góp ý với ông Trần Kiêm Đoàn

TÔN NỮ TỐ CẦN

CHUNG QUANH PHIM TRĂNG SOI ĐÁY GIẾNG

đôi điều góp ý với nhà văn Trần Kiêm Đoàn

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn  được  nhiều độc giả người Huế mến mộ.

Chúng tôi là những người Huế xa quê và cũng là những người “một thời Đồng Khánh”  nằm trong số độc giả ấy.

Qua những bài viết gồm nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, truyện dài, dịch thuật, biên khảo có liên quan đến Huế, nhà văn Trần Kiêm Đoàn đã chinh phục được cảm tình của người đọc, nhất là độc giả Huế.  Sự cuốn hút  đó là do văn phong trôi chảy mượt mà, lý luận vững chắc, kiến thức sâu rộng và một tấm lòng nặng tình với quê hương và xứ Huế của ông.

Nhưng gần đây, đọc bài điểm phim “Phim Trăng Nơi Đáy Giếng Ra Mắt Công Chúng Mỹ” của tác giả Trần Kiêm Đoàn chúng tôi thất vọng và thắc mắc về mức độ khách quan và trung thực của ông đã gởi gắm trong bài viết.

Sau đây, xin có đôi điều góp ý với ông Trần Kiêm Đoàn.

Trước hết, chúng tôi nói rõ lý do tại sao phải lên tiếng.  Phim Trăng Nơi Đáy Giếng được dựng theo một truyện ngắn của nhà văn nữ Huế Trần Thùy Mai.  Phim do ông Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn.  Nhóm “Quốc Học Đồng Khánh Xa Huế” chúng tôi gồm các thành viên sống xa Huế cả trong và ngoài nước.  Chúng tôi đã cẩn thận theo dõi cuốn phim có chủ đề nói về Huế để đánh giá và phân tích theo tinh thần tôn trọng văn hóa và nghệ thuật. Thế nhưng tất cả chúng tôi, những ai đã đọc truyện và xem phim, đều bỏ phiếu “không thuận” vì cuốn phim nầy đã gây ra sự hiểu lầm tiêu cực, sai lạc và tai hại về con người và văn hóa Huế.

Về mặt thông tin, sự xác định của ông Trần Kiêm Đoàn về việc cuốn phim đã “ra mắt công chúng Mỹ” là không chính xác.  Sự thật là cuốn phim do quỹ giáo dục IVCE và Ford bảo trợ nên được đem chiếu tại các “Archive ” phim ảnh tài liệu của các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ có sinh viên Việt Nam đang theo học.  Người xem vào cửa miễn phí.  Khán giả hầu hết là những sinh viên Việt Nam và thân hữu trong giới hạn chương trình học về châu Á và Việt Nam.

Về mặt kỹ thuật phim ảnh, ông Trần Kiêm Đoàn đã đưa ra vài nhận xét hời hợt chiếu lệ. Chúng tôi thất vọng và thắc mắc về sự thiếu thuyết phục trong giọng văn bình luận thường rất lôi cuốn vì có nhiều tình cảm và chất lửa sở  trường của ông.  Sự vắng bóng về mặt nầy trong bài viết của ông đã khiến chúng tôi tìm thấy sự thật rằng: Đây là một cuốn phim thiếu những tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản cần thiết trong lĩnh vực điện ảnh.  Nói là chủ ý giới thiệu về Huế mà đạo diễn chưa đủ sức nắm bắt được những hình ảnh tiêu biểu và đặc trưng của Huế.  Một nhà làm phim bén nhạy và lịch lãm cần phải nắm được cái hồn, cái tinh hoa của nơi được chọn làm xương sống cho cuốn phim.  Qua phim Trăng Nơi Đáy Giếng, một xứ Huế vốn nên thơ, quý phái bỗng trở thành u trầm, nhạt nhẽo và thậm chí lạc hậu, mê tín dị đoan đã hiện ra.  Diễn viên chính làm linh hồn cho cuốn phim về Huế lại là một cô gái miền Nam, nói giọng Nam và bộ điệu hoàn toàn thiếu cái thâm trầm và duyên dáng thầm kín của cô gái Huế.  Diễn viên nam đóng vai chính tiêu biểu cho người đàn ông Huế lại càng ảm đạm hơn với khuôn mặt phỗng đá, đối đáp lấc cấc, không một chút biểu cảm và chẳng nói lên được nét gì của văn hóa Huế cả.  Nhạc phông của phim ở một mức độ lạc điệu, nghèo nàn lại càng đáng ngạc nhiên hơn.  Truyền thống nhạc tấu cung đình và làn điệu dân gian giàu có của Huế đâu không nghe mà chỉ nghe tiếng ễnh ương ếch nhái, tiếng hò ru con lờ lợ chẳng ra xứ nào và giọng hát chầu văn lên đồng lên bóng ngự trị cuốn phim đến độ làm cho khán giả phải nhăn mặt khó chịu.  Đó là chưa nói đến sự sơ hở kỹ thuật đến độ lạ lùng khi màn ảnh giới thiệu mở đầu phim bằng tiếng Tây ròng mà ngay sau đó phần phụ đề lại toàn tiếng Mỹ rặt.  Tiếng Anh phụ đề trong phần đối thoại nhiều đoạn tối tăm và nhiều câu dịch sai ý, sai ngữ cảnh hớ hênh đến buồn cười.  Nhiều nhân vật phụ như cô Thắm, những bà bán hàng ngoài chợ đối thoại thiếu tự nhiên như học trò trả bài giáo khoa.

Về mặt nội dung giới thiệu văn hóa và con người Huế lại cáng làm cho nhiều người Huế thất vọng.  Khán giả gốc Huế hay hiểu về Huế sâu sắc có cảm tưởng như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn tìm hiểu Huế qua những chuyện truyền khẩu dân gian và qua ca dao tục ngữ của một thời xa xưa hơn là một xứ Huế đang thực sự có mặt trong lòng dân tộc Việt Nam hiện đại.  Dựng phim về Huế nhưng đạo diễn thiếu hẳn một kiến thức cơ bản về “Huế học” trong những lãnh vực lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ và tâm lý của người Huế.  Thật đau lòng khi thấy tiếng vọng của hàng sĩ phu yêu nước “Chiều chiều trước bến Văn Lâu…” bị nhét vào cuốn phim như câu hò ai oán thất tình.  Định kiến lỗi thời  “chồng chúa vợ tôi” thời phong kiến xa xưa đã bị nhà đạo diễn cường điệu hóa một cách thiếu nghệ thuật.  Người vợ dịu hiền chơn chất trong truyện và ngoài đời đã bị biến thành một người phụ nữ không còn cá tính.  Sự dịu hiền và kiên nhẫn của người đàn bà Huế truyền thống đã bị biểu hiện sai lạc qua diễn xuất thành một mẫu người nô lệ tình cảm không có hồn phách.  Suốt cả cuốn phim, khán giả không hề bắt gặp một nét duyên dáng, ánh mắt, cử chỉ diển tả tình cảm tinh tế nào của những cô gái Huế đã từng làm cho những chàng trai trong Quảng ra thi “chân đi không đành”.  Người chồng Huế trong phim là một con người vô cảm.  Ăn, ngủ, làm tình, làm chồng, làm con, làm thầy như một con người máy ích kỷ, lạnh lùng.

Nói tóm lại là các nhân vật chính diễn xuất trong phim đã làm “hỏng” con người Huế thật sự và làm “hư” luôn các nhân vật được gởi gắm trong truyện của nhà văn Trần Thùy Mai.

Qua phần phân tích tâm lý nhân vật trong bài điểm phim, nhà văn Trần Kiêm Đoàn cũng đã “hỏng” theo cuốn phim.  Ông đã “chữa cháy” cho cuốn phim bằng một chiến thuật cao mà vụng!  Ông đã vận dụng kiến thức và lý thuyết phân tâm của một nhà tiến sĩ tâm lý học không đúng chỗ.  Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi đọc phần phân tích tâm lý ngườì đàn bà Huế của ông có vẻ như rạch ròi, chặt chẽ nhưng lại rất mù mờ, khiên cưỡng qua khái niệm “yêu tình yêu và yêu người yêu”!  Một tài hoa trong những tác phẩm về Huế được nhiều người ưa chuộng như Chuyện Khảo Về Huế, Con Yêu Bánh Nậm, Từ Ngõ Huế Xưa… hoàn toàn vắng bóng trong bài viết nầy.  Với sự nhạy cảm của một nhà văn và với sự hiểu biết sâu rộng của một học giả, thật khó tin là ông Trần Kiêm Đoàn đã chẻ đôi, tách bạch con người với tâm lý tình yêu.  Ông đã hạ bút viết rằng, diễn viên và cũng là nhân vật Hồng Ánh trong phim Trăng Nơi Đáy Giếng không hề liếc mắt đượm tình với chồng, không hề biết nói một câu lãng mạn âu yếm với chồng, không hề có một cử chỉ trao gởi đầy cảm xúc khi phục vụ chồng là vì “chỉ biết yêu tình yêu trên tất cả”.  Khái niệm “yêu tình yêu” (loving love) trong tâm lý tình cảm ẩn ức phương Tây là dấu hiệu bất bình thường theo y học tâm lý.  Người đàn bà Huế có thể mang đậm nữ tính đa tình, lãng mạn; nhưng trong khung cảnh đạo lý truyền thống Huế khó mà tìm ra mẫu người yêu tình yêu thuần túy của người phụ nữ phương Tây như ông trưng dẫn để nói đến người vợ mất cá tính trong phim.

Michael Lipinski  đã viết về “yêu tình yêu” như thế nầy:

It’s love.
A lovely love is all we seem to need when
We’re in loving love.
But then, it’s gone,
It is nothing but a memory.

(Yêu tình yêu đẹp tuyệt vời

Nhưng khi tình mất nhớ đời chưa yêu)

Thực tế, phụ nữ Việt Nam không ai lại sống lãng mạn và sương khói đến như vậy đâu, thưa nhà văn Trần Kiêm Đoàn!

Có thể nói là ông đã đi quá xa, xa đến lạc đề để nhằm biện minh cho một sự lỡ tay hay vụng về về nghệ thuật.  Hơn thế nữa, ông đã tự mâu thuẫn với chính mình khi so sánh đìều ông viết trong bài điểm phim với tư tưởng “nhân quả đồng thời” trong cuốn sách “Tu Bụi” rất nổi tiếng của ông.  Tư tưởng Phật giáo đã giúp ông xác định được rằng, con người và tình yêu là một cộng nghiệp.  Người đàn bà trong Trăng Nơi Đáy Giếng cũng chỉ là một sản phẩm của Nghiệp: Không mà có, có mà không nên thực hay ảo cũng chỉ là sản phẩm của Tâm đang thay đổi từng sát na và quay cuồng như chong chóng.

            Chúng tôi đợi ở ông những bài viết có chiều cao của nghệ thuật và chiều sâu của tư tưởng chứ không phải những bài viết cạn cợt, quá vô tình và vô tâm với Huế và cuộc đời như thế.

Lời thật thường dễ mất lòng.  Kính mong ông hoan hỷ.

                                                                                    TN Tố Cần, MD

                                                                        Veterans Hospital, Vancouver V-09

                                                                        Contact: Tonnutocan@gmail.com

Bài viết liên quan