Trong ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6 năm 2005 vừa qua tại Sacramento, có buổi ra mắt sách tại nhà hàng Tự Do. Tác phẩm ra mắt là cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Tôi được ban tổ chức mời trình bày tác phẩm. Trong dịp nầy tôi được biếu một Đặc San Kỷ Niệm Ngày Quân Lực VNCH có tên là Chiến Hữu. Đây cũng là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại thành phố Sacramento (HCTNCTST)
Với nội dung vỏn vẹn 68 trang quy tụ trên dưới chục bài viết ngắn, đặc san Chiến Hữu đã dành ra 2 bài ruột và trọn cả trang bìa sau để luận khảo về Phật giáo và thầy Thích Nhất Hạnh.
Đặc biệt trang bìa sau của Đặc san Chiến Hữu đã tạo ra một phản ứng khá xôn xao và phẫn nộ trong cộng đồng người Việt tại địa phương và những nơi tờ báo nầy được gửi đến. Nhất là đối với những người theo đạo Phật thì phản ứng càng gay gắt hơn vì nhóm chủ trương có vẻ như biến tướng chiêu bài chống cộng thành hành động mạ lỵ thầy Thích Nhất Hạnh và quy chụp bôi bác luôn cả hình ảnh Phật giáo một cách trẻ con và thô bạo.
Tóm tắt nội dung trang bìa sau của đặc san Chiến Hữu:
Toàn bộ trang bìa sau khổ 8.5 x 11 của đặc san Chiến Hữu là một bức hình chụp cảnh các nhà sư Phật giáo Việt Nam đang tiếp đón phái đoàn tăng nhân Làng Mai của hòa thượng Thích Nhất Hạnh. Dẫn đầu là một vị sư, theo sau là bốn người trong ban nhạc cổ. Tiếp đến là hoà thượng Thích Nhất Hạnh và sư bà Thích Nữ Chân Không đang chấp tay đi trong tư thế thiền hành. Hai bên có hai nhà sư cầm lọng và theo sau là một đoàn tu sĩ Phật giáo lễ phục chỉnh tề cùng Phật tử tháp tùng nghinh lễ. Tất cả đều đang bước đi trong dáng thiền hành của một nghi thức cung đón long trọng thường thấy trong sinh họat Phật giáo Việt Nam.
Ban Báo Chí của Hội CTNCT ST hoặc đã diễn dịch (interpretation), hoặc lấy nguyên bản (copy), hoặc trích (excerption) lời minh họa cho một nghi thức tôn giáo long trọng thành một hoạt cảnh “tiền dâm hậu thú” … ! Xin mô tả tóm lược nội dung của bìa báo như sau:
Ngoài lề phía trên bức hình chụp cảnh nghi lễ Phật giáo vừa nêu trên, có in hàng chữ đậm: “ĐÁM CƯỚI TRÊN ĐƯỜNG QUÊ” ! Và ngay lề phía dưới bức tranh cũng in hàng chữ đậm: “CHÚ RỂ NHẤT HẠNH (dấu X), cô dâu CHÂN KHÔNG (dấu XX)” !
Và tiếp ngay sau đó là “bài thơ” lục bát như sau:
Vinh quy bái tổ về làng
Lọng anh che trước, lọng nàng che sau
Chàng ơi chớ vội bước mau
Tiền dâm hậu thú mâm cau trình làng
Hồ sang xế cống hồ sang
Xuất gia tòng phụ “Lọng vàng sóng đôi”
Cà Cuộc
Phía dưới bài thơ nầy chú thích thêm: Phụ (tòng phụ) ở đây không có nghĩa là “cha”. Và ghi xuất xứ là (Trích báo Con Cò số 13).
Trong nghề làm báo ai cũng biết rằng hình bìa trang đầu là BỘ MẶT và hình bìa trang sau là XƯƠNG SỐNG của một tờ báo. Có chăng “Cơ quan ngôn luận chính thức của hội CTNCT Sacramento” đã chọn hình ảnh và lời lẽ trên đây để làm xương sống?!
***
Để có căn bản cho công luận rộng đường dư luận, tôi chỉ trình bày những sự kiện đã được in ấn và công bố bằng giấy trắng mực đen của ban Báo Chí HCTNCTST mà ai cũng có thể nhìn thấy và kiểm chứng được.
Về việc thầy Nhất Hạnh và phái đoàn tăng thân Làng Mai về thăm Việt Nam, tôi đã có dịp trình bày trong bài “Biển Lửa Giữa Hoa Sen” mà quý độc giả có thể đọc trên báo Phật Giáo Việt Nam và trên các trang Web nghiên cứu về Phật học.
Là một người Phật tử, tôi cố tránh quan điểm cực đoan để theo đường trung đạo phù hợp với tinh thần đạo Phật. Từ hơn mười năm nay, cố tránh tình trạng nuôi dưỡng cái tâm phân biệt, tôi đã viết bài và đóng góp khả năng khiêm tốn của mình cùng lúc cho hệ thống báo chí và Website Phật giáo thuộc cả hai: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Đồng thời cũng cố gắng học hỏi để mở rộng trí óc và nhận chân được rằng, đức Phật đã hiểu rõ sự biến hiện, hợp tan trùng trùng trong cõi vô thường nầy của chúng sanh nên đã nhắc nhở là có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn. Mỗi người tùy duyên để theo pháp môn thích ứng với căn cơ của mình. Bởi vậy, sẽ đi đến chỗ “phi Phật pháp” nếu phê phán người khác vì người đó có những biểu hiện tinh thần và thể chất khác mình. Tuy nhiên, trong cái riêng hàm chứa cái chung và ngược lại. Một xã hội quần sinh phải có những quy ước chung. Người ta có thể ăn theo cách riêng, ở riêng, hành động riêng, suy nghĩ riêng… nhưng không thể nhân danh cái riêng của mình để va chạm cái riêng của người khác.
Đường tranh đấu và đạo lập thân của giới kẻ sĩ văn bút ngày xưa được hình tượng hoá qua con đường Đại Học. Đaị học là trường đời, là “Life Avenue” chứ không phải chỉ là chữ nghĩa trường ốc (University). Bản chất con đường đó là “tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện” nghĩa là trước hết phải làm sáng tỏ con đường chính nghĩa của mình, hướng người dân về một chân trời sáng sủa và mới mẽ và từ đó đi đến chỗ hay đẹp. Ngược lại với con đường khai phóng nầy, là sách lược ngu dân, muốn dìm sự hiểu biết của người dân vào vòng tối tăm để dễ bề thống trị.
Nhân loại đang bước qua ngưỡng cửa của sự “giải huyền” (demythologization) của thế kỷ 21 nhằm đánh tan những huyền thoại, phá bỏ bức màn u tối của tình trạng vô minh để khai sáng. Trong khi đó thì tình trạng bát nháo gọi là “đấu tranh chính trị” vẫn chưa mở mắt, chối bỏ tính khoa học, tính lô-gích và mê hoặc hóa sự trong sáng của tư tưởng để cố níu kéo tuổi già lùi lại, chận đứng sự vươn lên của tuổi trẻ với những luận điểm ngây ngô và chiến thuật “trồng người” lạc hậu của thế hệ 1930.
Người Việt Nam đang là nạn nhân của một tình trạng “ngu dân” như thế. Trong nước, sự ngu dân đang diễn ra vì sự kềm kẹp tự do tư tưởng của nhà cầm quyền cộng sản. Đời sống tri thức của 80 triệu dân chưa ra khỏi biên giới tù hãm của sự lạc hậu tư duy gọi là “tính Đảng, tính gai cấp”. Ngoài nước, sự ngu dân cũng đang diễn ra vì có quá nhiều tự do tư tưởng, nên thay vì đối thoại, học hỏi, chia sẻ thì những “ông vua mù lòa cố chấp” đang “đối choải” với nhau trong những ngõ cụt của tư tưởng lỗi thời. Thậm tệ hơn là hiện tượng suy đồi sử dụng “bộ sậu ngôn ngữ từ lưng quần trở xuống” như nhà văn Định Nguyên gần đây nhận định.
Về việc cựu tướng Đỗ Mậu, cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy về lại Việt Nam đã là những đề tài gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt Hải Ngọai. Và gần đây, việc thầy Nhất Hạnh cùng 190 tăng thân làng Mai về Việt Nam trong ba tháng cũng đã tạo ra những luồng dư luận sôi nổi từ nhiều phía.
Người ta sẽ rất ngạc nhiên nếu không có phản ứng nào từ phía quần chúng trong cũng như ngoài nước về chuyến viếng thăm nầy. Và, người ta sẽ ngạc nhiên nhiều hơn nếu chỉ có một phản ứng xuôi chiều, nghĩa là chỉ có ủng hộ hay chống đối. Người ở trong cũng như người ở ngoài đạo Phật hằng quan tâm đến sinh họat văn hóa và xã hội đều muốn biết và muốn nghe diễn tiến và tác dụng của chuyến đi nầy một cách khách quan và trung thực.
Tôn giáo, tự bản chất, là một hiện thể ra đời để làm giảm bớt sự thống khổ về tinh thần của nhân loại. Thế giới nầy lại là một hợp thể từ đơn giản đến phức tạp; từ thấp đến cao. Vì vậy, con đường của tôn giáo là con đường trung đạo. Sự cực đoan trong tôn giáo sẽ đi ngược lại tinh thần tôn giáo. Thay vì tôn giáo ra đời để hóa giải những tranh chấp, hận thù và đau khổ, thì chính sự cực đoan sẽ làm cho tôn giáo vong thân, cùng gieo rắc hận thù và đau khổ.
Sự cực đoan trong môi trường truyền thông qua hình thức ca tụng quá đà hay lời lẽ đả kích thô bạo trong thông tin và bình luận về tôn giáo chẳng những không mang lại một ý nghĩa lợi ích nào cho ai mà chỉ tự trở thành chướng ngại đối với đa số quần chúng thầm lặng theo dõi. Điều nầy đã diễn ra một cách sôi nổi trong chuyến về thăm Việt Nam của thầy Nhất Hạnh. (Xin đọc thêm bài “Bài Học của Một Chuyến Đi” của cùng tác giả đã đăng trên các trang Web Phật giáo để biết thêm chi tiết, phản ứng và tác dụng sau 3 tháng sinh hoạt tại Việt Nam của thầy Nhất Hạnh và phái đoàn tăng thân làng Mai).
Trong bài viết khá dài “Biển Lửa Giữa Hoa Sen” của cùng tác giả, mở đầu với lời nhận định rằng:
Năm 1966, thầy Nhất Hạnh rời Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa!
Năm 2004, thầy Nhất Hạnh về Việt Nam: Biển lửa giữa hoa sen?!
Bốn mươi năm: Một chặng đường lửa dậy!
Kinh Pháp Hoa nói về lửa: “Ba cõi không an, chẳng khác nhà lửa“. Lửa tham sân si; lửa nghi hoặc chấp trước; lửa kiêu mạn; lửa ái dục… cứ ngấm ngầm ngày đêm thiêu đốt tâm thức của chúng sanh.
Lửa tam muội, lửa ta bà, lửa từ bi, lửa hận thù, lửa vô minh, lửa khai sáng và lửa duyên nghiệp… vẫn trùng trùng dấy lên trong từng nhấp nháy của cuộc sống. Có những ngọn lửa dập tắt được, những vẫn có những ngọn lửa vô hình không dập tắt được. Người ta vẫn phải sống với lửa hàng ngày. Con người tồn tại vì con người biết sống với lửa. Không để bị lửa đốt cháy mà biến lửa thành một hơi ấm, một phương tiện thiện xảo cho đời sống thể chất lẫn tinh thần.
Hoa sen là một bìểu tượng của tinh thần Phật Giáo. Đó là ý niệm “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đó là hình ảnh bàn tay mở ra hứng lấy những khổ đau, hận thù, sinh diệt triền miên. Nếu chỉ có mùa đông lạnh lẽo mà không có lửa hạ, sẽ không có hoa sen. Nếu không có khổ đau của chúng sinh thì đức Phật và đạo Phật không có lý do ra đời và tồn tại để giải bớt khổ đau. Vì thế, hình tượng hoa sen trong biển lửa là hình ảnh dấn thân của người Phật tử giữa cuộc đời đầy tương tranh và đau khổ. Biển lửa giữa hoa sen là biểu tượng của sự trang bị tinh thần và trí tuệ Phật tánh, bồ tát hạnh, sẵn sàng dấn thân vào đau khổ để diệt mầm đau khổ và tiếp cận với tương tranh để hóa giải tương tranh.
Thầy Nhất Hạnh trở về Việt Nam sau 40 năm lưu vong trong một hoàn cảnh “bên nầy bên kia” như hiện nay là đi trong biển lửa giữa hoa sen.
Thầy Thích Nhất Hạnh là một trong những tu sĩ Phật giáo Việt Nam được cộng đồng tôn giáo thế giới biết đến nhiều như: Thầy Thích Thiên Ân, thầy Thích Minh Châu, Thầy Thích Tuệ Sỹ, Ni sư Thích Nữ Trí Hải…
Trong dòng lịch sử dân tộc và đạo Phật dài như thế, với một tu sĩ Phật giáo đã viết hơn 100 tác phẩm bằng tiếng Việt và hơn 30 tác phẩm bằng tiếng Anh (trong đó có hơn 10 tác phẩm được New York Time xếp vào hàng best seller) như thầy Nhất Hạnh, cần được đánh giá (kể cả phê phán, đả kích, bình luận, chê bai hay ca ngợi, khen tặng…) trong một ngữ cảnh có văn hóa và trong một bối cảnh có tính nhân văn.
Nước Mỹ là một nước tự do và khối người Viêt tỵ nạn là những người đã đánh đổi sinh mạng của chính mình để tìm tự do. Quyền tự do tư tưởng không những là pháp lệnh mà còn là đạo lý của xã hội Hoa Kỳ. Mọi người đều có quyền tự do nói lên quan điểm cá nhân của mình về mọi lĩnh vực. Phản ứng về việc thầy Nhất Hạnh về Việt Nam có “Pro” (thuận), có “Con” (chống) như đã trình bày ở trên. Tỏ thái độ cá nhân đối với việc làm của thầy Nhất Hạnh như xấu, tốt; hay, dở… là quyền tự do tối thượng của mỗi người, nhất là những người trong giới văn nghệ sĩ, truyền thông báo chí. Nhưng nếu nhân danh tự do ngôn luận của mình hay phe phái mình để chụp mũ người khác bằng ngôn ngữ hè phố, ví von què quặt thiếu phong cách, khen chê không trưng dẫn bằng chứng minh bạch là một sự vi phạm quyền tự do của người khác và không tôn trọng “luật chơi” trên đấu trường tự do!
Mỗi cá nhân hay nhóm phái đều có một góc nhìn riêng. Nói như thiền sư Viên Minh: “Cũng chỉ là một dòng nước mà con cá thì thấy đó là lẽ sống, ngạ quỷ thấy đó là máu mủ tanh hôi, người thấy đó là dòng nước mát, bậc thiên nhân thấy đó là huyết mạch của đất trời… và đến cái nhìn tánh không của Phật giáo thì thấy đó là không!” Trước một đối tượng, mỗi phía nhìn một cách không những hoàn toàn khác nhau mà có khi còn đối chọi lẫn nhau từ hiện tượng đến bản chất.
Cũng chỉ là vấn đề thầy Nhất Hạnh và tăng thân làng Mai về Việt Nam, nhưng có vô số cách nhìn và tầm nhìn riêng biệt. Điển hình nhất là các khuynh hướng:
– Người quan tâm đến lễ nghi, quan cách thì nhắc đến hình ảnh Phật tử cờ quạt đưa đón sắp hàng dài cả cây số và đợi chờ từ khi trời chưa sáng để đón thầy Nhất Hạnh.
– Người thích chuyện kiếm hiệp Hoa Sơn Kỳ Ngộ thì chú tâm đến chuyện thầy Nhất Hạnh gõ cửa đứng chờ mà các thầy Tuệ Sỹ, Huyền Quang, Quảng Độ không mở.
– Người ưa chuyện “Đồ tể quăng dao thành Phật” thì kể chuyện những gia đình quan chức vốn chủ trương vô thần quy y tập thể với thầy Nhất Hạnh.
– Người chuộng việc tham thiền thì nhắc nhở thiền làng Mai :”Thở vào tâm rỗng lặng, thở ra miệng mĩm cười…” trong các khoá tu học của thầy Nhất Hạnh.
– Người mến đạo Phật thì cho thầy Nhất Hạnh đã làm được việc lớn là hòa hợp được hai khối tu sĩ Thống Nhất và thân nhà cầm quyền ở càc chùa Từ Đàm, Từ Hiếu, Linh Mụ, Linh Quang… vốn dĩ đã không hoà hợp suốt 20 năm nay, lần đầu cùng ngồi lại bố tát với nhau.
– Người có lý tưởng lấy tình dục làm tôn chỉ thì cứ “cặp đôi thầy Nhất Hạnh với sư bà Chân không.
– Người có khuynh hướng chính trị cực hữu thì chỉ trích thầy Nhất Hạnh làm lợi cho cộng sản.
– Và người đơn giản “khỏe re” thì đồng hóa luôn thầy Nhất Hạnh là cộng sản.
Sinh vật địa cầu mà con người là trung tâm khác nhau đến như thế, đa dạng đến như thế, phong phú đến như thế nhưng trong một giới hạn tương đối lại có điểm chung, có quy ước bất thành văn chung. Thí dụ như trường hợp tự do ăn mặc chẳng hạn. Người ta có tự do mặc áo mầu nào, kiểu nào tùy ý. Người thích mầu xanh thì mặc mầu xanh, người thích vàng thì mặc mầu vàng, người thích mặc dài, mặc cụt, áo xẻ nách, quần bày rốn… tùy ý, nhưng không ai có quyền cởi bỏ hết áo quần, trần truồng thong dong ra dạo phố vì như thế là xúc phạm đến người khác nơi công cộng. Cũng tương tự như thế trong ngôn ngữ nói và viết, người ta có quyền cá nhân viết và nói như thế nào tùy ý, nhưng nếu cố tình ném những điều xấu xa cho người khác hay sử dụng ngôn ngữ tục tằn thô lỗ để mạ lỵ người khác… thì cũng là một cách ở truồng đi dạo phố trong ngôn ngữ. Đường phố sẽ không bị vấy bẩn bởi người ở truồng, nhưng người ở truồng mang tội làm bẩn mắt người khác và tự vấy bẩn chính con người của mình trên đường phố.
Tạm thay lời kết
Giới tu sĩ của bất cứ tôn giáo nào (ngoại trừ giới tu sĩ phật giáo Nhật Bản và mục sư Tin Lành được phép có đời sống tu hành song song với đời sống gia đình) cũng thường là đối tượng yếu đuối nhất (most vulnerable) của các vụ quy kết xâm phạm tình dục vì 3 lý do:
– Quan hệ tình dục là biên giới sau cùng để phân định giữa hai con đường phàm tục hay tu hành.
– Quan hệ tình dục hầu hết là hành động riêng tư và thường không có chứng cớ.
– Bản thân một nhà tu hành thuần thành, nhất là giới tu sĩ Phật giáo, thường giữ thái độ tự tại và im lặng trước những lời phê phán hay khen chê bất cứ xuất phát từ ý đồ nào hay từ đâu tới. “Oan ức không cần biện bạch” cũng là một trong 14 hạnh nhẫn nhục của người tu theo đạo Phật.
Vụ “xâm phạm tình dục” cổ xưa nhất trong lịch sử xã hội Việt Nam là chuyện Quan Âm Thị Kính mà ai cũng biết là do âm mưu vọng động của Thị Mầu và kẻ hàm oan không biện bạch là ông thầy chùa. Từ đó đến nay, cái “truyền thống” hạ bệ thầy chùa hay hàng tu sĩ của nhiều tôn giáo khác bằng chiến thuật vu vạ tình dục trở nên phổ biến. Phổ biến và tiện lợi vì nó vừa đơn giản, vừa không đòi hỏi cần phải có trí óc thông minh tối thiểu mà lắm lúc còn được việc vì dẫu sao vẫn có người nhẹ dạ dẫu không tin thì vẫn bị hoang mang lung lạc tinh thần.
Hoàn cảnh ở “Tân thế giới” nầy đã đổi khác. Không dễ vu vạ đơn giản và dễ dãi như thời Trung Cổ. Những vụ án liên can đến tình dục nổi tiếng trên đất Mỹ nầy như vụ Clinton – Lewinsky, vụ danh ca Michael Jackson, vụ các tu sĩ Công giáo Bắc Mỹ… đều được soi rọi dưới ánh sáng và phán quyết nghiêm khắc và công bằng của luật pháp. Nay sờ sờ tại thủ phủ Sacramento nầy chẳng lẽ cơ quan ngôn luận của một tổ chức lớn có uy tín, bề thế và nhân lực hùng hậu như hội CTNCT Sacto lại phải mượn “chất xám” của một “tác giả” Cà Cuộc vớ vẩn nào đó để nói lên lập trường và chí hướng của mình? Trong kho tàng văn hóa nhân loại, việc vận dụng những triết lý sâu sắc, vay mượn những tư tưởng sáng giá ích quốc lợi dân, thậm chí theo gót noi gương những anh hùng liệt nữ để đấu tranh và xây dựng đều là những khuynh hướng tích cực. Nhưng thử hỏi rằng, việc “vận dụng tư tưởng Cà Cuộc” mang tính chất mạ lỵ một tôn giáo mà hai phần ba thành viên trong hội CTNCT Sacto là tín đồ, phải chăng là một sách lược chính trị “mới” để quang phục quê hương, giải trừ cộng sản?
Nghiêm trọng hơn thế nữa, thái độ phỉ báng nghi lễ của một tôn giáo, thô thiển vơ đũa cả nắm để gọi chung tất cả tăng ni, Phật tử trong một nghi lễ tôn giáo là một “đám cưới tiền dâm hậu thú” thì quả thật là một sự bày tỏ thái độ quá tiêu cực và bôi bác trong một khung cảnh xã hội có nhân văn của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Tệ hại hơn nữa là trong mục “Cười Bể Bụng” ở trang 19, Ban báo chí đã cho in một “chuyện cười” về thầy Nhất Hạnh và sư bà Chân Không có những câu như sau:
“Quan hệ giữa trai và gái, khi lên giường, nếu mang giày dép thì nó vướng víu đâu còn gì hứng thú nữa? Nên phải để Chân Không hay nói nôm na là chân trần.
Mà muốn để giày dép ra cũng phải mất ít nhất là 30 giây. Nên Sư Ông Nhất Hạnh đặt cho người đệ tử gái cái pháp danh Chân Không là có ý nhắc nhở bà này phải luôn luôn ở trong “tư thế sẵn sàng chiến đấu”, vậy thôi!!!”
Tôi xin lỗi quý độc giả đã làm tổn thương lòng tự trọng của quý vị vì đã trích những câu viết về tôn giáo tục tĩu và coi thường ngườì đọc đến như thế. Nhưng ở thế “chẳng đặng đừng” phải trưng dẫn bằng chứng để thấy được một sự “nhất quán” của Ban Báo Chí hội CTNCT từ ngoài bìa vào trong ruột báo!
Và, còn nữa. Trang 17, 18 và 19 (phần nói về thầy Nhất Hạnh và nhắc đến các thầy khác trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo đương thời) của đặc san Chiến Hữu, trong một mớ chữ nghĩa hạ đẳng gọi là “Những Chủ Nghĩa Tuyệt Vời”, ký tên tác giả là Phạm Thị Trùng Dương (?!), mà Ban Báo Chí HCTNCTST đã có công “bê” từ Người Dân số 174 (?!) thì mức độ vấy bẩn ngôn ngữ Việt Nam không thể nào diễn tả và so sánh được. Xin quý độc giả cảm phiền tìm đặc san Chiến Hữu để đọc vì tôi không muốn trích dẫn một mớ chữ nghĩa cực kỳ thô bỉ làm thương tổn đến lòng tự trọng của quý độc giả như: “ôm mông, điếm thúi, ăn cắp, vô lại, cùi hủi… ” để nói đến thầy Nhất Hạnh và sư bà Chân Không.
Thế giới tinh thần hay vật chất đều có giới hạn riêng của nó. Đặc biệt là thế giới tâm linh và niềm tin tôn giáo. Chắc chưa ai quên những cuộc xung đột tôn giáo gần đây. Chỉ một thái độ thiếu tôn trọng của lính Mỹ đối với quyển kinh Koran của Hồi Giáo thôi thì cũng đủ gây ra luồng sóng phẫn nộ trên toàn thế giới và sự đổ máu, vong mạng của hàng chục tín đồ Hồi Giáo. Tuy Phật giáo không phải là Hồi giáo, nhưng đề cập đến điều nầy để nhắc nhở với Ban Chấp Hành và Ban Báo Chí HCTNCTST rằng, quý vị đã sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để tự xác định một chân dung mà hẳn nhiên quý vị đã nghe hay sẽ được nghe từ phía công luận. “Xin đừng lấy đó làm… chơi”!
Đấu tranh chính trị đồng nghĩa với tranh thủ nhân tâm bằng cách làm sáng tỏ con đường chính nghĩa của mình. Hội CTNCT tự bản chất là một hội đấu tranh chính trị để phát huy chính nghĩa quốc gia. Trong chiều hướng đó, việc đụng chạm tôn giáo là điều nên tránh vì đó thường là nguyên nhân trực tiếp gây nên xung đột nội bộ, chia rẽ đồng bạn, ly tán nhân tâm và bất mãn quần chúng.
Mong rằng, Ban Báo Chí, Ban Chấp Hành, Hội Đồng Quản Trị và Ban Cố Vấn HCTNCTST không nên xem nhẹ tiếng nói của Hội mình và sự góp ý của đồng bào. Lý tưởng đấu tranh hoàn thành sứ mệnh chính trị để sớm quang phục quê hương và giải tán đảng cộng sản độc tài áp bức là chính nghĩa. Muốn đạt chính nghĩa thì phải dùng phương tiện chính đáng. Đem phương tiện xấu để đạt mục đích tốt bằng khẩu hiệu “cứu cánh biện minh cho phương tiện” là ngụy biện, là mỵ dân là tà đạo! Khác với cộng sản, Phật giáo quan niệm mục đích và phương tiện là tương tác. Trong phương tiện đã có “chủng tử” của cứu cánh. Lời thô bỉ không bao giờ tạo được vần thơ hay. Ý nghĩ hạ cấp không bao giờ nâng được tầm cao của ý thức. Nếu cần, chư vị cứ đấu tranh trực chỉ với thầy Nhất Hạnh một cách công nhiên và xứng đáng với tầm vóc của đôi bên chứ không nên dùng dao bứt cỏ dại để đốn cây rừng như thế; nhưng xin vui lòng chừa riêng Phật giáo vì đó là đức tin, là tín điều tín lý, là chỗ dựa tinh thần thiêng liêng của hàng Phật tử chúng tôi.
Trần Kiêm Đoàn
Sacramento, sau ngày Father’s Day