LÁ THƯ HUYNH TRƯỞNG 8

HỬ SUY NGHĨ VỀ MỘT HƯỚNG SINH HOẠT THÍCH HỢP CHO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI (1).

Trần Kiêm Đoàn

California, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 7 năm 2007

Thư gởi các em:

Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN)

Các Em thân mến,

Đã lâu, chúng ta không còn tiếp tục chia sẻ và thảo luận về những đề tài liên quan đến sinh hoạt tuổi trẻ và GĐPT Việt Nam.  Lý do có thể có nhiều nhưng nguyên nhân thì chỉ có một.  Đó là sự thiếu tiếp cận với hoàn cảnh cụ thể và chưa có đủ các dữ kiện cập nhật về khuncảnh xã hội và đời sống thực tiễn ở quê nhà.

Đợi mãi cho đến giữa tháng tư 2007 năm nay, anh mới có dịp về thăm.  Đây là lần thứ tư, gần 10 năm sau chuyến thăm quê lần trước, anh mới có dịp trở lại tiếp cận với đất nước, con người và xã hội nước mình từ sau ngày Việt Nam chính thức gia nhập vào thị trường thế giới qua WTO, hiệp ước MFN với Mỹ, đóng vai trò đối tác quan trọng trong khối ASEAN…

Sau bảy tuần lễ đi bằng Honda, xe nhà, taxi, tàu bay, tàu lửa, tàu thủy… và đi bộ từ vùng đất mũi Cà Mâu ra tới miền non xanh nước biếc Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, anh càng thấy được thiên nhiên hoa gấm và sự chuyển mình của đất nước một cách thực tiễn hơn.  Đồng thời, anh cũng có nhiều cơ hội tham dự và tận mắt nhìn thấy được sinh hoạt Phật giáo và hiện trạng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam chúng ta rõ hơn.

Mặc dầu sự phát triển và biểu hiện chưa đồng đều và đồng bộ giữa ba miền Bắc, Trung, Nam; nhưng ảnh hưởng Phật giáo qua lễ nghi và cung cách được thể hiện rõ nét trong đời sống tâm linh của đại chúng từ thành thị đến nông thôn.  Người ở xa trở về trong mùa Phật Đản, cứ tưởng không khí đón mừng Phật Đản chỉ nhen lên trong những vùng quanh Huế.  Nhưng rõ ràng là hình ảnh Phật Đản nhẹ nhàng và an lạc nở rộ, hay hé nở từ Nam ra Bắc.  Miền Nam chuẩn bị Phật Đản với vẻ sống động của một vùng đất cửa ngõ “kinh tế thị trường” của đất nước với hình ảnh rất nhiều chùa chiền và tự viện đang trùng tu, xây dựng to lớn hơn.  Miền Trung, đặc biệt là Huế, chuẩn bị Phật Đản với một vẻ trầm ấm, khiêm cung, nhưng lắng đọng vào bề sâu.  Miền Bắc (Hà Nội và vùng chung  quanh Hà Nội) chuẩn bị Phật Đản với dáng vẻ phong quang riêng biệt của một ngày lễ hội vì hầu hết các chùa có tiếng lâu đời như Trấn Quốc, Quán Sứ, Chùa Láng, Một Cột… đều cùng thờ Phật, Thánh, Thần trong chánh điện.

Riêng đối với sinh hoạt của GĐPT Việt Nam tại quê nhà, trong vòng 40 năm qua, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn không có gì thay đổi nhiều.  Anh đã có dịp đến thăm, lễ Phật, và cùng tham dự sinh hoạt với các em trong nhiều đơn vị GĐPT ở Nam và Trung.  Những tiểu tiết về nội dung và hình thức sinh hoạt ngày nay chỉ có thay đổi và khác nhau đôi chút so với thời gian mấy chục năm về trước.  Bất cứ ở đâu, khi được sinh hoạt gần gũi với các em, cái cảm giác dịu hiền, gần gũi, thân thương của anh chị em Nhà Lam vẫn còn nguyên như hương sen ngọt ngào không hề thay đổi với thời gian.

Vâng, các em, ráng giữ cho chúng ta hình ảnh ấy.  Bản chất có sẵn của GĐPT giữa cuộc đời không bị thô nhiễm như hoa sen giữa ao hồ.  Thế nhưng trước sức công phá dập vùi của gió chướng, của ảnh hưởng ngoại cảnh, của môi trường sống… sẽ làm cho hoa sen bị ảnh hưởng biến chất.  Tùy theo sức sống bên trong và tác động bên ngoài, những đóa sen tinh khiết ấy sẽ nở thành đại đóa thơm tho hay co ro cằn cỗi phong trần.  GĐPT chúng ta giữa cuộc đời cũng có thể ví von bằng hình tượng của hoa sen như thế các em ạ.  Khi thế giới xung quanh, đất nước, xã hội và hoàn cảnh sống thay đổi, chúng ta không chạy theo đuôi; nhưng phải tự điều chỉnh và cải thiện để sống còn mà không sống mòn.

Khi anh có dịp đi từ Nam chí Bắc mới tận mắt, tận nơi nhận ra đất nước mình đang chuyển biến.  Sự chuyển biến do tác động của hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan đang xuất hiện dưới nhiều dạng thức.  Nhưng sự biểu hiện rõ nét nhất là các khía cạnh sau đây:

– Sự chuyển mình theo hướng toàn cầu hóa:  Theo dõi lượng thông tin trên báo chí và các trang website độc lập từ trong nước cũng như ngoài nước, người ta thấy rõ là Việt Nam đang bung ra khỏi vỏ ốc của một vị trí ưu thế nhưng chỉ có giá trị trang trí và văn bản như “cửa ngõ chiến lược vùng Đông Nam châu Á” để đi vào thực tế.  Thực tế hôm nay là Việt Nam đang tỏa vào cộng đồng quốc tế với một vóc dáng và sức bật mới.

– Kinh tế thị trường: Bên cạnh lượng sản phẩm vật thể và phi vật thể xuất nhập khẩu đang luân lưu trao đổi trên thị trường, cái não trạng kinh tế thị trường (marketing mentality) – cách nhìn, cách nghĩ và cách trao đổi trong mối quan hệ song phương: Mua/bán, nói/nghe, trao/nhận, qua/lại, cho/nhận… – đang được thể hiện thường xuyên và rộng khắp trong quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế hàng ngày.

– Nếp sống tâm linh:  Trở thành một nhu cầu tất yếu khi các yêu cầu cơ bản của đời sống vật chất đã tạm ổn định hay thỏa mãn.  Hiện tượng cúng tế rầm rộ, làm đám chay, trai đàn giải oan, lễ hội chiêm bái, thờ phụng thần linh, đốt vàng mã… đang diễn ra một cách khá phổ biến khắp nước.  Hiện tượng thể hiện niềm tin tâm linh nầy đang mang theo cả hai mặt mạnh và yếu, sáng và tối của nó. Nếu vắng bóng những hình thức tôn giáo có tín lý và tổ chức nghiêm túc, nếp sống tâm linh sẽ chuyển biến thành hình thức mê tín dị đoan tiêu cực.  Hậu quả của sự mê tín, phiếm thần là làm nghèo nàn, trì trệ nếp sống tinh thần lành mạnh và văn hóa truyền thừa phong phú của dân tộc.  Ngược lại, khi đời sống tâm linh có cơ sở tín lý và thực hành có tổ chức và quy cũ, nó sẽ làm giàu đẹp thêm cho sức mạnh tinh thần của người dân.

Các em thân mến,

Trước sự chuyển biến chung của xã hội rộng lớn, riêng hệ thống GĐPT chúng ta đã chuyển biến như thế nào?

Thông thường, nếu chuyển biến quá nhanh để vượt lên hay bắt kịp mạch sống chung, chúng ta vừa có cơ may là hiện đại hóa được tổ chức của mình. Nhưng đồng thời, cũng rất có thể bị chệch hướng hay lạc đường vì thiếu một bản đồ cập nhật có ghi tên những con đường mới mở.  Trái lại, nếu không có sự biến chuyển thích nghi thì chúng ta sẽ rất dễ đi đến tình trạng bị lỗi thời, lão hóa, tụt hậu.

GĐPT chúng ta đang ở đâu giữa hai tình huống có vẻ như cực đoan nói trên?

Theo sự quan sát, tìm hiểu, phân tích và thỉnh ý với một số quý Thầy, Sư Cô và một số các anh chị huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT VN các cấp, anh có một vài nhận định sơ khởi như sau:

–  Tổ chức và sinh hoạt GĐPT hiện nay tại quê nhà không tách rời tình hình sinh hoạt chung của các khuynh hướng đạo Phật (anh cố ý tránh nhắc đến khái niệm Giáo Hội) trong nội bộ.  Nghĩa là “Thầy nào, trò nấy”.  Nói rõ hơn là hầu hết các em đoàn sinh và phần đông các anh chị huynh trưởng đang sinh hoạt trong một ngôi chùa nào đó đều nhất tâm theo Thầy của mình.  Thầy, thường là vị trụ trì của chùa và đồng thời cũng là thầy cố vấn giáo hạnh cho GĐPT nơi đó.

–  Hình thức sinh hoạt nói chung là tiếp tục duy trì nếp sinh hoạt cũ, chú trọng trên bốn mặt chủ yếu là: Phật pháp tu học, hoạt động thanh niên, văn nghệ thể thao, từ thiện xã hội.  Đây rõ ràng là một cái khung sinh hoạt cơ bản cho lớp Phật tử tuổi trẻ.  Trong cái khung cổ điển nầy, không sinh hoạt tuổi trẻ Phật tử không lo bị chệch hướng, lạc đường nhưng rất dễ bị lão hóa, cứng nhắc, thiếu sự khai phóng và hết hấp dẫn, níu kéo tuổi trẻ.  Được tiếp cận nhiều đơn vị GĐPT trong nhiều khung cảnh thành thị và thôn quê khác nhau, anh rất xúc động trước cung cách lễ độ, nhu hòa, ngoan đạo của các em.  Nhưng đồng thời, nỗi ưu tư trong anh cũng dấy lên khi cảm nhận khuynh hướng già nua trong khung trời tuổi trẻ.  So với nếp sinh hoạt thanh niên cởi mở, sáng tạo, độc lập và hồn nhiên của tuổi trẻ Âu, Mỹ trong các sinh hoạt đoàn thể trẻ như Hướng Đạo (Boy scouts, Girl scouts); YMCA (Young Men’s Christian Association – Thanh Niên Tin Lành);  UNYA (United Nations Youth Associations – Tuổi Trẻ Liên Hiệp Quốc)… thì nếp sinh hoạt của GĐPTVN chúng ta đang đứng sững lại ở ngã ba đường của “sinh hoạt tu học” hơn là hoạt động thanh niên.

– Những cái bóng nặng nề của thế hệ đàn anh vẫn còn là những di lụy, những ám ảnh, những ngăn trở trên đường bay của tuổi trẻ.  Được tiếp xúc riêng với một số anh chị Huynh Trưởng, anh hiểu được rằng, mỗi đơn vị GĐPT có riêng những nỗi khó khăn và thuận lợi.  Tuy nhiên, có một sự phàn nàn tỏ ý quan ngại khá tiêu biểu cho hướng tiến của GĐPT trong bao năm qua và đang kéo dài đến hiện tại.  Đấy là thực trạng về một số anh chị Huynh Trưởng ở cấp lãnh đạo cao hơn là đơn vị GĐPT đã áp đặt ảnh hưởng, khuynh hướng, danh chức, sức mạnh của cá nhân mình lên sinh hoạt chung của tập thể GĐPT, bất chấp hậu quả pháp lý và tâm lý tác động tai hại cho tổ chức chung như thế nào.

Anh còn nhớ trong thời Phật giáo tranh đấu 1963 – 1966 ở Huế, khi anh còn là liên đoàn trưởng của GĐPT Liễu Hạ, một lần bị rượt đuổi và ăn lựu đạn cay gần chùa Từ Đàm, phải chạy qua núp ở chùa Châu Lâm.  Ôn Châu Lâm (bổn sư đã ban pháp danh Nguyên Thọ cho anh) cho uống ly trà nóng và dặn dò: “Con phải biết tách bạch huynh trưởng Nguyên Thọ ra khỏi sinh viên Trần Kiêm Đoàn đa nghe!” Thuở ấy, anh chỉ ngoan ngoãn thưa: “Dạ, bạch ôn, con nghe lời ôn”; nhưng chưa hiểu hết.  Mãi hơn 40 năm sau, khi đã qua nhiều cơn gió bụi của lịch sử, mới thấm thía lời dạy về sự rạch ròi cần thiết giữa đời sống tâm linh và nhân sinh; giữa thế quyền và giáo quyền; giữa tạm thời và xa thẳm; giữa giới hạn và vô cùng.

Đầu tháng 5 – 2007, trong dịp anh được mời thuyết trình về đề tài “Ảnh hưởng Phật giáo trong đời sống tâm linh của giới trí thức Mỹ” tại trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán tại Huế, có một đạo hữu đến hỏi: “Tôi có đọc cả bảy Lá Thư Huynh Trưởng của anh đăng trên Văn Hóa Phật Giáo.  Lá thư cuối cùng anh có hứa hẹn là sẽ viết và đề nghị một cách sinh hoạt tương đối hợp lý cho GĐPT trong hoàn cảnh mới.  Nhưng sau đó, anh không viết nữa.  Tôi rất thông cảm là anh cũng bị ‘bí’ như chúng tôi ở đây thôi…” Lúc đó anh chỉ cười mà không nói gì, nhưng thật lòng muốn nói: “Dạ, bí thì cũng chưa bí mà thông thì cũng chưa thông.  Nhưng tôi cần tìm hiểu và suy nghĩ thêm, trước khi đóng góp vài ba ý kiến nhỏ với tuổi trẻ Phật tử Việt Nam”.

Hôm nay, anh muốn hâm nóng lại không khí trao đổi chân tình và thẳng thắn giữa anh em chúng ta trong chiều hướng bàn về con đường trước mặt của GĐPT.  Và thư nầy mới chỉ là một bó củi ướt vừa được phơi khô trở lại để đun vào bếp tư duy.  Anh chị em chúng ta sẽ quây quần quanh bếp lửa Nhà Lam để nói cho nhau nghe như những đêm lửa trại họp bạn, đón Phật Đản, Vu Lan… vẫn còn cháy mãi bập bùng trong ký ức.  Mong đón nhận ý kiến của tất cả.

Vì mỗi thư viết từ bên nầy biển chỉ giới hạn dưới 2000 chữ, nên anh tạm dừng đây.  Hẹn các em thư sau.

Thân chúc các em tròn đầy pháp lạc.

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Liên lạc:

Doantran@sbcglobal.net

Bài viết liên quan