ĐỦNG ĐỈNH XUÂN VỀ

“Đây không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trời hải đảo chỉ có hai mùa khô và ướt. Vui ca lên hát cho trời mưa hay nắng. Quan trọng là chẳng có gì quan trọng trên đời!” 

          Người dân chài hải đảo Fiji vẫn thường vỗ tay hát giữa sóng nước bao la câu hát truyền đời hồn nhiên và vô tư như thế. Fiji là một hải đảo có hơn 300 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa Thái Bình Dương vẫn thường được ngành du lịch thế giới gọi là “Hải Đảo Thiên Đường” vì vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa sương khói nằm giữa biển khơi mênh mông; quanh năm đất trời lộng gió.

          Ngày nay, giới tài phiệt kinh doanh du lịch Âu Mỹ đã xây dựng nhiều khách sạn sang trọng và đắt nhất thế giới theo khuynh hướng biến chốn Thiên Thai thành nơi thực dụng. Tại Fiji, giá thuê khách sạn một đêm có nơi tới 5 nghìn đô la Mỹ. Thế nhưng, người dân nghèo chốn nầy vẫn ở trần vui ca ven biển và gối cát ngủ say giữa “khách sạn ngàn sao” trong lòng mẹ Thiên Nhiên muôn đời bao dung và độ lượng. Cảm xúc hồn nhiên “quan trọng là chẳng có gì quan trọng trên đời” vẫn còn là lời hát thiên thu của họ.

Nếu có một ngày cuối năm Tết Ta, người Việt Nam ngồi ở Fiji – nơi không có mùa Xuân – nhìn mây trắng trên biển xanh để nhớ về cội mai già nở hé đón Xuân và hình dung bà mẹ quê với luống cải vàng trên quê hương mới cảm nhận được hết ý nghĩa sự đời tương đối, phù du. Cái quan trọng bên nầy góc biển là cái không có mặt phía bên kia chân trời; hay ngược lại. Sáng Mồng Một Tết, khi gần cả trăm triệu người nô nức đón Xuân trên quê hương Việt Nam thì lại trùng vào ngày thứ Hai đi làm việc bình thường ở Mỹ. Một ngày thiêng liêng nhất trong năm đối với người Việt là “một ngày như mọi ngày” đối với thế giới.

Đã ba chục năm qua, tôi không còn ăn Tết ở quê nhà. Ngày đầu mới về hưu, tôi có cảm tưởng quanh tôi cái gì cũng nhuốm màu thời gian an nghỉ. Cảnh sớm mai thức dậy, vội vàng nhảy xuống giường, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, bới cơm trưa, xách cặp, ra xe, len lỏi giữa rừng xe cộ phóng tới sở làm cho kịp giờ không còn là một sinh hoạt ngày lại ngày vốn đã quen thành nếp trong mấy mươi năm. Tôi tự cho mình là đã tạm trả xong “phần vốn” món nợ gia đình và xã hội. Những sớm mai, lặng lẽ thưởng thức bình trà xanh Bắc Thái. Bóng hạnh phúc “ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp…” của cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa đến với tôi thật là đầm ấm và thú vị. Nhưng chỉ được mấy tháng đầu. Quán tính dính mắc với công việc ngược xuôi tất bật của hai phần đời vừa qua gây nên một phản ứng tâm lý rất mềm nhưng lắng vào chiều sâu. Đó là cảm giác nhàn hạ trống trải mà người mới về hưu thường gặp.

Con diều giấy có thể bay lượn suốt ngày đêm trong bầu trời lộng gió nhưng lại không tự đứng vững vàng trong một phút đứt dây. Sợi dây cột vào và dính mắc với đời sống ngỡ như vô hình mà sinh động ấy đã làm khổ nhiều người trong thế hệ về chiều. Ảo giác “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” không đủ mạnh để lấp đầy thực tại trống trải, dứt liên lạc với dòng sống đang trôi. Sống xa quê hương, không được gần gũi với bạn bè cùng trang lứa trong độ tuổi về hưu nên tôi không hiểu rõ tâm trạng và nếp sống của các bạn ở quê nhà đang hưu trí như thế nào. Nhưng tại xứ Hoa Kỳ nầy, hầu như lớp người đang đứng trước ngưỡng cửa về hưu có chung nỗi băn khoăn là không biết mình sẽ làm gì sau khi “tách bến” về hưu. Cái mốc thời gian bảy mươi tuổi “cổ lai hy” ngày xưa đã bị thay thế thành “cổ lai đa”! Nên về hưu cũng là một sự bắt đầu cho điệu sống cao niên.

Đã có rất nhiều người Mỹ nói cứng rằng, về hưu là để có thời gian làm những việc mình thích mà khi còn bận đi làm mình chưa làm được. Thế nhưng cụ thể là làm gì đây? Đi du lịch, làm từ thiện, thưởng thức hay sáng tạo nghệ thuật, tham gia công tác sinh hoạt cộng đồng… là những sinh hoạt bị giới hạn khi còn vướng nợ áo cơm. Nhưng khi có toàn thời gian thì những sinh hoạt nầy không đủ chiếm hết thì giờ nhàn rỗi hay bị bó tay vì điều kiện sức khỏe và phương tiện giới hạn. Người Việt mình may mắn hơn – hay do mang “nghiệp” nặng hơn – người Âu Mỹ vì phần đông các cụ tuổi già, đều dính vào việc giúp con cái coi nhà, giữ cháu. Nhưng với thế hệ trẻ có đầu óc khai phá và tiến bộ thì việc giữ trẻ lại không giống với việc về vườn, đuổi gà mà cần phải cùng “đồng lao cộng khổ” xung xăng chơi đùa với các cháu. Hình như tuổi thơ giúp tuổi già níu lại chậm hơn ngày vào viện dưỡng lão. Có chăng mùa Đông trộn với mùa Xuân sẽ thành mùa Hạ, hay ít nhất cũng là mùa Thu nên niềm vui hòa quyện 3, 4 thế hệ của ông bà, cha mẹ, cháu chắt… có thể là những nét hay riêng của văn hóa Việt nơi quê người.

Mùa Thanksgiving, 2011 năm nay, trải rộng 15 số báo Xuân Pháp Luật mà năm nào tôi cũng có viết một bài. Điểm lại những khuôn mặt bạn văn góp mặt trên khu vườn xa lạ mà quen thân nầy, sau 15 năm đã vắng mặt khá nhiều người. Kẻ trước người sau lần lượt xuôi tay, buông bút về đất. Tôi lại nhớ mùa Xuân quê hương và luật vô thường của tạo hóa. Vô thường lại trở thành bình thường như “Xuân đang đến, nghĩa là Xuân đang qua…” Nhưng khác với Xuân Diệu là Xuân sẽ không già, không hết nhưng một đời người thì vẫn mất.

Nhìn người dân hải đảo Fuji, ca hát hồn nhiên trên những đua chen và tham vọng của loài người nhỏ bé trước Tạo Hóa vô cùng, tôi chợt nhận ra khuôn mặt của hạnh phúc. Dẫu sao, con người vẫn là một sinh thể hạnh phúc nhất trần gian vì biết mình không đi theo vòng quay Xuân, Hạ, Thu, Đông; rồi Xuân… mãi hoài không thay đổi đến mỏi nãn và vô cảm. Đời người là một con đường thẳng của sinh, lão, bệnh, tử để đối mặt với một con đường thẳng song song của thành, trụ, hoại, không… rất khách quan, đầy sôi động  và không có miễn trừ, ngoại lệ cho bất cứ một ai. Con người chuẩn bị về đất như quay về với quê hương thiên cổ. Chính con đường thẳng một chiều từ khi sinh ra cho đến khi về đất xưa nay không ai tránh khỏi đó đã trở thành động lực của tính độ lượng, lòng nhân từ, nếp tâm linh và năng lực sáng tạo của con người. Thắp lên tính thiện, lòng nhân để soi đường mà đi tiếp sau cuộc đời nầy. Sáng tạo là tái sinh. Tái sinh mà không sáng tạo sẽ trở thành hiện tượng hòn đá xẻ đôi. Có thể đẹp hơn, nhiều hơn nhưng không thể sinh ra cái mới. Sự lập lại dẫu có tươi đẹp như mùa Xuân hay khéo léo xây tổ như con ong cái kiến thì muôn đời vẫn hành động theo quán tính tự nhiên, dẫm chân tại chỗ. Loay hoay hành động mà vẫn mãi hoài hụp lặn dưới đáy giếng hay trồi lên trên cùng một miệng giếng là đồng nghĩa với sự thoái trào, hủy diệt.

Đi thẳng, vươn lên, buông bỏ và thư thái với biến hoại mất còn mà không cần lập lại như cội mai già trổ hoa y nguyên năm cũ khi mùa Xuân tới mới thực sự là đang sống và vươn lên. Vui với những sợi tóc xanh đang ngã màu thành bạc. Chẳng buồn với những biến hoại khách quan. Thong dong và thư thái như người dân hải đảo Fiji hát bài “tịnh độ” – quan trọng là chẳng có gì quan trọng – như mùa Xuân đã về, đang tới và sẽ đủng đỉnh ra đi.

 

Napa Valley, Thanksgiving 2011  

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan