HÀNH VI VỢ CHỒNG QUA GÓC NHÌN TÂM LÝ TRỊ LIỆU

Một ngày đầu Xuân Kỷ Sửu 2009, kẻ viết những dòng nầy bỗng nhận được một điện thư cần “cứu viện” của bạn Phương Tôn trong ban Chủ biên của tờ báo điện tử khoa học được nhiều độc giả ưa thích:  Trang “www.khoahoc.net”.  Mục đích cầu viện là để trả lời cho một vấn nạn khá tế nhị của một nữ độc giả – có lẽ thuộc thế hệ đàn em Obama vì xưng “con” ngọt xớt trong thư – rằng là: “Xin thắc mắc: ‘Hành vi vợ chồng‘ trên phương diện khoa học…”.  Ông bầu nhớn trong ban biên tập khoahoc.net, mặc dầu có đủ bốn bồ chữ của thiên hạ, vẫn khéo léo đỡ nhẹ bóng và chuyền lẹ về phía các cầu thủ trung phong và hậu vệ phía khung thành sân nhà của mình như Dr. Nguyễn Ý Đức, Dr. Hồ Đắc Duy… ngay.  Thư rằng: Xin bà con mình ai biết thì trả lời giúp cho… Riêng em là con trai mới lớn, nghe mấy chuyện này em mắc cở lắm nên không dám bàn thêm vào.”  Ở đời thấy việc phải không làm là chưa phải; thấy sân bóng nhà mình đang sôi động mà không xắn tay áo vào chơi cho vui là chưa vui!

Dẫu không hề có chút xíu khí phách hào sảng nào của dòng máu Lục Vân Tiên “qua đường thấy việc bất bằng chẳng tha” cả, nhưng kẻ đang viết những dòng này vừa ham vui để đỡ bóng cứu viện cho bạn, vừa đã từng hành nghề và dạy học trong ngành Tâm Lý Trị Liệu (Psychotherapy) ở Mỹ, có dịp tiếp cận với Mỹ đen, Mỹ trắng, Mỹ vàng, Mỹ nâu, Mỹ pha pha, làng nhàng… đủ thứ nên cũng có đôi điều để nói.  Đầu Xuân mới, gặp ngày hạ nêu, nhâm nhi vài lát mứt gừng Huế và chén trà Bắc Thái để lạm bàn chuyện… tầm phào mắc cở phòng the cho vui cửa vui nhà thì cũng là điều tân niên đại cát vậy.

Người viết xin nhấn mạnh cụm từ “lạm bàn chuyện…” là vì khái niệm sinh lý, tình dục hay nhu cầu giới tính chẳng có gì mới mẻ.  Sinh vật địa cầu và có thể chúng sinh trong ba nghìn thế giới đã sống, thực hành và ghi dấu dưới vô số hình thức.  Đấy là một khuynh hướng thể lý phát triển tự nhiên để sinh sản và truyền giống.  Nó vừa là lực đẩy mà cũng vừa là lực hút hiện hữu thường xuyên, tồn tại trong thế giới vật lý, ngay trước khi có con người sinh ra trên hành tinh nầy.  Nó xưa cũ nhất nhưng cũng mới mẻ và hứa hẹn nhiều hình thái biến ảo ly kỳ nhất trong toàn vũ trụ.  Lực hấp dẫn còn có “E=MC²” chứ tình cảm và sinh lý thì chẳng có công thức hay quy ước nào cả.  Thế nhưng, có thể nói rằng, hoạt động sinh dục là điều kiện tất yếu để cho thế giới sinh vật sinh ra, tồn tại và phát triển.

Trước khi tôn giáo và quy ước xã hội con người ra đời hay tận diệt, sinh lý vạn vật hay tình dục của con người đã hiện hữu từ thời “mô-tê-răng-rứa”; nghĩa là từ vô thủy đến vô chung!   Cho nên, mong nàng độc giả và bạn Phương Tôn trẻ tuổi hãy anh dũng tiến lên – liều mình một phen không sao cả – bàn chuyện vợ chồng với “một nửa bên kia” của mình mà không có gì đáng lấy làm mắc cở.

Những hình thức tôn giáo nguyên thủy của con người cổ sơ là bái vật giáo.  Trong đó sự tôn vinh và thờ phụng hình tượng các bộ phận sinh dục; sự chiêm bái các vị thần, thánh ái tình đã ghi dấu trong nhiều nền văn hóa; lưu lại trong các tranh ảnh, tượng đài và di chỉ.  Ngay châu Âu là chiếc nôi văn hóa phương Tây từ thời Trung Cổ, hầu hết các tượng đài có giá trị nghệ thuật cao nhất phần lớn những hình tượng lỏa thể.  Phương tiện của giới tính cũng như tình yêu đích thực, không mang một ý nghĩa tiêu cực, xấu xa, tội lỗi nào cả.  Chính con người mới là thủ phạm của sự lạm dụng các phương tiện ấy mà thôi.  Cái gọi là tri thức, là suy diễn, là liên tưởng đã làm cho Adam và Eva phạm tội.  Mãi đến đầu thế kỷ 20 về sau, những nhà phân tâm học phương Tây tiếng tăm lừng lẫy như Sigmund Freud, Carl Jung, Erik Erickson, Erich Fromm… mới táo bạo mang những luận điểm tâm lý, sinh học và y học để phân tích những vấn đề tình dục.  Và, tiếp theo là hiện tượng “cuộc cách mạng tình dục” vào thập niên 1960 tại Mỹ và các nước Âu Tây đã cung cấp những vũ khí sắc nhọn để tạo nên những cuộc giao tranh ác liệt giữa đạo lý, tình yêu và tình dục cho đến ngày nay.

Lý thuyết về sự tương tác táo bạo, mãnh liệt, phong phú nhưng cũng rối ren như mớ bòng bong giữa tình yêu, sinh lý và tình dục có thể nói là bộ sách dày cộm nhất trong kho tàng kiến thức của nhân loại. Bởi thế, người viết những dòng nầy đã uống gần hết mấy bình trà Xuân rồi mà vẫn cứ say sưa lừa bóng của Phương Tôn vừa “pass” qua để chạy lan man ngoài khung thành, e rằng sẽ bị khán giả sân nhà ở chốn cầu trường la ó vì bệnh… câu giờ.

Vậy thì xin vào ngay trọng tâm của câu hỏi bạn nhé!

Trọng tâm của câu hỏi là “hành vi vợ chồng”.  Xin tạm dùng lửa đun trà để xào vài câu thơ cũ của Billy Ryes, những mong hâm nóng tinh thần chiến sĩ trước đã:

Đời sống vợ chồng có muôn màu

Tình yêu có vô số sắc

Ta và em nhìn nhau trong mắt

Sẽ thấy màu tình dục giữa tình yêu

   

(Live husband and wife want to have color

Love with the numerous

You and I look in the eyes

Will see the color of sexual love)

 

Phải chăng “màu tình dục giữa tình yêu” là “hành vi vợ chồng” mà người đọc trẻ tuổi muốn nói đến?

Tình dục tự nó là một trong nhiều nét tự nhiên phải có của đời sống vợ chồng.  Bùn có thể trồng sen mà cũng có thể vấy bẩn.  Tương tự như vậy, tình dục có thể là ánh sáng hay bóng tối; thánh thiện hay tội lỗi; đẹp hay xấu; hoặc chẳng mang ý nghĩa gì cả  trong quan hệ vợ chồng hay giới tính.  Hình ảnh hay ý nghĩa của nó xuất hiện tùy theo tác động và sự diễn giải hai chiều qua lại của cặp vợ chồng trong cuộc.

Nếp sinh hoạt phòng the cũng chiếm chỗ rất quan trọng trong đời sống hôn nhân. Trong mấy dự án thăm dò của Leigh, 1989; Quadagno & Sprague, 1991 thực hiện với các cặp vợ chồng trên 3 cấp độ tuổi (thanh niên, trung niên và lão niên) về vai trò tình dục trong quan hệ vợ chồng như thế nào thì kết quả ghi nhận được tóm tắt như sau:   Ngoài vấn đề sinh hoạt thường nhật như việc làm, ăn uống, ngủ ngáy, giải trí thì mối quan tâm đến tình dục gồm ý nghĩ và sự giao tiếp “hành vi vợ chồng” chiếm đến 60% thời gian còn lại đối với tuổi trẻ, 30% đối với tuổi trung niên và 10% đối với tuổi lão niên.  Trong đó, trung bình có 85% người vợ trả lời là họ chỉ có thể có quan hệ tình dục khi có tình yêu;  chỉ có 12% người chồng trả lời là họ cần phải có tình yêu đi kèm với tình dục.  Dẫu tin hay không tin trò chơi thăm dò ý kiến kiểu Mỹ chăng nữa thì người ta vẫn không phủ nhận được thực trạng… xót xa rằng, càng già, càng bở, càng khô!  Nghĩa là càng nghèo tình cảm lãng mạn và càng ít ham vui (?!).  Và, đàn ông thường tỏ ra ít nhạy cảm hơn đàn bà trong chuyện gối chăn; ham ăn nhiều hơn là ăn ngon, bởi vậy mau đói nên phải… ăn vụng!

Suốt 18 năm làm trong ngành Bảo Vệ Thanh Thiếu Niên (CPS) và Tham Vấn Gia Đình (Family Counseling) tại California,  người viết bài nầy đã nhiều lần bị “sốc” vì có nhiều bà vợ gọi cảnh sát, kiện chồng mình là đã “hãm hiếp” vợ.  Lý do đơn giản là vì người chồng áp đặt vợ mình phải chấp nhận chuyện chăn gối trong khi người vợ chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trong cảnh “lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem!”  Nói một cách nôm na thì đó cũng là một hình thức… ăn vụng cơm nhà.

Những cặp vợ chồng phương Tây xem chuyện gối chăn là một sinh hoạt rất quan trọng trong đời sống vợ chồng.  Phần lớn những cặp vợ chồng từ hàng trung lưu trở lên xem tình dục trong đời sống vợ chồng là một nghệ thuật sống.  Bởi nó đòi hỏi một sự nuôi dưỡng và sáng tạo thường xuyên trong thế giới phòng the.  Đây là một sinh hoạt có tác động và tác dụng song phương.  Trong đó, cả người nam lẫn người nữ phải cùng ở trong tư thế sẵn sàng như hai cầu thủ sắp ra sân.  Đường bóng sẽ trở thành nhạt nhẽo và đơn điệu nếu hai cầu thủ không cân sức hay một trong hai thiếu sự chuẩn bị tâm lý háo hức, khi nhập cuộc sẽ trở thành miễn cưỡng trong một tư thế đơn phương là bên này xuôi tay cho bên kia áp đảo hay ngược lại.  Và, dẫu cho hai cầu thủ đều có chung tần số trên sân cỏ chăng nữa mà nghệ thuật nhồi bóng cứ kéo dài “trước sao sau vậy” hoài hoài – cở chục, mươi lăm năm chẳng hạn – thì dần dà sự lập đi lập lại sẽ trở thành cảnh bò già gặm cỏ cháy.  Khi đó, cầu trường chỉ còn là sân đá bóng chứ không còn là nơi trổ tài đấu bóng.  Tuy cầu thủ có thể vẫn đang còn sung sức; nhưng giày vệt  gót, áo sờn vai thì chân giày cũng dễ trở thành mỏi nản.

Chuyện phòng the ở phương Đông là chuyện đáng… mắc cở.  Có khi ngay trong quan hệ vợ chồng mà một trong hai hay cả hai người phối ngẫu vẫn sợ “hở môi răng lạnh”.  Họ không hề lên tiếng hay chia sẻ cảm tưởng và kinh nghiệm gối chăn để cải thiện những gì đang vướng mắc.  Phát khởi từ những bức xúc sinh lý lâu ngày không giải tỏa, rất nhiều cặp vợ chồng người Việt – già có, trẻ có, sồn sồn cũng có – đã để gây ra những tác động tâm lý và tinh thần mất quân bình, đưa đến những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc và có khi đã quá muộn màng như: Ly dị, ly thân, thay đổi tính tình, trầm cảm, thô cứng, hành hạ con cái, hung hãn với người khác và có khi điên loạn.  Trong cả nghìn hồ sơ về trường hợp hành hạ trẻ con (child abuse) và gia đình bất ổn (dysfunctional family) mà người viết bài nầy đã được phân công thụ lý và giải quyết suốt 18 năm qua (cứ trung bình 12 hồ sơ mỗi tháng) thì vai trò và tác động của vấn đề sinh lý trên điệu sống của các cặp vợ chồng đôi khi mang tính quyết định cho sự sống còn của “liên minh” chồng vợ.

