Tập Lược sử quý bà con và thân hữu đang cầm trên tay tuy đơn sơ và khiêm tốn, nhưng đây là kết quả mong ước của nhiều người qua bao nhiêu năm chưa làm được. Đây là thành quả đáng mừng không riêng những người trực tiếp cầm bút, truy tìm tài liệu mà còn của toàn thể bà con và thân hữu làng Liễu Cốc Hạ
Nếu chỉ nói riêng thời hiện đại, kể từ năm 1954, sau bao nhiêu năm chiến tranh, hoà bình trở lại, thế hệ đàn anh kẻ còn người mất, dấu tích đình cũ, chùa xưa còn lụi tàn, mất bóng nói chi đến sử sách xóm làng.
Bởi vậy, ước mong thực hiện một tập tài liệu về “Lịch sử làng Liễu Cốc Hạ” nhằm tập hợp những thông tin, tài liệu về lịch sử thành lập và phát triển của làng theo dòng lịch sử 500 năm từ thời chúa Nguyễn tiến về Nam đến ngày nay vẫn nằm trong mơ ước của thế hệ cha ông và thế hệ kế thừa.
Năm 1958, trong dịp khánh thành Trần tộc từ đường, các bác Trần Kiêm Phổ (tộc trưởng họ Trần) và các bác trưởng tộc họ Nguyễn, họ Cao, họ Phan, họ Hà… khi bàn đến chuyện viết gia phả, tộc phả đã nhiệt thành nói đến một “hương phả” cho làng Liễu Cốc Hạ. Hương phả trong nội dung thảo luận của quý bác là một tập sách viết về lịch sử và sự liên hệ giữa các dòng tộc của làng. Những năm sau đó, ước mơ hương phả của quý bác, quý ôn chìm vào yên lặng. Và những năm tiếp theo, mỗi lần làng có hội hè, cúng tế, vấn đề viết một tài liệu lịch sử của làng dưới hình thức tài liệu phổ biến nội bộ, được in ấn như sử ký, đặc san… lại được mang ra thảo luận. Trước sau cũng gần 70 năm trong ký ức của thế hệ cao niên; bao nhiêu nhân vật tai mắt trong làng đã theo nhau về đất, nhưng một tập sách mang dấu ấn “hương phả” hay lịch sử của làng Liễu Cốc Hạ vẫn chưa xuất hiện.
Khoảng ba mươi năm trở lại đây, hình thức viết hồi ký, Kỷ yếu được ưa chuộng và được tổ chức rầm rộ quanh cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Hiện tượng này khiến những người sinh ra trong thế hệ chiến tranh, đang tiến gần ngưỡng cửa “trăm tuổi” càng khát khao có một cuốn Kỉ yếu để lưu lại dấu tích một thời của làng xóm xa xưa cho con cháu kế thừa.
Vì lẽ đó mà nhiều năm qua, đã có một số bà con, nhân sĩ, trí thức của làng đã khởi viết về lịch sử của làng Liễu Cốc Hạ. Nhưng những bài viết chỉ mới ở mức độ cá nhân nên tất cả chỉ là những bài biên khảo, tùy bút, nhận định riêng lẻ, chưa hội đủ tầm hình thành một tập Kỷ yếu hay lớn hơn là Lược sử.
Với khả năng của Ban biên soạn (BBS) và yêu cầu đang diễn tiến đó, một số nhân sĩ trong làng và thân hữu khắp nơi đã hợp tác tiến hành soạn thảo tập Kỷ yếu cho làng Liễu Cốc Hạ.
Tuy nhiên khi đi sâu vào hình thức Kỷ yếu thì chúng tôi nhận thấy đó là sinh hoạt văn bút nội bộ thường niên và thường kỳ; trong lúc bà con đang thực sự cần một tập tài liệu nói về làng từ xưa đến nay chứ không phải những câu chuyện vui buồn giới hạn nội bộ hằng ngày và hằng năm như Kỷ yếu. Nếu viết về lịch sử thì tính dữ kiện sử liệu và hàn lâm quá lớn không cho phép; nhưng nếu chỉ viết Kỷ yếu thì giá trị khách quan về lịch sử lại bị giới hạn nhiều mặt. BBS chúng tôi quyết định chọn hình thức viết Lược sử.
Để có cái nhìn khách quan và khái quát về hai hình thức Kỷ yếu và Lược sử, BBS xin được trình bày chuyên khảo về đề tài này như sau:
Kỷ yếu là một danh từ Hán Việt. Từ điển Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế ghi: Kỷ là ghi chép, yếu là quan trọng. Ghi chép những điều quan trọng.
Trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2006 và từ điển Hán – Nôm của trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên – Huế thì: Kỷ yếu (Kỉ yếu) 纪要, 擿要, 摘录 là danh từ có nghĩa là tập sách ghi lại những điều quan trọng đáng nhớ.
Hai khuynh hướng khiếm khuyết lớn nhất thường gặp trong việc soạn thảo Kỷ yếu là:
(1) Hoặc quá khô khan bởi nguồn tài liệu nặng về tính chất biên khảo, lý thuyết và lý luận.
(2) Hoặc quá tùy tiện với nhiều hình ảnh sinh hoạt giải trí, mua vui và bài vở nặng tính chất thơ ca, lý thuyết, chuyện kể tưởng tượng.
Cho nên, một tập Kỷ yếu đạt yêu cầu là một tập sách vừa ghi lại được hình ảnh và sự kiện trung thực, vừa là một tập tài liệu mang lại tinh thần hài hòa và sinh động cho người đọc.
Câu hỏi thường được đặt ra là: “Ai là người có quyền viết kỷ yếu cho đơn vị, làng xã hay tổ chức của mình?”. Câu trả lời được ghi trong Bách khoa toàn thư PEDIA là: Tất cả mọi người trong cùng một đơn vị hay tổ chức đều có quyền ngang nhau viết hoặc soạn thảo Kỷ yếu.
Tinh thần Kỷ yếu được thông qua và áp dụng toàn cầu là tinh thần “Year Book” (Tập san biên niên). Đó là cuốn nhật ký ghi lại những sinh hoạt hằng năm của mỗi cơ quan, trường học hay đơn vị. Vì danh từ “Kỷ yếu” còn tương đối mới lạ đối với văn hóa thư tịch nước Việt Nam ta nên đã có hiện tượng xung đột trong nhiều đơn vị hay làng xã bởi sự ngộ nhận vai trò và tác dụng của Kỷ yếu tương tự như “gia phả” hay “sổ hộ tịch”. Trong khi Kỷ yếu đúng nghĩa chỉ là một tập sách ghi lại những điều đã xảy ra (lịch sử) hay điều đáng nhớ (kỷ niệm). Theo tinh thần luật pháp hiện hành thì không có một quyền lực nào khống chế in ấn hoặc phát hành khi đã được Nhà xuất bản cấp giấy phép.
Quá trình biên soạn Kỷ yếu có thể tóm lược thành 4 bước:
- Thu thập thông tin
- Tổ chức biên soạn
- Trình bày, in ấn
- Phát hành
Từ Kỷ yếu đến Lược sử
Phương án thực hiện tập Kỷ yếu làng Liễu Cốc Hạ ban đầu như trình bày ở trên và đã được triển khai gần hai năm qua. Nhưng qua thực tế, Ban soạn thảo chúng tôi đã thật sự nếm trải nhiều thuận lợi tích cực bên cạnh những trở ngại khó khăn.
Thuận lợi đáng ghi nhận là tất cả bà con làng Liễu Cốc Hạ đều có chung nhiệt tình, mong mỏi có được một tập tài liệu nói về lịch sử hình thành và phát triển của làng. Có rất nhiều thành viên ở trong cũng như ngoài làng hăng hái tình nguyện tìm tòi, cung cấp dữ kiện, chứng liệu văn từ và truyền khẩu… cho Ban soạn thảo. Đó là nét son của tinh thần “đất lề quê thói” rất đẹp và quý của người làng.
Trở ngại xin giãi bày là không ít bà con có những phản ứng trái chiều, gây trở ngại và làm nản lòng nhóm thực hiện. Đó là hiện tượng tham vấn chung chung, không có sự trả lời minh bạch; ngay việc liên quan trực tiếp đến lược sử chi phái, dòng họ chính mình cũng không có bài viết hoặc góp ý mù mờ. Bên cạnh đó, có nhiều vị đưa ra những yêu cầu thiếu công bằng và bất hợp lý, mặc nhiên vạch đường cho Ban soạn thảo chúng tôi phải thi hành theo cách “chỉ đạo” đậm nét chủ quan và cảm tính của họ.
Rút kinh nghiệm từ thực tế gần hai năm tích cực hoạt động, BBS nhận định rằng:
– Ban biên soạn chưa xác định hợp lẽ về danh xưng và khái niệm “Kỷ yếu”. Có sự nhầm lẫn giữa Lược sử và Kỷ yếu. Xin mượn lời minh giải tượng hình đầy thú vị của tác giả “Đất lề quê thói” Dương Thái Hùng, rằng: “Hình thức ‘Kỷ yếu’ và ‘Lược sử’ thường bị pha trộn với nhau nên thiếu sự xác định rõ ràng. Nếu hình tượng hóa ‘Kỷ yếu là ao làng’ và ‘Lược sử là dòng sông quy ước’ thì mới hiểu vai trò và vị trí của mỗi đối tượng. Do đó, Kỷ yếu là sản phẩm văn bút, là tập tài liệu mang tính chất nội sự của một làng, xã hay một tổ chức nào đó, nên phải chịu sự khống chế theo tinh thần nội bộ của đơn vị thực hiện. Trong lúc Lược sử là một công trình nghiên cứu về lịch sử và văn chương độc lập chỉ có tác giả (hay nhiều tác giả) chịu trách nhiệm nội dung, thông qua nhà xuất bản”.
Sau khi xem xét quy mô bài vở hiện có, đồng thời tham khảo ý kiến một số Nhà xuất bản cùng các tác giả đóng góp bài vở, BBS chúng tôi quyết định: Thay vì thực hiện một Kỷ yếu làng Liễu Cốc Hạ thì tập tài liệu nầy được thực hiện thành tác phẩm độc lập với nhan đề LƯỢC SỬ LÀNG LIỄU CỐC HẠ.
Mục đích tập Lược sử làng là ghi lại lịch sử hình thành và phát triển làng Liễu Cốc Hạ; minh họa và tái hiện quá khứ, làm sống lại hồi ức; giúp thế hệ kế thừa có được một tầm nhìn tương đối rõ nét về nét đẹp quê hương và tôn trọng những công trình đóng góp của tiền nhân.
Viết lược sử là một tiến trình tái hiện lịch sử từ các văn kiện, sự kiện và dữ kiện. Trong tập Lược sử này, chúng tôi căn cứ trên những thông tin và tài liệu cập nhật mới nhất mà Ban soạn thảo có được; sự trung thực cùng tính chính xác được tôn trọng và ứng dụng hàng đầu và các tác giả chịu trách nhiệm về bài viết của mình. Và tác phẩm này xin được: Không chịu sự chi phối của cá nhân hoặc tập thể nào đi ngược thuần phong mỹ tục và lợi ích chung của dân làng Liễu Cốc Hạ; có quyền độc lập sau khi đã được Nhà xuất bản cấp giấy phép xuất bản.
Dù đã cẩn trọng trong quá trình tham khảo và biên khảo, nhưng do thời gian lược sử đã quá lâu và khả năng giới hạn nên không thể tránh được khiếm khuyết, kính mong các bậc thức giả cảm thông và bổ khuyết.
Xin chân thành cảm tạ bà con cùng thân hữu làng Liễu Cốc Hạ và quý độc giả.
***