CHƯƠNG NĂM-Nhập Cuộc

Sau tiếng leng keng của cái chuông gió ngoài cổng chính báo hiệu có khách đến, người hầu cận nữ vào trao cho Trí Hải tấm thiệp đỏ được trang trọng bọc bằng một lớp giấy hoa tiên nền vàng.  Thư pháp của người viết có vẻ như học đòi những nét đá, nét mác, nét nhấp nháy tài hoa và bay bướm của Vương Hy Chi. Văn phong biểu lộ một tinh thần vừa trang nhã, vừa phóng khóang mà không kém phần lịch lãm một cách đầy quyết đoán. Cuối thư ký tên là Hàn Kỳ Vương.

            Trí Hải như đã mơ hồ thấy trước nên không có gì ngạc nhiên.  Với một nội dung rất ngắn trong thư, Hàn Kỳ Vương bày tỏ lòng hâm mộ khi được nghe danh Trí Hải là một danh sĩ và cũng là một kỳ sĩ của đất Thần Kinh, nên xin đến ra mắt thăm viếng nhân dịp Nam du.  Tấm thiệp nằm trên chiếc khay cẩn xà cừ như một tối hậu thư không riêng với Trí Hải mà chung cho cả hàng danh sĩ kinh đô đang im hơi lặng tiếng. Trí Hải phúc đáp : “Thuận. Trân trọng kính mời.”

            Khách đi rồi, Phạm Xảo đến gặp Trí Hải, bình luận đầy vẻ kích động:

            – Hàn Kỳ Vương thật là tự tin quá đáng. Hắn ta dám đến tận cả phủ đường nầy để khích thần, dụ tướng nữa sao!  Hoàng thân đã nhận lời chưa, chiến hay hàng?

            – Chỉ là một cuộc chơi hơn thua qua trò thủy chiến trong ly nước lạnh mà thôi.  Có  gì đáng để quan tâm chuyện chiến hay hàng!

            – Hoàng hữu ơi, đấu trường tri thức cũng như chiến trường gươm giáo. Chốn gió tanh mưa máu đó, đâu phải là tình trường để nói việc ân tình, nhân nghĩa đã chứ.

            – Huynh từ giã chiến trường đã lâu mà cuộc giao tranh vẫn còn tiếp diễn trong lòng huynh dữ dội đến thế à? Không lẽ kiếp sống nầy chỉ là một chuỗi những cuộc chém giết được biến tướng dưới muôn vàn hình thức và sẽ không bao giờ kết thúc sao huynh?

– Có lẽ tôi đã quen với số phận một mất một còn ngoài chiến trận.  Thà chết vinh hơn ù té chạy thoát thân trong lúc nguy khốn để sống nhục là bản lĩnh đầu tiên của con nhà tướng.  Ta phải đánh bại tên kỳ ôn đó hay ta sẽ bị hắn đánh bại là điều làm tôi không ngủ được trong lúc nầy.  Hoàng thân có cao kiến gì không?

– Không. Chẳng có gì quan trọng.

– Vậy là chúng ta chấp nhận thua?

– Có đánh thì có hơn thua.  Không đánh thì không hơn thua.

– Như thế có nghĩa là Hoàng hữu không muốn nhúng tay vào để giải quyết cuộc cờ nầy?

– Nếu chỉ để hơn thua thì không. Nhưng nếu để chấm dứt cuộc cờ thì có thể…

– Ngày xưa tôi cũng thuộc loại hay cờ, nhưng có lẽ so với Hàn Kỳ Vương, tiếng tăm vang danh thiên hạ như thế thì tôi e mình không đủ sức. Giữa cuộc đời biết mình biết người đã khó, trên bàn cờ biết ta biết địch lại càng khó hơn.  Những kiện tướng cao cờ thì tay dịch một quân cờ nhưng trí đã nghĩ ra cả mươi đường công thủ. Tôi nghe từ thời ấm Thuyên chưa bị hành hình, Hoàng thân là đệ nhất kỳ thủ trong năm người đánh cờ hay nhất, gọi là “kỳ vương ngũ hiệp”, của đất thần kinh phải không?

Trí Hải lắc đầu:

– Ván cờ hay nhất là nửa ván cờ hòa.

Phạm Xảo hiểu câu nói ấy theo ý mình và lẩm bẩm: “Lạ thật! Có trận quyết đấu nào mà chẳng có ai đau, có cuộc cờ nào mà không có người thua kẻ thắng.  Để ta nằm trong địch và địch nằm trong ta là một diệu pháp hay là một sự lạc lối vô hình khi biên giới giữa ta và người biến mất?”

***

            Đến ngày hẹn, Hàn Kỳ Vương cùng nàng hầu thiếp xinh đẹp và ba vệ sĩ đợi sẵn bên ngoài được mời vào Thái Ấp.

            Hàn Kỳ Vương vẫn đeo bên mình bộ cờ gia bảo đựng trong đãy gấm thêu thùa rực rỡ. Khác với nét thư pháp phóng khoáng và lối viết đầy uyển ngữ trong thiệp, Vương đời thường là một người hơi thô cứng, đầy quyết đoán và đôi khi tỏ vẻ kiêu kỳ trong lối giao tiếp.

            Quà ra mắt do người hầu thiếp trịnh trọng bưng trên hai tay là một đỉnh trà nhỏ nhắn, trong đựng một loại trà thơm mà Kỳ Vương gọi tên là Ô Long Kim Các.  Vương giải thích rằng, trà Ô Long là một sản phẩm địa phương của quê ông bên Tàu. Trà Ô Long có mùi thơm dịu và vị ngọt trên đầu lưỡi sau chừng nửa tuần trà khai vị.  Hương vị trà được xếp hạng từ thấp lên cao là Ô Long điền dã, Ô Long địa, Ô Long sơn, và Ô Long kim các.  Trà Ô Long kim các là tuyệt phẩm của Ô Long.  Nó mang tên như vậy vì mùa thu đông khi có tuyết, giống trà nầy được trồng trong những căn nhà lưới. Lá vàng mùa thu rụng xuống tấp thành lớp dày trên mái, có sắc vàng rực rỡ như những gác vàng của bậc đế vương.

            Bên những chén trà bốc khói, trong bầu không khí yên tĩnh của căn phòng khách bày biện đơn sơ nhưng trang nhã và ấm cúng, những câu chào mời và thăm hỏi xã giao dùng dằng nghi lễ hình thức rồi cũng qua đi. Hàn Kỳ Vương vào đề mục chính của cuộc viếng thăm:

            – Thưa Hoàng thân đại nhân, nhân dịp được viếng một nhân vật tiếng tăm như ngài, không dấu gì đại nhân, tôi có mang theo đây một bộ cờ tướng rất quý hiếm của Hàn tộc chúng tôi.  Bộ cờ nầy có từ cả nghìn năm trước và đã lẫy lừng ngang dọc khắp bốn phương trời. Bộ cờ được các danh sĩ kỳ vương tại Trung Hoa và quý lân bang chiếu cố dùng đến trong những ván cờ tuyệt đấu. Trong chuyến Nam du nầy, được đặt chân đến kinh đô của quý quốc, chúng tôi chỉ mong có dịp hầu cờ với các bậc chân nhân kỳ thủ.  Nhưng đến nay hầu như vắng bóng. Hôm nay tôi mạo muội đặt chân đến quý tư dinh với lòng ước ao được hầu cờ với ngài đôi ba nước.  Nếu đại nhân có nhã hứng chơi cờ thì xin được cùng ngài khai cuộc.

            Trí Hải không quan tâm nhiều đến vẻ mặt hiêu hiêu, ra bộ nhún nhường nhưng đầy kiêu hãnh của Vương và những người xung quanh.  Không quanh co, Trí Hải nói thẳng:

– Cám ơn Hàn gia đã quá bước đế thăm.  Nhưng sơ kiến cũng là sơ giao.  Mới gặp nhau mà đã tính chuyện hơn thua thế nầy thì e rằng có vẻ hơi vội vàng và hiếu động. Tôi vốn quý lòng hiếu khách chứ không chuộng hiếu động nên xin quý khách miễn lễ tiếp cờ cho.

            – Cầm kỳ thi tửu vốn là cái thú tiêu khiển thanh lịch của hàng tao nhân mặc khách xưa nay chứ có gì nghiêm trọng đâu mà đại nhân ngại như thế?

– Thế có nghĩa là tin đồn rằng, Hàn gia chỉ dùng môn đấu cờ như một đạo quân chinh phục, chứ chẳng phải là một thú tiêu khiển thanh lịch như trong nghệ thuật cầm, kỳ, thi, họa, xưa nay là không chính xác hay sao?

            Kỳ Vương chỉ nhắc lại một cách ngắn gọn rằng:

            – Đây chỉ là một truyền thống có từ lâu đời. Thắng thì làm chủ bộ cờ tinh huyết thạch.  Còn thua thì phải giao hết sự nghiệp về tay Hàn gia.

            – Cả nghìn năm đi qua nhưng bộ cờ vẫn còn đó. Như thế có nghĩa là từ xưa đến nay chưa hề có một đấu thủ nào thắng để lấy bộ cờ ra khỏi tay Hàn gia?

            – Thưa, đúng vậy. Chưa bao giờ có ai đánh bại Hàn gia cả!

            – Theo Hàn gia, thế nào là sự nghiệp?

            – Ai cũng hỏi câu nầy nhưng khái niệm sự nghiệp của chúng tôi có hơi khác. Thông thường người ta cho rằng sự nghiệp là những công việc to lớn, có ích lợi chung và lâu dài cho xã hội. Nhưng chúng tôi lại cho rằng sự nghiệp của một người là sự giàu có thật sự của người đó.

            – Phải là phú ông, triệu phú mới là người có sự nghiệp chăng?

            – Thưa không, triệu phú là người có nhiều tiền chứ không phải là kẻ giàu có.  Khổng Tử, Lão Tử… là những người có sự nghiệp lớn lao nhưng chẳng ai để ý là các ngài đó có đồng xu nào dính túi hay không.  Sự giàu có tính trên giá trị và phẩm chất thực sự của con người chứ không thể đo bằng tiền bạc.

            – …?!

            Như hiểu được câu hỏi vừa dấy lên trong lặng im, Hàn Kỳ Vương vội vã khoác tay:

            – Chỉ riêng với Hoàng thân thì chẳng có luật chơi hay quy ước nào cả.

            – Vì sao không?

            Hàn Kỳ Vương lim dim suy nghĩ một lát, ngó quanh những người xung quanh một lượt rồi trả lời, giọng có vẻ thành thật:

            – Nguyên bộ cờ gia bảo của Hàn gia chúng tôi được làm bằng tinh huyết thạch.  Đó là một loại đá sống đời.  Đá tinh huyết cần có sự ăn uống và phát triển như một loài sinh vật cao cấp.  Hàng năm đá phải được “ăn” một lần bằng cách ngâm vào huyết tươi ba ngày đêm. Thời xa xưa, đá được bón bằng huyết tươi của người trinh nữ.  Nhưng kể từ 10 đời Hàn tộc trở lại đây thì hàng năm các quân cờ chỉ được ngâm trong huyết tam sinh thay vì trinh nữ huyết.  Bên cạnh cái ăn, đá phải được “chơi”.  Đá đã được đẽo thành quân cờ nên cứ đúng chu kỳ một năm, nếu chưa có trận đấu nào diễn ra, thì ít nhất là bộ cờ phải được bày ra một lần trước mắt một danh sĩ hay cờ tại nơi mà các quân cờ đang ngụ…

            Trí Hải mỉm cười:

            – Lúc này, tôi không còn quan tâm đến thú tao nhã đánh cờ mua vui, dù cho tôi hay cho Hàn gia cũng vậy.

            Vương còn đang lúng túng thì Trí Hải đã nói tiếp với giọng lịch thiệp nhưng đầy khẳng quyết:

– Mớ đá vô danh được đẽo gọt thành bộ cờ gia bảo của Hàn gia đã phung phí quá nhiều máu lệ của người đời.  Tôi chỉ có một ước mong công bằng là nếu thắng được mớ đá độc ác nầy, tôi sẽ ném nó về với nguồn cội sỏi đá vô tri của loài khoáng vật mà thôi.

Hàn Kỳ Vương giọng nửa như mời mọc, nửa như mĩa mai:

– Thật là đại hạnh cho Hàn gia chúng tôi được hoàng thân chiếu cố ra chiêu song đấu…

            Một khoảng trống im lặng kéo dài sau lời Trí Hải.  Không rõ người nghe ngạc nhiên hay xúc động.

            Người phá sự im lặng đầu tiên là Phạm Xảo.  Từ phía trong đi ra, ông già cúi mình thi lễ và đến trước mặt Trí Hải, đặt cả hai tay lên ngực với một cử chỉ hàm ý tạ ân.  Dáng ông lão trịnh trọng theo kiểu cách của một đại thần lương đống trong triều đình dâng sớ chém nịnh thần và được nhà vua “chuẩn tấu!”

            Bỗng nhiên tiếng cười vang lên.  Tiếng cười bật ra từ phía Hàn Kỳ Vương, lan qua đám vệ sĩ và truyền dần đến người tì thiếp xinh đẹp của ông ta.  Tiếng cười như đánh động một nguồn cảm hứng dồn tụ lâu ngày, gặp phút hưng phấn đang bừng bừng trỗi dậy.  Tiếng cười vang, to, rũ rượi, nghiêng ngửa.. của sự tức giận dấu dưới vẻ chan hoà hay nỗi đau đớn làm ra vẻ thống khoái thể hiện qua những nếp nhăn trên từng khuôn mặt khô khan và gắng gượng của người cười.  Gián tiếp như một sự thách đố, Hàn Kỳ Vương nói với Trí Hải:

            – Thưa hoàng thân, ngài quả là một danh sĩ có khí tiết hiếm hoi thời nay ở đất thần kinh văn vật nầy mới dùng đại ngôn với Hàn gia kỳ vương như thế.  Mong rằng lời nguyền khẩu khí của ngài sẽ không kết thúc bằng sự thất bại đau đớn mà tất cả những đối thủ của Hàn gia chúng tôi, không sót một người nào, đã lần lượt nếm trãi trong cả nghìn năm qua.  Một lời hứa của ngài phát ra là số phận đã đặt trên bàn cân:  Hoặc là bàn cờ tinh huyết thạch gia bảo của Hàn gia, hoặc Thái ấp của Hoàng thân sẽ bị biến mất khỏi cuộc đời này.

            Đối diện với phía Hàn Kỳ Vương đang khích động như vừa bắt trúng mối cá lớn, Trí Hải nhấp chén trà Ô Long vừa mới được pha lên. Mùi trà dẫn trí tưởng tượng của ông về một phương xa.  Sự an nhiên của Trí Hải càng thôi thúc tâm trạng nôn nóng đang cháy bỏng trong lòng Hàn Kỳ Vương về một cuộc cờ sắp đến.  Vương trịnh trọng lên tiếng:

            – Chúng tôi từ phương xa lại, thủy thổ chưa quen, thời khí chẳng rõ.  Vậy dám mong Hoàng thân đại nhân cho biết tôn ý về ngày giờ và địa điểm của cuộc gặp gỡ sắp đến.

            Trí Hải xác định:

            – Tiết trùng cửu.  Đầu giờ Tuất.  Gióng đò trên sông Hương.

            Hàn Kỳ Vương bấm đốt tay, tính nhẩm, gọi hầu thiếp mang sách phong thổ ra dò kĩ lưỡng, rồi nhíu mày  lên tiếng:

            – Ngày chín, tháng chín là ngày mưa lụt ít khi tránh khỏi hàng năm tại đất nầy, nên mới có câu: “Tới ngày trùng cửu không mưa.  Cha con làm ruộng bán cày bừa mà ăn.” Lại thêm giờ Tuất thì trời đã tối mịt. Giong đò trên sông Hương chòng chành khó khăn ổn định, làm sao chúng ta tìm được không khí hoàn toàn yên tĩnh để khỏi bị chi phối vào cuộc cờ?

            Trí Hải trả lời thản nhiên:

            – Cùng thuyền cùng hội, khó dễ chẳng riêng ai.

            Vương như sợ bỏ lỡ cơ hội, lên tiếng:

            – Phía Hàn gia chúng tôi xin đồng thuận. Vậy là còn đúng ba tháng nữa…

            Lời hứa hẹn cho một sự đổ vỡ đã kéo màn lên. Bên được sẽ được luôn cả tiếng lẫn cả miếng.  Bên thua sẽ thua sạch sành sanh. Dẫu là mất bộ cờ gia bảo hay mất sự nghiệp cũng đều đồng nghĩa với khánh tận và địa ngục. Bi kịch của đời sống là ai cũng nghĩ rằng mình sẽ là người thắng cuộc sau cùng.  Nhưng cơ hội bao giờ cũng chỉ là một nửa:  Nửa ta, nửa người; nửa khách nửa chủ; nửa bàn cờ tướng và nửa ván cờ mù.  Thua hay thắng kiểu Hàn Kỳ Vương là phải diệt đối tượng hay sẽ bị đối tượng diệt.  Trí Hải hiểu rõ cuộc chơi và luật chơi.  Đen trắng rạch ròi và không còn sự chọn lựa nào khác hơn là phải dấn thân để mở đường đi tới.

***

Tin Hoàng thân Trí Hải sắp đấu ván cờ gần như chung cuộc với Hàn Kỳ Vương là một đại biến cố đối với mọi người.  Giới hoàng thân quốc thích coi đây như là một sự thử thách đầy quyết liệt đối với danh dự và thế lực của hoàng gia.  Giới quan triều cảm thấy như đây là một cuộc chiến tranh đấu trí giữa hai nước.  Giới sĩ phu thở phào vì không khí im lặng nghẹt thở của sự thách thức tinh thần được giải tỏa.  Quần chúng thì nô nức đón mừng cuộc đấu như một phản ứng giải phóng mặc cảm thế yếu của ta đối với Tàu. Ván cờ quyết định số phận một mất một còn của Thái Ấp và bộ cờ tinh huyết thạch của Hàn gia bên Tàu lan rộng từ trong triều cho đến ngoài nội rất nhanh.  Trong không khí thâm nghiêm của cung đình và nếp sinh họat phẳng lặng của một xã hội nông nghiệp, nguồn tin nầy bừng lên như một ngọn lửa rực rỡ làm lu mờ hết mọi thứ.  Không một ai nghi ngờ phẩm cách cẩn trọng và tài năng thông tuệ của Trí Hải.  Nhưng hầu như mọi người đều nơm nớp lo sợ trước sự ám ảnh của bộ cờ đầy huyền thọai và lịch sử đấu cờ siêu quần, vô địch của Hàn gia.

Những danh sĩ cờ tướng thần kinh và giới hoàng gia, sĩ phu… từ khắp nơi kéo về chốn thần kinh, cố tìm đến dinh ông hoàng để hiến kế, hỗ trợ, chúc lành cho Trí Hải.  Lòng tự hào dân tộc ngủ sâu trong lòng nước bỗng vươn mình thức dậy.  Một ván cờ tàn mua vui chẳng ai chú ý; nhưng một ván cờ quyết đấu giữa hai danh sĩ của hai nước lại trở thành một biểu tượng mới vượt ra ngoài biên cương cảm tính nhất thời.  Những tấm lòng hào sảng mới đến sẵn sàng cho tất cả những gì mình có để chỉ mong được nhận một chút bóng dáng mình mơ. Nhưng tất cả đều thất vọng ra về khi cửa dinh vẫn đóng im lìm và người canh cổng cũng vắng bóng.  Lá rụng đầy sân.  Đèn nhà không thắp sáng.

            Trong bóng tối và đèn chài soi cá hai bên bờ sông Hương, đêm đêm suốt cả mùa trăng, xuất hiện một chiếc đò lớn.  Chiếc đò che kín mui, buông chèo để mặc trôi lờ lững trên phía thượng nguồn sông Hương.  Từ trong đò có tiếng trao đổi khi nhanh, khi chậm, khi đuổi dồn, khi cách khoảng rất lâu và có lúc thì thầm, lúc bay bỗng đầy thống khoái của hai người đàn ông say sưa đánh những ván cờ mù.  Đó là Trí Hải và Phạm Xảo đang luyện cờ như luyện kiếm.  Bàn cờ và những thế cờ biến ảo của hai cao thủ nằm ở đâu đó vô hình nhưng hằn sâu trong trí nhớ.  Những ván cờ mù đã tiếp diễn giữa Trí Hải và Phạm Xảo gần hết cả mùa trăng.  Phạm Xảo trở nên sinh động, khi quyết liệt xông xáo như thời trai trẻ; khi trầm tư ẩn nhẫn như thuở hết thời.  Những nước cờ biến hiện khi tấn, khi thoái, khi thủ, khi công… mang nguồn sinh lực năng động của trí óc về với ông già.  Giữa mỗi cuộc cờ là một sự hiện hữu. Ông già tạm quên đi sự ám ảnh của ngày vĩnh biệt bên bờ sinh tử. Nỗi ám ảnh lạnh lẽo khi ẩn, khi hiện trong góc tối trăm năm của đời người quanh tuổi bảy mươi.

Thế nhưng càng về sau, Phạm Xảo càng linh hoạt trong những cuộc cờ tập trận bao nhiêu thì Trí Hải lại càng thờ ơ trước những nước cờ thượng phong đầy ưu thế bấy nhiêu.  Phạm Xảo càng trầm trồ bái phục tài “đơn xa sát vạn, song mã công thành” của Trí Hải chừng nào, càng ngỡ ngàng thấy rõ tinh thần của vị hoàng thân lơ đãng gần như xuống dốc đến hồi thấp nhất.

            Trong tâm thức trầm lắng và sâu xa, Trí Hải suy niệm về vòng lẩn quẩn của những ván cờ biến hiện không ngừng.  Cũng vẫn những quân cờ tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã…  điều động bởi những đầu óc bừng bừng chất lửa, hai đấu thủ mang hai cái tôi to ngút trời quyết đấu.  Mỗi bên đều quay quắt trong biển lửa, cố thiêu sống nhau bằng những đòn cay độc nhất.  Bên cạnh tài ba cao thấp, vẫn thường xuyên đối mặt với sự thăng trầm phi lý của hoàn cảnh rủi may; của tài năng  được thời, thất thế.  Kẻ thắng, người thua quần thảo nhau không khoan nhượng.  Hết cuộc này, bày cuộc khác.  Tất cả trôi đi và trở lại với cùng khuôn mặt trơ lì ngày càng loanh quanh và mệt mỏi.

Hai tay cao cờ đệ nhất như Hàn Kỳ Vương và Trí Hải gặp nhau, tất nhiên rồi cuối cùng cũng có người thua kẻ thắng.  Bàn cờ không còn là nơi tiêu khiển nữa mà trở thành chiến địa chôn sống tình người.  Rồi đây, Trí Hải là bại tướng không đất dung thân hay Kỳ Vương là kẻ mang tội làm điếm nhục gia phong vì không bảo vệ nổi bàn cờ gia bảo.  Trí Hải như muốn ngộp thở khi nghĩ đến mạng lưới hệ lụy nhân sinh đang vây bủa lấy những con người.  Có chăng một khung trời tự do trong cái cũi sắt vô hình nhưng không có lỗ thưa cho tâm hồn chui lọt đó.

            Đến hết cuối mùa trăng tháng sáu thì Trí Hải không còn muốn nhắc đến những con cờ với Phạm Xảo hay với bất cứ ai.  Ông trầm tư nghĩ đến những ván cờ một mình.  Hết cờ rồi lại cờ.  Đầu óc Trí Hải dày đặc với những con cờ, những cuộc cờ, những kẻ chơi cờ. Tất cả chợt biến và chợt hiện bềnh bồng đâu đó.  Cờ reo trong gió, cờ đeo vào mây, cờ lung lay theo trái chín, cờ rụng xuống với những giọt nắng quái và lá vàng đầu thu.  Đêm mất ngủ vì cờ, ngày quằn quại vì cờ.  Những quân cờ quái ác vả vào mặt Trí Hải những đụng chạm mơ hồ nhưng rát mặt.  Những ván cờ độc chiêu hết đường công phá xoắn lấy cân não không chịu buông tha.

            Đã qua nhiều đêm Trí Hải dồn hết khả năng tinh thần và trí óc như một thiền sư để quán niệm về… cờ. Một nước cờ biến ra thành 10 nước khác. Mười nước cờ khác lại biến ra thành một trăm, một nghìn, một vạn, một muôn, một triệu, một ức, một khối… và cứ thế Trí Hải suy niệm đến 100 lần, cứ mỗi lần sau nhân lên gấp 10 lần trước.  Nhưng phía đối thủ vô hình bên kia vẫn quyết liệt đón đầu phản công theo mỗi nước.  Hai bên vẫn giằng co nhau không phân thắng bại.  Trận quyết đấu âm thầm nhưng dậy sóng ba đào khủng khiếp trong lòng Trí Hải.

            Hết suy tư về chiến thuật, chiến lược, Trí Hải lại thả trôi nguồn suy tưởng của mình về triết lý đánh cờ.  Mỗi lần trôi dạt miên man như thế, Trí Hải lại nhớ về Paris, nhớ những ngày đánh cờ Tây với hoàng tử Cảnh, nhớ những ván cờ xóm đêm với giới thợ thuyền lao động quanh hè phố, mù trời khói thuốc Gaulois.  Có hẹn từ đầu non lịch sử hay không hẹn mà gặp.  Cả hai bộ cờ Tây và cờ Tàu đều có 16 quân cờ cho mỗi phe lâm trận.  Cờ Tây 8 lính, cờ Tàu 5 lính.  Ngự tại bản doanh thì cờ Tây có một vua và một tể tướng, cờ Tàu có một tướng và hai sĩ.  Cờ Tây và cờ Tàu đều có 3 cặp voi, ngựa, xe.  Cờ Tây không có súng mà cờ Tàu lại có súng.  Vua, tư lệnh chiến trường trong cờ Tây, rất năng động và xông pha tung hoành trên mặt trận; trong khi Tướng tư lệnh chiến trường trong cờ Tàu hầu như bị giới hạn ràng buộc tại bản doanh.  Lính trong cờ Tàu sang sông để mà hy sinh, bỏ mạng.  Lính trong cờ Tây có cơ hội được vinh thăng lên hàng tướng lãnh nếu chiếm lĩnh được những vị trí chiến lược sau cùng trên đất địch.

Trí Hải nghĩ đến cái gốc của cờ tướng phát nguyên từ Ấn Độ, qua Trung Đông, đến châu Âu từ thời trung cổ. Đất Ấn là chiếc nôi của những nguồn lý thuyết siêu nhiên thần bí phương Đông và cổ Hy Lạp là chiếc nôi của lịch sử thần thọai phương Tây.  Cờ tướng là một trò chơi tinh thần và trí tuệ để kéo con người và thần linh trở về với thực tại của cuộc sống.  Đối mặt nhau trên bàn cờ là đối mặt với sự suy tư và sáng tạo. Vì có suy tư và sáng tạo nên con người mới hiện hữu và kéo được thần thánh từ thiên giới trở về trần. Trò chơi “Thiên  biến vạn hóa” nầy rất gần với quan niệm “ngã sở, ngã tính” trong nhiều môn phái triết học nguyên thủy của Ấn Độ từ thời xa xưa, trước cả khi Phật giáo ra đời.  Nó thay hình đổi dạng linh động theo hoàn cảnh mà không khư khư bám trụ vào cái “Ta – ngã sở” nguyên thủy của mình.  Trò chơi biến hoá như một loài bạch tuộc ma trơi, không có một định tính rõ ràng mà có thể thay hình đổi dạng biến hiện không ngừng.  Khi đến đất Tàu, nó thành Tượng Kỳ, qua Nê Pan, Tây Tạng biến thành “Bụt Chỉ” (Buddhi Chal), vào Nhật thành Tướng Kỳ (Shogi), sang Thái thành Mã Khúc (Makruk), tới Đại Hàn thành Hàn Kỳ (Jianggi)… Trí Hải suy nghĩ về sức mạnh và tài năng của những tay cao cờ tuyệt luân, những kỳ vương Bắc đẩu.

Những tay cờ dòng dõi Hàn gia tiếp nối nhau đánh bại thiên hạ từ đời nầy sang đời khác là do đâu?  Câu hỏi cứ lẩn quẩn như một ẩn số không có lời giải.  Xưa nay,  những nhân vật lẫy lừng trong thiên hạ ngoài tài năng kiệt xuất, còn phải có thủ thuật và bí mật chinh phục, thủ thắng khó so bì. Cờ tướng vừa là một cuộc đấu khả năng vận dụng cực kỳ lịnh hoạt và bén nhạy của trí; vừa là một cuộc thử thách quyết liệt sự kỳ diệu của tâm.  Tâm an tịnh thì trí siêu thoáng; tâm bấn lọan thì trí mê cuồng; tâm sâu hiểm thì trí tà độc.  Thế nhưng, những chiến thuật và chiến lược trong cờ tướng: Kế sâu, mưu hiểm, đòn ma, chước quỷ đều được tận dụng.  Quỷ kế của ma vương hay kỳ mưu của bậc thánh đều được khâm phục trong thuật chơi cờ tướng, miễn sao đạt chiến thắng sau cùng là thành công, là đánh bại được đối phương.  Người ta quan niệm dễ dãi như thế vì thù địch và xương máu trên bàn cờ chỉ là giả ảnh của cái đa mưu túc trí ở giữa cuộc đời.  Cái chết sẽ sống lại và sự chiến bại có thể phục thù.  Nhưng trận cờ quyết đấu với Hàn gia là con đường mòn một chiều qua núi vì hai đối thủ trên bàn cờ sống thật và chết thật, dù sống chết dưới hình thức nào đi nữa thì một đi là mất lối quay về.  Chết rồi không sống lại và chiến bại không còn cơ hội phục thù.

Những đêm sâu quán tưởng về cờ giúp Trí Hải mở dần những vòng trói buộc của những thế cờ trong trí tưởng.  Những thế cờ kim cổ ghi trong sử sách như  Kỳ Diệu Thư, Tượng Kỳ Bí Sử, Diên Tử An, Quất Trung Bí, Mai Hoa Phổ… là những thánh thư binh pháp của Trung Hoa trong cờ tướng.  Đó là những truông hiểm, ghềnh sâu, vực thẳm, huyệt địa, điểm xoáy của dòng sông trôi chảy.  Và đó cũng là những cẩm nang, bí kíp truyền đời để dụ địch thủ vào dòng xoáy mà nhận chìm thuyền vào tử địa của trận đồ đã được mai phục sẵn sàng, không lối thoát.  Vẻ bình lặng trên bàn cờ chỉ là ảnh ảo để che mắt một trường sóng gió khi ẩn khi hiện, khi thật khi hư mà những kỳ vương đã dạn dày “mặt phong trần nắng rám mày râu…” phải e dè và cẩn trọng.

Một tháng đã đi qua, sự suy tưởng về cờ khi loé lên, khi chập chờn nhưng chưa một phút lụi tàn trong đầu làm Trí Hải liên tưởng đến 5 lối đánh cờ trong sách Kỳ Vương Lục của Vương Giản Chi đời Minh bên Tàu: Tiên kỳ, hội kỳ, phiếm kỳ, tượng kỳ và tuyệt kỳ.  Tiên kỳ là những cuộc cờ đầy huyền thọai của tiên ông. Như Hoàng Thạch, Xích Tùng chơi cờ cùng gió cùng mây.  Bàn cờ tiên đặt trên thạch bàn trong hang động.  Các tiên ông mỗi năm chỉ hội ngộ một lần vào đêm Trung Thu nhưng các thế cờ vẫn đi luân phiên không ngừng nghỉ.  Mỗi ông tiên có dịp dừng chân đi một nước trong cảnh núi thẳm mây bay “bạch vân thiên tải không du du” man mác một mình. Có khi hai nước cờ cách nhau cả mấy mùa trăng. Những ván cờ không phân biệt “ta” với “người” mà sự kết thúc mang lại niềm thống khoái thoát tục cho cả hai vị cờ tiên như giờ đắc đạo.  Tuyệt kỳ là những trận thư hùng của hai cao thủ với những nước cờ thiên biến vạn hóa.  Thế nhưng “… nước cờ nào cũng đòi hỏi sự bao bọc sít sao như vỏ lúa bao quanh hạt gạo.  Hở một ly là tạo ra một khoảng cách từ biển đến trời”, như lời của Vương Giản Chi trong sách luận về nghệ thuật đánh cờ.

Ý niệm “thắng ván cờ như giờ đắc đạo” chiếm ngự hết ý nghĩ của Trí Hải.  Cái Đạo của phương Đông mới là cái gốc của cờ.  Đạo là sức mạnh uyên nguyên, là gốc của Dịch.  Dịch là tác nhân của Âm Dương để tạo ra tư tưởng, ý thức và hành động.  Hàn gia dùng bàn cờ để chiếm ngọn mà nhổ bật gốc nên đã tạo ra cái thế “loạn kỳ” trong thiên hạ. Nên những thế cờ của Hàn Kỳ Vương là những ngọn cuồng phong, là thế tiến công, là uy lực chinh phục.

 Trong tâm y lý thường lấy khinh an để trị tác loạn.  Trong binh thư cũng có nói: “Biết dấy động đến chín tầng trời, cũng bằng biết dấu mình dưới chín lớp đất.”  Ra quân với Hàn Kỳ Vương không phải chỉ đấu cờ đơn giản bằng cách di chuyển, tạo thế  những quân cờ sắp sẵn trên bàn cờ mà cần phải biết dùng “đạo kỳ” để đem cái tâm lặng lẽ mà dẹp cái gốc ồn ào dấy loạn.  Nhưng biết tìm cái tâm lặng lẽ ở đâu mà dựa; biết tìm cái trí an tịnh ở đâu mà làm vũ khí.  Trí Hải càng cố nhắm mắt trầm tư  thì những vọng tưởng lại hiện đến. Tạp ý khi phất phơ như gió nhẹ, khi khởi động như đám mây giông.  Chúng kéo đến ùn ùn làm cho trí óc xiêu đổ như muốn nổ tung thành sấm dậy.

Trí Hải càng cố giữ tâm não trống không, những tạp ý càng khởi lên cố lấp đầy chỗ trống.  Trí Hải cố quay đi để tránh, những tạp ý cứ săn đuổi bén gót.  Người ta có thể dễ dàng xua đuổi một con voi nơi bìa rừng, nhưng lại khó khăn rủ bỏ bầy kiến trong ý niệm.  Chân cứ sãi dài bước đi thoăn thoắt, nhưng đầu không biết đi về đâu.  Ra khỏi Thái ấp, qua khỏi mấy đồng lúa và theo lối mòn của vùng nương rẫy, Trí Hải men theo con đường đất đỏ, đá sỏi nhấp nhô.  Cuối dốc lên độn sim, độn móc là lối mòn dẫn tới chân núi Trường Sơn.  Mặt trời đang xuống dần bên phía Trường Sơn Tây nhắc nhở cỗ xe thời gian đang tụt dốc bên kia sườn đời của tuổi 50. Nắng xế chiều cắt ngang những ngọn cây cao, trả hai phần bóng mát lại cho phía đông Trường Sơn xanh mướt cây rừng trùng điệp.

