Đọc “Chuyện Khảo Về Huế” của Trần Kiêm Đoàn

Mỗi năm một lần, cứ vào tiết sương giáng, tôi lại có dịp gần gũi những giòng văn, như một gặp gỡ ngẫu nhiên của thời gian khi tôi đang thong thả hưởng mấy tuần nghỉ đông và của không gian khi đất trời mỗi sáng mù sương, và mỗi chiều, dòng nhạc giáng sinh đâu đó khơi nguồn cảm xúc những hoài niệm về một quá khứ trong tôi ở quê nhà.  Huế của tôi . . .

Mỗi thành phố quê hương có những nét riêng biệt, để những người con khi ở, hoặc khi đã rời xa vần nhớ thương, lưu luyến.  Riêng Huế, thành phố dịu dàng bên dòng sông xanh mướt, mà nhà thơ Thu Bồn một lần đến Huế đã cảm nghe dòng chảy lạ thường của dòng sông:

“Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.“

Tôi được sinh ra và lớn lên trên quê hương mong manh sương khói ấy, mà non nước Hương Bình qua bao năm tháng đã tưới mát tâm hồn, nuôi tôi khôn lớn.  Để hôm nay, trong nỗi nhớ thương đòi đoạn, ký ức tôi cứ lập lòa giữa hiện tại và quá khứ . . . Đọc “Chuyện Khảo Về Huế“ của anh Trần Kiêm Đoàn, tôi đã thưởng thức món ăn tinh thần ngon hơn cả Bún Bò mụ Rớt, hơn Cơm Hến Đò Cồn, và có lẽ không thua gì Chè Sen Hồ Tịnh, bọc nhãn lồng Thành Nội Huế.

Mấy năm gần đây, nhiều người cho rằng anh Trần Kiêm Đoàn là một cây bút nổi bật nhất tại Sacramento.  Dưới một vài bút hiệu khác nhau như Trần Kiêm Đoàn, Trần Nguyên Thọ, hay Z.28, anh đã viết chuyện, viết góp ý xây dựng, viết chơi, viết chọc, và viết lời tựạ cho những tập thơ . . . Anh đã thành công và đã chiếm đa số cảm tình của độc giả, qua cả hai thể loại văn xuôi, lẫn văn vần, đặc biệt là những bài viết về Huế.

Chuyện Khảo Về Huế“ bao gồm 9 chuyện khảo được chọn lọc trong số những bài viết về Huế, hay liên quan đến Huế của anh.  Đây là một tác phẩm có khá đủ tư chất Huế.  Qua những bài khảo cứu công phu về món ăn Huế, tác giả đã nói đến cảnh Huế, người Huế, phong thổ Huế, lối sống Huế bằng một văn phong rất riêng biệt.  Nổi bật là tính mâu thuẩn “rất Huế“ được nói đến trong từng chuyện khảo, như cái “có“ vốn ẩn trong cái „không“ dường như được lãng quên giữa cuộc đời quanh ta, mà lại sáng lên rất rõ nét và sâu đậm với Huế, đã được trình bày qua ngòi bút tài hoa của tác giả.

Nói chung, cùng với mâu thuẫn “rất Huế“, “Chuyện Khảo Về Huế“ đã thu hút độc giả không những qua lối miêu tả rất gợi cảm về những món ăn đặc sản Huế, cách ăn của người Huế, hay qua những mẩu chuyện ngộ nghĩnh, vừa nên thơ, vừa cảm động được kể một cách dí dỏm và thật truyền cảm; mà còn qua lối viết hào sảng, nghệ thuật trỉnh bày đa dạng, cách dùng từ phong phú với nhiều thuật ngữ Huế, và hình ảnh rất chọn lọc phát xuất từ sự rung cảm của tâm hồn với cuộc sống vây quanh, thoát ra thành lời văn trong sáng, không trau chuốt mà bình dị như bà mẹ quê, dễ thương như dòng sông cũ dịu dàng … chảy thành thơ xuôi qua ký ức của một tâm hồn nghệ sĩ .

Từ những trang đầu của quyển sách, tác giả đã giới thiệu một cách khái quát mà rất thơ, để xác định với người đọc về chuyện khảo hay chuyện khào rằng “Nỗi nhớ cũng như tình yêu, mới hôm qua mà đã nghìn năm trước, mới một chút mơ ước mà đã nghìn năm sau; như ‘hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình“; như “…chuyện khảo là gốc là cành, mà chuyện khào là hoa là lá . . . vì vậy, dù mang tên nào đi nữa thì những trang sau đây cũng là mảnh lòng gởi Huế qua những chuyện khảo lẫn chuyện khào về Huế.“  (Chuyện Khảo, tr. 24)  Và trong chuyến về Huế, thăm lại Quảng Trị, anh đã viết: “Cây rất xanh nhưng ước mơ của con người thì vàng vọt.  Gặp lại những khuôn mặt thân thương và quen biết hơn hai mươi năm trước tôi nghe như có tiếng thở dài với nhiều mái tóc bạc hơn, những gò má hóp hơn và lắm nụ cười u uất.  Tình cảm Quảng Trị trong tôi và trong những người cũ gặp lại thì hình như mới chia tay đêm qua, vẫn ấm áp, chan chứa và thuần hậu cho dù hơn 20 năm chưa gặp lại.“ (Tản Cư, tr. 234)

Chọn bài “Về Huế“ để mở đầu tập sách, tác giả đã khéo léo vừa giới thiệu chủ đề của tác phẩm, vừa khơi nguồn cảm xúc của người đọc ngay những phút đầu.  Về Huế hay về với mẹ, bước chân của đứa con xa xứ làm sao khỏi bồn chồn “Chiếc xe đi quá chậm.  Chậm không phải vì tôi đã quen với tốc độ bạt gió ở Mỹ, nhưng chậm là vì tôi đang trên đường về với mẹ.  Lòng tôi thì đang di chuyển với tốc độ nôn nao và chớp mắt của tình thương, mà xe thì bò theo tốc độ của tay lái và dặm đường nên tốc độ vật lý chậm như con kiến bò so với tốc độ tâm lý lập loè như ánh chớp.“ (Về Huế, tr. 36)

Như nhiều người, tôi cũng có một mẹ già đã để lại cùng với quê hương mà quay mặt ra đi, rồi qua những lá thư, giờ đây rõ ràng trong ký ức, mẹ già tôi cứ ngồi thơ thẩn trước hiên, mỗi sáng, mỗi chiều, tay buông lơi chiếc gậy mà mắt thì cứ đăm đăm hướng về hồ Tịnh, nơi đó có mái nhà vợ chồng đứa con gái, nay đã đổi chủ . . . Đọc “Về Huế“, tôi đã khóc những giọt nước mắt tủi thân và sung sướng theo bước chân đứa con trên đường làng về với mẹ, mà “nghe mưa lâm thâm chảy dầm trên má lẫn với giòng nước ấm làm mặn môi mình.“  Có thể nói, tác giả có khả năng rót cảm xúc vào lòng người đọc qua ngòi bút diễn đạt tài tình của mình.  Câu văn có khi ngắn chỉ hai chữ, có khi dài, rất dài tùy thuộc vào cảm xúc trong lòng anh.  “Đây rồi.  Tôi lại về ngôi nhà cũ.  Bước vào ngõ có hai hàng gia tàu già bằng tuổi chiến tranh, hòa bình và chia cách của một đời góp lại.  Tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc tràn trề khi biết mình còn mẹ để …nói rất khẽ con đã về với mẹ.“  (Về Huế, tr. 39)

Miêu tả bằng lối kể chuyện, qua đôi mắt tâm hồn, và trái tim nồng ấm của đứa con xa hướng về quê mẹ như một nỗi đam mê, là đặc điểm riêng của lời văn trong tập “Chuyện Khảo Về Huế.“  Tôi thích những đoạn kể chuyện xen vào hình ảnh rất gợi cảm, lời văn tự nhiên, trong sáng, chảy xuôi dòng như thơ mà thấm vào lòng người:  “Mẹ tôi vẫn ngồi đó, trên chiếc giường gỗ kiền kiền còn vết cháy xém trong vụ Tây đốt nhà cả làng hơn 40 năm về trước.  Tôi nhảy chân sáo lên thềm nhà xi măng mát lạnh.  Người rất đông nhưng hình như tôi không thấy ai cả, chỉ thấy mẹ tôi ngồi lặng lẽ bên khung cửa sổ chếch ánh đèn dầu.  Tôi nhào tới mẹ, nhưng bỗng chững lại như ngọn sóng trào tung vào núi đá . . . Mẹ tôi vẫn ngồi im lặng, đôi mắt mờ đục nhìn đâu rất xa và đậu trên khuôn mặt tôi, sáng lên rỡ ràng, câm nín.“  Như bàn tay người nội trợ khéo biết nêm gia vị cho món ăn ngon hơn, với cái nhìn đời sắc bén, anh biết chọn những hình ảnh so sánh để tạo những bất ngờ lý thú cho người đọc:  “Làm thầy giáo tỉnh lẻ cũng như làm diễn viên của gánh hát bình dân lưu diễn cở các làng xã, cần giữ một khoảng cách và một thế giới nhỏ riêng tư.  Càng để cho học trò hay khán giả biết quá rõ đời tư và khuôn mặt thật của hậu trường, càng làm cho bục giảng và sân khấu giảm đi tính chất uy nghiêm, huyền ảo và là điểm tựa thiêng liêng của ông thầy và nghệ sĩ.“  (Hồi Cư, tr. 234)  Cũng có đoạn người đọc đã bất ngờ giật thót mình với một „kỷ niệm rát da“ của tác giả.  Ngày đầu tiên, người “thầy giáo mới ra lò“ đến nhận nhiệm sở: “Tôi cầm theo tập giáo trình quốc văn trên bàn tay có hai ngón giữa còn kẹp điếu thuốc Capstan lơ lửng khói bay và lững thững bước vào cổng trường Nguyễn Hoàng đầy tự tin.  Bỗng . . . một ngọn roi nào đó vừa vụt ngang lưng cùng với một giọng nói ồ ề đanh đá và đầy dọa dẫm: – Đồ học trò vô phép vô tắc, cả gan vô cửa thầy cô, hỉ?“  (Tản Cư, tr. 220)

Mỗi người, mỗi sự vật trong cuộc sống quanh ta có thể sẽ rất quý giá nếu được ta cảm nhận giá trị quý giá ấy.  Và ngược lại, một tác phẩm nghệ thuật có thể không có giá trị với người không thưởng thức.  Nhà văn Lê văn Lân nói rằng, đọc văn của anh Trần Kiêm Đoàn, “nếu đọc qua loa để biết cốt truyện thì hỏng.“  Tôi cũng nghĩ vậy.  Phải đọc thật kỹ mới thấy hết cái linh hoạt, khả năng diễn đạt rất đa dạng, và tâm hồn phong phú của anh.

Một trong những cái hay của “Chuyện Khảo Về Huế“ còn là, nó khiến người đọc thèm ăn.  Người chưa ăn cơm hến thấy thèm một tô cơm hến với “mùi thơm ngây ngất của các loại rau, khế, chuối cây, chuối bắp hòa với vị ngọt mượt mà của nước hến, vị mặn nồng nồng của ruốc, vị béo ngầy ngậy của tóp mỡ, vị chua thanh thanh của khế, vị chát the the của chuối và nổi bật nhất vị cay quỷ khốc thần sầu của ớt tương.“  (Cơm Hến, tr. 57)  Người đã ăn bún Huế thèm được ngồi trước một tô bún mụ Rớt để thưởng thức: “Tô bún chỉ lớn bằng bàn tay búp măng xòe ra một tí.  Nước bún trong để lộ những tép bún không mỡ màng, không bị vẩn đục vì gia vị.  Vài loáng ớt màu đỏ nhạt, quyện với dầu sả nổi đốm sao trên mặt tô không che được miếng thịt giò heo trắng ngả màu vàng với lớp da mỏng, ôm khoanh thịt nạc và mảnh xương tròn ở giữa như nhụy hoa nằm bắt mắt và mời gọi, nửa chìm nửa hở trong tô bún.“  Chưa hết, khách ăn còn hỏi cho có “một dĩa hành củ trắng phau và hành lá, rau thơm xanh mướt điểm thêm ngò ta xắt mỏng để rắc lên mặt tô bún cho thêm nồng nàn hương vị . . . trên một góc dĩa là ớt tươi xắt lát . . . Cũng xin nhắc anh chị ngồi trước tô bún, thì nhớ rằng: Cung cách nêm tô bún trước khi ăn cũng thể hiện được phong thái của người ăn.  Vẻ e dè chờ đợi của khách mới, dáng khoan thai của giới nhàn du, sự xông xáo của người đói bụng, cách lịch lãm của kẻ từng quen . . . là những biểu hiện thường tình trước tô bún.“  (Bún Bò, tr. 85-6)  Đọc “Mắm Ruốc“ lại thèm mắm ruốc.  Tôi thèm được ăn lại một bữa cơm tuổi hồng ngày xưa có mẹ, có ba, có món thịt phay tôm chua và rau sống.  Thật vậy: “Cái mùi mắm ruốc nồng nàn của mắm nêm không thể thiếu được trong những nồi canh mít tươi nấu lá lốt, canh môn, canh chột nưa truyền thống.  Thịt bò tái, bò nhúng mà thiếu nước chấm mắm nêm cũng khó „đượm“ như pha trà bằng nước nguội.“  (Mắm Ruốc, tr.149)  Còn “Chè Huế“, tôi nghĩ rằng không những anh đã cho độc giả tài liệu về giá trị khoa học của sen, “Thương chồng nấu cháo le le.  Nấu canh bông bí, nấu chè hôt sen“ (tr. 127) mà còn cho chúng ta cả hồn Huế, qua những ly chè Huế, “Những loại chè thường thấy nhất là chè đậu và chè hột: đậu đen, đậu ván, đậu trắng, đậu đỏ, đậu quyên, đậu ngự, chè kê, chè bắp, chè nếp, chè đậu phụng . . . chè đậu xanh đánh, chè đậu xanh hột, chè nếp, chè đậu xanh ‘lền’ . . .  chè bột lọc, chè khoai, chè môn, chè củ chuối, chè bột bình tinh, chè bột sắn cơm, . . . chè hột sen bọc nhãn, chè bột lọc bọc thịt quay . . .“ (Chè Huế, tr. 105)

Trong các chuyện khảo, tác giả còn khảo cả truyện tình.  Đặc biệt là mối tình đầu: “Cái thuở ban đầu cơm hến . . . nớ“, mở đầu từ khi “Có tiếng dạ vọng ra từ bên trong . . . và . . . thấy tôi, cô bé cất tiếng chào lí nhí, cái “lí nhí“ chết người của những cô gái Huế“ đã khiến tâm hồn anh rạo rực để cảm thấy “Cái ngõ có hai hàng gia tàu xanh bỗng sáng lên vì màu áo lụa hồng và mái tóc dài vờn bay miên man của cô bé tìm cơm hến.  Tôi chưa ăn mà đã cảm nhận được răng mà cơm hến ngon dễ sợ.“  Anh có lối viết cường điệu rất Huế khi miêu tả: “Cô múc một chút nước từ trong tô và tự nhiên đưa lên miệng nếm “chíp“ một cái ngon ơ.  Tôi có thể nghe tiếng gió gào và nước cuốn chạy qua đôi môi chín mọng chúm lại tròn xoe của cô.“  (Cơm Hến, tr. 57)  Trong “Bún Bò“, tình yêu tuổi học trò nhẹ như tơ trời và đẹp như nắng mai: “Những buổi sáng, tôi và Hoàng vẫn đạp xe song song chung đường từ Thành nội, qua cầu Trường Tiền, rồi Hoàng vào Đồng Khánh và tôi vào Quốc Học . . .“, để “một tí ớt màu“  “vô duyên trên chiếc răng khểnh“ cũng dệt thành kỷ niệm đáng yêu: “Tự nhiên tôi cảm thấy hơi mất đi cái cảm giác thanh thoát khi nhìn sự hiện diện vô duyên của tí ớt màu nằm trên chiếc răng khểnh duyên dáng đã làm tôi xao xuyến bao lần.  Tôi lên tiếng nhẹ nhàng như nắng, sợ làm vỡ những giọt sương tình cảm long lanh.  Rồi cả hai đứa đứng lại, đứng khuất sau gốc cây long não, tôi xé mảnh giấy trắng nhất trong tập vở học trò, vo lại thành cây tăm và nín thở khêu chút ớt màu bún bò vô tình nằm chênh vênh không đúng chổ.  Hai đứa nói nhỏ như ngại hàng long não đứng nghe.  Hoàng vùng vằng sợ tôi nhìn sâu vào đáy mắt: – Ngó dữ chưa tề, dị chết!  Tôi thanh minh như Vương Tử Trực: – Coi tề, không ngó chộ mô mà khêu!“  Và càng đáng yêu, khi hơn 30 năm sau, người xưa gặp lại người xưa, bên tô bún bò, lại nghe câu thơ tình thời cổ: “Chải lược trầm hương nên sớm thành tóc bạc!“  (Bún Bò, tr. 96-7, 100)

Có thể nói Huế là mảnh đất “địa linh“, cảnh trí Huế đẹp và nên thơ, cốt cách đời sống Huế vốn tao nhã, người Huế vốn thanh, dịu dàng, đa cảm, và lãng mạn.  Nhưng, cùng với đau thương của đất nước, Huế là quê hương hứng chịu nhiều nhất không những các cơn bão lớn của lịch sử, mà cả những cơn bão lớn của đất trời.  Cho nên mâu thuẫn có sẵn ở mỗi người Huế, có ở khắp Huế trong từng ngõ ngách.  “Khi tôi cố quên Huế thì Huế lại hiển hiện trong tôi, dịu dàng như một bà mẹ hiền và bâng khuâng như người tình cũ cười ngậm ngùi vì chớt nhớ về dĩ vãng.  Khi tôi nhớ Huế thì Huế chỉ còn là một bóng dáng êm đềm mất hút rất xa xăm . . .“(Về Huế, tr. 26) . . .

Chuyện Khảo Về Huế“ còn rất nhiều nét dễ thương.  Dễ thương như buổi chiều trên sông: “Chiếc đò bềnh bồng nương gió chiều lướt êm trên giòng sông Hương đang đổi từ màu xanh lam buổi chiều sang màu tím nhạt hoàng hôn và màu vàng lụa dưới ánh trăng con gái e ấp bên kia sông . . . Giữa thanh vắng vô cùng . . . mọi người trong đò hình như đang quên chiếc đò và giòng sông để nói với nhau thật nhiều trong thinh lặng . . . „ (Ngủ Đò, tr. 165)  Hay dễ thương mà thanh thoát như: “Lại vang vọng trong đêm thâu tiếng chuông Thiên Mụ.  Tiếng chuông như hữu hình mà vô ngã vì muôn năm vẫn thoát ra ngoài buồn vui của nhân thế.“  (Tâm Huế, tr. 204)

Đọc lại từ trang đầu đến trang cuối “Chuyện Khảo Về Huế,“ tôi cảm thấy như mình vừa thưởng thức những bài ca rất Huế, mà trong đó lối hành văn, cách kể chuyện, kiểu dùng từ, mấy chỗ ngắt câu hay những hình ảnh sinh động của bài viết là những nốt nhạc được sáng tạo, sắp đặt theo cung bậc cảm xúc của tâm hồn người nhạc sĩ.  Xếp sách lại, trong tôi là dư âm miên man của một tâm hồn Huế, thiết tha muốn chia xẻ với cuộc đời, nhập thể với Huế qua những bước thăng trầm một đời người „thích lý tưởng và sôi nổi, muốn “làm được một một cái gì“, mà cho dù khi đã làm được một cái gì, vẫn cảm thấy „chẳng làm được việc gì ngoài việc loanh quanh, có khi quay quắt, từ giảng đường tới thư viện; từ làng lên Huế; từ những ước mơ xa lắc đến cái bóng mình hiện thực trơ vơ đổ dài trên đường Thành Nội lổn chổn ổ gà.“  (Chuyện khảo, tr. 21) 

Đó là anh Trần Kiêm Đoàn.  Một người đàn ông Huế biết mình là ai.

 

 

Nguyễn thị Yến

Mùa Sương Sacramento 1998

 

Bài viết liên quan