30- 4- 2025
Nhân kỷ niệm 100 ngày đầu lên làm TT. Mỹ nhiệm kỳ 2 của Donald Trump và bộ trưởng DOGE của Elon Musk, hai nhân vật thời đại nầy đã đồng thời vùng lên làm thánh khi những dữ kiện trong 100 ngày đầu đầy biến động của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump và cố vấn cấp cao Elon Musk đã thực hiện nhiều chính sách gây tranh cãi, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và chính trị cho Hoa Kỳ và Thế giới.
Tuyên Ngôn… Hóa Thánh
Sau 100 ngày cầm quyền là mốc thời gian “trăng mật” của một tổng thống Hoa Kỳ liên quan tới liêm sỉ lời hứa hẹn lúc tranh cử, thực tế thành tựu và niềm tin của cử tri đã bầu ra Tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ. Truyền thông trong nước Mỹ và toàn thế giới đã ghi nhận là:
- Kinh tế Mỹ suy thoái và chính sách thuế quan gây nhiều tranh cãi chưa tới đâu.Việc áp đặt hàng loạt thuế quan mới đã gây ra sự bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu, khiến các doanh nghiệp lo ngại và dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động kinh tế.
(The Verge)
- Chính sách nhập cư cứng rắn và phản đối từ công chúng:
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 1 tháng 5 đã phản đối chính sách nhập cư của Trump, đặc biệt là việc giam giữ người nhập cư một cách bất công, tàn nhẫn và cắt giảm Medicaid.
(Reuters)
- Suy giảm uy tín và sự ủng hộ từ công chúng:
Tỷ lệ ủng hộ của Trump đã giảm xuống còn 44% – mức thấp nhất trong 100 ngày đầu tiên của bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong 80 năm qua – do các chính sách gây tranh cãi về kinh tế, an ninh biên giới và quyền dân sự.
(Vanity Fair)
Elon Musk và DOGE: Tham vọng cải cách thất bại:
- Mục tiêu cắt giảm ngân sách không đạt được
Musk thừa nhận rằng DOGE không đạt được hiệu quả như mong đợi, chỉ tiết kiệm được 160 tỷ USD so với mục tiêu ban đầu là 2.000 tỷ USD.
(ABC News)
- Cách tiếp cận gây tranh cãi và phản đối từ các cơ quan liên bang
DOGE đã tiếp cận hệ thống thanh toán nội bộ của bộ Tài chính và tìm cách truy cập dữ liệu người nộp thuế, gây lo ngại về quyền riêng tư và sự giám sát quá mức.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến Tesla và danh tiếng cá nhân
Giá cổ phiếu của Tesla đã giảm mạnh, doanh thu ô tô giảm 20%, và thu nhập ròng giảm 57% kể từ năm 2023, do sự phản đối của người tiêu dùng đối với sự liên kết chính trị của Musk. (Business Insider)
Những chính sách và hành động trong 100 ngày đầu tiên của Trump và Musk đã dẫn đến sự suy giảm kinh tế, phản đối từ công chúng và cộng đồng quốc tế, cũng như sự thất bại trong việc đạt được các mục tiêu đề ra. Sự kết hợp giữa chính trị và doanh nghiệp đã không mang lại kết quả như mong đợi, mà ngược lại, đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho nước Mỹ.
Kết luận rằng: 100 ngày đầu tiên thì đa số dân Mỹ cho là thất bại; trong khi TT Trump và nội các trung thành cho là thành công nhất từ trước tới nay.
Công luận theo dõi tin tức, nghe Trump muốn làm Giáo Hoàng, Musk ví mình là Phật, chẳng rõ là phải chăng vì chán cách đánh giá tiêu cực của quần chúng về sự thất bại trong môi trường hiện thực nên “cặp bài trùng Nhà Trắng” Trump-Musk có vẻ như chán chơi với người thường mà toan leo lên chơi với Phật Thánh.
Lộng ngôn và loạn ngữ
Vào ngày 29 tháng 4 năm 2025, trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng, ông muốn trở thành Giáo Hoàng tiếp theo sau khi Giáo hoàng Francis qua đời. Ông nói: “Tôi muốn làm giáo hoàng. Đó sẽ là lựa chọn số một của tôi”. Mặc dù đây là một lời nói đùa, nhưng phát biểu này đã thu hút sự chú ý rộng rãi từ truyền thông và công chúng. Phát biểu của ông Trump được cho là nhằm thu hút sự chú ý và thể hiện sự hài hước, nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều trong cộng đồng đạo Công giáo và giới truyền thông bởi “miệng nhà quan có gang có thép” chứ đâu phải là miệng hùm gan sứa của lũ thất phu.
Theo ý kiến quần chúng, câu nói tưởng như một lời đùa bất cần suy nghĩ ấy của Trump, thực chất đã bộc lộ hai điều đáng hổ thẹn: Sự thiếu kiến thức cơ bản nhất về Giáo hội Công giáo và một thái độ coi thường các giá trị tâm linh thiêng liêng của hàng tỷ người có đức tin vì những lí do sau đây:
- Giáo hoàng không phải là một “chức vụ tranh cử”
Việc tự nhận muốn làm Giáo hoàng cho thấy Trump không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc bản chất của chức vị lãnh đạo tối cao trong Giáo hội Công giáo. Giáo hoàng không phải là một “ghế quyền lực” có thể tranh đoạt, cũng không phải là một vai diễn chính trị mà người ta có thể “ứng cử” hay “vận động hành lang”.
Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô – một chức danh được các hồng y bầu chọn thông qua mật nghị, sau sự dẫn dắt của Thánh Linh. Việc một chính trị gia thế tục, có tiền sử phát ngôn kỳ thị, dối trá và vô đạo đức, đòi trở thành Giáo hoàng là sự phỉ báng thần thánh dưới vỏ bọc ngạo mạn chính trị.
- Một sự phạm thượng với niềm tin Công giáo
Câu nói của Trump không chỉ thiếu nghiêm túc mà còn mang tính xúc phạm đức tin. Đối với hàng triệu tín hữu Công giáo, Giáo Hoàng là biểu tượng linh thiêng của tình yêu, lòng khiêm cung và sự phục vụ vô điều kiện – điều hoàn toàn đối lập với hình ảnh kiêu ngạo, phân biệt và thực dụng mà Trump đại diện.
- Một lời phát biểu vô ý thức
Việc so sánh chính mình với Giáo hoàng – người được xem là đại diện Chúa Kitô trên trần gian – chẳng khác gì một hành vi báng bổ thần thánh, và coi thường nền thần học sâu xa mà Giáo hội gìn giữ suốt hai thiên niên kỷ.
“Nếu phát ngôn ấy là lời đùa, thì nó là một trò đùa bệnh hoạn và thô lỗ. Nếu là thật, thì đó là biểu hiện của một tâm lý hoang tưởng quyền lực cực đoan.” (The Hills)
Tôn giáo không phải là công cụ để đánh bóng tên tuổi. Chức vị Giáo Hoàng không phải là “ghế ngồi cao” cho những kẻ ngạo mạn quyền lực. Và đức tin không phải là trò hề để ai muốn làm gì thì làm.
- Donald Trump đã tự làm lộ bản chất vô minh và ngạo mạn vô ý thức của mình, khi đem tôn giáo thiêng liêng ra làm chiêu trò chính trị. Và chính điều đó mới là một sự phạm thượng nghiêm trọng nhất.
Nửa kia của “Cặp bài trùng” tại Nhà Trắng bên cạnh Trump là gã “lái buôn vua” Lã Bất Vi – Elon Musk, kẻ tự ví mình như “đức Phật” và bộ hiệu quả DODGE do đương sự đứng đầu là tương đương với Phật giáo – là “một cách sống” (way of life) đã gây ra nhiều phản ứng trên toàn thế giới, từ giới truyền thông đến dư luận công chúng.
Phản ứng truyền thông Quốc Tế
Các trang thông tin lớn như The Daily Beast và Business Insider đưa tin khá chi tiết, mô tả phát ngôn của Musk là gây sốc và mang tính triết lý vịt què khập khiễng. Nhất là việc Musk tuyên bố vung vít là DOGE có thể tiếp tục tồn tại mà không cần ông giám sát, tương tự như Phật giáo vẫn tồn tại sau khi Đức Phật nhập diệt.
Một số nhà phân tích cho rằng đây là chiêu trò truyền thông manh động bằng cách sử dụng biểu tượng tôn giáo để tạo hiệu ứng lan truyền cho sáng kiến đang gặp khó khăn của Musk (DOGE chỉ đạt 160/2000 tỷ USD mục tiêu cắt giảm ngân sách).
Trên các diễn đàn như Debate Politics, nhiều người chỉ trích rằng Musk đã quá tự cao, và việc so sánh một cơ quan chính phủ với một tôn giáo sâu sắc như Phật giáo là khiên cưỡng và thiếu tôn trọng. Nhất là Musk muốn gỡ bí và đỡ mất mặt khi cố nói theo lối ẩn dụ một cách vụng về rằng: DOGE là một lối ứng xử cải cách triệt để, giống như con đường cứu khổ theo cách Phật giáo là hướng đến giải thoát con người khỏi khổ đau. Đây không chỉ là một so sánh sai lầm, mà còn là một hành động xúc phạm tinh thần và bản chất tôn giáo của Phật giáo – vốn là một hệ thống triết lý sâu sắc, vượt xa mọi khái niệm quyền lực thế tục và chủ nghĩa thành công.
Ngụy biện đội lốt giác ngộ
Elon Musk có thể là một thiên tài công nghệ, nhưng chỉ là một loại vịt què chính trị và gà mờ tôn giáo, Phật giáo. Việc ông tự ví mình như Đức Phật – một bậc Giác ngộ đã xả bỏ ngai vàng, vương vị, và cả chính quyền để tìm con đường giải thoát khỏi khổ đau – là một sự ngộ nhận trầm trọng về bản chất của cụm từ “way of life” trong đạo Phật.
DOGE, một cơ quan nhà nước do Musk khởi xướng nhằm cắt giảm ngân sách liên bang, vốn được vận hành bằng logic của quản trị và hiệu suất. Ngược lại, Phật giáo là con đường giác ngộ – tự giác giác tha; vượt thoát khỏi vô minh, đoạn trừ ái dục và siêu vượt bản ngã – điều mà chính Elon Musk, với cái Tôi vô minh và ám ảnh quyền lực của mình như đã hành động thì rõ ràng ông ta có bơi ngập đầu với Starlink hay phóng vô số SpaceX vệ tinh cũng không thể chạm đến.
Trong thời đại công nghệ tôn thờ vật chất, sùng bái đường lối thực dụng, mê muội với chủ nghĩa cá nhân, việc Elon Musk hý luận tự đưa mình những động thái đầy hoang tưởng của cá nhân mình lên ngang hàng với Đức Phật là một hành vi lạm dụng hình tượng tôn giáo để tô vẽ cho một dự án chính trị thất bại do áp dụng quyết sách què quặt và bất nhân, điển hình cụ thể là DOGE đã không đạt được mục tiêu cắt giảm ngân sách 2.000 tỷ USD, chỉ mới dừng lại ở con số 160 tỷ mà đã tạo ra hàng vạn người thất nghiệp, bao nhiêu chuyên viên liên bang bị loại trừ ta thán, dẫn tới cảnh bao nhiêu gia đình điêu linh… vậy mà đương sự vẫn u mê dám gọi đó là “một lối sống Phật pháp” chăng?
Đây là cái nghịch lý trơ tráo “spiritual capitalism” – chủ nghĩa tư bản khoác áo tâm linh – nơi mà những biểu tượng thiêng liêng bị lợi dụng để hợp thức hóa tham vọng cá nhân. Phật giáo không thể so sánh, ví von hay suy diễn theo khuynh hướng bị lợi dụng như một công cụ truyền thông để đánh bóng tên tuổi hay tuyên truyền cho các chính sách chính trị hoặc hành chính vốn đi ngược với bản chất trong sáng và giải thoát của đạo Phật: Đức Phật không phải là CEO. Niết Bàn không phải là ngân sách.
Với lối phát ngôn bất chấp và cách so sánh què quặt này, Elon Musk không chỉ xúc phạm cộng đồng Phật tử toàn cầu, mà còn thể hiện một sự ngạo mạn hoang tưởng tri thức. Lý luận của Musk trở thành hý luận khi chỉ căn cứ vào những giá trị kỹ thuật và mô thức tổ chức đang còn trong quá trình thăm dò và thử nghiệm để tự cho mình quyền so sánh một bộ máy hành chính hay vận hành vật dụng khoa học đang mày mò thử nghiệm với một hệ thống tôn giáo toàn cầu, một nền minh triết đã soi sáng cho hàng triệu người qua hơn 25 thế kỷ.
Khi ngạo mạn thế tục va chạm với ánh sáng tỉnh thức trí tuệ thì đen trắng càng thêm phân minh: Phật giáo dạy về vô ngã, từ bi và giải thoát; còn Musk lại đại diện cho ngã mạn, chủ nghĩa cá nhân cực đoan và tham vọng quyền lực. Việc ông đặt mình trong cùng một bàn cân với Đức Phật không chỉ là một sự xúc phạm tôn giáo, mà còn là hình ảnh phản chiếu bi hài của một thời đại đánh mất phương hướng tâm linh; hay nói đúng hơn là cuồng vọng (nếu tránh lối nói nặng nề là ngu xuẩn) để vinh danh hào quang của cái tôi không có thật của mình.
Nếu Elon Musk thực sự muốn học hỏi từ Đạo Phật, có lẽ điều đầu tiên ông nên làm là buông bỏ ảo tưởng về chính mình như thế giới phương Tây Âu Mỹ đã khiêm tốn học hỏi và thực hành trong nửa thế kỷ qua:
Rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở Âu – Mỹ, bao gồm triết gia, nghệ sĩ, nhà khoa học, doanh nhân và chính khách, đã theo học hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo, đặc biệt là các pháp môn thiền định và chánh niệm (mindfulness). Dưới đây là một số tên tuổi tiêu biểu xin tạm liệt kê để Elon Musk mở mắt, khai trí học hỏi:
Một vài nhân vật nổi tiếng hàng đầu phương Tây học Phật
Alan Watts
– Triết gia người Anh, người tiên phong giới thiệu Thiền (Zen) và Đạo Phật phương Đông đến thế giới phương Tây qua sách và diễn thuyết.
Jack Kornfield
– Nhà tâm lý học, đồng sáng lập Insight Meditation Society, một trong những trung tâm thiền chánh niệm lớn nhất ở Mỹ.
Jon Kabat-Zinn
– Nhà sinh học và sáng lập chương trình MBSR (Mindfulness-Based Stress Reduction), giúp chánh niệm trở thành phương pháp chữa lành tâm lý và y khoa ở phương Tây.
Giới nghệ sĩ – văn hóa
Leonard Cohen
– Nhạc sĩ, thi sĩ Canada. Ông từng sống nhiều năm trong chùa Thiền ở California, trở thành thiền sư tập sự (Zen monk) với pháp danh Jikan.
Tina Turner
– Ca sĩ huyền thoại. Bà là Phật tử theo phái Nichiren (Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) và thường xuyên tụng kinh hàng ngày.
Richard Gere
– Diễn viên nổi tiếng Hollywood, đệ tử của Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhà hoạt động nhân quyền cho Tây Tạng.
Keanu Reeves
– Diễn viên gốc Canada. Dù không công khai quy y, nhưng ông nghiên cứu sâu về Phật giáo và thường thực hành thiền định.
Doanh nhân – người ảnh hưởng
Steve Jobs
– Đồng sáng lập Apple, chịu ảnh hưởng lớn từ Thiền Tông Nhật Bản (Zen Buddhism). Ông từng đến Ấn Độ tìm đạo, sống như một thiền sinh, và ứng dụng tinh thần “Thiền” trong thiết kế sản phẩm Apple.
Marc Benioff
– CEO của Salesforce. Ông từng mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến hướng dẫn chánh niệm cho nhân viên tại tập đoàn.
Oprah Winfrey
– Biểu tượng truyền thông Mỹ. Bà thường giới thiệu các chương trình liên quan đến thiền định, tâm linh và các sách Phật giáo trên sóng truyền hình.
Chính khách – nhà hoạt động xã hội
Barack Obama
– Cựu tổng thống Mỹ, từng nhiều lần phát biểu về sự kính trọng đối với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và ủng hộ thực hành chánh niệm trong giáo dục.
Greta Thunberg
– Nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi, từng chia sẻ cô thực hành thiền định và tĩnh lặng để giữ sự tỉnh thức trong hành trình đấu tranh.
Nhân ngày đại lễ Phật Đản 2569 (2025) đang tới và thời điểm Đại hội Hồng y (Mật nghị Hồng y – Conclave) đang chọn Giáo hoàng mới của Giáo hội Công giáo Rôma, sau khi Giáo hoàng Francis vừa qua đời:
Kính mừng Phật Đản An lạc. Kính chúc lành Đại hội Hồng Y thành công. Mong thế giới hoà bình và chúng sanh an lạc.
Sacramento, Mùa Phật Đản 2069 (2025)
Trần Kiêm Đoàn