Có nhà ai gần chân núi đang lên khói.  Len lõi qua hốc đá và cây rừng tìm lại gần, Trí Hải chỉ thấy một người đốt than đang bưng nước suối trong ống lồ ô để dập tắt hầm than cháy đỏ. Cũng chẳng để ý có người đang lại gần, người đốt than có vẻ như đang chú mục để hết tâm ý vào công việc. Trí Hải cũng không muốn khuấy động bầu không khí yên tĩnh chỉ có tiếng gió rừng chiều và tiếng xèo xèo của nước dập tắt lửa. Thế nhưng khuôn mặt tự tại và phẳng lặng, cũng như dáng vẻ tươi tắn, linh hoạt của người đốt than giữa một thời điểm về chiều đầy mệt mỏi trong ngày có một sức thu hút vô hình níu chân Trí Hải lặng lẽ dừng lại. Thật khó mà đoán biết  được tuổi tác của người đàn ông đốt than.  Nét từng trải của tuổi già hòa quyện với nét măng tơ của tuổi trẻ làm cho ông ta có một vẻ gì vừa đáng kính vừa đáng yêu. Tay chân ông ta làm việc thoăn thoắt.  Dáng khoan hòa và tươi cười rạng rỡ với chính mình và cảnh vật xung quanh.  Khi bếp than tắt lửa và những sợi khói mỏng cuối cùng kéo lên ngọn cây bay xa, người đốt than ung dung leo lên phiến đá phẳng ngồi xếp bàn và nhắm mắt.  Ngủ. Trí Hải không thể hình dung ra có người lại vô tư và đơn giản đến như thế. Trí Hải nhẹ nhàng ngồi xuống cách một quãng không xa với người đốt than.  Dáng ngồi vững chãi và phong thái hoàn toàn tĩnh lặng của ông ta chinh phục cả sự xao động về chiều của rừng cây lá.  Trí Hải nhìn bức tượng người đốt than, nhìn quanh cây lá không màng đua chen danh lợi và nhìn lại mình.  Ông ngạc nhiên khi đọc được nỗi bất an đang vây bủa lấy mình.  Tại sao bao năm qua ông cố đi tìm một sự an trú tạm thời trong đời sống.  Lớp sóng cũ vẫn còn gợn lăn tăn, ông lại để cho những đợt sóng mới phủ lên mình những ngọn trào vật vã.  Vì vật cản trên đường đi cần phải dọn hay vì những thách đố phù du?

Trí Hải cảm nhận như có những làn sóng vô hình từ phía người đốt than đang ngủ ngồi trên phiến đá tỏa ra.  Ông nhận ra sự yếu đuối của mình và cố co lại để che cho cái tự tính đầy quanh co và phản kháng đang bị chinh phục.  Khối lặng im của rừng núi mạnh hơn là tiếng lao xao của thế giới người nhỏ bé dưới kia. Trí Hải cảm thấy như mình nhỏ lại.  Chút kiêu hãnh nông nổi bọt bèo tan loãng. Ông líu ríu ngồi xuống để nép mình vào sự im lặng của núi rừng.  Đầu óc dày đặc những ý nghĩ về cờ, về tranh thắng, về thủ hòa mỏng dần ra. Trí Hải có cảm tưởng như hơi lạnh của rừng chiều và cơn gió rừng thu ngát mùi tràm chổi đang thổi vào những khoang trống.  Đó là không gian nội tâm vừa mới được khai thông trong dòng suy nghĩ còn vướng mắc bao nhiêu chuyện hơn thua giữa cuộc đời nầy.

Trên phiến đá, người đốt than vừa mở mắt đứng lên.  Anh ta tươi tỉnh và chẳng có vẻ gì là vừa ngủ dậy.  Anh rời chỗ ngồi, đến bới hầm than và chỉ nhặt một ít, rồi hốt bỏ vào cái bao đệm xách tay nhỏ. Anh ta nhìn trời, miệng hát nho nhỏ, không màng nhìn lại cái hầm than còn đầy do công khó anh ta làm ra, rồi xách bị than lững thững  đi về.  Bước ngang qua Trí Hải anh ta vẫn tươi cười, miệng hát nho nhỏ, thản nhiên như thể thêm sự hiện diện của một người nào đó trong khu núi rừng nầy cũng cũng chỉ  là thêm một cục đá trong vô số cục đá vô tri, hay là thêm một gốc cây trong muôn vạn gốc cây rừng sinh và diệt chằng chịt muôn năm chẳng có gì đáng để ý.

Trí Hải lên tiếng trước:

– Chào bác tiều.  Tình cờ đi ngang qua đây, tính ra mắt chào bác mà bác ngủ say quá nên tôi ngồi đây lâu rồi. Bác ngủ mà lại giống như ngồi thiền, hay thật!

Người đốt than dường như không nghe lời dạo đầu lịch sự của Trí Hải, hỏi lại:

– Thiền là cái chi?

Một câu hỏi gần như ngớ ngẩn phát ra từ một khuôn mặt có vẻ thông minh làm Trí Hải muốn bật cười, nên trả lời rằng:

– Thiền là cái trí giữ nhà và cái tâm đi ngủ!

Người đốt than gục gặc đầu:

– Đứa thức, đứa ngủ thì đứa nào quét nhà?

– Đứa thức không xả rác, đứa ngủ khỏi quét nhà.

– Đứa nào mê đứa nào tỉnh?

– Đứa nào làm tròn việc của đứa đó thì thức là thức, ngủ là ngủ, chẳng có mê hay tỉnh.

Người đốt than lại hỏi:

– Như kẻ đốt than nầy là mê hay tỉnh?

– Vừa tỉnh vừa mê.

– Sao kỳ vậy?

Trí Hải cười:

– Vì bác tiều dốt than theo kiểu nghịch đời.  Người ta đốt than là để hầm than và ủ kín cho than tắt chứ chẳng ai lại đem nước suối tưới cho than đang đượm vội tắt như bác cả.

            Người đốt than giơ hai tay lên trời cười thoải mái:

            – Cây trong rừng thì muôn hình muôn vẻ mà đốt than thì xưa nay chỉ có một cách đốt than hầm thôi à?  Người muốn than hầm, than chín; kẻ thích than tưới, than sống. Tìm một con đường riêng mà đi.  Quanh quẩn đường mòn về chỗ cũ. Ích gì!

            – Than là than mà củi là củi. Than sống mà củi chín ư? Lạ đời!

Sau câu trả lời của Trí Hải, người đốt than nói như nói một mình: “Cây cháy chưa hết ròn.  Than non.” Anh ta lẳng lặng quảy bị than lên vai và bước đi, chẳng chào người trước mặt một tiếng.

***

Gần nửa đêm Trí Hải mới về tới nhà.   Niềm an lạc và hưng phấn đến tình cờ giữa buổi chiều ngồi lặng lẽ trong cảnh đốt than giữa rừng không về cùng.  Nỗi bồn chồn vẫn theo bén gót Trí Hải.  Hình ảnh người đốt than đã gây một ấn tượng mạnh.  Anh ta có vẻ như không có tuổi và không bị dính mắc vào hiện thực bon chen của đời sống xung quanh mình.  Đêm dài trăn trở không ngủ được, Trí Hải ôn lại cảm giác ban chiều.  Người đốt than đem cái tĩnh vào trong cái động; đem thái độ an nhiên tự tại vào trong công việc vất vả của nghề đốt than; đem lối suy nghĩ giản đơn và cụ thể vào trong nếp suy nghĩ rắc rối lẫn mơ hồ thường vây bủa và làm mệt mề đời sống tri thức.  Trí Hải cứ băn khoăn tự hỏi tại sao ngồi lặng nhìn gã đốt than mà trong lòng mình lại cảm thấy bình an đến thế.

Hôm sau và hôm sau nữa, Trí Hải tìm đến chỗ bìa rừng cũ nhưng chỉ thấy bếp than lạnh lẽo nằm trơ vơ trong cảnh tịch liêu của khu rừng vào thu.

Rồi một buổi xế trưa khác, khi còn đi mon men dưới chân đồi,  lòng Trí Hải bỗng rộn lên niềm vui khi nhìn thấy làn khói đốt than quen thuộc bốc lên nơi khu rừng cũ.  Khi tới nơi, bếp than đã tàn và người đốt than đã ngồi ngủ yên trên phiến đá xanh.  Trí Hải đến gần và cũng như lần trước, ngồi xuống lặng yên sau tàn cây nhỏ đối diện với người đốt than.  Thật lạ lùng, cảm giác bình an lại đến.  Những xôn xao của nếp sống đầy hệ lụy dường như đã quyện vào mây trắng lưng chừng núi mà bay về một nơi an nghỉ nào đó mất hút cuối trời.  Khuôn mặt và dáng ngồi của người đốt than thanh thoát, an lạc và linh động như những đốm nắng lọc qua kẽ lá giữa rừng.  Khi Trí Hải đến đây một mình, khu rừng vắng bóng người tuy cũng thật phong quang và hùng vĩ nhưng vẫn thiếu mất một chút hơi ấm tỏa chiết từ trong chiều sâu của dòng sống.  Con người là linh hồn của tạo vật. Thiên nhiên thuở hồng hoang chưa có bóng người là một chuỗi bình minh và những đêm trăng buồn vô tận.  Mây và núi có yêu nhau, quấn quít với nhau thì cuối cùng cũng rời nhau lạnh lùng và nhạt thếch. Nhưng con người yêu nhau là nổi lửa giữa tâm hồn. Bởi thế, uy lực của vũ trụ không phải là sấm sét vô tình mà là ý thức khai phá và tình cảm yêu thương của loài người. Ngồi lim dim suy nghĩ, Trí Hải cảm nhận sự im lặng của khu rừng và bóng người đốt than đơn sơ trước mặt đang trò chuyện với nhau. Trí Hải không tài nào hiểu được cái “vùng an lạc” bao quanh thầy Tiều. Ngồi định tâm trong vùng an lạc đó, Trí Hải cảm nhận được sự bình yên.  Có vẻ như cảm giác bình yên chỉ nhận ra được bằng năng lực cảm thức mà ngôn ngữ là vô ngôn. Một giây an lạc thật hạnh phúc và đáng sống hơn những mảnh đời dài đầy hệ lụy.

            Người đốt than mở mắt với nụ cười thoáng rộng và vô tư khi nhìn thấy Trí Hải đã ngồi lặng lẽ ở đó từ bao giờ.  Trí Hải chào tươi tắn:

            – Chào bác tiều.  Hôm nay bác ngủ khỏe hơn hôm trước.

            Người đốt than vừa lúi húi bới hầm than, vừa giải thích:

            – Thì cũng cho chúng nó nghỉ ngơi đôi chút chứ.

            Trí Hải ngạc nhiên hỏi lại:

            – Ngoài bác tiều ra tôi có thấy ai nữa đâu mà gọi là “chúng nó?”

            Người đốt than cười cười, vừa uốn éo cái đầu, vừa dang tay, dang chân ra diễn tả:

            – Thì cái thằng đầu nầy; thằng mắt, thằng tay, thằng chân nầy…

            Trí Hải tròn mắt ngạc nhiên:

            – Đầu, mình, tay, chân… là thân thể của bác chứ có phải của ai đem ghép vào đâu mà bác lại phân biệt lạ lùng vậy?

            Ra dáng suy nghĩ, người đốt than hỏi lại:

            – Tôi hả? Tôi là đứa nào vậy? Có ai cho ai kiếp sống tạm bợ này đâu?  Cha mẹ sinh ra một mảnh hình hài. Rồi người sinh con phải nuôi con.  Ông làm ruộng, bà bán hàng, chú thợ may… họp nhau thành nhóm, thành làng, thành xã hội góp tay nuôi cho khôn lớn.  Rồi cứ xoay vần, đến lượt cái hình hài khôn lớn nầy sinh con đẻ cái, lăn lưng ra làm trả lại theo cái vòng vay vay trả trả không ngừng. Trước khi sinh ra chẳng có hình hài nầy và sau khi chết cũng chẳng còn chi lưu lại. Nhìn trong khoảnh khắc nầy dường như có bác, có tôi. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc sau không ai chắc còn có tôi hay có bác. Hì… hì… chúng nó nghỉ rồi, bây giờ chúng nó phải làm để đổi lấy miếng ăn.

            Người đốt than lại trở về với những động tác cũ.  Trí Hải hỏi với vẻ ái ngại:

            – Vì thấy bác làm nghề đốn củi, đốt than nên tôi mạo muội gọi là “bác Tiều”.  Nay đã biết nhau, xin bác cho biết quý danh để xưng hô cho tiện.

            Ông tiều xua tay:

            – Ôi thôi! Bác để ý làm chi cái danh vị, hình tướng hảo cho thêm bận lòng.  Một người, hôm nay là kẻ đốt than, mai kia là gã làm thuê, mốt nọ là đứa chèo đò, kia nữa là cái xác chết trôi… nào ai biết.  Nhìn đây nầy.  Tổ nhện xây trên tổ chim, tổ chim xây trên cành cây khô, cành cây khô là một phần của thân gỗ mục, thân gỗ mục mọc cheo leo trên ghềnh đá, cái ghềnh đá khập khiểng nầy có thể rơi xuống hố bất cứ khi nào. Thế mà con nhện vẫn thong dong đón mồi, con chim vẫn ấp trứng, nhành khô vẫn đong đưa…

            Người đốt than nói chưa hết lời, có tiếng chân thú rẽ lá đuổi nhau, đàn nai chạy qua ghềnh đá. Thấy bóng người, đàn nai chuyển hướng.  Nhưng bỗng muộn rồi, phiến đá gập ghềnh mà ông tiều vừa mới nói đã bứt ra khỏi triền núi và rơi dài xuống hố, mang theo lưới nhện, tổ chim, cành khô, thân cây gỗ mục và những con nai đang bị vùi lấp dưới đám bụi mù.

            Bóng người đốt than đã đi xa khuất dưới chân đồi.  Trí Hải vẫn chưa rời chỗ cũ.  Một bụi cây hoang sơ lại là vùng an lạc.

            Trí Hải ngồi sâu giữa bóng tối chạng vạng cho đến khi trăng lên.  Gã tiều phu và con trăng mùa thu lạnh mát trên kia có một cái gì thật giống nhau mà Trí Hải chưa thể định hình, gọi tên cho rõ mặt.  Dòng suy tư chờn vờn và lốm đốm chưa có một hình thù rõ nét như bóng trăng xuyên qua rừng cây.  Ánh trăng dát vàng trên lá, nhuộm bạc trên đất, nhưng chỉ một thoáng gió đi qua, lá không còn nguyên điểm cũ thì ánh trăng cũng không còn để lại một dấu vết gì trên lá, trên đất.  Cái gã đốn củi đốt than kia cũng thế. Gã không có một chút gì dính mắc dù chỉ là cái tên giả tạm. Gã không quan tâm tự nhận biết mình là ai. Cái đầu, cái tay, cái ý thức của chính gã đều được xem như là một tập hợp nối kết tình cờ và sẽ tan đi chẳng còn dấu vết.  Con trăng phủ nhận dấu vết của ánh trăng, cũng như gã tiều phu phủ nhận cái tôi mà ai cũng tự cho là trọng đại của mình.  Phải chăng vì thế, nên trăng mãi chiếu hoài muôn phương mà không hết sáng và gã tiều phu ngồi ngủ những giấc dài trong trong vắng lặng mà không bị thảng thốt giật mình bởi hoàn cảnh xung quanh níu kéo.

            Sự chiến thắng trước thiên nhiên là dấu hiệu tích cực của con người.  Nhưng sự chiến thắng của con người trước con người thường mang nỗi xót xa tiêu cực của sự sống còn trên hủy diệt.  Tự bản chất, chiến thắng có nghĩa là đè bẹp, loại bỏ, chôn vùi đối thủ yếu hơn. Sự vinh quang náo nức của người chiến thắng là nỗi tủi nhục ê chề của người chiến bại.  Nụ cười của kẻ được là tiếng khóc của kẻ thua. Đôi mắt trong ngần không váng vất chút mê mờ tham vọng và nụ cười vô tư của người đốt than không ngừng hiện lên trong tấm gương soi mình tưởng tượng của Trí Hải. Trận cờ thư hùng sắp đến cứ sau mỗi đêm suy nghĩ lại nhạt dần ý nghĩa ban đầu của nó. Trận cờ như một thách đố phù du. Người thua sẽ bị chôn vùi tên tuổi và sự nghiệp. Người thắng cũng sẽ bị chôn vùi trong tham vọng và kiêu căng.  Càng gần đến ngày hẹn đấu, Trí Hải càng ít quan tâm hơn.  Không còn những buổi tập trận trên bàn cờ với Phạm Xảo và các danh thủ đất thần kinh.  Trong lúc Phạm Xảo và mọi người ở phía phe nầy hay phe kia đang bị thiêu đốt vì sự nôn nóng lẫn lo lắng đang cháy ngùn ngụt về số phận của trận cờ sắp đến thì Trí Hải càng kéo dài hơn những phút ngồi tĩnh tọa trong rừng vắng.  Tâm không dính mắc với cuộc cờ nên trí cũng chẳng tư lự với giới hạn hay thế cờ của phe địch,

 phe ta.

            Chiều hôm gần tối trước ngày hẹn của trận đấu Trí Hải vẫn còn trải lòng với cỏ cây trong rừng.  Khi quảy bao than lên vai, khác với những lần trước, người đốt than đi chậm lại như có ý chờ Trí Hải cùng về.  Trí Hải bước theo.  Trên con đường rừng gập ghềnh nhá nhem tối, chẳng ai nói với ai lời nào.  Chỉ có tiếng lạo xạo khô khan của bước chân trên đường sỏi đá là tâm đắc chuyện trò không ngớt.

            Ánh đèn xóm đêm đã thấy xa xa.  Người đốt than lên tiếng trước làm vỡ sự tĩnh mịch của buổi chiều trên đường vắng:

            – Lý do nào khiến quý hữu vào rừng?

            Trí Hải trả lời thành thật:

            – Tôi muốn được yên tĩnh.

            – Bị đời khuấy động lắm sao?

            – Không hẳn thế.  Nhưng có lẽ sự khuấy động dấy lên từ trong lòng mình.

            – Thất tình, thất bại, thất sủng?

            – Chẳng vướng “thất” nào cả.

            – Vào rừng được gì?

            – Được cái trống không.

            – Cho ai?

            – Cho một cuộc cờ sắp đến.

            – Hiểu rồi!

            Cuộc đối thoại thân tình nhưng nhấm nhẳn giữa hai người bỗng rơi vào lặng im.  Lời nói không luôn luôn là phương tiện tốt nhất để chuyên chở ý nghĩ làm cho người ta hiểu nhau rõ hơn.

            Qua bến đò khi sắp chia tay, người đốt than đột ngột hô lên:

– Pháo 2 bình 5! Đi… !

            Trí Hải phản ứng một cách ngỡ ngàng:

            – Bác tiều cũng biết đánh cờ mù sao?

            – Mời đi!

            Sự thôi thúc như ra lệnh của người đốt than khiến Trí Hải phản ứng theo quán tính:

            – Mã 8 tiến 7.

            – Mã 2 tiến 3.

– Xe 9 bình 8.

– Xe 1 bình 2.

– Tốt 7 tiến 1.

– Chỉ đến thế thôi à?

– ?!

– Bị dính chặt với những thế cờ đã cũ thì có khác gì mượn cánh vịt đồng mà đòi bay vào vùng trời Đâu Suất!

Sau câu nói của người đốt than, hai người lại im lặng đi cho đến khi về đến khu đồng bằng dân cư. Trí Hải hỏi:

– Làm sao để tiến xa hơn?

– Tìm cái mới!

– Cái mới từ đâu?

– Từ trong cái cũ nhưng thoát ly cái cũ.

– Bằng cách nào?

– Đừng dính mắc!

Hai người lặng lẽ chia tay không một lời chào từ biệt. Cái giao tình bên ngoài có vẻ nhạt thếch.  Quân tử chi giao đạm nhược thủy…

            Trí Hải về dinh ngủ một giấc say sưa cho đến khi có tiếng gà gáy sáng.  Lại tiếng gà tỉnh thức giữa dòng định mệnh trôi theo đường xuôi nẻo ngược.  Trí Hải lẩm bẩm trong đêm vắng một mình: “Đừng dính mắc!”  Ánh trăng chiếu muôn phương, tiếng gà vang xa khắp nẻo vì không bị vướng vào giới hạn giữa ta với người; không dính mắc vào những sản phẩm của tạo hóa bày ra đã cũ. Rồi trong dòng suy tưởng, cả 32 quân cờ xao xác tìm nhau. Không có bên này Sở hà, bên kia Hán giới. Không có bên nầy pháo quá giang, xa tuẩn hà; bên kia bình phong mã, đấm tốt, bình pháo đổi xe.  Những thế cờ đối công phản kích dính chùm giữa cuộc binh đao không lối thoát phải được hóa giải để đi tìm một con đường mới. Những quân cờ phải ra trận, phải đấu nhau như bánh xe phải lăn trên đường cái là chuyện tất nhiên. Không ai sắm những quân cờ để làm hoa trang trí cả.  Nhưng quân cờ phải đi theo đường bay tâm trí của hai đối thủ quyết đấu sống chết đang ở giữa cuộc cờ.  Làm sao “đừng dính mắc” giữa hai gọng kềm đối kháng mới chính là xương sống của hồi chung cục mà Trí Hải đang miên man nghĩ đến cho một cuộc cờ trước mắt.

            Hàn Kỳ Vương ra quân trăm trận trăm thắng.  Nhưng tất cả đều diễn ra trong những cuộc cờ dính mắc. Trí Hải chỉ có thể tạo thế phản công có hiệu quả khi đừng dính mắc. Trí Hải hình dung dáng vẻ thầy Tiều trên phiến đá.  Một hiện thân của an lạc, xả bỏ và nhu hòa với ta ngoài tương quan cuộc đời và tất cả ở trong ta.

Tu Bụi

Truyện dài

Bài viết liên quan