DU LỊCH DỊCH TÀU NẠN CÀO CÀO TRÊN RUỘNG ĐỒNG VĂN HÓA

DU LỊCH DỊCH TÀU

NẠN CÀO CÀO TRÊN RUỘNG ĐỒNG VĂN HÓA

Nguồn ảnh: Googgle images. Terrible behavior of Chinese tourists

 
“Cào cào xuống ruộng” (Locusts) là chữ của người Tàu Hồng Kông dùng để mô tả và gọi tên người Tàu nội địa ồ ạt kéo nhau đi du lịch thế giới. Tưởng không có cách hình dung nào chính xác hơn hiện tượng “lịch như nạn cào cào trên đồng lúa” mà người Tàu đổ xô đi chơi trong những năm gần đây.

            Trên trang website chính thức của cơ quan Quản Lý Du Lịch Quốc Gia Trung Quốc (The China National Tourism Administration) đã thú nhận rằng:

“Hình ảnh Trung Quốc đã bị (chính du khách Trung Quốc) làm chìm lĩm” – “China’s image has already been tarnished,”

            Mời theo dõi hình ảnh 42 vụ vi phạm của đám cào cào du lịch Tàu mà chính nguòi Trung Quốc cũng phẫn nộ, khinh miệt, chụp hình loan tải và viết về quần chúng của nuớc họ trên tạp chí South China News Post bản Anh ngữ phát hành toàn cầu:

“http://www.scmp.com/news/china/article/2101412/39-times-tourists-were-caught-behaving-badly”

            Và, hằng nghìn thông tin, sách báo, hình ảnh khắp nơi trên thế giới đều đồng loạt kết luận rằng:“Du khách Trung Quốc cuối cùng đạt danh hiệu là đám du khách thô lỗ nhất hành tinh” (Chinese tourists may have finally claimed the title of the planet’s most boorish tourists.)

            Biểu hiện cụ thể của bản chất thô lỗ này do cộng đồng quốc tế ghi nhận là: Thiếu suy nghĩ (thoughtless), quen với cách sống man dã, chưa được khai hóa (uncivilized), thô tục (boorish), vô cảm (insensitive) và dốt nát (ignorance)…

 

            Môi trường truyền thông đại chúng toàn cầu là thế. Còn riêng kẻ viết những dòng nầy đã trải nghiệm như thế nào?

Nếu tạm xét sơ yếu lý lịch ba đời thì tôi không có lý do gì để dị ứng với người Tàu và văn hóa Trung Quốc cả.

Xin thưa: Ông ngoại bà xã tôi là người Tàu toàn ròn. Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm ban Việt Hán nên hơn nửa kiến thức văn học cổ của tôi là nợ nần từ sách truyện Trung Hoa. Con rể đầu lòng của tôi là người Tàu. Đó là chưa nói hết rằng, tôi có nhiều bạn thân quý lâu năm là người Trung Quốc. Và tình thật mà nói là tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ Văn Học Nghệ Thuật cổ điển Trung Hoa.

Thế nhưng tôi vẫn bị dị ứng càng ngày càng nặng khi phải đi du lịch bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của các đoàn du lịch người Tàu từ nội địa Trung Quốc đổ tới. Xin nhấn mạnh “nội địa Trung Quốc” để phân biệt đám người nầy với người Trung Hoa ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore hay bất cứ những nơi nào khác trên thế giới văn hiến, văn minh. Chính những người bạn Trung Quốc cũng phàn nàn và bày tỏ công khai trên nhiều sách báo thế giới về văn hóa ứng xử còn ở mức độ thô lậu và bất chấp về đồng hương của họ từ nội địa Trung Quốc tràn ra thế giới bên ngoài trong những năm gần đây khi nền kinh tế trong nước phát triển, thu nhập đầu người tăng nhanh.

            Đặc biệt gần đây nhất là vào dịp tháng 4-2018, khi chúng tôi tới bãi biển Nha Trang. Bãi biển xinh đẹp ngày nào bây giờ trở nên lổn chổn, chướng mắt với sự hiện diện của từng đoàn khách du lịch người Tàu, một ít người Nga, còn du khách phương Tây thì lỉnh đi đâu mất bóng! Du khách Tàu có khuynh hướng “du lịch hợp tác xã”. Đi từng đoàn, nói năng ồn ào như vỡ chợ, lấc cấc kéo nhau chụp hình quay phim như đi bắt trộm; khạc nhổ kệch cỡm và biểu hiện đủ kiểu cách động thái của phường dung tục bầy đàn chưa được khai hóa. Phản ứng của du khách Việt và phương Tây là lắc đầu ngán ngẩm, lặng lẽ rời biển như tránh bệnh dịch.

            Chính trên cái địa bàn đã bị bán đứng cho Tàu nầy, hôm 13-5-2018, 14 tên choai choai Tàu nội địa đã ngang ngược nhập cảnh Việt Nam với áo có in hình “lưỡi bò 9 đoạn”, một biểu tượng xâm lược thô bạo của Trung Quốc mà Việt Nam và toàn thế giới đã hoàn toàn bác bỏ. Thế nhưng cách giải quyết của các quan chức Việt Nam có trách nhiệm là lúng ta lúng túng, cầu an, sợ sệt tìm cách lãng trách “dĩ hòa vi quý” đầy thủ hạ cá nhân và bất chấp quốc thể. Trong lúc đó, tại Berlin, nước Đức, hai du khách Tàu 36 và 49 tuổi tới đứng trước tòa nhà Hạ Viện Reichstag đứng làm kiểu chào của Nazi – biểu tượng Đức Quốc Xã đã bị cấm từ sau năm 1945 – để chụp ảnh lẫn nhau. Hai tên nầy đã lập tức bị cảnh sát bảo vệ Đức bắt giữ. Hành động phạm pháp chiếu theo luật lệ của nơi du lịch này đã được chuyển giao cho toà án Đức thụ lý. Hai nghi can phải nộp 589 Euros (15 triệu 600 nghìn đồng Việt Nam) để được tại ngoại hầu tra. Quan chức Việt Nam ở đâu mà không học bài học bảo vệ luật pháp quốc gia và danh dự tổ quốc trước thái độ khiêu khích thiếu nhân văn của đám khách du lịch Tàu như thế nầy?!

            Theo International Tourist Reviews (May 2018) thì hai năm 2016 và 2017, du khách Tàu đã tạo ra 518 vụ vi phạm luật lệ và thuần phong mỹ tục ở mức trung bình và 112 vụ nghiêm trọng trong các nước mà họ đã đặt chân tới.

            Qua những chuyến du lịch ở nước ngoài tại châu Âu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Tokyo, Kyoto, Cancun (Mexico), Panama, Haiti, Dubai… tôi cũng gặp những nhóm người Tàu với những những cảnh chướng tai gai mắt như thế. Gần nhất là chuyến đi Ấn Độ vào tháng trước, đoàn chúng tôi có mấy hôm ở chung khách sạn với đám du lịch Trung Quốc nội địa. Họ hành xử như một đám cào cào ùa xuống ruộng trong những bữa ăn “buffet” cũng như trong những thủ tục đăng ký xuất nhập tại khách sạn.

            Người Tàu nội địa như vừa thức dậy sau giấc ngủ ngàn năm nên háo hức và xông xáo lên đường đi khám phá chính mình, tò mò du hí đất nước mình và thế giới. Về mặt tâm lý, cái hội chứng “du lịch viễn chinh” của họ đã làm cho sự khó chịu của cộng đồng thế giới ngày càng tăng.

            Từ khi tổng sản lượng quốc gia – Gross Domestic Product (GDP) – của Tàu vượt Nhật năm 2011; xếp hàng thứ hai sau Mỹ thì tâm lý Đại Hán Nước Lớn Giàu Mạnh của gần 1 tỷ rưỡi người Tàu được thổi phồng và nhân lên gấp mười thực lực mà họ có.

            GDP của Tàu cập nhật năm 2017 là 12 nghìn tỷ đô la Mỹ (So với Mỹ 20 nghìn tỷ xếp hàng nhất, Nhật 5 nghìn tỷ xếp hàng 3… Việt Nam 240 tỷ xếp hàng 49/190).

            Nhưng thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) hằng năm của dân Trung Quốc đứng vào hàng 80 (16.000 USD) trong số 190 nước trên thế giới; dân Mỹ đứng vào hàng 10/190 (59.000 USD); dân Nhật đứng vào hàng 28/190 (59.000 USD); dân Việt Nam trong nước đứng hàng 125/190 (6.500 USD).

            Thực ra, nguồn tiền của Trung Quốc nằm trong tay 5% chóp bu đại gia và các nhân vật quyền lực (khoảng 75 triệu người); trong lúc 1 tỷ 300 triệu người Trung Quốc nội địa vẫn là dân làm thuê sống đời vất vả.

            Riêng trong lãnh vực du lịch, năm 2016, 120 triệu người Trung Quốc giàu mới nầy đã chi ra 250 tỷ đô la vào du lịch. Mới nghe ra là con số kếch sù nhưng chia đầu người thì con số 2.000 đô la trên mỗi đầu người thì chỉ mới đủ tiền chi phí di chuyển xe tàu cho một chuyến đi từ Trung Quốc qua Mỹ mà thôi.

            Kinh tế là chiếc đòn bẫy làm cho bản chất thật sự của dân Trung Hoa có điều kiện thể hiện thành hành động cụ thể trong thế tiếp cận với xã hội lớn hơn trong nước họ và cộng đồng thế giới ngoài nước của họ.

            Theo các nhà phân tích kể cà phương Tây, phương Đông và ngay bản thân các tác giả Trung Quốc thì văn hóa ứng xử cơ bản của người của người Tàu trong nước thời cận đại đã được cấu thành do 4 yếu tố:

  1. 1. Lịch sử lâu dài bị xâm lăng, áp bức, đô hộ bởi Nhật, Tây, nội loạn đã khiến cho tâm lý bị áp bức trói buộc qua nhiều thế hệ.
  2. 2. Sự lãnh đạo độc tài, chuyên chế, áp bức của chế độ phong kiến, thực dân và cộng sản đã bần cùng hóa 80% dân quê, hơn một tỷ người Trung Quốc nội địa sống trong nghèo nàn, lạc hậu và áp bức.
  3. 3. Những vụ trấn áp, trả thù, tiêu diệt đối thủ, đàn áp đối lập đẫm máu thời vua chúa và cận đại như trong cuộc Vạn lý Trường chinh, Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông và Thiên An Môn đã tạo ra một hội chứng sợ hãi và bức bách trong đại đa số quần chúng.
  4. 4. Sự dốt nát về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, thuần phong mỹ tục về thế giới bên ngoài khiến người du lịch Trung Quốc trở nên lạc lỏng, ngu ngơ, dựa vào cái tập thể thô thiển hỗn loạn của mình khi có dịp đi ra du lịch thế giới bên ngoài.
  5. 5. Tâm lý “Đại gia Hai Lúa” của những kẻ Giàu Mới (Nouveau Richie) thường tạo ra thái độ nhìn thế giới qua lăng kính đồng tiền: Hợm hĩnh, ỷ lại, ngang bướng, nịnh trên nạt dưới, vung tay xài bảnh mà ứng xử nghèo nàn, bất chấp nghi lễ, điều cấm kỵ trong văn hóa nước ngoài vì thiếu học và ngu dốt. Đặc biệt thứ tâm lý Đại gia Hai Lúa của du khách Trung Quốc nội địa càng trở nên tồi tệ hơn vì hấu hết mù tịt ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.

Tóm lại, thế giới mà gần như trực tiếp nhất là Việt Nam đang phải đối diện với một đám lâu la mới: Đó là bệnh dịch du lịch Trung Quốc.

            Việt Nam là một đất nước có chủ quyền, có truyền thống văn hóa lâu đời, có luật lệ thành văn và bất thành văn mà bất cứ người của dân tộc nào nhập cảnh đếu phải tôn trọng và tuân thủ. Hiện tượng những khu biệt cư “khu vực cấm không được lai vãng” của người Tàu, hay bất cứ một thế lực nào là một sự hạ nhụcthể diện quốc gia không thể tồn tại và kéo dài trên một đất nước… độc lập.3;p.

            Nạn dịch này cả thế giới đang báo động. Người dân yêu nước và giới lãnh đạo không chỉ riêng Việt Nam mà bất cứ một quốc gia có chủ quyền, độc lập, văn hóa và nhân văn không thể nào làm ngơ hay cúi đầu trước sự sai trái của người nước ngoài đến viếng nước mình bất cứ với lý do gì. Trong Binh Thư Yếu Lược có một ý căn bản khó quên: “Ta lùi, địch tiến; ta nhũn, địch hung. Địch chiếm thế thượng phong không phải vì địch mạnh mà bởi ta yếu!”

            Chuyện dài Trung – Việt còn lắm đa đoan. Thời chiến mất nước vì thua trận. Thời bình mất nước vì thua mưu. Mất chi cũng còn sắm lại được, nhưng mất nước rồi thì trong lịch sử chỉ thấy chào… thua.

Sacramento, đầu Hè 2018

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan