THỬ SUY NGHĨ VỀ MỘT HƯỚNG SINH HOẠT THÍCH HỢP CHO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI (2).
Trần Kiêm Đoàn
California, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 8 năm 2007
Thư gởi các em:
Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN)
Các Em thân mến,
Sau khi Lá Thư Huynh Trưởng 8 – Bài số (1) trong loạt bài nầy – đến với chư thiện hữu và các em, anh rất vui mừng nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ trong và ngoài nước. Ý kiến, nhận định và đề nghị tuy có khác nhau về phía góc nhìn; tâm tình không giống nhau về mức độ; nhưng phản ứng về một hướng đi tương lai cho GĐPT-VN có điểm giống nhau gần như chung nhất: Đó là thời gian và hoàn cảnh đã chín mùi cho một sự duyệt xét, cải thiện và cập nhật về một tiến trình hiện đại hóa lề lối tổ chức và sinh hoạt của GĐPTVN. Bên cạnh nhu cầu cấp thiết của một sự đổi mới, điều quan ngại lớn nhất vẫn là một sự thể hiện hài hòa tinh thần “tùy duyên bất biến.” Nghĩa là sự cải thiện, chuyển hướng cần thiết tùy nghi theo điều kiện và hoàn cảnh nhưng vẫn không làm thay đổi tinh thần từ bi, trí tuệ và dũng mãnh cơ bản của người Phật tử; cũng như không xa rời bảng giá trị tinh hoa truyền thống văn hóa Việt Nam.
Tiền đề cho một sự thay đổi bắt đầu từ đâu?
Xưa nay, những sự cải tổ nghiêm túc đều bắt đầu bằng sự thay đổi định hướng và thay thế thói quen. Sự thay đổi định hướng tuy khó nhưng sự thay thế một thói quen cũ về nếp nghĩ, nếp nhìn, nếp làm còn một trăm lần khó hơn. Cổ điển như chuyện anh hùng Lương Sơn Bạc với 36 thiên cương, 72 địa sát mà Tống Giang cũng phải kêu lên rằng: “Núi cao dời dễ, tính người khó thay!” Thời đại nguyên tử, Einstein cũng phải dè chừng khi nói đến sự thay đổi. Ông ta cho rằng, phá vỡ một nguyên tử còn dễ hơn là phá vỡ một thói quen, một định kiến nơi mỗi con người!
Bởi thế ở Mỹ, khi một sự thay đổi mang tính chất văn bản, mồm mép, quảng cáo mà chẳng có một hành động hay sự chuyển biến cụ thể, hữu hiệu nào cả thường bị gọi một cách nôm na là “Dịch vụ Mồm mép nói suông” (Lip service) hay là chủ nghĩa Băng Dán (Bandagism.) Mỹ có một nền kinh tế phồn thịnh vì trong đời sống hàng ngày Mỹ đã chọn chủ nghĩa thực dụng và mạnh dạn loại bỏ chủ nghĩa mồm mép và băng dán thường chỉ có tác dụng làm suy yếu và kéo lùi hướng tiến của xã hội mà thôi. Chúng ta đã có khi nào định tâm nhìn lại trong ta và quanh ta sự hiện hữu của loại chủ nghĩa mồm mép và băng dán tai hại ấy để loại bỏ nó đi chưa các em?
Trong số những ý kiến tương đối khách quan về sự cần thiết vai trò tiền phong của tuổi trẻ Việt Nam trong khung cảnh toàn cầu hóa của đất nước, có ý kiến của anh Nguyễn Thái Hùng từ Cần Thơ. Anh Hùng đặt vấn đề rằng, anh rất nhiệt tình hỗ trợ cho những sinh hoạt lành mạnh và công ích của các thành viên Hướng Đạo sinh và tuổi trẻ Việt Nam tại quê nhà. Tuy nhiên, anh dang tìm một hướng đi thích hợp và hữu hiệu trong một hoàn cảnh cụ thể của đất nước như hiện nay. Bởi vậy, anh tha thiết muốn biết những hoạt động thanh niên tương tự như thế tại các nước Âu Mỹ để xem thử thế giới bên ngoài có những điều gì hay đáng cho chúng ta noi theo và những điều gì dở đáng cho chúng ta khắc phục.
Có thể nói rằng, những điều về sinh hoạt giới trẻ và những đoàn thể thanh niên Âu Mỹ mà anh Thái Hùng mong được biết thì cũng là điều mà giới đàn anh và phụ huynh Việt Nam cả trong lẫn ngoài đất nước cũng đều muốn biết.
Châu Âu và châu Mỹ là hai lục địa đã khai sinh ra những phong trào, đoàn thể thanh niên, xã hội lớn nhất của thế giới hiện nay như Hướng Đạo, Hồng Thập Tự (Chữ Thập Đỏ), Thanh Niên Tin Lành (YMCA: Young Men’s Christian Association.) Năm 2007, phong trào Hướng Đạo thế giới đã có đến 38 triệu đoàn sinh trên 216 quốc gia. YMCA hiện có mặt trên 126 quốc gia. Chỉ riêng tại Mỹ thì YMCA cũng đang có tới 2.700 hội với trên 20 triệu hội viên. Hội Chữ Thập và Lưỡi Liềm Đỏ thì hầu như có mặt khắp mọi quốc gia trên toàn thế giới.
Liếc nhanh qua những con số về địa bàn, nhân sự và ngân khoản hoạt động rộng khắp và to lớn của các hội đoàn có mặt thanh niên trên toàn cầu để chúng ta chia sẻ với nhau một khái niệm chung rằng, những hội đoàn hoạt động thanh niên và xã hội của chúng ta còn quá khiêm tốn và giới hạn. Riêng về đoàn thể Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tuy về hình thức không phải là một phiên bản của Hướng Đạo; nhưng về mặt hình thức tổ chức hoạt động thanh niên và sinh hoạt ngoài trời rất gần với Hướng Đạo.
Vào thời điểm năm 1942, song song với phong trào Phật học Đức dục, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đưa ra sáng kiến thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đấy là tiền thân của Gia đình Phật tử ngày nay. Hướng sinh hoạt của Gia Đình Phật Hóa Phổ căn bản dựa trên hình thức sinh hoạt của phong trào Hướng Đạo Việt Nam (từ 1930) và Hướng Đạo thế giới (từ 1907) đang phát triển khá mạnh mẽ vào thời đó.
Quan sát, tìm hiểu và suy niệm về kinh nghiệm thực tế của phong trào Hướng Đạo và các đoàn thể thanh niên có tầm cỡ ngày càng lớn mạnh trên toàn cầu để chúng ta cùng học hỏi.
Các em đoàn sinh GĐPT thân mến,
Chúng ta đang nói với nhau trong tình anh em, trong nguyên lý vận hành cơ bản của đạo Phật là chính ta và vạn pháp quanh ta thay đổi trong từng chớp mắt. Anh em ta cần tránh xa định kiến cho rằng, ta mãi mãi là như vầy và người cũng mãi mãi là như thế nọ không bao giờ thay đổi. Trong đạo Phật, tất cả đều đang thay đổi, – Tạc nhật dạ xoa tâm; kim triêu bồ tát diện: Hôm qua lòng quỷ dạ xoa; sáng nay bồ tát mặt hoa sáng ngời – mọi sự đều tốc hành biến hiện trong từng nhấp nháy của thời gian.
Bên cạnh nguyên lý vô thường, chúng ta cũng cần đến với nhau bằng tinh thần vô phân biệt của đạo Phật. Sự phân biệt giữa vô minh và trí tuệ rất rạch ròi, minh bạch. Tuy nhiên, tinh thần trung đạo và ý hướng đối xử không phân biệt vẫn là tinh thần cốt tủy của đạo Phật trong mọi sinh hoạt học đạo và hành đạo. Ta thấy rất rõ kẻ dối trá và người chân thật; nhưng tình thương và ý hướng giúp người thấy rõ đường lành đối với người chân thật và kẻ dối trá là một. Trang bị cho nhau bằng một tinh thần như thế, chúng ta thử nhìn người, rồi nhìn lại chúng ta.
Trước hết, chúng ta tìm đến với phong trào Hướng Đạo quốc tế. Sức mạnh nào đã giúp các Hướng Đạo sinh trên toàn thế giới gồm những cá nhân vốn khác nhau về mọi mặt như văn hóa, chủng tộc, hoàn cảnh, giới tính, ngôn ngữ… hiểu biết nhau, chia sẻ chung cùng lý tưởng, không ngừng vươn lên và phát triển rực rỡ như ngày nay?
Khi trung tướng Robert Baden-Powell trong quân đội Hoàng gia Anh sáng lập phong trào Hướng Đạo đầu tiên năm 1907 tại Brownsea Island, ông đã viết ra những nguyên tắc sinh hoạt rõ ràng cho phong trào Hướng Đạo được ghi trong Cẩm Nang Hướng Đạo (Scouting for Boys; London, 1908). Theo các nhà chuyên môn về tâm sinh lý và trào lưu tuổi trẻ Đông cũng như Tây thì trong số những nguyên tắc cơ bản nhất đã giúp cho Hướng Đạo đứng vững và phát triển trong mọi tình huống chính trị, kinh tế, xã hội và không bị thoái trào bởi những cơn biến động, khủng hoảng về thời cuộc tại nhiều nước trong 100 năm lịch sử của tổ chức nầy là nhờ giữ vững được “3 nguyên tắc thiết yếu nhất cho sự thành công” (3 crucial principles for success). Đó là:
- Độc lập (independence). Vốn là một tướng lãnh trực tiếp cầm quân tại Ấn Độ và châu Phi trong những năm 1880 và 1890, Baden-Powell chú ý về khả năng ứng phó độc lập để sống còn trong những hoàn cảnh khó khăn của các đơn vị quân đội thường có hiệu quả cao hơn là ngoan ngoãn tuân lệnh cấp trên một cách mù quáng. (www.scouting.org/media/review/2005.html). Phong trào Hướng Đạo của các nước trên thế giới có một truyền thống chung là rất kỷ luật và tuân hành những nguyên tắc tổ chức lãnh đạo và quản lý. Tuy nhiên, tinh thần độc lập và tự trị đối với cá nhân và đội ngũ cũng được đề cao và bảo vệ đến nơi đến chốn. Một trưởng Hướng Đạo lão thành, trưởng William Gardner ở Toronto gợi ý về tinh thần “độc lập có kỷ luật” nầy trong câu nói: “Độc lập là không nhắm mắt hùa theo số đông hay xuôi tay trước thế lực khống chế để làm điều vô lý trái với những nguyên tắc căn bản của Hướng Đạo.”
- Phi chính trị (non-political).Phong trào Hướng Đạo thế giới khẳng định: “Hướng Đạo là tổ chức tự nguyện, phi chính trị và giáo dục.”
Bản chất của chính trị là đấu tranh và nắm quyền lực; trong lúc bản chất của các đoàn thể thanh niên, xã hội nói chung và phong trào Hướng Đạo nói riêng là sống hài hòa và tôn trọng hệ thống quyền lực lãnh đạo của xã hội. Trãi qua hai cuộc chiến tranh thế giới và vô số các cuộc chiến đấu vũ lực và đấu tranh chính trị gay gắt giữa hai hay nhiều phía đối đầu nhau khắp các nước trên thế giới, phong trào Hướng Đạo vẫn không bị chính trị dùng làm phương tiện hay chi phối. Các chế độ chính trị hoàn cầu thay đổi liên tục, nhưng phong trào Hướng Đạo thế giới đã không bị ngã đổ theo trong suốt cả thế kỷ 20 chính là nhờ Hướng Đạo sinh chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc phi chính trị trong mọi sinh hoạt. Từ những năm đầu thập niên 1900, những cuộc xung đột chính tri làm lung lay nề nếp phi chính trị của Hướng Đạo đã xẩy ra như Cuộc Tranh Đấu Nhân Quyền Nam Mỹ, Phong Trào Quốc Gia Kháng Chiến ở Ấn Độ, Xung Đột Chủng Tộc ở châu Phi. Tiếp đến là các cơn lốc chính trị tại châu Âu, châu Á, châu Phi qua hai cuộc chiến Thế giới I (1914-1918), II (1939-1945) và vô số các biến động lớn, nhỏ trong 100 năm qua đã kéo theo cả trăm, nghìn lần các thế lực chính trị trấn áp, mua chuộc, lợi dụng danh nghĩa Hướng Đạo. Nhưng Hội Đồng Hướng Đạo thế giới (WOSM và WAGGGS) đã trực tiếp dấn thân can thiệp trên nguyên tắc tôn trọng và thông hiểu lẫn nhau giữa giới đương quyền, giới đấu tranh dành quyền và các đơn vị Hướng Đạo bị kẹt trong gọng kềm tranh chấp. Trong quá trình can thiệp, những trưởng Hướng Đạo dính líu vào chính trị phải từ chức hoặc phải công khai phân định rõ ràng trước tập thể về hành động tách biệt khuynh hướng hay quyền lợi chính trị cá nhân và chủ trương phi chính trị của đoàn thể Hướng Đạo. Theo trưởng Gardner đã dẫn ở trên thì sức sống bền bĩ và ngày càng vững mạnh của Hướng Đạo chủ yếu là nhờ sự nhất quán của một tinh thần phi chính trị như thế.
- Con người tốt và công dân tốt (good person, good citizen).Người ta thường dẫn ý của Aristote về sự phân biệt giữa một người tốt và một công dân tốt. Một người tốt có thể là một người có nghề nghiệp giỏi, làm việc siêng năng; nhưng anh ta có thể chưa phải là một công dân tốt trong nghĩa vụ tự giác đóng thuế chẳng hạn. Bởi vậy, phong trào Hướng Đạo là một tổ chức quốc tế; nhưng mỗi Hướng Đạo sinh còn phải rèn luyện thành một công dân tốt của tổ quốc mình. Khuynh hướng sinh hoạt để trở thành một công dân tốt đã giúp Hướng Đạo sinh tránh được những sự hoài nghi tiêu cực, tránh được những mâu thuẫn trầm trọng giữa giới cầm quyền và đoàn thể quần chúng Hướng Đạo.
Các em đoàn sinh GĐPTVN thân mến,
Nếu mỗi chúng ta tự đặt mình trong bối cảnh địa phương nơi đất nước mình đang ở, thử quan sát và suy nghĩ về những nguyên tắc sinh hoạt cơ bản của phong trào Hướng Đạo quốc tế; rồi từ đó nhìn lại đơn vị GĐPT của mình. Các em thấy gì và nghĩ gì về thực trạng sinh hoạt hôm nay và hướng đi tương lai cho GĐPT của các em?
Xin hẹn các em thư sau (3) để chúng ta tiếp tục trao đổi với nhau một hướng đi mà mỗi chúng ta đều phải vừa là một thủy thủ, vừa là một quan sát viên và cũng là một thuyền trưởng cho chính “con tàu đời” của mình.
Nhân mùa Vu Lan, thân mến chúc các em những tháng ngày đầy hiếu hạnh.
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
Liên lạc: