Christmas Eve. Chiều Giáng sinh. Chiều truyền thống của các nước phương Tây sao mà giống như không khí chiều 30 Tết của Việt Nam… đến thế! Mọi công việc làm ăn của đời sống thường ngày tạm gác qua một bên. Không khí đoàn tụ về lại trong từng mái ấm gia đình. Tâm hồn con người quay về lại với nhau. Trong những góc riêng của mỗi tấm lòng có một cái gì đó rất chung không nói được bằng lời. Có vẻ như đấy là sự im lặng thiêng liêng đầy chiêm bái. Cũng có vẻ như từng đợt sóng âm thanh bay quanh đỉnh nhọn cao vút của những cây thông Nô En. Có chăng là tiếng lặng của Tâm Tưởng; của Silent Night – Đêm Thánh Vô Cùng…
Chiều Giáng sinh tại miền Bắc California, đã 4 giờ 30, nghĩa là chỉ còn 30 phút phù du nữa thôi là tôi có quyền phủi tay thong dong về nhà dự bữa cơm chiều sum họp Giáng sinh với gia đình. Giáng sinh không còn mang ý nghĩa là một ngày lễ hội tôn giáo mà đã trở thành một ngày lễ truyền thống tưng bừng lớn nhất trong năm tại các nước Âu Mỹ ngày nay. Nhưng một báo cáo mới vừa chuyển tới. Tôi là người cuối cùng trong ngày của nhóm trực “Ứng phó khẩn cấp” (Emergency Response) thuộc cơ quan CPS đến phiên phải thụ lý hồ sơ. Đây là một hồ sơ mới, yêu cầu ứng phó tức khắc để điều tra khẩn cấp về trường hợp trẻ con của một gia đình đang bị lâm nguy.
CPS là tên viết tắt ba chữ đầu của Cơ Quan Bảo Vệ Trẻ Em (Children’s Protective Services). Đây là một cơ quan bảo vệ trẻ em có mặt trên toàn 50 tiểu bang của Mỹ nên hầu hết quần chúng Mỹ đều biết “CPS” là ai. Giới cha mẹ hay người giám hộ đàng hoàng, có trách nhiệm với con cái thì coi CPS là một cơ quan cần thiết và giúp ích rất lớn cho sự ổn định gia đình và xã hội. Giới phụ huynh bê bối thì coi CPS là thế lực đầy “nanh vuốt” của nhà nước. Nó chuyên gây khó dễ cho phụ huynh. Nó bắt trẻ con “bị hành hạ ngược đãi” (child abuse) ra khỏi gia đình, rồi đưa vào trung tâm Bảo vệ Thiếu nhi (protective custody) bất chấp phản ứng của cha mẹ hoặc chính nạn nhân. Trời Cali mùa Đông chưa tới 5 giờ chiều đã tối. Tôi xách cặp hồ sơ, lái xe công lên đường đến nhà “khách hàng” là nơi bị báo cáo có trẻ em đang bị ngược đãi và lâm nguy.
Gia đình “nguy hiểm” nầy ở trong một khu chung cư rộng lớn có cả nghìn đơn vị gia cư. Đến ngay căn chung cư có địa chỉ ghi trong báo cáo, tôi gõ cửa đến lần thứ ba mà vẫn không có ai trả lời. Sống ngón tay nhức buốt vì lạnh và sức va chạm vào thành cửa. Rõ ràng tiếng cãi vã của người lớn từ trong nhà vọng ra vừa im bặt. Bỗng có tiếng trẻ con khóc thét lên và tiếng người lớn nói khẽ “suỵt, suỵt” để trấn áp tiếng khóc. Lần nầy, tôi mạnh dạn gõ lên khung cửa liên tiếp với chùm chìa khóa trong tay. Hình như không còn giữ mãi im lặng được nữa, một khuôn mặt đàn ông đỏ gay, râu ria tua tủa, đôi mắt trợn trừng dữ dằn ló ra sau khung cửa mở hé và hỏi như nạt nộ:
– Ai đó?
– CPS của Sacramento.
Tôi vừa trả lời vừa đưa thẻ hành sự cho người đối diện. Gã đàn ông vừa nghe 3 chữ CPS đã vội hét lên:
– Hả?! Cũng lại tụi CPS ngu ngốc đến quấy rầy chúng tao nữa sao. Chúng mầy định giở trò khỉ gió gì mà làm ồn lên thế?
Tôi vẫn giữ vẻ ôn tồn và lịch thiệp nói với người đàn ông:
– Thưa ông, cơ quan CPS chúng tôi nhận được báo cáo rằng, trẻ con trong nhà nầy đang bị quên lãng, ngược đãi vì chúng nó đang đói và lạnh mà không có thức ăn trong nhà và không có máy sưởi…
Không chờ tôi nói hết lời, người đàn ông đã nóng nảy mắng át đi bằng một loại tiếng Anh thô bạo, sặc mùi hè phố với những chữ chửi thề “F…, B…, S…” liên tục:
– Mẹ kiếp! Đứa nào báo cáo ba cái thứ chó đẻ nầy thế? Toàn là một mớ báo cáo láo khoét ngu xuẩn. Chúng tao nuôi nấng trẻ con trong nhà nầy rất tuyệt vời. Chúng tao là một gia đình hạnh phúc. Tất cả trẻ con đều sung sướng. Chẳng có gì sai trái để tụi CPS chúng bây chỉa mõm vào đây cả.
– Thưa ông, tôi chưa kết luận là báo cáo đúng hay sai gì cả. Tôi đến tận đây là để xem xét tình hình và làm sáng tỏ về báo cáo trẻ con trong gia đình nầy có thật sự bị ngược đãi và hành hạ hay không. Tôi đang làm việc, đang thi hành nhiệm vụ, thế thôi.
Người đàn ông lại hét tướng lên, lần nầy chỉa thẳng vào mặt tôi, ông ta tưởng lầm tôi là người Trung Hoa:
– Con mẹ nó! A, cái thằng Tàu ngu dốt dám cả gan qua xứ Mỹ nầy dạy chúng tao phải nuôi con như thế nào cho đúng, hả?!
Liền sau phản ứng quyết đấu của người đàn ông, có khuôn mặt một người đàn bà tóc nâu, da trắng hiện ra sau khung cửa mở hé. Đôi mắt to, mở lớn đầy hoang mang và sợ hãi. Một phần khuôn mặt ẩn sau cánh tay hộ pháp của người đàn ông, người đàn bà ra giọng can ngăn:
– John, câm miệng lại. Này, cái ông… ông gì đó CPS, chẳng có gì sai trái tại gia đình nầy cả. Chẳng có gì để CPS dính líu vào đây cả.
Tôi đã quá quen với “thực tế chiến trường” nên những lời nạt nộ thô bạo của người đàn ông hay lối giải thích vu vơ của người đàn bà chẳng có giá trị gì cả. Thản nhiên, tôi lên tiếng:
– Thưa bà, tôi đang làm nhiệm vụ là điều tra xem những điều báo cáo có đúng hay không. Bà yên tâm, nếu thực sự chẳng có gì sai thì tôi đóng hồ sơ lại mà thôi.
Người đàn bà lên giọng khó chịu:
– Thế thì ai báo cáo những điều ngu ngốc nầy?
Tôi trả lời như cái máy thu băng:
– Theo luật, tôi không được phép tiết lộ danh tánh hay ai là người báo cáo.
Người đàn bà vẫn khăng khăng, có vẻ như đang tìm kế hõan binh:
– Tôi biết điều đó. Nhưng rất tiếc bây giờ là chiều Giáng sinh. Chúng tôi đang bận rộn lo cho buổi cơm chiều sum họp gia đình. Ông có thể trở lại gặp chúng tôi vào khi khác vậy.
Tôi biết giới hạn trách nhiệm của mình nên trả lời ngay:
– Tôi rất tiếc là không thể hoãn. Tôi phải thi hành luật pháp và bắt đầu việc điều tra của tôi ngay bây giờ.
Người đàn bà hỏi nhanh:
– Điều tra như thế nào?
– Kiểm tra xem trong nhà bà có đủ thức ăn đầy đủ và có máy sưởi ấm cho trẻ con hay không?
Người đàn bà trở nên đanh đá:
– Trát tòa án xét nhà đâu?
Tôi chỉ vào tập hồ sơ báo cáo CS248, trả lời:
– Đây. Theo luật pháp liên bang, báo cáo nầy là trát tòa khẩn cấp.
– Đấy không phải là trát tòa án hợp lệ.
– Nếu nghi ngờ, bà cứ gọi ngay số khẩn cấp 911…
Người đàn ông và người đàn bà quay nhìn nhau ra vẻ bối rối. Bỗng người đàn ông tiếp tục đẩy mạnh chiến thuật tấn công “biển người” bằng cách đẩy người đàn bà ra phía trước và gào lên:
– Ê, thằng Tàu kia. Cút ngay!
Tôi vẫn thản nhiên yêu cầu gặp trẻ con và kiểm chứng những chi tiết trong báo cáo. Thái độ không nao núng của tôi làm gã ta điên tiết thêm và gào to hơn:- Không thể được… Không thể được! Cút. Cút ngay lập tức! Hay là… hay là, nhìn đây…
Và gã ta đưa bàn tay phải lên, chỉa thẳng ngón tay trỏ và ngón tay giữa, co các ngón tay khác lại để làm thành dấu hiệu của khẩu súng ngắn. Rồi gã ta đưa khẩu súng tưởng tượng lên mang tai của mình và miệng phát ra âm thanh nổ súng đe doạ:
– Păng… păng!
Đến nước nầy thì tôi chỉ còn cười nhạt và quay ra xe. Tôi gọi số đặc biệt của đội cảnh sát tuần tra và yêu cầu họ đến ngay địa điểm tôi đang làm việc để giúp bảo vệ an toàn.
Khi quay lại chổ cũ, tôi thấy cửa nhà của đơn vị chung cư đóng kín im ỉm khi hai chiếc xe cảnh sát chớp đèn chạy tới chưa đầy năm phút sau đó.
Hai nhân viên cảnh sát một nam, một nữ thay nhau gõ cửa nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Bỗng có tiếng trẻ con khóc thét lên từ phía trong nhà vọng ra. Hai nhân viên cảnh sát trao đổi với nhau và quyết định tung cửa bước vào. Người đàn ông cố làm một cử chỉ phản kháng nhưng đã bị cảnh sát ra lệnh đứng yên để xét vũ khí trong người và giấy tờ. Không mất thì giờ lâu để sảnh sát nhận ra rằng, gã đàn ông thô lỗ kia là một tội phạm đang đang trốn lệnh bắt giam. Lập tức, gã ta bị còng tay và dẫn ra xe chở vào nhà giam. Còn lại người đàn bà và bốn đứa con nhỏ trong căn nhà mờ tối. Trời lạnh gần độ đông đá bên ngoài mà bên trong nhà vẫn không có sưởi. Cả mấy mẹ con trùm chăn nằm co ro quanh cây thông giáng sinh đặt ngay giữa phòng khách. Những đôi mắt kinh hãi nhìn tôi chờ đợi khi tôi tiến lại gần và lên tiếng với bà mẹ:
– Xin lỗi, bà có phải là Jean Turner không?
Người mẹ trả lời không do dự:
– Vâng.
– Sandy, Alex, Ron và Amy là con của bà đang nằm trong chăn đây phải không?
– Vâng, vâng… .
– Người đàn ông vừa bị bắt có phải là chồng bà và cha của mấy đứa nhỏ nầy không?
Người đàn bà lưỡng lự, rồi hạ giọng trả lời:
– Không. Anh ấy không phải là chồng tôi và cũng không phải là cha của đứa nhỏ nào đây cả. Anh ta chỉ là bạn trai của tôi thôi.
– Bạn trai ở trong nhà hay đến viếng?
– Anh ta ở riêng. Nhà cửa tại đâu tôi không biết. Thỉnh thoảng anh ấy mới đến đây chơi thôi.
Cuộc thẩm tra bước qua giai đoạn nghiêm trọng khi tôi yêu cầu người mẹ chứng minh là có đủ đồ ăn cho trẻ con. Người đàn bà chui ra khỏi mền, run lập cập vì lạnh và bị mất tinh thần vì thực tế trong nhà chẳng còn thức ăn nào cho trẻ con và người lớn. Mặc cho người đàn bà lắp bắp tìm cách giải thích loanh quanh, nhưng theo luật, trước hết tôi đến kiểm tra tủ lạnh đựng thức ăn và đồ uống. Cái tủ lạnh vẫn chạy nhưng các ngăn đều trống trơn. Trong ngăn đá chỉ có mấy chai nước lạnh đã đông cứng thành đá. Tôi tiếp tục kiểm tra các tủ đựng thức ăn quanh bếp, nhưng chẳng có một món đồ ăn nào còn sót lại. Người mẹ với chiếc mền nhỏ quàng quanh người cho đỡ lạnh, liên tục nói tới những nguồn thực phẩm hứa hẹn sẽ có do hàng xóm, bà con hứa sẽ mang đến.
Đã 9 giờ tối. Người mẹ như đã có kinh nghiệm từ trước, liếc mắt nhìn vào xấp giấy tôi vừa ký. Nhưng ngay khi tôi đưa điện thoại lên gọi cảnh sát đến chở bốn đứa trẻ ra khỏi nhà, người mẹ hất chiếc mền xuống đất và vươn tay giữ bàn tay đang cầm điện thoại của tôi lại, thảng thốt kêu lên:
– Khoan.
– ?!
Người đàn bà mở lớn đôi mắt xanh, giọng trầm xuống hỏi tôi:
– Ông là người Việt Nam phải không?
– Sao bà biết?
– Vì trên tấm danh thiếp ông trao hồi nãy, tôi đọc được ông họ Trần.
– Sao bà biết họ Trần là từ Việt Nam?
– Vì bố tôi là cựu chiến binh Việt Nam.
Không còn nhiều thời gian, tôi đi thẳng ngay vào đề:
– Vâng, tôi là người Việt Nam. Nhưng nếu là người Việt Nam hay người nước khác thì có gì khác nhau chăng?
Bà ta nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:
– Ngày lễ lớn nhất của Việt Nam là ngày Tết thì phải? Trong bức thư cuối cùng năm 1968, bố tôi viết như thế đó. Ông cụ so sánh ngày Tết Việt Nam với ngày Giáng Sinh ở Mỹ. Đúng không ông?
– Vâng, đúng vậy. Thế ông cụ thân sinh bà qua đời rồi sao?
– Người mẹ mắt nhìn xuống, trả lời buồn rầu:
– Chưa. Bố tôi còn sống nhưng đã hoàn toàn mất trí từ năm ấy.
– Bà… bà sinh ra…
Tôi nói chưa hết lời thì người đàn bà đã hiểu ý, tiếp lời:
– Kể như không có cha, tôi là một nạn nhân vô tội của chiến tranh Việt Nam…
– ?!
Người mẹ kể lể:
– Cha tôi điên, mẹ tôi nghèo giữa một xã hội giàu có. Tôi tự do lêu lổng và hút xách, rồi bỏ học. Tuổi 16, tôi đã dính líu chuyện trai gái tình dục. Lớn lên chẳng có được một nghề gì kiếm ăn nên phải bám vào trợ cấp xã hội (welfare.) Những đứa con không cha thế hệ thứ hai ra đời phải sống bằng tiền đóng thuế của người khác, như bầy con tôi mà ông thấy đó.
Suốt mười năm qua, tôi làm việc hàng ngày với mặt trái của xã hội Mỹ. Đấy là một xã hội nghèo núp bóng sau những thế lực ngự trị của một xã hội giàu sang. Một mảnh xã hội nghèo trong một quốc gia giàu có thường bắt nguồn từ tuổi trẻ chỉ biết hưởng thụ, học đòi và thỏa mãn dễ dãi trong nếp sinh hoạt không cần biết đến ngày mai. Tôi sốt ruột lên tiếng:
– Bà Turner, tôi rất tiếc là không làm gì khác hơn được trong hoàn cảnh nầy. Tôi phải đưa cả 4 cháu vào trung tâm Bảo Vệ Trẻ Em.
Người mẹ khóc nấc lên, cố năn nỉ với giọng đứt quãng:
– Thưa ông, tôi hiểu là ông đang làm công việc của ông phải làm. Nhưng ông có thể giúp mẹ con chúng tôi có được một đêm Giáng sinh với nhau, rồi sáng sớm mai ông bắt các cháu đi có được không?
Tôi trả lời thẳng băng:
– Rất tiếc, không được. Ai sẽ ở tù thay cho tôi nếu đêm nay các cháu chết vì đói hoặc vì lạnh?
Người đàn bà giọng cương quyết hơn bao giờ hết:
– Tôi sẽ đi quanh các nhà lân cận xin thức ăn.
– Nhưng trời lạnh dưới độ đông đá nầy mà không có máy sưởi, lỡ các con bà sẽ chết vì lạnh thì sao?
Đến đây, người đàn bà tuyệt vọng quàng tay ôm bốn đứa con nhỏ cúi rạp mình xuống dưới tàng cây Giáng Sinh. Bà nói nhỏ lời từ biệt và an ủi vào tai từng đứa. Nghe mẹ nói, ba đứa trẻ lớn tung ra khỏi cánh tay của mẹ và chạy trốn đâu đó ở góc nhà và đứa trẻ nhỏ nhất lồm cồm bò theo. Tiếng la hét mỗi đứa một khác, nhưng tất cả chỉ là một vọng âm:
– Không. Không! Không đi đâu hết. Con ở nhà với mẹ thôi, mẹ ơi!
Người mẹ khóc không còn ra tiếng:
– Trời ơi! Sao tôi khổ thế nầy?
Tiếng than của Jean Turner như một lời đay nghiến mỉa mai. Với khoản trợ cấp con mọn từ quỹ xã hội tính cả tiền mặt, tem phiếu thực phẩm và phụ cấp gia cư hơn 2 nghìn đô la một tháng – bằng lương của một kỹ sư độc thân mới ra trường sau khi trừ thuế — có lẽ tất cả những người mẹ trên thế giới không có lý do than đói, than nghèo như Jean Turner. Và, cho đến khi hai người cảnh sát lần lượt dắt và bồng bốn đứa trẻ ra xe thì vẻ mặt người mẹ đanh lại và hỏi tôi nửa như tò mò, nửa như thách thức:
– Ông à, sinh ra từ một đất nước nghèo nàn như Việt Nam, chả lẽ ông chưa bao giờ biết thiếu ăn hay chịu lạnh lẽo trong ngày Tết của ông sao?
Không một chút dự phòng hay tranh cãi, tôi thành thật trả lời:- Tôi không nhớ là đã có lần nào tôi bị thiếu ăn hay chịu rét trong đêm Giao Thừa ngày tôi còn bé, sống với mẹ ở vùng quê.
– Vì gia đình ông giàu có?
– Không, nghèo lắm, thưa bà. Nhưng mẹ tôi và những bà mẹ Việt Nam có cách hưởng thụ riêng.
– Hưởng thụ? Hưởng thụ là thưởng thức, ăn chơi thỏa mãn thì có ai khác gì ai đâu?
Chiếc xe cảnh sát chở bốn đứa trẻ đã đi khuất. Tôi xách cặp giấy tờ chào từ giã người mẹ đứng buồn thiu bên khung cửa sổ và nói với lại:
– Hưởng thụ sự hy sinh cho con cái. Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn…
Tôi không nghĩ là người mẹ vừa mất con hiểu và chia sẻ trọn vẹn câu nói của tôi trong tiếng Anh. Khi chiếc xe tôi lái bật đèn và rời khu chung cư. Khuôn mặt người mẹ bắt ánh đèn đường bên cửa sổ. Dáng rất quen mà tôi không nhớ đã gặp từ đâu. Xe chạy nửa đường tôi mới nhớ. Dáng vẻ đón mà đưa; mời mà tiễn của tượng Nữ Thần Tự Do vào một chiều cuối năm lất phất sương mù trên cảng Nữu Ước.
Trần Kiêm Đoàn
California, Mùa Giáng sinh 2006