HUẾ CỦA MỘT THỜI

Võ Hương An

 


Huế một thời… mỗi lần cúng đất, ngoài những thức ăn xào nấu thịt thà gà vịt, mẹ tôi bao giờ cũng chuẩn bị chu đáo một dĩa rau khoai luộc và một chén mắm nêm.  Loại “mắm nêm nước cốt” mà người chưa từng trải giang hồ với trường mắm ruốc, nếm vào một chút là đã thấy đầu lưỡi tê tê như miếng cắn vụng dại…!  Tôi thường tẩn mẩn hỏi mẹ, rằng: “mắm nêm hôi rứa mà mạ cúng ai ăn?” Mẹ tôi giải thích là nơi làng tôi đang ở “lúc tê (ngày xưa) là quê hương của giống Ma Hời”.  Tôi chưa hề biết Ma Hời đẹp giống Tây Thi hay xấu như Thị Nở, nhưng chỉ một tiếng “Hời” không thôi cũng đủ làm tôi cảm thấy những mảnh linh hồn lang thang, phiêu bạt tới tận đâu đâu của giống Hời, Chiêm quốc.

Bởi vậy, Huế là vùng đất của thực và mộng.  Thực, không hẳn luôn luôn là nỗi xót xa và mộng, không phải luôn luôn là thế giới tuyệt đẹp như trong khái niệm đời thường.  Thực và mộng ở đây là vừa có nhau vừa mất nhau.  Đi giữa Huế mà không biết Huế nơi mô;  xa Huế mà cứ thấy Huế mồn một trong lòng mình.

Quê tôi, một vùng quê ven Huế, là đất xưa của Chiêm Thành.  Khi lớn lên qua thành phố Huế học, tôi lại được học trường Hàm Nghi, tức là trường Quốc Tử Giám cũ.  Tôi chỉ biết mơ hồ trường Quốc Tử Giám là nơi ngày xưa chỉ dành riêng cho con vua cháu chúa học. Ngày tôi vào trường năm 1957, chỉ còn thấy nét phôi pha của những bức hoành phi, những câu đối bằng chữ Hán, những hình hoa văn còn in dấu trên tường bên ngoài lớp học. Học trò nơi đây không còn là cô chiêu cậu ấm con nhà quan mà con nhà dân tứ xứ.  Lúc chưa vào trường, tôi cứ tưởng tượng các thầy cô giáo “Quốc Tử Giám Hàm Nghi” đều mặc áo dài đen đội khăn đóng đi dạy.  Không ngờ, các thầy cô Hàm Nghi thuở ấy đều trẻ trung, xông xáo và sôi động không ngờ: “Cô Túy Hồng vừa đi, vừa chạy. Thầy Lê Khuê vừa dạy vừa đờn…!”

Tôi từ Hàm Nghi lên Quốc Học, văn khoa, sư phạm và “học dài” qua tới Mỹ.  Nhưng những thầy cô để dấu ấn đầu đời sâu đậm nhất, không chỉ cho riêng tôi mà cho cả một thế hệ học trò thời đó, vẫn là các thầy cô Hàm Nghi.  Tâm lý học phương Tây cho rằng đó là giai đoạn “định hình bản sắc xã hội” (social identity establishment) của tuổi tiền dậy thì (pre-teen).  Tôi thì khỏi mất công đi xa như vậy mà chỉ nghĩ đơn giản rằng, dấu ấn mà thầy cô Hàm Nghi để lại trong chúng tôi là do thầy cô tận tâm dạy dỗ nên học trò thương kính thầy cô. Đơn giản rứa thôi.  Giới thầy cô Huế qua Mỹ cũng nhiều, nhưng một vị thầy Hàm Nghi chiếm nhiều cảm tình nhất của học trò thời đó mà tôi và các bạn đồng môn được gặp lại trên đất Mỹ là thầy Võ Văn Dật.  Dù sau đó thầy chuyển qua làm thẩm phán tòa án, nhưng bản thân tôi và bạn bè đứa nào cũng thương quý thầy.  Trong văn chương, thầy Võ Văn Dật là nhà văn Võ Hương An, tác giả của những bài ký sự, hồi ức, khảo luận rất sinh động và công phu về Huế, cung đình Huế và văn hóa Huế.

Thời xa Huế, tôi lại nghe không biết bao nhiêu là tiếng gọi da diết về những tâm tình thương Huế, nhớ Huế.

Hình như là với một người Huế khi xa quê, sẽ không biết mình nhớ gì ở Huế; và khi mường tượng một chân dung của Huế, sẽ không biết Huế “ra răng”.  Phải chăng Huế là những cơn mưa dầm héo úa, là những trận nắng cháy da, là dòng sông Hương hiền như Mẹ, là núi Ngự cùng dãy Trường Sơn vững chải như Ba, là hoàng thành lăng miếu triều Nguyễn, là tóc thề, nón bài thơ và những mối tình đầu “chỉ có hôn nơi má” – một lần – mà muôn trùng dâu bể vẫn không quên?!  Huế là từng mảnh đời vụn rời như thế hay tất cả hòa quyện nhau “muôn muôn mà một” giữa đời này?

Nền văn hoá Huế định hình từ 700 năm trước, nhưng sự nhất quán về một “tính Huế” tiêu biểu thì vẫn còn nhuốm mầu tưởng tượng và suy diễn không giống như một nền văn minh “Miệt Vườn” với hơi thở của rừng U Minh, mùi phù sa của Rừng Mắm trong các tác phẩm điển hình của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam.

Gặp nhà văn Sơn Nam trong một quán cà phê cóc trên đường Lý Chính Thắng đâu khoảng mười năm trước, tôi ngõ ý ngưỡng mộ tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của anh với hình ảnh “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh”.  Sơn Nam vén hai ống quyển chân gầy gò của một thân xác chưa đầy bốn chục ký xương da của anh và nói cứng: “Nhị túc cương như thiếc – Hai chân cứng như sắt – nầy đã đi khắp mọi miền lục tỉnh mới hửi được hơi hướm rừng U Minh…” Huế có rất nhiều người viết văn, làm thơ, làm nhạc, làm họa, nhưng vẫn chưa có một nhà văn hay môt nghệ sĩ tiêu biểu điển hình của Huế.  Phải chăng vì tất cả chỉ khảo luận, suy nghĩ, ngắm nhìn để mô tả và suy diễn về Huế mà chưa từng “lặn lội” đi trong Huế như Sơn Nam đã từng dép vệt gót, áo sờn vai giữa Cà Mâu, Đồng Tháp?

Trong nhiều tác phẩm văn chương viết về Huế, một tác phẩm mới nhất vừa mới ra đời mà khi đọc, tôi bỗng có cảm tưởng tác giả có được dáng vẻ “giày vệt gót, áo sờn vai” với Huế.  Đó là tập Huế Của Một Thời của Võ Hương An

Tác giả Võ Hương An giới thiệu: “Huế Của Một Thời là tập hợp những bài viết về Huế của một thời đã qua, thấp thoáng bóng cung đình, trong hoài niệm của một người xa xứ ở vào tuổi xế chiều, nhớ nhớ, quên quên…”

Với 18 bài viết, khởi từ Đường Xưa Thành Nội đến Mấy Lần Thất Thủ Kinh Đô, Võ Hương An đã kết hợp các thể loại văn xuôi phổ biến như truyện, ký, tiểu luận… lại với nhau thành một hợp thể “thật thật, hư hư, quên quên, nhớ nhớ” như thể loại “creative non-fiction” trong văn chương Anh Mỹ.  Có những đối tượng rất thật như những con đường Thành Nội cũ.  Nhưng khi những con đường đó đã lùi lại sau những đôi giày vệt gót, đã nóng lạnh xa gần qua nhiều lăng kính kỷ niệm, đã chỉ còn dư bóng nhớ nhớ, quên quên trong tâm tư và ký ức của tác giả thì những đường con xưa Thành Nội biết bao lần thay chủ đổi tên trở thành một mạng lưới ân tình, một bức tranh tâm ảnh qua bút ký của Võ Hương An.  Nhiều chuyện ngỡ như một viễn cảnh sau lớp sương mù mường tượng, đó là những chuyện về hình ảnh và nếp sinh hoạt cung đình triều Nguyễn, khi hiện lên qua ngòi bút của Võ Hương An lại trở thành rất thật và rất gần gũi nhờ sự hiểu biết tường tận qua nội kiến (insight) của chính tác giả.

Từ giã khung cảnh cao sang, quý tộc của cung đình, tác giả lại nhẩn nha rong chơi giữa đời Huế rặt.  Một Huế “ngẳng đời” – nhìn thấy vẻ “trong như nước đái bà chúa” ngay trong ly nước của mình hay ví von “chạy rong như ngựa Thượng Tứ” cho một người đẹp năng nỗ đi đó đi đây – cũng xuất hiện làm cho câu chuyện thêm giòn, hình ảnh thêm vui tươi.

Tôi cũng có viết lách lai rai về Huế nhưng lại “ham chơi” hơn thầy Võ Hương An của tôi.  Khi chợt “dừng bước giang hồ” đọc lại sách viết về Huế của Thầy mình, tôi lại càng thương kính thầy và thích Huế mình hơn.  Huế thì bao năm vẫn trầm lặng và dịu dàng như thế. Thầy Võ Hương An, đã gần 50 năm từ ngày tôi được học với thầy ở trường Hàm Nghi, dù qua bao thăng trầm giữa dòng đời và biến động trong lòng người, nhưng phong thái thầy vẫn không có gì thay đổi.  Điều nầy đã thể hiện một cách đậm nét qua văn phong của thầy trong Huế Của Một Thời: Nhẹ nhàng và nhân ái.  Nhẹ nhàng qua phong vị khiêm khung, đơn sơ mà trang trọng.  Nhân ái vì lấy nhãn quan trung đạo nhìn thế sự thăng trầm pha một chút “mắm muối” cười cợt, tươi vui.

Đọc sách là chơi canh bạc nhỏ với thời gian. Đọc để mua vui là lợi nhỏ; đọc để giúp suy gẫm chuyện đời là lợi vừa, đọc để biết những điều mình chưa biết là lợi lớn.  Với người khác thế nào tôi chẳng rõ.  Riêng tôi, đọc sách Huế Của Một Thời của Võ Hương An tôi bỗng được một lúc cả ba điều đại lợi.

 Trần Kiêm Đoàn

Sacramento, tháng 3 năm 2006

Bài viết liên quan