ĐẠO PHẬT TRƯỚC SỰ THÁCH ĐỐ CỦA VĂN HOÁ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Trần Kiêm Đoàn
California, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 5 năm 2006
Thư gởi các em:
Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Các Em thân mến,
Qua Lá Thư Huynh Trưởng kỳ này, chúng ta sẽ tiếp tục nói đến sự thách thức của thời đại đối với Phật giáo nói chung và tuổi trẻ Phật tử Việt Nam nói riêng. Đề tài thảo luận hôm nay sẽ là “ Đạo Phật Trước Sự Thách Đố của Văn Hóa KinhTế Thị Trường”.
Như trước đây, anh em chúng ta đã có dịp nói đến những tính chất đặc thù về nội dung mới của khái niệm Văn Hóa. Nói gọn lại, văn hóa là nếp suy nghĩ, cách hành xử và hệ thống giá trị riêng của cá nhân hay tập thể trong một bối cảnh và hoàn cảnh riêng nào đó. Văn Hóa Kinh tế Thị trường là những mô thức suy nghĩ và sinh hoạt trong khung cảnh mang tính toàn cầu hóa. Đấy là một “điệu sống” (lifestyle) vừa mang bản sắc quốc gia, dân tộc; nhưng đồng thời, cũng vừa mang những tích chất chung của cộng đồng quốc tế, nhân loại.
Tuy cuộc chiến Việt Nam kết thúc và đất nước đã thống nhất hơn 30 năm, nhưng chỉ mới non mười năm trở lại đây thôi, người Việt trong nước mới có cơ hội tiếp cận với cộng đồng thế giới. Gắn liền với dòng lịch sử của đất nước, Phật giáo Việt Nam là mặt hồ phản chiếu những bước đi thăng trầm của dân tộc. Khi đất nước bắt đầu vén cửa nhìn ra thế giới thì cũng là khi Phật giáo Việt Nam chuẩn bị đương đầu với những thách thức mang tính chuyển biến tất yếu của thời đại. Tuổi trẻ Phật tử đang nghĩ gì, nghe gì, thấy gì trước hoàn cảnh mới của dân tộc và đạo pháp?
Để hiểu được phần nào những suy tư, trăn trở của tuổi trẻ Việt Nam, chúng ta thử cùng đọc lại một vài ý kiến trích đoạn qua lá thư mới nhất của Ánh Minh, một nữ sinh viên Phật tử tại Huế gửi đi trong ngày Phật Đản:
“…Con muốn kể cho bác nghe lễ Phật Đản ở Huế đã được tổ chức rất long trọng và con nghĩ bác sẽ rất vui khi nghe kể về một lễ hội hoành tráng và người dân đã nô nức đi xem như thế nào. Ở Huế chùa nào cũng trang hoàng thật ấn tượng và gia đình Phật tử nào cũng trang trí cho nhà cửa và bàn thờ thật ấm cúng và lộng lẫy. Lễ Phật Đản năm nay được xem là lớn nhất từ trước đến nay nên ai ai cũng hân hoan.
Lễ hội xe hoa đi khắp thành phố trong hai đêm 14 – 15; một đêm đi phía Bắc và một đêm đi phía Nam. Con đi học về thấy đường phố tấp nập và ai ai cũng đổ xô ra đường để ngắm xe hoa…”
Ba ngày sau lễ Phật Đản, Ánh Minh viết về cảm nghĩ của mình:
“ Thưa bác, theo lời bác nói thì tuổi trẻ đóng một vai trò quan trọng trong các sinh hoạt xã hội và tôn giáo. Vì vậy, tuổi trẻ chúng con phải biết suy nghĩ và hành xử chín chắn trước mọi sự việc. Tuy nhiên, đôi lúc con thấy những suy nghĩ của tuổi trẻ tụi con không có hòa hợp với Phật Pháp khi mà những con sâu ngày càng nhiều và những nét truyền thống như đang mất dần đi trong tâm khảm tuổi trẻ.
Như bác đã nói trong một thư trước gởi cho đoàn sinh GĐPT là với kỹ năng khoa học hiện tại, có những bộ kinh hàng chục nghìn trang chữ Hán, nay được dịch ra tiếng Việt chỉ trong vòng mấy phút. Vậy thì những giá trị truyền thống và những bài học căn bản của GĐPT và văn hóa Phật giáo sẽ được truyền tải như thế nào khi tụi con muốn tìm tòi? Con thấy hình như mọi người đã quên dẫn dắt tuổi trẻ của tụi con đến với con đường Phật đạo. Đôi khi con thấy lớp người trẻ tuổi ngang bằng con hay nhỏ hơn ngày càng biến chất và đang dần dần xa đi những tinh hoa của dân tộc trong đó có văn hóa Phật giáo. Trên đây chỉ là những đều suy nghĩ đơn sơ của con, nếu có những điều gì chưa đúng, kính mong bác giải thích và chỉ dạy cho con.”
Thư của một em Huynh Trưởng khác ở Nha Trang, viết: “ Từ nhiều năm trước, em nghe nhiều về việc dịch thuật tam tạng kinh điển hay tám vạn bốn ngàn pháp môn của đạo Phật ra tiếng Việt tới mấy chục vạn trang. Nhưng thực tế là cho đến nay, kinh nhật tụng hàng ngày như kinh Cầu An, Cầu Siêu, Tịnh Độ… mỗi kinh chỉ ngắn chừng chục trang mà vẫn còn có vấn đề trở ngại là có chùa đọc theo tiếng Hán Việt, có chùa đọc theo tiếng thuần Việt, có chùa đọc nửa Hán, nửa Việt một cách “tùy nghi”làm tuổi trẻ Phật tử nghe kinh như người ngoại đạo. Tuổi trẻ các em, số còn ở trường tiểu học, trung học phổ thông thì không nói gì, nhưng số đã vào trường đại học rồi mà chẳng hiểu nghĩa kinh. Các em đến chùa như người mù chữ, làm sao mà tu học… cho được. Tâm An Lê Duy Hải.”
Và em Huỳnh Nghĩa ở tại Quảng Nam viết: “…càng ngày nhiều chùa chiền xây dựng rất to lớn và sang trọng. Lễ rước quý thầy đầy cờ quạt, đèn đuốc càng nhiều hơn làm em tự thấy mình càng xa thầy, xa chùa hơn xưa. Có phải đó là hậu quả tác động vật chất của kiểu sống thực dụng mà người ta gọi là ‘kinh tế thị trường’ không thưa anh Nguyên Thọ?
Các em thân mến,
Những ý kiến của Ánh Minh, Tâm An, Huỳnh Nghĩa có gợi lên trong trí các em những suy nghĩ gì không? Các em có cho rằng sinh hoạt của đạo Phật và GĐPT Việt Nam hiện nay đang “tiến”, đang “lùi” hay đang dậm chân tại chỗ? Cả ba ý kiến của Ánh Minh, Tâm An và Huỳnh Nghĩa đều có một điểm gần như trùng hợp là: Hiện nay, sinh hoạt Phật giáo đang tiến về mặt hình thức nhiều hơn là nội dung và tuổi trẻ Phật tử có khuynh hướng bớt gắn bó với thầy, với chùa hơn xưa.
Khi nói về vấn đề hoằng pháp, sư Daw Gunasari, trên xứ Phật Sri Lanka cho rằng: “Hình thức lễ nghi cúng vái thờ tự rực rỡ, ngôn ngữ cường điệu kêu to mà không có một nội dung hay ho tương xứng là một sự trang trí trống rỗng và ngược lại, một nội dung học và hành đạo phong phú mà không có một hình thức tốt làm phương tiện chuyển tải đến người khác, tạo được sự quan tâm của quần chúng là một viên ngọc quý còn bị lãng quên trong cát bụi.” (D,G. Lectures on line, May2006) Muốn biết sự tương quan giữa hình thức và nội dung hay tác động qua lại giữa khuynh hướng kinh tế thị trường và sinh hoạt của đạo Phật, chúng ta cần có một khái niệm cơ bản về những đặc tính tiêu biểu nhất của văn hóa kinh tế thị trường và khuynh hướng hoằng pháp, hành đạo của Phật giáo.
Bốn đặc tính tiêu biểu nhất của văn hóa kinh tế thị trường là: (1) Cạnh tranh, (2) sáng tạo, (3) thực dụng và (4) tư hữu. Bốn yếu tính của văn hóa kinh tế thị trường xem ra khó hòa điệu với các đặc tính tiêu biểu truyền thống của Phật giáo nếu chỉ so sánh và phân tích về nguyên tắc và trên bề mặt của hiện tượng. Nhưng tánh Phật không ly tánh thế gian. Sự uyển chuyển của tinh thần Phật giáo đã được chứng minh qua dòng lịch sử và sự kiện suốt 25 thế kỷ. Sự uyển chuyến đó là “tùy duyên bất biến”. Sự học đạo và hành đạo của cá nhân mỗi Phật tử áp dụng linh động tùy vào từng thời đại, hoàn cảnh và con người. Nhưng con đường cứu khổ và giải thoát của đạo Phật không bao giờ thay đổi. Tinh thần “tùy duyên” là phương thức vận dụng linh hoạt rất phù hợp với tính đa dạng của văn hóa thị trường.
Trước hết, nói đến văn hóa thị trường là nói đến cái “dụng” năng động hơn là cái “thể” thụ động của nó.
Khái niệm về “thị trường” (marketing) thời hiện đại không đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế hay thương mãi mà có ý nghĩa là Những-Lối-Suy-Nghĩ-Khác (Thinking Differences).
“Lối suy nghĩ khác” là một cách nói giản đơn của sự dấn thân để khai phá và sáng tạo về mặt tư duy và sự đào sâu, thí nghiệm về mặt tìm tòi và học hỏi. Sau lưng những nhà phát minh, khai phá, sáng tạo… nổi tiếng bao giờ cũng kéo theo những cái bóng – khi rõ khi mờ — cố gắng sao chép, lập lại hay phản chiếu nguyên hình hoặc tương tự cái “nội hàm” mà xã hội đã chấp nhận và có khi còn cho là chân lý. Sau Khổng tử, Lão tử, Socrate, Euclide, Newton, Michelangelo… đã có không biết bao nhiêu người tự nguyện đặt mình vào thế “đại đệ tử chân truyền” của bậc thầy đi trước. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, mọi sự sao chép, bắt chước nguyên hình không bao giờ đẹp bằng nguyên bản. Bắt chước và mô phỏng mà thiếu sáng tạo là ẩn mình sau cái bóng chết, sau những giá trị quá khứ tù đọng và có khi lỗi thời. Chỉ có sáng tạo và phát minh mới là hành động tích cực tìm về với sự sống sinh động. Thế nhưng khuynh hướng sùng bái tự nhiên đã cột chặt tâm lý con người vào vật chủ. Có khác chăng là sự sơn phết, cắt xén, uốn lượn bên ngoài giúp cho vật sao chép mang một hình thức mới có vẻ khác, nhưng nội hàm của nguyên bản thì vẫn không có gì thay đổi. Chính sự mô phỏng hay rập khuôn nếp cũ và tinh thần sùng bái một đấng thần linh tuyệt đối của hầu hết các tôn giáo đã đưa đến tình trạng tôn giáo và khoa học loại trừ, phủ nhận nhau. Đức Phật thấy rõ bản chất trí lực của chúng sanh nên đã lập đi, lập lại trong nhiều lời dạy còn lưu trong các kinh văn là người học Phật phải biết “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Và ngài còn cho rằng sự tin tưởng mù quáng, không tự mình kiểm chứng đúng sai, dẫu tin vào Phật, cũng là vô minh. Đây là cánh cửa của tri thức luận khoa học Phật giáo mở toang vào thời đại mới của khoa học kỹ thuật, vào không gian kinh tế thị trường không một chút vướng mắc.
Tuy nhiên, nhìn về đạo Phật phải nhìn như ngắm một không gian 3 chiều: Giáo lý là chiều sâu; người theo đạo Phật là chiều rộng; phương thức tu học và hành đạo là chiều dài. Những vấn đề hình thức và cách thức sinh hoạt mà ba em Phật tử trẻ đã nêu trong thư thuộc về chiều rộng và chiều dài. Đấy chỉ là phương tiện cho suối nguồn chảy về biển cả, nhưng nước nguồn có thấm sâu vào lòng biển không thì vẫn còn là câu hỏi. Hình ảnh những mùa lễ Phật tưng bừng, chùa chiền rực rỡ, Phật tử xuất gia và tại gia kinh kệ rộn ràng… chưa phải là ấn chứng của thời kỳ thịnh pháp nếu thiếu đi chiều sâu tâm linh của “tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu”.
Các nước châu Âu và châu Mỹ là những nước tiền phong hội nhập rất nhanh và rất sớm vào dòng văn hóa thị trường. Các tôn giáo lớn ra sức “tôn giáo hóa thị trường” bằng cách truyền cho những con chiên mang những lý tưởng tốt đẹp của đạo vào đời, vào thị trường buôn bán. Ở Mỹ, người ta in luôn cả niềm tin tưởng vào Thượng Đế trên từng đồng bạc (In God We Trust). Theo nhà thần học Doman Lum trong tác phẩm Dân Da Màu (The People of Colors; 1985) thì nước Mỹ đã có một thời thành công trong khuynh hướng tôn giáo hoá thị trường. Đó là khi bằng lương tri và tín điều tôn giáo, Hoa Kỳ đã chuyển hóa được những người di dân có vọng tâm phiêu lưu và tước đoạt trở thành những chủ nhân đồn điền, công ty, hiệp hội ứng xử đầy tính nhân bản với con người thuộc hạ. Nhưng với sự cạnh tranh ngày một gia tăng theo bản chất tự nhiên của văn hóa thị trường, khuynh hướng thực dụng, tôn thờ vật chất, cá nhân chủ nghĩa đã đưa đến nhiều trường hợp ngược lại là “thị trường hóa tôn giáo”.
Tôn giáo, bất cứ đạo nào, đều là mặt thiện, mặt tích cực của đời sống tâm linh. Trong những trường hợp một tôn giáo bị thoái trào, hầu như tất cả đều do sự vô minh của người theo đạo và sự vọng động của cách hành trì tôn giáo đó. Rất hiếm khi sự thoái trào hay phá sản đến từ triết lý hay nguyên lý cội nguồn của một tôn giáo. Đạo Phật cũng không thể ra ngoài thông lệ đó.
Sự thử thách lớn nhất của mọi tôn giáo trong thời đại mới, thời đại văn hóa thị trường kinh tế toàn cầu, theo Mark J. Kinley trong tác phẩm nghiên cứu, nhận định nhan đề “Cao Trào Cực Đoan Tôn Giáo” (Religious Extremists on the Rise; Lotus Sangha, 2005; pp. 207-227) đưa ra ba điều đáng sợ nhất mà các tôn giáo có khả năng đương đầu. Kinley gọi đó là “bộ ba tai họa” (tripple disasters):
- Thế tục hóa tôn giáo: Không có biên giới rõ ràng giữa đạo và đời. Thần quyền và thế quyền tranh dành ảnh hưởng quần chúng nên tôn giáo và chính trị tấn công nhau, loại trừ nhau trực tiếp hay gián tiếp; bằng hình thức nầy hay hình thức nọ. Hệ quả không tránh được là nội tình tôn giáo phân hóa và chia rẽ, gây tình trạng sa sút ảnh hưởng tích cực từ phía hàng ngũ lãnh đạo và suy sụp niềm tin trong mọi giới tín đồ.
- Mê tín hóa tôn giáo: Triết lý và đức tin tôn giáo bị hạ thấp xuống tầm mê tín dị đoan. Biến tôn giáo thành phương tiện thờ cúng nhảm nhí vì kẻ hành xử tôn giáo diễn dịch kinh điển một cách ấu trĩ và sai lạc hoặc vì kém cỏi; hoặc vì cố tình lèo lái đạo theo đường tà, nhằm phục vụ một chủ đích nào đó bên ngoài tôn giáo.
- Kinh tế hoá tôn giáo: Đem tôn giáo ra làm phương tiện đầu tư, đổi chác, kinh doanh để trục lợi, làm ăn. Dùng vật chất mua chuộc người theo và bán đức tin được sơn phết một cách thiếu đức hạnh tôn giáo.
Cầu nguyện cho đạo Phật không dính mắc lâu dài và phiền não vào một “tai họa” nào tương tự như thế cả.
Các em thân mến,
Đưa ra một vài nhận định của chính các em và của các nhà nghiên cứu nước ngoài có liên quan đến vấn đề tôn giáo và đạo Phật để chúng ta có dịp nhìn lại chính mình và đầu tư suy nghĩ thêm. Anh muốn nhấn mạnh và nhắc lại một lần nữa ý kiến đã nói với Ánh Minh, rằng là, thế hệ tuổi trẻ các em không những là tương lai của đất nước mà còn là tương lai của đạo pháp.
Sự thách thức lớn nhất mà tuổi trẻ Phật tử Việt Nam đang đương đầu trước ngưỡng cửa văn hóa thị trường là cần phải biết áp dụng trí tuệ và tâm linh đúng thời, đúng cảnh, nhằm phát huy một cách chủ động, sáng tạo và đầy bản lĩnh quyết đoán tinh thần Bi-Trí-Dũng căn bản của người Phật tử.
Các em ạ, đã từ lâu, theo kinh nghiệm của anh trong Gia đình Phật tử, thế hệ trẻ là những đóa hoa xinh đẹp, là tiếng hát dễ thương của loài chim Ka lăng tần già, là mầm non tươi mát, trẻ trung đầy hứa hẹn trong Vườn Đạo. Nhưng rốt cuộc, các em chỉ là những bóng mờ nấp sau lưng quý Thầy, quý Cư sĩ, quý Bác trong hầu hết các sinh hoạt Phật sự. So với tinh thần xông xáo của tuổi trẻ phương Tây, các em còn thiếu tự tin trong quyết định; thiếu mạnh dạn trong góp ý; thiếu độc lập và sáng tạo trong nhiều công tác Phật sự quan trọng. Tinh thần thụ động hay ỷ lại vào thế hệ đàn anh của tuổi trẻ, thường bị xem là khuynh hướng “thoái trào” trong văn hóa thị trường tại các nước có nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Cách nhìn của đạo Phật là vạn pháp công bằng, mọi ý kiến đều có giá trị và cần phải được xem xét cẩn trọng như nhau. Bởi vậy, anh ước mong rằng, chính các em có trách nhiệm phải làm cho tiếng nói tuổi trẻ các em cũng có sức mạnh và tác dụng đáng trân trọng như tiếng nói của thế hệ đàn anh.
Mùa Phật Đản năm nay đã để lại những vọng âm đượm ánh Đạo Vàng. Đây là thời điểm nhắc nhở chúng ta nên dành thì giờ nhiều hơn để viếng chùa, quan chiêm quý Thầy, quý Sư Cô đang trong thời kỳ An Cư Kiết Hạ.
Hẹn các em thư sau. Rất mong những ý kiến đóng góp cởi mở và thẳng thắn của các em để duy trì nội dung “Lá thư huynh trưởng” nầy thành sân sau sinh hoạt của toàn thể gia đình Áo Lam của chúng ta.
Anh chúc các em thân thương những ngày đầu Hè đầy an vui và phước hạnh.
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
Liên lạc: