Nguyễn An Nhiên
Mẹ Việt Nam của vạn đứa con
Chân trời góc bể chút lòng son
Gặp nhau còn nhớ con thương Mẹ
Thương Mẹ ai đành quên nước non
(Tâm ảnh Mẹ – TKD)
Bản thảo nằm gọn trong đôi tay và sau khi đọc xong nội dung tập thơ, cảm nhận đầu tiên của người đọc là tác giả Trần Kiêm Đoàn đã chọn cái tên thật chính xác cho tập thơ. Đúng như tên gọi, Tâm Ảnh Thơ là một tác phẩm kết tụ những mảnh hình đã khắc ghi vào tâm thức với trải nghiệm có tương tác và cảm xúc trong quá trình sống của tác giả, mà ươm thơ. Nói chung, trong toàn tập, nhiều bài thơ cho thấy, anh là một Người thơ hơn là một Nhà thơ. Thơ đã có sẵn trong trái tim đầy năng lượng và dễ rung cảm của anh và thi ca đến an trú trên mảnh đất tâm này. Có những bài thơ dài anh viết nhẹ nhàng như chuyện kể. Có những câu thơ rất văn xuôi nhưng đầy âm điệu được anh viết ra một cách tự nhiên như nói – những câu nói có vần. Nhà thơ có khi phải chế tác từng con chữ. Người thơ thì thể hiện cách sống và sử dụng ngôn từ thơ một cách dễ dàng qua thái độ và cốt cách. Xa quê nhưng không xa lòng, nhiều trong những bài thơ được anh viết qua năm tháng, người đọc cảm động, có khi vui thích bất ngờ, cũng có những đoạn thơ dí dỏm đáng yêu, có khi phải suy ngẫm.
Dòng chảy trong Tâm Ảnh Thơ được thể hiện rất tự nhiên, không kiểu cách, không phô trương. Thể thơ tự do viết cùng với những thể loại cổ điển khá quen thuộc: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, câu sáu chữ, câu tám chữ … Với thể loại nào, anh vẫn giữ một chất giọng riêng: nhẹ, gợi cảm và tha thiết. Tiếng thơ anh hồn nhiên và sâu lắng. Nói chung, tập thơ là một tác phẩm văn học có vẻ giản dị, nhưng sâu sắc, quý giá.
Trần Kiêm Đoàn là một cây bút phong phú.
Khi viết văn xuôi như tản văn, bút ký, truyện khảo, truyện ngắn, truyện dài, anh tự tin, thông thái; khi viết các tiểu luận về Phật giáo anh nghiêm túc, cẩn trọng; trong những bài nghị luận chính trị anh thẳng thắn, sâu sắc, đôi khi rất thâm hậu … Thế nhưng, trong Thơ, anh chân thật, lãng mạn, đôi khi đầy trắc ẩn, nhưng nói chung rất đỗi dịu dàng.
Trong tập thơ khoảng 120 bài, người đọc tìm thấy dễ dàng, trước hết là sự gắn bó và lòng yêu thương vô vàn của anh dành cho thân quyến: Cha, Mẹ và người bạn đời – mà nhất là Mẹ. Với anh, Cha Mẹ là quê hương. Người bạn đời là người tình ban đầu. Và Em là tình yêu từ tâm ảnh, là tri kỷ, là nàng thơ. Em cũng là Huế. Tình bằng hữu luôn ấm áp trong anh. Đặc biệt hương thiền bàng bạc trong khắp cả dòng thơ anh.
Tâm Ảnh Thơ là kết tủa từ những niềm riêng qua những cánh thư lòng, bằng nét bút đã tạo nên những áng mây dẫu chỉ lướt qua bên trời, nhưng trong khoảnh khắc đầy xúc cảm, sắc màu lam tím lung linh ấy đã rải dài đến tận hoàng hôn của kiếp người. Những bài thơ đượm tình quê hương, mang bóng dáng của Cha và hơi thở của Mẹ, gói ghém cảm xúc với người thương và cả hồi chuông trầm mặc từ một ngôi chùa xa … là ký ức yêu dấu anh đã in sâu vào tâm ảnh.
Cha – Mẹ và Quê hương – Tâm Ảnh Thơ là một tấm lòng.
Là đứa con mồ côi Cha từ ba tuổi, anh xót xa hoài niệm: Những đứa bé quê thời ly loạn. Lớn lên không được thấy cha mình. Đêm đêm heo hút căn nhà vắng. Mẹ tội buồn cúi mặt làm thinh (Còn Cha gót đỏ như son).
Mẹ ơi! Nếu có muôn ngàn vạn kiếp lai sinh… Con cũng chỉ xin được mãi làm con của Mẹ (62, Nhớ Mẹ Mùa Vu lan).
Mẹ không phải là biểu tượng, mà là người thật. Sống và lớn lên bên Mẹ, anh đã khắc hoạ vào tâm ảnh, Mẹ không phải chỉ là bậc sinh thành mà hiện thân của chịu đựng, sự lặng lẽ, nuôi nấng và hiến dâng cho các con không điều kiện. Tác giả viết như người vẽ chân dung về người thân, về chính mình bằng màu sắc từ ký ức – Mẹ và anh. Mẹ anh tuổi chín mươi, da mồi tóc bạc là Huế, là một phần linh hồn Tổ quốc của anh… Người Mẹ, qua thơ, được nâng lên như một vị bồ tát đời thường – người gìn giữ đạo lý không bằng giáo điều mà bằng từng giọt nước mắt, mồ hôi … Có những bài thơ anh viết về Mẹ rất cảm động, người đọc đã không giữ được nước mắt: Áo Vu Lan bông hồng còn Mẹ. Tủi mùa vui con khóc… Mẹ cười. Cuộc chiến tâm hồn quê người bóng xế. Mẹ vẫn còn dù chiếc bóng, Mẹ ơi! (Mẹ già, nhà trẻ)
Nếu quê hương là đất thì Mẹ anh là trời. Những bài thơ viết về Mẹ của anh, có khi ngắn như lời khấn, có khi dài như một khúc kinh. Thơ anh, nhiều khi, như một điệu buồn man mác: Đã bao lần con lạc bước giữa cuộc đời. Tâm ảnh Mẹ hiện về như ngọn đèn khuya. Đốm sáng Mẹ không bao giờ tắt. Dù gió thời gian có lộng đến đất trời (Mẹ ơi). Hay: Tìm một đáy trăng dưới hồ không thấy. Tìm một tình mẹ giữa đời không nguôi. Một bữa trăng đi là một đêm bóng tối. Quảng đời vắng mẹ là chặng đời buồn thôi (Lòng Mẹ đáy trăng).
Kể tha thiết về Mẹ mà không nhắc thêm chút nữa về thành phố quê hương – Huế và Đạo trong thơ Trần Kiêm Đoàn là chưa đủ. Anh là người đàn ông rất giàu yêu thương và luôn sống tự nhiên với tình đạo. Quê hương trong thơ anh là “cõi không nhiên” của trần gian, nơi con người gắn bó không bằng quyền lợi mà bằng tình thương – một vẻ đẹp không thể đánh mất, ngay cả trong tâm của người ly hương, biệt xứ. Do vậy, dẫu chỉ có một “kiếp người”, anh sống như đi trên con đường đạo – tỉnh thức với hiện tại và sẵn sàng hy sinh vì niềm thương quý cho người thương. Ôi trắng quá không ngày mai quá khứ. Lối một chiều đi mãi tới hôm nay. Bến không nhiên hết thảy thế gian này. Chiều vũ trụ chẳng dài hơn chớp mắt (Về lại bến không nhiên). Không phải là một hành giả đã chọn Pháp giới, anh vẫn an nhiên, mỗi thời tĩnh tại, đối bóng với hơi thở chính mình: Ta chờ em ngày một lần mở cửa. Hoàng hôn về ngồi tựa với bình minh. Trong lặng im mình tự biết mình. Dòng chuyển hóa đi về không có nữa … Ta yêu ta yêu mình yêu hơi thở (Về lại bến không nhiên).
Đọc Tâm Ảnh Thơ, người đọc không tìm thấy những bài thơ thuyết pháp, nhưng ý thơ của tác giả đã chạm tới tâm người. Trong cả dòng thơ, có khá nhiều hình ảnh quen thuộc như chỉ có nơi thiền môn: chuông chùa, khói hương, ánh trăng … nhưng tất cả đều được nhìn bằng con mắt thường tại, không cố gắng. Thỉnh thoảng, thơ có ý nghĩa của “sắc – không” – nói mà không nói, vạn pháp đều “như như”, như thiền ngôn nói ra từ vô thanh. Ở đó, người thơ là kẻ rong chơi giữa cõi “vô thường”, vừa thi sĩ vừa là hành giả, vừa cất bước mà cũng vừa buông bỏ. Tình em như hạt bồ đề. Khi cho là nhận khi về là đi. Áo bay mặc gió sân si. Tâm Không rỗng lặng ngại gì đường xa (Như hạt Bồ đề).
Bên người bạn đời – Nhiều lúc, lòng anh vui như trẻ lại.
Một tâm hồn nghệ sĩ, một đạo tâm sống giữa kiếp người, anh không quên giữ một khoảng riêng ưu ái với người bạn đời. Có những lúc đời vui như trẻ lại. Mặc thời gian xóa trắng dấu chân chim. Anh lại thấy chúng mình hai đứa trẻ. Trốn ngủ trưa núp bụi mẹ đi tìm. Sinh nhật em anh bỗng thành cậu bé. Vui hồn nhiên như sóng biển xô bờ. Tình yêu xưa chập chùng trên cát mịn. Nghĩa vợ chồng còn dấu ấn nguyên sơ (Chúc mừng sinh nhật Lê). Và trong bài thơ “Thấy người áo đỏ một mình”, anh viết: Valentine năm nay. Thấy bên bờ biển xanh có một bà áo đỏ. Ngồi một mình giữa mùa Đông lộng gió. Đừng mặc tưởng là lúc nào cũng có … Mãi trăm năm ý hợp tâm đầu, nhất nhật tương phùng vi đại hảo, dù chỉ để cãi nhau, nhưng vẫn còn có nhau. Một ngày kia nắng xế qua cầu (Thấy người áo đỏ một mình).
Bằng hữu cùng anh – Tình người trong cõi tạm.
Bạn hữu trong thơ không phải là nhân vật phụ, mà là những tấm gương phản chiếu chân dung chính anh. Trong những bài thơ gửi cho bạn, người đọc sẽ thấy một Trần Kiêm Đoàn khiêm tốn, biết ơn và đầy xúc động. Anh viết không để kể công, không để tìm sự hồi đáp, mà để ghi khắc một cảm tình, như kẻ đi qua một mùa hoa mà vẫn còn nhặt lại cánh hoa rơi cuối cùng. Chính những bài thơ ấy – có khi như lá thư, có khi như những dòng nhật ký – đã tạo nên chiều sâu nhân bản cho Tâm Ảnh Thơ. Tình bạn, tình người trong thơ anh không bị bi kịch hoá hay lý tưởng hoá. Nó bình dị, thẳng thắn, nhiều khi khôi hài, nhưng luôn mang cái nhìn bao dung và hóm hỉnh của người đã đi qua nhiều lẽ hợp tan mà không mất lòng tin vào điều thiện.
Xin hãy lắng nghe một khúc thơ anh viết tặng cho những người bạn thân năm cũ, đã từng gắn bó bên bờ cỏ sông Bồ: Em! Sông Bồ yêu dấu, là Tình đầu khi chớm yêu, là Mẹ hiền thời niên thiếu, là Chị thương buồn lạc điệu, là Bạn quý tuổi măng tơ. Ba mươi năm biền biệt, tưởng chừng như giấc mơ. Thời gian triều hóa đá, vẫn xanh hoài như xưa. Sông vẫn sâu sao lòng tôi hóa cạn, ngại ra đi nên chẳng đến bao giờ (Ngõ Sông Bồ Tứ Hạ).
Và Em. Tâm ảnh thơ.
Có bóng ai in giữa trang tâm,
Nhẹ như sương khói thoảng hương trầm.
Gối nghiêng mường tượng ân tình cũ,
Sông núi mờ xa vẳng diệu âm. (“Tâm ảnh thơ”)
Em trong thơ anh bước ra từ tâm ảnh. Em là tri kỷ, là nàng thơ. Đôi khi giữa tri kỷ, tình yêu và hương thiền, tâm ảnh chồng chéo lên nhau: Em ngủ lá sen xanh đáy mắt. Mảnh hồn du tử mịn như tơ. Yêu nhau chỉ sợ tình xao động. Mái tóc trầm hương xỏa dại khờ. Nơi một đoạn khác: Em nhé Kinh ơi tình tri kỷ. Chuông ngân khánh điểm mõ gieo duyên. Trang kinh liễu nghĩa vì không tiếng. Có chữ lời không niệm tứ thiền (Đêm đọc Kinh thơ). Và, không phải chỉ Em như sương khói, mà cả tấm tình yêu thương của anh cũng nhẹ như khói sương: Em nhẹ như sương khói. Mơ hồ như khói sương. Bờ bên kia vời vợi. Đi một đời chưa tới. Hoàng hôn đã đến rồi. Về thôi em về thôi. Tóc mây pha màu bạc. Trầm hương xưa bát ngát (Em ngủ trên lá sen).
Có thể nói, đây là điểm nhấn trong cảm xúc thơ của anh. Người thơ yêu vẻ đẹp cao quý – sáng rõ như chân tâm: Giữ lòng em cho anh trong sáng, như trăng thanh làm tỏa ánh mặt hồ. Em khai sáng tự trong dòng niệm tưởng, từ hiện tiền thấy rõ cả hư vô (Về lại không nhiên). Tâm trong sáng và rất chân thành nhưng cũng có lúc anh như muốn đầu hàng với chính mình: Về đi em thời gian không có tuổi. Mỗi ngày qua một bọt nước tan rồi … Dòng chuyển hóa vô tình như nhịp thở. Lạnh tuổi vàng đối bóng với nguyên sơ (Về lại không nhiên).
Và dường như rải rác trong toàn tập thơ, tâm đạo của anh cứ quấn quýt với hương thiền. Mỗi thời thiền buổi sáng hay hoàng hôn. Thời khắc đã trở thành cố định. Chút năng lượng an lành trao gởi với hư vô: Ta chờ em ngày một lần mở cửa. Hoàng hôn về ngồi tựa với bình minh. Trong lặng im mình tự biết mình. Dòng chuyển hóa đi về không có nữa … Ta yêu ta yêu mình yêu hơi thở (Về lại bến không nhiên). Ở một bài thơ khác: Trong ánh hương trầm nghe tiếng mõ. Tiếng chuông khai mở nhịp cầu kinh. Phật đài bỗng hóa ra mây khói. Cụ già kia là Phật đã thành (Không). Cũng như nhiều nghệ sĩ, trong đời sống đôi lúc, có “những chặng thật buồn”, anh đã vịn vào thơ: Có những chặng thật buồn, ngỡ như đời héo hắt. Bolero sến mòn réo rắt, Vì sao và vì sao… Có khi em là rừng, giọt vàng thu rưng rưng; Ngấn lệ thời phai cũ, thay lá mùa thiên thu. Trả lời khi đang hỏi: Vì sao và vì sao. Đất trời dung hóa lại… Nửa giọt cũng ba đào (Làm thơ đi anh).
Vẫn còn rất nhiều nét đẹp trong Tâm Ảnh Thơ, người viết chỉ mong ngừng nơi đây, xin để dành những khám phá thú vị và đáng yêu hơn cho những bạn đọc về sau.
Khép Lời đầu sách.
Người viết xin khép lại Lời Đầu Sách bằng một cảm niệm chân thành. Anh Trần Kiêm Đoàn – một ngòi bút tài hoa đã, đang và sẽ sống rất lâu trong lòng nhiều bạn đọc. Anh đã từng viết rất nhiều tác phẩm với nhiều thể loại trên nhiều sân chơi ngôn ngữ. Với Thơ, anh là người viết giản dị, lãng mạn, sâu sắc và rất giàu yêu thương. Trong tuyển tập thơ này, nếu đọc chậm và kỹ, lắng lòng nghe từ những con chữ được diễn đạt có vẻ như thoang thoảng, nhưng rất tinh tế, bạn sẽ hiểu ý nghĩa bên trong mà tác giả gởi gắm. Phải nói, anh đã vẽ lại từng mảnh tâm tình sâu sắc bằng những bức tranh ngôn ngữ có nghệ thuật, hồn nhiên nhưng rất đậm chất. Tâm Ảnh Thơ là một tác phẩm của tình yêu thâm kín, đẹp mong manh như sương khói, phảng phất hương thiền, lặng lẽ và ấm áp … sẽ đọng mãi trong tâm người đọc.
Về Huế. Tu Bụi. Tâm Ảnh Thơ. Có một lúc vui, anh nói: “Khi ra đi, Về Huế sẽ cùng đi theo nằm bên tay trái anh, Tu Bụi bên tay phải anh. Còn Tâm Ảnh Thơ? Tâm Ảnh Thơ sẽ nằm trên ngực anh…” Tất cả cùng trở về … sắc không …
Người viết bỗng nhớ. Nhạc sĩ Trần Tiến khi nghe người bạn thân là ca sĩ Khánh Ly nói … “Như một lời chia tay”, ông đã bật ra: Không! “Cao bồi sống trên lưng ngựa, nghệ sĩ chị sống bên cây đàn.” Và ông đã viết ca khúc “Phiêu Bạt”. “Cao bồi sống trên lưng ngựa, thằng du ca sống bên cây đàn. Cả hai sống đời lang thang … Cao bồi sống trong hoang mạc, thằng du ca sống xa quê nhà. Cả hai sống đời dạt trôi … Mai này kiếp nhân sinh gọi, buồn hay vui, cũng một cõi đời. Về với chân trời mây trắng … Cao bồi súng buông trên đồi, thằng du ca hát lời giã từ … Cả hai bay vào hư vô …”
Thưa anh Trần Kiêm Đoàn,“Cao bồi sống trên lưng ngựa, thi sĩ anh sống mãi bên đời thơ …”
Anh nhẹ nhàng, dễ thương, sâu lắng như Thơ.
Nguyễn An Nhiên
Huế, 18 tháng 6, 2025