Họa sĩ THANH TRÍ giữa thế giới sắc màu tâm ảnh.

Họa sĩ THANH TRÍ

giữa thế giới sắc màu tâm ảnh.

 

Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp và họa sĩ là người đem những sắc màu và cảm xúc từ trong tâm thức của chính mình để sáng tạo thế giới: Một thế giới mang tính tượng trưng vừa hiện thực, vừa mơ mộng của cái đẹp.  Do đo’, mỗi tác phẩm hội họa là một vũ trụ thu nhỏ tâm ảnh của người họa sĩ.  Mỗi họa phẩm là một mảnh tâm hồn của họa sĩ.  Màu sắc, đường nét, bố cục của mỗi bức tranh, do đo’, vừa mang tính khách quan của thế giới hình tướng nhưng cũng vừa mang tính chủ quan sáng tạo của người nghệ sĩ.

Cũng như văn hoá có bản sắc riêng của từng vùng và từng khái niệm chuyên biệt, mỗi lĩnh vực nghệ thuật có một ngôn ngữ riêng của nó.  Nếu thi ca, âm nhạc, kịch nghệ, điêu khắc…  mỗi bộ môn có một kỹ thuật diễn đạt riêng thì hội họa cũng có riêng một “họa ngữ” đặc thù của nó.  Ngôn ngữ của hội họa chính là màu sắc và đường nét độc đáo riêng của từng họa sĩ.  Từ những nét hoa văn đầy tính dân tộc trên những trống đồng Lạc Việt đến những đường nét bão liệt giữa những cơn say đời đầy cuốn hút của thiên tài Van Gogh, nét êm đềm tươi mát của Monet hay vẻ tĩnh lặng của Cézanne và sự dậy sóng giữa thế kỷ hai mươi của hiện tượng Picasso… lịch sử hội họa của thế giới mang đôi cánh của nàng tiên bay từ cổ tích êm đềm đến xe ngựa thời khai sáng phương Tây và tốc độ siêu thanh thời hiện đại.  Nghĩa là hội họa gắn liền với dòng sống sinh động của con người như bóng với hình. Nên người họa sĩ, dù trực tiếp hay gián tiếp, khó mà hoàn toàn thoát ly ra khỏi bối cảnh văn hóa, môi trường xã hội và bản sắc thời đại của mình xuất thân và đang sống để sáng tạo.  Những họa sĩ Việt nam cổ điển và đương đại cũng không ra ngoài bức tranh chung đó.

Khái niệm hội họa Việt Nam mang dấu ấn lâu dài, từ thời minh họa hoa văn trên trống đồng dựng nước đến sự kế thừa những đường nét mộc mạc của tranh dân gian.  Nhưng lịch sử thành văn của nền hội họa Việt Nam có cột mốc thời gian từ năm 1925.  Đấy là thời điểm mà họa sĩ Victor Tardieu, người Pháp và họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đứng ra thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương đưa tới sự nở rộ của các tài năng hội họa Việt Nam.

Nếu trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương có Lê Thị Lựu, nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam nổi tiếng tài sắc; Trương Thị Thịnh, thủ khoa khóa đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định; thì trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế có Thanh Trí, nữ họa sĩ đậu ưu hạng khoá đầu tiên (1957-1961) mà Đinh Cường, một họa sĩ nổi tiếng cùng thời đã “minh họa” như một nàng thơ Liêu trai: “người của một thời áo lụa vàng và tóc gió thôi bay…” 1

Thanh Trí, người nữ họa sĩ của xứ Huế chính thức bước vào ngành hội họa vào lứa tuổi hai mươi.  Trong một khung cảnh văn hóa đậm tính nông nghiệp Việt Nam, nghệ thuật và đời thường không cưu mang nhau thành một thể mà cặp kè nhau như hai đối tác song hành.  Thanh Trí làm giáo sư để phục vụ nhu cầu đời sống gia đình và làm họa sĩ để thể hiện nhu cầu sáng tạo.  Đời thường thì có giới hạn mà nghệ thuật thì vô cùng nên Thanh Trí đã dồn tụ hết khả năng và tinh lực của đời mình vào sáng tạo nghệ thuật.  Trong những bước thăng trầm nhất của cuộc sống, Thanh Trí có thể đã buông bỏ nhiều thứ thiết thân nhưng chưa bao giờ buông tay với nghệ thuật; thậm chí đã có điều tâm nguyện rằng: “Nếu kiếp sau có trở lại làm người, cũng chỉ xin được làm người họa sĩ!”2

Trong một tác phẩm viết về Hội Họa Việt Nam xuất bản năm 2003 tại Paris của Tiến sĩ Corinne de Ménonville nhan đề: “La PeintureVietnamiene, une Adventure entre Tradition et Modernité” 3(Hội Họa Việt Nam, một Cuộc Phiêu Lưu Giữa Truyền Thống và Hiện Đại), tác giả đã chia nền Hội Họa Việt Nam ra ba thời kỳ chính: (1) 1925 – 1945; (2) 1945 – 1975; (3) 1975 – Hi㐟n đại.  Trong biểu đồ thời gian này, cuộc “phiêu lưu” hành trình nghệ thuật của Thanh Trí đã dàn trãi trong suốt cả hai thời kỳ về sau.  Thanh Trí vẽ trong chiến tranh, trong hòa bình, trong ly tán, trong hội ngộ; vẽ giữa quê hương mình, giữa quê hương người… bằng một sự đam mê mỹ thuật và một sự nhất quán chân tâm.  Chính sự say sưa và chung thủy với cái Đẹp và cái Thiện đã giúp Thanh Trí vịn bút sơn, sắc màu và giá vẽ để đứng dậy trước mọi nghịch cảnh của đời sống trong suốt 45 năm qua.

Thế giới màu sắc của Thanh Trí chỉ là phương tiện giới hạn để ghi dấu cái vũ trụ tâm thức — hành trình của màu là hành trình của tâm tưởng — khoan hòa, thuần hậu của riêng mình.  Dù được thể hiện qua những tác phẩm màu nước, màu dầu, sơn mài, lụa, vải, gỗ, giấy… thì Thanh Trí vẫn thể hiện rất rõ nét cái hồn nghệ thuật nhất quán và giàu ấn tượng cảm xúc về con người và tạo vật.

Ấn tượng sâu đậm nhất trong toàn bộ tác phẩm của Thanh Trí là tranh lụa.  Họa sĩ đã tận dụng tối đa ưu thế của thể loại tranh giàu chất Á Đông, mượt mà nhưng bí ẩn, để từ đó thổi những cảm xúc thẩm mỹ của suối nguồn tình cảm vào tranh lụa.  Lụa là nàng nghệ thuật dịu dàng nhưng khó tính.  Nàng kén chọn từ người ươm dệt, người vẽ tranh đến người thưởng ngọan.  Nhưng bằng tài năng và tâm huyết của chính mình, Thanh Trí đã biểu đạt một cách tự nhiên, đầy sức lay động về những đề tài thắm đượm tình người, tình yêu và tình quê hương đất nước.  Thanh Trí đã sử dụng những “gam” màu khó nhất trong tranh lụa là màu xanh lam nhạt và màu… mơ phai – như hư mà thật, như vỡ bờ mà ấp ủ để hồ quyện những ý niệm viễn mơ vào hiện thực.  Các họa phẩm như Yếm Hoa, Đốt Lò Hương Ấy, Giặt Lụa, Minh Tâm, Suối Bataan Philippines…4 là những biểu hiện điển hình.  Nét độc đáo nhất trong tranh lụa của Thanh Trí không tìm thấy ở các họa sĩ tranh lụa khác là màu trắng nguyên sơ.  Màu trắng ròng của lụa tạo một cảm giác ngọc ngà, trong ngần và yêu dấu…

Tuy nhiên, khi bước qua một lĩnh vực đầy tính truyền thống và thế mạnh của hội họa phương Tây, tranh Sơn Dầu, Thanh Trí vẫn chứng tỏ bản lĩnh sáng tạo vững vàng mà uyển chuyển của mình.  Tuy đối tượng hội họa tiêu biểu vẫn là hình ảnh mềm mại muôn thuở của những mẫu người thiếu nữ Á Đông, nhưng Thanh Trí mang giá trị truyền thống tiếp cận với thực tế đời sống mới để tạo thành một cảm xúc mới.  Cái mới trong tranh Thanh Trí chẳng những không xa lìa hay đoạn tuyệt với cái cũ mà còn kế thừa và phát huy tình cảm cá nhân trong tình yêu đất nước và thiên nhiên. Họa phẩm Đất Mẹ và Huyền Thọai đã nắm bắt được ngọn trào cảm xúc của tác giả khi nhìn về quê hương, mẹ và em thơ.  Sự trẻ trung của một thời áo trắng còn được ghi lại qua Nữ Sinh Áo Trắng, Đùa Gió hay Tắm Mưa Rơi.

Và tranh sơn mài của Thanh Trí tập hợp lại sẽ thành tập hồi ký về quê hương.  Khi Thanh Trí khắc họa hình ảnh và ý niệm về quê hương, hình tượng và màu sắc không phải chỉ để thể hiện cái đẹp mà trội bật nhất là cái tình:  Tình trăn trở trong cõi ước mơ (Nguyện Cầu Hòa Bình);  tình tươi mát đầu nguồn (Trẻ Thơ và Đèn Trung Thu). Nhưng bàng bạc khắp nơi vẫn là Tình Mẹ (Theo Mẹ Đi Chợ Tết, Chợ Tế Đầu Làng)…

Thanh Trí không tự cho mình theo một xu hướng hay ở trong một trường phái hội họa nào cả.  Phải chăng, đấy chính là tinh thần mềm dẽo và đa dạng “Thu ăn măng trúc đông ăn giá, xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” của giới kẻ sĩ và nghệ sĩ truyền thống Việt Nam.  Thế nhưng khi bước vào lĩnh vực tranh trừu tượng (Abstract paintings), Thanh Trí đã tự minh họa những bức tranh vẽ theo khuynh hướng trừu tượng của mình là Hoa Tư Tưởng (Flower of Thought).  Hội họa thế giới bước từ xu hướng hiện thực (realism/presentationalism) sang khuynh hướng Trừu Tượng Tây Phương (abstract) và Trừu Tượng Biểu Hiện (abstract expressionism) thoát thai từ Bắc Mỹ là cả một bước dị dẫm đầy trăn trở.  Những họa sĩ tiền phong như Pollock, de Kooning… muốn vẽ lại tư tưởng và khái niệm trừu tượng bằng những ấn tượng sắc màu tương phản.  Sự quằn qụai thai nghén để mang cái thế giới ẩn tàng của tiềm thức (subconcious) qua bên kia bờ giác ngộ thật là đa đoan.  Nhưng trong khi đó thì hội họa trừu tượng Việt Nam bước từ hiện thực sang trừu tượng một cách nhẹ nhàng như nhận xét của Trịnh Cung: “Hội Họa Trừu Tượng Việt Nam có một đặc thù của nó là tinh thần thi ca bao trùm lên toàn bộ tác phẩm.  Nó không mang sức mạnh của những phản ứng tích cực và tham vọng chinh phục những mục tiêu không dễ dàng như Hội Họa Trừu Tượng phương Tây  và khối Xã hội công nghiệp.” 5  Những cánh hoa tư tưởng mang tính trừu tượng của Thanh Trí được thể hiện một cách ngỡ như quay cuồng đầy bão lọan trong đường nét và sắc màu, nhưng nội dung vẫn là sự thuần hậu và sâu kín của một trạng thái tâm lý Đông Phương phảng phất cái hồn thiên cổ và triết lý tĩnh lặng của Thiền.  Giọt Nắng Sớm và Chiều Tà đều là hoa.  Linh Hồn Nghệ Thuật và Bóng Thời Gian là trái chín ươm mầm và lá rụng.  Giọt Rượu Nồng không làm người ta say mà làm cho người thổn thức và Tình Yêu Hiện Hữu đã có đôi mắt trẻ thơ.  Trừu tượng và hiện thực trong tranh Thanh Trí khơng phải là một đường cong hay một đường thẳng mà là một vòng tròn.  Nếu chưa phải là vòng tròn viên mãn thì cũng là một vòng tròn gặp gỡ giữa quá khứ, hiện tại và vị lai của suy tư và dòng sinh mệnh Việt Nam quê mẹ và Việt Nam tha hương.

Trong tác phẩm sưu tập tranh ( Album of Paintings) của Thanh Trí xuất bản năm 2004 tại Hoa Kỳ, một tác phẩm “Tranh Thơ”  được in ấn cẩn trọng cũng như trình bày rất trang nhã và mỹ thuật.  Với Tranh Thơ,  người yêu tranh sẽ có cơ hội vừa xem tranh vừa đọc những vần thơ cảm tác mượt mà của tác giả.  Họa và thơ quấn quýt nhau trong dòng nghệ thuật của Thanh Trí.  Đó là khái niệm “thi trung hữu họa” đầy quyến rũ trong quan niệm mỹ thuật Á Đơng mà một nhà thơ đã hình tượng hóa rằng: “Trong thơ có họa mơ đồng cổ. Trong họa đầy thơ nhớ Nguyễn Du…”6!  Thanh Trí vừa phóng bút lên màu, vừa làm thơ nên có lẽ vừa nhớ người thơ, vừa mơ đồng cổ trong tiến trình sáng tạo!

Tuy chưa phải là tất cả, nhưng có thể nói tác phẩm Tranh Thơ nầy là một bộ sưu tập những họa phẩm tương đối tiêu biểu nhất trong gần cả một quá trình sáng tạo kéo dài gần nửa thế kỷ đời người của Thanh Trí.  So với tranh thật bên ngoài, những bức tranh được tuyển chọn in trong Tranh Thơ, qua sự chắt lọc đơi khi rất khó tránh cảm thức chủ quan và qua kỹ thuật sắp xếp, in ấn khá nhiêu khê, nên cái “thần” mang nét tinh anh của nguyên bản rất khó mà giữ được trọn vẹn.  Tuy nhiên, tác phẩm đã giới thiệu được một cách đầy tính nghệ thuật những họa phẩm đắc ý của Thanh Trí.

Nhân dịp giới thiệu tập Tranh Thơ nầy vào hạ tuần tháng giêng năm 2005 tại San Jose, Thanh Trí cũng giới thiệu những bức tranh đã vẽ từ thập niên 80 qua kỹ thuật thuần túy của Việt Nam với màu nước trên lụa, cùng với một số tranh sơn dầu; trong đó, có một số tranh ghi dấu ảnh hưởng màu sắc của cuộc sống mới.  Nhưng nét vẽ riêng tay làm bối cảnh và điểm tựa cho dòng sáng tạo của Thanh Trí vẫn là tình cảm chan hòa, đôn hậu của con người và thiên nhiên tươi mát, trong lành.  Xem tranh Thanh Trí, người thưởng ngoạn bắt gặp một cảm giác hầu như có một một sự hòa giải toát ra từ tâm thức sáng tạo của người họa sĩ. Sự quay quắt cháy bùng của hoàn cảnh nghiệt ngã (Trong Cơn Gió Loạn), của sự mất mát và tuyệt vọng (Cô Đào Say) cũng chỉ là chiếc võng thời gian đong đưa giữa không gian từ từ chậm lại trong cõi vô thường của kiếp người (Chiếc Bóng Thân Yêu Giọt Nước Nào).  Và chiếc bóng sau cùng đã đợi chờ ở đó như một niềm an lạc, một sự giải thoát cứu rỗi (Nàng Nghệ Thuật).

Thanh Trí đã đem cả tài hoa và tấm lòng thuần hậu để làm đẹp thế giới sắc màu tâm ảnh.  Nhân ảnh có thể phôi pha theo ngày tháng; nhưng tâm ảnh vẫn là dáng vẻ mà người họa sĩ đã bắt gặp, ghi dấu một lần và mãi mãi .

Trần Kiêm Đoàn

Sacramento, mùa Tết 2005

——————————————–

1Đinh Cường:  Thanh Trí Tranh Thơ 2004

2 Thanh Trí: Tâm Sự Với Bằng Hữu

3 Corinne de Ménonville: “La PeintureVietnamiene, une Adventure entre Tradition et Modernité” Paris 2003

4 Những từ in đậm và nghiêng dùng trong bài viết nầy là tên những họa phẩm của Thanh Trí

5 Trịnh Cung: Trả lời tác giả biên khảo Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy trong “Mấy Nẽo  Đường của Nghệ Thuật và Chữ Nghĩa”. Văn Nghệ; Hoa Kỳ 1999.

6 Thơ Tam Giang: Cõi Về Của Thi Ca.  SG 2003

Bài viết liên quan