CHƯƠNG SÁU-Một Cuộc Cờ

Trời chưa sáng hẳn, Phạm Xảo mang trà vào cho Trí Hải.  Thói quen pha trà buổi sáng vẫn không có gì thay đổi.  Chỉ khác một Phạm Xảo trong vai người lão bộc pha trà cho chủ thì giờ đây hai người đối ẩm.  Khác với mọi ngày, hôm nay Phạm Xảo mặc đồ chàm quần ngắn ống, áo ngắn tay của con nhà võ. Râu cạo nhẵn nhụi, tóc búi gọn được nhuộm màu tiêu muối nên trông trẻ trung và oai nghi như một vệ sĩ xế tuổi trung niên. Trí Hải nhìn Phạm Xảo, bình luận một cách thú vị:

            – Trẻ trung và oai vệ thế này thì  e “huynh” sẽ biến thành “đệ” mất thôi!

            Phạm Xảo nói một cách nghiêm trọng:

            – Hàn Kỳ Vương đã biến ngày đấu cờ thành một ngày hội lớn. Giới phú thương người Hoa từ Bắc chí Nam đã chung góp tiền bạc để ủng hộ cho phe nhà của họ. Tất cả đều sẵn sàng để mở đại tiệc ăn mừng thắng trận không một mảy may nghi ngờ tại Thái ấp này.  Trong lúc phía bên kia dốc hết sức người, sức của lo cho trận đấu, thì bên ta chỉ có người nườm nượp đi xem. Tôi phải ở sát cạnh hoàng thân để bảo vệ.

Uống xong ba bốn tuần trà trong sự lặng im từ khi có mùi hoa ngọc lan tỏa hương mai. Nắng đã lên cao.  Mặt trời sẽ gác bên kia đầu núi và chiều về.  Giờ quyết đấu điểm.

Trí Hải ái ngại nhìn Phạm Xảo.  Sự đợi chờ căng thẳng làm cho những đường gân trên trán, trên mặt… viên lão tướng muốn bứt ra thành suối, thành dòng, thành tiếng nói.  Phạm Xảo ngạc nhiên đến sững sờ nhìn Trí Hải vẫn với tập Đường Thi trên tay với dáng vẻ thản nhiên và tươi cười như đã quên trận thư hùng sống mái đang đợi.  Thơ phú ích gì cho buổi ấy.

Hai bên bờ sông Hương người đi như hội.  Người ta cố lấn ra gần gần bờ, nơi có bốn chiếc đò đại bản kết thành bè trên sông. Ít người đi xem biết Trí Hải là ai, nhưng chỉ biết là “người đó phe ta” thôi thì cũng đủ cho lửa nhiệt tình bốc cháy.  Người ta la hét, xô đẩy nhau, chạy rần rần bao vây cả một vùng bến sông khi Trí Hải và Phạm Xảo xuống đò ngang để lên bè nổi neo giữa sông. Người cầm tay Trí Hải sau cùng trước khi đò rời bến là Lê Trung Ẩn, thủ lãnh sĩ phu Bắc Hà và cũng là đương kim thượng thư bộ Hình trong lục bộ của triều đình. Lê Trung Ẩn ngỏ lời, không ai rõ là hỏi hay dặn:

– Có cần giăng lưới trên sông Hương không?

Trí Hải chỉ thoáng cười, nhìn rất sâu vào mắt người đối diện mà không nói gì. Thuyền rời bến trong tiếng reo hò, cổ vũ của biển người đứng hai bên bờ.

Bốn chiếc thuyền lớn kết lại thành một hòn cù lao nhỏ và được neo cẩn thận trên sông. Trời không mưa nhưng mây mù u ám và nước bạc trên sông cuồn cuộn chảy. Cả một vùng được trang hoàng rực rỡ.  Nền thuyền trải thảm Ba Tư với màu sắc được tuyển chọn khéo léo.  Khung thuyền treo đèn lồng mỹ thuật. Mui thuyền phủ gấm Thượng Hải ngũ sắc.  Ngay chính giữa, trên chiếc bàn gỗ mun đen tuyền bóng loáng, bàn cờ và quân cờ đã sắp sẵn nhưng tất cả đều được phủ kín dưới một lớp gấm đỏ thêu hoa văn màu hoàng kim lóng lánh.

