cả vẻ trang trọng như vẫn thường gọi từ thời quá khứ.  Người ta vẫn kể cho nhau những câu chuyện khác thường, đôi khi đượm mầu thần thọai, với những chi tiết thêm thắt cho hợp với nồng độ của câu chuyện. Cuộc đời thường – không đủ hương vị cho nỗi đam mê về một cuộc đời mơ ước – nên người ta cần huyền thoại để tự đưa nhau vào những góc khuất của hạnh phúc.

            Một góc lâu đài suốt ngày không có nắng vì ẩn dưới tàn cây xanh.  Nơi đây đang trở thành một thế giới mới.  Thế giới của ý niệm bao trùm lên hiện thực.  Phạm Xảo, xông xáo và cẩn trọng với tâm lý lão tướng, ưa nhìn ngắm thiên nhiên, hít thở không gian và nắm bắt thời gian bằng chinh phục.  Tâm An, người đã thành công hơn người trong thương trường, xuôi ngược khắp vùng Đông Á, đang muốn buông bỏ cái được trong tay để làm lại cái mất của quá khứ.  Thầy Tiều, người đã chọn hướng đi nhưng lại không muốn men theo những con đường mòn có sẵn.  Chỉ riêng Trí Hải vẫn bước đi giữa đường đời gập ghềnh bằng bước chân dò dẫm.

            Thời gian từ thuở tóc xanh về miền tóc bạc chỉ có một con đường thẳng. Nhưng hai cặp xuất (dấn thân) và xử (rút lui) lại xoay vòng tròn nên làm cho cuộc đời trở thành vòng lẩn quẩn.  Tu là tìm một điểm tựa để thoát thân chứ không phải để mắc vòng lẩn quẩn.  Bởi vậy, có người cho đi tu là dấn thân, người lại cho đi tu là rút lui.  Cũng đều là hàng vương giả xuất trần đi tu mà vua Trần Nhân Tôn thì dấn thân mà vua Lý Huệ Tôn thì rút lui,m trốn chạy.  Mặt trời mọc ở xứ Đoài thì đồng thời cũng là mặt trời lặn ở xứ Đông.  Tu đúng nghĩa là dấn thân, là mọc, là đối mặt với cuộc đời chứ không bao giờ trốn chạy.

Với đời thường, cứ mỗi mười năm nhìn lại, thấy mình đã lớn hay đã già đúng tuổi mà không thấy tiếc quãng đời đã đi qua là kể như tạm ra khỏi vòng tròn lẩn quẩn, len chân được trên đường đi tới.  Ngược lại, là đi loanh quanh.  Cái vòng tròn trứng và gà vẫn xoay.  Xoay theo một điệu buồn xưa cũ. Trong cái trứng đã thấy được khả năng con gà và qua con gà cũng thấy được bóng dáng cái trứng.  Muôn năm không thay đổi. Cần một sự đập vỡ nào đó để cho cái vòng tròn âm u thành con đường náo nức đi vào cuộc đời. Dẫu được sống thêm một khắc mà thiếu đi cái náo nức tươi mới ấy là vẫn bị chìm lĩm giữa đời; là thiếu mất hương hoa của cuộc sống; là trốn biệt vào quá khứ hay tương lai.

            Cái háo hức tuổi trẻ lên đường sang Pháp, rồi hồi hương với hoàng tử Cảnh, một hoàng đế tương lai,  đã nguội lạnh từ lâu trong lòng Trí Hải. Dư âm tiếng gáy con gà và dáng như hư, như thực lẫn trong mây của sư Trúc Lâm vẫn đeo đẳng theo Trí Hải như một “công án”.  Đấy là một ẩn số không thể giải bằng sự thông thái của lý trí đơn thuần. Tiếng gáy của con gà trong đêm mở hé cánh cửa bình minh vào cuộc sống.  Trí Hải mới chỉ nhìn ánh nắng sau khung cửa hé ấy.  Phải tắm gội, phải hoà tan vào trong nắng để thấy được mình là nắng…

            Trong bốn người, Tâm An quả thật là con người của hành động thực tế.  Đã ba, bốn hôm rồi Tâm An đi vắng.  Mọi người chỉ được báo là Tâm An “đi công chuyện” mà không biết đi đâu.  Nếu ai theo sát Tâm An sẽ ngạc nhiên khi thấy người nầy đứng suốt ngày dưới chân núi Trường Sơn, nơi khởi phát thượng nguồn sông Hương.  Mắt người ấy ngơ ngẩn nhìn như bị thôi miên vào một mỏm đá nhô ra từ triền núi.  Trên đó có một cây tùng mọc lên với dáng uốn éo đẹp như tranh vẽ của một danh họa Trung Hoa.  Gốc tùng có vẻ như từng to hơn mấy người ôm, nhưng giờ đã quắt lại.  Đá mài, gió dập, mưa vùi đẽo mòn gốc cây thành góc cạnh.  Trông xa, gốc cây hóa dầu có dáng như một bức tường nhỏ láng bóng, đen sì. Thân cây mé phía đông có một con đường trắng mầu gỗ tươi còn sống và trên đỉnh của con đường trắng đó là ngọn một cây tùng cổ thụ.  Thân, nhánh và tàn cây thu nhỏ lại bằng hai vành nón. Trong tầm mắt, cây tùng cổ mộc hiện ra vừa uy nghi sừng sững, vừa ảo ảnh khói sương, vừa uốn lượn kỳ tú, vừa nhỏ nhắn khiêm cung.

Cây đứng đó bao đời không ai hay nhưng rồi một lần, cây lọt vào tầm nhìn của một gã săn cây lão luyện giang hồ.  Cây không còn yên thân nơi chốn cũ. Mấy hôm sau, một toán thợ đá neo dây, dựng khung, suốt mấy ngày liền; đục, cưa, đẽo, gọt, cố tách tảng đá làm nền cho gốc cây tùng ra khỏi sườn núi.  Được thuê bằng một giá cao chưa từng thấy, đội thợ đá đã tách dùng mọi khả năng, kinh nghiệm và phương tiện tuyệt xảo nhất của nghề nghiệp để tách rời và mang được cả nền lẫn cây cổ mộc xuống núi và đưa về vị trí theo đơn đặt hàng của thân chủ Tâm An.

            Rồi một sớm mai, cả thầy Tiều, Trí Hải, Phạm Xảo dụi mắt ngỡ như chuyện thần tiên khi nhìn thấy cây tùng cổ mộc mọc trên hòn núi nhỏ đứng sừng sững ở một góc rợp bóng trong khu lâu đài phôi pha của ông Hoàng.  Tâm An đứng sẵn ở đấy cười tủm tỉm như một câu trả lời.  Mắt không rời cây cổ mộc, giọng hớn hở, hỏi:

            – Đẹp không?

            Không có tiếng trả lời, nhưng đã có những đôi mắt chiêm ngắm dồn vào cây cổ mộc nói thay.

            Mùi trầm hương thoang thoảng trong không gian chung quanh cây cổ mộc thân hóa kỳ nam.  Cây cổ mộc trên hòn núi nhỏ có một sự  thu hút lạ lùng.  Cả góc lâu đài như lạ lẫm hẳn đi với dáng đứng kỳ vĩ của cây cổ tùng biến dạng.  Mỗi người nhìn một cách.  Hình ảnh cây cổ mộc làm Phạm Xảo nhớ thuở cầm quân trong những trận thư hùng Tây Sơn – Nguyễn Ánh.  Một lần băng qua biên giới Cao Miên, người ngựa lạc vào rừng Đế Thiên, Đế Thích. Phạm Xảo chống đốc kiếm nhìn trời.  Cây cổ tùng trong những ngày chinh chiến đó hiện ra đầy vẻ thách đố với sức chịu đựng của con người.  Cây bạch tùng trước mắt hôm nay gợi lại thuở vang bóng ngày xưa. Cái chớp mắt của ngọn triều tâm lý hiện về.  Phạm Xảo loay hoay tìm đốc kiếm. Nhưng chỉ có hai bàn tay không đan vào nhau. Tất cả vụt bay đi.  Phạm Xảo bỡ ngỡ tìm một chỗ dựa.  Chẳng có một chỗ dựa nào ngoài chính mình.  Gió sớm mai thổi qua  ngọn bạch tùng làm vang lên tiếng lá rì rào.  Điệu nhạc cổ sơ bay về phía chân trời cao viễn.

            Riêng thầy Tiều và Trí Hải thì mắt vẫn nhìn cây bạch tùng cổ mộc, nhưng chẳng nói năng hay biểu tỏ một thái độ nào.  Cái đẹp tự nó chẳng là tương lai hay quá khứ. Vẻ đẹp thu hút cái nhìn.  Nhìn để sáng tạo và khám phá.  Sáng tạo để biết trân trọng cái đẹp và khám phá để biết yêu cái đẹp.  Khám phá là chặng đường chinh phục hay bị chinh phục và yêu là dính mắc.

            Thầy Tiều rất nhạy cảm về cái đẹp.  Vẻ đẹp làm cho thầy xúc động lặng người.  Vẻ đẹp rực rỡ như mặt trời mọc ở phương Đông, rồi lặn ở phương Tây không còn dấu vết khi đêm về.  Thầy đắm đuối trong cái đẹp như tắm ánh nắng mặt trời.  Ngập mình trong nắng.  Nắng tắt. Mình trở lại với bóng tối. Thầy Tiều không mang theo cái đẹp vào tương lai hay gởi gắm cái đẹp vào quá khứ.  Thầy rộng mở đón nhận và buông thả cái đẹp ngay giữa hiện tiền của nó.  Thầy không so sánh mà cũng chẳng phê phán cái đẹp.  Con công óng mượt và con nhím lởm chởm gai nhọn; con chim phượng hoàng diêm dúa và con gà mái đơn sơ… tất cả đều có vẻ đẹp nòi giống riêng của mỗi loài. Thầy không níu ngày qua đêm và kéo đêm về trong ngày. Biết yêu cái đẹp và biết buông cái mình yêu là tự do cuối cùng và tuyệt đối của mỗi con người đang sống.  Tự do, đơn giản chỉ vì không bị cột buộc vào bất cứ giá trị hay dư ảnh, dư âm nào khác ngoài chính bản thân của cái đẹp trong khoảnh khắc cái đẹp và người thưởng thức vẻ đẹp hòa quyện với nhau; rồi thôi. Dính mà không mắc.  Hòa mà không đồng.