Nhìn từ góc độ chuyên biệt của ngành tâm lý trị liệu thì tuyệt nhiên không có một nguyên nhân hay hậu quả nào đứng độc lâp riêng biệt.  Tất cả là một quá trình của nhiều sự việt tác động lên nhau và làm thay đổi mọi vật thường xuyên trong từng giây, từng phút – một hình thái duyên hợp như trong Phật giáo chăng?  Các trạng thái tâm lý hình thành do tác động trực tiếp, gián tiếp và sâu xa của vai trò tình dục trên tâm và tính của mỗi con người thật là quá ư phức tạp và phong phú.  Khó mả kể hết mọi trường hợp cho dẫu phải dùng đến thiên kinh vạn quyển.

Sau đây, người viết chỉ xin đơn cử 3 “tình cảnh éo le” tiêu biểu nhất để minh họa cho những trạng thái tâm lý tiêu cực và phản ứng tai hại do tác động trực tiếp của vai trò tình dục thiếu cân bằng, nếu không muốn nói là khủng hoảng, giữa vợ và chồng.  Hậu quả thường đưa đến sự tan vỡ đáng tiếc của nhiều gia đình. Và, cũng xin được pha một tí xíu hương liệu khôi hài để làm nhẹ bớt vẻ nghiêm trọng của sự đổ vỡ:

 

– Nửa đường gác kiếm (premature ejaculation).  Có những cặp vợ chồng tự hào là đã yêu nhau như điểu đổ trước lúc thành hôn.  Nhưng sau một thời gian chung sống, người vợ có đủ tam tòng tứ đức bỗng trở chứng thành “bất tòng thất đức”.  Cô nương thường xuyên nóng nảy, phản ứng thô thiển với chồng; coi đức lang quân oai phong hơn Từ Hải trước kia, nay thành một gã đàn ông tầm thường, yếu đuối bất lực… ngứa mắt trong nhà.  Chàng vẫn vô tình, đêm đêm vi vu lên tới đỉnh Vu Sơn một mình; trong lúc nàng bị chọc giận còn kêu đòi khao khát dưới chân đèo nhưng lại không dám mở miệng nói điều bất mãn với chàng vì mắc cở chuyện phòng the!  Mãi cho đến khi chuẩn bị kéo nhau vác chiếu ra tòa ly thân, ly dị mới hết mắc cở, cùng đi tìm gặp thầy thuốc tâm lý để khai bệnh và chẩn bệnh, mong tìm Huê Đà chữa cháy – có lẽ thời nay thì nên gặp Dr. Hồ Đắc Duy là tốt nhất – trị bệnh cho chàng khỏi bị “cúp điện trước bình minh”!

– Chăn gối muộn phiền (performance anxiety).  Bà vợ tả oán trước, rằng là, bà là một người vợ hoàn toàn, một người tình tuyệt diệu đối với chồng.  Này nhé… bà lo hết mọi việc nhà từ trong ra ngoài.  Làm việc toàn thời gian, giúp con làm bài tập, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chiều chuộng chồng vô điều kiện.  Bất cứ lúc nào ông hô là bà “ứng” ngay.  Sẵn sàng “cho” ông bất cứ khi nào ông muốn…  Đến lượt ông chồng ngõ lời tri ân vợ, rằng là, mọi điều bà nói đều đúng cả.  Chuyện chiều chồng không điều kiện trong việc chăn gối cũng chẳng sai.  Có điều bà đã quá siêng năng, bê mọi công việc nhà nồi niêu soong chảo lên giường ngủ.  Bà khoán trắng cho ông mở khóa động đào.  Phó mặc tấm thân bồ liễu cho ông mặc sức vẫy vùng mây Tần, mưa Sở.  Nhưng riêng bà thì vẫn cứ giang sơn một cõi.  Khi ông chung gối với bà thì miệng bà vẫn không quên lẩm nhẩm tính tiền biêu (bill), tiền chợ. Đầu vẫn đầy ắp chuyện nhà chuyện sở.  Có khi mắt bà dán vào TV rồi hỏi ông tỉnh queo: “xong chưa anh?!”  giống như hỏi ông thợ lợp nhà đang leo trên mái…

Càng ngày ông càng thấy cô đơn, vô vị và tức tối trong việc chăn gối.  Khi sự uẩn ức dồn nén tới đỉnh điểm thì đối tượng tình dục là người “vợ hiền” sẽ biến thành quỷ sứ trong tâm lý vô thức của ông chồng. Cuối cùng không còn chịu nổi sự nhạt nhẽo và trơ tráo của chuyện chăn gối một chiều đang trở nên một ám ảnh tâm sinh lý kinh hoàng, ông ôm gối qua ngủ riêng phòng khác.

Bà nghi ông có bồ tèo nên đã lạnh nhạt dần chuyện chăn gối với bà. Xung đột vợ chồng bắt đầu bùng nổ.  Không ai nhường ai nửa bước vì mỗi bên đều chủ quan thấy bên kia không đủ điều kiện làm chồng, làm vợ.  Người đàn bà quằn quại trong cơn ghen là kẻ đang phó thác lý trí và xúc cảm của mình vào tay ma quỷ.  Người chồng chán vợ nhìn thấy vợ như phù thủy ác sát.  Khi tình cảm biến thành cơn khủng hoảng tâm lý thì tinh thần hóa giải và lòng khoan nhượng sẽ chào thua. Những cuộc khẩu chiến càng lúc càng thường xuyên và ác liệt hơn nên cả hai đâm đơn ra toà ly dị, bỏ bê con cái.  Lòng tự ái, tự kỷ, tự kiêu… đã khóa chặt họ trong bản ngã của chính mình mà không cần mở lòng chia sẻ và nghe nhau.  Sigmund Freud đã phân tích rất sâu sắc về tác dụng ngầm nhưng đầy vũ bão và biến tướng duới muôn hình muôn vẻ của những luồng sóng tình dục chưa được giải tỏa trong tâm lý và tình cảm của con người.

Nếu trong tình yêu cần có hai người để nhìn một bầu trời đẹp thì trong tình chăn gối vợ chồng, cũng cần có sự tham gia đồng hành, đồng điệu và đồng cảm của cả vợ lẫn chồng.

– Bách niên giai… khổ lão (post-menopause).  Một cuộc sống vợ chồng thường có 3 cơn khủng hoảng chính.  Vượt được cả 3 đợt khủng hoảng này mới mong cầm tay nhau tiến về ngày bách niên giai lão; nếu cứ mãi gập ghềnh chưa vượt thì sẽ tới cảnh “bách niên giai khổ” là điều tự nhiên.  Đấy là khủng hoảng thanh niên, khủng hoảng trung niên và khủng hoảng lão niên.  Khủng hoảng lão niên điển hình xảy ra sau vài ba năm, kể từ khi cơ thể người phụ nữ chấm dứt hành kinh (menopause) bình quân vào lứa tuổi 50.  Theo khoa sinh lý học (sexology) hiện đại thì một người đàn bà có hai thời kỳ tái sinh (rebirth), đó là tuổi dậy thì và tuổi chấm dứt kinh nguyệt.  Bởi vậy, người đàn bà vào thời kỳ hậu mãn kinh (post-menopause) là một con người mới.  Một trong những nét phổ biến nhất của mẩu “người mới” nầy là hiện tượng lắng dịu sự đòi hỏi hay nhu cầu tình dục do các tuyến hormone không còn sinh sản các chất kích thích tố estrogens và androgens nữa.  Hoạt động não bộ vốn giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động sinh lý cũng chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp của kích thích tố.

Trong thời kỳ các bà ở tình trạng công chúa ngủ quên thì các đức ông chồng vẫn phây phây làm hoàng tử phi ngựa truy phong.  Sự thiếu đồng bộ của động cơ sinh lý đã tạo ra nhiều hoàn cảnh đóng băng tình cảm của… tuổi đá buồn và tuổi vàng.  Dr. Triệu Phổ, một trong những bác sĩ riêng của Tưởng Giới Thạch phu nhân đã có một nhận xét trong tác phẩm Sổ Tay Y Giới xuất bản tại  Taiwan năm 1979đáng làm cho người ta suy nghĩ: “Phụ nữ Á Châu thế hệ tiền chiến phần đông là những người đàn bà gương mẫu, chịu khó hy sinh cho chồng nhưng lại có 3 điều tiêu cực tự gây khổ cho chính bản thân mình: (1) Không chịu chia sẻ chân thành những vấn đề bất bình thường liên quan chuyện phòng the riêng tư với chồng và thầy thuốc trước khi quá muộn. (2) Bảo thủ và cứng đầu trong việc cải thiện sinh lý và ngừa thai. (3) Không dùng phương tiện y khoa hiện đại để bù đắp cho lượng kích thích tố đã mất trong thời kỳ hậu mãn kinh.”

Có lẽ 3 điều “tiêu cực tự gây khổ” của phụ nữ Trung Hoa cổ điển cũng là của phụ nữ Việt Nam ta trong và ngoài nước đang lên hàng bà nội, bà ngoại.  So với những phụ nữ phương Tây tuổi lục tuần còn mặt hoa da phấn, lái xe uốn lượn, mắt mũi còn lấp lánh kiếm quang thì các “bà cụ nhớn” cùng lứa tuổi của dân ta đã ung dung lên lão làm lục tuần thượng thọ cho con cháu chúc thọ vái lạy tưng bừng!

Sự phiền não tăng dần khi quý bà “lên lão” càng ngày càng… khô khan, an phận nhưng ngược lại, các đức ông chồng suýt soát cùng tuổi vẫn chưa an thân “xuống lão”.  Có lẽ phải cần đến một pho truyện dài cở Lý Trần Tình Hận của Ngô Viết Trọng mới nói hết nỗi lòng của quý cụ ông than thở về cuộc sống “tiếng có miếng không” bên cạnh những đóa hoa nylon biết nói.

Trong các cuộc nghiên cứu về quý “lão bà” trong thời hậu mãn kinh nhan đề là Postmenopausal Women của Masters & Johnson 1966 và môn đệ 1996 thì những đóa hoa nylon biết nói kia cũng rất dễ dàng trở lại cõi đời thường nếu biết ứng dụng luật bù trừ để đền bù cho những gì đã mất.  Hầu hết các nàng nylon biết nói sắp kề cận với cõi “vô nhiễm” Eva, nếu biết dùng những phương pháp Trị Liệu Bổ Sung Kích Thích Tố (Estrogens-Replacement Therapy: ERT) đều đã trở lại trạng thái sinh lý bình thường của thuở xuân xanh trên cõi trần gian gió bụi nầy.

Đàn bà xứ ta, toàn là con cháu bà Trưng bà Triệu; tuy thông minh, can trường và chiến thắng phe đàn ông, nhưng đã có được mấy người chịu thử áp dụng những phương pháp cải lão hoàn Xuân như thế nhỉ?!

Nói gút lại là như thế nầy:  Dẫu vợ chồng là một sự kết hợp tình cờ hay “thiên duyên tiền định” thì vẫn là một sự hội tụ đẹp đẽ và tuyệt vời nhất trên hành tinh nầy.  Nhưng trong hạnh phúc đã có mầm thương đau và ngược lại.  Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống.  Và, sống là một sự chọn lựa.  Chẳng có sự lựa chọn nào mà không có riêng nỗi hoan lạc và xót xa riêng của nó.  Hành vi vợ chồng cũng là một quá trình tương tác và lựa chọn giữa hai người:  Tình yêu và tình dục chẳng có tội tình gì hết.  Nhưng trước khi chối từ hay loại bỏ nhau, chỉ mong sao những ông chồng và những bà vợ hãy thẳng thắn chia sẻ, nói hết cho nhau nghe chuyện tình thầm kín của hai kẻ đã từng có thuở đôi mặt một lời.

Trần Kiêm Đoàn

Elk Grove mùa Valentine 2009

Bài viết liên quan