Trần Kiêm Đoàn và Phan Quang Việt
Ngày xưa, ai đi ngang qua trường Quốc Học Huế, đều chú ý đến cái biển tên trường độc đáo là vì bên cạnh hai chữ “Quốc Học” bằng chữ Quốc ngữ, còn có phụ đề thêm hai chữ Hán hai bên. Nét chữ tuy khá chân phương nhưng vẫn hiển lộ nét tài hoa và sắc sảo: Đó là nét chữ của linh mục Nguyễn Văn Thích. Khi tôi có đủ chút hiểu biết để hiểu về nét đẹp của thư pháp Trung Hoa thì cha Thích vẫn còn nổi tiếng là người viết chữ Nho đẹp nhất Huế thời bấy giờ. Tôi được may mắn học môn chữ Hán với cha Thích hai năm ở văn khoa và sư phạm. Dường như trong các lớp chữ Hán tôi thuộc loại gàn gàn, bướng bướng làm sao ấy. Chữ Hán có ba dạng: Chân, triện, thảo mà trong đó chữ thảo là khó nhất. Nét thảo thiên biến vạn hóa, nhiều khi chỉ một chữ nhất mà học hoài không hết nét chấm phá tuyệt tác của những nhà thư họa lừng danh. Thế mà khổ nỗi tôi lại mê chữ thảo. Nhưng trời cũng có luật thừa trừ, để bù lại với cái ngông “ăn mày mà đòi xôi gấc”, tôi lại có chút tài mọn viết chữ Hán khá bay bướm. Tuy phần lớn dùng bút nguyên tử nhưng tôi vẫn tạo ra những nét mác, nét đá, nét sổ, nét ngang rất “ra gì với núi sông”. Nếu không thế thì tại làm sao vẫn có cô sinh viên “thương chữ”, năn nỉ xin tôi bản chép tay nguyên văn chữ Hán bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trải về nhà để treo lủng lẳng trong phòng ngày tháng xem chơi(!).
Tôi phải nhắc đến linh mục Nguyễn Văn Thích vì cha là linh mục Công giáo, lại dạy về Nho giáo và thường liên hệ đến lý thuyết Phật giáo một cách thâm uyên. Có lần dạy Trung Dung “Thành giả thiên chi đạo dã…” cha hùng hồn chỉ tay lên trời, nói với sinh viên:
– Các người có quá nhiều nên lúc nào cũng lo, cũng ham, cũng muốn, cũng sợ… Thượng Đế là đấng toàn năng nhưng ngài lại không sở hữu gì cả trong khi ngài sáng tạo ra tất cả. Con người thì ngược lại, muốn sở hữu, sở đắc tất cả nên cuối cùng chẳng còn gì hơn là tay trắng trở về với cát bụi.
Tư tưởng “có” và “không” đó chập chờn sống mãi trong tôi: Tại sao khi đạt đến trọn vẹn cái không thì lại có; mà ham hố cho được cái có rồi thì lại trở thành không? Chính khái niệm về “cái không” của Thượng Đế và khái niệm về “tâm không” trong kinh Kim Cang (hay còn gọi là Kim Cương) đã cho tôi chút ít kiến thức sơ đẳng về “có có, không không” giữa cuộc trần ai nầy.
oOo
Kinh Kim Cương BÁT NHÃ BA LA MẬT (Vajracchedikà-Prajnà-Pàramità Sùtra) thường được coi là “Kinh lời vàng – Kinh ruột tuệ giác siêu việt” của Phật giáo. Theo Phật giáo sử lược thì kinh nầy là lời nói trực tiếp của đức Phật nguyên văn bằng chữ Phạn (Sanskrit), sau truyền sang Trung Hoa được dịch ra chữ Hán.
Những nhà phiên dịch Phạn-Hán gồm có :
– Cưu Ma La Thập (Kumàrajiva): ở chùa tại Trường An (chùa Thảo Đường). Vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ tư, tức là năm 401 tây lịch, thuộc đời Dao Tần. Ngài dịch tên kinh là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Đây là bản có giá trị nhất, được gọi là định bản, vì sau khi dịch đến giờ đều được mọi người dùng để trì tụng. Bản này nằm trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày.
– Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruchi): đời Ngụy dịch tên kinh cũng đồng với bản trên tức là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, vào khoảng 508 dương lịch.
– Ba la Mật Đa (Paramârtha) (Trung Hoa dịch Chân Đế): dịch vào đời Trần, khoảng giữa thế kỷ thứ sáu đề tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
– Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) : đời Tùy, khoảng đầu thế kỷ thứ bảy, dịch tên cũng đồng là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
– Huyền Trang (Hiouen-Thsang) : đời Đường, khoảng giữa thế kỷ thứ bảy, dịch chung trong bộ Đại Bát Nhã, 600 quyển, gồm 16 hội, ‘Kim Cang’ là hội thứ 9, quyển 577 trong bộ Đại Bát Nhã. Huyền Trang còn được biết theo phương danh khác là Tam Tạng trong truyện Tây Du Ký.
– Nghĩa Tịnh: đời Đường, đầu thế kỷ thứ tám, dịch tên là “Phật thuyết năng đoạn Bát Nhã Ba La Mật kinh”. Ngài có đi Ấn Độ mang chữ Phạn về .
Sáu nhà dịch cùng một bản kinh, nhưng về sau được chú ý nhất là các bản của các Cưu Ma La Thập, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh.
Về phần dịch từ tiếng Trung Hoa sang tiếng Việt Nam thì gồm có:
– Thượng Tọa Trí Tịnh dịch trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày.
– Hòa Thượng Thiện Hoa, dịch trong bộ Phật Học Phổ Thông (tức 12 nấc thang giáo lý).
– Thượng Tọa Huệ Hưng dịch quyển “Kim Cang Giảng Lục” của ngài Thái Hư.
– Cư sĩ Đồ Nam dịch bản của ông Giang Vị Nông.
Trong các chùa và các thiền viện, bộ kinh này được xem như bộ kinh nhật tụng, và kinh Kim Cang Bát Nhã được xem như tâm ấn trong nhà Thiền.
Trong Kinh Kim Cang Giảng Giải, thiền sư Thích Thanh Từ đã cố gắng đơn gỉan hoá và đưa ra nhiều thí dụ để người đọc hiểu và nắm vững được ý chính của kinh. Tuy nhiên, vì những từ ngữ chuyên môn đặc biệt và trừu tượng của kinh điển Phật giáo, sự hiểu biết và nhận thức về những ý nghĩa cao thâm của kinh vẫn còn bị rất nhiều hạn chế đối với đại đa số quần chúng.
Ông đã tóm tắt kinh Kim Cang như sau:
1. Lấy Trí Tuệ Bát Nhã quán xét tất cả pháp hữu vi đều không có tự tánh,vô thường sinh diệt.
2. Nhờ quán xét vững chắc nên hàng phục tâm dễ dàng, đưa các vọng tưởng vào Vô Dư Niết Bàn.
3. Vì buông xả các pháp và vọng tưởng nên tâm được an trụ.
4, Tâm an trụ không dính mắc sáu trần nên Như Như bất động.
5. Muốn trụ tâm phải buông xả đừng dính sáu trần (bố thí không chấp tướng).
6. Muốn hàng phục tâm phải đưa vọng niệm vào chỗ Vô Sanh .
Người thường như tôi mà bàn về kinh Kim Cang thì cũng giống như là kẻ đứng xa ngoài Nam Hải mà nhìn rặng Trường Sơn ẩn hiện trong mây chiều ngũ sắc. Càng cố diễn tả bằng ngôn ngư, vốn là phương tiện giới hạn và tương đối của con người, càng có cơ đi xa nguồn tinh túy của tâm kinh..
Hai trăm năm trước, Nguyễn Du đã đọc kinh Kim Cương hàng ngàn lần trong những năm còn ở ẩn nơi quê nhà, thế mà nhà thiên tài thi ca của chúng ta vẫn phải thú nhận là không hiểu hết. Cho đến khi đi sứ bên Tàu, ông đến hành hương ở Phân Kinh Thạch Đài, lúc đó đã hơn một nghìn năm rêu phong sương phủ, mới chợt hiểu rằng:
… Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh;
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,
Chung tri: vô tự thị chân kinh.
… Tấm gương trong không phải thật có đài gương,
Cây Bồ Đề cũng không phải cây thật.
Ta đọc kinh Kim Cương có hơn ngàn lần,
Ý nghĩa uyên thâm trong ấy phần nhiều không hiểu;
Tới nay đến dưới đài Phân Kinh này,
Mới biết rằng kinh không chữ mới thật là chân kinh.
(Nguyễn Đăng Thục dịch)
Có lẽ là đọc đến lần thứ hơn 1000, khi gấp kinh lại, Nguyễn Du nhìn sâu trong dấu tích phôi pha hư ảo của Thạch Đài, bấy giờ tâm tư hòa với cái hồn hư không của vũ trụ; không chữ, không lời; không chia tình xẻ lý, không vọng tưởng mông lung, mà an nhiên tự tại… Lúc đó, ông mới hiểu thấu chân kinh.
Nội dung kinh Bát nhã có 2 chữ “sắc” và “không” là bị hiểu lầm nhiều nhất. Sắc và không ở đây không thể hiểu đơn giản như là hữu hình và vô hình như nhiều người vẫn cho như vậy.
Kinh nầy mở đầu, thuật lại ý niệm về duyên khởi như sau:
“Khi ngài Quán Tự Tại đi sâu vào trí tuệ cứu cánh thì thấy các pháp đều là chân không, chẳng dính gì đến mọi sự khổ ách, nên nói với ngài Xá lợi tử như thế này: Ông Xá lợi tử ơi! Các pháp không khác chân không, chân không chẳng khác các pháp. Vì không có sự khác biệt, nên các pháp tức là chân không và chân không tức là các pháp”.
Tại sao lại không có sự phân biệt ấy?
Là vì các pháp tuy có, nhưng cái có ấy xét theo tính cách không gian thì vô ngã (không có tính cách biệt lập) và xét theo tính cách thời gian thì vô thường (không có tính cách cố định). Đã là vô thường và vô ngã thì chẳng có gì để mà trụ vào cả nên có cũng như không. Vậy ra cái có ấy có tức là không. Cho nên có = không và không = có.
Phải đến một khúc quanh nào đó trong cuộc đời con người mới thấy mệt mề, chồn chân, mỏi gối. Khi đó phản ứng của mỗi người khác nhau nhưng chung quy cũng chỉ có ba thái độ: Đương đầu, trốn chạy hay tĩnh táo nhìn lại chính mình. Chính khi nhìn lại chính mình mới thấy cái “TÔI ĐÁNG GHÉT” nó to sừng sững, đứng lù lù ra đó, chiếm ngự hết cả lối đi về. Tu là một quá trình gian nan chiến đấu để thoát ra được sự chỉ huy đầy tham lam, ích kỷ, độc tài, quân phiệt hay… vô số hình dung từ nữa, của cái tôi đáng ghét đó.
Tuy đỗ tam trường thi Hương khi mới 19 tuổi, nhưng Nguyễn Du chỉ làm một chức quan nhỏ ở Thái Nguyên. Sau đó, vì thời thế loạn lạc nên suốt những năm từ 1786 đến 1795, Nguyễn Du phải lui về ẩn cư tại quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh. Đây là những năm tháng nguyễn Du sống trong nghèo khó nhưng lại rất an nhiên tự tại, học kinh Phật, tu học thiền để giải thoát cho cái tôi đầy phiền não. Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy là tiên sinh đã chán ngán việc học hành, kiến thức thế gian tầm thường “Suốt đời thơ phú ròng vô bổ, Đầy giá sách đàn chất mãi ngu.” trong bài thơ sau:
Mạn Hứng
Long Vĩ châu biên đa bạch âu,
Lam Giang đường thượng hữu hàn nho.
Nhất sinh từ phú tri vô ích,
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu.
Bách tuế vi nhân bì thuấn tức,
Mộ niên hành lạc tích tu du.
Ninh tri dị nhật tây lăng hạ,
Năng ẩm trùng dương nhất trích vô.
.
Long Vĩ bờ bên một đám cò,
Sông Lam trên bến bác hàn nho.
Suốt đời thơ phú ròng vô bổ,
Đầy giá sách đàn chất mãi ngu.
Cuộc sống trăm năm coi mấy chốc,
Chuyện vui tuổi cả tiếc từng giờ.
Phiá tây bãi cỏ khi nằm xuống,
Chén rượu trùng dương ai tưới cho
(Nguyễn Vũ My và Trần Thanh Mại dịch)
Chính từ trong cái “không” của một cuộc sống đã vượt ra ngoài những hệ lụy đầy bon chen vật chất, Nguyễn Du mới tìm thấy cái “có” đầy nhẹ nhàng thinh không. Khi cái “tôi” nhỏ bé mờ nhạt, cũng chính là lúc cái “tôi” thiêng liêng đầy đại ngã trở về. Cũng cùng với ánh nhìn và đôi mắt cũ, thế nhưng khi cánh cửa tâm hồn và tri thức đã mở ra nhìn cái mới thì con người và thiên nhiên lại được sống chan hoà. Sợi dây xích trói buộc con người tàn bạo nhất không ở đâu xa mà chính ngay ở lòng mình:
Tạp Thi II
Hồng Sơn nhất sắc lâm bình cừ
Thanh tịch khả vi hàn sĩ cư.
Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch,
Nhất song minh nguyệt thướng cầm thư.
Tiếu đề tuẩn tục can qua tế,
Giam mặc tàng sinh lão bệnh dư.
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thời tâm kính tự như như.
Trên giải non Hồng dưới làn nước
Nho nghèo ở đó cũng thanh nhàn
Nghìn tầm mây bạc quanh giường chiếu,
Một mảnh trăng trong giọi sách đàn.
Cười khóc theo đời qua buổi loạn,
Trầm tiềm giữ miệng dưỡng thân tàn.
Lá rơi hoa nở việc trước mắt,
Tâm trạng quanh năm vẫn nhẹ nhàng.
Tạp Ngâm II
Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian,
U cư sầu cực hốt tri hoan.
Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt,
Xử sĩ môn tiền thanh giả san.
Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt,
Đăng tiền đẩu tửu khởi suy nhan.
Táo đầu chung nhật vô yên hỏa
Song ngoại hoàng hoa tú khả xan.
Đầu sông Long Vĩ một gian nhà,
Ở ẩn buồn teo bỗng thú a !
Đạt sĩ, cõi lòng trăng sáng tỏ,
Cao nhân, trước cửa núi bao la.
Sách chồng cạnh gối đỡ thân mệt,
Rượu nhắp bên đèn đổi sắc da.
Trong bếp suốt ngày không khói lửa,
Ngoài song no với khóm hoàng hoa.
(Nguyễn Vũ My và Trần Thanh Mại dịch)
Nhờ thực hành sâu xa Trí Tuệ Bát Nhã của kinh Kim Cương, Nguyễn Du quán xét tất cả các pháp hữu vi đều không có tự tánh, vô thường sinh diệt. Vì buông xả các pháp và vọng tưởng nên Nguyễn Du cho chúng ta thấy tiên sinh đã “hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm” của mình qua bài thơ ” Đạo Ý” sau đây:
Đạo Ý
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thủy vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả
Thử tâm chung bất dao
Túng bị nhân khiên xả
Nhất dao hoàn phục chỉ.
Trạm trạm nhất phiến tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
Trăng sáng giọi giếng xưa,
Nước giếng không gợn sóng.
Không ai người khuấy lên
Lòng này không xao động.
Dù ai người khuấy lên
Động qua lặng rất chóng.
Trong vắt một tấm lòng,
Giếng xưa trăng giọi bóng.
Khi tâm an trụ không dính mắc 6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì tâm sẽ an nhiên thanh thoát. Bài thơ “Đề Tam Thanh Động” của Nguyễn Du đã nói lên cái tâm của người không chấp ngã. Vì đã đọc và hiểu kinh Kim Cang nên Tố Như không còn chấp vào “ngã tướng”, “nhân tướng”, “chúng sinh tướng” và “thọ giả tướng” nên nhìn được tất cả các cảnh giới đều không có tướng (vô tướng). Đã vô tướng thì làm gì còn sắc tướng:
Đề Tam Thanh Động
Vạn ban thủy thạch thiện đại xảo,
Nhất lạp kiền khôn khai tiểu thiên,
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,
Thử tâm thường định bất ly thiền.
Ngàn muôn thứ nào đá,nào nước, xếp đặt tự nhiên,nghệ thuật rất khéo,
Một hạt nhỏ trời đất mở ra một thế giới nhỏ nữa,
Khắp cảnh giới đều trống rỗng thì làm gì còn sắc tướng,
Lòng này thường định không rời cảnh thiền.
(Nguyễn Đăng Thục dịch)
Tinh thần vô ngã là cánh cửa không khóa đi vào động thiền sư. Nhưng thường người ta đã vào cửa rồi mà tìm lối không ra chỉ vì cửa thiền rộng mở nhưng lòng họ đã khoá chặt bằng những ổ khóa càn khôn của háo danh trục lợi, định kiến thấp hèn.
Xưa Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) rời nước Quốc Hương, nam Thiên Trúc (Dekhan) để đi đến Việt Nam đầu tiên và có lẽ ngài ở đây một thời gian khá lâu, vì Việt Nam khi đó được coi là trung tâm giao tiếp Ấn Hoa, nơi người ta có thể tìm được những người biết cả tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Thiên Trúc. Bồ Đề Đạt Ma trước đến Việt Nam sau vượt sông qua Ngụy đến Quảng Châu,Trung Hoa, vào khoảng thập niên 470. Thứ sử tỉnh này lấy lễ nghinh tiếp và dâng biểu về triều báo tin lên vua Lương Võ Đế. Vua sai sứ thỉnh mời Tổ Bồ Đề Đạt Ma về Kim Lăng để thưa hỏi Tổ về Phật pháp. Truyền Đăng Lục ghi lại cuộc đối đáp này như sau:
-Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, in kinh, độ tăng rất nhiều. Vậy có công đức gì chăng?
Tổ Đạt Ma đáp:
– Chẳng có công đức gì cả!
Vua hỏi:
– Tại sao không có công đức?
Đạt Ma trả lời:
– Bởi vì đó chỉ là những tiểu quả của cõi người, cõi trời mà thôi, là cái nhân hữu lậu như bóng theo hình, tuy có mà chẳng thật.
Vua thắc mắc:
– Vậy thế nào mới là thiệt công đức?
Đạt Ma lại nói:
– Trí hoàn toàn trong sạch, thể phải tự nhiên trống vắng, như thế mới là Công Đức. Công Đức là nơi bổn tánh chứ chẳng phải do nơi công nghiệp thế gian (xây chùa, chép kinh…) mà cầu đổi cho được.
Vua lại hỏi:
– Chân lý tối cao của bậc thánh là gì?
Đạt Ma thản nhiên:
– Khi tỉnh rõ thông suốt rồi thì không có gì gọi là thánh cả.
Vua ngỡ ngàng hỏi vặn:
– Thế đối diện với trẫm là ai?
Đạt Ma lắc đầu:
– Không biết.
Vua Lương Võ Đế không lãnh hội được, lui về nghỉ. Tổ Đạt Ma biết căn cơ không hợp vì cái tôi ngự trị của nhà vua bao trùm tất cả. Đạt Ma lưu lại vài hôm rồi qua Giang Bắc, lên núi Tung Sơn, ở chùa Thiếu Lâm trọn ngày ngồi thiền đối vách im lặng trong chín năm (Cửu niên diện bích).
Tổ Bồ Đề Đạt Ma là Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa, đã ấn chứng và truyền y bát cho Huệ Khả là vị Tổ Thiền Tông thứ hai, rồi truyền xuống ngài Tăng Xáng, vị Tổ thứ ba, ngài Đạo Tín, Tổ thứ tư, ngài Hoằng Nhẫn, Tổ thứ năm và sau cùng truyền đến Huệ Năng là Tổ thứ sáu.
Nguyễn Du đã đọc kinh điển Phật để rồi quán sát thông suốt và nhận ra rằng lời kinh Phật nói ra đều là những pháp môn phương tiện dắt dẫn chúng sinh vào Đạo; như nước dùng để rửa bụi, như thuốc dùng để chữa bệnh.
Nay chứng được “thân không”, “tâm không”, “tánh không” thì tất cả các pháp đều không, kể cả Phật pháp trong đó có Kinh Kim Cang. Bệnh khỏi thì thuốc cũng trừ, gọi là chứng ngộ “Pháp không”. Chùa chiền, đền miếu, kinh sách… đều là phương tiện tu trì đi đến cõi tâm không giải thoát. Trụ vào phương tiện mà cứ tưởng là cứu cánh thì có khác gì tọa thiền mà tâm loạn, ngồi dưới mái chùa mà tâm loạn tứ tán như đang giàng giật giữa chốn chợ đời.
Đức Phật khuyên: “Này các Tỳ Kheo, các ông nên biết ta nói pháp ví dụ như chiếc bè; pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp”. (Như Lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ Kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.)
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.
Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mà trong mờ ảo như gần như xa
Thạch Đài tìm đến hiểu ra
Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời
(Phan Quang Việt dịch)
Tư tưởng Phật giáo đã in đậm nét trong hầu hết các tác phẩm thi ca của thi hào Nguyễn Du mà Đoạn Trường Tân Thanh phản ánh đậm nét nhất. Theo tôi thiển nghĩ bằng tâm cảm, triết lý xương sống của truyện Kiều không phải là “Tài mệnh tương đố” như các sách giáo khoa văn chương thường phân tích, mà là “Tứ diệu đế”. Mở đầu truyện Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
chính là “Khổ đế” của thân phận làm người “Đã mang lấy nghiệp vào thân”.
Xác thân tứ đại của Thúy Kiều chỉ là phương tiện. Phương tiện đó có thể bị chìm nỗi, dập vùi trong bể khổ, nhưng cái tâm của Kiều vẫn đượm nét tinh anh sau cuối một cuộc đời luân lạc. Bởi vậy, xưa kia Chu Mạnh Trinh có thể cười cợt “Mà bướm chán ong chường cho đến thế!“, trong khi Thúy Kiều vẫn hãnh diện nói với “Người Yêu Một Thuở và Một Đời” là Kim Trọng trong ngày tái hợp”:
“Chữ trinh còn một chút nầy”
Tiếng nói như một lời tự tình mà kêu than trầm thống. Nếu đứng trên quan điểm Phật giáo thì đây là tiếng lòng nhân hậu thủy chung giữa cơn xoáy trùng trùng của duyên-nghiệp.
Bởi vậy, cầu Phật thật dễ, nhưng thấy Phật thật khó khi mà tâm ta còn trụ vào hình tướng, thanh sắc. Cụ Phan Bội Châu đã tìm đến kinh Kim Cang để thấy “pháp thân phi tướng” (pháp thân chẳng phải là tướng):
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
Nếu do sắc thấy ta
Do âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.
Chung tri: vô tự thi chân kinh – Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời.
Cớ sao lại không im lặng nơi đây để nghe kinh?!
Sacramento Mùa Phật Đản 1999