LÁ THƯ HUYNH TRƯỞNG 12

THỬ SUY NGHĨ VỀ MỘT HƯỚNG SINH HOẠT THÍCH HỢP CHO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI (5).

Trần Kiêm Đoàn

California, Hoa Kỳ ngày 4 tháng 10 năm 2007

Thư gởi các em: Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Các em thân mến,

Lần nầy, viết thư cho các em trong một thoáng không khí Cali có hơi trầm xuống và ấm lên.  Hẳn các em sẽ hỏi rằng, thư trước anh nói đến tiết thu đang về với Cali, đáng lẽ nắng sẽ bớt hanh và gió heo may sẽ đến; nhưng cớ sao bây giờ lại ấm lên.  Thật ra thì sự ấm lạnh xuất phát từ lòng người mới là điều anh đang muốn nói.  Tin và hình ảnh mười vạn nhà sư Miến Điện đầu trần, chân trần đi hằng chục cây số dưới trời mưa lũ để cầu nguyện và bày tỏ ước mong hòa bình, an lạc và tự do cho đất nước làm cho nhiều người có chung niềm tâm cảm như anh xúc động.  Một số người quan tâm tự hỏi rằng, có chăng các nhà sư Miến Điện “đang làm chính trị?”   Và dĩ nhiên, sự nhạy cảm của mỗi người thì chẳng ai giống ai, nên khi bàn đến những đề tài liên quan đến khái niệm chính trị trong một hoàn cảnh nào đó, người ta dễ bị ám ảnh bởi những định kiến và đâm ra dị ứng hay sợ hãi muốn bịt mắt, quay mặt tránh xa.  Nhưng đức Phật vì chúng sanh khổ đau mà hiện thế, đạo Phật vì trần gian mà dấn thân.  Vì thế; Đạo Phật, con người và cuộc đời không thể tách rời nhau; phải có mặt với nhau trong mỗi mảnh đời, chung cả khổ đau và an lạc.

Anh mở đầu thư nầy bằng một ý tưởng “dạo đầu” như thế để mời các em quan tâm hơn một chút về hai chữ “chính trị” – một khái niệm rất thường tình và thiết thân trong cuộc sống cá nhân và xã hội hàng ngày mà lắm lúc vì quá cường điệu hay quá định kiến người ta bỗng tránh xa nó đi – để khỏi bị phiền hà (?!)

Trong thư trước anh có trích lời thầy Thích Pháp Trí nói rằng: “ Theo tôi, GĐPT chúng ta hiện nay khỏi cần phải bàn đến chính trị nữa, vì chính trị không quan trọng…” Trong lúc đó, cũng trong một vài thư trước, khi tham khảo những kinh nghiệm của các đoàn thể thanh niên quốc tế lừng danh như Hướng Đạo, Hồng Thập Tự, YMCA… anh đã có dịp nhắc đến những nguyên tắc cơ bản giúp cho các đoàn thể nầy đứng vững hàng trăm năm nay trong nhiều tình thế chính trị và xã hội khác nhau mà nguyên tắc “phi chính trị”(non-political) vẫn được thực hành nghiêm chỉnh nhất.  Như thế, vô hình chung, nguyên tắc “phi chính trị” và ý niệm “khỏi cần bàn đến chính trị” hay hoàn toàn loại bỏ chính trị  ra khỏi sinh hoạt của một đoàn thể thanh niên có cùng một nội dung chăng? Và nếu chúng ta đơn phương không cần biết đến chính trị trong lúc thực tế xã hội quanh ta và ngay chính những người thân cận bên ta và ngay chính trong nội bộ GĐPT chúng ta đang hành xử, dính líu, gây ảnh hưởng bằng phương tiện chính trị theo cách riêng của họ thì liệu tập thể GĐPT chúng ta có thể hoàn toàn “nhìn gió mà tâm không động” được chăng?

Để những thành viên GĐPTVN chúng ta có thể tạm đồng ý trên nguyên tắc về một mẫu số chung chính trị hay phi chính trị có lợi nhất cho chính tổ chức đoàn thể của mình, đồng thời cũng có lợi cho tôn giáo, đất nước và con người nói chung, chúng ta thử xác định “chính trị Phật giáo” là gì và GĐPT đang đứng ở tiêu điểm, vị trí nào trong đời sống chính trị đó.

Tiếp sau thư của thầy Pháp Trí, anh Hoàng Xuân Thiệu – một cựu huynh trưởng cao niên và đồng thời cũng là một giáo sư sử học, chính trị – viết rằng: “Chính trị trong ý nghĩa đích thực nhất của nó đồng nghĩa với động cơ cùng nguyên tắc tổ chức và ổn định xã hội trong lịch sử tiến hóa của nhân loại.  Chính trị là giềng mối kết thành cái khung cơ bản cho mỗi xã hội.  Chính trị là nguyên tắc lãnh đạo và quản lý trật tự xã hội; đồng thời chính trị là sức bật mở đường và khai phóng cho xã hội đi lên. Bởi vai trò quá đa dạng và tác động quá mạnh mẽ của chính trị nên càng ngày, con người càng sử dụng chính trị như một phương tiện nắm bắt quyền lực. Trong những hoàn cảnh cực đoan, chính trị đã bị những phe tương tranh lạm dụng công phá lực cản và bức hại đối lập. Do vậy, chính trị đã bị biến tướng và bị gán ép theo ý nghĩa tiêu cực một chiều.  Trong khi thực chất chính trị là một phương tiện sắc bén như cái thiết bảng trong tay Tôn Ngộ Không. Thiết bảng dùng để đánh yêu quái hay làm loạn thiên đình còn tùy vào kẻ sử dụng.

Trong một ý nghĩa tích cực nhất,  Phật giáo là một tôn giáo ‘chính trị’ vì đức Phật xuất thân từ trung tâm quyền lực chính trị của vương triều Tịnh Phạn. Nhưng thay vì sử dụng phương thức chính trị để nắm quyền lãnh đạo, trị nước an dân thì thái tử Tất Đạt Đa đã sử dụng nguyên tắc chính trị để tu dưỡng và an định chính mình. Làm vua tốt cứu được một nước trong một thời; nhưng bậc giác ngộ cứu được mọi loài trong mọi thời.  Đạo Phật đã giác ngộ được vua chinh chiến A Dục Vương (Asoka); và chính vua A Dục sau khi đến với Phật giáo đã trở thành minh quân và giúp đưa đạo Phật quanh vùng Ấn Hà nhỏ hẹp truyền đi khắp năm châu.  Triều đại Lý Trần đem ánh sáng Phật giáo làm ngọn đèn soi tỏ đường đi trị nước an dân… Đạo Phật nhập thế không sợ hãi quay lưng tách rời chính trị.  Nhưng đã từng làm sáng, làm phong phú cho chính trị, giúp những triều đại lãnh đạo chính trị hóa giải thù trong giặc ngoài.  Thái độ chính trị của đạo Phật là không tranh bá đồ vương.  Ngược lại, đạo Phật mặc nhiên xây dựng thái độ chính trị trên căn bản tinh thần Bi-Trí-Dũng.  Lấy Từ Bi để giải quyết vấn đề bằng thiện tâm và phương tiện hòa ái.  Lấy Trí Tuệ để thấy được chánh đạo, nhìn rõ vấn đề đâu là đường hay lẽ phải để giúp mình và giúp người noi theo, tránh được những vũng lầy mê chấp.  Lấy Dũng Mãnh để làm sức mạnh thân tâm mà vững chãi tiến bước lên đường.  Chính trị dựa trên căn bản Bi-Trí-Dũng là nền tảng tri thức và tâm lý ‘thấy việc trái thì tùy duyên góp ý, thấy việc phải thì tỏ lễ thuận hành, thấy việc sai quấy thì ôn tồn lắng nghe để biện giải và góp ý.’  Nếu được như thế thì mới đúng là con đường chính trị của người Phật tử hôm nay…”

Như thế theo huynh trưởng Hoàng Xuân Thiệu, chính trị theo tinh thần Phật giáo rất gần với chính đạo vì đấy là con đường suy nghĩ, tổ chức và hành động theo sự nhân ái (bi), sáng suốt (trí) và ngay thẳng (dũng).

Thầy Thích Nhất Hạnh trong bài “Chính Trị và Tôn Giáo” đã nêu ra các tiêu chí phân định biên giới giữa tôn giáo và chính trị như sau:

“…Nếu tôn giáo là chất liệu của xã hội tính, và nếu chính trị là quyền bính sử dụng xã hội tính ấy để thực hiện những điều mơ ước, thì đâu là ranh giới và quyền hạn giữa giáo quyền và chính quyền ? Giáo quyền và chính quyền có phải là hai thứ quyền hạn hoàn toàn không lệ thuộc gì nhau không? Theo chúng tôi tưởng, mọi sự giản lược hóa vấn đề đều không đem đến cho ta một cái nhìn xác thực. Mọi hiện tượng trong xã hội đều có liên hệ với nhau một cách rất mật thiết và không bao giờ có những ranh giới tuyệt đối giữa hiện tượng này với hiện tượng kia, đúng như nguyên lý vô ngã đã cho ta thấy. Vì vậy trong khi xét vấn đề chúng ta phải cố gắng tránh lề lối cắt xén, bằng trí óc ta, cái thực tại phiền tạp kia ra thành nhiều miếng nhỏ rời rạc.”

Đối tượng của tôn giáo là con người mà đối tượng của chính trị cũng là con người, và dù con người tinh thần hay con người vật chất cũng là con người, cũng là những khía cạnh liên hệ nhau của con người. Như thế làm sao tôn giáo và chính trị không có những tương quan cho được. Điều ta có thể nói là trong khi chính trị dùng những quyền hành quân sự thì tôn giáo dùng những quyền hành tinh thần và tình cảm; trong khi chính trị dùng những phương tiện luật pháp thì tôn giáo dùng những phương tiện đạo đức.

Một bên là pháp trị và một bên là đức trị. Nếu có sự áp dụng đức trị thêm vào trong mặt pháp trị tức là có sự sử dụng tinh thần tôn giáo đạo đức trong phạm vi chính trị. Trong phạm vi tôn giáo nhất là trong những tôn giáo mà giáo quyền quyết định mọi sự áp dụng pháp trị. Và như thế phương pháp của chính trị được áp dụng ít nhiều trong phạm vi tôn giáo. 

… Nếu có ranh giới giữa văn hóa và chính trị thì ranh giới đó chính là sự phân biệt những khí cụ, những phương tiện. Nhà chính trị có những khí cụ và phương tiện khác nhà văn hóa; sự lạm dụng khí cụ của nhau khiến cho hai bên dính vào nhau và văn hóa sẽ mất đặc tính văn hóa.

Rõ ràng nhất là trong trường hợp tôn giáo: tôn giáo xen vào chính trị có nghĩa là tôn giáo muốn dùng đến những phương tiện chính trị hoặc để thực hiện lý tưởng mình hoặc để phát triển uy quyền và thế lực mình trong xã hội. Có thể có tôn giáo quan niệm rằng điều đó là điều tự nhiên, nhưng cũng có những tôn giáo khác không thể chấp nhận như vậy. Ví dụ trong trường hợp đạo Phật. Đạo Phật có thể nhận sự bảo trợ của chính quyền trong trường hợp nhà chính trị thấy lý tưởng đạo Phật thích hợp với đường lối họ (như trường hợp vua Asoka ở Ấn và các vua triều Lý Việt Nam) nhưng đạo Phật không bao giờ muốn nắm lấy quyền bính hoặc có ý thao túng chính quyền. Tuy thế có những tôn giáo tự nhận quyền hành chỉ đạo tinh thần cho cả chính trị và như thế, ngoài phương diện đức trị, những tôn giáo ấy, qua trung gian của chính quyền, dùng cả phương tiện pháp trị nữa. Người lãnh đạo tôn giáo trở thành vua của các ông vua, tổng thống của các ông tổng thống. Ở những xã hội chỉ có một tôn giáo đáng kể thì điều này có thể thực tôn giáo sẽ không còn là tôn giáo nữa. Nói rằng hàm số tôn giáo rất quan trọng trong bài toán chính trị không có nghĩa là nói rằng tôn giáo có thể đóng vai trò chính trị. Nếu tôn giáo không còn là hàm số tôn giáo nữa mà lại là một thứ hàm số khác.”

Các em thân mến,

Qua hai ý kiến nói về bản chất và mối tương quan của chính trị và đạo Phật mà anh em chúng ta vừa cùng nhau theo dõi và chia sẻ trên đây, anh hy vọng là các em sẽ tự mình quan sát, tìm hiểu và học hỏi từ hoàn cảnh thực tế xung quanh mỗi đơn vị GĐPT của chính mình một cách khách quan và chủ động .  Từ đó, các em cần độc lập nhận thức để thấy được sự tương quan của bản thân mình, đơn vị GĐ mình và những người quanh mình với sinh hoạt chính trị có những mặt mạnh, mặt yếu như thế nào.

Như các em biết, khởi từ khái niệm đầu tiên “Polis” của Hy Lạp thì chính trị có nghĩa là một xã hội cộng hòa, cùng làm cùng hưởng đầy lý tưởng.  Càng về sau, chính trị càng bị hiểu và diễn dịch máy móc như là những phương pháp, nghệ thuật; rồi xảo thuật hay thủ đoạn để nắm lấy quyền lực lãnh đạo xã hội.  Ngày nay, quan niệm phổ biến nhất thường cho rằng, “làm chính trị” là hành động đấu tranh để nắm quyền lực. Đạo Phật là một tôn giáo vừa xuất thế, vừa nhập thế nhưng không bao giờ là một thế lực chủ trương nắm lấy hay chia chác quyền lực của thế quyền.  Trong lịch sử, nếu có chăng những thế lực giáo quyền hay nhóm phái tiếm dụng giáo quyền để “làm chính trị” theo chủ trương đấu tranh nắm quyền lực thì hẳn nhiên đó không phải là Phật giáo đích thực hay chỉ là một sự vọng động phi Phật giáo dưới lớp áo choàng Phật giáo mà thôi.

      Nguyên tắc và sự thực hành tinh thần “phi chính trị” của các đoàn thể tuổi trẻ trên thế giới ngày nay có thể khác nhau về khuynh hướng nhưng cách thể hiện rất giống nhau.  Họ không “làm chính trị” theo nghĩa đấu tranh dành quyền lực thông thường, nhưng lại có ý thức về chính trị rất cao.  Trong nhiều trường hợp, họ có thể tiếp cận và hành xử theo những phương pháp của chính trị để giải quyết những vấn đề có liên quan với thế quyền và tương quan sinh động với môi trường xã hội xung quanh.  Một trong nhiều thí dụ điển hình và cụ thể nhất về thái độ “phi chính trị ngay trong môi trường sinh hoạt chính trị” của phong trào Hướng Đạo thế giới là sự đấu tranh với các thế lực chính trị và xã hội sừng sỏ trong nhiều thời điểm và trong nhiều quốc gia để bảo vệ hai nguyên tắc cơ bản nhất của họ:  Đấy là nguyên tắc không cho phép người vô thần (atheism) và đồng tính luyến ái (gay) gia nhập hội. Cuộc đấu tranh gay go nhất là tại châu Mỹ và châu Âu là những nơi quyền tự do tín ngưỡng và luyến ái được đề cao và tôn trọng.  Trong nhiều trường hợp, những thế lực chính trị và xã hội hùng hậu đã xen vào nội bộ Hướng Đạo để vận động đoàn thể nầy phải thay đổi điều lệ và nguyên tắc theo yêu cầu riêng của từng xứ, từng vùng, từng nhóm tổ chức có ảnh hưởng.  Thế nhưng các đơn vị Hướng Đạo ở địa bàn liên hệ đã kiên trì vận dụng mọi hình thức chính trị, pháp lý… để đứng vững với hoàn cảnh, với thời gian và không gian.  Đương đầu với những nguyên tắc chính trị và pháp luật tại nơi sinh hoạt, tổ chức Hướng Đạo có khi thắng, khi thua nhưng cuối cùng vẫn công nhiên xác định và đứng vững trên nền móng cơ bản của đoàn thể mình mà chẳng tạo ra một sự mâu thuẫn hay xung đột nào với hệ thống xã hội hay thế quyền đang lãnh đạo đất nước cả.

            Gần nhất trong thế kỷ 21 là vụ đương đầu sôi nổi giữa trưởng Hướng Đạo Darell Lambert và tổ chức Hướng Đạo tại thành phố Port Orchard, tiểu bang Washington tại Mỹ vào tháng 10 năm 2002.  Darell, 19 tuổi, đã gia nhập sinh hoạt Hướng Đạo từ năm 9 tuổi.  Khi trưởng thành, Darell tuyên bố mình là người không tin vào một đấng Thượng Đế nào cả.  Cấp lãnh đạo Hướng Đạo quốc tế phải định nghĩa khái niệm “hữu thần”, ngược lại với vô thần, được ghi trong cẩm nang Hướng Đạo không nhất thiết phải là Thượng Đế hay tôn giáo mà có thể là niềm tin vào “Vũ Trụ” (Universe) hay “Mẹ Thiên Nhiên” (Mother Nature) cũng có thể chấp nhận được.

            Năm 1998, cặp anh em sinh đôi 16 tuổi là Michael và William Randal, đoàn sinh Hướng Đạo lâu năm tại Orange County xứ Mỹ, đã từ chối tuyên thệ tin vào Thượng Đế nên cũng bị từ chối không cho nhận cấp bằng chuyên Môn Hướng Đạo. Vụ kiện đã kéo dài đến 7 năm tại tòa án quận Cam, California, nhưng sau cùng hai anh em được xử thắng và được nhận cấp bằng bị treo.

            Đã có rất nhiều trường hợp các đoàn thể tuổi trẻ phải đương đầu với các áp lực chính trị thế quyền, nhưng vẫn giữ được đường hướng phi chính trị.  Lý do đơn giản là vì các tổ chức đoàn thể nầy vận dụng quyền chính trị và nguyên tắc chính trị công khai và đúng luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.  Sự vận dụng hoàn toàn không dính líu đến việc chống báng, đả phá hay gây ra tình trạng xung đột, tranh quyền với các thế lực chính trị cầm quyền.  Một chuyên gia chính trị Mỹ đương đại, Rick Perlstein,   trong tác phẩm The Nation (2007) nhận định rằng: “Vận dụng nguyên tắc chính trị và hành xử quyền chính trị mà không ‘làm chính trị’ để tạo xung đột với thế lực đương quyền hay mưu cầu nắm quyền lực chính trị, tức là đã mặc nhiên chọn lựa một thái độ phi chính trị.”

Các em thân mến,

Kinh nghiệm mà tổ chức GĐPTVN chúng ta đã nếm trải trong 65 năm qua có đủ “mặn nhạt, chua cay, lẫn ngọt bùi…” Nhưng sự chua cay gay gắt nhất vẫn thường đến từ kinh nghiệm Phật giáo tiếp cận, tương tác với những môi trường và thế lực chính trị khi đôi bên có những yêu cầu mâu thuẫn với nhau.  Quan sát và suy nghiệm về chủ trương phi chính trị của các đoàn thể quốc tế nói chung, khái niệm “phi chính trị” của họ có thể tóm tắt như sau:

  1. Không làm chính trị:  Không có hành động đấu tranh gây xung đột và hiểu lầm, chống báng với thế quyền.  Không có chủ trương hay gây thế lực nhằm tranh thắng dành quyền với thế quyền.
  2. Không dẫm đạp lên vai trò lãnh đạo quần chúng của thế quyền.  Minh định công khai nhu cầu của đoàn thể mình cần được chính quyền quan tâm, thảo luận và giải quyết trên tinh thần công bằng, tương kính, xây dựng và tôn trọng luật pháp.
  3. Tách bạch vai trò chính trị và vai trò đoàn thể.  Cấp trưởng lãnh đạo và đoàn sinh hay hội viên của một đoàn thể tuyệt nhiên bị nghiêm cấm, không được tùy tiện mang quyền lực hay ảnh hưởng chính trị đời thường vào trong sinh hoạt đòan thể.  Nếu có sự trùng dụng, dính líu nhau giữa hai vai trò, bắt buộc người liên hệ phải chọn một trong hai: Vai trò chính trị hay vai trò đoàn thể.

Bây giờ, các em đã có một cái nhìn cơ bản bước đầu về quan niệm “phi chính trị” của các đoàn thể tuổi trẻ phương Tây.  Có thích hợp hay chăng quan niệm phi chính trị nầy có thể áp dụng với GĐPT chúng ta trong hoàn cảnh đất nước và xã hội hiện nay?  Theo ý kiến riêng của anh, áp dụng quan niệm “phi chính trị” vào GĐPT với nội dung như đã trình bày ở trên là thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của chúng ta.  Rất mong các em đoàn sinh GĐPT và các bậc thiện tri thức bổ khuyết và đóng góp thêm ý kiến.

Ba tiêu điểm: (1) Phi chính trị, (2) độc lập và (3) sáng tạo – trẻ trung hóa – áp dụng cho GĐPTVN trong giai đoạn mới là những mục tiêu cốt lõi mà các “Lá Thư Huynh Trưởng” sau sẽ lần lượt trình bày và thảo luận.

Thư đã dài, thân ái chúc các em khỏe mạnh, trẻ trung và tiến bộ.

Thân mến chào các em

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan