Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”
Thật ra, thành phố Huế nhỏ đến nỗi “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay”, nên Huế có bao nhiêu nghệ sĩ về văn thơ, âm nhạc, hội họa, điêu khắc… thì giới sinh viên học sinh rắn mắt như chúng tôi thời đó đều biết rõ. Tôi đã gặp họa sĩ Đinh Cường trong mấy nhóm văn nghệ với những khuôn mặt văn nghệ quá quen thuộc như Trịnh Công Sơn, Lê Khắc Cầm, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Tôn Thất Văn, Vĩnh Phối… loanh quanh những quán cà phê hay đôi khi nơi quán nhậu lai rai ở Huế khá thường xuyên. Vì đi chơi theo nhóm nên chỉ biết mặt nhau mà chưa có dịp hỏi chuyện vì “ai có chuyện nấy” cũng quá đủ rồi.
Lần đó, ở thế chẳng đặng đừng, tôi phải phá lệ thường đến nói chuyện với họa sĩ Đinh Cường vì phải làm vui lòng “cô em Đông Ba yêu dấu” và môn phái Con Yêu Bánh Nậm ở trường Đồng Khánh đang “tức lên thấu cổ” vì bất mãn với giáo sư hội họa Đinh Cường. Em Đông Ba nhờ tôi tìm gặp thầy Đinh Cường để hỏi cho ra lẽ. Tôi bèn ngoan ngoãn… y giáo phụng hành cho trọn nghĩa, vẹn tình.
Thái độ cởi mở của thầy Đinh Cường giúp tôi thêm phấn chấn mà thưa thỉnh đúng theo nguyện vọng của học trò rằng:
– Một số học trò của anh thắc mắc là tại sao anh chỉ cho vài ba điểm những bài tập hội họa “rất đẹp” có đủ hình ảnh, nhiều màu sắc vẽ vời rất công phu; trong lúc anh cho điểm tối đa những bức vẽ nguệch ngoạc, người thì xấu lêu khêu như ma, cảnh vật thì méo xèo lung tung xuôi ngược…
Đinh Cường trả lời không do dự:
– Mình dạy hội họa chứ không phải dạy vẽ!
Tôi cũng hơi đớ ra và hỏi lại:
– Thì vẽ và hội họa cũng như nhau mà.
Đinh Cường giải thích:
– Vẽ và hội họa giống nhau bởi cà hai đều dùng màu sắc, đường nét để ghi lại. Nhưng khác nhau ở chỗ vẽ là ghi lại bằng hình thức mô phỏng, bắt chước, những gì đã có sẵn theo các hình thức đã thành khuôn sáo như kiểu: Mai, lan, cúc, trúc; ngư, tiều, canh mục; long, ly, quy, phụng… Còn hội họa là dùng phương tiện màu sắc để ghi lại những bóng dáng, hình ảnh, thể cách hoàn toàn mới mẻ theo dòng cảm xúc, suy tư và sáng tạo của mình.
Tôi đã đem trường hợp người em Đông Ba và tụi bạn Con Yêu Bánh Nậm của nàng ra trần tình với thầy Đinh Cường. Nhưng anh chẳng nói gì thêm. Nhìn bâng quơ một lát, anh lượm một ngọn lá khô nằm dưới đất, đưa ra trước mắt tôi, nói:
– Ông thử vẽ ngọn lá nầy đi…
Tôi trơ mắt ra hỏi. Đinh Cường hiểu ý, dẫn đường:
– Lấy ngón tay chấm cà phê vẽ lên mặt bàn.
Cái bàn gỗ tạp đủ màu thời gian in nét vẽ thô kệch hình một ngọn lá chẳng ra hình ngọn lá. Tôi ngờ nghệch hỏi:
– Hình xấu kiểu ni thầy cho mấy điểm?
Thầy hội họa trả lời:
– Chín điểm trên mười.
Tôi la hoảng:
– Giỡn hoài, thầy?!
Tôi đợi một phản ứng thay đổi, nhưng chỉ nghe giọng anh nửa đùa nửa thật:
– Thật! Đó mới là hội họa. Dẫu sao, nó cũng đạt ít nhiều tiêu chuẩn căn bản của ngôn ngữ hội họa: Sáng tạo, tự nhiên và độc đáo.
Nhóm chữ “ngôn ngữ hội họa” đi theo tôi cho đến bây giờ. Được đi và sống ở nhiều nơi tôi càng hiểu thêm về khái niệm ngôn ngữ của nghệ thuật. Đó là một loại ngôn ngữ tuy cũng để ghi dấu, diễn đạt và truyền thông nhưng nó không giống với ngôn ngữ đời thường vì nó không có biên giới quốc gia, giới hạn lãnh thổ. Như thích nhạc cổ điển đồng quê của thế giới (classical country music) thì thích nhạc tiền chiến Việt Nam vì có đồng “ngôn ngữ” về ca từ và giai điệu. Ngôn ngữ hội họa cũng theo thời gian và không gian mà biến đổi. Phải biết tiếng nói mới hiểu được con người. Phải hiểu ngôn ngữ của nghệ thuật mới thưởng thức được tác phẩm nghệ thuật.
Đó là những ngày mùa Thu năm 1966 với bước chân ngập ngừng vào học trường Đại Học Huế mà không bước nổi vào Nam mặc dầu tôi đã gian khổ học gạo học mè mới thi đậu vào đại học chuyên nghiệp Sài Gòn. Và, cũng như vô số thằng bạn của tôi trở nên dại dột “yêu em anh bỗng từ bi bất ngờ” mà ở lại Huế vì bị cột chân bởi những sợi tóc thề của một Con Yêu Bánh Nậm Huế nào đó. Ôi! Hảo hớn cỡ như Trịnh Công Sơn – dám vác đôi vầng nhật nguyệt trên vai – mà cũng có ngày bị “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi” kinh hồn bạt vía như thường. Huế nhiều yêu tinh lắm. Những sĩ tử, nghệ sĩ, học trò trong Quảng ra thi như Phan Bội Châu, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường chớ coi thường mà phải một đời… lận đận gian nan với Huế!
Năm 1995, tôi gặp lại Đinh Cường trong buổi họp mặt thân hữu với nhóm Văn Nghệ Truyền Thông Phật Giáo Hải Ngoại tại Washington DC và mở lời nhờ anh design cho mẫu hình bìa tập sách tôi viết về Huế. Anh vui vẻ nhận lời.
Lần xin mẫu hình bìa cho tập truyện ký Chuyện Khảo Về Huế, in ấn trên đất Mỹ, tôi nghĩ đến hai họa sĩ có họa phẩm làm tranh bìa mà tôi thích nhất là Đinh Cường và Hiếu Đệ. Thầy Hiếu Đệ là giáo sư hội họa của tôi ở trường trung học Hàm Nghi, Huế. Nhưng nói về chất Huế trong tác phẩm, nhất là về vẻ đẹp trầm tư và sương pha của Huế qua chân dung người phụ nữ, có lẽ Đinh Cường là người nghệ sĩ có chất liệu đậm đà rõ nét nhất bởi ngoài cái hiểu về thực tế kiểu cách đời sống Huế, anh có nguồn cảm xúc “vô ngôn tự tại” về Huế thể hiện qua những dáng gầy và “gam” màu hư hư, thật thật rất tài hoa. Lần gặp anh tại DC, tôi nói đùa rằng phải có người yêu là cô gái Huế Con Yêu Bánh Nậm thứ thiệt mới thành nghệ sĩ Huế như Đinh Cường được. Tôi thích nét vẽ trang đài, nội dung lãng mạn mà quý phái, ngôn ngữ rất thầm lặng mà dậy sóng, màu sắc dẫu là xanh, đỏ, vàng, đen cũng phất phơ màu xanh trời tím Huế của anh. Đinh Cường chỉ cười và chia sẻ rằng, anh vẽ tranh tự do và chẳng hề bận tâm về một điều gì thuộc về danh hay tướng: Không trường phái, không khuynh hướng, không tự cột trói mình vào một danh xưng hay giới hạn nào của đối tượng sáng tạo cả.
Cho đến khi cuốn sách Tu Bụi tôi viết, xuất bản ở Việt Nam lần đầu – sau hai lần xuất bản, tái bản và phát hành tại Mỹ – với hình bìa của Đinh Cường là một sự ngạc nhiên đầy thú vị. Cảm nghĩ nầy tôi đã ghi trong một bài viết đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo: “…Mình chọn tên cho cuốn sách 500 trang viết về Phật giáo đã ‘bụi’ rồi mà tranh bìa của họa sĩ Đinh Cường còn ‘bụi’ hơn nữa…” Cứ nhìn thử bức tranh ấy thì sẽ thấy rõ ràng họa sĩ Đinh Cường thuộc về “siêu trường phái” vì trường phái nào cũng có thể đem tranh anh ra mà phân tích được.
Tôi rất có dị ứng với kiểu “võ Tàu” trong nghệ thuật. Hễ nói tới văn chương là cứ bê ra từ Victor Hugo tới Jean Paul Sartre; âm nhạc thì bái tượng Mozart, Beethoven…, hội họa thì cứ tung hê Van Gogh, Cezanne, Monet, Picasso… nghe hoài mòn nhẵn trở nên bùa chú phiền não.
Trong nghệ thuật muốn khỏi lụi tàn thì phải nói như mấy ông tổ Thiền tông: “Phùng Phật sát Phật, phùng Tăng sát Tăng…” Ta là ta cô đơn và độc đáo, gặp những ám ảnh vĩ đại thì phải quét cho sạch những lối mòn đầy bụi gọi là “ấn tượng”, “hoành tráng” đầy chữ nghĩa màu mè mà nhạt phèo tính nghệ thuật. Và, không ai nói đến tính nghệ thuật cao hơn là đức Cồ Đàm: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!”
Trong thế hệ Chiến Tranh Việt Nam, Huế là đất “trung dung” cho những tâm hồn văn nghệ dậy sóng. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật và Quốc Gia Âm Nhạc Huế là đất dụng võ cho những “tâm hồn dậy sóng” đó. Nhắc đến nỗi ám ảnh võ Tàu trong nghệ thuật, và con đường độc sáng của nẻo thiền, tôi đang nghĩ đến Đinh Cường và đường bay hội họa, văn thơ của anh. Đó là con đường sáng tạo cô đơn và độc đáo của nghệ thuật trong ngần.
Đồng thời với thế hệ Đinh Cường, Huế có nhiều họa sĩ tài hoa không những thành danh trong nước mà khi mang tác phẩm ra nước ngoài cũng được cộng đồng hội họa quốc tế hâm mộ và đánh giá cao như: Đinh Cường, Trịnh Cung, Thanh Trí, Nguyên Khai, Tôn Thất Văn, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ, Đỗ Kỳ Hoàng, Hồ Hoàng Đài… Những người muôn năm cũ, một số đã ra đi và hôm nay đến lượt Đinh Cường.
Bây giờ đêm Bắc Cali trời lạnh lắm. Tôi nghĩ đến Đinh Cường và xứ Virginia nơi anh ở, ngay bây giờ là -3 độ C, nếu muốn thì rủ nhau ra vườn sau uống bia không cần nước đá. Còn hai ngày nữa mới di quan. Nghĩa là giờ này nhà họa sĩ tài hoa của chúng ta vẫn còn với anh chị em giữa trần gian bụi bặm nầy nhưng đang nằm cô đơn trong phòng đông lạnh. Nhưng tôi tin rằng, trên mỗi bức tranh của anh đã tung ra khắp mọi miền đất nước quê hương và trên thế giới, tất cả đều đang ấm lên một linh hồn: Hoài niệm Đinh Cường.
Sacramento đêm 11-1-2016
Trần Kiêm Đoàn