HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT VỀ MIỀN GIAN NAN

 

Nếu phải mất mười ngày để trả lời cho một sự phân vân hay một thắc mắc thuộc về môi trường và tâm lý thì cũng rất nên làm thử xem sao.

Số là sau ngày hưu trí vào năm 2008, tôi vẫn thường đặt sinh hoạt ưu tiên cho mình là đi cho biết đó biết đây.

Chúng tôi vẫn thường nói nửa đùa nửa thật: “Bây giờ còn khỏe không lo đi chơi; đợi đến khi… đi thật thì còn cơ hội đâu nữa mà đi chơi!” Cái viễn ảnh “đi thật” là một ám ảnh vừa rất xa mà cũng vừa rất gần trong cõi đời vô thường của lứa tuổi về chiều như chúng tôi.

Vốn là một Phật tử, ưu tiên du lịch hàng đầu của nhà tôi là thực hiện một chuyến du lịch hành hương trên đất Phật Ấn Độ. Nhưng qua nhiều ý kiến của những người đã từng du lịch Ấn Độ thì quê hương đất Phật không phải là một nơi lý tưởng và dễ dàng cho việc du lịch. Theo những ý kiến này thì các vùng thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ là những nơi có khí hậu khắc nghiệt về cả hai mùa nóng lạnh; đồng thời, dân cư rất nghèo khổ và lạc hậu nên những phương tiện về vệ sinh, nơi ăn chốn ở, di chuyển và về nhiều mặt sinh hoạt nói chung đều rất khó khăn và hạn chế. Bởi vậy, bức tranh du lịch Ấn Độ thường được vẽ ra một cách u ám làm cho chúng tôi hết sức e ngại, phân vân để thực hiện chuyến đi một khi con chim quá khứ thời son trẻ đã bay qua rồi.

Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày về hưu, chúng tôi đã đi du lịch trung bình mỗi năm vài lần đến nhiều nước trên thế giới, chỉ trừ Ấn Độ là chưa đi.

Mãi cho đến sau Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 năm nay, trong dịp về thăm quê nhà, chúng tôi “đánh liều” lên mạng online xem thử tình hình tổ chức du lịch hành hương Ấn Độ như thế nào.

Việt Nam có khá nhiều nhóm, hội tư nhân và công ty du lịch tổ chức thường xuyên các chuyến du lịch trong và ngoài nước. Riêng Tour hành hương du lịch Ấn Độ còn có nhiều đoàn hành hương do quý Tu Sĩ đứng ra tổ chức hướng dẫn.

Tôi tìm vào các chuyên mục đánh giá và phê bình du lịch thì thấy công ty Vietravel nhận được nhiều đánh giá cao và lời khen tích cực.

Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tại nhà riêng ở Sacramento, California , tôi lên mạng và ghi danh tour đi du lịch hành hương Ấn Độ vào ngày 18-3-2018 với Vietravel khoảng 2 tháng trước ngày đi.

Ngay sau khi tôi hoàn thành việc ghi danh thì Tour đi Ấn Độ của Vietravel báo ngay là “hết chỗ”.

Mọi thủ tục thanh toán, giấy tờ và hướng dẫn được giải quyết một cách gọn, nhẹ qua internet và điện thoại.

Chúng tôi về Việt Nam một tuần trước ngày khởi hành chuyến đi.

Đến ngày đi, cả đoàn ghi danh có 18 người. Tôi ngạc nhiên hỏi thì anh Minh Trung, hướng dẫn viên du lịch, cho biết rằng, khả năng công ty hướng dẫn một đoàn du lịch đi nước ngoài có thể lên tới ba bốn chục người. Nhưng số lượng còn phải tuỳ thuộc vào các phương tiện ăn, ở, di chuyển, quản lý… mà công ty và các đối tác cung ứng phương tiện thỏa thuận với nhau rất chi tiết và cụ thể cho mỗi chuyến đi. Nghe sơ qua nguyên tắc quản trị và tổ chức của một cơ quan du lịch tư nhân mà đặt lợi ích cá nhân khách hàng lên trên lợi nhuần của công ty, chúng tôi thấy an tâm.

Nhưng trên đời này trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm, nên phải lấy thực tế hành xử làm gốc.

TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Chúng tôi bắt đầu đối diện với thực tế ngay sau khi rời New Delhi – thủ đô Ấn Độ. Một trong hai va-li hành lý của chúng tôi bị thất lạc và cả đoàn phải “share chung” bằng cách kiên nhẫn đợi chờ cho đến khi về khách sạn vào lúc 2:00 giờ sáng! Thế nhưng hôm sau kiểm chứng lại thì ai cũng vui vẻ chia sẻ sự trở ngại.

Với tinh thần đồng đội và đồng hoà đó, chúng tôi đã trải qua gần 10 ngày được sống trong hạnh phúc: Hạnh phúc vì chia sẻ; hạnh phúc vì đạo tình nồng ấm trong cách cư xử và cảm tình chan chứa trong lòng mọi người; dẫu đây chỉ mới là lần đầu người bốn phương tụ về gặp nhau cùng chung ý nguyện “vào nơi gió cát, tìm dấu chân Phật”!

Từ New Delhi, chúng tôi đi bằng đường bộ lên hướng Đông Bắc với quảng đường dài gần bằng từ Huế ra Hà Nội. Phương tiện chủ yếu là tàu và xe. Chúng tôi đang ở trong lãnh thổ bang Bihar, một trong 29 tiểu bang hành chính của Ấn Độ. Bihar nằm về phía Đông Bắc Ấn, có diện tích rộng bằng một phần ba Việt Nam với số dân 100 triệu người và lịch sử sớm vài nghìn năm trước Tây Lịch. Những con số thống kê làm tôi rất phân vân:

Hơn 40 phần trăm người lớn và trẻ con xứ này mù chữ; trong khi UNESCO cho biết là có khoảng 1 tỷ người mù chữ trong tổng số nhân loại toàn cầu hơn 7 tỷ. Nghĩa là so với tỷ số người mù chữ của thế giới khoảng 14 % thì xứ này người thất học đông hơn gấp ba lần. Người dân 60 phần trăm ở dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn Ấn Độ và cứ trung bình hai vạn người dân mới có một bác sĩ chữa bệnh… Có một vị khách nào đó ngồi đằng sau xe vọng tiếng nói đùa: “Đây là quả báo đốt trường đại học Ananda và tiêu diệt Phật giáo đây…” Có tiếng suỵt “thôi đừng nói… mất lòng”!

Càng lên phía Bắc đời sống dân cư càng nghèo khổ, lạc hậu, mất vệ sinh và đường sá càng khó đi. Đời sống của dân cư ở đây chủ yếu về nông nghiệp. Các phương tiện sản xuất như trâu bò, cày cuốc thô sơ rất giống với đời sống nông dân Việt Nam sáu, bảy mươi năm về trước. Con đường quốc lộ Bắc Nam Ấn Độ cũng đang ở trong tình trạng như quốc lộ một Việt Nam thời trước năm 1954! Chiếc xe buýt 50 chỗ ngồi nhồi dập chao đảo tới mức người hướng dẫn viên phải khôi hài báo động:”Cả nhà coi chừng TỘI hay NGHIỆP gì cũng phải văng tưng ra hết! Đường này toàn là ‘ổ voi’ nhiều hơn ổ gà…”

Ai nấy chuẩn bị tinh thần đạp chân, riết tay bám vào thành ghế cho con đường về Tây phương trước mắt; nhưng con đường thực tế xảy ra từ sớm đến chiều không “dễ sợ” như lời cảnh báo. Tuy xe lắc lư rất… hào sảng; nhưng tâm lý đã chuẩn bị cho khả năng chao đảo nhiều hơn nên người nào cũng có cảm giác như bữa tiệc rượu đong đưa nửa chừng. Nghĩa là xe chạy không êm ru nhưng cũng chưa đến nỗi quăng ai ra khỏi ghế ngồi cả.

Quá lắm thì cũng chỉ vừa đủ múa điệu “disco” ngay trên ghế ngồi mà thôi!

Các thánh tích Phật giáo đều nằm ở địa bàn bang Bihar vùng Đông Bắc Ấn Độ. Đây là vùng đất nghèo nhất xứ Ấn và cũng là thánh địa của Hồi giáo tại Ấn Độ. Đời sống người dân nghèo nàn với nếp sống cơ cực, thiếu phương tiện giáo dục và nếp sinh hoạt mất vệ sinh ngoài sự tưởng tượng của du khách nước ngoài.

Thế nhưng Vietravel đã tổ chức rất khéo léo. Có thể nói trong suốt 8 ngày “Đi vào nơi gió cát” trên đất Ấn Độ, chúng tôi chưa bị lần nào phải nhăn mặt về điều kiện vệ sinh, kể cả vệ sinh trong ăn uống và vệ sinh cá nhân. Khách sạn ba sao nhưng rất sạch sẽ, phòng nào cũng có giường đôi; có phòng có đến ba giường cho hai người. Thức ăn tám mươi phần trăm là đồ ăn chay, nhưng không đến nỗi nhàm chán vì mùi Cary ngự trị trên mọi thức ăn của người Ấn. Riêng đối với những người ăn chay trường thì cho hay là điều kiện ăn uống như thế là rất ngon lành.

Phương tiện di chuyển thì thật đáng khen ngợi. Chúng tôi phải di chuyển từ bảy đến tám khách sạn trong suốt chuyến đi, nhưng chưa bao giờ phải đụng tay vào việc xách vali của mình cả. Tàu lửa hay xe bus chạy trên đường bộ thì luôn luôn có máy lạnh, ghế ngồi bọc nệm thoải mái và có khăn trải sạch sẽ hằng ngày. Trên xe có nước lọc chai và thức ăn “vui miệng – snack”.

Đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là đến thăm những nơi di tích lịch sử hay thánh địa tôn giáo thì người quan trọng nhất vẫn là hướng dẫn viên du lịch (Tour Guide). Hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi là anh Minh Trung, người mà tất cả khách trong đoàn đều đánh giá là “A+”. Anh trẻ tuổi, nhiệt tình và sinh động. Bên cạnh vốn kiến thức khá vững vàng về Phật học, sự tìm tòi nghiên cứu và hiểu biết của anh về các di tích Phật giáo rất rõ ràng và khoa học. Ngoài ra, thêm một ưu điểm nữa là anh có khả năng sử dụng tiếng Anh khá lưu loát. Nhưng quan trọng nhất là bên cạnh nguồn vốn kiến thức, Minh Trung thể hiện được cái tâm của mình đối với đời sống tâm linh Phật giáo. Nhờ vậy, sự diễn giải và hướng dẫn của anh về đạo Phật trong suốt cuộc du lịch hành hương đã mang nhiều thú vị và lợi lạc đến cho mọi người trong đoàn. Bên cạnh Minh Trung, còn có hướng dẫn viên du lịch người địa phương Ấn Độ trong những trường hợp phải tiếp cận và ứng xử “trăm hay không bằng tay quen” khi cần thiết với người bản xứ.

Là một du khách đã sống nửa đời người trên đất nước của mình và một nửa đời người ở Hoa Kỳ, tôi đã từng đi du lịch nhiều nơi và tiếp cận với nhiều công ty du lịch nổi tiếng của thế giới. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi du lịch nước ngoài với một công ty du lịch Việt Nam.

Chúng tôi rất ngạc nhiên và thán phục về nghệ thuật quản lý tổ chức rất chu đáo và nhà nghề (Professional) của công ty du lịch Vietravel. Ngoài ra, những sinh hoạt ngoại vi thuộc về văn hoá và tôn giáo như cách ứng xử với các nhà tu của các nước, cách cúng dường chư tăng và bố thí từ thiện cho người nghèo khổ bản xứ, cách hành lễ tại mỗi nơi đều được chuẩn bị và tổ chức chu đáo.

Chỉ đôi nét ghi nhận điểm xuyết và khái quát, làm sao đủ để trình bày đầy đủ cảm xúc và suy niệm của mình trên cuộc hành hương du lịch.

Viết những dòng nầy, tôi chỉ xin được chia sẻ sơ lược hai điều:

Thứ nhất là “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” như câu nói ngày xưa của Nguyễn Bá Học.

Thật ra so với những nơi du lịch danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thế giới, thì rõ ràng các thánh tích Phật giáo nằm trong địa bàn của một vùng đất khô cằn, kém phát triển về mọi mặt của Ấn Độ. Thêm vào đó là phương tiện và điều kiện du lịch chưa được tổ chức quy mô và thoải mái cho lắm. Tuy nhiên so với tin đồn và những nhận xét khắc khe thì thực tế chuyến đi “đường đi khó” của chúng tôi còn tốt hơn nhiều, vượt xa những dự ước và mong muốn lúc ban đầu. Thành quả tốt và mọi việc trôi tròn nhờ chuyến đi được chuẩn bị và tổ chức chu đáo về nơi ăn chốn ở, phương tiện di chuyển và chuyên viên hướng dẫn.

Thứ hai là đứng giữa hai quan niệm cho rằng nơi đâu cũng có Phật hoặc đến Xứ Phật mới thực sự tiếp cận được với năng lượng lành của Phật. Tôi nghĩ rằng mình cần một con đường Trung Đạo của Phật giáo. Đó là, mặc dầu mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng cần có một sức mạnh tâm linh hay một tập hợp năng lượng lành để giúp khai mở những gì đang còn ẩn chứa hay tiềm tàng trong mỗi cá thể hữu tình. Du lịch hành hương về đất Phật cũng là một cách truy tìm năng lượng để khai mở những gì đang có trong anh, trong tôi và trong tất cả mọi người dưới dạng tiềm năng chưa hiển lộ.

Tất cả chúng ta đều là Phật sẽ thành.

Kính chúc những Đức Phật tương lai tìm được đất Phật trong chính mình và tiếp cận được với dấu chân Phật hơn 2560 năm trước.

Sacramento, mùa Phật Đản 2562 (2018)

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan