Năm ngoái, thầy Thích Mãn Giác; năm nay cha Nguyễn Ngọc Lan lần lượt qua đời.
Nếu tạm gác qua một bên những hình tướng nhân sinh như áo cà sa của hòa thượng hay áo chùng thâm của linh mục… thì cả hai vị đều là những người đàn anh đáng kính trong giới trí thức thuộc thế hệ Chiến Tranh Việt Nam.
Ngày thầy Mãn Giác ra đi tại Mỹ, tôi có được duyên lành đến tận giàn hỏa thiêu ở miền Nam California bái biệt thầy lần cuối. Và trong bài viết tưởng niệm về thầy, tôi có nhắc lại hình ảnh “đoàn kết tôn giáo” trên đường phố Huế 40 năm trước. Đấy là lúc cha Lan chở thầy Mãn Giác trên chiếc xe hai bánh trên đường Lê Lợi dọc sông Hương trong tiếng reo hò thống khoái của đám trẻ thơ: ” Coi tụi bây ơi! Cha chở Thầy!Cha chở Thầy!…” Đám trẻ thơ ngày xưa bây giờ là những người đã quá tuổi trung niên, tóc ngã muối tiêu và bắt đầu “tri thiên mệnh”! Tuy tuổi tác chưa hẳn là thước đo chính xác của sự khôn ngoan và lịch lãm của mỗi con người; nhưng thời gian là bề dày làm cơ sở cho một quá trình nhìn lại để nhận diện rõ ràng và cụ thể hơn về một nhân vật, một con người.
Thầy Mãn Giác dạy tôi môn triết học Đông phương và cha Nguyễn Ngọc Lan dạy tôi môn triết học Tây phương ở đại học văn khoa Huế. Từ phương xa, tôi nhận tin cha Lan đã qua đời với nỗi ngậm ngùi của một người học trò không được gần gũi để đưa tiễn thầy lần cuối.
Dù cha đã cởi áo dòng tu và lần cuối tôi được gặp cha là vào “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972, nhưng trong tôi, hình ảnh của cha Lan bao giờ cũng vẫn là tâm ảnh của thời sinh viên với dáng thanh tú trong chiếc áo chùng thâm, khuôn mặt trẻ trung sáng lên theo nụ cười cởi mở. Sau chiếc kính trắng là đôi mắt sáng, pha một chút tinh nghịch tươi mát nhưng không hề phảng phất vẻ mệt mỏi của cha. Tôi vẫn xin được gọi “cha” như gọi “thầy” trong tình nghĩa thầy trò tôn sư trọng đạo, không vì hoàn cảnh hay hình tướng khác đi mà thay đổi.
Hôm nay, qua mạng lưới thông tin “online”, tôi đọc những lời chia buồn và tưởng niệm từ phía bạn bè quen biết thân sơ của cha Nguyễn Ngọc Lan. Một bài viết của tác giả Trần Bạch Đằng đăng trên mạng lưới Thanh Niên Online ngày 26 tháng 2 năm 2007 đã mô tả linh mục Nguyễn Ngọc Lan như là một “chiến sĩ xung kích chống Mỹ cứu nước”; một người cộng sản trung kiên hoạt động nội thành dưới sự chỉ đạo của cơ sở Đảng đặt căn cứ địa tại miền Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Quan điểm “nhận diện nhân vật” của ông Trần Bạch Đằng đối với một người như cha Lan có công bằng và hợp lý trên cơ sở lịch sử, xã hội và chính trị hay không?
Tôi học với cha Lan trong giai đoạn sôi động nhất của thời kỳ “hậu Phật giáo tranh đấu 1963”. Những cuộc xuống đường hay ra đường biểu tình, bãi khóa, đình công, bãi thị của sinh viên, học sinh, tiểu thương, thợ thuyền… xảy ra liên miên trên đường phố Huế. Những giáo sư có nhiều cảm tình với phong trào tranh đấu như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Lê Văn Hảo… trở thành “điểm nóng ” cho sinh viên bàn tán, nhìn ngắm, tiếp xúc và hỏi han trong giảng đường, thư viện.
Cha Lan là một trí thức cấp tiến trong ngành nhân văn. Tốt nghiệp tiến sĩ triết học từ một trong những trường đại học kỳ cựu và danh tiếng nhất thế giới là đại học Sorbonne của Pháp, linh mục Nguyễn Ngọc Lan là một trí thức ưu tú trong chiếc áo nhà tu. Cha chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần luận lý học phương Tây. Đấy là khuynh hướng thiên về cách nhìn mọi hiện tượng và sự cố bằng cái lô-gích chặt chẽ của cấu trúc phân tích và lý luận hơn là bằng trực giác và chiêm nghiệm của Đông phương. Hệ luận gần như tất nhiên của một tinh thần luận lý thuần túy và chặt chẽ như thế thường rất dễ tạo ra “khẩu nghiệp”. Đó là mảnh đất tốt làm phương tiện cho tư tưởng quyết đoán và duy lý cực đoan nẩy mầm. Cha Lan, trong cách nói và cách viết, thường tạo cho người nghe và người đọc một cảm giác cực đoan như thế. Những bài giảng triết học đầy cá tính tư tưởng trong trường đại học và những bài viết sắc nhọn của tác giả Nguyễn Ngọc Lan trong Tin Sáng, Đối Diện, Đứng Dậy và trong các tác phẩm Con Đường Hay Pháo Đài, Hà Nội Tôi Thế Đấy, Nhật Ký… đã làm cho cha bị ngộ nhận từ mọi phía. Cha trăn trở giữa đời như một người “chung thân bất mãn” với cả hai chế độ chính trị tả, hữu. Nhưng theo dõi thật sâu lắng những bài giảng và đọc kỹ những bài viết của cha Lan, ai cũng có thể thấy được sau âm vang và dáng vẻ đầy tính phân tích chi ly và phê phán nghiêm khắc; thậm chí có khi mĩa mai, cay độc của cha là một tấm lòng nhân hậu vì lợi lạc cho người. Đó là thái độ cay cú chối bỏ đôi cánh yếu ớt của một con chim trong giông bão, chỉ vì nóng lòng ước muốn nó có đôi cánh đại bàng, chứ không phải cố tình vùi dập để nó co mình thành gà vịt.
Tôi còn nhớ trong một bài giảng, cha Lan nhắc đi nhắc lại lời của danh họa Marc Chagall, đại khái nói rằng: “Từ trắng qua đen có hàng nghìn, thậm chí vô số màu đậm nhạt ở giữa. Đời sống cũng thế, không đơn giản chỉ có hai bờ đối nghịch để chỉ chọn một bên nầy hay một bên kia”. Vâng, có thể nói sự ví von đó là thực trạng xã-hội-chính-trị trong Cuộc Chiến Việt Nam. Ở miền Bắc mặc nhiên thành người “cộng sản” và ở miền Nam mặc nhiên thành người “quốc gia”. Không có trung gian, không có ở giữa, không có thành phần thứ ba giữa hai bờ đối nghịch. Sự lửng lơ không chọn lựa ở giữa sẽ mặc nhiên bị hài tội hay quy chụp chính trị là “thiên cộng” hay “phản động”! Vô số màu đậm nhạt trong bức tranh hiện thực đời sống theo tinh thần Chagall đã bị từ khước, chối bỏ, vùi dập đầy oan ức.
Suốt bốn năm học tại trường văn khoa và sư phạm Huế, tôi được học với nhiều linh mục danh tiếng như cha Nguyễn Văn Thích dạy Hán Văn, cha Nguyễn Phương dạy Phương Pháp Sử, cha Nguyễn Tiến Huynh dạy Tâm Lý Giáo Dục, cha Nguyễn Hòa Nhã dạy Địa Lý Đại Cương, cha Demers dạy Ngữ Học, nhưng chỉ có cha Nguyễn Ngọc Lan là vị giáo sư linh mục duy nhất tạo cơ hội đi uống cà phê với sinh viên chúng tôi sau giờ học. Nhờ vậy, chúng tôi được cha trao đổi và chia sẻ những vấn đề tư tưởng và đất nước đầy phóng khoáng bên cạnh nội dung chữ nghĩa giáo khoa. Hầu như cha “nắm diễn đàn” trong những cuộc thảo luận thân tình và cởi mở. Bọn sinh viên chúng tôi có dịp tiếp cận với cha Lan có thể rất khác nhau về khuynh hướng chính trị và cách chọn lựa hướng đi riêng, nhưng thảy đều tìm thấy ở cha sự nổi bật của một trí thức yêu nước lý tưởng.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm cụm từ “yêu nước lý tưởng” vì cách thể hiện lòng yêu nước như thế thường nhiệt tâm và giàu cảm tính nên búa rìu dư luận dễ suy luận chủ quan và sai lạc. Bởi thế, cha Lan đã trở thành đối tượng khen chê hết lớp nầy đến lớp khác trong suốt hơn 40 năm qua. Nếu chịu khó đọc gần cả nghìn trang Nhật Ký của cha Lan viết trong khoảng thời gian 1988-1991, do Tin Paris xuất bản tại Pháp, người ta sẽ thấy cha trung thành với lý tưởng yêu nước đó như trung thành với chính mình. Muốn biết sự “trung thành tự tại” đó ở một vị giáo sư và đồng thời cũng là người cầm bút, nhất là khi người đó không còn nữa để lên tiếng, thì cách tương đối hợp lý nhất là tìm đọc lại giáo trình và tác phẩm của chính tác giả hơn là vô tình hay cố ý hướng dẫn dư luận vào những hiện tượng nhất thời và suy diễn viễn mơ.
Khi một nhân vật vừa sống đạo, vừa sống đời như cha Lan nằm xuống, cả giáo quyền lẫn thế quyền đều bị giới hạn — hoặc là vì nhỏ quá, hoặc là vì lớn quá — để có thể đi vào vừa vặn với khung cửa tâm thức của những người chọn lựa trung thành với chính mình như cha Lan.
Lịch sử đã sang trang, nhưng cơn biển dâu chưa an định thành núi, thành đồi bình an, phẳng lặng trong dòng chảy của thế hệ Chiến Tranh Việt Nam nên những người anh em vẫn nhìn nhau chưa rõ.
Những người tuổi trẻ trong phong trào Phật giáo, thanh niên, sinh viên, học sinh tranh đấu một thời đang lần lượt về vườn và về đất. Ngày xưa và cả bây giờ, có thể có một số người trong đó đã chọn lựa đứng hẳn về phía bên nầy hay bên kia chiến tuyến; đen hay trắng, vàng hay đỏ… vì lý do và hoàn cảnh riêng của họ. Nhưng tôi tin — như tin tự chính mình — rằng, đa số những người tham gia phong trào tranh đấu tại các đô thị miền Nam thời sáu mươi đều là những người mang lý tưởng yêu nước xuống đường. Dẫu cho họ là người có bản lĩnh chính trị cao cường hay ngây thơ yêu nước lãng mạn thì họ vẫn có một mẫu số chung là niềm tin đấu tranh cho hòa bình công chính chứ chẳng làm “chiến sĩ xung kích” của một thế lực chính trị bao thầu độc quyền yêu nước nào cả. Họ như những người nông dân Việt Nam truyền thống. Khi tổ quốc yêu cầu và lương tri lên tiếng, sẽ sẵn sàng bỏ hết ruộng vườn cày cuốc lên đường, sẵn sàng đối mặt và hy sinh trước phong ba. Nhưng khi cuộc thế đã an hòa, họ trở về lại chốn cũ với hai bàn tay không. Không chuyên quyền, không chia chác, không đòi hòi quyền lợi đền bù cho một chút công lao hãn mã nào cả.
Đã có một thời, cha Lan và tuổi trẻ đã dấn thân với một tinh thần tương tự như thế. Trong cuộc tương tranh bão liệt đang diễn ra trên đất nước, họ đóng vai “thành phần thứ ba”. Họ chính là hình ảnh và khái niệm về khối màu đa nguyên, đa dạng đậm nhạt đứng ở giữa. Họ chẳng trụ vào bên nầy hay bên kia như rừng màu sắc trung gian của Chagall, như cha Nguyễn Ngọc Lan mà chỉ biết trụ vào chính trái tim yêu nước tự nhiên và lương tri chơn chất của chính mình. Nếu có chăng một phía nào đó lợi dụng hay loại bỏ họ thì xin đừng trách con chim gãy cánh mà nên trách người thợ săn bắn gãy cánh chim thôi.
Mọi cố gắng kéo những con người độc lập — những kẻ dám trung kiên đứng thẳng trên đôi chân trần và sự thức tỉnh của chính mình — về một phía nào đó mà tự họ chưa hề xác định sẽ trở thành bất công và khập khiểng. Biết bao nhiêu kẻ có lòng đã hy sinh hết tuổi thanh xuân cho lý tưởng yêu nước vẫn còn cúi đầu bước đi trong im lặng chịu đựng; trong sự suy diễn và nhận diện sai lạc, nhưng lại ngỡ là có thẩm quyền, của phía bên nầy hay phía bên kia. Xin cho họ bây giờ và cuối đời một sự bình yên không phê phán. Xin đừng đẩy họ về phía “người” hay kéo họ về phía “ta” nhằm đánh bóng cho mình mà bất chấp công lý, thứ công lý cao nhất của đạo làm người là sự công bằng.
Dân tộc Việt Nam đã có một công lý minh oan truyền thống: Đó là “đèn Trời soi xét”! ” Như lời vua Lê Thánh Tôn đã nhắc tới nỗi oan của Vợ Chàng Trương nhờ đèn trởi soi sáng: “Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt; giải oan chi mượn đến đàn tràng”!
Thế hệ Chiến Tranh Việt Nam có lắm nỗi oan khiên. Sự oan nghiệt không chỉ đến hay tạo ra do một người, một thế lực, một phía mà do cả cuộc bể dâu. Trong đó, bao nhiêu tấm lòng yêu nước đã bị lạm dụng và bạc đãi bởi nhiều phía. Từ những nhân vật được biết đến nhiều như cha Nguyễn Ngọc Lan hay những người không ai biết đến đã bị dập vùi giữa gọng kềm của lịch sử.
Chúng ta cần “giải oan cho cuộc biển dâu nầy”** khi nhớ về một quá khứ chưa xa và chưa qua. Nó vẫn còn trong ký ức và trong cảm xúc của những người Việt Nam đang có mặt trên quê mình và quê người hôm nay. Sự “giải oan” mang tính nhân nghĩa, nhân văn và khai phóng cao nhất là xin thắp sáng ngọn “đèn trời” khách quan và thoáng rộng trong tâm thức, trong mỗi trái tim mình.
Trần Kiêm Đoàn
Natomas, đầu Xuân 2007
____________________________________
** Tô Thùy Yên. Ta Về:
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu nầy.