ĐẠI NAM QUỐC TỰ trước nhu cầu văn hóa du lịch

 

Mở đầu, mong người đọc vui lòng chớ vội nhăn mặt vì những danh từ đao to búa lớn đem làm đề tài cho một bài viết nhỏ như bài nầy. Thật ra, người viết chỉ nhắc lại nguyên chữ, nguyên dòng đã được đặt tên cho một công trình du lịch đang được xây dựng trên đất nước Việt Nam sắp đến ngày hoàn mãn, khai trương.

      Chúng tôi về Bình Dương ngày 13 tháng 4 năm 2008 với mục đích đến thăm một trung tâm du lịch đã được bàng dân thiên hạ trong cũng như ngoài nước nói đến khá nhiều. Khi còn ở California, tôi được nghe người ta thông tin rằng, “Đại Nam Quốc Tự rộng hơn cả quảng trường Thiên An Môn của Trung Hoa…” Thật vậy, Thiên An Môn được xây dựng từ năm 1417 và trùng tu lại năm 1949 trên một diện tích 440. 000 mét vuông. Theo tin tức báo chí thì khu “Đại Nam Thế Giới Du Lịch” được khởi công xây dựng từ năm 2003. Công trình có tổng số vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng tiền Việt Nam (khoảng 200 triệu đô la Mỹ). Giai đoạn 1 thực hiện đến năm 2007 với 261.000 mét vuông và giai đoạn 2 dự trù hoàn tất vào năm 2010. Tổng thể công trình nghe đâu sẽ là 450.000 mét vuông – rộng hơn quảng trường Thiên An Môn 10 nghìn mét!

      Với một quy mô có tầm vóc chiếm lĩnh đất đai nhiều như thế, hẳn nhiên mọi người không ai phủ nhận được rằng, đây là một công trình xây dựng “to” (big) thật. Nhưng giá trị của một công trình xây dựng có “lớn” (great) nổi hay không còn tùy thuộc vào 4 yếu tố: (1) Nội dung xây dựng, (2) đường nét kiến trúc, (3) màu sắc hòa điệu và (4) biểu tượng văn hóa. Chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thiên Mụ, cửa Ngọ Môn, nhà thờ Đức Bà… trở thành những biểu tượng văn hóa, mang “chỉ số vàng” trong nghệ thuật kiến trúc, chẳng phải vì có kích thước to nhỏ mà chính là vì có được vẻ đẹp truyền thống, hài hòa từ nội dung đến hình thức.

      Đại Nam Thế Giới Du Lịch nhìn từ xa, khách viếng đã nhìn thấy bóng dáng những ngọn núi đá giả cao tới sáu, bảy chục mét. Có lẽ tại công trình còn quá mới, thời gian và rêu phong chưa đủ phủ lên mầu cổ kính nên những mảnh núi lởm chởm trông còn rất… xi măng. Càng vào sâu, khách càng mở lớn mắt vì bị đánh động bởi những hình thù kiến trúc kỳ dị và màu sắc sặc sỡ của những khu thiết trí mang những tên gọi khác thường và khó hiểu.

      “Đại Nam Quốc Tự” mới là một công trình xây dựng điển hình làm trái tim của Đại Nam Thế Giới Du Lịch nầy. Đây là một tòa nhà rất lớn, mang hình ảnh mái cong nền đá, cột trụ của ngôi chùa cổ. Bên ngoài, “gam” mầu tổng quát là vàng chói, nhưng ở phía các góc điểm những hoa văn xanh đỏ loè loẹt. Xung quanh nhà chùa là hồ cá, thác nước đầu tư nhiều công của. Mỗi phiến mầu và mỗi mảng kiến trúc hầu như đều hăm hở tự phát vươn lên khoe sắc nên cái nhìn “bắt mắt” lúc đầu chuyển dần sang sự tò mò, rồi thắc mắc tự hỏi: “Ngôn ngữ hình thức của tổng thể công trình đang muốn nói lên điều gì đây?” Câu hỏi còn quá mới hay quá sớm. Trong khi chưa có sự trả lời, người ta bỗng nhớ đến những ngôn ngữ hình thức “uy vũ thầm lặng” của Đại Nội Huế, “quyền lực ngự trị” của điện Birmingham, “quý phái huy hoàng” của điện Versailles, “uy nghi che chở” của toà thánh La Mã… Cả nghìn năm qua, người ta vẫn thường nhớ đến ý kiến của thiên tài điêu khắc Michelangelo khi nói đến những công trình xây dựng: “Cung điện tượng đài thiếu mất một ngôn ngữ tổng thể là một tuồng hát câm không hồi kết thúc!”

      Có quá muộn màng chăng hay còn quá sớm khi phải nói đến sự khập khiểng của tính văn hóa trong công trình xây dựng “Đại Nam Quốc Tự nầy” ?!

      Trước hết là vấn đề về danh xưng. Với công trình xây dựng các trung tâm giải trí vui chơi như Disneyland, Six Flags, Đầm Sen, Suối Tiên… chẳng hạn, các nhà khai thác, tuy vẫn phải theo những quy cách cơ bản của văn hóa và xã hội quy định, nhưng vẫn có nhiều tự do khai tên, đặt họ cho cơ sở kinh doanh của họ. Thế nhưng, với một công trình xây dựng mang tính tôn giáo, truyền thống, lịch sử cụ thể và nhất định nào đó, cá nhân hay tập đoàn chủ quản có bản lĩnh và có lòng tự trọng lại không thể tùy tiện muốn đặt hiệu, xưng danh thế nào cũng được. “Đại Nam Quốc Tự” là một danh xưng hoàn toàn bất ổn về cả hai mặt tôn giáo và văn hóa. “Quốc Tự” là những ngôi chùa được triều đình sắc phong trong các triều đại mà đạo Phật được xem như là quốc giáo. Ngày nay, nước Việt Nam có đến 6 tôn giáo lớn (đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, đạo Thờ Cúng Tổ Tiên) lẽ nào lại có một sự lạm xưng “quốc tự” bất chấp đến như thế.

      Trên cổng tam quan – cửa chính dẫn vào “Đại Nam Quốc Tự” (ĐNQT) – ngay trên biển chính, có ghi 4 câu bằng chữ quốc ngữ như sau:

      Dự kim khuyết hội Trời Tam Giáo

      Hội tam thanh điểm đạo linh căn

      Long đình bửu ngọc tứ ân

      Hoa sen đua nở mừng căn thiện lành

      Xin tạm gác một bên sự nhận định về nội dung, nghĩa lý, văn phong và từ ngữ tối tăm, khó hiểu như mật chú của 3 câu đầu bằng chữ Hán Việt. Câu thứ tư xuất hiện bằng chữ thuần Việt là điều xưa nay chưa từng thấy trong mẩu mã cấu trúc của những biển đại tự, thường được sử dụng để nói lên mục đích, ý nghĩa và tinh thần chủ đạo của một đền thờ hay tự viện. Sự nhất quán thuần Nôm hay thuần Hán Việt đã trở thành một hình thức ngôn ngữ truyền thống quy ước. Có những sự “chưa từng thấy” đầy nghệ thuật vì tính sáng tạo và độc đáo. Ngược lại, có “sự chưa từng thấy” đầy lổn chổn vì tính đơn giản và vụng về!

      Bên trong Đại Nam Quốc Tự là một thế giới đầy màu sắc chói lọi. Đặc tính kiến trúc ở đây là một sự kết hợp lạ mắt giữa kiểu cách chạm trổ cung đình và đường nét hoa văn tự viện. Nhìn tổng thể, sự cấu trúc công phu, tốn kém nhưng thiếu tinh xảo. Một người làm thơ có thể làm ra vạn bài thơ nhưng không phải là thi sĩ vì thiếu hồn thơ. Một tác giả có thể in nhiều sách chất cao quá đầu, nhưng chưa hẳn đã có được một tác phẩm hay vì thiếu mất tài hoa tinh túy. Một tự viện đồ sộ nhưng không là chốn thiền môn vì chân tâm bị khuất lấp nên Phật tánh khó tỏ bày.

      Tiền đường của Đại Nam Quốc Tự thờ ba tượng đồng kích thước bằng nhau. Xếp thứ tự từ trước đến sau: Tầng thứ nhất là tượng cụ Hồ Chí Minh. Tầng thứ hai là tượng đức quốc tổ Hùng Vương. Tầng thứ ba là tượng đức Phật.

      Hai bên tượng đức Phật có ghi hai câu thơ lục bát của cụ Nguyễn Du, chữ sắp theo hàng dọc và xếp từ trái sang phải theo hình thức câu đối. Hai hàng chữ lớn đó đập ngay vào mắt khách.

      Nguyên tác tuyệt vời của Tố Như:

      Thiện căn ở tại lòng ta,

      Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

      Đã bị sửa lại như sau:

      Thiện căn họa phúc ở tại lòng ta,

      Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

      Người đọc bỗng chạnh lòng thương Nguyễn Du. Thơ của thi hào dân tộc bị vặt lông, “trùng tu”, bởi một nhân vật nào đó chẳng những đã không hiểu tư tưởng Nguyễn Du lại còn “ngoại đạo” với triết lý Phật giáo. Cái Thiện Căn – là chân tánh; là bản lai diện mục như như tự tại – trong triết lý trái tim của nhà Phật bị cột buộc vào phàm tướng Họa Phúc… là một nghịch lý dung tục khó tưởng tượng lại nghiễm nhiên xuất hiện tại “Đại Nam Quốc Tự”!

      Đã có một vài nhà báo gần đây cho rằng: “Tổng thể của khu du lịch (Đại Nam Thế Giới Du Lịch) dài 13 km là một công trình tôn vinh văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay.” Rất có thể có một thiện chí “tôn vinh văn hóa” nào đó. Thế nhưng một sự tôn vinh vung vãi của tiền tùy hứng, không căn cứ trên một căn bản hay tiêu chí văn hóa nào nghiêm túc thường mang lại một phản tác dụng phi văn hóa; nhất là trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, tôn tạo những cảnh quang du lịch. Rick Kieffer, kẻ tự hào đã đi khắp cùng trái đất đã viết trong nhật ký du lịch của mình – Rick’s Diary: “Một công trình du lịch nghèo tính chất văn hóa là một mỹ nhân ngư không có giọng hát mê hồn.”

      Những kỳ quan thế giới, những công trình du lịch còn sống mãi trong lòng thế giới có nhiều nét giống nhau và khác nhau về nhiều mặt. Tuy nhiên, nét nổi bật chung nhất vẫn là yếu tố văn hóa trong mọi cảnh quan và hình thái.

      Ngày nay, mở những tập hướng dẫn du lịch của thế giới, ngành du lịch Việt Nam đang có một chỗ đứng đầy cuốn hút đối với du khách toàn cầu. Đi du lịch là đi tìm và thưởng thức những nét đặc thù văn hóa của đất nước và con người. Nhân danh tổ quốc, truyền thống, lịch sử và xã hội nhân văn của đất nước mình để đầu tư xây dựng cơ sở, hình thành những đối tượng du lịch là một việc làm trọng đại. Nó đòi hỏi phải có sự kết hợp nghiêm túc giữa hai nguồn vốn không thể tách rời: Nguồn vốn vật chất và nguồn vốn văn hóa.

Huế, ngày mưa cuối tháng Tư, 2008.

Trần Kiêm Đoàn

*Nguồn ảnh: http://www.vnphoto.net/forums/showthread.php?t=9389

trước nhu cầu văn hóa du lịch

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan