Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
Tác bạch:
Sau đại hội Tháng 10 của GHPGVNTN -VP2 – VHĐ tổ chức tại San Jose, California, USA, một nhóm các đạo hữu và thân hữu đã gởi thư kêu gọi những Phật tử có quan tâm đến hiện tình của Phật giáo Việt Nam nên ngồi lại với nhau, thuyết trình, góp chung tiếng nói hấu mong“giải trừ pháp nạn”. Nhiều ý kiến khác nhau đưa ra, hầu hết cho rằng bệnh tình trầm kha hết thuốc chữa. Những ngày ở thiền viện Quy Nguyên với Thầy Thích Minh Điền tại Dallas, Texas, tôi gọi thăm và xin tham khảo ý kiến với Thầy Thích Hạnh Tuấn đang ở Chicago. Tôi rất tâm đắc với Thầy về hướng tích cực khi nhìn vào khả năng hóa giải và chấn chỉnh (chưa dám nói đến chấn hưng) PGVNTN. Thầy Hạnh Tuấn cũng tán đồng nhiều ý kiến “lạc quan” của tôi, nhất là về tuổi trẻ Phật Tử mà Thầy đang gánh vác chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên. Thầy khuyến khích tôi nên thẳng thắn viết lên quan điểm của mình. Tôi “Dạ, hứa” nhưng khi về lại California, chưa viết được dòng nào thì đã bàng hoàng nghe tin Thầy đột ngột ra đi vĩnh viễn.
Hôm nay, thứ Bảy, nghĩ đến sáng sớm ngày mai, Chủ Nhật, là lễ hỏa táng của Thầy. Suốt ngày hôm nay, tôi ghi lại những suy nghĩ và nhận định của mình.
Kính bạch giác linh Thầy Hạnh Tuấn.
Bây giờ là buổi chiều rất lạnh ở California, sáng mai con không có mặt trực tiếp dự lễ hỏa táng thân tứ đại của Thầy, nhưng con đã cố gắng suốt ngày ghi lại những ý nghĩ riêng mà con đã chia sẻ với Thầy. Đây cũng là ý nguyện đem chút tâm thành gởi vào dòng hội luận như là một nén hương lòng thắp lên bái biệt Thầy.
Ngưỡng nguyện Thầy ra đi thanh thản và nếu mai kia về lại cũng an lạc thân tâm, viên thành đại nguyện.
Nguyên Thọ TKĐ
~~oOo~~
Xã hội Trung Hoa là một thế giới phân chia giai cấp. Nhưng có một nẻo sống thực tế và sinh động mà tất cả các giai cấp, từ quý tộc đến bần cùng đều có quyền chia sẻ bình đẳng, đó là con đường vươn lên để sống còn, khi phải đương đầu vật lộn với Nguy Cơ: Trong Nguy biến bao giờ cũng có mầm Cơ hội. Tới đường cùng thì phải chuyển hóa và nhờ chuyển hóa nên mới giải quyến được vấn đề. (Cùng tắc biến, biến tắc thông.)
Vấn đề TRỌNG TÂM được đặt ra với câu hỏi:
Thực tế, Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại đang bị lâm nguy, đang bước tới đường cùng hay đang có cơ hội hóa giải, chấn chỉnh và phát huy tinh thần thống nhất đích thực?
Từ sau ngày Đại hội tháng Mười của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – Văn phòng II Viện Hóa Đạo – tổ chức ba ngày 8, 9 và 10 tại San Jose, California, Hoa Kỳ – nhiều ý kiến đóng góp xuất hiện trên các mạng lưới truyền thông xã hội tiếng Việt với nội dung xoay quanh nhiều vấn đề của Phật giáo Việt Nam. Nhưng những bài viết có lời lẽ khẩn thiết hơn cả là những bài viết về đề tài “Pháp nạn và giải trừ pháp nạn.”
Bên cạnh đó, những bài phản bác từ phía Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và diễn đàn Quê Mẹ của đạo hữu Võ Văn Ái có trụ sở đóng tại Paris cũng hết sức nhiệt tình và xông xáo trong nội bộ Văn Phòng 2 – VHĐ ở hải ngoại đã và đang gây ra một sự ngộ nhận rằng: Nội bộ Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đang “xung đột và đánh trả nhau kịch liệt!”
Xin thưa, GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT là một DANH TỪ CHUNG (Common Noun) không phải là một DANH TỪ RIÊNG (Proper Noun) trong tổ chức, sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam. Đó là một nhóm danh từ (cụm từ theo tiếng Việt nội địa?) dùng để diễn đạt một hình thái rộng khắp, bao gồm nhiều tông phái, nhiều khuynh hướng và phương tiện sinh hoạt khác nhau của đạo Phật Việt Nam trong dòng lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam tuy tuỳ duyên phương tiện mà chia thành bộ phái, nhưng không xa rời lời dạy cốt tủy về kinh luật của đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nói chung.
Dưới chiếc dù mẹ có mẫu số chung là Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, có thể có nhiều phân nhánh tuỳ duyên như Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (Âu, Á, Úc, Mỹ… ) hay một tông, chi, miền nào đó.
Có lẽ căn cứ vào hiện tượng chữ nghĩa, văn thư, ý hướng va chạm nhau như thế nên một số người đã cho rằng Phật giáo Việt Nam đang gặp “pháp nạn”, đang lâm nguy sắp đến hồi thoái trào, mạt pháp tiêu vong nên vội tìm cách góp lời, góp ý để “giải trừ pháp nạn” chăng?
Khái niệm về “nạn” trong đạo Phật không phải chỉ có “bát nạn” như cách phân định của các tu sĩ luận sư Trung Hoa thời cổ. Nạn có hằng hà sa số hình thức; thậm chí, cái nạn đối với người nầy cũng rất có thể là hạnh phúc đối với người kia. Cái nạn khổ “cầu bất đắc, oán tương hội – muốn mà không được, được mà không muốn” là cái khổ nạn triền miên của kiếp người. Tôn Ngộ Không là hiền đồ cứn khổn phò nguy cho thầy trò Đường Tam Tạng nhưng lại là hung thần ác sát đối với ma vương.
Thế thì trong hiện trạng của PGVNTN ngày nay, thử điểm mặt nó là loại khổ nạn gì mà gây ra phiền não đến như vậy? Chỉ còn một cách điểm mặt trả lời mà tránh được thị phi là tại VÔ MINH.
Lôi thủ phạm Vô Minh ra khảo và kết án “chung thân” cho khuất mắt là xong chuyện, là sẽ hết ngay cái… pháp nạn chăng?
Vô minh trong đạo Phật được diễn dịch một cách nôm na đại chúng là SỰ NGU DỐT. Khái niệm trí tuệ trong đạo Phật không đo bằng kích thước phương tiện của nhân gian. Người không biết một chữ bẻ đôi của đời phàm như lục tổ Huệ Năng lại là bậc trí tuệ tuyệt vời. Kẻ đậu tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhất danh có khi là phường vô sĩ. Theo cách nhìn của đạo Phật thì sự ngu dốt diễn biễn dưới muôn vàn hình tướng:
Động cơ chủ quan: Do tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn gây nên.
Động cơ khách quan: Do không theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của hoàn cảnh, của “vạn pháp giai thị Phật pháp” quanh ta.
Nhìn lại lịch sử 50 năm của Gíáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) kể từ ngày 31-12-1963 các đoàn thể Phật giáo trong đó có Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam khai mạc Đại Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Xá Lợi với sự tham gia của 13 đơn vị tổ chức, bộ phái Phật giáo gồm có:
- Ủy ban Liên phái Phật giáo: Thượng tọaThích Tâm Châu
2. Giáo hội Tăng già Bắc Việt: Thượng tọaThích Tâm Giác
3. Thiền tịnh Ðạo tràng: Thượng tọa Thích Minh Trực
4. Giáo hội Nguyên thủy Việt Nam: Thượng tọa Thích Pháp Tri
5. Giáo hội Theravada: Lục cả Lâm Em
6. Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam: Thượng tọa Thích Thanh Thái
7. Giáo hội Tăng già Trung phần: Thượng tọa Thích Huyền Quang
8. Giáo hội Tăng già Nam Việt: Thượng tọa Thích Thiện Hoa
9. Hội Phật học Nam Việt: cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
10. Hội Phật giáo Nguyên thủy: cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu
11. Hội Phật giáo Trung phần: Thượng tọa Thích Trí Quang
12. Hội Việt Nam Phật giáo: cư sĩ Vũ Bảo Vinh
13. Ðại diện Phật tử Theravada: cư sĩ Sơn Thái Nguyên
Hiến chương của Giáo Hội được công bố ngày 4-1-1964. Ngày 12-1-1964 đại hội bầu xong Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo của giáo hội. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tăng Thống và Thượng tọa Thích Tâm Châu làm viện trưởng Viện Hóa Đạo. Với 13 đơn vị cùng chung chí nguyện thành lập GHPGVNTN thì hiển nhiên đây là sư xác lập nguyên tắc rằng: Thống Nhất là thống hợp chứ không phải là thống trị.
Là những người Phật tử trẻ tuổi thời 1963, suốt thời kỳ Đại Hội, chúng tôi vận động các đơn vị Gia đình Phật tử và khuôn hội khắp Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quàng Nam, Đà Nẵng… cùng nhất tâm cầu nguyện cho Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo đang tiến hành ở Sài Gòn được thành tựu viên mãn. Thống nhất Phật giáo là giấc mơ ấp ủ của toàn thể Phật giáo đồ qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc.
Tin bởi vì tin đồn, vì hình tướng hào nhoáng hay vì chức danh giả lập là tin nhảm; đi ngược lại với tinh thần Bi, Trí, Dũng của con nhà Phật.
Sau năm 1975, ở hải ngoại, Giáo hội PGVNTN có ba văn phòng riêng cho ba khu vực: Âu Châu, Hoa Kỳ, và Úc-New Zealand. Tăng ni và Phật tử mặc nhiên chấp nhận sự sinh hoạt tiếp nối truyền thống Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã có từ thời 1964. Tất cả Phật tử đến chùa tu học, lễ Phật chẳng có ai thắc mắc hoặc quan tâm mình theo giáo hội nào bao giờ.
Suốt 15 năm đầu sống trên đất Mỹ, chúng tôi đến chùa viện Phật giáo ở nhiều thành phố và nhiều tiểu bang. Nơi đâu tôi cũng nhận thấy rằng, các chùa đều sinh hoạt theo nếp truyền thống êm đềm như những ngày còn ở trên quê hương trước năm 1975.
Nhưng đến tháng 9 năm 2007, Giáo chỉ số 9 gửi ra từ Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế có trụ sở đóng tại Paris, do đạo hữu Võ Văn Ái chủ trương điều hành đã gây nên một tác động mạnh mẽ cho thế giới Phật giáo Việt Nam ở Hải Ngoại. Với nội dung và lời lẽ mang tính nghiêm trọng, bản văn nầy ra lệnh khai trừ những vị tu hành, đã có quá trình tu hành lâu năm, ra khỏi “Văn Phòng II Viện Hóa Đạo đổi mới.” Hầu hết giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia đã nghi ngờ nên đặt vấn đề về sự trung thực và chính đáng của một quyết định loại trừ nhân sự và thay đổi cơ cấu tổ chức của GHPGVNTN đã và đang tồn tại trong một hoàn cảnh có nhiều nguy cơ phân hóa của đạo Phật Việt Nam ở hải ngoại. Rồi tiếp theo đó là những bản văn mang tên “giáo chỉ số 10 và giáo chỉ số 12” trong 8 năm tiếp theo, tuyên bố loại trừ và tái phối trí cấu trúc đơn vị GHPGVNTN VP 2, trong khi thực lực và nhân sự quá giới hạn.
Hệ quả của lối hoạt động, lãnh đạo bằng văn thư, văn bản như thế làm cho lý tưởng giải thoát bị lu mờ trước những danh từ đao to búa lớn, thiếu ái ngữ và lối ứng xử lạnh lùng vắng bóng từ bi, mơ hồ trí tuệ của một hình thức phương tiện trái đạo pháp tương tự như vũ khí chính trị mang vào chùa.
Thời gian đã khác, hoàn cảnh đã đổi thay. Thực tế văn hóa và xã hội phương Tây áp dụng vào tôn giáo là mỗi đơn vị chùa viện, giáo đường đều có thể đứng ra thành lập một “giáo hội” hay thậm chí một “tôn giáo mới” độc lập mà vẫn được xem là hợp lý, hợp tình dưới dự che chở của luật pháp của chính quyền sở tại trên căn bản quyền tự do lập hội và tín ngưỡng. Các hệ phái Tin Lành ở Mỹ và các hình thức tôn giáo tân lập trên khắp thế giới ngày nay là những ví dụ cụ thể. Hình thức tổ chức là sản phẩm của hoàn cảnh. Đạo Phật ngày nay cũng không qua khỏi sự phát triển tự nhiên đó được. Đã có rãi rác đâu đó tình trạng chùa ly khai hay tự trị sinh hoạt độc lập với mức độ đơn giản như có cơ sở sinh hoạt riêng, tăng chúng và đạo tràng riêng, nhân sự quản lý và tín đồ riêng, ngân sách tài chánh riêng; thậm chí kinh tụng và nghi lễ riêng. Đơn giản vì không có sự lãnh đạo hàng ngang cũng như hàng dọc thì Phật tử biết dựa vào đâu ngoài “Nhị Bảo” Phật, Pháp và chính bạn đạo trong địa phương mình.
Cho nên, cấu trúc của tôn giáo nói chung và mạng mạch của Phật giáo nói riêng trong xã hội ngày nay mà sử dụng hình thức “giáo chỉ, văn thư trị” theo khuynh hướng “Vô Ngã Drones”. Nghĩa là theo kiểu máy bay chiến đấu không người lái, xuất phát từ một phòng điều khiển đâu đó tại một thành phố lớn Âu Mỹ, nhận lệnh “tham mưu” qua emails, điện thoại tại Việt Nam và thi hành tại Hoa Kỳ hay nhiều nơi trên thế giới là cả một tiến trình nghịch lý và bất chấp tính nhân bản, trí tuệ và lòng từ bi của con người. Như thế là vô hình chung đi ngược dòng tiến bộ của lịch sử phương tiện thiện xảo như đem giáo mác và gậy tầm vông thời 1930 để đối trị với vũ khí hạt nhân thời thế kỷ 21!
Đây mới chính là khổ nạn tự thân chứ hoàn toàn không phải là pháp nạn.
Tại sao? Lý do đơn giản là vì những xung đột đã và đang xảy ra là “vấn đề” xung đột nội bộ của những thành viên có cùng lợi ích (interest group). Đấy không phải là “vấn đề” chung nhất của đa số Phật tử hải ngoại.
Bằng chứng là 45 năm qua và sau Giáo chỉ số 9, hơn 500 ngôi chùa, tu viện và học viện Phật giáo Việt Nam khắp năm châu vẫn sinh hoạt bình thường. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất liên châu, liên quốc gia, liên vùng… vẫn chẳng có biểu hiện nào chứng tỏ bị ảnh hưởng bởi sự khủng hoảng nhân sự và nội bộ của GHPGVNTN Văn Phòng 2 VHĐ.
Từ sau khi “giáo chỉ” số 9 quyết định khai trừ các Tăng Ni trụ cột của giáo hội PGVNTN ra khỏi Văn phòng 2 VHĐ, Phật tử cũng như quý Tăng Ni chỉ lặng lẽ giữ lòng thanh tịnh tiếp tục đường tu và cùng nhau phát huy tinh thần thống nhất Phật giáo. Không động tâm, không phản ứng bằng vọng tâm, xảo ngữ và hý luận; giữ được không gian yên tịnh ở khắp chốn chùa viện. Và, cuối cùng như một chuỗi nhân quả tự phát và tinh thần nghiêm trì giới luật, những đơn vị Phật Giáo Thống Nhất như Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, châu Âu, châu Úc, Canada… đã phát triển và tạo được không khí hòa hợp Liên Châu, Liên Vùng nói riêng và Hải Ngoại nói chung. Tinh thần THỐNG NHẤT LÀ THỐNG HỢP CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ THỐNG TRỊ ngày càng phát huy trong lặng lẽ, tương thông và tương kính.
Có thể nói, đây là thời điểm thuận lợi nhất để Phật giáo Việt Nam xây dựng và chấn hưng, kiện toàn tổ chức và phương tiện tu học.
Hiện tại, hàng nghìn Tăng Ni thuộc hàng giáo phẩm tôn túc cũng như tăng chúng bình thường vẫn có nhiều cơ hội sinh hoạt thường xuyên với nhau qua nhiều dạng thức linh động và đầy thiền vị như các đợt tu học, đại hội Về Nguồn, hiệp kỵ Lịch Đại Tổ Sư… từng miền, đơn vị quốc gia, châu đại lục hay toàn thế giới.
Không có đau khổ (nền móng đầu tiên của Tam Pháp Ấn) thì Phật giáo không có lý do xuất hiện. Trong quá trình “tụ tán” uyển chuyển của dòng sinh mệnh Phật giáo thì Cứu Khổ và Giải Thoát mới là mục đích cốt tủy của đạo Phật. Ngoài ra, tất cả chỉ là phương tiện tạm bợ tùy thời, tùy duyên và tùy căn cơ của từng đối tượng. Cho nên, một đám cháy rừng không phải sự thiêu hủy cả sơn hà hải địa; một con sông chảy hay lấp chẳng làm đầy hay cạn biển khơi… Cũng như thế, một bộ phái Phật giáo thoái trào hay tự hoại có thể là một mối ưu tư đầy quan tâm, một nỗi thương cảm của tình đồng đạo trong tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, chứ không thể cường điệu và coi đó là một Pháp Nạn như thời điểm 1963!
Tình trạng Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại hiện nay là CƠ HỘI THUẬN LỢI NHẤT ĐỂ HOÁ GIẢI NHỮNG XUNG ĐỘT, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ PHÁT HUY THẾ MẠNH CỦA CON ĐƯỜNG SINH MẠNG: TĂNG GIÀ HÒA HỢP, TỨ CHÚNG ĐỒNG TU CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT.
Sacramento thứ Bảy 7-11-2015
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn