ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG

Tranh minh họa – online.com 

 

Năm 1969, giáo sư gạo cội môn Lịch Sử Triết của lớp chúng tôi ở đại học Văn khoa Huế là Linh mục Nguyễn Ngọc Lan và Thượng tọa Thích Mãn Giác. Hai vị đều là những tay cừ văn bút. Nhưng dẫu viết thiên kinh vạn quyển thì dấu ấn để đời cũng chỉ cô đọng trong dăm câu chữ: Cha Lan thì viết sách “Đạo là đường hay lô cốt, pháo đài…?” Thầy Mãn Giác thì ra thơ “Mái chùa che chở hồn dân tộc; giềng mối muôn đời của tổ tông.” Ngày đó thật khó quên. Cha và Thầy cùng lên Nam Giao uống cà phê với học trò trong dư vang đì đùng của tiếng bom đạn chiến tranh từ Trường Sơn vọng về…! Có những buổi sáng Thầy Mãn Giác mượn chiếc xe Mobylette xanh của Thầy Huệ chở cha Lan từ Đại học xá Nam Giao về Morin dạy, bọn trẻ con dọc đường la lên: “Ra coi bây ơi! Ngó lạ chưa tề: Thầy chở Cha, Thầy chở Cha!”

Đám trẻ con lớn lên trong môi trường đầy dị ứng về tôn giáo. Người đạo Công Giáo gọi người theo đạo Phật và các tôn giáo khác là dân “ngoại Đạo” hay còn gọi gọn lỏn là người “Ngoại”, người “Lương”! Người ngoài gọi người đạo Công Giáo là “ông Cố Đạo”, làng Đạo, xóm Đạo. Tôi lớn lên ở làng Liễu Cốc Hạ nằm ven cạnh sông Bồ cách thành phố Huế chừng 7km theo đường chim bay. Làng tôi nằm kề với làng Dương Sơn là một đơn vị làng xóm duy nhất trong vùng có thuần dân cư theo đạo Công Giáo và người dân quanh vùng gọi đó là “Làng Đạo”. Thuở nhỏ, ở làng thiếu trường học nên Mẹ tôi gửi hai anh em tôi lên học trường Phan Thiện làng Dương Sơn nên chúng tôi mang danh là “học trò Trường Đạo” qua ánh mắt kỳ thị và khích bác của những đứa bạn chân đất cùng trang lứa ở làng đã cùng lớn lên, cùng chịu cảnh đời chìm nổi trong làng. Nói gọn lại rằng, đã có một thời trên quê hương Việt Nam, Đạo không phải là con đường mà là những “pháo đài” của kỳ thị và định kiến.

Lịch sử đô hộ, ngoại thuộc đã vẽ ra cách nghĩ và tầm nhìn thui chột giữa người bình dân, hàng trí giả và thậm chí là cả tuổi thơ, học trò về khái niệm tôn giáo. Ngay thuở tôi lớn lên ở Huế thì học sinh, sinh viên, tu sĩ trường Đạo, trường Tây, trường phổ thông cũng đã phân cấp thành hai thế giới khập khiễng nhìn nhau.

Với hoàn cảnh riêng từ thời vỡ lòng, tôi nhìn về tôn giáo; đặc biệt là đạo Phật, đạo Công Giáo và các tôn giáo khác như một đỉnh điểm (Oneness) của niềm tin tinh thần. Về tên gọi thì tôn giáo nào cũng mang tính đại chúng, không khép cửa tín đồ, mong được nhiều người theo… nên trên bình diện ngôn ngữ thảy đều là công giáo.  Tuy nhiên, trong ngữ cảnh đạo Công Giáo thì danh từ Công Giáo là một thuật ngữ rộng được sử dụng xuất phát từ chữ Hy Lạp καθολικός (katholikos) có nghĩa “chung” hay “phổ quát”. Như vậy thuật ngữ công giáo trong tiếng Việt được dùng để dịch chữ καθολικός, catholicus hoặc catholique, với ý nghĩa đó là đạo chung, đạo phổ quát, đón nhận mọi người, chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Do ảnh hưởng lịch sử và hiện tại của Giáo hội Công giáo Rôma, “Công Giáo” thường được dùng để chỉ hệ thống niềm tin tôn giáo của giáo hội.

Do vậy, sẽ không công bằng với các tôn giáo khác hay biểu tượng đặc trưng của một tôn giáo tôn thờ Đức Chúa Giêsu sẽ mờ nhạt tính độc lập đối với thế hệ trẻ sử dụng tiếng Việt trên toàn thế giới trong những hệ thống ngôn ngữ khác thì khi gọi riêng đạo Công Giáo là Công giáo hay Thiên Chúa giáo: Công giáo là đạo chung và Thiên Chúa giáo là tôn giáo của những người tin vào một đấng Thượng Đế toàn năng như đạo Do Thái, đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Anh giáo… chỉ có giới hạn thuần nghĩa trong tiếng Việt mà thôi. Đó là lý do tôi vẫn thường dùng danh xưng đạo Công Giáo trong giao tiếp và viết lách.

Từ trong nguồn sóng tâm linh, tôi không phân biệt tôn giáo; nhất là đạo Phật và đạo Công giáo vốn là nguồn triêm ân mà tôi trân trọng, nên trong phong thái sinh hoạt tôi không bị dao động thị phi.

Phong Thánh

Ý niệm phong thánh, bái thần trong tâm thức người Việt Nam theo truyền thống vừa quen, vừa lạ; vừa xa vừa gần. Thánh thần chỉ có vua phong hay do tiền nhân để lại nên vừa linh diệu, vừa mơ mơ hồ hồ. Thường tự nhiên như thần sông, thần núi, thần gió, thần mưa, thần nhà, thần bếp… Hoặc do lịch sử truyền khẩu hay thành văn để lại như thánh Gióng, thánh Tản Viên, thánh Trần hoặc Linh Mụ, Thiên Y A Na có nguồn cội lâu đời trong lịch sử dân gian trải qua bao nhiêu nghìn năm trước khi có đạo Phật và đạo Công Giáo và đạo Hồi Chăm Pa du nhập vào Việt Nam. Bởi vậy, thần thánh truyền thống là những hiện tượng hơn là nhân vật cụ thể. Bởi thế, dân gian truyền tụng:

“Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” là vậy.

Chỉ đến khoảng thế kỷ 17, khi có tôn giáo phương Tây được các vị thừa sai truyền đạo đưa đạo Công Giáo vào các nước Viễn Đông mới có hình thức phong thánh cụ thể. Các thánh tử đạo Việt Nam là những tín hữu theo đạo Công Giáo người Việt hoặc thừa sai ngoại quốc được Giáo hội Công Giáo Rôma tuyên thánh với lý do tử đạo. Kể từ vị thánh tử đạo đầu tiên của đạo Công Giáo Việt Nam là thầy giảng André Phú Yên (tử đạo năm 1644) cho đến nay đã có 117 thánh tử đạo riêng tại Việt Nam

Đối với lịch sử phong thánh của đạo Công Giáo, trong thời gian 1000 năm đầu của Giáo Hội, các thánh được phong là do đại chúng và các tín hữu công nhận. Không có tài liệu chính xác về những vị thánh trong thời gian này, nhưng ước tính là trên 10.000 vị. Ngoại trừ Thánh Nữ Maria là là Thánh Nữ Vương và Thánh Gioan Tông Đồ, tất cả những vị được phong thánh đều là những vị tử đạo. Trường hợp Linh mục Trương Bửu Diệp (1897-1946) với dòng lịch sử 80 năm, nếu so với vị thánh phải chờ lâu nhất trong lịch sử phong thánh 500 năm là Joan d’Arc thì sự phong thánh thường mang một ý nghĩa tích cực trong dòng nhân sinh.

Danh vị “Thánh” không đồng nghĩa với đấng linh thần mà đó là một sự nhận diện và nhận chân rằng, “người thánh” đó đã sống một đời sống tốt, hoàn thiện trong lời gọi thiêng liêng và được tôn vinh bởi Giáo Hội Hoàn vũ. Một Kitô hữu trong Wikipedia nêu bật ý nghĩa thánh rằng: “Việc phong thánh không ‘làm’ cho một người trở thành vị thánh. Nó chỉ để nhận ra những gì mà Thiên Chúa đã làm nơi con người đó. Trong khi một số được phong thánh gọi là thánh, nhưng không phải hết mọi vị thánh đều được phong thánh ở trần gian.   

 Dù ta là bất cứ ai, giàu, nghèo, sang, hèn, học thức, không học thức, đàn ông, đàn bà, trai, gái, tu hành, giáo dân… cả đến tội nhân tất cả đều có thể nên thánh: ‘Mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai’. Miễn sao chúng ta thành tâm, và cương quyết sống xứng đáng với ơn làm con Thiên Chúa.”   

Muốn được lên làm thánh thì phải làm người trung chính trước đã; như thánh Teresa Calcutta đã nâng việc cứu khổ con người thành thánh hạnh: “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm những việc lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ mọn với tình yêu lớn lao” (Not all of us can do great things, but we can do small things with great love).

 

Đôi lời tự bạch

 Khi hay tin Linh mục Trương Bửu Diệp được phong thánh, tôi còn nhớ ngày 1 tháng 11 hàng năm là ngày Lễ Các Thánh của Thiên Chúa giáo nên trong dịp nầy tôi đã viết trên trang Facebook của mình lời chúc mừng gửi đến anh chị em bằng hữu đạo Công Giáo với một tấm lòng thuần tính thiện hữu qua những trải nghiệm của chính mình.

Đây là một trang mạng xã hội cá nhân mà tôi sử dụng theo đúng chức năng của nó như những trang nhật ký riêng tư thường phổ biến và bình luận trong vòng bạn bè và độc giả. Có khoảng 200 người theo dõi và bình luận. Bên cạnh hầu hết những lời comments khách quan và thân thiện thì cũng có năm ba ý kiến phản biện từ nhẹ nhàng đến gay gắt. Tôi cho những ý kiến bình luận trực tiếp dù ở mức độ nào cũng nằm trong tầm sinh hoạt tinh thần lành mạnh trong giới hạn xem Đạo là Con Đường để cùng đi tới những bến bờ cảm nhận, thông thoáng, hóa giải và thiện lành là nét son của tinh thần tôn giáo. Nhưng thật đáng tiếc là thiện ý của tôi đã bị trưng dụng như một sản phẩm màu mè, làm nền quảng cáo nặng tính “đạo đáo đời”: Đạo không còn là con đường mà lại bị khai thác thành tư liệu câu khách!

Trong thời gian hơn hai năm qua, bài viết trên trang Facebook cá nhân của tôi về Linh mục Trương Bửu Diệp đã bị trích dẫn, sửa chữa, cắt xén tùy tiện bởi một số tác giả vô danh và hữu danh đưa vào các mục viết về sự linh hiển đầy cường điệu của cha Diệp. Thậm chí, những hình ảnh riêng của cá nhân tôi và gia đình chụp trong các sinh hoạt với nhiều nhân vật và tu sĩ Phật giáo được tận dụng đưa vào các bài viết mang tính quảng cáo đủ trình độ và thể loại đã gây ra phản ứng trái chiều, làm xao động tinh thần thanh tịnh, từ bi và trí tuệ vốn có của cửa thiền và Phật hạnh; tuy không nhiều và chẳng có gì nghiêm trọng nhưng trực tiếp hay gián tiếp một cách đáng tiếc, những hình thức suy diễn theo cảm tính nói lên tính “pháo đài” của tôn giáo hơn là con đường chân thiện mỹ đáng lẽ phải có.

Xin đưa ra một ví dụ đang luân lưu trên YouTube:

https://youtu.be/85c9moeYBSM

Ở thế chẳng đặng đừng trong một đề tài tôn giáo tế nhị nhạy cảm, tôi viết những dòng nầy như một lời xin lỗi đối với các bậc tôn túc Phật giáo đã bị “ai đó” nêu danh tính và hình ảnh gây phản cảm tôn giáo. Đồng thời, xin các tác giả tôn giáo bạn đã quá “nhiệt tình” với bài viết của tôi về Linh mục Trương Bửu Diệp, vui lòng chỉnh sửa hay gỡ bỏ những “bình luận” màu mè mang tính quảng cáo và hình ảnh riêng tư chẳng có liên hệ trực tiếp nào với bài viết nguyên văn đã đăng trên trang Facebook của cá nhân tôi.

Ước mong, Đạo mãi mãi là Con Đường.

Sacramento, ngày 28-10-2024

          Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan