HUẾ VẪN LÀ THƠ

Sáng nay, những người Huế và bạn bè Huế trong cũng như ngoài nước chuyền tay nhau trên các trang mạng thông tin xã hội cá nhân hình ảnh mà người Huế mô cũng không khỏi kêu lên: “Ui chao… Dễ thương dễ sợ!”: Đó là Chiều 21-11- 2024, ở thời điểm Quốc hội Việt Nam thảo luận về việc thành lập Thành Phố Huế trực thuộc trung ương, trong hội trường Quốc hội, có 33 đại biểu nữ mặc áo dài tím (nhà văn Huế VQ nhẩm đếm) như một thái độ tình cảm ủng hộ đầy thân thương dành cho Huế. Thì ra trong lòng người chính trị cũng như nghệ sĩ, dẫu qua muôn trùng gian nan sóng gió hưng vong, Huế vẫn là thơ, vẫn là… “một chiều lang thang bên dòng Hương Giang, tôi gặp một tà Áo Tím” (NS Hoàng Nguyên – Tà Áo Tím).
Người Huế trên quê hương và khắp mọi miền phương ngoại, dầu đứng riêng ở phương vị nào cũng đồng cảm biết ơn những tấm lòng ưu ái dành cho Huế. Tình yêu và nghệ thuật lãng mạn mà quyết đoán kiểu Huế thường không có chỗ đứng cho những cảm tính phân ranh nhất thời và định kiến tị hiềm nhỏ bé. Thế nhưng khi nghe tin kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, Huế sẽ là thành phố trực thuộc trung ương thì tâm thái thường lặng lờ như Huế, dịu dàng như nước sông Hương cũng mơ hồ dậy sóng. Tuy rất ít người tìm hiểu cặn kẽ về khái niệm “trực thuộc Trung ương” sẽ mang đến những sự kiện thay đổi nào cho Huế tương lai nhưng chỉ đơn giản là trong ngôn từ cảm nhận trực tiếp và đại chúng nhất thì từ địa phương lên trung ương vốn xưa nay là một bước thăng tiến dù đứng từ góc cạnh nào.
Phản ứng của người dân xứ Huế và thân hữu bốn phương là mở lòng đón nhận tin vui. Tuy nhiên vẫn có những điệu nhìn, cách nói vướng vất đâu đó về Huế tương lai sẽ nhạt mờ “chất Huế” bởi định kiến cho rằng Huế đẹp vì sự nhỏ nhắn, trầm lặng và mong manh; nếu không muốn nói là Huế luôn có nét buồn, trầm mặc, hoài cổ và “cho đi không lấy lại bao giờ”… về tình cũng như tứ. Về mặt cảm tính văn học nghệ thuật thì từ nhã nhạc Cung Đình quý phái đến làn điệu dân ca như hò vè, ca Nam Ai, Nam Bình, hò Nện, hò Khoan thuần Huế đến sự tiếp cận với nền tân nhạc sau nầy… Huế thơ, Huế gầy, Huế mong manh, Huế mộng ảo… vẫn là “giấc mộng giữa đêm Hè” khiến Huế là biểu tượng của nàng công chúa ngủ trong rừng.
Chỉ là một dòng sông Hương thôi nhưng trong cái tâm thức lãng mạn của gã con trai Huế lang thang hơn 40 năm như tôi vẫn bị sông Hương chung thân chinh phục. Trong sổ tay du lịch của tôi có một dòng sông và những dòng sông… Lần đầu đứng bên bờ sông Seine với anh Cao Huy Thuần cách nay hơn 30 năm, không hẹn mà gặp khi anh em chúng tôi cùng lật tẩy “con bài ẩm” lúc cùng nghĩ về sông Hương để trong mỗi tâm tư thấy sông Hương Huế mình vẫn đẹp nhẹ nhàng tươi mát theo dòng mái tóc gái quê thơm bồ kết và gió chao đồng lúa. Rồi trên những chặng đường nổi trôi giang hồ vặt, có dịp ngủ qua đêm hay xuôi dòng trên những con sông nổi tiếng thế giới như Cửu Long (Việt Nam), Mississippi (Mỹ), Hoàng Hà (Trung Quốc), Seine (Pháp), Thames (Anh), Hằng (Ấn Độ), Nile (Ai Cập), Amazon (Peru)… tôi vẫn chứng nào tật nấy – như phần đông người Huế với tuổi đời xế bóng – là không bị dòng nước nào chinh phục ngoài nước sông Hương và chút sương khói sông Bồ.
Tôi đem dòng suy nghĩ lẩn thẩn nhỏ bằng cái bể cạn của mình để luận chuyện sông hồ trên các trang mạng xã hội thì bị một O (nghe nói O biết nửa xứ Huế và nửa xứ Huế biết O) sửa lưng bằng mấy câu hồn nhiên mà nội dung bằng bài tham luận: “Dạ cái đẹp mong manh là cái được giữ lại. Còn cái khang trang là cái đổi mới. Kẻo họ chê: Huế muôn đời vẫn rứa! Du khách tới Huế chộ Huế khang trang, có chỗ lưu trú tiện nghi. Chơ thấy Huế xập xệ bỏ đi một bề.”
Những Huế kiều tha hương và Huế ròng cột cờ có niềm tâm cảm chung mong cho Huế cùng có hoàn cảnh và điều kiện vươn lên khỏi giới hạn “hàn sĩ” – nghèo mà vẫn thơ, vẫn mộng, vẫn tộng bộng hai đầu – đều nóng ruột mơ ngày Huế tiến bước ngang tầm với cả nước và thời đại.
Tầm nhìn thời đại của thế kỷ 21 là kinh tế và du lịch toàn cầu. Cái nhìn hướng đến tương lai cho Huế từ phía những người có trách nhiệm về một thành phố vốn có lịch sử lâu dài về văn hóa, nghệ thuật khá thích ứng và thực tiễn. Cám ơn bà bộ trưởng bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và ông Lê Trường Lưu, nhân vật đầu tỉnh Thừa Thiên Huế đã nói những điều tốt đẹp về truyền thống, di sản văn hóa và lịch sử Huế; đồng thời, quý vị không đeo lăng kính lạc quan dễ dãi màu hồng để minh họa những bước đi cơ bản và thực tiễn cho một thành phố Huế tương lai trong tiến trình vươn lên thành một thành phố, đô thị mới.
Người dân Huế xa quê hay còn đâu đó quanh chục cửa thành thường rất ít quan tâm về chính trị mà chỉ tới khi “chộ” (chính mắt mình nhìn thấy) mới biết là huyền thoại hay hiện thực. Tuy nhiên, bóng dáng Huế tương lai vẫn ẩn hiện đâu đó khi quan chiêm những nơi mang dáng dấp tự nhiên và vai trò lãnh đạo rất gần với Huế.
Một số thành phố khác trên thế giới có đặc điểm tương tự Huế, mang tính di sản văn hóa và lịch sử độc đáo đã nhờ sự đầu tư của chính phủ trung ương mà trở nên những địa điểm du lịch quốc tế làm chỗ dựa kinh tế cho dân cư địa phương về các mặt kinh tế, giáo dục, xã hội, văn hóa như ngày nay. Điểm qua một số nơi có những điều kiện căn bản ương tự như Huế:
1. Kyoto là kinh đô cổ của Nhật Bản, nổi tiếng với các đền chùa, cung điện, và văn hóa truyền thống. Giống Huế, Kyoto bảo tồn các giá trị văn hóa và kiến trúc cổ xưa, như Kinkaku-ji (Chùa Vàng) và các nghi lễ truyền thống.
2. Luang Prabang, thành phố di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, Luang Prabang là nơi giao thoa giữa kiến trúc Lào truyền thống và phong cách thuộc địa Pháp. Thành phố cũng nổi tiếng với các ngôi chùa và hương vị Phật giáo giống như Huế.
3. Ayutthaya, Thái Lan là kinh đô cũ của Thái Lan, Ayutthaya có nhiều di tích lịch sử như đền đài, cung điện hoàng gia và giống Huế ở việc lưu giữ các giá trị lịch sử và văn hóa cổ.
4. Bagan, Myanmar là nơi có rất nhiều ngôi đền và bảo tháp cổ, Bagan có sự tương đồng với Huế về việc bảo tồn kiến trúc cổ kính và giá trị tâm linh.
5. Granada, Tây Ban Nha nổi tiếng với cung điện Alhambra, một di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Thành phố này giống Huế ở hình thức kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, kiến trúc, và lịch sử thành một tổng thể hài hòa thú vị.
6. Cusco, Peru là kinh đô của Đế chế Inca cổ. Cusco là một thành phố di sản thế giới với nhiều di tích lịch sử và văn hóa độc đáo. Tương tự Huế, Cusco giữ vai trò là trung tâm văn hóa quan trọng. (Nguồn TTNT)
Các cụ Huế xưa thường thích nhàn mà không thích (hay cũng có thể… nhát gan) làm giàu. Dù nghèo mà vẫn vui nên cứ nói cho oai là “sống đời thanh bạch”.
“Chưa giàu to đã lo nứt đố” (đổ vách bởi kho lẫm đầy tràn) cũng là một động cơ tâm lý khiến điệu sống Huế nhẹ nhàng, thanh thản. Và khi trạng thái tâm thức không bị đeo nặng bởi hệ lụy vật chất thì cái “hình nhi thượng” nghệ thuật phát sinh. Người mới ghé chân tới Huế sẽ dễ dàng nhận ra đời sống tinh thần của Huế ngay qua làn điệu dân ca và cách ăn mặc. Hò Huế và ca Huế sâu lắng, trữ tình, pha chút trầm tư và lãng mạn; khác với giai điệu dập dồn, vui tươi của quan họ, chèo, xoan miền Bắc; đồng thời cũng rất khác với làn điệu phóng khoáng vui tươi của lý con sáo, linh hoạt của cải lương miền Nam. Cách ăn mặc của Huế không phô trương đường nét trời cho của thân thể mình mà chỉ quan tâm tới vạt áo dài lộng gió…
Chỉ còn non nửa tháng nữa – 1/1/2025 – là “nàng Huế lấy chồng”; về với Trung ương. Những người Huế xa quê như tôi từ phương xa tiễn O Huế nhỏ nhắn như chừ (bây giờ), thành Bà Huế mai tê (tương lai) sẽ đẫy đà gấp mười lần với đủ núi rừng sông biển nhưng mong rằng nhan sắc Huế không phải là chiều cao, chiều rộng, bề sâu mà là “chính thị”; nghĩa là nét hiện thực của thiên nhiên kết hợp với hoàn cảnh thực tại của xã hội và con người. Huế ơi! Dẫu có đi mô vạn dặm đường sơn hà hải địa thì nhớ đừng quên nét mặn mà muôn thuở của quê hương “mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”. Rất đôi khi, cái thiếu nhân gian là cái đủ của tâm hồn, Huế nhé! Và, Huế vẫn là thơ!
California, 12/12/2024
Trần Kiêm Đoàn
Cám ơn những ý thức chính trị vẫn dành tâm thức rất thơ cho Huế! Các vị nữ Dân biểu Quốc hội mặc áo dài tím để ủng hộ cho Huế.
Bài viết liên quan