Đôi Dòng Tự Bạch

Lần đầu tiên trong đời tôi được làm chủ một đôi dép là năm tôi tám tuổi, học lớp Ba trường tiểu học Hương Cần. Đôi dép vỏ xe thuở đó đã cho tôi cảm giác của nhà triệu phú trong đám trẻ cùng lứa tuổi ở làng quanh năm đi chân đất. Chỉ có những thằng bạn “tri kỷ” trong xóm nghèo mới có được cái hân hạnh xỏ chân vào đôi dép mới của tôi đi thử một vòng, sau khi chịu khó xuống bến Đình hay bến Dấu Hàn làng Liễu Hạ kỳ cọ hai chân sạch bóng như người đẹp rửa gót chân sen.

Nhưng rồi miền hạnh phúc phù du đó đã qua đi thật nhanh. Mẹ tôi vì không tin tưởng lắm vào bước chân quý phái của tôi khi mang dép, nên đã cẩn thận chọn một đôi dép dày nhất trong số các hàng dép ở Huế để tôi tha hồ hồ chạy nhảy cho lâu mòn.đôi dép nặng quá đã bắt tôi phải đi khoan thai như ông cai tổng mới vào nghề tập đi đôi giày hạ. Vì vậy, chỉ sau mấy ngày, đôi dép đã “lên cấp”đối với tôi. Để đuổi kịp theo đám bạn bè nhảy chân sáo với đôi chân trần thời tiền sử, tôi hiên ngang vác dép lên vai và hồn nhiên trở lại với cắp giò đã quen với phèn chua, bùn đất của mình. Đôi dép lủng lẳng trên vai mỗi ngày một vướng nên một buổi sớm, nhìn trước nhìn sau không thấy ai, tôi đã dấu của vướng bận – ngỡ như niềm hạnh phúc – của mình vào bụi dứa đầu làng. Chiều về, tôi khám phá ra rằng, đôi dép đã bị ai lấy mất. Tôi không dám về nhà và ngồi khóc sau đình làng cho đến tối. Mẹ tôi vác duốc con cúi đi tìm. Biết chuyện, mẹ tôi ôm tôi trong tay và nói giọng thật buồn : “Rứa là con đã làm mất của mạ hơn hai vuông lúa !” Tối hôm đó khi phủi chân lên phản ngủ, tôi quên rất nhanh những gì mình mất như chiếc thuyền về bến quên câu chuyện của dòng sông.

Đôi dép đầu đời mẹ tôi sắm bị lấy mất đi không bao giờ trả lại, nhưng lòng tôi lại mang đôi dép cũ mà đi cho hết một đời.

Tôi thuộc về thế hệ chiến tranh Việt Nam : Chào đời trên miệng hầm, lớn lên trong khói lửa, hát tình ca và đồng ca trong tiếng gào của bom đạn, và bỏ Huế mà đi với nỗi ưu tư dằng dặc của những ước mơ chưa thành hiện thực.

Rồi cũng như những nhánh cây đồng nội đơn sơ được mang lên trồng thành phố, tôi là một trong những đứa bé quê ít ỏi cùng thế hệ trong làng được lên thành phố Huế đi học.

Ngày từ giã làng quê “lên dinh”, ông trưởng họ Trần nhà tôi lại cho rằng, đã tới đất “Thần Kinh Văn Vật” rồi thì không thành công cũng thành nhân. Ông ân cần tiễn tôi ra bến xe đò như đưa chàng Kinh Kha xóm nghèo qua bên kia trời ánh sáng, dù thiệt tình là làng tôi chỉ cách Huế có mười cây số. Ông vuốt chòm râu bạc, nói chữ : “Sơn, hải, giang, điền vi đại chính ; thiếu niên hữu chí lưỡng biên  khai…”. Rồi ông giải thích rằng, Huế có đủ thế đất sông núi biển đồng cân đối dựa vào nhau, là đất dấy nghĩa, là nơi un đúc chí lớn cho những trang hào kiệt xưa nay. Như Cao Bá Quát vào Huế, bỗng muốn “Quyết ném thanh khâm sang cẩm tú ; quyết xây bạch ốc lại lâu đài”. Như Nguyễn Du muốn Từ Hải “Đội trời đạp đất ở đời…”. Như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân. . . hô hào dân Nam lên đường cứu nước.

Huế vào những năm 60 là hình ảnh của con rồng bao nhiêu năm ngủ yên “triều nguyệt” trên những thành quách rêu phong vừa thức dậy. Lớp học, sách vở êm đềm một thời không chứa hết những tâm hồn bão liệt, những tư tưởng dậy sóng cùng với đà cuộc chiến đang làm chao đảo những chân trời lộng gió ngoài kia.

Tôi vào y khoa nhưng lại “ra” sư phạm, vì trường “thầy” có được món tiền học bổng bé nhỏ đủ cho một gã kỹ sư tâm hồn bất đắc dĩ như tôi đủ sức sống còn trong bốn năm dùi mài kinh sử !

Ở Huế mà vào trường sư phạm thì cũng như ở trên dòng sông đời xuôi ngược mà chọn nghề đưa khách đò ngang : An phận trong nếp cũ và yên thân giữa nhịp đời trầm lặng, nhẹ nhàng trôi. Thế nhưng, tập làm thầy trong giai đoạn những cơn sốt lịch sử của Huế từ trong thâm cung của ý thức đã bùng lên “từ chợ Đông Ba, lan qua Gia Hội, tiến về Thành Nội, dội tới Bao Vinh…” lúc âm ỷ, lúc cháy bùng, thật khó.

Tôi muốn “làm được một cái gì” nhưng chỉ biết quay quắt, từ giảng đường đến thư viện ; từ làng lên Huế ; từ những ước mơ xa lắc đến cái bóng mình hiện thực trơ vơ đổ dài trên đường Thành Nội lổn chổn ổ gà.

Những lần sốt ruột vì tiếng bom chao đảo từ những vùng quê quanh Huế vọng về hay tin một thằng bạn cùng lớp vừa thoát ly lên núi, thằng khác ngã gục ở chiến trường, tôi lại cảm thấy xa lạ với cái không khí im ắng tạm bợ trong trường đại học Huế này. Đôi khi, tôi cố tình trốn học như chạy trốn cái bóng xa lạ của chính mình để lang thang tới mấy quán cà phê, như quán Lạc Sơn nhìn dòng người qua lại trên đường Trần Hưng Đạo, vô quán chị Lợi để nghe nhạc tiền chiến “chiều hôm qua lang thang trên đường…” hay tới quán cà phê Tổng Hội Sinh Viên trên đường Trương Định để nghe mấy chàng sinh viên khoa luật, khoa văn mới ra lò lên gân nói trạng!

Tôi đã từng bị cảnh cáo vì nói chuyện rầm rì trong thư viện, những mẫu chuyện chết chóc, đánh nhau, biểu tình, bãi khóa… có khi đầy hào khí nhưng cũng có lúc làm mũi lòng tuổi trẻ như nụ cười và nước mắt quê hương.

Quản thủ thư viện đại học Huế thời đó là cụ Bửu Kế, một học giả nghiêm túc trong cách viết, cũng như nghiêm khắc trong cách sống nên rất kỵ sinh viên vào thư viện để nói “chuyện khào”.

Theo cụ thì chuyện tầm phào xị đế, đầu rồng đuôi rắn là “chuyện khào” giống như “chat” trong tiếng Anh hau “bavardage” trong tiếng Pháp.

Chuyện kể có đầu có đuôi, vừa sáng tạo vừa dựa trên những dữ kiện thực tế, giáo khoa và sử liệu thì gọi là “Chuyện Khảo”, một hình thái chuyện kể như  “Creative non-fiction story” trong văn chương Anh Mỹ.

Đã có lần tôi dám cãi cụ vì tôi vẫn cho rằng nói chuyện quê hương dù đầu đuôi không trọn, chưa đủ tiêu chuẩn chuyện khảo chuyện khảo, nhưng đâu phải chuyện khào !

Khi cụ Bửu Kế trở thành Thầy tôi, phụ trách môn Lịch Sử Triều Nguyễn trong chứng chỉ Văn Minh Việt Nam thuộc Đại Học Văn Khoa Huế cùng với các giáo sư khác như Vĩnh Phối, Phan Văn Dật, Lê Văn Hảo… tôi càng có dịp gần gũi cụ hơn để thấy được rằng, sau vẻ nghiêm khắc gần như khô khan là kiến thức bao la và tinh thần “hài hước ngầm” của các Mệ, dù đó là “Mệ Thầy”. Một lần tôi gặp riêng cụ để hỏi thêm về lịch sử và số phận cái ấn bằng vàng ròng, nặng đến nỗi mỗi lần đóng triện phải cần hai người của Triều Nguyễn, cụ mở đầu bằng cách hỏi lại :

– Chuyện khào hay chuyện khảo đây hè?

Rồi cụ trầm giọng nói :

– Tiếng mình phong phú lắm nhưng khổ nổi là mạnh ai nấy dùng. Ước chi đất nước mình sớm hết chiến tranh để Việt Nam ta có được một Hàn Lâm Viện.

 

o0o

 

… Một ước mơ và một thoáng “chuyện khào, chuyện khảo” mới đó mà đã hơn ba chục năm qua rồi !

Đã có những chiều đứng trên bục giảng của trường đại học Cosumner River College, CSUS (Bắc Cali) nơi đất Mỹ bình yên như những hàng cây du, cây sồi vạm vở ngoài sân, bỗng như tôi bị lạc vì ngỡ như còn đang đứng trước tấm bảng đen của trường Nguyễn Hoàng, Hải Lăng (Quảng Trị), Nguyễn Tri Phương, Đồng Khánh (Huế). . . khi nhìn những bụi phấn bay bay. Tôi nói tiếng Việt để thương và nói tiếng Anh để sống. Dù đang ở quê người, đối diện với đám sinh viên tóc vàng, nói líu lo tiếng Mỹ mà sao hình như văng vẳng trong tôi vẫn còn tiếng ai trên đường phố Huế, tiếng hát học trò đón Tết, tiếng guốc mộc của mẹ già và nỗi lòng vương mang đôi dép cũ.

Ngồi viết mấy dòng này, những hoài niệm quá khứ lại trở về rõ ràng trước mắt như tôi có thể nhìn thấy sao chổi Hale-Bopp đang hiện ra giữ trời đêm tháng Tư Ca-li ngoài khung cửa sổ. Tự nhiên, tôi có ý nghĩ ngồ ngộ là ngôi sao này đang bay với tốc độ kinh hồn về quá khứ. Rồi biết đâu ngôi sao đó lại quay về khung trời cũ, để qua đó, tôi có thể nhắn với Thầy tôi và những người “muôn năm cũ” rằng :

Bên phương trời nước Mỹ này, có một cái không tìm mà vẫn có, đó là nỗi nhớ quê nhà. Sau bức màn quá khứ là trùng trùng cảm xúc nhớ thương : Nhớ từ tiếng chửi mất gà của bà hàng xóm, đến chuyện đời xưa của Mệ vừa kể, vừa móm mém nhai trầu. Thương từ bó tót (rạ) trôi lềnh bềnh trong cơn lụt đầu mùa tới hàng sách gáy da mạ vàng trong thư viện. Giữa một xã hội đang chạy theo vận tốc chưa thấy kịp hiện tại đã trôi vào quá khứ này thì chuyện khào hay chuyện khảo của ngày xưa quê mẹ vẫn là chất keo gắn tâm tình những đứa con viễn xứ vào nỗi nhớ quê nhà. Nỗi nhớ cũng như tình yêu, mới hôm qua mà đã nghìn năm trước, mới một chút mơ ước mà đã nghìn năm sau: như “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”; như chuyện khảo là gốc, là cành mà chuyện khào là hoa, là lá. Thưa Thầy, vì vậy, dù mang dưới tên nào đi nữa thì những trang sau đây cũng là mảnh lòng gởi Huế qua những chuyện khảo lẫn chuyện khào về Huế.

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan