THỬ SUY NGHĨ VỀ MỘT HƯỚNG SINH HOẠT THÍCH HỢP CHO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI (3).
Trần Kiêm Đoàn
California, Hoa Kỳ ngày 01 tháng 9 năm 2007
Thư gởi các em: Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Các em thân mến,
Sau Lá Thư Huynh Trưởng vừa qua, anh hơi ngạc nhiên vì số lượng thư phản hồi (feedback) trong và ngoài nước bày tỏ mối quan tâm về hiện tình tuổi trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Phật tử nói riêng gởi về nhiều hơn thường lệ. Có lẽ chiếc cầu mạng lưới vi tính – internet – website – đã băng qua hết những dòng sông vạn lý; hay chính ta về lại trong ta nên không có một tơ hào ngăn cách?
Chỉ trong 3 ngày cuối tuần sau khi lá thư trước gởi đi vào ngày thứ Tư, anh đã nhận được 12 ý kiến từ trong nước, 16 ý kiến ở Mỹ, 4 ý kiến ở Canada, 4 ý kiến ở Úc và 6 ý kiến từ châu Âu. Cám ơn tất cả các bậc thức giả và các anh chị huynh trưởng cùng các em đoàn sinh GĐPTVN đã quan tâm đến tuổi trẻ.
Hiện tượng nhiều thư cùng một ý là vấn đề “chính trị và phi chính trị”. Đấy là một đề tài quá nhạy cảm làm người nhận… đâm lo! Lo, vì sợ bị hiểu lầm là thiên vị về phía nầy hay phía khác, trong khi tâm nguyện của người nhận ý kiến là chỉ mong đón nhận và lắng nghe bằng một tinh thần khách quan và không vội vàng phê phán hay buông lời nhận định chủ quan. Tóm tắt có 3 ý chính về lĩnh vực “nhạy cảm… đâm lo” nầy:
– Lập trường tư tưởng chính trị trong nước được xác định rõ ràng trong Hiến Pháp Việt Nam đã được ban hành và đang trở thành pháp lệnh. Giới trẻ Phật tử Việt Nam chỉ biết nghiêm chỉnh chấp hành chứ không có chỗ để “linh động” hay bàn cãi.
– Gia đình Phật tử hay những tổ chức tuổi trẻ tương tự muốn “phi chính trị” cũng không được; vì tham gia một số cơ chế mang tính chất chính trị đã trở thành pháp lệnh. Thí dụ như GĐPT muốn sinh hoạt hợp pháp thì phải tham gia vào Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và phải đăng ký với chính quyền.
– Đã có hiện tượng thiếu nhất quán và mất đoàn kết giữa một số các đơn vị GĐPT trong cũng như ngoài nước xuất phát từ hiện tượng hoài nghi, chống báng, phân tranh với nhau vì quan điểm chính trị không nhất quán với nhau. Sự kiện phân biệt nầy kết hợp với tinh thần gia trưởng truyền thống là “Thầy đâu đệ tử đó; huynh trưởng đâu đoàn sinh đó” đã làm phân hóa và tan vỡ nhiều đơn vị GĐPT vì hai khuynh hướng “chính trị” khác biệt đã kéo theo sự xung đột giữa nhiều cá nhân huynh trưởng và đoàn sinh trong cùng một đơn vị.
Ngoài ba ý chính tóm tắt trên đây, những ý kiến nhận được còn đặt ra nhiều câu hỏi, đại khái như:
– “Làm sao tạo được sự cảm thông và hợp tác giữa giáo quyền và thế quyền?”
– “Trường hợp trong một đơn vị GĐPT nếu có hai hay nhiều khuynh hướng chính trị không đồng nhất với nhau thì làm thế nào để hóa giải hầu tránh được sự xung đột nội bộ có khả năng làm cho đơn vị đó suy yếu hay tan rã?”
– “Làm thế nào để giữ được hướng sinh hoạt phi chính trị nếu quý thầy lãnh đạo giáo hội và ban huynh trưởng GĐPT tại một đơn vị nào đó không có chung đường lối ứng xử với hoàn cảnh chính trị và xã hội chung quanh?”
Các em đoàn sinh GGĐPT thân mến,
Mặc dầu những câu hỏi đều có khuynh hướng đổ dồn về đề tài và lĩnh vực chính trị, phi chính trị và thái độ chính trị. Nhưng chưa thấy câu hỏi nào đặt ra rằng: “Mục đích chính của sinh hoạt GĐPT chúng ta là gì? Nếu xếp ưu tiên về các mặt tu học, giáo dục, xã hội, chính trị, vui chơi, làm việc… thì các em sẽ xếp ưu tiên 1, 2, 3… từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất là gì?”
Chúng ta vào sinh hoạt GĐPT, cùng nhau về dưới mái chùa, quy y Phật Pháp Tăng để làm gì? Để tu học, để làm người Phật tử chân chính, để được rèn luyện và giáo dục, để chia sẻ chung vui sau một tuần học hành hay làm việc cực nhọc(?) Hay để làm chính trị, chuẩn bị nắm quyền lực (?). Con người tự bản chất là một con vật chính trị (human beings are by nature “political animal”). Aristote phát biểu như thế khi ông nhìn con người trong mối tương quan với quyền lực, xã hội và thiên nhiên. Ngay cả những con người lánh xa chính trị thì cũng đã vô hình chung tự chọn cho mình một thái độ “chính trị… không làm chính trị!” Chính trị, trong khái niệm của Aristote, là phong cách khôn khéo để xử thế, là nghệ thuật tương tác để sống còn.
Chính trị ngày nay được vận dụng một cách cụ thể hơn dưới 3 hình thức:
-Đấu tranh chính trị: Sử dụng phương tiện chính trị bạo động và bất bạo động để nắm quyền lực lãnh đạo xã hội.
– Thái độ chính trị: Có thái độ và lập trường chính trị riêng nhưng không thể hiện bằng hành động đấu tranh chính trị.
Trong lịch sử Việt Nam có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến Phật giáo, cũng đã ghi lại nhiều hiện tượng tu sĩ hay tín đồ Phật giáo tham gia đấu tranh chính trị. Cuộc khởi nghĩa Phạm Sư Ôn thời Trần Thuận Tông (1388-1398); “Giặc Rựa” hay “Giặc Thầy Chùa” thời Pháp thuộc… là những phong trào đấu tranh chính trị bằng những phương tiện bạo động mà người cầm đầu là những tu sĩ Phật giáo.
Các danh tăng và Phật tử thời Lý Trần đều trang bị một thái độ chính trị đậm tính nhân bản Phật giáo đã giúp cho dân giàu, nước mạnh.
Sự kết thúc của những cuộc đấu tranh chính trị dai dẳng thường không mang lại lợi lộc nào đáng kể cho cả thế quyền lẫn giáo quyền Phật giáo. Điều nầy rất dễ hiểu vì từ trong thực chất sâu thẳm nhất, chính trị là nắm giữ quyền lực để thành công và Phật giáo là buông thả những hệ lụy của đời sống để giải thoát thì làm sao tìm được mẫu số chung cho một phép tính thiếu nhất quán mà mong tìm ra đáp số!
Đã không tìm được đáp số thì lấy dữ kiện nào để làm tiêu chí cho việc xếp ưu tiên?!
Đã hơn 45 năm qua, kể từ ngày bắt đầu sinh hoạt với GĐPT, mãi cho đến hôm nay anh mới để lòng tĩnh lặng mà hỏi các em và hỏi chính mình câu hỏi “xếp ưu tiên” nầy.
Trước khi tìm đến một câu trả lời tương đối được đa số các em tán đồng, anh muốn kể cho các em nghe chuyện GĐPT Liễu Hạ trong khung cảnh khúc quanh chính trị quan trọng mà thế hệ của những người trên dưới Sáu Mươi chưa thể nào quên.
Dù chưa phải là một trường hợp điển hình, nhưng anh xin lấy bản thân mình làm thí dụ cụ thể về tác động của một hoàn cảnh chính trị trên vai trò của một huynh trưởng GĐPTVN. Năm 1963, anh tham gia phòng trào đấu tranh Phật giáo trong vai trò của một huynh trưởng (Liên đoàn trưởng Gia Đình Phật Tử Liễu Hạ trực thuộc Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên Huế.) Trước ngày đảo chánh nhà Ngô, 01-11-1963, cả miền Nam, mà cao điểm là thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, ở trong một không khí chính trị sôi sục. Những Phật tử tham tham gia tranh đấu cho quyền bình đẳng tôn giáo bị bắt giam, sa thải, cô lập hay phân biệt đối xử trong công sở và ngoài địa phương hành chính. Đêm đảo chánh nhà Ngô, anh còn bị giam giữ trong lô-cốt quận Hương Trà. Sáng ra, khi cuộc đảo chánh thành công, anh – huynh trưởng mới bị tạm giam ba ngày – bỗng trở thành một “huynh trưởng sáng giá có công bảo vệ Đạo Pháp” tại nơi mình ở. Không những chính quyền địa phương đương thời mà cả hệ thống xã hội chung quanh đối xử với bản thân anh mà với các đơn vị GĐPT lân cận rất nồng hậu. Sau 1963, những cuộc xuống đường, đình công bãi khóa của Phật tử vẫn tiếp tục diễn ra lúc âm ỉ, lúc sôi nổi do quý Tăng Ni trong hàng giáo phẩm cao cấp chỉ đạo. Mục đích để đòi hỏi một số các yêu cầu của phía Phật giáo với chính quyền đương nhiệm. Không khí đấu tranh chính trị kéo dài đến năm 1966. Đỉnh điểm của phong trào đấu tranh là khi lệnh của quý thầy lãnh đạo ban ra rằng, các đơn vị tư gia, khuôn hội và GĐPT đem bàn thờ ra án ngữ đường phố. Những đơn vị GĐPT ở nông thôn và phụ cận như Liễu Hạ thì mang bàn thờ Phật ra án ngữ trên Quốc lộ1.
Ngày 15-6-1966, chính quyền Thiệu – Kỳ đưa tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Trâu Điên ra dẹp bàn thờ và bắt giam những thành phần tham gia tranh đấu. Anh và anh Liên đoàn phó GĐPT Liễu Hạ, Trần Văn Thọ, phải chạy trốn ra vùng nghĩa điạ ngoài đồng làng Liễu Hạ để ẩn núp. Nhưng cuối cùng cũng bị dân vệ xã bắt về giam tại trụ sở xã Hương Cần… và bị đối xử như những tên tội phạm. Từ đó, không riêng GĐPT Liễu Hạ mà cả một hệ thống GĐPT càng ngày càng gặp khó khăn vì sự đối xử đầy kiểm soát gắt gao và có khi thù nghịch của một hệ thống chính quyền làng xã vốn từng thân thiện và hỗ trợ trong suốt 3 năm, sau đảo chánh và trước “biến cố dẹp bàn thờ”. Hệ quả không tránh khỏi là lần lượt có nhiều đơn vị gia đình hoặc là phải giải thể; hoặc phải sinh hoạt ngày một yếu dần dưới sự kiểm soát, nhòm ngó thường xuyên của nhà cầm quyền. Huynh Trưởng nản lòng hay sợ phiền lụy sinh hoạt thưa dần. Đoàn sinh rút lui vì bị áp lực của cha mẹ hay mất dần hứng thú. Khí thế và bồ đề tâm kiên cố thời “Phật giáo tranh đấu” thời 1963 lụi tàn dần. Lỗi hay phải; công hay tội như thế nào và do ai phát động sẽ có lịch sử trả lời không thiên vị.
Tuy nhiên, trên tư thế khiêm tốn và giới hạn của một người Phật tử thì chút kinh nghiệm bản thân về sự “xung đột chính trị và tôn giáo” của anh chỉ là những tháng ngày nếm trải trong một giai đoạn đặc biệt của Phật giáo. Thế nhưng suốt dòng đời còn lại, với 25 năm sống ở quê người, có dịp tham gia, học hỏi, quan sát, trao đổi kinh nghiệm với các đoàn thể thanh thiếu niên Âu Mỹ… anh cảm thấy như cái “nghiệp hơn thua” của chúng ta – đã và đang – là một ám ảnh kéo dài từ quá khứ. Đã 32 năm, từ ngày đất nước đổi thay. Trung bình mỗi thế hệ là 25 năm. Chỉ riêng trong lĩnh vực tâm linh cũng đã có bao nhiêu câu hỏi đặt ra: Thế hệ Phật tử đàn em đã kế thừa được gì từ thế hệ đàn anh? Trong quá trình tu học và trao truyền giáo pháp của Phật đà, thế hệ đàn em đang ở đâu và đang chuẩn bị được gì trong vai trò “bắc cầu” cho thế hệ kế tiếp?
Anh đã có dịp sinh hoạt với các em, những đơn vị GĐPTVN trong và ngoài nước. Càng tiếp cận rộng rãi với các em, anh càng thấy được rằng, sinh hoạt GĐPTVN chúng ta không đi sai đường, nhưng đã có nhiều đơn vị GĐPT đi chệnh hướng, do ảnh hưởng hay tác động chính trị từ bên ngoài lẫn bên trong.
Nữa! Thư lại dài trên 2000 chữ mất rồi. Anh phải tạm dừng thư kỳ nầy nơi đây mà chưa đề nghị hay nhận được lời đề nghị về một giải pháp nào cụ thể nào cho hướng sinh hoạt của GĐPTVN chúng ta hiện nay cả. Trong khi chờ đợi, rất mong tiếp tục nhận được những thư góp ý và đề nghị của các em. Các em có thể tham khảo ý kiến với phụ huynh, với quý Thầy, sư cô, các bậc thức giả và các anh chị huynh trưởng để xin thêm ý kiến.
Chúc các em những ngày an lạc.
Thân mến chào các em.
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn