LÁ THƯ HUYNH TRƯỞNG 3

TUỔI TRẺ PHẬT TỬ TRƯỚC SỰ THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI

Trần Kiêm Đoàn

            California, Hoa Kỳ ngày 18 tháng 6 năm 2006                                  Thư gởi các em:
Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Các Em thân mến,

Anh chọn đề tài cho thư nầy là “Tuổi trẻ Phật tử trước sự thách đố của thời đại”.
Đây là một đề tài quá lớn vì con người là sản phẩm của xã hội và thời đại. Trong khi khái niệm xã hội và thời đại có những phạm trù hết sức bao quát. Trong thư nầy, anh chỉ giới hạn trong phạm vị của tuổi trẻ Phật tử với khung cảnh của đất nước mình mà thôi.

 

 

Với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ như hiện nay thì lượng kiến thức khoa học kỹ thuật của nhân loại, cứ mỗi mười năm lại tăng gấp đôi. Song song với sự phát triển của tri thức là khối lượng và chất lượng của sản phẩm kỹ nghệ sẽ tăng theo cùng tốc độ. Hệ quả trực tiếp của những vụ mùa bội thu về cả hai mặt tri thức lẫn vật chất là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng tài nguyên. Sự cạnh tranh điển hình của thế kỷ 21 là tính chất kinh tế thị trường toàn cầu. Tuổi trẻ Việt Nam, nhất là tuổi trẻ đang ở quê nhà, phải trang bị cách nhìn đất nước trong bối cảnh toàn cầu.
Tâm lý làng trên xóm dưới cần phải được thay thế và trang bị bằng tâm lý cộng đồng thế giới.
Riêng đối với tuổi trẻ trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam, sự thách đố của thời đại càng lớn hơn vì trong cùng một thời điểm, các em phải sống – nghĩa là phải suy tư và hành xử – sao cho hòa điệu với cả hai nếp sống Đời và Đạo. Với lịch sử lâu dài của GĐPTVN, tiếng tốt, tiếng thơm của tổ chức được xây dựng nên bằng chính phẩm chất và giá trị của thành viên chứ không phải bằng tên gọi của tổ chức. Tổ chức GĐPTVN đã tồn tại, thử thách và phát huy; được chư tôn đức trong hàng giáo phẩm, Phật tử và đại chúng thương mến, dìu dắt và hỗ trợ. Tuy nhiên nguồn mạch chính vẫn là nhờ lớp lớp huynh trưởng và đoàn sinh qua nhiều thế hệ đã sống đời và sống đạo một cách hài hòa và cao đẹp. Đạo pháp và dân tộc không tách rời nhau trong vai trò của người Phật tử – người công dân giữa cộng đồng dân tộc.
Hôm nay, người Phật tử tuổi trẻ Việt Nam đang đứng trước một thời đại mới. Đấy là giao điểm giữa tổ chức GĐPT trong quan hệ địa phương, đất nước và toàn cầu. Đưa ra một địa bàn không gian rộng lớn và bao quát như thế hoàn toàn không mang tính cường điệu mà đấy là hiện thực. Một bài báo, một quan điểm, một ý kiến cá nhân… chỉ cách đây trên dưới mười năm thôi, phải qua nhiều giai đoạn thư tín, gạn lọc, luân chuyển trong một khoảng thời gian khá dài mới mong được công bố rộng rãi hay gửi đi xa. Ngày nay, chỉ cần đưa lên email hay mạng lưới internet và sau một cái “click” bấm nút nhẹ nhàng, nguồn thông tin đó đã được chuyển đi khắp thế giới. Những huyền thoại hoang tưởng, những che đậy vô minh, những quan điểm cố chấp “ở nhà nhất mẹ nhì con” sẽ không có đất đứng hay nơi trú ẩn trong thời đại nầy.
Gần đây, một chương trình mới được áp dụng trong máy vi tính để dịch từ chữ Hán qua chữ Việt nhanh như có phép “thần thông biến hóa”. Tất cả 2372 bộ Kinh trong các tạng kinh điển Phật giáo bằng chữ Hán được phiên dịch từ chữ Hán qua Hán Việt và từ Hán Việt qua Thuần Việt bằng máy vi tính chỉ mất trong vòng 28 giờ: Các Kinh như A Di Đà, Dược Sư và Kim Cương chỉ mất 10 giây đồng hồ. Các bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm (80 quyển) dịch trong vòng 11 phút. Bộ Đại Trí Độ Luận dịch trong 17 phút. Bộ Đại Bát Nhã (600 quyển) mất 15 phút. Như thế, chỉ trong vòng một ngày, máy móc đã làm thay một công việc mà con người phải tốn cả trăm năm chưa làm xong. Những “phép lạ” như thế đã không còn là phép lạ chỉ mà chỉ là chuyện bình thường, nhất là trong những ngành công nghệ hiện đại.
Khi nói đến sự thách thức của thời đại, người ta liên tưởng ngay đến hình ảnh tiêu cực của kẻ thù, của bạo lực, của những ác tính đang chực chờ hủy diệt con người yếu đuối và bất hạnh. Tuy nhiên, sự thách đố của thời đại mới rất tinh vi và bão liệt; hay nói cách khác là bão liệt một cách tinh vi hơn. Nghĩa là sự thách thức không thô thiển, không đe dọa, không biên cương, không hình tướng như những cuộc đua tranh trên các đấu trường thời quá khứ. Sự thách thức hôm nay là một khuôn mặt vừa thù vừa bạn. Nếu vượt qua được thử thách là bạn, không vượt qua nổi là thù. Nói một cách cụ thể hơn là thử lấy hoàn cảnh của nước ta hiện nay làm thí dụ. Bây giờ là Mùa Phật Đản của năm 2006 Dương lịch. Chúng ta đang ở vào hoàn cảnh kinh tế của vùng Ven Thái Bình Dương (Pacific Rim). Sự thách thức đối với chúng ta hôm nay là cơ hội đồng đều so với các nước trong vùng Đông Nam châu Á về các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, xã hội… Trong khoảng trên dưới một thập niên nữa, khoảng mùa Phật Đản năm 2016, khi tổng kết và so sánh thành quả của ta đạt được so với các nước lân bang, sẽ thấy ngay chúng ta tiến hay lùi theo cái tốc độ nào trong mối tương quan chung của toàn vùng. Và cũng chính từ đó nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rõ mình đã làm được những gì hay chẳng làm được gì cả để đương đầu và vượt qua những thách thức của thời đại. Cái mô thức cổ điển nặng “khẩu nghiệp” nói nhiều hơn làm và lối tự hào cục bộ “cha hát con khen”đã trở thành quá khứ trong xã hội Âu Mỹ ngày nay. Sự tiến bộ của cá nhân và xã hội được kiểm nghiệm và đo lường bằng những tiêu chí cụ thể, khách quan. Do đó, kiểu so sánh tùy hứng và sự thỏa mãn dễ dãi nhất thời của tâm lý tiểu xảo và cung cách tiểu nông như so sánh đơn phương nhà tranh với nhà ngói; làng trên với xóm dưới; Hà Nội với Sài Gòn không có lý do tồn tại trong một cơ chế thị trường toàn cầu mà tuổi trẻ Việt Nam đang đi tới.
Thế đó, sự thách thức đối với một đoàn sinh GĐPTVN hôm nay không giống với sự thách thức đối với các anh chị cựu huynh trưởng và đoàn sinh hơn 30 năm về trước. Sự thách đố đối với tổ chức GĐPTVN đương đại lại càng mới mẽ và phức tạp hơn thời trước. Một đoàn sinh không vượt qua nổi sự thử thách sẽ xa đoàn và trong một tương lai gần, sẽ không dám hay không muốn quay đầu nhìn lại tổ ấm thân thương đầy kỷ niệm một thời của mình. Một tổ chức GĐPT không vượt thử thách, nếu vẫn còn tồn tại sẽ bị lão hóa và mất hết sự tươi mát, trẻ trung, nhiệt thành cần thiết của tuổi trẻ Phật tử.
Các em thân mến.
Qua lá thư nầy, anh chỉ mới đặt ra những vấn đề của chúng ta đang đối diện. Có những vấn đề thiết thân đang ở ngay trước mắt. Nhưng cũng có những vấn đề đang còn ngoài tầm tiếp cận của chúng ta. Trong khung cảnh quê nhà và trong giới hạn của tuổi trẻ Phật tử Việt Nam, anh sẽ lần lượt chia sẻ với các em 3 đối tượng thách đố gần nhất của tập thể huynh trưởng và đoàn sinh GĐPTVN chúng ta: (1) Đạo Phật trước sự thách đố của khoa học hiện đại; (2) tín tâm của người Phật tử trước sự thách đố của tâm lý thị trường toàn cầu; (3) đạo Phật là một triết lý hay một tôn giáo?
Nội dung thư sau anh sẽ cùng với các em chia sẻ và phân tích những suy tư và quan điểm của mình dựa trên căn bản hiện thực và những dữ kiện khách quan, khoa học. Thế hệ đàn anh, dù ở đẳng cấp nào của xã hội hay học vị, đều cần đến sự kế thừa trong đức tin và văn hóa. Muốn có một sự kế thừa trung thực và lành mạnh, thế hệ đàn anh phải biết lắng nghe và trân trọng những ý kiến của thế hệ đàn em, cho dẫu ý kiến đó là một sự phủ nhận có hệ thống và khoa học những giá trị ngỡ như khuôn vàng thước ngọc làm nền tảng trong một thời nào đó. Sự phủ nhận toàn triệt của ngài Long Thọ trong hệ thống phủ định luận Bát Nhã đã không làm cho triết học Phật giáo mất đi một mảy may tơ hào nào cả; ngược lại, chính sự phủ định đó đã mở toang cánh cửa cao viễn nhất để đi vào Tánh Không là trái tim vĩnh hằng của đạo Phât. Chính đức Phật đã dạy rằng: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Bởi vậy, tuổi trẻ các em trong thời đại khoa học kỹ thuật nầy không những chỉ quan tâm mà còn phải có trách nhiệm tri thức là cần phải đào sâu, phân tích để hiểu một cách rạch ròi mọi hệ thống lý thuyết và mọi con đường mà mình tin theo. Thái độ khoán trắng niềm tin là một sự dấn thân tật nguyền phi khoa học.
Anh sẽ rất vui mừng khi nhận những ý kiến phản hồi của các em trên diễn đàn nầy.
Trước khi tạm ngưng thư nầy, anh muốn được chia sẻ với các em một tin vui “nhỏ mà lớn” liên quan đến những hoạt động văn hoá Phật giáo. Đó là buổi hôi luận “liên lục địa” đầu tiên của tòa soạn tạp chí Văn Hóa Phật Giáo tại Việt Nam và các Anh, Chị trong nhóm Thân Hữu Cư Sĩ ở châu Âu và châu Mỹ trong ngày 17 (Mỹ) tức là 18 (Việt Nam) tháng 3 năm 2006. Giờ giấc khác nhau: 7, 10 giờ tối sau một ngày ở châu Mỹ; 4 giờ sáng ở châu Âu; 9 giờ sáng trước một ngày ở Việt Nam. Tuy người ở Pháp, Đức chưa ăn sáng, kẻ ở Mỹ chưa ăn tối, các vị ở Việt Nam chưa ăn trưa, nhưng tấm lòng của người Phật tử trên khắp năm châu chỉ là một. Cuôc hội luận diễn ra liên tục trên 2 giờ đồng hồ. Quanh chiếc “bàn tròn” mà mặt bàn là Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á, châu Âu, châu Mỹ, thầy và các cư sĩ đã chia sẻ tin tức Phật sự và thảo luận những dự án sinh hoạt báo chí, nghệ thuật trong đề cương văn hóa Phât giáo một cách tâm đắc.
Khi thế giới nhỏ lại với phương tiện hiện đại của khoa học kỹ thuật, những tấm lòng có chung lý tưởng phục vụ dân tộc và đạo pháp sẽ có nhiều cơ duyên gần gũi với nhau hơn. Ít ra, trước sự thách thức của hoàn cảnh ngăn sông cách núi, chúng ta đã bắt đầu “nắm tay” nhau đi tới. Sự thách đố của hoàn cảnh có chăng cũng chỉ là bạn, chứ không phải là thù, khi từ trong sâu thẳm của mỗi tấm lòng không còn cảm giác xa lạ hay chẳng còn bị ngăn cách vì lòng người ngại núi e sông, phải không các em?
Thương mến chúc các em thân tâm thường hằng an lạc.
Chào tinh tấn.

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
Email liên lạc: Doantran@sbcglobal.net

Bài viết liên quan