Trong trận “đại kỳ quyết đấu” nầy sẽ không theo mô thức đấu cờ thông thường là có tổng số ván cờ theo số chẵn như hai, bốn, sáu… mà toàn bộ cuộc đấu sẽ có 3 ván cờ.  Nếu cả 3 ván đều hòa thì trận đấu sẽ tiếp diễn cho đến khi có một bên thắng. Trận cờ sẽ được diễn ra theo một luật lệ khắt khe về nhiều mặt.

Luật thời gian.

Một ngày và một đêm tính từ nửa đêm, giờ Tý đến buổi trưa giờ Ngọ ngày hôm sau.  Đêm có 5 canh, ngày có 6 khắc.  Mỗi khắc dài bằng một vạn tiểu khắc.  Tiếng chuông báo hiệu thời gian cho ván cờ và tiếng khánh báo hiệu thời gian cho nước  cờ.

Mỗi nước cờ không được kéo dài 100 tiểu khắc.  Mỗi khắc được đếm bằng một giọt nước đỏ từ một bình cao rơi xuống một bình thấp.  Người quản lý thời khắc phải đếm công khai. Sẽ có một tiếng khánh vàng đánh lên báo hiệu giữa giờ khi nước giọt đến khắc thứ 50, hai tiếng đánh lên đến khắc thứ 90 và ba tiếng báo hiệu hết giờ.  Người suy nghĩ quá giờ không được quyền đi tiếp và phải nhường cho phía đối thủ.

Luật xử hòa.

Ván cờ sẽ đương nhiên coi như  được xử hòa trong ba trường hợp sau:

– Luật về số nước đi: Khi tổng số nước đi của ván cờ là 200.

– Luật về nước đi có tác dụng: Không kể những nước đuổi và chiếu cũng như những nước để đối phó với những nước đuổi và chiếu, tổng số nước đi là 100.

– Luật về nước đi có tiến triển: Khi tổng số nước đi kể từ lần cuối cùng ván cờ có tiến triển là 20.  Điều kiện được coi là ván cờ có tiến triển khi hoặc là có quân bị bắt hay tốt đã sang sông tiến lên một bước.

Luật công bình.

Chiếu dai và đuổi dai là vi lệ.  Phía vi lệ sẽ bị xử thua.   Nếu một bên vi lệ chiếu dai và bên kia vi lệ đuổi dai thì bên chiếu dai sẽ bị xử thua.  Khái niệm về “dai” được minh định là chiếu hoặc đuổi quá 5 nước liên tục với 1 quân cờ, 10 nước liên tục với 2 quân cờ và 15 nước liên tục với 3 quân cờ.

– Chiếu liên tục đối phương bằng một hay nhiều quân cờ của mình là vi lệ.

Ban hành luật có 5 vị, người đứng đầu là chưởng kỳ.  Ban giám khảo có 5 vị, người đứng đầu là chủ khảo. Ngoài ra ban hộ kỳ cũng có 6 người. Hai người có nhiệm vụ ghi chép trên văn bản và 2 nữ, 2 nam có giọng tốt đại diện cho mỗi bên có nhiệm vụ hô to lên công khai ngay sau khi mỗi quân cờ được di chuyển để xác định dứt điểm một nước đi, đồng thời công bố cho kỳ chúng, là những người đang theo dõi trận đấu, biết được diễn tiến của trận cờ.

Hàn gia đã bày biện bao nhiêu hình thức biểu diễn và trang trí cho cuộc đấu cờ.  Đây không chỉ là cuộc đấu cờ tay đôi giữa Trí Hải và Hàn Kỳ Vương mà còn mang một ý nghĩa xa hơn là cuộc đấu trí giữa hai nước chư hầu và thống lĩnh.  Bộ cờ tinh huyết thạch của Hàn gia phải tồn tại và mục đích cuối cùng phải đạt được,  cho dù phải lòn trôn hay thí quân huyết chiến với địch thủ như thủy tổ Hàn Tín năm xưa.

***

Trận cờ khai diễn với những thủ tục trình diễn rườm rà chưa từng thấy.  Nhưng rồi cuối cùng vị chưởng kỳ với khăn chít áo dài cũng tới hồi trang trọng hai tay nâng lớp gấm điều bọc bàn cờ gia bảo của Hàn gia.  Mọi người như cùng “ồ” lên một tiếng để tán dương vẻ đẹp rực rỡ của bàn cờ.  Mỗi quân cờ quả là một tác phẩm kỳ tú của thiên nhiên và con người.  Đá tinh huyết chỗ trong như pha lê, chỗ trắng ngần, chỗ đen thẳm, chỗ lóng lánh như trân châu mã nảo.  Nhưng tuyệt tác hơn tất cả là những đường gân đỏ thắm như máu đào chạy quanh.  Những đường gân đỏ linh động biến hiện lung linh như đang sống, đang trổ nhánh, nẩy mầm.  Vẻ đẹp mê hồn của loài đá tinh huyết làm cho lớp lớp đèn lồng ngũ sắc và màn trướng trang trí lộng lẫy mờ nhạt hẳn đi sau một màn sương cảm giác.

Từ khi được trao bộ cờ gia bảo, Hàn Kỳ Vương có một niềm tin mạnh mẽ rằng, với một hình thức lễ nghi mở màn trận đấu đầy tính kỳ bí của tôn giáo và đặc biệt là vẻ thu hút mê hồn của bộ cờ, phía đấu thủ khách đã bị lung lạc tinh thần và bị chinh phục từ phút đầu tiên.

Đối mặt với Trí Hải trên bàn cờ lần này, Hàn Kỳ Vương cảm thấy niềm tự tin từ bao lâu nay của mình bị dao động mạnh.  Vương quen chờ đợi một đối thủ xốc nổi, ồn ào hay thâm trầm, kín đáo;  có khi là một đối thủ mưu lược, nguy hiểm.  Nhưng chưa bao giờ Vương gặp một đối thủ thản nhiên gần như vô tâm trong giây phút mở đầu như thế. Vẻ mặt bình thản và phong thái trầm tĩnh của Trí Hải trong giây phút cực kỳ nghiêm trọng nầy khó ai lường được những gì đang chất chứa sau lớp chắn bên ngoài. Trí Hải ngồi nhìn bàn cờ với cái trí của một đấu thủ đã sẵn sàng nhưng với cái tâm của một gã lang thang bên cạnh người đốt than trong rừng.  “Đừng dính mắc!” lời nhắn vói sau cùng của gã tiều phu vẫn đang vang vọng trong tâm trí của Trí Hải. Không dính mắc với quá khứ, hiện tại và tương lai.  Không dính mắc giữa ta và người. Không dính mắc với thua và được.

Khi người chưởng kỳ lên tiếng thông báo thủ tục bốc thăm tranh nước đi tiên.  Trí Hải ngỏ lời mời Hàn Kỳ Vương đi trước. Trong một ván cờ quyết đấu của các danh thủ xưa nay, người đi trước vừa có ưu thế khống chế cuộc cờ vì nhanh hơn một nước, vừa có cơ hội triển khai chiến thuật tấn công thần tốc ngay từ hồi khai cục. Bởi thế, quan điểm “tiên hạ thủ vi cường” thường được áp dụng triệt để trong cờ tướng để “tranh tiên”.  Tranh tiên là giành trước một nước cờ.  Tranh tiên là chiến lược sinh tử của phép tiến công.  Nếu phải đi sau thì phải giành cho được “bình tiên”, nghĩa là phải rán giữ cho được thế ngang ngửa, ngang nhau.  Các nhà chiến lược tranh cờ  gọi là “diệu thủ tranh tiên” vì tranh tiên có nhiều mưu kế, thủ đoạn:  Phối hợp để bắt quân địch. Thí quân để tranh cho được thế.  Có khi phải tàn sát quân phòng ngự để xâm nhập vào bản doanh bắt tướng… chiến thuật và chiến lược biến ảo khó lường với những chiêu thức tuyệt diệu.  Thế nhưng Trí Hải lại không một mảy may quan tâm đến thế tranh tiên.

Ba hồi trống lệnh cáo với Trời; chín tiếng chiêng đồng tạ với đất.  Phường bát âm nổi lên trong giây lát rồi im bặt. Có tiếng hô của chưởng kỳ: “Xuất quân!”  Trận cờ bắt đầu. Hàn Kỳ Vương run run đặt tay lên quân cờ gia bảo mà suốt năm qua không tìm ra đối thủ để hành quân. Kỳ Vương nhìn trời lâm râm khấn vái, hít một hơi dài để thu hết tinh lực sông núi làm sức mạnh, nhíu mày chú mục, mím chặt môi đầy quyết đoán để đi quân cờ khai cục.  Có giọng nam của hai hộ kỳ phía Hàn Kỳ Vương hô lên đĩnh đạc:

– Pháo 2 bình 5.

Một vài giây im lặng đợi chờ và giọng nữ hộ kỳ phía Trí Hải lại vang lên lảnh lót:

– Mã 8 tấn 7.

Giọng nam lại vang lên hầu như tức khắc:

– Mã 2 tấn 3.

Nữ:

– Xa 9 bình 8.

Nam:

– Xa 1 bình 2…

Hàn Kỳ Vương thủ lợi việc đi trước, vận dụng khai cục loại hình tấn công gấp, tức là pháo đầu liên hoàn kẹp mã trực xa và hoành xa.

Trí Hải đã nhìn thấy rõ chiến thuật tiến công của Kỳ Vương đến nước thứ 10 là phải dàn cho được kiểu trận Pháo đầu liên hoàn kẹp Mã. Hàn Kỳ Vương cố lèo lái cho toàn bộ cục diện đi vào bài bản của trận địa đã dàn ra như xông tốt đầu, tiến xe đè mã, nhảy mã đánh tượng, chuyển pháo thúc sát, phát huy cao độ uy lực hùng hậu của pháo đầu liên hoàn kẹp mã…

“Hỏng!”

Dư âm giọng nói đầy kiêu bạt của gã đốt than và cuộc đối thọai trong chiều chia tay lại vang lên: “Làm sao để khỏi hỏng? Tìm cái mới!  Cái mới từ đâu?  Từ trong cái cũ nhưng thoát ly cái cũ.  Bằng cách nào?  Đừng dính mắc!”

“Đừng dính mắc!”  Kiếp người đã bị dính mắc và nhắm mắt từ trong bào thai cho đến khi nhắm mắt lần cuối cùng cũng vẫn còn bị dính mắc.  Tiếng nói xa xăm lại cuốn hút hồn Trí Hải.  Đến nước thứ năm, Trí Hải ngồi trơ như cái xác. Tiếng khánh báo hiệu giữa giờ, 50 khắc đã trôi qua, 50 giọt nước đỏ nhắc nhở Trí Hải phải tức khắc trở về với thực tại.  Một chút chao động trong lúc nầy cũng đủ làm lạnh cả linh hồn.  Hàn Kỳ Vương hơi băn khoăn nhìn Trí Hải thương hại.  Đã có bao nhiêu đấu thủ lạc hồn, bạt vía, hay ngất xỉu trước khi ván cờ kết thúc.  Lẽ nào một Trí Hải nổi danh của đất thần kinh lại yếu đuối đến thế sao?

Hai tiếng khánh báo hiệu 90 khắc trôi qua.  Trí Hải bỗng sực tĩnh.  Chỉ còn mười giọt nữa.  Nhỏ xuống đi, ơi những giọt thời gian yêu dấu chết người!

Một giọt nữa. Giọt 91. Trí Hải cảm thấy cả tâm trí của mình đều bùng vỡ.  Một giọt nữa.  Giọt 92. Trí Hải thấy rõ cả khối suy tưởng của mình bứt hết biên cương và mở dài ra tới cõi mênh mông.  Một giọt nữa. Giọt 93.  Cả bàn cờ trước mắt hiện ra đầy sinh động như có cả vạn cuộc đời thu nhỏ lại giữa biển không gian và thời gian thành thau nước lạnh… Giọt 95 Trí Hải trở về ngay với thực tại và cấp tốc điều quân. Chỉ một đôi nước cờ biến ảo làm thay đổi thế cờ nhanh chóng.  Có những lúc Trí Hải mở lối cho những quân cờ tấn thối một cách đơn giản gần như bâng quơ.  Hàn Kỳ Vương kinh hoảng nhìn vào mắt Trí Hải nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì khác thường cả, nhưng tại sao lại đi một nước cờ rồi tiếp nối những nước cờ quá lạ lùng như thế.  Ngớ ngẩn thì không hẳn mà tuyệt chiêu lại càng vô lý.  Càng phản ứng, Hàn Kỳ Vương càng nao núng. Những tượng hùng, pháo tống, xe xuyên, mã tốc… đều như trốn biệt hay rình rập đâu đây để tung những đòn chí mạng. Trí Hải di chuyển những quân cờ theo một cách thế mà xưa nay trong các danh thư kỳ phổ chưa từng nghe nói đến.

Không bị giới hạn tầm mắt bởi biên giới của rào dậu bên nầy và hào lũy bên kia, cái nhìn của Trí Hải thoáng đạt và dàn trãi đến vô cùng. Khi tâm thức không còn bị đè nặng và buộc chặt vào những hệ lụy của bảng thang giá trị lẫn trong rêu mốc vì đã quá cũ càng, tầm nhìn sẽ bay cao ngoài bốn cõi.  Lúc đó sẽ như người đứng trên chóp núi Kim Phụng nhìn về đồng bằng kéo dài tận biển.  Những ao hồ, sông rạch, cây cối, nhà cửa , đền đài, lăng miếu… hiện ra rõ nét giống bức họa đồ thu gọn trong tầm mắt.  Có những quân cờ ở một vị thế vừa ẩn vừa hiện của một con hươu sao khôn ngoan nấp sau triền đá dốc.  Vị thế để tự vệ, sống còn và qui ẩn trong cuộc đời thường sẽ tương đương với những vị thế chiến lược trên bàn cờ.  Với cái tâm rỗng lặng và cái trí mênh mông, Trí Hải có được cái nhìn trí tuệ thiên thâu qua cuộc cờ đang diễn ra trước mắt.  Trí Hải như đang đồng cảm và giao hòa với những quân cờ “sống” của cả hai phía.

Hàn Kỳ Vương quả thật là không hổ danh với vị trí “kỳ vương” mà người đời trao tặng.  Một nước đi có hơn mười “nước biến” theo sau.  Nhưng chiến lược tấn công thần tốc mang tính đối công quyết liệt của Hàn Kỳ Vương chưa vào đến trung cuộc đã từ từ chững lại.  Tài ba quán chúng đầy uy vũ của Kỳ Vương dựa vào một chuỗi phản ứng có điều kiện.  Chiến thuật của Trí Hải là “vô môn quan”, dựa vào tinh thần hóa giải để đỡ những đòn sấm sét làm cho đối phương như đánh vào khoảng không. Sức tấn công càng hung hãn, sự hụt hẫng càng quay cuồng chóng mặt.  Vẻ yên ắng trên bề mặt “tịnh nhi bất thối, động nhi bất tấn” tạo một phản ứng ngược cho những đòn vọng động.

Hàn Kỳ Vương thuộc lòng châm ngôn của nghệ thuật đấu cờ là: Nhìn và đợi.  Nhìn diễn biến của trận thế và đợi sơ hở của đối phương để chớp thời cơ tiến công tranh thắng.  Địch lùi ta truy đuổi.  Thành trì phòng ngự chưa kín ta thúc quân vây hãm. Địch bị vây bó tay ta tung hoành xung trận. Trong binh thư của Tôn Tử có nhấn mạnh:  “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng;  biết mình mà không biết người, một thắng một bại; không biết mình cũng chẳng biết người, trăm trận trăm bại.” Hàn Kỳ Vương bó tay không biết Trí Hải đang đi chiêu thức gì mà ông ta hoàn toàn không hiểu được. Và sự hoang mang đột biến cũng làm cho Kỳ Vương không hiểu mình là ai và có được khả năng gì để ứng phó với một tình huống quá mới mẻ như vậy.

Đi cờ mà bị động cũng như người xiếc đu dây:  Lắc lư, chao đảo, bất định.  Cả trăm lần thành công nhưng sự sẩy chân thất bại đột biến lại có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.  Đến nước thứ 32 của ván cờ đầu, Hàn Kỳ Vương ngồi yên bất động.  Một chiến trường vang rền xe ngựa biến đâu mất.  Cảnh tên bay đạn lạc chỉ còn gió lạnh trên sông.  Chốn gió tanh mưa máu lãng đãng mây mù.  Trí Hải đi thêm một nước nữa.  Hai đối thủ ngước lên nhìn nhau.  Hàn Kỳ Vương tròn mắt nhìn sửng Trí Hải.  Cờ hết nước. Một ván cờ hoà!

Ván cờ thứ hai, Trí Hải đi tiên.  Hàn Kỳ Vương và mọi người nín thở chờ đợi.  Những danh thủ cờ tướng xưa nay vẫn dùng chiến thuật khai cục thuộc ba loại hình phổ biến nhất:  Loại hình tiến công, loại hình phòng thủ và loại hình đối công. Các kỳ thủ cao cấp vận dụng chiến thuật khai cục thường nắm vững yếu lĩnh và thông triệt tổng quan chiến lược của cả ván cờ.  Nước tiên giành được trong hồi khai cục sẽ được duy trì và phát huy đến trung cục, tàn cục và tiếp diễn cho đến thắng lợi sau cùng.

Trí Hải xuất quân theo một thế trận hoàn toàn mới mẻ.  Ông mở rộng cửa thành nghênh đón quân của Hàn Kỳ Vương lẫm liệt tiến vào tấn công như vũ bão. Bằng những nước đi công, thủ tế nhị, tính toán kềm hãm và giữ chân để đưa quân của địch vào trùng vây mà không hung hãn tiêu diệt với sự khéo léo tuyệt diệu của thế bảo quân, trữ lực trong binh pháp “dẫn mà không phát, tích trữ sức lực để động mà không động”.  Đến nước thứ 32.  Lại số 32!  Hàn Kỳ Vương chững lại.  Một tình huống chung cuộc hoàn toàn giống ván cờ thứ nhất lập lại:

“Một chiến trường vang rền xe ngựa biến đâu mất.  Cảnh tên bay đạn lạc chỉ còn gió lạnh trên sông.  Chốn gió tanh mưa máu lãng đãng mây mù…” Hàn Kỳ Vương dốc toàn lực tiến công. Các chiến thuật nghi binh, chọc sườn, bọc hậu, xung kích trực diện… đều được tận dụng, nhưng thành quách và quân sĩ của Trí Hải vẫn an trú trong vị trí của mình, chỉ phản công khi tối cần thiết. Trung cuộc, sức tiến công của Hàn Kỳ Vương chững lại, rồi đứng yên.  Cờ không còn nước.  Lại thêm một ván cờ hoà!

Tiếng reo hò cuồng nhiệt của phe Hoa kiều và phe người Việt chen chân bên bờ, trên bến, dưới thuyền từ từ im bặt với kết quả hai ván cờ hòa đã đi qua.

Khi ván cờ thứ ba và cũng là ván cờ quyết định sau cùng khai cuộc thì sự khích động của quần chúng lại cuồng lên.  Người ở xa, ao ước được nhìn tận mắt nét cảm xúc trên mỗi khuôn mặt của hai đại kiện tướng trong giây phút cập kỳ bên bờ vực.  Thế nhưng người ở gần lại thất vọng và lấy làm lạ khi nhìn Trí Hải với vẻ mặt thản nhiên và lặng lẽ chẳng khác gì ngày thường khi uống một ly trà buổi sáng.  Cuộc cờ trước mắt không đủ bề thế chinh phục để lay động người đàn ông nầy hay ông ta là hiện thân cho sự trơ vơ của một hòn đá núi vững chãi.  Mưa bão vô thường dập vùi trên đá đến và đi không lưu dấu vết.  Hàn Kỳ Vương cũng cố giữ bản lĩnh thao lược của mình với khuôn mặt nghiêm trọng, trầm tĩnh, nhưng những đường gân trên tay, trên mặt căng phồng; những đường nhăn trên trán loang loáng mồ hôi phản chiếu qua ánh đèn màu trong gió lạnh cuối mùa thu là tấm gương chiếu rọi cái tâm đang dấy động.  Hai ván cờ hòa với những thế cờ kỳ lạ đến độ nghịch lý của Trí Hải làm Kỳ Vương nao núng và bồn chồn khi ra quân khai cục cho ván cờ định mệnh cuối cùng nầy.  Hàn Kỳ Vương thừa tinh tế để nhận thấy Trí Hải đã làm chủ tình thế trong cả hai ván cờ hòa. Trí Hải như đã nắm hết nội tình và lộ trình chuyển quân của cả đôi bên, có thể triệt đường, chắn lối đối phương bất cứ khi nào muốn, nhưng vẫn đóng vai của kẻ đứng ngoài.

Ván cờ chót không diễn ra quyết liệt và gay cấn như mọi người ước đoán.  Kỳ thủ mỗi bên đều lắng sâu vào vùng chiến lược của mình.  Đêm xuống chỉ còn ánh đèn ngũ sắc.  Những quân cờ càng rực lên ánh sáng chói lòa.  Mỗi mảnh sáng có một điệu múa lân tinh riêng làm cho người không quen chóng mặt.  Hàn Kỳ Vương vui sướng cảm tạ hồng ân của dòng dõi Hàn gia đã gìn giữ được bộ cờ gia bảo có một không hai trên trần gian nầy.  Trí Hải đăm đăm nhìn những quân cờ “lên nước”. Những màu sắc huy hoàng dữ dội của đội “kỳ quân” chinh phục nầy nhắc Trí Hải nhớ đến những chuyến viếng thăm đấu trường La Mã ở nước Ý Đại Lợi trong những năm theo hoàng tử Cảnh ở Âu Châu.  Sự tàn bạo ẩn mặt dưới màu sắc và danh nghĩa từ Đông sang Tây đều độc ác như nhau. Những lưỡi kiếm bọc trong bao ngà và những cuộc chém giết có nghi thức thường dùng xương máu và mạng sống của con người không quan trọng hơn những nhánh hoa trang trí.  Bộ cờ tinh huyết thạch của Hàn gia đã tạo ra biết bao nhiêu đau đớn, tủi nhục và oan khiên cho những kẻ chiến bại trong suốt cả chiều dài lịch sử chinh phục của nó.  Dù chỉ là một phương tiện, nhưng làm gì có phương tiện nhân ái để đạt đến một cứu cánh tiêu diệt địch thủ.  Có vó ngựa Mông Cổ nào mà không dày xéo lên thân phận của con người trên đường chinh phục. Trước mắt Trí Hải, những quân cờ bóng lộn là những con yêu tinh dùng bã phù hoa để hãm hại con người.  Làm chủ bộ cờ là làm chủ động yêu tinh.  Bộ cờ hiện ra như một sự thách đố của tội ác. Dù ai làm chủ đi nữa thì bản chất của tội ác cũng không thể cải hóa thành thánh thiện được. Với Trí Hải, thắng hay thua trong cuộc cờ nầy không còn là vấn đề then chốt, mà vấn đề then chốt là phải bẻ gãy phương tiện của tội ác trước đã.

Hàn Kỳ Vương quan sát và thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy vẻ mặt khoan hòa của Trí Hải từ từ đanh lại.  Trí Hải mở miệng.  Mọi người ngạc nhiên chăm chú theo dõi vì người nầy chưa mở miệng trong gần suốt cả ba ván cờ:

– Dù ta có chấp Hàn gia một ngựa thì chắc chắn chín nước nữa ta cũng sẽ thắng và đương nhiên làm chủ bộ cờ nầy!

Giọng Trí Hải trầm xuống như nói một lời nguyện trên sông:

– Đáng vứt đi, đồ vô dụng!

Hàn Kỳ Vương hét lên thất thanh:

– Đư…ừ…ng!

Nhưng đã muộn. Trí Hải đã vung tay cầm quân mã ném tung ra ngoài dòng sông Hương với nước nguồn đầu mùa đục ngầu đang cuồn cuộn chảy.

Sự nhốn nháo lên tới cực điểm. Nhóm vệ sĩ của Hàn Kỳ Vương đứng vây quanh bàn cờ. Nhóm chưởng kỳ, hộ kỳ, giám kỳ rời chỗ. Nhưng bỗng đâu có tiết thét lanh lảnh vang lên làm mọi người chững lại.  Đó là tiếng Phạm Xảo:

– Đứng yên!

  Tất cả vốn liếng hơi sức của một đời khổ luyện và làm tướng dồn tụ cả lại trong phút nầy. Ông lão cầm cây chèo bằng gỗ kiền kiền và bẻ gãy làm ba mảnh.  Ông cầm mảnh lưỡi chèo dài ngoẵng loáng nước như thủ đại đao trong tay. Dáng cao lớn, sức lực công phá ghê hồn và giọng nói đầy trấn áp làm mọi người bị chế ngự một cách tự nhiên.

Một phản ứng cấp thời bất ngờ đến từ Hàn Kỳ Vương.  Vương đứng dậy, râu tóc bạt gió như dựng ngược cả lên, tiếng la vang rền mà gần như nghẹn lại trong cổ họng:

– Được!  Rồi đây nếu cần…!  Nếu cần phải tát cạn sông Hương, mò biển Nam Hải để tìm lại cho ra con cờ đã mất cũng phải làm. Ha! Ha…!  Bộ cờ tinh huyết thạch quý nhưng danh giá dòng họ nhà ta còn quý gấp vạn lần hơn thế!  Danh dự sẽ được xác định công minh ngay trên bàn cờ. Đánh!  Nào!  Đến phiên hoàng thân! Đi… đi tiếp!

Trí Hải đã đánh trúng “điểm tử” của Hàn Kỳ Vương.

Thủ pháp ra quân trên bàn cờ là một sự phối hợp hài hòa giữa tâm và trí. Tâm loạn kéo theo trí đoản.  Những nước cờ lúc tấn kích điên cuồng, lúc sững sờ chới với, chứng tỏ Kỳ Vương đang sống qua những giây phút ngập ngụa giữa trăm ngàn thác loạn.

Đến nước thứ tám sau vụ “chấp mã”, Trí Hải báo động bằng một giọng bình thản:

– Xin Hàn gia cẩn thận, chỉ còn một nước nữa thôi là ván cờ kết thúc.

Hàn Kỳ Vương quay quắt như ngồi trên lửa. Cờ đối phương dàn quân trùng trùng không có khe hở.  Tiếng khánh báo hiệu sắp hết giờ cuối nước về phía Hàn Kỳ Vương lại vang lên.  Cố vươn bàn tay run rẩy đi một nước cuối cùng trong tuyệt vọng, Hàn Kỳ Vương nói bàng hoàng như trong mơ:

– Ho…ò…a?!

Trí Hải lịch thiệp nhưng cương quyết và lạnh lùng:

– Trước sau đều bị bao vây, bốn mặt đều đối đầu với địch, lấy gì để hòa?!

Hàn Kỳ Vương ngớ người nhìn sâu vào thế cờ của mình đang bị chiếu tướng với trùng vây khóa chặt. Một nước thoát cũng không còn, viện binh cắt đứt, quân của Trí Hải siết chặt  gọng kềm  công thành đả tướng. Hết! Hàn Kỳ Vương điên cuồng trong chiến bại, đấm tay vào ngực, gục đầu lên bàn cờ, rồi đội bàn cờ lên đầu, những quân cờ rơi lảnh cảnh.  Vương nói lầm bầm mà nghe như tiếng rên xiết: “Cúc cung muôn lạy Hàn gia tiên tổ xin rủ lòng nhân tha tội.  Kẻ hậu duệ nầy bất tài, bạc đức đã không giữ nổi bộ cờ gia bảo. Thật đáng tội chết…” Rồi một thoáng qua trong nháy mắt, Hàn Kỳ Vương ôm bàn cờ lao xuống sông.  Nước nguồn đêm tối đen ngòm, cuồn cuộn chảy xuôi về biển.  Có tiếng người phóng theo trước khi tiếng la hét thất thanh nổi lên. Riêng đám vệ sĩ của Kỳ Vương vẫn còn đủ mặt.  Cả dòng sông nước lũ ầm ầm thôi thúc, dòng chảy cuồng lãng vẫn ngậm miệng phăng phăng trôi đi trong đêm tối.

Điểm lại, có hai người bị nước cuốn đi.  Một tự trầm mình và một bị mất tích lúc nào không ai hay, đó là Hàn Kỳ Vương và Phạm Xảo.

***

Sau cuộc “binh đao”, người chiến thắng ngồi bên bờ sông trong bóng tối dưới cơn mưa xối xả đầu mùa.  Mất bạn, mất thù, mất luôn tiếng gọi thôi thúc giục giã đi tới, Trí Hải đội mưa chờ tin Phạm Xảo.

Đám đông vô danh ẩn mình trốn mưa trong bóng tối tản dần. Đám đông theo dõi cuộc cờ bên bờ sông cảm thấy mình đã tham gia vào trận cờ “lịch sử.”  Rất nhiều người chưa hề biết mặt Hàn Kỳ Vương hay Trí Hải là ai lại thao thao bình luận cuộc cờ trong trí tưởng của họ.  Lịch sử của trận cờ sẽ được viết lại theo những “chứng nhân lịch sử” bên bờ sông mà biết đâu sau nầy đọc lại, Trí Hải sẽ ngạc nhiên về những việc của ai mà lại có tên mình.

Trên đỉnh núi cao nhất mà bao người đã bỏ mạng vì cố leo lên cho được cũng chỉ có mây bay và gió thổi.  Ảo ảnh cỏ trên đồi phía bên kia bao giờ cũng xanh hơn cỏ bên đồi nầy là một bi hài kịch của đời sống.  Bi kịch về sự chối bỏ một thực tại trong tầm tay để đuổi theo một thiên đường hoang tưởng. Bi hài kịch tự nó chỉ là sản phẩm tự nhiên của hoàn cảnh, nhưng chính những nhân vật thủ diễn sẽ làm cho mỗi màn vui hơn hay chán ngắt.

Ván cờ đi qua. Trí Hải nhìn lại và tự hỏi, thêm một cuộc cờ, thêm một kẻ thua, thêm một người thắng; cũng như thêm một đêm mưa, một ngày nắng.  Đời sống mang một ý nghĩa gì quanh chuyện tranh chấp hơn thua…

Tu Bụi

Truyện dài

Bài viết liên quan