Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
Trịnh Công Sơn
Xuân về, Tết đến trên quê nhà đã qua đúng một tháng nhưng ở Mỹ thì còn tới một tháng nữa mới bắt đầu mùa Xuân. Quá giữa mùa Đông, trời còn lạnh và mưa. Sau 6 giờ, trời mới bắt đầu hé sáng. Tuổi càng về già, loài vật lại càng ngủ nhiều hơn nhưng con người thì ngược lại. Phải chăng tuổi già thao thức vì con người biết trước mình sẽ còn khối thì giờ sắp tới tha hồ mà ngủ giấc… thiên thu?!
Nếp sống về hưu nơi vùng Natomas nầy thật là lý thú. Nơi đây là vùng thị tứ mới lập. Khung cảnh yên tĩnh và nằm trong hiệp hội gia cư, có trung tâm câu lạc bộ thể dục thể thao, hoa viên tản bộ, phòng đọc sách, quầy uống cà phê… dẫu có tới thường xuyên hay không hề bén mảng cũng phải đóng tiền hiệp hội hàng tháng. Hơn mười năm trước, nơi khu nhà tôi đang ở là vùng đồng ruộng. Mùa hè, tôi vẫn thường đến đây cùng bè bạn bắt tôm đất (crawfish). Nếu có dụng cụ gắp thật khéo thì chừng một giờ đã bắt được cả mớ tôm càng đầy cả thùng hai chục lít. Tôm đất sống dai trong mọi điều kiện và mạnh gấp nhiều lần hơn tôm biển, tôm sông. Mang tôm còn sống về rửa sạch, luộc với lá chanh và lá sả chừng nửa giờ là đủ “bắt mồi” nhậu tít cung thang hay “phá mồi” tha hồ vừa ngon, vừa miễn phí.
Những đêm dài ít ngủ nơi đây, hình ảnh dòng sông đã lấp “sông kia rày đã nên đồng…” của cụ Tú Xương ngày xưa làm tôi có cảm giác như “đêm nghe tiếng ếch bên tai” nhưng lại chưa có lúc nào giật mình liên tưởng đến tiếng ai gọi đò. Những con tôm càng thì im lặng quá. Nhưng ám ảnh tiếng động sốt sạo của hàng trăm cái càng tuồng như đang giẫy nẩy lên vì đau đớn trong thùng nước sôi làm tôi hết thấy thú vị trước đống tôm càng đỏ ối vừa mới luộc vớt ra trên dĩa. Tôi đã bỏ cuộc bắt tôm mùa Hạ vì bị mất hẳn cái thú ăn tôm càng từ đó.
Hình như cái đồng hồ sinh học tự nhiên hàng ngày tự động đánh thức tôi từ lúc 3, 4 giờ sáng. Mùa Đông, nếu có ngồi tĩnh lự một giờ thì đêm vẫn cứ dài và còn lâu ngày mới tới. Để khỏi loay hoay làm phiền người đang ngủ trong nhà, tôi thường lái xe lên câu lạc bộ mở cửa từ lúc 5 giờ sáng để uống trà, cà phê; rồi tập một chút thể dục và vào phòng tắm để đẩy lùi chiến thuật… “mỡ-đường-máu” mà tuổi già ai cũng sợ bị cao quá tải và kéo theo bệnh đột quỵ tấn công bất ngờ!
Mới hừng sáng, câu lạc bộ còn vắng hoe. Tôi vào phòng tắm đàn ông (dĩ nhiên) sau gần một giờ mồ hôi nhễ nhại vì chạy trên máy đi bộ. Chỉ mới có một mình tôi trong phòng tắm rộng có tám vòi sen. Đang để cho vòi nước nóng phủ lên mình trần thì cửa thứ hai của phòng tắm bật mạnh. Khuất sau hành lang dẫn vào phòng thay áo quần ăn thông với phòng tắm không cửa, có tiếng chân thình thịch như giẫm mạnh của một người vừa đi vào. Theo phép lịch sự thông thường, tôi chỉ biết mình trong phòng tắm, không quay nhìn người mới vào là ai; vì cho dẫu là ai đi nữa thì cũng chỉ có cánh đàn ông với nhau thôi. Có tiếng oang oang của một giọng nữ trên điện thoại cầm tay. Hình như người ấy vừa cởi áo quần vừa đốp chát gay gắt với ai đó đang ở phía điện thoại bên kia. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn không quay lại khi người ấy nhanh nhẩu nhảy vào phòng tắm, suýt va vào tôi nhưng chả cần để ý và bắt đầu mở vòi sen ờ phía đối diện. Nước chảy, nhưng tiếng nói giận dữ trên điện thoại vẫn không dứt. Đến nước nầy thì tôi không nhắm mắt được nữa và liếc nhanh qua phía người mới vào. Tôi suýt kêu bật lên một tiếng ngạc nhiên nào đó khi nhìn thấy mái tóc bạc dài của một người đàn bà đang đi nhầm vào phòng tắm của đàn ông. Hình như tắm chỉ là một động tác bứt phá của người nầy trong cơn khủng hoảng tột độ. Người đàn bà vẫn không rời điện thoại cho đến khi nút nghe gắn trên tai bị cắt vì nước. Tôi vội vàng bước ra khỏi phòng tắm và nói to lên từ phía sau bức tường của phòng thay áo quần:
– Xin lỗi bà, bà đang đi lộn vào phòng tắm của đàn ông.
Tiếng người đàn bà rú lên nhức buốt:
– Ôi! Trời Đất ơi, tôi điên rồi. Rất tiếc, rất tiếc. Xin lỗi, xin lỗi…
Người đàn bà trần truồng nhảy vào phòng thay áo quần để mặc áo quần lại và hấp tấp chạy ra khỏi phòng đàn ông, miệng vẫn không ngớt nói: “Tôi điên rồi, tôi điên rồi. Xin lỗi, xin lỗi!” Tôi đứng nhìn một phía vào tường cho đến khi người đàn bà bước ra và tiếng cửa tự động khép lại.
Thuở ấy
Dưới triều Minh Mạng, vùng nam sông Hương vẫn còn là vùng đất đang khai phá. Nhà cửa và dân cư còn lưa thưa chạy dài từ mé Nam sông Hương cho đến chân núi Ngự Bình. Vùng đẹp nhất sông Hương là từ ngã ba của dòng sông bao quanh đồi Vọng Cảnh cho đến bờ Tây Nam Cồn Hến. Trong vùng đất trời xinh đẹp nầy, phía Bắc sông Hương là Hoàng Thành và phía Nam là vùng trại Thủy Sư. Trước năm 1899 đó là nơi ở của đơn vị Thủy sư nhà Nguyễn. Sau đó, trại Thủy sư từng chặng biến thành đơn vị hành chính và nhà tù. Phủ Doãn Thừa Thiên (gọi tắt là Thừa Phủ) là nơi quan đầu tỉnh cùng nhân viên làm việc và nhà tù do thực dân Pháp lập nên gọi là lao Thừa Phủ.
Sông Hương chỉ có hai cây cầu bắc qua. Mé gần Kim Long là cầu Bạch Hổ, chủ yếu là chiếc cầu của tàu lửa đi qua. Người đi bộ qua cầu, bước trên những thanh sắt cách nhau vài gang tay, nhìn xuống dưới, nước sông xanh lè đến lạnh mình, chóng mặt. Chỉ có cầu Trường Tiền là đường nối duy nhất giữa hai bờ Nam Bắc sông Hương.
Có một thời, nhịp sống về phương Nam đầy hình ảnh những chiếc cầu tre và những chuyến đò ngang đưa khách. Điểm hẹn sang sông là những bến đò. Có những bến đò ngang đưa khách chỉ một thời ngắn ngủi và phong trần như “cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ, quán thu phong đứng rũ tà huy…” trong Cung Oán Ngâm Khúc. Nhưng cũng có những bến đò mọc rễ hàng trăm năm thành hình tượng “trăm năm dù lỗi hẹn hò, cây đa bến cộ con đò khác đưa…”. Xuôi dòng sông Hương từ núi về biển, có không biết bao nhiêu bến đò ngang đưa khách sang sông. Thời cận đại, thành phố Huế có “tứ độ song hành” là 4 bến đò gần nhau cùng đưa khách qua về bờ Nam, bờ Bắc sông Hương: Bến đò Văn Lâu, bến đò Thừa Phủ, bến đò Tòa Khâm, bến đò Đập Đá. Nhưng bến đò Thừa Phủ là hình ảnh cây đa bến cũ, là bóng dáng lãng mạn nên thơ, là nỗi vương vấn của những ngày xưa tình tự nhất. Từ ngõ Huế xưa, khi nhắc đến Đồng Khánh Huế, có mấy ai liên tưởng tới một ông vua bóng mờ nhà Nguyễn mà người ta chỉ nhớ đến ngôi trường nữ sinh tóc thề, áo trắng, nón bài thơ đầy mộng mơ của một thời… rất Huế. Cũng thế, nhắc đến Thừa Phủ, không ai còn nhớ một đồn lính thủy, một đơn vị hành chánh, một nhà tù… mà đó là bến đò “bên nớ, bên ni” đầy sóng nước trên sông và sóng gợn trong lòng người của thuở học trò Đồng Khánh – Quốc Học. Trên những bước chân của người Huế trong thế hệ chiến tranh Việt Nam, ai bái biệt mà chẳng có ít nhiều hồi tưởng nỗi đợi chờ của một chuyến đò ngang trên bến đò Thừa Phủ.
Tôi bái biệt Huế mà đi hết một nửa đời sau.
Bây chừ
Ngày Tết Tây, thay vì đến sớm tinh mơ như thường ngày, tôi đến câu lạc bộ thể dục thư giản Natomas để “nếm rượu nho” (wine tasting) vào xế chiều. Sinh hoạt “nếm rượu” ở phương Tây thường được tổ chức công cộng dưới dạng một cuộc vui pha lẫn hình thức thương vụ và quảng cáo nhẹ nhàng cho các hãng rượu nho. Vui thì nhắm thử các lại rượu miễn phí; thấy hợp khẩu vị thì mua một đôi chai về nhà thưởng thức. Trước quầy rượu dài với hàng chai của nhiều loại rượu nho đã mở sẵn, khách nếm hầu hết là giới cao niên. Những người già ở Mỹ nhâm nhi chút rượu nho với dáng vẻ gật gù như người thủy thủ nhớ một thời biển khơi. Bất ngờ… xoảng! Người đứng trước mặt tôi làm rơi cốc rượu nho đỏ cầm trên tay. Rượu văng tung tóe. Tôi chịu “hứng đạn” đầu tiên. Giày vải trắng và quần màu nhạt thể thao dính đầy rượu đỏ. Người phụ nữ làm vỡ ly rượu đứng ngớ ra nhìn, xoắn hai bàn tay hơi run run vào nhau lắp bắp nói lời xin lỗi. Tôi nhận ra ngay mái tóc dài bạc trắng của người phụ nữ đã vào nhầm phòng tắm đàn ông mấy hôm trước. Hôm nay bà ăn mặc trang nhã và có đội thêm chiếc mũ nhung đen kiểu mệnh phụ Tô Cách Lan.
Câu lạc bộ nhỏ, người không đông lắm nên bà cụ tóc bạc ấy tới dừng lại chỗ bàn tôi ngồi, ái ngại lập lại lời xin lỗi. Tôi nói với bà rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, đừng quan tâm. Bà nói giọng tiếng Anh châu Á với cách dùng chữ chắc lọc chứng tỏ hoàn cảnh xuất thân thuộc tầng lớp xã hội không tầm thường. Bà hỏi tôi, giọng thân mật và lịch sự:
– Xin lỗi, xứ sở nguyên quán của ông là nước nào?
Tôi trả lời:
– Việt Nam.
Bà tỏ vẻ hơi ngờ ngợ:
– Ồ, vậy mà tôi cứ tưởng rằng ông…
– Là người Phillipines, phải không… Rất nhiều người cứ nghĩ tôi là người Phi Luât Tân vì màu da ngâm nâu.
Bà ta cười, gật đầu và đổi ngay sang nói tiếng Việt:
– Tôi cũng là người Việt Nam. Chúng ta nói với nhau bằng tiếng Việt được không ông?
Ở quê người, mới thấy thấm thía với ý nghĩa của “tiếng mẹ”. Tiếng nói không chỉ là âm thanh mà nó còn là tín hiệu của tình cảm và cuộc sống. Tiếng nói đầu đời đã từng ly từng tý un đúc tình cảm và sự hiểu nhận của mỗi con người. Bởi vậy, khi nói một ngoại ngữ dẫu thông thạo đến mức độ nào thì lý trí vẫn đậm hơn tâm hồn. Nhưng khi nói tiếng mẹ đẻ thì cả tâm hồn và trí óc đều buông thư tự nhiên như hơi thở.
Hai người Huế gặp nhau thì tiếng Việt giọng Huế rất dễ trở thành một “ngoại ngữ” đối với người Việt ngoài Huế. Và, người ta cũng rất dễ trở thành gần gũi nhau khi những tín hiệu ngôn ngữ phát và nhận có cùng tần số. Có lẽ nhờ vậy mà khỏi phải đi vòng vo tam quốc tôi cũng biết được “thân thế sự nghiệp” của một cô bé Huế, bốn mươi lăm năm sau thành vị lão nương vào tắm lộn phòng đàn ông ở Mỹ.
Lão nương hôm nay có tên cúng cơm tại nơi sinh ra ở miệt cửa Ngăn là Bé Xí vì khi mới sinh ra “dỏ cậm tẻo” – tiếng Huế rặt có nghĩa là bé tẻo teo – nên danh xưng cũng phải “tùy cơ mà ứng biến, tùy chuyện mà kêu tên”.
Đến lượt tôi bày tỏ sự ngạc nhiên:
– Chị cũng là người Huế? Chị qua Mỹ lâu mau rồi mà còn nói giọng Huế dẻo quẹo rứa?
– Anh cũng nói Huế rặt đó tề. Tôi qua Mỹ từ năm 1965 khi còn đang học lớp đệ tam trường Đồng Khánh theo chương trình Cha Mẹ Nuôi.
– Tôi còn nhớ chương trình nầy. Nhưng không phải là chỉ được ở lại Hoa Kỳ một năm thôi à?
– Đúng như rứa. Qua Mỹ được một năm thì tôi phải về lại. Nhưng sau đó thì qua định cư tại Mỹ theo diện hôn nhân vì tôi kết hôn với một người lính Mỹ làm ở “MacVi” tại thành phố Huế. Thời gian qua nhanh khiếp, mới đó mà đã 45 năm qua rồi.
– Nếu có một phép lạ nào đó giúp chị đi ngược dòng thời gian thì chị có làm lại cuộc đời mình theo một cách khác không?
– Nghĩa là… ý anh muốn nói…?
– Ý tôi là muốn mượn cách trắc nghiệm tâm lý của các nhà tâm lý ứng dụng Mỹ để đưa ra một ý kiến thăm dò rằng, nếu sau mỗi mười năm, giả thử như người ta được quay lui “làm lại cuộc đời” và chỉ được theo một trong hai cách là làm giống như cũ hay làm khác đi. Nếu vẫn muốn làm lại như cũ thì được xem như thành công; nếu chỉ mong làm khác đi thì bị xem đó là một thất bại.
– Anh làm tôi hoang mang vì tôi đang chán ngắt tất cả mọi sự. Tôi quá mỏi nản để nghĩ tới một giấc mơ làm lại cuộc đời. Mình sẽ làm gì được cho mình khi lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng chó ăn đá gà ăn muối khu chợ Xép, hồ Mưng với bầy em bảy đứa. Cha mẹ làm việc lui cui suốt ngày mà con cái cũng chỉ có bữa đói bữa no. Bà Thúy Kiều ngày xưa còn dám chơi trội bán mình lấy vàng chuộc cha. Nhưng tôi có muốn bán mình để đổi lấy miếng cơm cho gia đình cũng chẳng tìm ra người mua nên phải đi học để hy vọng kiếm một công việc kha khá giúp cha mẹ nuôi em ăn học… Ôi Huế ơi! Buồn chi lạ…
Người đàn bà bỏ lửng chuyện kể. Tôi vẫn im lặng ngồi nghe. Tôi hỏi cho có chuyện để thoát ra ngoài bầu không khí hồi tưởng đầy u ẩn:
– Rứa tuổi trẻ của chị ở Huế chỉ toàn là những ngày buồn?
Người đàn bà bỏ cặp kính lão xuống, đôi mắt già hom hem sáng lên. Bà mỉm cười với một quá khứ và nói nhỏ lại như chẳng cần ai nghe:
– Không… vui lắm. Dễ thương chi lạ rứa tề! Tuổi học trò Huế mà.
Ít ra, người nói và người nghe cũng có chung dòng sống của tuổi học trò ở Huế. Tôi cố vặn tim lên một ngọn đèn dầu đang lay lắt cháy:
– Rứa vui nhất của chị thời nớ là chi?
Người đàn bà cười rạng rỡ:
– Bến đò Thừa Phủ. Ui chao, bến đò Thừa Phủ. Sớm sớm, chiều chiều lũ học trò gặp nhau ở đó. Bên tê đợi bên ni; bên ni chờ bên tê. Cái cực, cái nghèo quên mô tuốt luốt.
– Tôi đi học xe đạp. Nhưng xe cũ con nhà nghèo, mỗi năm hư độ vài trăm lần nên cũng phải liều mình qua bến đò Thừa Phủ.
– Ủa! “Liều mình?” Nói chi lạ rứa hè!
– Bến đò Thừa Phủ là “động hoa vàng” của môn phái Con Yêu Bánh Nậm trường Đồng Khánh. Con trai nhà quê như tui tới đó là run chân, run tay vì bầy Tinh Le Thừa Phủ nói đía và chọc quê bọn con trai nhút nhát như tụi tui suốt từ đầu tới chân. Con gái Huế một mình thì e thẹn, hai đứa thì biết mình biết ta, bộ ba thì kêu ca không kịp.
Người đàn bà vuốt mái tóc bạc qua bàn tay gầy gò. Có lẽ đây từng là bàn tay búp măng vuốt mái tóc thề óng ả một thời. Bà nhìn tôi mắt hơi cúi xuống như thú tội:
– Tui là chưởng môn nhóm Tinh Le Thừa Phủ một thời. Công nhận thời đó ác thiệt. Hễ gặp được một tay gà mờ Quốc Học đi lạc đàn là bầy Tinh Le xúm lại chọc cho tới khi anh chàng mặt xanh như tàu lá mới buông tha. Tôi được bầu “chưởng môn” vì có tài “trùng triềng”!
– A, nghe lạ hoắc. Tài trùng triềng là tài chi?
Người đàn bà thú vị cười, giải thích:
– Trùng triềng là tròng trành đó mà. Đò ra giữa sông, hối lộ bác lái gói xôi bắp xong là tôi chỉ huy bọn Tinh Le làm cho đò tròng trành. Đò lắc lư mà không có chỗ vịn thì coi chừng rơi tỏm xuống sông làm bạn với hà bá. Tới khi mấy đứa con gái liễu yếu đào tơ sợ té xuống sông phải nhào tới ôm mấy đứa con trai là chúng tôi reo mừng chiến thắng. Vậy mà sau nầy, cũng có vài cặp thành vợ thành chồng nhờ kỷ niệm “ôm nhau” ấy mà quen nhau đó, anh biết không.
Chúng tôi cười ngặt nghẽo khiến mấy người Mỹ ngồi kế bên không hiểu gì nhưng lây lan niềm vui nhỏ cũng mỉm cười theo.
Người đàn bà với ly rượu đỏ còn lưng một góc uống cạn. Bàn tay cầm ly rượu run rẩy làm tôi nhớ chuyến đò ngang tròng trành vang vọng tiếng cười. Bà già rút miếng giấy lau trong hộp chùi ráo nước mắt và đeo đôi kính lão trở lại. Vui lắm hay buồn lắm cũng phù du như những giọt nước mắt sống, nuớc mắt chín của tuổi già.
Người đàn bà đứng dậy trước, cáo lui, chào tạm biệt:
– See you soon! (Mong gặp lại sớm)
“Kẻ thù” ranh mãnh của tôi thuở nào bây giờ là bà già lẩm cẩm… lộn phòng.
Sau đó, tôi trở lại câu lạc bộ thể dục thể thao một tuần đôi ba lần như thường lệ. Nhưng con Tinh Le Thừa Phủ không thấy trở lại trong gần cả năm qua. Tẩn mẩn, tôi lật cuốn sổ ghi danh sách hội viên và thấy tên bà Tinh Le Thừa Phủ đã xóa.
Tôi tin là sự ra đi nào cũng sẽ khởi nguồn trở lại một mùa Xuân.
Sacramento, Xuân 2014
Trần Kiêm Đoàn