            Trí Hải thì có vẻ như ngược lại.  Tuy không bị đắm vào vẻ đẹp, nhưng mắt nhìn mà lòng cứ loay hoay khám phá. Khám phá vẻ đẹp là mất công trau chuốt hay phân thân một giọt sương trên cỏ.  So sánh vẻ đẹp là tìm một cái gì nằm ngoài vẻ đẹp. Muốn cho một giọt nước đẹp hơn hay xấu hơn là giọt sương long lanh trên cỏ, người ta không thể tìm ra vẻ đẹp của hiện thực mà mãi đi tìm cái đẹp của dự phóng.   Đẹp là đẹp. Vẻ đẹp tự nó có một giá trị hiện thực trên chính nó. Một nguời đẹp là chính vì người đó đẹp.  Vẻ đẹp của nàng do chính nàng đẹp chứ chẳng phải vì nàng giống người cung nữ hay một nàng tiên nào đó.  Đẹp là đẹp tự nó chứ đâu phải vì làm cho “Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình” mới  thật sự là đẹp?  Trong mắt nhìn của Trí Hải, một vẻ đẹp đích thực còn ở tận đâu đâu. Chưa bao giờ Trí Hải may mắn được một lần thật sự rung động trước vẻ đẹp của một người, nên chưa hề có bóng dáng một người đàn bà xinh đẹp nào hiện ra trong đời và bên mình. Trí Hải mãi mê tìm một vẻ đẹp trí tuệ tách rời hiện thực.  Vẻ đẹp của một ước mơ trong giấc mơ chưa đến giờ đi ngủ.

            Với Tâm An thì mọi thứ trên đời đều ở trong tương quan so sánh; đều có thể cân đo đong đếm được.

            Chắp tay vào nhau như để cảm tạ một linh hồn tạo vật chí tôn, Tâm An say sưa nói về cây cổ mộc:

            – Chúng ta đang đứng trước một gia tài vô giá.  Hơn hai mươi năm kinh doanh và làm giàu với nghề buôn bán cây cảnh, tôi chỉ đọc sách để biết những loại cổ mộc quý hiếm. Trong sách Cổ Mộc Kỳ Danh của Chu Hạo Nhiên đời nhà Chu bên Tàu có nói đến một loại kỳ danh cổ mộc tuổi cả nghìn năm.  Thân cây biến thành kỳ, tinh hoa kết tụ của một .  Chỉ có một sợi trong toàn thể thân cây là còn tươi và phát triển đâm chồi nẩy lộc bình thường. Theo Chu Hạo Nhiên, kỳ nam là tinh chất kết tụ cao nhất của giống trầm hương.  Kỳ nam thông thường màu nâu đậm, phải trải qua cả nghìn năm mới có được kỳ nam đen mịn và láng bóng. Thông thường chỉ có cây gió trên rừng bị tật, cần tinh dầu bao quanh để bảo vệ chỗ khuyết tật. Lâu năm tinh dầu mới kết tụ thành trầm. Giống trầm bạch tùng tuy cực kỳ hiếm hoi nhưng vẫn có trường hợp kết tụ thành trầm.  Qua bao nhiêu năm hút đủ khí âm dương và tinh chất của rừng núi và mây trời, những mảnh dầu trầm rải rác trong thân cây ngưng tụ lại để thành kỳ. Kỳ nam là thể tinh túy tuyệt hảo nhất của trầm hương nên khó mà bị phôi pha, suy suyển hay xâm thực của thời gian và mưa nắng…

            Phạm Xảo chen vào:

            – Vậy có phải cây bạch tùng cổ mộc trước mắt chúng ta đây cũng là loại cổ mộc kỳ danh mà Chu Hạo Nhiên đã nói đến đó không?

            Tâm An trả lời hớn hở:

            – Chính đó! Chính đó! Hôm nay chúng ta đã có Kỳ Nam Cổ Mộc trong tay.  Dẫu cho có vàng ròng nghìn lạng, cũng chỉ mới dám đứng xa mà nhìn giống cổ mộc nghìn năm nầy.  Chỉ cần nửa giá cây cổ mộc nầy cũng thừa sức để xây lại Lầu Ông Hoàng đẹp đẽ, huy hoàng hơn hẳn khi xưa rồi đấy.  Hì, hì!

            Tâm An cười khóai trá vì đang mãi đuổi theo một giấc mơ thật đơn giản.  Đơn giản mà thực tế và có thể thực hiện được trong cuộc đời nầy. Ước mơ đích thực là một giấc mơ không bao giờ có thật.  Bởi vì một đối tượng đã nắm bắt được trong tay thì không còn là ước mơ nữa.  Thiên Thai là chốn ước mơ, nhưng khi Lưu Nguyễn đã tìm đến được rồi thì lại muốn quay về. Con người là sinh vật địa cầu duy nhất biết ước mơ.  Và ước mơ cũng là cội nguồn của khổ đau vì khi nắm được sự mơ ước trong tay rồi lại không vừa lòng và cất công đi tìm một mơ ước khác.  Tuổi trẻ đầy ước mơ, Tâm An đi tìm sự thỏa mãn cho khát vọng sống đời đời bằng cách tìm lên chùa đi tu.  Tu không thành, Tâm An trở lại đời thường. Tuổi trung niên cần một bản sắc, Tâm An tìm những giá trị ngoài mình như vật chất tiền tài để dựa vào đó mà định nghĩa cho mình là ai.  Tuổi sắp về già lại đi tìm một sự sống trường thọ để cố thắng nỗi ám ảnh xám xịt của một cái chết không tránh khỏi ngày một đến gần.  Càng còn lại ít thời gian, sự trốn chạy cái chết bằng niềm mơ tưởng về một sự sống đời đời nơi cõi thánh càng gấp.  Tôn giáo là đại lộ hoàng hôn vào cõi thánh sau khi chết.  Và một đấng chí thánh là thành trì  bất khả xâm lăng; là quyền lực tuyệt đối, vô địch, vô nhiễm, miên viễn cho những linh hồn chạy trốn thần chết tìm đến ẩn náu.

            Chỉ một cây cổ mộc mà bốn người đón nhận bốn cách khác nhau.  Ai cũng cảm nhận được rằng, cây cổ mộc có một giá trị to lớn không lường được giữa cuộc đời nầy.  Nhưng ai cũng thắc mắc mà không thể nói ra hay giải thích cho thật rõ ràng rằng, tại sao cây cổ mộc không được nhìn như một cây lão tùng có dáng đẹp tuyệt vời mà phải mặc lên nó những giá trị quá vĩ đại và xa vời như thế.

            Một cây cổ mộc mình mẩy đầy thương tật.  Nó đứng trơ vơ nghìn năm trên núi cao và cố vươn lên để sống còn trong cuộc tranh sống dữ dội với thiên nhiên.

            Đã nghìn năm qua, cành đại tùng nhỏ bé đã chiến thắng nắng gió, chịu đựng tuyết sương để sống còn trên đỉnh núi.  Nhưng một chiều qua, nó đã bị bại. Nó bị bứng ra khỏi núi đá, bị những đôi mắt giới hạn của con người đem giá trị cơm áo tầm thường sánh với oai linh rừng thẳm. Trong đôi mắt chiến thắng của con người nhỏ bé, cây cổ tùng mất bóng.  Nó bị bật gốc ra khỏi khu rừng thiêng để chen chân vào đám cây vườn đứng thẳng lối, ngay hàng che bóng mát.  Mất đi không nhất thiết là biến mất.  Mất đi có thể vẫn còn đó với tiếng tăm lừng lẫy, với hình tướng có khi còn chói lọi và rực rỡ hơn xưa.  Nhưng tiếng vọng chỉ là dư âm từ quá khứ dội về và vẻ long lanh, lấp lánh đều do ánh sáng phản chiếu từ bên ngoài hắt tới.  Mất đi vì tim đã lụi tàn và ánh sáng từ bên trong đã tắt.  Cây cổ mộc Trường Sơn đã bị tham vọng bình thường của Tâm An bứng bật gốc mang đi.  Sự hiên ngang và nghĩa sống vô biên trên đỉnh cao rừng thẳm không còn nữa.  Cổ mộc đang bị đo đếm, tính toán, khen chê theo những quy ước nhỏ bé của con người.

             

***

 

            Thông qua mạng lưới kinh doanh cây cảnh rộng lớn của Tâm An, giờ đã chuyển lại cho các con, tiếng đồn cây lão tùng cổ mộc nghìn năm chuyển đi vừa nhanh vừa xa.  Hàng ngày, có nhiều khách bốn phương lão luyện trong nghề kéo về chiêm ngắm. Khu vườn phía Đông của dinh ông Hoàng dần dần trở thành một thị trường trưng bày và đổi chác cây cảnh ngoài dự kiến của chủ nhân.  Ngoài khách khắp các miền trong nước, có cả khách tận xứ Phù Tang, Thượng Hải, Nam Dương ghé sang để tận mắt chiêm ngưỡng cây cổ mộc nghìn năm.  Người ta bàn đến cây kiểng Việt Nam, cổ mộc của Tàu, “bon sai” của Nhật nổi tiếng xưa nay với tuổi thọ mấy trăm năm chồng chất, nhưng chưa ai thấy được cổ mộc kỳ nam tuổi ngót nghìn năm như thế.

            Vốn đã quen với lối sống thương trường trong bao nhiêu năm, Tâm An tỏ ta linh hoạt, lịch lãm trong việc bàn thảo, quyết định với khách hàng và khách đến viếng.  Việc kinh doanh nơi góc vườn xa khuất nầy diễn ra như thực, như hư.  Người ta chỉ trao đổi thì thào rồi kéo nhau ra xa sau các góc khuất lùm cây để trao tiền, trả giá. Thương trường như đền thánh. Khách sành điệu đến ngắm cây cổ mộc vừa bị thu hút, vừa tỏ ra kính cẩn của dáng vẻ con chiên về trước tượng thánh.  Tất cả chỉ mua bán đổi chác quanh đám cây nhỏ. Chưa ai dám đem tiền tài ra lượng giá hay ngỏ ý mua bán cây lão tùng cổ mộc.

            Càng ngày góc vườn càng có nhiều cây cảnh lạ mắt với bao dáng đẹp tuyệt vời. Những cây rừng mọc hoang co quắt trên vách đá núi cheo leo, thời gian chất chồng, oằn mình sống cằn cỗi chỉ bằng hơi nước và chất men hầu như cạn kiệt từ trong đá… bỗng trở thành danh mộc và được ưa chuộng một cách bất ngờ.  Đã có nhiều nông dân bỏ cày cuốc vào rừng sâu săn cây.  Lắm tiều phu tạm ngừng đốt than, đốn củi để truy tìm cây kiểng.  Kiếm được một cây cổ mộc dáng lạ, độ lớn vừa vặn trồng trong chậu kiểng, từ rừng sâu mang về là kể như trúng năm bảy vụ mùa bội thu.

            Tâm An đã tỏ ra có biệt tài về cách xếp bộ, phân loại, đặt tên các loại cây kiểng. Tâm An “Việt hóa” một cách dễ dàng nhưng không kém phần sâu sắc mà ngay cả những nhân vật trong giới cây kiểng cũng phải thừa nhận.

            Các trường phái chọn loại hình làm đặc tính tiêu biểu cho cây kiểng, xưa nay vẫn quanh quẩn trong các loại hình cổ kính như: Long giáng, Hổ quỳ, Linh xà, Phi điểu, Tiên tọa, Kê minh… Hay phái võ đương thì chia thành các thế: Kim kê độc lập, Tiên ông tọa thạch, Võ Tòng đả hổ, Hạng Vũ cử đỉnh, Độc trụ kình thiên, Xuyên vân yến… Phái biểu đạt tình cảm thì có: Cuồng lưu, Hạ vũ, Phong đầu, Vân tán… Tích tuồng thì có: Huynh đệ đồng khoa, Phụ tử đăng khoa, Tây Thi tiễn Phạm Lãi, Cao Tiệm Ly tấu trúc, Lữ Bố hí Điêu Thuyền…

            Mỗi buổi chiều, khi các mẩu cây kiểng quanh khu vườn phía Đông sắp được xếp vào một vị trí nào đó, Tâm An thường đi quanh và nói với thợ vườn:

            – Hình thế tích tình phương dụng đạo.

               Niên hương sắc biến tự chân không.

            Lúc đầu chẳng ai hiểu là Tâm An muốn nói gì.  Hay có người hiểu như đấy chỉ là một câu thơ chữ Nho ngẫu hứng nào đó chẳng ăn nhập gì đến cây cảnh.  Nghe hoài thành quen tai.  Một hôm, Tâm An giải thích làm mọi người hiểu ra một cách thú vị, rằng:

            – Thú chơi cây cảnh là một thú chơi tiêu dao, tao nhã có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần.  Đấy là một thế giới thiên nhiên thu nhỏ có một nội dung, một điệu sống một phong thái riêng mà đời thường không so được.  Người chơi cây cảnh cũng đem hết tưởng tượng, tinh thần và suy nghĩ vào cây như người nghệ sĩ lúc viết văn, làm thơ, họa hình, tấu nhạc.  “Hình, thế, tích, tình, phương, dụng, đạo”: Là 7 nét tiêu biểu nhất về vẻ đẹp ngoại hình của cổ mộc. Cây kiểng trước hết phải có hình dáng. Khách chơi cây phải biết ngắm nhìn và phóng tầm tưởng tượng vào mỗi sự hiện hữu độc đáo của cây để “thấy” được cái hồn, cái phách của cây có diện mạo như thế nào (hình).  Tiếp đến là thế của cây.  Cây cảnh phát triển thành nhiều thế khác nhau như: Thế chống đỡ, thế xuôi theo chiều gió, thế ẻo lả, thế u hoài, thế vươn dậy (thế).  Sự kết hợp các phần của cây làm cho người ta liên tưởng đến một cảnh gợi hình nào đó trong truyện xưa tích cũ (tích). Cây có thể diễn đạt được cái tình như khao khát, đón mời, trông đợi, quay đi (tình).  Có những loại cây sống và hợp ở vùng đất nầy mà không hợp với nơi khác (phương). Cây chưng trong chậu kiểng cũng được dùng thích hợp cho từng hoàn cảnh.  Chậu kiểng chúc thọ khác với chậu kiểng mừng đăng khoa hay vui duyên mới (dụng).  Và có những cây kiểng nói lên được tinh thần siêu thoát, chấm phá không dựa vào đâu, như như bất động (đạo).

            Giải thích hết câu đầu trong sự lặng yên gật gù của những người xung quanh. Tâm An tủm tỉm cười, chắp tay sau lưng len lỏi đi vào trong những nhóm cây đã chia thành hàng, thành lớp.  Có tiếng gọi từ phía người nghe vẫn còn chờ đợi và tiếng hỏi vọng:

            – Xin đương chủ vui lòng giải thích nốt câu thứ hai.

            Tâm An không vội vàng quay lại trả lời mà lắng hết tâm tư và đôi mắt để ngắm cây kỳ nam cổ mộc.  Vẫn mùi hương trầm thoang thoảng phát ra tự nhiên từ thân cây làm tăng vẻ quý phái và tôn nghiêm.  Tâm An như quên hết thế giới xung quanh, quỳ một chân trên bệ đá làm nền cho cổ mộc với đôi mắt ướt ngước lên tận đầu cành. Kính cẩn.  Đam mê. Và trầm mặc… Cả nhóm, không ai nói với ai một lời, tự động lẳng lặng làm theo. Cây bạch tùng cổ mộc kỳ nam hiện ra. Đôi nhánh trắng dưới tàn lá xanh, viền quanh co từ thân trầm đen tuyền.  Đôi nhánh bạch tùng vươn ra thầm lặng như đôi bàn tay thánh thiện vô cùng.  Tâm An lên tiếng:

            – “Niên, hương, sắc, biến, tự, chân, không”:  Cây cũng như người.  Ngoài vẻ đẹp bên ngoài, phải có hồn phách.  Cây có dáng đẹp đã đành, nhưng tuổi càng cao, càng có giá trị (niên). Cây có loại ứa nhựa tiết ra mùi, có lọai không. Mùi cây thì nhiều nhưng tựu trung có 3: Thanh, trọc và bình.  Thanh là mùi thơm dịu như mộc, như lan.  Trọc là mùi hăng hắc như sung, như phượng. Bình là có mùi thoảng qua nhưng không rõ ràng nên chẳng ai để ý (hương).  Một cây có thể có nhiều màu nhưng toàn thể lại hòa điệu theo một màu nhất định.  Cây có lục sắc, nghĩa là sáu màu chính, nhưng chia làm hai bộ: Ấm và lạnh. Xanh, lam, trắng là bộ lạnh. Đỏ, tím, vàng là bộ ấm (sắc).  Màu sắc của cây có loại thường định không thay đổi, có loại thay đổi theo ngày đêm,  thời khắc trong ngày; hay thay đổi theo mùa (biến).  Cây càng mang tính độc lập cao, càng có giá trị.  Có những loài cây phải cần dựa vào một đối tượng khác mới đứng vững, mới có giá trị, mới thấy được mình (tự).  Cây cũng như một nhân vật.  Có loại xuất hiện đích thực là mình.  Có loại phải mượn một hình dạng khác.  Có loại gốc là thảo mộc nhưng biến hình muông thú. Cây càng giữ được tính gốc của chính nó chừng nào mà vẫn không mất vẻ đẹp, càng được đánh giá cao (chân).  Và tuyệt tác của một cây kiểng là khi nhìn vào cây, cây bỗng biến mất. Vì cây mở ra hình tượng một thế giới nhỏ nhưng cao viễn hơn mình (không).

            Cao nhất của dáng cây là đạt tới hình tượng siêu thoát của đạo và sâu nhất của hồn cây là đạt tới cảnh không.  Người không biến tướng thành một cái gì cao hơn mình là một bị thịt và cây không thoát ra khỏi tầm vóc và chủng loại của nó thì chỉ là một khúc gỗ tươi…

            Tâm An vừa nói đến đó thì đã nghe tiếng cười khúc khích của thầy Tiều trên đường vác cuốc trở về.  Theo sau là Trí Hải và Phạm Xảo.  Thầy Tiều lên tiếng trước:

            – Hì! Hì! Bất tác bất thực.  Không làm không ăn. Tâm An theo cây kiểng, bỏ canh tác nên hôm nay khỏi ăn…

            Lại đến lượt Tâm An cười giòn tan, vừa cười vừa trả lời:

            – Thầy à, xin thầy thư thả một chút cho đệ tử có lời phân giải đã nào.  Thầy có biết là một cây kiểng bé nhất trong góc vườn nầy cũng đủ cho cả bốn thầy trò chúng ta sống thừa thãi sung sướng trong vài năm không ạ?!

            Phạm Xảo nhướng mắt ngạc nhiên:

            – Cây kiểng mà cao giá đến thế sao?

            Tâm An vừa chỉ tay lên cây bạch tùng cổ mộc vừa giải thích:

            – Cả cái dinh ông Hoàng và Thái ấp này còn có giá chứ cây cổ mộc kỳ nam kia thì vô giá.

            Thầy Tiều vẫn không tắt nụ cười, đáp lại:

            –  Giá trị đo bằng hình tướng là cái thước của ma vương. Ma vương có thể biến hóa con rắn , con chồn thành người đẹp nhưng lại không biến được tâm hồn từ hung ác sang thánh thiện.  Con người thì ngược lại, không đổi được hình tướng nhưng đổi được tâm hồn.  Sự thay đổi không phải là một cuộc viễn chinh ồ ạt mà tiệm tiến như nước chảy đá mòn.  Người thì gọi đó là “tu”, người thì gọi đó là dưỡng, kẻ thì gọi là giáo.  Tên gọi không quan trọng bằng chính hành động.  Chúng ta đang bắt đầu đi tìm suối nguồn đổi thay đó từ chính hơi thở và cái ăn, cái uống hàng ngày.  Chúng ta cuốc đất trồng rau vì đã hứa rằng, hễ không làm thì không ăn.  Nếu chỉ đơn giản lấy cái ăn của người khác làm cái ăn của mình thì tâm ta không yên ổn khi sống bằng vay nợ. Tâm không an thì ngồi chơi cũng còn bị bứt rứt, tìm đâu ra khoảng tâm không thanh tịnh để mà nhìn lại mình.  Nói chi đến chuyện tu hành cho xa xôi. Nay Tâm An để hết tâm lực vào việc đổi chác kinh doanh cây kiểng là hướng đến mục đích gì?  Vì tiền chăng? Nếu kiếm ra tiền thật nhiều, chúng ta sẽ làm gì tiếp?  Xây một dinh thự đồ sộ như dinh ông Hoàng nầy ngày xưa chăng?  Mua một tài sản hàng trăm mẫu ruộng phì nhiêu nhất đẳng điền như Thái ấp này chăng?  Chạy chọt cho được một địa vị gần vua như Hoàng thân Trí Hải nầy đã từng có chăng?  Câu trả lời đã có sẵn trước mắt từ lâu rằng:  Chẳng đi đến đâu cả! Khi chất keo không còn dính, tòa nhà sập.  Đất đến một thời điểm nào đó, đất trở lại đất không.  Danh lợi không đeo mãi với con người, người trở về với tay không và chờ ngày hủy diệt.

            Tâm An nhìn thầy Tiều buồn bã, hoàng hôn ném những mảng tối trên khu vườn.  Khách đã kéo nhau về hết. Chỉ còn bốn người trơ vơ nghe gió đêm về xao xác trong khu vườn.  Trong sâu lắng, mỗi người lắng nghe nỗi cô tịch trong lòng mình độc thọai.  Tâm An lên tiếng:

            – Thưa Thầy và nhị vị hiền hữu, giàu có tôi đã từng.  Ngày xưa và cả bây giờ, tiền bạc muôn khối tôi chỉ cần búng tay ra là có.  Từ mấy ngày qua, tôi mang ý nghĩ là sẽ gây dựng một khu vườn cây cảnh đặc biệt tại góc vườn phía Đông nầy, khu vườn gồm toàn cây kiểng độc đáo mà từ xưa rày chưa ai từng có.  Tôi muốn xây dựng lại dinh ông Hoàng đang đổ nát bằng tiền của chính cây kiểng nơi góc vườn nầy.  Và mục đích sau cùng là muốn biến nơi đây thành một khu vườn Thiền với đủ loài cổ mộc danh tiếng nhất cho cả nước và lân bang biết danh.  Rồi cũng chính nơi đây sẽ là khu thiền viện đẹp nhất mà thiên hạ chưa bao giờ thấy. Suốt mấy ngày qua, khách sành điệu cây kiểng bốn phương đến viếng không ngớt. Không ngờ kế hoạch khởi đầu của tôi lại thành công và trôi chảy dễ dàng như thế.  Có lẽ khắp nơi đang được mùa tu. Thầy và quý hữu đi quanh kinh đô mà xem.  Vua xây chùa, quan xây chùa, bá tánh xây chùa, tu sĩ khắp nơi kéo về tu học…  Các vị cao tăng thạc đức đang đứng giữa huy hoàng đèn đưa lọng rước. Giữa chốn kinh đô, đường tu thăng tiến mạnh mẽ và thuận lợi đến như thế, lẽ nào chúng ta lại tự cô lập trong một ngôi nhà cũ kỹ dùng tạm làm chùa và sống hẩm hút bằng tương rau tự trồng, tự cung, tự cấp nơi cái dinh cơ cũ nát, nghèo khó thế nầy?

            Thầy Tiều dang tay ra không nói lời nào. Vẻ mặt vẫn cười vui như còn đang mãi miết tìm bắt những luồng gió lạ.  Đầu thầy gục gặt không ai biết là Thầy tán đồng hay bác bỏ ý tưởng của Tâm An.

            Chiều về, Phạm Xảo pha một bình chè xanh với những đọt chè non sau vườn vừa mới hái.  Giọng Thầy ung dung như kể chuyện đời xưa:

            – Phật tu đạo và đắc đạo dưới gốc cây bồ đề. Sơ tổ thiền tông, Bồ Đề Đạt Ma, chín năm ngồi đối bóng với bức tường khô khốc để hành đạo. Lục tổ Huệ Năng đến với đạo trong cảnh bổ củi, nấu ăn. Vua Trần Nhân Tông bỏ triều đình lên núi Yên Tử mà tu. Xưa nay, có ai đắc đạo vì chùa to, tượng lớn đâu.  Mái chùa là quán trọ của tâm hồn.  Chùa là bóng mát nghỉ chân trên con đường tìm đạo chứ đâu phải là suối nguồn của đạo.  Đạo ở trong lòng, không ở trong quán trọ.  Tâm An đừng mất công loay hoay đi tìm đạo trong những quán trọ vì vẻ hào nhoáng bên ngoài mà quên mất nguồn đạo trôi  chảy thầm lặng trong chính lòng mình.

            – Nhưng thưa thầy, việc xây chùa, đúc tượng, kinh kệ, thuyết pháp rầm rộ như hiện nay có phải là con đường tu đạo đang tới hồi hưng thịnh không?

            – Quý lắm! Mái chùa nuôi dưỡng lòng thanh tịnh. Kinh kệ làm vơi kiếp khổ đau. Nhà chùa càng xuất hiện nhiều chừng nào; thì nhà tù, nhà chứa, nhà ma… càng biến mất đi chừng đó.  Nên xây dựng chùa chiền, tu viện là việc làm phước đức.

            – Như vậy, nếu có một nhà đại phú, một mình cho xây hàng chục, hàng trăm ngôi chùa, chắc là phước đức sẽ lớn lắm phải không ạ?

            – Nếu xây chùa bằng tâm thánh thì người đó sẽ được mười lần phước đức.  Nếu xây chùa bằng tâm phàm thì người đó đã gieo mười căn nghiệp chướng.

            – Tâm phàm hay tâm thánh cũng đều phải trút hầu bao ra mà chi phí, trang trải.  Làm sao để có thể phân biệt được tâm phàm và tâm thánh sau đống tiền dâng cúng?

            – Tâm thánh là cái tâm uyên nguyên thánh thiện trong mỗi con người. Đó là chân tâm, là trí tuệ, là đôi mắt nhìn thấu suốt cái cốt lỏi chân thật của con người và vạn vật.  Đã không thì đại danh hay vô danh cũng là không. Tâm phàm là tâm chấp.  Đã chấp rồi thì từ một lời nói, một ý thoáng qua hay một tơ hào đều chấp.  Đem tâm chấp để xây chùa là tiếp tay vun bồi cho cái tôi kiêu căng – mà chữ nhà chùa gọi là ngã mạn – ngày một lớn lên thô cứng và dày đặc che khuất cả tâm người, tâm thánh.  Họ lầm tưởng chùa là Phật hay ảo tưởng Phật là chùa mà quên mất vị Phật rất thật hiện diện trong chính mình.  Người ta quen cầu xin lạy lục những thế lực ngoài mình, cúng bái những điện đền tận đâu đâu mà chẳng bao giờ đảnh lễ cái đền thiêng thầm lặng trong chính mình.

            Tâm An thở dài:

            – Chao ơi! Thế thì khó quá thầy ạ.  Biết đâu là tâm phàm, đâu là tâm Phật để lường đây?  Như tôi muốn buôn cây xây chùa thì đó là tâm phàm hay tâm Phật, thưa Thầy?

            Thầy Tiều lại cười dễ dãi:

            – Tâm phàm hay tâm Phật là một, không hai.  Khi một người biểu tỏ lòng thương yêu, giúp đỡ người cùng khổ là đang mang tâm Phật.  Cũng người đó mà khi nổi lòng tham lam, thù hận là đang sống với tâm phàm.

            – Thế thì tâm Thầy là tâm phàm hay tâm Phật vậy?

            – Cả hai! Với kẻ đã nguyện đi tu như tôi thì khi biết mình mang tâm phàm bụi bặm cần phải gội rửa từng khoảnh khắc trong tỉnh tức và thanh tịnh thì đó là tâm Phật.  Khi tự cho mình mang tâm Phật để làm thầy thiên hạ thì đó là tâm phàm.  Khi tôi nói và nghĩ về tiền tài, vật chất là để tâm phàm làm chủ.  Khi tôi làm và nói những điều phẩm hạnh hay kêu gọi người đời làm những điều đạo hạnh với cái tâm an nhiên rỗng lặng thì đó là tâm Phật làm chủ.

            Tâm An vái dài:

            – Vậy là mấy hôm nay, mỗi ngày tôi đã mang tâm Phật nhiều hơn tâm phàm rồi Thầy ạ. Tay tôi làm, miệng tôi nói năng đổi chác cây cảnh với mọi người, nhưng lòng tôi không khi nào bị xáo động.  Tiền nào của đó.  Ai phải thì tiếp, ai trái thì thôi. Không vui khi bán được.  Không buồn khi ế hàng. Không vội bực mình khi ai chê.  Không vội mừng rỡ khi ai khen. Tâm tôi thản nhiên và phẳng lặng khi trao tiền bạc bán cây cảnh cho nhóm thợ xây dựng thiền đường. Tôi thấy rất rõ là mình chẳng sở hữu gì cả và cũng chẳng quan tâm gì đến điều đó.  Tôi chẳng cần một đồng xu cho riêng mình.

            – Tâm rỗng lặng nhìn chùa thấy chùa. Tâm bon chen nhìn chùa thấy quán.  Tâm sân hận ngồi trong chùa mà chẳng biết chùa đâu.  Tâm si mê đến chùa chỉ để lễ bái cầu xin.  Tâm mới là nơi an trú.  Chùa chỉ là mái nhà che mưa nắng để tìm về chân tâm.  Có chùa, có tâm, chùa như ngôi nhà có chủ. Có chùa, không tâm, chùa là lữ quán qua ngày.  Có tâm, không chùa như đi trong nắng hạn mà thiếu mất bóng cây.

            Phạm Xảo đi nhặt củi quanh vườn trở lại, nghe Tâm An trần tình, cười thành tiếng:

            – Buôn bán ít mà mong tiền nhiều là gian thương.  Buôn bán nhiều mà mong tiền ít là Ba Gấmơng.  Buôn bán mà không cần tiền như Tâm An nhà ta là thánh thương, có phải không à?

            Tâm An cười đùa theo giòn giã:

            – Là “đáng thương” huynh ạ!

            – Đúng là đáng thương mà thương không đáng, nên không đáng thương.

            – Thương hay ghét thì cũng đã xong rồi.

            – Đóng cửa?

            – Có cửa đâu mà đóng.  Nhưng đã đủ tiền xây nhà thiền rồi thì kiếm tiền nữa để làm chi?

            Phạm Xảo “ồ” lên:

            – Thì ra trên đời nầy không phải chỉ có một Hoàng thân nhà tôi là người coi đồng tiền như ảo ảnh sắc không mà Tâm An huynh đệ đây cũng vậy.  Thế nhà thiền bao giờ khởi công?

            – Một cái “chòi thiền” thì đúng hơn. Cái chòi như một cái dù lá, trương lên và xếp lại chỉ đơn giản như cất nón chào nhau thôi.

            – Có thật sự là phải cần một mái thiền thì tâm thiền mới phát tiết không?

            Tâm An đang còn lúng túng với câu hỏi của Phạm Xảo thì thầy Tiều đã lên tiếng giải cứu:

            – Mưa rơi là mưa rơi.  Nắng dọi là nắng dọi. Ca, xang, thiền, ngủ… thì cứ việc ca, xang, thiền, ngủ. Sao lại phải đeo mang nhà cửa vào làm gì cho thêm nặng nề vậy kìa?

            Tâm An có cảm tưởng như thầy đang đùa với việc làm của mình, nên cố sửa giọng cho chững chạc hơn, lên tiếng:

            – Vậy thưa thầy, như thế thì bao nhiêu chùa chiền, thiền viện đều không cần thiết cả sao?

– Tôi không tu thiền theo pháp môn nào, nên cũng chẳng trả lời thay cho ai được cả.  Nhưng khi cần thì một hạt cát cũng cần; mà đã không cần thì cả thế giới nầy cũng chẳng có gì đáng kể.

Sau câu nói của thầy Tiều, Tâm An lững thững đi một mình dưới những tàn cây xanh.  Bốc một nhúm cát nhỏ để lên lòng bàn tay, rồi đưa lên ngang tầm môi, chúm miệng thổi nhè nhẹ. Dăm hạt cát bay đi mất dạng. Có ai cần một hạt cát.  Giữa thinh lặng bao la, dường như chẳng ai cần ai.  Thế nhưng Tâm An lại chợt buồn khi nghĩ rằng, mình vừa đuổi đi, phụ lòng vài hạt cát.

 

 

         

 

Tu Bụi

Truyện dài

Bài viết liên quan